BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77523)
(Xem: 63338)
(Xem: 40785)
(Xem: 32416)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xã hội dân sự từ bên trong

07 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 935)
Xã hội dân sự từ bên trong
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Không phải chỉ ở Việt Nam, hầu như ở tất cả các quốc gia toàn trị khác, xã hội dân sự, với tư cách một thiết chế chính thức, cũng không hề tồn tại. Thật ra, điều đó cũng khá đơn giản: thực chất của độc tài và toàn trị là thâu tóm mọi quyền hành và quyền lực vào tay mình; và để làm được như vậy, người ta phải loại trừ người khác, đại đa số người khác, những kẻ thuộc thành phần bị trị, đồng thời cũng là những kẻ, để được làm người, chỉ có một không gian duy nhất để tồn tại: xã hội dân sự.


 
Đối diện với những nước toàn trị như Việt Nam, các học giả về xã hội dân sự không phải chỉ thay đổi về phương pháp luận mà còn thay đổi hẳn cả bản chất của đối tượng, từ đó, định nghĩa của khái niệm mình đang sử dụng: xã hội dân sự.
 
Các định nghĩa kinh điển về xã hội dân sự ở Tây phương đều nhấn mạnh vào bốn điểm chính của xã hội dân sự với tư cách một thiết chế: một, chính thức; hai, tự nguyện; ba, phi lợi nhuận; và bốn, tự trị, nghĩa là độc lập với nhà nước. Ứng dụng bốn tiêu chí ấy vào xã hội dân sự Tây phương, người ta thấy đầy đủ. Không ai thắc mắc gì cả. Nhưng chỉ cần nhìn vào các quốc gia Đông Âu trước đây, nơi đóng vai trò chính trong việc làm phục sinh ý niệm xã hội dân sự, người ta lại thấy ngay tiêu chí thứ tư ở trên không còn trọn vẹn nữa. Người ta đành nhân nhượng giải thích tiêu chí tự trị như sau: Nó chỉ có ý nghĩa tương đối, nơi nhiều nơi ít, không nhất thiết phải hoàn toàn độc lập với chính quyền. Khi nhìn vào châu Á, đặc biệt Việt Nam, người ta nhận thấy, ngay cả khi đã dè dặt và giảm thiểu mức độ như vậy, cái gọi là tính chất tự trị cũng không hề tồn tại. Hơn nữa, cả tiêu chí đầu tiên về tính chính thức cũng không có. Không thể có. Khi cả tiêu chí chính thức và tự trị không có, hai tiêu chí còn lại, về tính tự nguyện và phi lợi nhuận cũng trở thành vô nghĩa.
 
Trước tình trạng thiếu vắng mọi tiêu chí ấy, một số nhà nghiên cứu, như Joseph Hannah (1) và Jorg Wishermann, đề nghị thay đổi cách nhìn: Thay vì nhìn xã hội dân sự như một thiết chế (institution), người ta lại nhìn nó như một tiến trình (process); thay vì khái niệm hóa xã hội dân sự từ góc độ lãnh vực (logic of domain), người ta lại dựa trên logic của hành động (logic of action). Nói cách khác, xã hội dân sự được dùng như một tính từ, chứ không phải một danh từ, để chỉ những kiểu hành động hay tương tác nào đó (2). Theo Jorg Wishermann, hành động xã hội dân sự (civil society action) khác với các loại hành động khác, ví dụ, với các hành động của quyền lực vốn dựa trên quan hệ có tính đẳng cấp (cai trị/bị trị; ra lệnh/vâng lời); với các hành động liên quan đến gia đình hay họ hàng vốn dựa trên sự gần gũi và quan hệ cá nhân. Nó cũng khác với các việc trao đổi, buôn bán hay việc sử dụng bạo lực để trấn áp hay gây chiến tranh. Phát triển từ ý kiến của D. Gosewinkel và D. Rucht, Wishermann cho hành động xã hội dân sự bao gồm bốn kích thước chính: Một, sự tôn trọng người khác và cái khác; hai, sự đồng cảm với người khác; ba, sự sẵn sàng thỏa hiệp với người khác để đạt được mục đích chung; và bốn, tuân theo các luật lệ và nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp với người khác (3).
 
Nhìn xã hội dân sự như một tiến trình, người ta dễ dàng nhận thấy tính chất đa chức năng và đa sắc thái, từ đó, tính chất phức tạp của một xã hội dân sự đang trong quá trình hình thành dưới một chế độ toàn trị như ở Việt Nam. Sơ đồ của Joseph Hannah dưới đây (4), theo tôi, rất bổ ích:



Theo sơ đồ trên, xã hội dân sự có hai chiều: bên phải là phục tùng chính quyền; bên trái là chống đối lại chính quyền; ở giữa hai cực, dĩ nhiên có một vùng giao thoa khá rộng. Ở bên phải, với những mức độ khác nhau, xã hội dân sự có thể trùng lắp với các tổ chức thuộc nhà nước (hoặc đảng). Nhưng ở bên trái, xã hội dân sự phải ít nhiều có tính chất độc lập. Nói chung, mọi hình thức xã hội dân sự, từ chính thức đến không chính thức, với tư cách một tổ chức hoặc một hoạt động, đều nằm trên cái trục ngang ấy.
 
Nhìn xã hội dân sự như một kiểu hành động, người ta nhận thấy bức tranh xã hội dân sự tại Việt Nam không hoàn toàn đen tối và tuyệt vọng như trước. Bất chấp các nỗ lực cấm đoán của nhà nước cũng như sự có mặt thập thò và què quặt của một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, các hành động xã hội dân sự vẫn đang xuất hiện tại Việt Nam. Không nhiều. Nhưng có. Ở các cuộc vận động chống tham nhũng. Ở các phong trào biểu tình chống Trung Quốc. Ở các cuộc hội thảo, đây đó, về một số chính sách của đảng cũng như về việc định hướng phát triển về kinh tế, xã hội và giáo dục cho Việt Nam. Ở những cuộc xuống đường khiếu kiện đất đai của nông dân các nơi. Ở những bức thư kiến nghị gồm cả hàng trăm hay thậm chí, hàng ngàn chữ ký được thu thập và phân tán trên internet.
 
Quan sát các hành động xã hội dân sự tại Việt Nam, người ta nhận thấy hầu như nó xuất hiện ở mọi nơi, không phải chỉ trong các tổ chức phi chính phủ hiếm hoi được nhà nước cho phép và hoạt động một cách èo uột, đầy giới hạn, mà còn cả trong guồng máy nhà nước nữa. Từ những quan sát ấy, các nhà nghiên cứu đi đến một nhận xét khác: Xã hội dân sự, dưới các chế độ toàn trị như Việt Nam, không những không độc lập với nhà nước, mà còn có thể được nảy sinh từ bên trong các tổ chức nhà nước (5).
 
Luận điểm xã hội dân sự phát sinh và phát triển từ bên trong ấy xuất phát từ thực tế: Hầu hết những tiếng nói phản biện và phản kháng có tiếng vang đáng kể trong dư luận đều phát ra từ thành phần được A.L. Vuving gọi là “xã hội dân sự ưu tú thuộc chính mạch” (mainstream elite civil society) hay được Carlyle A. Thayer gọi là “xã hội dân sự chính trị” (political civil society) (6). Ví dụ có thể tìm thấy qua những đổi mới trên tờ báo Văn Nghệ dưới thời nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, những nỗ lực vận động đổi mới vượt ra giới hạn của đảng trong các bài viết của Hội những người kháng chiến cũ hay của Trần Độ (1923-2002), nguyên trung tướng, ủy viên Trung ương đảng, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương. Ngay những người như Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, Dương Thu Hương… cũng vốn là những đảng viên. Trong bài “Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents” đăng trên tờ Harvard Asia Quarterly số mùa xuân năm 2000, Zachary Abuza ghi nhận: trong số hàng trăm người được xem là đối kháng chính trị tại Việt Nam từ sau phong trào đổi mới (dĩ nhiên cho đến năm 2002, lúc ông hoàn tất bài viết này!), có 25 người được xem là nổi tiếng nhất. Trong số 25 người ấy, có 16 người là đảng viên đảng Cộng sản (trong đó có 9 người, cuối cùng, bị khai trừ và hai người tự ý rút ra khỏi đảng). Trong số 16 đảng viên ấy, có 3 người vốn là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, hai người khác là cán bộ cao cấp thuộc Trung ương. Như vậy, theo Abuza, phần lớn những người gọi là đối kháng chính trị tại Việt Nam đều thuộc tầng lớp lãnh đạo (ông gọi là “members of the ruling elite”) (7).
 
Từ luận điểm và những quan sát như thế, Martin Gainsborough khẳng định một cách khá dứt khoát:
 
“Khi những thay đổi chính trị xảy ra ở Việt Nam, điều hầu như không thể tránh khỏi, một bài học từ phần lớn các vùng khác ở Á châu là một sự mở rộng của không gian chính trị dường như chỉ đến từ những thay đổi bên trong cơ chế nhà nước hơn là từ sự nổi dậy của một xã hội dân sự quyết liệt như những gì Tây phương đang tưởng tượng.” (8)
 
Đến đây, chúng ta có thể nhận ra mạch luận lý của các học giả Tây phương: Nhìn vào Việt Nam, không thấy sự tồn tại của xã hội dân sự với tư cách một thiết chế thực sự, họ đề nghị tập trung vào các hành động xã hội dân sự. Theo dõi các hành động xã hội dân sự ở Việt Nam qua các cơ quan truyền thông, người ta nhận thấy chúng gắn liền chủ yếu với những người đã có hoặc đang có vai vế trong guồng máy lãnh đạo của đảng và chính quyền nên đi đến kết luận: thay vì xuất hiện như một thiết chế độc lập và tự trị, ở Việt Nam, xã hội dân sự chủ yếu phát sinh và phát triển bên trong bộ máy nhà nước. Cuối cùng, một hệ luận được rút ra là: Chỉ có những cái bên trong ấy mới có khả năng thay đổi tình hình chính trị tại Việt Nam.
 
Về phương diện học thuật, cách nhìn ấy làm thay đổi khá nhiều nội dung khái niệm xã hội dân sự. Nó cho thấy khái niệm xã hội dân sự thay đổi ở ba tình huống khác nhau: Một, trong xã hội dân chủ, nó có tính chất tự trị và nhằm tạo sự quân bình về quyền lực, từ đó, tăng cường tính khả kiểm của nhà nước. Hai, trong các xã hội chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ (như ở Đông Âu và Trung Âu vào cuối thập niên 1980), nó tương đối tự trị, đóng vai trò đối lập với chính quyền, và nhắm đến mục tiêu thay đổi chế độ. Ba, ở các quốc gia thuộc loại tiền-chuyển tiếp (pre-transition) - một lối nói mang tính uyển ngữ để chỉ các quốc gia toàn trị nặng nề, nó chưa được định hình rõ ràng, nằm đâu đó hoặc trong một tổ chức nhà nước hoặc trên ranh giới giữa nhà nước và xã hội, chỉ được nhận diện qua các hành động có tính chất tập thể nhằm cổ vũ cho một chính nghĩa chung liên quan đến quyền lợi của nhóm hay của cả dân tộc; và nhắm đến mục tiêu dân chủ hóa (ở mức thấp là yêu sách nhà cầm quyền hiện tại gia tăng tính minh bạch; ở mức độ cao hơn, đòi đa đảng).
 
Tôi đồng ý với các nỗ lực khái niệm hóa (conceptualisation) ấy, nhưng tôi không nghĩ nó còn phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay. Trước, cách đây năm mười năm, chúng đúng. Nhưng những phát triển trong sinh hoạt chính trị Việt Nam những năm gần đây cho thấy, thứ nhất, xã hội dân sự đang hình thành tại Việt Nam, dù một cách không chính thức, nghĩa là không được chính phủ công nhận; thứ hai, ở dạng phôi thai ấy, xã hội dân sự không nhất thiết phải làm một con vật ký sinh trong các tổ chức nhà nước. Nó đang tạo lập một thế giới riêng. Chủ yếu là một thế giới ảo. Trên các mạng truyền thông toàn cầu.

Nguyễn Hưng Quốc

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
 
***
(Đây là bài thứ bảy trong loạt bài về “Xã hội dân sự”. Các bài đã đăng:

Kỳ tới: “Xã hội dân sự và mạng lưới truyền thông”)

***
Chú thích:

  1. Trong Joseph Hannah (2007), sđd.

  2. Jorg Wishermann, “Governance and Civil Society Action in Vietnam: Changing the Rules From Within - Potentials and Limits”, Asian Politics & Policy, số 3, năm 2011, tr. 388.

  3. Như trên, tr. 389.

  4. Trong Joseph Hannah (2007). Ở đây, tôi trích từ bài “Vietnam and the Challenge of Political Civil Society” của Carlyle A. Thayer đăng trên Contemporary Southeast Asia số 31 (2009), tr. 1-27, qua bản dịch tiếng Việt của KD trên website Đàn Chim Việt hoặc trên http://www.viet-studies.info/kinhte/Thayer_CivilSociety_translation.htm

  5. Xem Jorg Wishermann, bài đã dẫn, tr. 385-9; Russell Hiang-Khng Heng, bđd., tr. 157; Ingrid Lanlau, bđd., tr. 253; và Mark Sidel, “The Emergence of a Nonprofit Sector and Philanthropy in the Socialist Republic of Vietnam”, in trong cuốn Integrative Report: Emerging Civil Society in the Asia Paicific Community do Tadashi Yamanoto biên tập (1995), Institute of Southeast Asian Studies xuất bản tại Singapore, tr. 293.

  6. Dẫn theo Jorg Wishermann, bđd., tr. 385.

  7. Bài viết này, sau đó, được trình bày tại một cuộc hội nghị về Việt Nam tháng 11 năm 2001 tại Washington D.C., Hoa Kỳ, dưới nhan đề “Loyal Opposition Within the VCP”. Có thể đọc trên www.vpa-inc.org/conference/pdf/abuza.pdf

  8. Dẫn theo Ingrid Lanlau, bài đã dẫn, tr. 253.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn