BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73411)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Số phận và cuộc đời đấu tranh vì tiến bộ xã hội, vì nhân dân của cây bút già Nguyễn Văn Tính

06 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 1032)
Số phận và cuộc đời đấu tranh vì tiến bộ xã hội, vì nhân dân của cây bút già Nguyễn Văn Tính
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nguyễn Văn Tính


Ông Nguyễn Văn Tính sinh năm 1942, ông được sinh ra và lớn lên ở thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, ngoại thành Hải Phòng là con của ông Nguyễn Văn Thơm và bà Hoàng Thị Nhẫn. Từ thủa nhỏ ông Nguyễn Văn Tính lớn lên trong sự giáo dục của người cha là thợ may và người mẹ làm ruộng, ông kế thừa tất cả bản chất của một gia đình lao động nghèo lam lũ quanh năm sống ở thôn quê ven đô thành phố biển. Gia đình ông Tính có 3 người con thì Tính là thứ 2 và là con trai trưởng, nên mọi việc lớn bé đều do ông gánh vác. Từ tấm bé cậu thanh niên trai trẻ Nguyễn Văn Tính đã nuôi trong mình lý tưởng muốn giúp dân, giúp nước sớm thoát cảnh đói nghèo lạc hậu và mọi áp bức bất công. Thời nhỏ khi còn phải căp sách đến trường đi học, Tính học rất giỏi, nhà nghèo nhưng Tính vẫn chăm chỉ học tập, cần cù chịu khó hơn bạn bè. Cậu bé Nguyễn Văn Tính đã tự học từ nhỏ đến lớp 10 và thi đỗ hết bậc trung học phổ thông hồi đó ở miền Bắc VN vào khoảng những năm 1958-1959.

Vào lúc 20 tuổi- cái tuổi mà người khác mới tập tễnh bước vào ngưỡng cửa cuộc đời thì Tính đã làm thầy người khác, làm thầy giáo một thời gian rồi Tính chuyển sang làm cán bộ, sau nữa giữ chức trưởng phòng địa chất huyện Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh. Năm 23 tuổi, giữa cái tuổi thanh xuân trai tráng như vậy chỉ vì muốn giúp dân, giúp nước, vì quá bức xúc không muốn trông thấy những cảnh đói khát, khổ sở của nhân dân trong hoàn cảnh cả xã hội miền Bắc lúc ấy bị ép buộc đi vào con đường “xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo chế độ tem phiếu và cộng sản trại lính khổ hạnh. Thế nên Tính đã quyết định đứng lên thành lập “Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam” cùng một số anh em can trường khác cùng chí hướng đấu tranh, cùng lý tưởng cách mạng như mình. Người thanh niên Nguyễn Văn Tính lúc ấy không muốn trông thấy những sai trái trong đường lối căn bản là sai lầm của đảng lao động Việt Nam tức ĐCSVN ngày nay đưa ra áp dụng lầm lạc làm cho toàn xã hội thêm đói nghèo và đưa lại nhiều hậu quả tai hại chỉ làm cho nhân dân đau khổ điêu đứng them mà thôi. Nhưng với thế lực chính trị và thực tế còn quá yếu ớt cộng với không có nhân lực và tài chính do bên ngoài hỗ trợ, nên anh thanh niên Nguyễn Văn Tính đầy nhiệt huyết đã bị bắt giam ngay sau đấy cùng tất cả các anh em đấu tranh đã tham gia sáng lập ra Đảng Nhân Dân Cách Mạng khi đó. Nhà cầm quyền CSVN đã giam cầm Nguyễn Văn Tính cùng đồng đội của anh tại trại giam Trần Phú khét tiếng giữa TP- Hải Phòng tới hơn 2 năm trời để “điều tra phá án” suốt từ lúc bị bắt giữ vào năm 1965 đến năm 1967.

Trong phiên tòa xử án “tội chính trị chống đảng và nhà nước” của ông Nguyễn Văn Tính cùng 18 đồng đội của mình vào năm 1967, hôm ấy có rất đông những người dân đi xem đảng và nhà nước CSVN xử tội Tính cùng những chí hữu yêu nước khác. Ông Tính đứng trước vành móng ngựa với một tư thế hiên ngang, bất khuất, khi quan tòa cộng sản hỏi : “Vì sao anh lại đứng ra thành lập Đảng Nhân Dân Cách Mạng VN để chống lại đảng, nhà nước và chế độ XHCN của ta ? “. Trước câu hỏi đó Nguyễn Văn Tính đã dõng rạc nói to : “Tôi làm vì dân, vì nước. Tôi thấy nhân dân quá đau khổ, đói nghèo nên tôi làm, có vậy thôi “. Ngay sau khi Tính đáp lại vị quan tòa cộng sản thẳng thắn, ngang nhiên không chút sợ hãi trước cường quyền đại diện của cả chế độ như vậy ngay trong phiên tòa ngày hôm ấy, thì tất cả số nhân dân đến dự nháo nhác ngẩng quay mặt lên xem mặt mũi bị cáo Tính là ai mà trẻ tuổi như thế đã có thể làm một việc lạ thường hơn người.

Cuối cùng hội đồng xử án vẫn “kết tội chính trị âm mưu lật đổ nhà nước và chính quyền nhân dân” cho Nguyễn Văn Tính, ông bị lĩnh án phải ngồi tù giam 7 năm và 5 năm quản chế ở địa phương. Cuộc sống lúc đó của gia đình ông Tính ở quê nhà thật là khó khăn và vất vả, bởi Tính là con trai trưởng nhưng lại phải ngồi tù giam biền biền, gia đình Tính lâm vào tình cảnh thật éo le đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ kiệt cùng hơn. Cha Tính thì đã già, mẹ cũng đã quá vất vả, còn Tính ở trong tù không biết tin tức của bố mẹ ra sao, sống chết như thế nào. Bi đát thay, công lao dưỡng dục của cha mẹ nuôi con một đời mà con lại ngồi tù không báo đáp được gì cho bố mẹ. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau phải bất hiếu mà Tính lại là một người con hết sức thương cha, thương mẹ. Có những đêm nằm trong lao tù của chế độ XHCN ở miền bắc khi đó, Tính nằm khóc một mình nghĩ về cha, về mẹ, không biết ở nhà cha mẹ có phải chịu khổ đau thêm nhiều nữa không ? Trong thời gian ông Nguyễn Văn Tính phải ở trong tù, mẹ Tính đã không may qua đời 1 phần vì tuổi cao, 1 phần vì thương nhớ con trai con quá trẻ và bà chỉ thương cuộc sống trong lao của những người tù chính trị ở miền Bắc lúc đó nó khốc liệt như thế nào khi mà cả xã hội đang lâm cảnh chiến tranh ác liệt, đói kém ghê gớm. Và tù nhân chính trị Nguyễn Văn Tính không hề được biết tin đau đớn cho tận đến ngày ra tù vào đầu năm 1973 khi chính phủ CS Hà Nội buộc phải thả các tù chính trị và tù binh chiến tranh theo quy định của Hiệp định Paris tái lập hòa bình lại Việt Nam. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mất mẹ mà mình không hề được biết, được nhìn mặt lần cuối và được đưa tiễn người đã thân sinh ra mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Thời gian 7 năm trong lao tù của đảng và nhà nước CSVN đã biến Tính thành 1 đứa con bất hiếu với mẹ một cách bất đắc dĩ. Vậy thì bù đắp thế nào cho sự tổn thất tinh thần quá lớn này đây ? Hẳn sẽ không ai trong chúng ta hiểu được nỗi đau mất mát mà người tù Nguyễn Văn Tính đã phải chịu đựng trong suốt quãng thời gian bị đọa đầy trong chốn lao tù thật tàn bạo khốc liệt khi ấy.

Tinh thần ái quốc, vì dân, vì nước của Nguyễn Văn Tính là chỉ muốn đem sức mình ra giúp cuộc đời, giúp nhân dân mà tất cả đều bị lỡ dở bởi thân xác, tâm hồn bị đoạ đầy nơi ngục tù đen tối. Cả tuổi xuân xanh và ước mơ cháy bỏng của tuổi thanh niên đều phút chốc tan biến khi trong đầu điều duy nhất Tính nghĩ đến là cuộc sống của người dân. Cao cả thay lí tưởng trong sáng và hoài bão to lớn rất cao đẹp ấy mà chốn lao tù của chế độ CS không thể huỷ diệt đựơc trong con người này khi đoạ đầy Tính 7 năm ròng rã mà anh đã trải qua rất nhiều trại tù khét tiếng sắt máu ở miền Bắc VN thời ấy. Cho đến đầu năm 1973 người tù chính trị Nguyễn Văn Tính được thả ra theo điều khoản của Hiệp định hòa bình 4 bên tham chiến ký kết. Một thời gian sau khi ra tù Tính về quê lấy vợ là bà Hoàng Thị Nhớ, sinh được 2 con một trai, một gái là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Oanh. Để nuôi con, Tính đã làm lụng vất vả, ngày nắng cũng như ngày mưa, Tính làm tất cả những việc gì có để nuôi vợ nuôi con, trời giá rét căm căm, Nguyễn Văn Tính sẻo bắt từng con tép một để bán lấy tiền về đong gạo chỉ mong cho con được bữa cơm no đủ, phải gánh từng gánh bắp cải ra chợ bán lấy tiền về đong gạo nuôi gia đình. Người thanh niên Nguyễn Văn Tính lúc đó tuổi ngoài 30 đã làm một việc mà không phải người cha nào cũng có thể làm được, thật cần cù chịu khó đúng là một thanh niên nông thôn miền Bắc chịu thương chịu khó chuyên cần, nhẫn nại. Có lẽ những ngôn từ trong kho từ ngữ ở đây không thể nào nói hết được những năm tháng khổ cực của 1 người cha hết lòng vì con cái, một người chồng hết lòng vì vợ và một người dân hết lòng vì đất nước như cựu tù nhân Nguyễn Văn Tính đã sống những năm tháng khi ấy.

Hồi đó đã có những người cán bộ lãnh đạo ở địa phương đến mời ra làm việc cho nhà nước nhưng Tính vẫn một mực từ chối, kiên quyết không cộng tác với nhà cầm quyền của đảng CSVN. Người cựu tù chính trị phạm Nguyễn Văn Tính nghĩ thà sống nghèo khổ còn hơn là chịu đựng phải đứng trong hàng ngũ của đảng CSVN đang cầm quyền. Có người sẽ hỏi vì sao ư ? Chỉ vì Nguyễn Văn Tính không muốn dùng tài năng của mình cống hiến cho bộ máy chính quyền độc tài không đủ khả năng lãnh đạo đất nước tiến đến thịnh vượng, tự do. Một hệ thống bộ máy nhà nước độc đoán, chuyên quyền không hề do bàn tay nhân dân bầu chọn nên bằng lá phiếu kể từ quan chức cấp địa phương quèn đến thượng tầng tối cao ở tít tận trung ương. Trong nhận thức của mình, Nguyễn Văn Tính muốn mình được cống hiến sức mình mọn cho một nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân với những con người thật sự cụ thể, đúng ý nguyện của dân, do nhân dân cầm lá phiếu dân chủ, tự do bầu nên chứ không phải là những ông quan lớn, quan bé tham nhũng quen ăn tiền đút lót để làm giàu cho cá nhân mình.

 Đến năm 1988, do hoàn cảnh, điều kiện khó khăn trong gia đình, Nguyễn Văn Tính đã phải li hôn với người vợ trước và phải nuôi 2 đứa con đẻ của mình và 1 người cha đã già sức quá yếu. Lúc đó gánh nặng đè lên vai người thanh niên ấy thêm một cách khó nhọc và ngày càng nặng nề hơn. Gia đình Tính không có nhà ở là sở hữu riêng của mình mà phải đi ở nhờ nhà chị gái. Quãng thời gian ấy là quãng thời gian Tính phải lao động một cách cật lực hơn, vất vả gian khó hơn giai đoạn trước rất nhiều. Dường như số phận chưa bao giờ mỉm cười với người đàn ông mang trong mình lý tưởng và nhiệt huyết chỉ mong muốn cải cách chế độ chính trị lạc hậu hiện nay thành văn minh tiến bộ thật nhanh chóng, hiệu quả nhất. Đây quả là tư duy tiến bộ, thức thời đã đi sớm trước thời đại, đi trước nhà cầm quyền đến mấy chục năm. Hạnh phúc duy nhất của Tính khi ấy có lẽ chỉ là 2 đứa con nhỏ dại, có ông bố nào mà không thương con nhưng thương con như Tính thì quả là một người hiếm có trên đời này. Người cựu tù chính trị Nguyễn Văn Tính đã phải vất vả khổ sở đi làm dành dụm từng đồng lương ít ỏi để nuôi con, nuôi bố già thân sinh ra mình. Thời gian này Tính phải đi buôn bán nhỏ nên thường hay xa nhà, không được ở gần con, gần bố đẻ, gần gia đình mình. Đến 2 năm sau, tức năm 1990, ông Tính đi thêm bước nữa, người vợ thứ 2 của Tính lần này là bà Dương Thị Hài tức là bà vợ hiện nay và hai vợ chồng đẻ được thêm 2 người con là Nguyễn Phú Thái và Nguyễn Thu Hằng.

Quả thực gánh nặng một lần nữa đè lên vai người thanh niên tội nghiệp như Nguyễn Văn Tính. Thế rồi dành dụm tích cóp mãi, vợ chồng Tính + Hài mới mua được một căn nhà tranh vách đất rách nát ở xã An Đồng, huyện An Hải, ngoại thành Hải Phòng. Tuy phải nói là “căn nhà” để tá túc cho cả gia đình nghèo thì nói cho đúng nghĩa cái căn lều rách ấy nó không đang gọi là nhà chút nào. Bởi căn nhà của vợ chồng Nguyễn Văn Tính nó giống như một cái chuồng nuôi heo, nuôi trâu bò hay súc vật vậy thôi. Khi nằm ở trong căn nhà của vợ chồng Tính có thể nhìn thấy trời, thấy sao, trăng mà không phải ra ngoài để ngắm nhìn. Có nhiều những đêm mưa gió, bão tố lạnh lẽo vợ con không biết tránh né đi đâu đành ngồi dậy mà đội áo mưa thức cho đến sáng hay đến khi bão tan, mưa tạnh. Đến khi bố đẻ Tính chết, trời hôm đó mưa thông 3 ngày liền, dường như con người ấy dù chết vẫn không hết khổ đau, tủi hận, bởi khi mà ông đã trút hơi thở cuối cùng rồi mà mưa vẫn cứ rả rích rơi không ngớt. Từng hạt, từng hạt mưa lạnh cứ thấm sâu vào cái thi thể của người cha Tính đến lạnh ngắt ấy mà ông trời như không chút xót thương số phận gia đình Nguyễn Văn Tính. Hoàn cảnh gia đình Tính lúc ấy vẫn thật gieo neo đói nghèo. Quả thực là cả căn nhà dột nát tứ tung không có thứ gì đáng giá ngoài manh chiếu rách đắp cho ông bố vừa qua đời đang phải chờ vay mượn tiền để chôn cất cho xong. Nước mắt cứ chảy dài trên gương mặt khắc khổ của một người con đã chịu quá nhiều nỗi đau khổ ấy như không bao giờ ngừng lại…

Lắm lúc, ông Nguyễn Văn Tính than rằng tại sao ông trời không thương lấy những người nghèo khổ, vì sao cứ bắt họ khổ nhiều như thế mãi nhỉ ? Ngày 2-9- 1990, bố đẻ Tính mất, thì đến ngày 17-10-1990, vợ Tính sinh con trai đầu lòng, sinh con ra trong cái tình cảnh 3 ngày nhịn ăn phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta để nuôi vợ nuôi con. Trời nắng chang chang, dù chân Tính đau, đến mức phải quấn giẻ vào chân cho bớt dịu cơn đau để cố đi làm thuê là gánh phân đổ xuống ao cá lấy tiền nuôi vợ, nuôi con. Mỗi bữa chủ ao cá họ cho ăn được 1 cái bánh chưng nhỏ và 2 cái kẹo lạc, cộng với vài cốc nước xuông nhạt nhẽo. Thế rồi Tính chỉ dám ăn 2 cái kẹo lạc còn 1 cái bánh trưng đem về cho con, cho vợ đang thiếu thốn, túng đói ở nhà. Đức độ hy sinh quá nhiều về con cái, về hạnh phúc cho gia đình mình dường như chỉ đến với người đàn ông tội nghiệp này khi mỗi tối quây quần bên gia đình đơn sơ và nhìn đứa con nhỏ bé của mình ăn những bữa cơm chỉ mong sao cho no đủ. Có ai hiểu được rằng người cha ấy đã làm những gì để con cái mình được đầy đủ. Ông trời cũng thật bất công khi cứ bắt những người nghèo như gia đình Tính đến Tết vẫn phải chịu khổ sở vô cùng. Năm 1993, vợ chồng Tính sinh được thêm một người con nữa, thời gian này có lẽ đã “đầy đủ” hơn khi trước nhờ có chiếc xích lô đạp mới sắm được để đi làm thuê. Trong tư cách một người lao động làm thuê, làm mướn, Nguyễn Văn Tính đạp xích lô rong ruổi đi khắp nơi trong cái thành phố Hải Phòng nghèo nhỏ bé để đón khách thuê mình chở. Ngày nào có khách thì là ngày vợ con Tính được no đủ, còn ngày nào không có khách thuê chở thì Tính phải nhịn ăn để phần vợ, phần con mà không dám ăn no, ăn ngon cho riêng mình.

Đêm 30 Tết, trời thì rét, đường phố thì đông vui hơn ngày thường, mọi người dân đổ đi mua sắm Tết cho gia đình mình, thì trong cái tầm đón giao thừa nhộn nhịp như vậy thì Tính lại phải ra đường đạp xích lô qua từng đoạn đường để mong kiếm thêm mấy đồng về nuôi vợ, nuôi con. Cả đời Nguyễn Văn Tính sống là để cho dân, cho nước, cho vợ, cho con cái, có lẽ chưa bao giờ Tính sống vì bản thân mình cả. Con người ta sống trên đời lúc nào cũng có 2 chiều hướng là “cho – nhận”, thế nhưng riêng Tính sống thì chỉ có cho đi chứ chưa bao giờ Tính nhận lại được gì từ người khác điều gì.

 Vâng, Nguyễn Văn Tính đã sống một cuộc đời của một công dân yêu nước bình dị và một nhà hoạt động Cách Mạng như thế đấy. Sống ở cái đất An Đồng ngoại thành Hải Phòng suốt 11 năm mà làm xích lô cũng suốt một quá trình dài như thế, Nguyễn Văn Tính đã từng bước thấu hiểu được nỗi khổ đau, đói nghèo mà mình phải chịu đựng và phải chứng kiến cuộc sống đói nghèo của người dân nơi đây càng hun đúc thêm nhiệt huyết đấu tranh mong xã hội, đất nước sớm được đổi thay trong con người ông rất nhiều. Điều đó càng làm Nguyễn Văn Tính nuôi dưỡng trong mình ý nghĩ mang lại cho dân một cuộc sống no đủ hơn ai hết.

Năm 2001, gia đình Nguyễn Văn Tính chuyển nhà sang tổ 2, cụm 1 phường Lãm Hà -quận Kiến An – Hải Phòng như hiện nay đang cư trú. Ở đây do tuổi đã cao, sức đã yếu nên Tính không làm được công việc nặng nhọc như trước và như thời trai trẻ nữa. Tính ở quanh nhà phụ giúp vợ bán hàng ăn sáng cho dân nghèo lao động trong xóm, với gánh bánh đa cua, món quà chỉ dành cho dân nghèo lam lũ. Cứ mỗi buổi sáng với gánh hàng như vậy vợ chồng Tính cũng chỉ được mấy chục nghìn đồng Việt Nam chỉ đủ để trang trải cuộc sống qua ngày hết sức tùng tiệm, dè sẻn. Vì gia đình quá nghèo nên người con trai thứ 3 của vợ chồng ông Tính tức cháu Nguyễn Phú Thái đã phải bỏ học dở chừng chỉ vì nhà không có tiền lo cho đi học tiếp. Vợ chồng Tính cố gắng lo lắng dành cho hết đứa con còn lại học hành đầy đủ. Thế rồi cho đến một ngày trong năm 2006, người cựu tù chính trị Nguyễn Văn Tính được một người bạn mang đến cho các tờ Tập san Tổ Quốc, Tập san Tự Do Dân Chủ và rất nhiều bài viết tài liệu dân chủ, nhân quyền khác nữa của các tác giả trong nước là chính và tất nhiên có cả một số tác giả hải ngoại nữa. Từ thời điểm này trong lòng Nguyễn Văn Tính lại trỗi dậy lý tưởng đấu tranh chính trị mà cả đời mình ấp ủ, có lẽ cũng vì lý tưởng đó Tính đã tạm dằn lòng mình để quên đi trong ông suốt một quá trình dài mà nay trời cho Tính gặp lại nên ý chí hoài bão yêu nước, thương dân lại mãnh liệt trỗi dậy.

Thời thế, thế thời lại được gặp những người bạn tâm phúc quan tâm đến vận mệnh nước nhà nên Tính rất muốn quyết tâm hoàn thành nốt cái tâm nguyện của đời mình khi đã ở tuổi 64. Tiếp đó qua lời giới thiệu của một người bạn nên Tính biết được nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở số nhà 828 đường Trường Chinh cùng quận Kiến An với mình. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cũng là một nhà dân chủ hoạt động lúc đó chưa chuyên tâm và công khai như giai đoạn về sau này, ông là một nhà văn có tên trong Hội văn nghệ thành phố Cảng Hải Phòng. Từ ngày đấy Nguyễn Văn Tính giao du nên đã quen biết được nhiều người có cùng chí hướng như mình hơn ngay tại thành phố biển này như Vũ Cao Quận, Nguyễn Mạnh Sơn…đến thế hệ các em, các cháu nhỏ hơn như Phạm Thanh Nghiên vv… Khi cùng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa lên Hà Nội thì Nguyễn Văn Tính được làm quen với nhiều nhà hoạt động dân chủ khác như ông Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Khắc Toàn…Thế rồi Tính nhận lời viết bài cho Tập san Tổ Quốc do Thanh Giang đứng làm chủ biên. Có những lúc Tính đã được ông Nguyễn Xuân Nghĩa giới thiệu đến nhà báo Nguyễn Khắc Toàn để đưa hồ sơ, chứng cứ và nhờ ông liên hệ với tòa sứ quán Mỹ tại Hà Nội xin cho được đi Hoa Kỳ tỵ nạn chính trị vì cả cuộc đời đóng góp hy sinh đau khổ quá nhiều rồi. Lúc đó Tính đã trao trực tiếp cho ông Nguyễn Khắc Toàn cả những số báo của chính quyền, đảng bộ CS thành phố Hải Phòng, báo công an trung uơng và Hải Phòng….đã đăng các bài + ảnh về phiên tòa chính trị xử án Nguyễn Văn Tính vào năm 1967. Và rồi ông Nguyễn Văn Tính cũng đã tặng nhà báo độc lập này cả bài viết khá ấn tượng của ông tựa đề : “Bốn mươi năm nhớ lại một phiên toà” đã được đăng trên Mạng Thông Luận, Đối Thoại và nhiều trang website khác hồi năm 2007 nhân kỷ niệm 40 năm về trước chính phủ cộng sản Việt Nam tại thành phố này đem ông và tất cả đồng đội ra toà lĩnh án tù giam.

Thế rồi cũng được chính ông Nguyễn Khắc Toàn khuyên giải, phân tích nên ông Tính tạm gác lại ý nghĩ đó để tiếp tục hoạt động trong Phong trào đấu tranh dân chủ ngay trong nước cùng các anh chị em khác. Ông cũng trình bày cho anh Toàn và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ngồi kế bên dự tính của ông sẽ viết cuốn Hồi ký những năm tháng trong lao tù cộng sản dài 12 chương của mình để xuất bản và phổ biến rộng rãi. Chuyện này bộ máy của an ninh của ĐCSVN trong nước qua theo dõi trên điện thoại họ cũng biết nên ra sức ngăn chặn đe doạ cấm ông không được thực hiện ấp ủ thầm kín đó. Trái lại ông đã được nhà báo Nguyễn Khắc Toàn và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khích lệ, động viên rất mạnh mẽ thực hiện bằng đựơc dự định viết cuốn Hồi ký chính trị này để làm chứng tích cho hôm nay và mãi muôn đời sau. Trong khi tham gia viết bài cho tờ tập san Tổ Quốc của Thanh Giang trên Hà Nội, cây bút Nguyễn Văn Tính đã dùng hết khả năng của mình qua lời văn, ông dồn hết sức lực của mình để đòi lại quyền được sống và quyền được làm người cho nhân dân Việt Nam. Các bài ông viết được đăng trên Tổ Quốc, Thông luận, Đối Thoại…vv….dưới cái bút danh mới là Hoàng Hải Minh từ khi taí hoạt động từ năm 2006. Cho đến khi ông gặp lại anh Toàn thì ông không sử dụng bút hiệu này nữa mà lấy tên tuổi thật công khai của mình như lời khuyên của anh Toàn để công luận và bạn đọc biết mà bảo vệ khi bị đàn áp sách nhiễu. Chưa dừng lại ở đó, ông Tính còn tham gia vào một số hoạt động đấu tranh trong nước và ngoài nước một cách tích cực cho đến khi bị bắt lần đầu là ngày 24/9/2008 khi tham gia treo biểu ngữ, khẩu hiệu trên cầu vượt Lạch Tray giữa TP- Hải Phòng vào cuối tháng 8/2008 mà sự kiện này đãlàm rung động công luận trong và ngoài nước.

Ở cái tuổi đã gần thất thập cổ lai hy như vậy mà Nguyễn Văn Tính vẫn phải ngồi tù thêm một lần nữa trong đời mình, vẫn phải chịu đựng khổ cực vất vả. Nếu tổng cộng 2 lần tù cộng sản thì bản thân Nguyễn Văn Tính phải chịu đựng hơn 10 năm trời thật muôn vàn cay đắng, gian khổ, gian nan. Cuộc đời ông Tính phải chịu đựng như vậy là do tất cả chỉ vì 2 chữ “thương dân”, 2 chữ “ yêu nước” mà thôi. Thế nhưng cũng oái oăm thay chưa bao giờ ông được các tổ chức bảo vệ nhân quyền của quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại vinh danh, tưởng thưởng gì cả. Anh chị em tranh đấu trong nứơc nhiều người suy nghĩ là, họ đấu tranh vì dân vì nước, vì đại nghĩa cao cả chứ đâu có phải vì để được nhận lãnh các giải thưởng mà bên ngoài trao cho họ. Có thể cả cuộc đời, cả sự nghiệp đấu tranh của họ rất xứng đáng được nhận lãnh các giải thưởng cao quý nhưng họ không được biết đến, không được vinh danh, không có giải thưởng nào được nhận lãnh, họ cũng không quan tâm lắm vì đấy đâu có phải mục tiêu họ phấn đấu để giành lấy nó. Tuy nhiên nếu bên ngoài cả hải ngoại lẫn quốc tế khi nắm bắt được tình hình thực tế của công cuộc đâú tranh trong nước mà vinh danh, tưởng thưởng cho họ một cách chính xác, đích đáng, thật xứng đáng thì sự cổ vũ động viên đó không chỉ cho riêng họ, mà cho chung cả phong trào lại càng thêm ý nghĩa và hiệu quả biết bao.

Có những người đâu có thành tích đấu tranh là mấy trong vài ba năm qua, sự hy sinh gian khổ, sự chịu đựng khi bị đầy đoạ trong lao tù của mấy chục năm về trước đâu có gì nhiều bằng cảnh ngộ của ông Nguyễn Văn Tính đã phải nếm trải, ấy thế mà từ năm này qua năm khác họ được lĩnh hết giải nhân quyền này đến giải nhân quyền khác là sao nhỉ ? Trong khi tập trung trong tay 1 vài cá nhân quốc nội đủ các loại giải thưởng nhân quyền trong lúc người cựu tù Nguyễn Văn Tính thì mấy ai biết đến chứ đừng nói gì ông được vinh danh, trọng thưởng ? Nhiều khi dư luận chúng ta cảm thấy như họ là những người đi sưu tầm giải thưởng Nhân quyền vậy, như là họ đang là kẻ đầu cơ chuyên lãnh các giải thưởng nhân quyền thì phải, thật vô lý và thiếu công bằng vô cùng. Chúng ta đấu tranh cho một chế độ dân chủ, tự do, có công bằng, văn minh chưa được thành công đến thắng lợi cuối cùng, nhưng trong bối cảnh hiện tại nếu trong Phong trào đối kháng không điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa các bệnh quan liêu, cơ hội, bệnh xa rời thực tế và nạn mưu lợi cho bè phái của mình thì chính chúng ta đang mang lại khá nhiều những thói hư xâú, bất công, phân biệt đối xử hơn cả chế độ độc tài CSVN mà chúng ta đang nỗ lực đấu tranh đòi giải thể triệt để. Đó là chưa kể những tác hại khác làm chia rẽ và suy yếu đi sức mạnh tranh đấu do những lầm lỗi tai hại khi xem xét trao giải thưởng nhân quyền của cả hải ngoại và quốc tế !

Năm nay Nguyễn Văn Tính bước sang tuổi 67, khi ra tù vào 3 năm nữa ông sẽ bước sang tuổi hơn 70, dường như sự an nhàn, ngọt bùi và vui vẻ chưa bao giờ đến với ông cả. Chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Tính được nghỉ ngơi cho đúng nghĩa, chưa bao giờ ông Tính được an nhàn, hưởng thụ và Tính cũng chưa bao giờ đòi hỏi những điều đơn giản đó. Khát vọng của cả một đời cứ đè nặng lên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông như cây bút già Nguyễn Văn Tính khi đã qua cái tuổi lao động từ lâu rồi. Phải chăng Nguyễn Văn Tính sinh ra là để làm việc và cống hiến cho đời, cho nhân dân và cho công cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội ? Cả một đời vì nước, vì dân, cả một đời vì con, vì cháu, cả một đời hy sinh đã quá nhiều mà niềm vui, hạnh phúc, tự do, nhân quyền thì chẳng được bao nhiêu. Nguyễn Văn Tính cứ sống như thế, thật cao cả và không hổ thẹn với bản thân mình và với mọi người xung quanh. Sau 4 tháng tạm giam, ngày 24/01/2009 tại trại tù B14 ở Thanh Liệt, huyện Thanh Trì ngoại ô Hà Nội, Ông Nguyễn Văn Tính được tạm thả ra để tại ngoại chờ ngày cùng các anh em khác ra tòa lãnh án, bởi vì có lẽ công an của đảng và nhà nước không đủ chứng cứ để buộc tội Tính âm mưu lật đổ chính quền nhân dân như vụ án lần trước chăng ? Hay họ tạm thả Tính ra vì nứơc cờ mới và kế hoạch hoặc tính toán hắc ám gì của họ ?

Đến ngày 08/5/2009, ông Nguyễn Văn Tính bị công an trên trung ương từ Hà Nội xuống kết hợp với công an TP Hải Phòng này bắt lại khi trong thời gian tại ngoại công an và chính quyền ra sức khuyên can ông lúc ra tòa chỉ im lặng không nên cãi lại hội đồng xử án, nếu như vậy thì án sẽ nhẹ nhàng, mặt khác được công an, nhà nước tìm việc làm lương cao để cải thiện cuộc sống đỡ vất vả nghèo khổ như hiện nay. Trước lời dỗ dành ngon ngọt như vậy nhưng ông Nguyễn Văn Tính không nghe theo họ, ngược lại ông còn thẳng thắn nói với người sĩ quan an ninh chính trị : “ Tôi cám ơn tấm lòng của quý vị nhưng tôi xin từ khước và quyết định của tôi là sẽ cãi để biện minh cho mình và biến phiên tòa này thành vụ án xử lãnh tụ cộng sản Đimitơrôp của Bungari năm xưa. Tôi đã căn dặn vợ con rồi, là đừng hy vọng sau khi xử án tôi sẽ được trở về nhà mà hãy chuẩn bị cho tôi vài ba bộ quần áo để ở tù tiếp tục…!!!”. Khi bị ông Tính trả lời như vậy, viên công an chính trị của nhà nứơc tức giận lắm nên ra về báo cáo cấp trên và họ đã quyết định ra tay bắt lại ông rồi đưa lên B14 Hà Nội giam cầm tiếp. Đến ngày 9 và 10/10/2009 thì phiên tòa của ông Nguyễn Xuân Nghĩa cùng 5 người khác trong đó có ông Nguyễn Văn Tính được diễn ra tại thành phố ven biển này trong vòng vây an ninh đồ sộ của bộ máy kìm kẹp.

Hôm đó vợ con ông Nguyễn Văn Tính đều đến tòa án rất sớm vì đã lâu con ông không được gặp cha, vợ không được gặp chồng, nhưng khi vừa mới đến tòa án đội ngũ công an đứng rất đông hàng hang, lớp lớp dầy đặc, và họ dứt khoát không cho vợ con Tính vào dự khán trong tòa vì họ nói không có giấy mời. Thử hỏi rằng có kiểu xử án nào trên đời này, trên thế giới này mà khi chính quyền đem chồng ra “xử tội” mà người vợ lại bị cấm ngặt không được vào, xử án cha mà con không được xem thì luật pháp Việt Nam còn có ra cái thể thống gì nữa không. Vậy nhà nước pháp quyền XHCN là thế này đây hay sao ? Trong khi đó quy định những gì trong luật tố tụng là khi xử án công khai phải cho mọi người dân quan tâm được vào xem, vậy xin hỏi như thế tòa án nhà nước này mở ra có đúng quy định của pháp luật không ? Có đạo lý nào như thế không ?

Xét về lý và mặt tư pháp thì làm như thế tức là tòa xử ngầm, xử án bí mật nhưng khi vợ con ông Tính chất vấn, gặng hỏi những người công an bao vây phiên tòa hôm đó thì họ bảo hôm nay tòa xử công khai. Tôi xin hỏi công khai mà dân không cho vào xem, thân nhân bị cáo cũng phải đứng ngoài à ? Xét về tình thì ông Tính đã tuổi cao sức yếu ít ra phải cho vợ con vào để nhìn thấy mặt dù chỉ là nhìn một lần rồi đi ra ngoài cũng được nhưng đằng này họ kiên quyết không cho, họ kiên quyết không cho vào nhìn mặt. Thật là nhẫn tâm tàn ác quá trời cao đất dầy ơi !!!??? 

Khi vợ con ông Tính năn nỉ mãi cuối cùng công an cùng những người nắm quyền mới cho vợ ông Tính vào dự, vào được đến trong tòa rồi có rất đông những người dự thật nhưng chẳng hiểu được những người dự phiên tòa là ai mà đều thấy cử chỉ, mặt mũi họ đều là công an và cán bộ đảng viên CSVN cả thôi. Thấy cũng thật lạ cho phiên tòa chính trị này kiểu gì mà ngay cả người nhà ruột thịt của họ cũng không được vào dự là sao ? Phải chăng số người dự tòa chỉ hầu hết là những lực lượng công an mặc áo dân lành chà trộn vào ngồi dự phiên tòa diễn ra cho có hình thức mà thôi và tất cả trong sự im lặng của vợ ông Tính. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo như thế mặc dù bà rất muốn lên tiếng bênh vực chồng mình nhưng vì sợ không được phát giấy mời sẽ không được vào dự buổi hôm sau nữa, nên bà đành im lặng nhịn nhục. Nói là được dự phiên tòa nhưng thực chất bà bị 2 nữ cảnh sát lúc nào cũng ngồi kèm theo sát bên cạnh, ngay cả lúc bà đi vệ sinh họ cũng theo đi như dẫn giải tù nhân hay tội phạm vậy. Tại sao lại bộ máy an ninh của đảng và nhà nước phải tổ chức canh giữ nghiêm ngặt vợ và thân nhân các bị cáo chính trị đang xử trên tòa đến như vậy nhỉ ? Có uẩn khúc gì à, có khuất tất và mờ ám gì trong vụ án chính trị này chăng mà chính quyền cần phải bưng bít, phải che dấu kỹ càng đến như thế nhỉ ? 

Có lẽ điều này thì chính bộ máy chính quyền và hệ thống luật pháp Việt Nam mới giải thích được thôi. Đến khi phiên tòa ngày thứ nhất kết thúc, vợ ông Nguyễn Văn Tính còn bị mấy công an cầm giữ lại trong tòa không cho ra ngoài, chỉ bởi vì lúc đó họ quan sát thấy ở bên ngoài có rất nhiều cánh phóng viên báo chí quốc tế nước ngoài đang có ý muốn tiếp xúc với các người tù và thân nhân của họ. Có lẽ công an và chính quyền của đảng CS họ sợ các bà vợ những chính trị phạm này sẽ nói ra những điều sự thật, đó chính là những gì bất lợi cho nhà nước và ĐCSVN. Họ bịt miệng chúng tôi để không cho lên tiếng minh oan cho chồng con mình. Họ không cho giải thích và cũng không nghe bất cứ điều gì từ phía những tù và những người dân thường. Vậy nhưng “dân là dân nước, nước là nước” cho dù là thường dân đi nữa thì họ chẳng phải chỉ là những đạo lí vớ vẩn như kiểu này hay sao ? Cuối cùng phiên tòa sơ thẩm ngày hôm ấy cũng đã kết thúc sau 2 ngày gọi là trình diễn xét xử theo đúng luật pháp và kết quả ông Nguyễn Văn Tính bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam. Khi ngồi dự xử án chồng mình, lúc biết được cụ thể các mức án do toà tuyên, vợ ông Tính đã quá bức xúc, khóc thảm thiết bà nói : “Chồng tôi chỉ cầm cây bút viết lên những tờ giấy những suy nghĩ và mong muốn của mình mà chồng tôi ấp ủ bao năm qua, nếu các ông đồng ý thì cho tuyên truyền, còn nếu các ông không đồng ý thì có thể xé bỏ nó đi, có thế thôi. Chồng tôi chỉ đòi quyền lợi về cho dân, cho nước, đòi dân chủ, tự do, nhân quyền sao lại là có tội, là vi phạm luật pháp ? Tại sao lại bắt chồng tôi đi tù, bản án này quá dã man và tàn bạo, chồng tôi không có tội, tội duy nhất mà chồng tôi mắc phải đó là quá thương dân, yêu nước mà thôi…”. Khi bà la hét lên như vậy thật to vang cả gian phòng xử án làm biết bao công an phải vô cùng bối rối, lúng túng rất sợ hãi các tiếng thét ấy lọt ra ngoài đến với dân chúng, nhất là đến với cánh phóng viên, nhà báo quốc tế, đến với các nhà quan sát chính trị của các tòa sứ quán từ Hà Nội xuống dự khán đang đứng đây ngoài kia cách họ không xa lắm.

 Vâng ! Quả thực là như vậy, ông Nguyễn Văn Tính không có tội, cái tội duy nhất phải chăng là cả đời cây bút già, một công dân lao động nghèo sống lương thiện đã cống hiến hết mình cho dân tộc, cho đất nước chỉ một lòng vì sự no đủ của nhân dân và sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc. Con người ấy sống hiền từ trong nhân dân biết nuôi dưỡng ấp ủ hoài bão lớn trong sáng vì xã hội và đất nước mà là có tội ư ? Tội lỗi gì đây khi ở cái tuổi 67 rồi, ông vẫn phải ngồi tù vì quá yêu nước, thương dân của mình. Bản án này tuyên ra để làm gì ? Để từng bước cướp đi sinh mạng của một con người tuy rất bình dị nhưng thật rất đỗi phi thường, nếu đảng và nhà nước CSVN kết án ông là người có tội thì có lẽ cả đất nước Việt Nam này sẽ có tội đến muôn đời sau không bao giờ xóa án được. 

Con người ấy đã sống, làm tất cả mọi việc để nuôi gia đình con cái, đã làm tất cả mọi việc để hoàn thành tâm nguyện mà suốt đời ông theo đuổi. Ông là như thế đấy, cao cả, trong sáng và lương thiện như thế đấy. Sống một cuộc đời không tư lợi cho cá nhân, không làm hại người khác, không nghĩ bất cứ điều gì cho bản thân mình. Ông đã sống đúng với những người đi trước “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Ông đã thà làm một việc gì đó cho đúng với lương tâm mình, đúng với con người mình dù ít cũng đủ đầy, còn hơn là chịu đựng sự chôn vùi lý tưởng mà mình nung nấu trong lòng suốt quãng thời gian còn lại của cuộc đời mà không thể hiện được. Vậy mà cái luật pháp của nhà cầm quyền độc đảng này thật trớ trêu như vụ xét xử ấy lại đang tâm xếp những con người như thế vào hàng ngũ của những kẻ phản quốc, phản bội dân tộc hay sao ? Vậy ở đây ai là người yêu nước, ai là người sống hết mình vì sự nghiệp chung của đất nước ? Là những người đang ngồi trên hàng ghế lãnh đạo và tham nhũng, ăn hối lộ ngày đêm làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác hay sao ? Hay là những người cứ tự coi mình là “vì dân” nhưng đằng sau lại làm những việc hại nước, hại dân. Bây giờ ông đang phải ngồi tù trong trại giam B-14, ở nhà vợ con như mất đi một chỗ dựa tinh thần, một mình vợ ông cũng đã ngoài 50 tuổi, có 2 con còn nhỏ dại, thật chẳng nói đâu cho hết cái khổ của gia đình ông. Hạnh phúc thật nhỏ nhoi bây giờ là chỉ dường như đến với vợ con ông là khi được gặp mặt bố mỗi lần thăm nuôi tiếp tế hàng tháng. Chúng ta thông cảm và thấu hiểu những gì ông từng chịu đựng thời trai trẻ và những năm tháng hoạt động dân chủ khi liên lạc được với Phong trào cách mạng trên Hà Nội và trong cả nước.

Hãy mở rộng tấm lòng của mình để dùng một phần nhỏ bé của mình mà ủng hộ gia đình ông, vì chính lúc này đây gia đình ông, vợ con ông cần chúng ta hơn ai hết. Giúp đỡ gia đình họ cũng như chúng ta đang giúp đỡ chính ông vậy. Hãy thêm một chút ánh sáng vào ngôi sao bé nhỏ ấy để nó tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời, đừng để nó chỉ vụt qua rồi tắt lịm. Ngôi sao Cách mạng trên bầu trời Việt Nam có lẽ chính là những lý tưởng và tâm huyết của những người dân chân chính như ông – người chiến sĩ Cách Mạng suốt đời vì dân, vì nước – nhà tự do, cây bút già Nguyễn Văn Tính.

Tác giả Hoàng Khổng Minh lược ghi theo lời kể qua hồi ức của bà Dương Thị Hài vợ tù nhân Nguyễn Văn Tính. Sửa chữa và hoàn thiện giúp bởi nhà báo Nguyễn Khắc Toàn.

 Thành phố Cảng Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2009

Mọi liên hệ với gia đình bà Dương Thị Hài qua số điện thoại tại Hải Phòng là :

 0126-638-3166 hoặc số : 0125-272-4352
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn