BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tô Thùy Yên, thơ như người bị bức tử

06 Tháng Giêng 200812:00 SA(Xem: 1170)
Tô Thùy Yên, thơ như người bị bức tử
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc /như người bị bức tử canh khuya? Xé toang từng mảnh đời tê điếng/ Mà gửi cùng mây đỏ thảm thê/… Trong buổi chiều gió giật loạn cuồng của những cơn bão kéo tới, tôi đọc những câu thơ ấy mà nghe dường như có điện giật trong châu thân. Thơ như u uất của đất trời. Thơ như lòng người đang cơn phẫn nộ. Bây giờ, cả dân tộc Việt Nam đang đau đớn với sự hiếp đáp của đế quốc phương bắc mà những người lãnh đạo lại hèn nhát yếu mềm cam chịu… Thơ như lời tiên tri, như những vết hằn trên đá từ năm tháng.

Tô Thùy Yên


Trường Sa Hành. Bài thơ viết vào tháng 3 năm 1974 của Tô Thùy Yên sau trận hải chiến Hoàng Sa hơn một tháng. Lúc ấy, thời cuộc như lò nung hơi chờ bùng vỡ. Ơû trong thì nội chiến, ở ngoài thì ngoại xâm. Thế mà, những chiến sĩ vẫn giữ gìn từng tấc đất của tổ quốc. Tô Thùy Yên trong một chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa đã làm những câu thơ như tiên đoán một định mệnh tàn khốc:

”Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
Mùa gió xoay chiều gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?”

Thơ như nỗi ngậm ngùi. Thơ như nỗi niềm u uất của những người đi tìm kiếm những điều xa xôi khó lý giải. Làm một bài thơ có phong vị hành chỉ là một cái cớ, để mượn thiên nhiên độc thoại với mình, để thấy kiếp người với nỗi niềm mãn khai và thời gian sẽ thành ngôi mộ với tấm bia kết từ đời u tịch.

Thật là khó giải nghĩa một bài thơ, nhất là một bài thơ có không gian rộng mênh mông như Trường Sa Hành. Trích một vài câu, diễn giải một vài đoạn, sẽ chẳng làm rõ ràng thêm được những điều tác giả muốn nói, muốn trao gửi trong thơ. Mà, chỉ làm vụn vặt đi cái vời vợi khôn cùng của cảm xúc

Cho nên phải đọc một hơi để những hình ảnh nối tiếp nhau để thấy tràn ngợp một nỗi cô đơn của con người nhỏ nhoi trước cao rộng của thiên nhiên và tiềm thức Ngôn ngữ của Tô Thùy Yên không có những từ khó hiểu và thơ bảy chữ ấy cũng man mác âm điệu của những bài hành của thời kỳ Hành Phương Nam của Nguyễn Bính hay Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Thế mà, có một điều gì mới mới, cũng không hẳn từ ngôn ngữ mà cũng chẳng phải là hình ảnh, cảm giác ấy có từ những liên tưởng từ tất cả : ý thơ, tứ thơ, âm vận thơ, hình tượng thơ tạo thành.

Có một điều rõ ràng trong thơ Tô Thùy Yên là cái hứng cảm hiện ra trong một lúc hòa hợp với những suy tư tích chứa mỗi ngày mỗi tháng nên có sức truyền cảm mạnh. Lý Chất, một phê bình gia đời Minh trong Tạp Thuyết đã viết về hiện tượng này. Người làm thơ tích lũy vốn liếng sống ỡ mức độ dồi dào thì một sớm “tức cảnh sinh tình, xúc động thở than, giựt cả chén rượu của người khác, dốc nỗi oán giận ở trong lòng, thở lời bất bình từ trong bụng, từ số phận đau khổ của mình, liên hệ tới biết bao nhiên chuyện xa xưa muôn thuở... Khi đã viết là nhả ngọc phun châu, ánh sáng soi rọi tận vân hán, như nét đẹp giữa trời, thế rồi bèn tự phụ, giữa cõi đất trời hét vang, khóc lóc như điên không tự chế được“. Tóm lại, cái hứng cảm được nảy sinh từ cuộc sống hiện thực và trong một phút giây nào đó đã tạo thành xúc động của một người lên cơn đồng thiếp.

Trong thơ Tô Thùy Yên, thơ có phải là những vần điệu vang vọng trong cơn đồng thiếp ?

Làm thơ về Trường Sa, để thấy được cái hữu hạn của con người cũng như niềm cô đơn của những người luôn đi kiếm tìm một đích đến dường như rất xa xăm nhưng lại có lúc gần gũi. Mỗi một bài thơ, có phải là một cơ duyên, để con người cất lên tiếng nói của mình, của những nỗi niềm u uẩn khó lý giải…

Trở lại với thi sĩ Tô Thùy Yên, tôi trong cái chủ quan của mình vẫn cho rằng ông làm mới thi ca trong những nét cổ điển. Nhắc tới Tô Thùy Yên, mà những bài thơ bảy chữ như Ta Về, như Quỷ Xướng Thi, hay Hề, Ta Trở Lại Căn nhà Cỏ… hay tám chữ như Chuyện Tình Người Lỡ Vận… đã tạo thành một thế giới thi ca riêng, mà trong đó cái đời sống đã tượng hình trong cái chưa rõ nét, mà cái cảm xúc làm nền tảng hơn là những sự kiện thật. Ở đó, Tô Thùy Yên đã phả lên một lớp sương mù của suy tư và đã làm thay đổi cả hiện thực trong ngôn ngữ và vần điệu…

Trong suốt bao nhiêu năm làm thơ ở trong nước, ông chưa in một tập thơ nào cho mình. Để đến khi ra định cư ở hải ngoại, mới in Thơ Tô Thùy Yên và Thắp Tạ. Những bài thơ, chọn lọc suốt bao nhiêu năm sáng tác, có nhiều bài chỉ không những tiêu biểu cho riêng Tô Thùy Yên mà còn cho cả văn chương Việt Nam nữa.

Khi mới xuất hiện trên Sáng Tạo, với những bài thơ, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, … đã tạo một khí hậu mới cho thi ca. Thơ tiền chiến đã thành những tiêu điểm để vượt qua. Thanh Tâm Tuyền viết “Trèo lên cây bưởi hái hoa“ để làm rõ ràng hơn những ý tưởng làm mới. Nguyên Sa mang lại những khí hậu phương tây vào văn chương với những bài thơ mượt mà, những hình ảnh mới lạ. Còn Tô Thùy Yên, thì như “Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu”:

“Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngữa ngã lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu”

Đọc xong bài thơ có lẽ sẽ có nhiều ý tưởng ập đến. Tôi độ chừng tâm tư mình xuôi ngược theo những trục thời gian. Rượt đuổi, gắng rượt đuổi nhưng vô vọng. Có phải chúng ta đang trong một lộ trình hào hển, với đích đến gần kề nhưng lại vời xa. Bây giờ, sống trong ngày tháng mà vòng quay nhân sinh mù mịt đến chóng mặt thì những hình ảnh như chuyến tàu như con ngựa lại mở rộng ra biết bao nhiêu liên tưởng, gợi ý biết bao nhiêu tâm tư để rồi trong cái hữu hạn để chấm dứt một vô cùng. Hình ảnh thật đẹp “ ngựa ngã lăn mình mượt như cỏ/như giữa nền nhung một vết nâu/...”

Bài thơ ấy Tô Thùy Yên làm thời tuổi trẻ nhưng đã có sự suy tư già trước tuổi, với những hình ảnh hiện thực gợi hình chuyên chở được những tâm ý gửi theo. Thơ như một ám ảnh, của những nỗi muộn màng, của những nỗi niềm dìm sâu từ qúa khứ. Dù chỉ là vài hình tượng có chất đặc trưng, những ý niệm siêu hình đã làm bước chân người đọc đi xa hơn vào những lãnh địa mà chất động và chất tĩnh nhòa nhạt với nhau, để thành một cảm giác rung động trong lòng người đọc.

Chiến tranh với Tô Thùy Yên, có lúc là những ám ảnh, có khi là niềm phẫn nộ, nhưng cũng là hiện thực của một đời sống binh lửa. Những câu thơ hào sảng, những ý nghĩ bất cần, những ngày sống chỉ biết cho hiện tại:

“...Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ
nhưng mà trông mặt thấy quen quen
hề chi ta uống cho say đã
nào có ra gì một cái tên.
Tới đây toàn những tay hào sĩ
sống chết không làm thắt ruột gan
cũng không ai nhắc gì thân thế
có vợ con mà như độc thân
bạn hỏi thăm ta cho có lệ
cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung
còn mươi tháng nữa lên trung úy
có thể ngày mai chửa biết chừng...”

những câu thơ của “Anh Hùng Tận“ có cái thô nhám nhưng chân thực của cuộc sống. Thời tên bay đạn lạc, biết đâu ngày mai thành cố trung úy lên bàn thờ ngồi cho nên : “Giờ cất quân, đưa tay bắt/ Ước cõi âm còn gặp để say.”

Tô Thùy Yên đã nhìn cuộc chiến với những hình ảnh của gian khổ, của những ngày tháng vô định, những cái chết trẻ đau thương. Bài Qua Sông có những câu tả chân, phác họa lại một không gian đầy tử khí:

”Giặc đánh lớn- mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trện mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
tiếp tế khó- đôi lần phải lục
trên người bạn gục đạn mươi viên
di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
trong vết thương người bạn nín rên
người chết mấy ngày chưa lấy xác
thây sình, mặt nát, lạch mương tanh...”

Một thời làm lính rồi một thời đi tù, cía mẫu số chung của cả một thời đại ấy đã được thi sỉ viết thành nỗi niềm riêng, tuy cũng là chung của nhiều người.

Một bài thơ, có mang chút thời thế vào trong vần điệu trầm buồn. Ngồi hái rau, giữa cái thinh lặng của đất trời để nghe như trong thiên nhiên có hồn người lẩn khuất.

“Chiều ra đồng hái rau hoang
Nghe sầu theo gió thổi tràn mặt ta
Ơn trời ơn đất bao la
Hái đi này những xót xa kiếp người
Cổ kim chung một mái trới
Kinh Thi cũng có bóng người hái rau
Cúi mình khổ lụy như nhau
Tập tàng mót nhặt trả hần nợ thân
Cơ trới núi đổ sông dâng
Miếu đường bay mái, thánh thần lạc thây
Ta nhìn ta, lạ lùng thay

Tả tơi, đâu chỉ hình hài thấy đây…”

Trong phần ghi chú ở cuối tập thơ, tác giả đã viết khá nhiều về bài thơ Hái Rau này. Nếu ở ý định làm rõ xuất xứ của câu thơ htì thật không cần thiết nhưng nếu để làm rõ ra những ý nghĩ của mình thì có lẽ còn tác dụng.

“Sống đong bữa một, tâm chèn khổ sao.

Một cực hình cấp địa ngục: phải đối diện chăm chăm với mỗi cảnh khổ duy nhất thường trực bất biến, triền miên sao đồ lại. Phải chăng sự luân phiên chuyển đổinhưng cảnh khổ khác nhau trong đời người phần nào cũng giúp được cho con người chịu đựng nổi đời sống”

Sau đó tác giả viết về xuất xứ của những câu thơ như:

“miếng ăn đắng nuốt nghẹn ngào
chỗ sân thấp biết nơi nào sạch dơ”

gợi ý từ bài thơ Paradiso của Dante Alighieri.

Hay câu thơ ”quán xanh còn mở cho chàng về qua?” gợi ý từ thơ trong Comedie De La Soif của Rimbaud.

Theo suy nghĩ của tôi, thi sĩ quá cẩn thận và làm cho người đọc mất đi cái thú tìm kiếm.

Đọc hai tập thơ, hai bài viết về những tháng ngày lao ngục chuyên chở được nhiều ý hướng của Tô Thùy Yên nhất là Tàu Đêm và Ta Về. Một đi, trong nửa đêm tranh tối tranh sáng, trong những toa tàu đặc nghẹt người, trong nỗi ê chề của những người thất trận. Một về, trong nỗi chán chường của một người lưu lạc, như một kẻ lạ trở về quê cũ của mình.

“Tàu đi như một cơn điên đảo
sắt thép kinh hoàng va đập nhau
ta tưởng chừng nghe thời đại động
xô đi ấm ĩ một cơn đau
ngồi đây giữa những phân cùng bụi
trong chuyến đời xung sát bạo tàn
ta trở thành than thành súc vật
tiếng người e cũng đã quên ngang…”

Chuyến đi như một ác mộng kinh hoàng chuyến về lại ngậm ngùi của những năm hoang phế.

“Ta về như bóng ma hời tủi
lục lại thời gian kiếm chính mình
ta nhặt mà thương từng phế liệu
như từng hài cốt sắp vô danh
ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
đọc lại bài thơ thuở thiếu thời
ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
Ta về như hạc vàng thương nhớ
một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta. ”

Viết về thơ Tô Thùy Yên, có lẽ còn phải dài hơn. Có những bài thơ như Chiều Trên Phá Tam Giang, như Mùa Hạn, như Hề, Ta Trở Lại Căn Nhà Cỏ, như Thắp Tạ... đều có những đoạn thơ hay, đều có những ý tưởng thích thú. Và để tổng kết lại những cảm nghĩ, tôi đã viết một bài thơ, mà rất lâu, khi nhà thơ còn ở Việt Nam. Bài thơ “ Chiều trên xa lộ đọc thơ Tô Thùy Yên“, viết lại ở đây như một chia sẻ:

“buổi chiều lái xe trên xa lộ
sao nghe tiếng sóng Phá Tam Giang
tâm tư cánh cửa vừa bung mở
khuôn trời xanh biếc tận ngàn năm
Mỏi bánh xe đời lăn miết miết
Lạnh buốt trong tâm quỷ xướng thi
Gần xa quanh quẩn vòng sinh diệt
Sao ta vẫn sống thật lạ kỳ
Lòng cứ mênh mang ngàn câu hỏi
Mặt trời phương đông hay phương tây
Hay như ghềng đá thiên thu đợi
Bọt nước rêu loang những gót giày
Sống qua thế thời này chẳng dễ
Vút lao muôn sóng cửa Thần Phù
Trôi theo vạn kiếp từ hạt lệ
Dấu vết còn hằn đá vọng phu
Nói với thinh không vài chuyện phiếm
Đèn chưa vàng nhem nhuốc hoàng hôn
Đến khi bạc tóc đành sương điểm
Vỡ lẽ chưa xong nỗi mất còn
Bỗng dưng tay nhỏ che trời đất
Làm gã cuồng rảo đến vô cùng
Có gã vương tôn miền trí tuệ
Hoài hoài chưa hết ý vô chung
Lái xe mà tưởng qua Vàm Cống
Thân thế mênh mang đến mấy đời?
Xưa cũ đành hanh vài huyễn mộng
Tràng thành trống điểm nguyệt còn soi
Chiều chủ nhật một mình xa lộ
Bên cạnh dường như có một người
Chân dung mờ nhạt như không rõ
Thơ hoài giọng đọc mãi khôn vơi

Nguyễn Mạnh Trinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn