BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hòn Vọng Phu

08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1461)
Hòn Vọng Phu
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

"Người vọng phu trong lúc gió mưa , bế con đã hoài công để đứng chờ. Người chồng đã đi bao năm chưa thấy về. Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ, có đám cây trên đồ ngóng trông trong mơ hồ……”


Đã một thời có biết bao nhiêu người vọng phu ôm con chờ chồng trong mỏi mòn vô vọng. Cái thời đó, may thay đã đi qua. Một ngày trên đường đi làm về, mở đài phát thanh 1600 AM, một nữ thính giả đang gọi lên kể chuyện của mình. Giọng người đàn bà mềm mại nhưng trĩu nặng nước mắt, có lúc chừng như nghẹn ngào không nói được.

"Năm 75 VC chiếm vào, chồng tôi bị đi cải tạo. Lúc đó tôi còn rất trẻ, mới lấy chồng được một năm và đang mang bầu đứa con đầu lòng được mấy tháng. Khi sinh đẻ tôi về nhà má ruột để ở, vì thật ra nhà bên chồng đối với tôi chưa quen thuộc, mà lại không có chồng ở nhà. Đứa con được sinh ra vào thời buổi khó khăn đủ thứ. Tôi phải bươn chải đi kiếm sống từng ngày mà chờ trông chồng về, vì họ nói đi cải tạo 10 ngày thôi, nhưng lúc đó đã hơn năm chẳng thấy về và chẳng biết ở đâu .

Sau đó được biết chỗ ở của chồng, tôi bồng con đi thăm chồng tuốt trên núi, đi mấy ngày mới gặp được mặt chồng. Đường đi khó khăn mà tay phải bế con, tay phải xách một ít đồ ăn mặn cho chồng. Gặp nhau không nói được gì vì lúc nào cũng có mặt bộ đội đứng canh.Khi về đến nhà bịnh hết mấy ngày, con thiếu sữa bú. Gia đình thấy cực khổ quá , khuyên tôi bỏ chồng cho rồi, nó là ngụy. Lại thêm trong gia đình có người đi tập kết về xúi vào, xúi ra. Tôi nhứt định không nghe theo, còn năn nỉ mấy người kia bảo lãnh cho chồng về sớm, họ dửng dưng nói để học tập cho tốt rồi về.

Gia đình cứ bắt tôi bỏ chồng hoài, nhưng tôi không thể làm chuyện ấy được. Chúng tôi lấy nhau vì tình yêu, hơn nữa khi chồng trong cảnh tù tội, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, tôi chẳng thể nào làm chuyện vô lương tâm đó được.Gia đình cứ chì chiết hoài, tôi quyết định ôm con ra khỏi nhà, sống riêng để lo cho chồng. Tôi chọn con đường khó khăn nhất với quyết tâm sắt đá nhất. Tôi phải nuôi và chờ chồng đến khi anh được về.

Sống trong miền quê, ai mà không biết nhau. Những người tử tế thì cũng chẳng dám công khai an ủi mình, những người xu thời thì tha hồ xỉa xói nào là vợ ngụy quân, ngụy quyền. Khi con đi học lớp một đã bị cô giáo và bạn học gọi là con ngụy. Tôi phải gởi con để đi mua đi bán kiếm tiền nuôi con và dành dụm chờ có giấy thăm nuôi của chồng để đi thăm anh. Đi đâu cũng phải lên xã xin giấy đi đường, mỗi lần như vậy là phải bấm bụng chịu sự nhiếc mắng của những viên chức xã, mà trước năm 75 chỉ là những người làm thuê, ở đợ.

Cuối cùng chồng tôi cũng được về trong thân tàn ma dại, xanh mướt vì sốt rét, mình đầy thẹo vì ghẻ lở. Chồng tôi lại tìm đường vượt biên. Tiền tôi dành dụm gom hết cho chồng. Vượt biên đến lần thứ 9, anh mới qua tới đảo. Lúc đó đã đóng cửa trại. Và chồng tôi đã ở đó 7 năm, sau đó tình nguyện trở về để được đi diện “Rô”. Khi chồng tôi cải tạo về chúng tôi có thêm 2 đứa con nữa. Cho nên khi chồng tôi ở đảo 7 năm, tôi cũng chỉ một mình nuôi 3 đứa con và một mình gánh hết gánh nặng lên vai.

Tôi là người đàn bà ốm yếu, chưa bao giờ quá 32 ký. Cuối cùng gia đình 5 người chúng tôi được đi Mỹ. Qua đây chưa được 5 năm chồng tôi mất vì bịnh ung thư. Tôi lại tiếp tục một mình lo cho con .”

Tiếng người đàn bà nghẹn lại tại đây. Cổ tôi cũng nghẹn, cố nén mà nước mắt vẫn trào ra. Tiếng cô xướng ngôn viên cũng nghẹn ngào:

"Dì làm cháu cũng phải khóc theo, cám ơn dì đã chia sẻ cùng thính giả của đài,và cho phép cháu được chia sẻ những đau buồn của dì cũng như của những người vợ đã một thời ôm con đợi chồng về như hòn vọng phu xưa trong sử sách, cám ơn Dì ."

Chưa có một thời nào mà người đàn bà Việt Nam cao cả như thời đại sau "giải phóng” . Trên tấm thân mảnh mai gầy còm, họ bỗng như tượng đồng vai sắt gánh hết những oan trái của một thời đại đen tối nhất.

Ngày xưa, người vọng phu còn có một tiền phương che chở cho họ, và họ chờ chồng ôm con trong trong một hậu phương đầy ắp tình đồng bào. Nhưng những người vọng phu sau năm 75 không may mắn như vậy. Trước mặt là trùng trùng bóng tối, sau lưng là vực thẳm, chung quanh là hèn thù đê tiện. Ngay trong gia đình, đôi khi, không là chỗ dựa lưng êm ái, mà còn đẩy họ ra cho muôn vàn khó khăn dày xéo thêm lên.

Nếu để xây một bức tượng tôn vinh sự hy sinh, thì hãy xây một bức tượng người vợ Việt Nam. Người ấy đứng giữa hoang tàn đổ nát của lòng người, nhỏ những giọt nước mắt lên đám cỏ đã cháy khô vì hận thù. Hận thù của chiến tranh, hận thù của giai cấp, hận thù của ý thức hệ .Nhưng dù sao, giọt nước mắt ấy, cuối cùng đã xanh lên mầm cỏ, đã nuôi con vào đời, đã mang con vào một tương lai sáng ngời nơi xứ người.

Nơi đây, xứ người, những đứa con lớn lên trong giọt mồ hôi nhục nhằn một thời của mẹ, đã trưởng thành, đã biết phân biệt đâu là chân lý, đâu là tà thuyết, đâu là giả trá đâu là chân tâm, đã biết yêu kính di sản trong tim của mẹ, của cha, những di sản đó có khi là một lá cờ cha từng đổ máu để bảo vệ, là một con đường cha đã từng đi theo.

Di sản đó là văn hóa cha mẹ mang theo, là ngôn ngữ cho con tiếng nói đầu đời, là chữ Việt cho con gìn giữ. Là một góc quê hương mà mẹ mang theo hành trang, với cây quế, cây húng, mẹ trồng trong vườn sau, trái bí trái bầu, mẹ chăm sóc từng ngày. Một góc quê hương mẹ mang theo để nhớ .Trước khi xây tượng một người vợ, người mẹ Việt Nam, thế hệ thứ hai hãy xây tượng đài đó trong chính tim mình trước đã:

"…Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa. Khi tướng quân qua đồi kéo quân quân theo cờ. Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già . Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa . Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa …”

Hoàng Định Nam

Ý kiến bạn đọc
10 Tháng Hai 20138:00 SA
Khách
ÔNG HOÀNG ĐỊNH NAM, XIN CẢM ƠN ÔNG RẤT NHIỀU.BÀI TUY NGẮN MÀ TỎ RÕ RẤT sâu sắc NỔI ĐAU NỔI ĐAU CỦA NHỮNG HÒN VỌNG PHU SAU NGÀY SG BỊ THẤT THỦ.TRÂN TRỌNG kính chúc Ông sức khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn