BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73311)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mậu Thân Quảng Ngãi trong ký ức đứa trẻ 13

05 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 2302)
Mậu Thân Quảng Ngãi trong ký ức đứa trẻ 13
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56
QUẢNG NGÃI (NV) - Mậu Thân 1968, Cộng quân tấn công tỉnh Quảng Ngãi, tôi vừa tròn 13 tuổi, học lớp Đệ Lục trường Trần Quốc Tuấn.



Đã 45 năm, kể từ ngày tang tóc đó, vậy mà tôi vẫn còn nhớ như in, thậm chí từng diễn biến chi tiết của thời khắc nửa khuya ngày Mùng Một Tết, rạng sáng Mùng Hai.

Khởi đầu cuộc tấn công là quả đạn B40 bắn vào đúng phòng khách gia đình tôi ở Ty Cảnh Sát. Chiếc TV đen trắng tan tành, ghế bàn nát ngứu, trần nhà sụp vỡ một mảng lớn. May mà giờ nửa khuya không ai trong gia đình còn ở phòng khách. Nếu Cộng quân đánh sớm hơn khoảng 3 tiếng đồng hồ, chắc chắn số tử vong và bị thương sẽ cao lắm. Vì 1968, cả tỉnh Quảng Ngãi chỉ vài nơi có TV, truyền hình từ 7 giờ tối đến 10 giờ, tiếp vận đài trung ương ở Sài Gòn do máy bay phát sóng, nên nhân viên của ty tối nào cũng tập trung đến nhà tôi xem đến lúc hết chương trình.

Sáng hôm đó, Mùng Một Tết, Trung Úy Kim Kyi Dong, chỉ huy tiểu đội võ sư Đại Hàn thuộc Lữ Đoàn 2 Thanh Long Thủy Quân Lục Chiến sang nhà tôi chúc Tết và ngỏ ý mượn bố tôi một chiếc xe Jeep để đi chơi ngày đầu Xuân. Bố tôi, Trung Tá Đinh Quang Minh, Trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia của tỉnh, chúc Tết toán võ sư và bảo ban quân xa giao chiếc Jeep của ty cho Trung Úy Kim.

Ty Cảnh Sát Quảng Ngãi trước kia nằm trong chu vi Nội Thành, tức Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 2 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh. Gia đình tôi ở ngay trong khuôn viên của ty, hàng xóm là nhà các sĩ quan của sư đoàn như Trung Tá Sơn Thương, Thiếu Tá Lê Bá Khiếu... Dạo đó, năm 1967, toán võ sư Đại Hàn gồm 11 vị từ 3 đến 6 đẳng đai đen được biệt phái từ Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn đồn trú ở Quận Bình Sơn đến đóng luôn trong Ty Cảnh Sát để truyền bá môn võ cổ truyền của họ. Lễ, người con trai lớn của Thiếu Tá Khiếu cùng con của các sĩ quan khác của Sư Đoàn 2, chiều nào cũng qua Ty Cảnh Sát học võ Thái Cực Đạo do các võ sư Đại Hàn dạy. Sau do yêu cầu của Đại Tá Toàn, Ty Cảnh Sát dọn ra khỏi ngoại thành và về nơi ở mới nằm trên đường đi phi trường và Quận Nghĩa Hành. Ty Cảnh Sát có chung một hàng rào kẽm gai với tiểu khu và sau lưng ty là trại tù của tỉnh, nơi giam giữ hầu hết là cán binh cộng sản và một ít tù nhân hình sự. Cùng phía với Ty Cảnh Sát là Ty Nông Lâm Súc và Bộ Chỉ Huy Xây Dựng Nông Thôn do ông Nguyễn Liệu cầm đầu.

Chiếc xe Jeep chở 6 người, Trung ÚY Kim, 4 võ sư nữa và tôi đi vào Quận Sông Vệ ăn mì Quảng. Một võ sư cẩn thận mang theo khẩu AR15 và vỏn vẹn chỉ một băng đạn. Tôi, thằng bé oắt con nhưng khá rành rõi một số loại võ khí vì ngoài giờ học trong trường, suốt ngày tôi lân la bên cạnh các võ sư Đại Hàn, học võ, học tiếng Triều Tiên và học... trò chơi súng đạn.

Cuộc chơi Xuân ăn Mì Quảng kết thúc bằng một cơn giận dữ gần như điên cuồng của bố tôi, và hậu quả là tôi ăn nguyên một cái tát trời giáng của bố. Nguyên nhân cơn thịnh nộ: toàn tỉnh đã báo động an ninh từ 3 giờ chiều, cảnh sát phải thu hồi lệnh cho nhân viên nghỉ Tết và toàn bộ số xe của ty phải dùng để đưa đại đội Cảnh Sát Dã Chiến đến các chốt phòng thủ. Vậy mà gần 6 giờ, chiếc Jeep Trung Úy Kim mượn mới lò dò lái vào sân của ty.

Tình hình căng thẳng. Mọi người tất bật lau chùi súng đạn. Toán võ sư Đại Hàn trang bị đến “tận răng”: súng trường, áo giáp, nón sắt, mìn claymore, mặt nạ chống hơi độc. Gia đình tôi, do đã trải qua hai lần cộng quân tấn công Nội Thành và đánh vào trại giam của tỉnh, nên hầm trú ẩn làm bằng bao cát lúc nào cũng chứa sẵn nước uống và thức ăn khô là đồ hộp của quân đội Mỹ.

Dù ai cũng ngửi được không khí chiến tranh lởn vởn chung quanh, nhưng bắt đầu giờ phát hình 7 giờ, một số đông, người đứng, người ngồi dán mắt vào màn ảnh chiếc TV đen trắng đặt ngay phòng khách nhà tôi. Lúc nào đài hiệu cũng là hình chiếc máy bay cánh quạt và nhạc nền là bài hát điệu Bolero: “Buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời...”

Ai cũng say mê xem truyền hình, ngoại trừ mẹ tôi. Bà lo sợ trước tin bố tôi cho biết đêm nay Cộng quân có thể tấn công. Cơm chiều vừa dứt, mẹ tôi lùa các con vào hầm trú ẩn. Riêng anh cả tôi là cảnh sát viên nên súng đạn đầy người ở ngoài với toán cận vệ của bố là ông Liên Á, ông Ron, ông Phước và ông Đán.

Khoảng hơn 1 giờ rạng sáng Mùng Hai thì súng bắt đầu nổ. Căn hầm trú ẩn rung lên từng cơn mỗi khi pháo của Cộng quân nã vào ty. Ít nhất hai lần hầm rung rinh như muốn sụp và lửa chóa lên trong hầm. Khói thuốc súng từ ngoài bay vào mù mịt căn hầm 9 thước vuông. Mẹ tôi, bà U già, hai chị gái, ba đứa em gái khóc như “cha chết.” Hai anh trai tôi, tôi và hai em trai run rẩy. Bên ngoài, lẫn trong tiếng súng lớn, súng nhỏ, là tiếng hát bài Thủy Quân Lục Chiến hành ca của các võ sư Đại Hàn.

Khoảng gần sáng thì ông Liên Á và ông Ron đưa bố tôi và anh Dũng của tôi vào hầm. Cả hai bị thương nhẹ. Bố tôi bị một mảnh pháo ghim vào cổ phía bên trái, máu rịn xuống áo. Còn anh Dũng thì dính một mảnh pháo nhỏ ở chân. Con chó Berger nuôi từ 2 năm bị thương tru lên từng hồi và lao vào hầm, máu bết cả một vạt lông. Cả nhà tôi như điên loạn vì tiếng tru của con chó. Anh Dũng tôi nổi điên, chân cà nhắc vì vết thương vừa băng bó sơ sài, lôi con chó ra ngoài hầm bắn chết. Mãi sau này, đứa em gái út vẫn còn nhắc đến con Berger được cả gia đình thương nuôi.

Bố tôi được y tá của ty chích cho một mũi thuốc cầm máu. Ông ra khỏi hầm, cổ băng trắng. Tiếng súng tiếp tục nổ cho tới rạng sáng. Mẹ tôi nằng nặc đòi bố tôi mua lập tức vé máy bay để đưa cả nhà về Sài Gòn. Bố tôi phải gào lên là cả Sài Gòn cũng đang bị tấn công thì mẹ tôi mới im.

Hoảng loạn lên cao điểm khi bố tôi chui vào hầm ra lệnh cả nhà phải chạy ra khỏi khuôn viên ty, vì trực thăng của Mỹ sắp bắn róc két vào khu vực sát ngay sau lưng ty, nơi tiếp giáp với rừng mía dài hun hút đến tận quận Nghĩa Hành. Bố tôi nói, trại giam của tỉnh bị đặc công Việt Cộng phá vỡ, một số lớn tù binh cộng sản trốn thoát và lẩn vào khu rừng mía, nơi cộng quân ẩn náu để bắn pháo vào Ty Cảnh Sát và Tiểu Khu.

Cả nhà chạy thục mạng ra khỏi hầm ẩn trú. Khoảng cách từ căn hầm ra đến đường cái chỉ khoảng 200 thước, mẹ và đứa em gái út của tôi chúi ngã hai lần. Chúng tôi chạy trong tiếng súng nổ chát chúa. Ra gần đến cổng, tôi thấy xác của một Việt Cộng máu me be bét nằm ngửa ngay một lỗ thủng lớn của bức tường phòng thủ của ty. Bên ngoài cổng chính, nhân viên cảnh sát và cảnh sát dã chiến dầy đặc; án ngữ ngay ngả đường dẫn vào trại giam là một chiếc xe lội nước tầu bò của Tiểu Khu chắn ngang, hai khẩu đại liên đặt trên chiếc xe do các xạ thủ của tiểu khu đang nã đạn về hướng rừng mía.

Gia đình tôi chạy băng qua đường, cảm nhận của tôi là một khung cảnh tang tóc: khói lửa mịt mù, đường sá vắng ngắt, dọc theo nhà dân cư là binh sĩ tiểu khu và cảnh sát nằm mọp xuống đất trong vị thế tác chiến. Ông Nhữ Văn Y đón gia đình tôi vào căn nhà của ông nằm xế phía tay mặt của ty, ngay trước cổng chính của Tiểu Khu. Ông Y là thông dịch viên cho viên cố vấn Mỹ làm việc cho Ty Cảnh Sát. Ông có người em trai là ký giả nổi tiếng Nhữ Văn Úy.

Nhà ông Y nhỏ, căn phòng khách lập tức được biến thành “trại tỵ nạn” của gia đình tôi. Bố tôi cho người đem bao cát qua để làm một căn hầm dã chiến nhỏ cho cả hai gia đình. Lúc bấy giờ, đài phát thanh tỉnh đã loan báo tin cộng quân tổng tấn công hầu hết các tỉnh của miền Nam. Tình hình này, cả nhà sẽ sống chết bên nhau, bố tôi nói.

Bữa cơm trưa, ai cũng chỉ nhấm nháp qua loa, dù vẫn có bánh chưng do ông Y mời. Chúng tôi mệt lả, chỉ thiếp được một chút lại giật nẩy choàng dậy vì tiếng súng, tiếng bích kích pháo nổ đinh tai nhức óc.

Trời choạng vạng chiều, bố tôi sang và yêu cầu cả hai gia đình chuẩn bị lên xe vào Tòa Tỉnh Trưởng, vì có tin cộng quân sẽ đánh mạnh đêm nay.

Tỉnh trưởng Quảng Ngãi lúc bấy giờ là Bác Sĩ Bùi Hoành. Ông có hai cận vệ là võ sư Đại Hàn. Biệt phái hai cận vệ này là nhã ý của Thiếu Tướng Lee Bong Chool, Tư lệnh Lữ Đoàn 2 Thanh Long Thủy Quân Lục Chiến.

Dinh tỉnh trưởng là một tòa nhà kiên cố hai tầng. Số người chạy giặc tá túc tầng dưới rất đông, hầu hết là gia đình con cái cấp chỉ huy các ty trong tỉnh. Tôi gặp Cẩm, cô láng giềng con ông trưởng ty Nông Lâm Súc. Giọng Huế ngọt ngào, Cẩm nói “đêm hôm nằm trốn trong hầm nghe tiếng chân bọn hắn chạy, sáng ra thấy có đứa hắn bị bắn chết ngoài vườn sau nhà.”

Tưởng đến được chốn an toàn, ai ngờ đêm đó, không biết từ đâu, tin truyền tai nhau là cộng quân đưa máy bay vào tấn công tỉnh. Thế là cả đám người bấn loạn cả lên. Mãi tới khi một sĩ quan đại úy của ông tỉnh trưởng đến trấn an đó chỉ là tin đồn, chứ làm sao máy bay địch vượt từ Bắc vào tận Quảng Ngãi được.

Chiến trận bên ngoài có vẻ như lắng bớt. Nhưng tiếng súng và tiếng pháo binh vẫn nổ cách nhịp. Bố tôi biến mất cả đêm Mùng Hai, mãi cho đến gần trưa Mùng Ba, ông mới vào thăm hỏi gia đình. Phờ phạc, mệt mỏi, ông bảo đêm nay về lại nhà trong Ty Cảnh Sát.

Căn nhà gia đình tôi có 4 phòng ngang. Gian phòng khách đổ nát, các phòng khác giường tủ đầy gạch ngói, bụi bặm. Kinh sợ nhất là cái giếng đào ngay trước sân nhà: một cái chân bị cắt lìa nằm nửa trong nửa ngoài thành giếng. Bố tôi bảo, chân của một Việt Cộng bị trúng pháo bên ngoài bay qua vòng rào rớt vào. Trước cảnh hoang tàn đổ nát, mẹ và anh chị em tôi đành ban ngày dọn dẹp, ban đêm vào hầm dựa nhau ngủ giấc chập chờn.

Cả gia đình sống sót trong cuộc tấn công. Nhân viên cảnh sát không ai bị tử vong, chỉ một số người bị thương. Toán võ sĩ Đại Hàn thì thương tâm nhất là ông Choe Hoong Boo. Ông sắp mãn hạn phục vụ tại Việt Nam. Theo lời Trung Úy Kim kể lại, trưa ngày Mùng Một, toán của ông ra ngoài vòng rào ty để cùng cảnh sát và lính Tiểu Khu lục soát. Ông Boo đến một xác Việt Cộng chết nằm sấp đè người lên khẩu AK, ông lật xác lên định lấy khẩu súng thì quả lựu đạn gài dưới xác tên địch phát nổ, ông bị miểng làm văng một bên mắt trái. Trực thăng của Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn đã bay từ Bình Sơn vào tản thương ông ra bệnh viện dã chiến của Hoa Kỳ đóng ở Chu Lai. Khoảng sáu tháng sau, khi bố tôi nhận lệnh ra Quảng Nam làm trưởng ty cảnh sát, tôi được tin ông đã về Nam Hàn và mang vết thương cuộc chiến Mậu Thân trên mặt.

Tết Mậu Thân Quảng Ngãi là một vết máu hằn trong ký ức của tôi. Tận mãi bây giờ, mỗi lần tình cờ nghe bài hát “buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời...”, vết bầm đen lại dấy lên nỗi đau, nỗi nhớ về 3 thằng bạn 13 tuổi học cùng lớp bị chết trong làn súng giao tranh đúng ngày Mùng Một Tết.

Đinh Quang Anh Thái/Người Việt

01-02-2013
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn