BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ thác loạn đến loạn luân

01 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 2258)
Từ thác loạn đến loạn luân
52Vote
40Vote
36Vote
212Vote
16Vote
2.226
CHUYỆN XƯA CHUYỆN NAY

Theo giáo sư Lê Văn Lăng dạy học ở tư thục Pascal, Thái Bình, khi xẩy ra nạn đói năm Ất Dậu 1945, ở Thái Bình cái đói đến với tầng lớp “lê dân” thật dữ dội kinh khiếp nhất. Tất cả những gì ăn được người ta đã ăn hết rồi. Sau khi không còn gì bỏ vào bụng nữa, người dân lam lũ ùn ùn kéo nhau vào thị xã Thái Bình. Những người đói quá lả gục xuống để rồi không bao giờ dậy nữa. Hai bên đường, thây người chết đói ngã ra như rạ. Hôm nào đến trường, giáo sư cũng nhặt được hai ba xác trẻ em đã chết cóng từ đêm trước và cùng với học sinh, mang đi chôn sau trường.

 67 năm sau, bây giờ “Dân Thái Bình giàu nhất Việt nam”, theo tường thuật trên Xaxi.org:

Dân Hải Phòng, Sài Gòn, Hà Nội nổi tiếng về ăn chơi, mua sắm nhưng là lẻ tẻ kiểu như ăn bát phở bò kobe 600.000đ đã gọi là đại gia phở, đeo cái đồng hồ 5000USD đã cảm thấy đẳng cấp, nhưng chi cả trăm tỷ chơi vui thì phải đến Thái Bình. Khu mua sắm Parkson Tây Sơn ở Hà nội của 1 tiểu gia người Thái Bình mới xây xong, trị giá 1000 tỷ chỉ vì vợ con thích sài đồ Parkson khi đi du lịch Mã Lai Á. Tương truyền đại gia Vũ Văn Tiền có vài tỷ USD, hơn cả chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Cỡ bầu Đức Hoàng Anh, Vượng Vincom, Long Hòa Phát, Hiển T&T… chỉ là hạng làng nhàng nếu về Thái Bình. Đại gia Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng rộng 5 héc ta ngay đầu làng Mẹo, nơi đất đắt chả kém gì đất thủ đô để xây lăng. Riêng tiền vật liệu làm móng là 50 tỷ (hơn US$2.5 triệu) và tiền ăn trưa cho thợ đã mất 1 tỷ (năm 2002). Làng Mẹo, tức làng Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình) là nơi sản sinh ra nhiều tỷ phú, mỗi người có một thú chơi khác nhau. Nổi tiếng nhất về chơi cây có lẽ là đại gia Đinh Hồng Quân, TGĐ Công ty dệt may Hồng Quân, là công ty dệt may lớn nhất ở tỉnh Thái Bình, mỗi năm nộp thuế vài chục tỷ. Ông Quân đã bỏ ra vài chục tỷ đồng để mua cây về chơi. Cách đây 5 năm, ông Quân đã khiến giới chơi cây cả nước ngưỡng mộ khi mua một cây sanh ở Nam Định với giá 3 tỷ đồng (hơn US$150,000). Vừa rồi, trong đợt triển lãm sinh vật cảnh kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội, ông cũng mang một số cây lên đua sắc. Giới chơi cây đã choáng váng khi ông Quân tuyên bố cây sanh thế “Thăng Long” của ông có giá 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, thú chơi cây của tỷ phú làng Mẹo không phải là nổi bật. Thú xây mồ mả, đền thờ ở đây mới đáng kính nể, không đâu ở đất nước này khủng khiếp bằng.

Xaxi.org còn đăng một số bài cho thấy những cách ăn chơi, xa xỉ ở Việt Nam ngày nay, chỉ xin kê khai tên các bài báo, vị nào muốn biết chi tiết xin xem trên trang web này:

- Ngày 12.2.2012, “Một thanh niên Việt mua Bugatti Veyron hơn 84 tỷ VND”.

- Ngày 14.3.2012, “Đại gia Việt bỏ 760 triệu mua xe đạp”

- Ngày 2.1.2012, “Chân dài Việt bắt đầu biết sài giày hiệu hàng chục nghìn đô”

- Ngày 19.1.2012, “Một đại gia Việt chi 4 triệu USD mua liền 2 con Phantom đầu Rồng”

- Ngày 7.1.2012, “Đại gia ăn thịt gà 100 triệu 1 Kg”

- Ngày 2.1.2012, “Dưa hấu 8 triệu, bưởi gần 1 triệu 1 cặp”

- Ngày 15.12.2011, “Gỗ Ngọc nghiến và bộ bàn giá 14 tỷ”

- Ngày 6.12.2011, “Đại gia chi 600.000 USD sắm quan tài khủng”

- Ngày 6.8.2011, “Đại gia Việt dùng 6 tạ vàng dát nhà”

- Ngày 13.7.2011, “Choáng với nhà trị giá gần 1000 tỷ của 1 Giám đốc Sài gòn”

- Ngày 12.7.2011, “Đại gia Hải phòng xây nhà thờ 100 tỷ”

- Ngày 17.7.2011, “Biệt thự sang trọng của Hà Kiều Anh”

ĂN DIỆN

Ngày xưa, trong Nam, chơi ngông đến như công tử Bạc Liêu (tức Hắc Công Tử) và Bạch Công tử là nhất. Nhưng hồi đó các “công tử” chưa biết đến những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Gucci, Hermes, Cartier, Tiffany&Co, Burberry, và mới năm nay, Prada, Ralph Lauren mà dân Việt bây giờ quá quen thuộc. Theo ViệtBáo.vn ngày 2.10.2012, bà Nguyễn Hương Quỳnh, giám đốc bộ phận đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết sản phẩm chăm sóc da mặt, đặc biệt là kem dưỡng da, trong 8 tháng đầu năm 2012, không tăng trưởng về mặt số lượng nhưng tiếp tục tăng trưởng cao về mặt giá trị (14%). Hiện có khoảng 430 doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước nhưng thị phần lại chủ yếu nằm trong tay một số hãng nước ngoài như L’Oréal, Shiseido, Clarins… Hiện có khoảng 100 nhãn hiệu mỹ phẩm tại Việt Nam, tuy nhiên 90% là nhập khẩu. Các mỹ phẩm nước ngoài cao cấp như Estée Lauder, Clinique, Menard, Lancôme, Kosé, Clarins, Elizabeth Arden, Shiseido, Wigleys, Carita, DeBon, Nivea, Fendi, Lower, Clairins, LOreal, Estee Lauder…, trung bình như Ponds, Sunsilk, Dove, Hazeline, Avon, Debon, Nevia, Essane, Pond, Hezaline…và thậm chí thấp cấp như hàng Tàu, hàng nhái. Trong nước thì có các thương hiệu Miss Saigon, Thorakao, Lana, Biona, Xmen, Thái Dương, Bodeta, Familar, Newgel, Xmen, Dr.Men, Hattrick, Teen X.. L’Ovite Paris, Q’Girl New York, Daily Care, Essy…

Không chỉ diện thôi, dân Việt còn ăn sang nữa. Phở là món ăn bình dân cả trong và ngoài nước, nhưng chắc chắn không phải ai cũng dám ăn phở ‘thịt bò Kobe’ giá 650.000 đồng và 850.000 đồng, tức khoảng US$35 và US$50 một tô. Đấy là món điểm tâm “bình dân” của các đại gia. Thực đơn cao cấp của các đại gia ở Việt Nam từ năm 2001 có thêm món tu hài (gooey duck) Canada, mỗi con nặng hơn hai cân giá khoảng 5 triệu đồng, tức khoảng US$300, ngang với giá một tấn thóc. Các đại gia ưa thưởng thức tu hài vì nom giống sinh thực khí phái nam nên nhà hàng quảng cáo là nó có tác dụng tráng dương thần kỳ. Tôi đã theo người Việt ở vùng bắc tiểu bang Washington đi moi loại sò này mà ta gọi nôm na là “con vòi voi”, nằm sâu dưới xình, thỉnh thoảng xịt nước lên, cứ chỗ ấy moi xuống là bắt được, mỗi lần đi được cả mấy chục con đem về ăn không hết. Dân Hà Nội cũng mê “cua khủng” tức king crab. Siêu thị Unimart nhập cảng 7 con, bán hết còn 1 con nặng gần 2 cân bày bán đề giá 4,999,000 đồng. Thực đơn của các đại gia còn nhiều món bạc triệu như một bát súp nhỏ vây cá mập hay bào ngư cắt lát giá gần 1 triệu. Có mồi phải có rượu. Rượu giá từ 8 đến 10 triệu đồng một chai.

Việt Nam hẳn phải là nơi các bợm nhậu nổi tiếng sành điệu nên kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200, hãng Johnnie Walker đã đem sang Việt Nam chai rượu được ủ từ thời ông tổ của hãng. Chỉ có 200 chai được làm ra trên toàn thế giới, và duy nhất 1 chai tại Việt Nam. “1805″ là chai rượu tối thượng tạo ra từ những tên tuổi whisky quý hiếm nhất. Hộp quà tặng bằng gỗ quý cùng chai rượu được nạm vàng hình Người sáng lập John Walker. Theo một chuyện gia về rượu thì chai này được định giá ít nhất là US$10.000. Một chai rượu nữa cũng không kém phần hiếm hoi (chỉ có 4 chai ở Việt Nam) đó là chai Blue Label Anniversary tuy “rẻ” hơn chai “1805″ nhưng cũng tròm trèm US$4.500, được mệnh danh là The Ultimate Gift (món quà tối thượng) độc đáo ngay từ bên ngoài. Vỏ chai được đặc biệt tạo ra bởi tên tuổi pha lê Baccarat danh tiếng. Bên trong là whisky Blue Label trứ danh được ủ trong thứ gỗ sồi tốt nhất. Đứng hạng 3 là chai Blue Label King George V, đặc biệt do những bậc thầy pha chế whisky danh tiếng nhất theo 200 năm kinh nghiệm truyền thống, tạo ra bằng nguyên liệu hảo hạng bậc nhất để đánh dấu sự kiện Johhnie Walker được vua George V ban tặng danh hiệu “Nhà cung cấp của hoàng gia” năm 1934 (http://www.gsm.com.vn/forum/main/showthread.php?t=49905).

Rượu nhập cảng đắt thế nên, theo thống kê năm 2007, ở Việt Nam có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.

Tuy nhiên, dân nhậu vẫn chuộng rượu ngoại, vì thế có rượu lậu và rượu giả. Theo tin Vietinfo ngày 15.9.2012, ông Lê Thế Bảo, chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 60-70% lượng rượu ngoại nhập trên thị trường được nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam như An Giang, Tây Ninh, Long An hay cửa khẩu Lao Bảo của Quảng Trị ở miền Trung. Nguy hiểm hơn, rượu giả được trộn lẫn vào rượu ngoại nhập lậu.

THÁC LOẠN

Rượu thật hay giả vẫn chưa nguy hiểm bằng ma túy. Dính vào thứ độc dược này, con gái không còn coi trọng chữ trinh như ngày xưa. Sinh viên trong nước, con cháu các VIP (very important person) được gọi là VSV, tức là “VIP sinh viên”. Họ là con nhà đại gia, chơi nhiều hơn học và tụ tập ở những nơi sang trọng như Coffee Bean, Maya, Diamond… nhiều hơn giảng đường. Đối với nhiều người, vài chục triệu có thể là tiền lương cả một năm làm việc, hoặc cả một gia tài nhưng với những VSV thì nó chỉ là con số vô cùng nhỏ cho một đêm nhảy “sập sàn” ở bar, club… Đi club là phải “cắn”, mà tiền “kẹo” (thuốc lắc) cũng hao tốn đến hơn vài triệu… Một chai rượu sang có giá gần 2 triệu, vậy mà trong một đêm những nhóm VSV gọi một lúc 6-10 chai là chuyện bình thường. Mua xe hơn trăm triệu nhưng “rửa” xe cũng đã gần 1/3 giá trị chiếc xe. “Rửa xe” nghĩa là kéo nhau lên xe đi du hý. Đúng 8 giờ tối, nhóm con gái đã lên đồ thật sành điệu, giày Gucci, thắt lưng LV, bọn con trai mặc những chiếc áo zappa sang trọng, cả nhóm đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến “bay” đêm tận Vũng Tàu. Chi phí cho một chuyến “bay” nhanh lên đến hàng chục triệu (Theo Mực Tím).

Nhiều vụ án mà công an triệt phá các động lắc, hay tụ điểm ăn chơi của giới trẻ đều có một kết cục đau lòng là họ đều ở độ tuổi “ô mai”. Trong những tụ điểm trên, khi bắt được những trai tài nhảy lắc, gái sắc buông thân thì thật là kinh khủng. Được biết, khi ập vào “bắt sống” trong phòng lắc, rất nhiều cô gái và chàng trai đang quan hệ tình dục một cách ngang nhiên trước mắt chúng bạn. Theo lời khai trước cơ quan công an, thì trong những động lắc như thế, nam nữ không làm chủ được bản thân mình, khi chơi thuốc vào, có thể “trao thân” cho bất kỳ ai trong nhóm, dù là người yêu hay bất kỳ ai. Trong những cuộc chơi như thế, nhiều đêm liền, họ chơi chán thì rủ nhau đi thuê nhà nghỉ. Tất cả nhóm trai gái ở cùng, khi quan hệ tình dục chán chê với người yêu, thì nghĩ ra cách đánh bạc, ai thua phải trao bạn gái của mình cho kẻ thắng một đêm. Cứ như thế, hết hội bài này đến hội bài khác, người nào cũng được “ngủ” với người yêu của kẻ khác. Chưa dừng ở đấy, cứ khi nào trong nhóm “đi đêm” hay bỏ nhà “đi hoang” có một “đệ tử” tổ chức sinh nhật là y như đêm đó kẻ đó được tặng quà bằng cách “làm chồng” của cô gái xinh nhất trong nhóm, cứ như là sống theo thói “quần hôn” thác loạn, chẳng quan tâm đến trinh tiết, phẩm hạnh là gì. Đôi khi chuyện tình dục với họ không chỉ là nhu cầu, mà còn là trò chơi, chơi càng ngông, càng độc càng có tiếng vang. Có khi họ còn quay video rồi tung lên mạng để gây sốc cho xã hội (Theo Dung Trần. Nguoiduatin.vn).

Dĩ nhiên, đối với họ, câu “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” bây giờ cổ hủ rồi.

Tuy nhiên, Khắc Vững trên báo Phụ Nử VN ngày 20.6.2011, nhận định: “Theo một thống kê gần đây thì có đến gần 70% nam thanh niên đang yêu cho rằng không nên quá khắt khe với sự trong trắng của người vợ trong tương lai một khi xã hội đang trào lên xu hướng sống hiện đại, sống thử trước hôn nhân. Có được tư tưởng thoáng này là do các chàng cũng đã từng thoải mái quan hệ với bạn gái của mình khi đang yêu. Do vậy với họ không có nghĩa gì mà đòi hỏi phụ nữ phải trinh tiết hoàn toàn. Nhưng trong thực tế, khi trong số những quân tử thời hiện đại này thành chồng không phải ai cũng được cơm lành canh ngọt mãi. Chính lúc này, nỗi đau người đến sau trỗi dậy và trở thành khối u cho hạnh phúc của họ. Con người nhỏ nhen của các ông chồng cùng với sự mặc cảm tội lỗi của các bà vợ đã khiến hạnh phúc tưởng chừng như đã có được trở thành bất hạnh. Âu đây cũng là bài học cho những tư tưởng yêu hết mình cống hiến hết mình mới là yêu đích thực. Thực tế, chữ trinh kia vẫn là cái đáng giá ngàn vàng của bất kỳ một người con gái trước khi bước vào hôn nhân”.

NHỮNG ĐÁM CƯỚI “KHỦNG”

Dù còn hay đã mất cái ngàn vàng, đời người con gái, giây phút đẹp nhất vẫn là lúc bước lên xe hoa. Các đám cưới đại gia bây giờ là dịp để khoe giầu sang.

Ngày xưa đám cưới thời bao cấp thật giản dị. Đôi lứa yêu nhau báo cáo đoàn thể, cơ quan đồng ý, rồi đưa nhau đi đăng ký, coi như là xong. Ngày tổ chức đám cưới, mời mọi người đến trụ sở cơ quan, đơn vị, hay đến nhà dự, chủ yếu là liên hoan văn nghệ “cây nhà, lá vườn”, với… bánh, kẹo, thuốc lá phân phối theo tiêu chuẩn, ít thì mua thêm bên ngoài, đặt làm, hay xin, vay trước tiêu chuẩn của anh em làm cùng, thân thiết. Quà mừng đám cưới chủ yếu là bằng hàng hóa như xoong, chậu, nồi niêu, bếp dầu, gương, lược, khăn mặt…. Có anh không có gì, còn vui đùa, nghịch ngợm gói giấy báo, buộc hẳn hoi đem tới, mở ra là… 4 cục gạch! Ý nói để kê chân giường cho chắc, kẻo đêm tân hôn nằm kêu “cọt kẹt”, nhà tập thể thì chật, có khi chỉ ngăn bằng phên liếp, làm mọi người… mất ngủ! (Lê Đạt (St). “Quà đám cưới”. ViệtBáo.vn. 2.3.2007).

Đó là chuyện cổ tích, thời bao cấp. Bây giờ khác. Thí dụ đám cưới một đại gia, cô dâu chú rể thuộc hàng danh gia vọng tộc mới nổi lên được vài năm, tổ chức tại Sheraton, Sài Gòn. Theo CAND Online, toàn bộ các không gian từ sảnh cho đến các bao lơn, cột hoa La Mã trang trí dọc lối đi của cô dâu chú rể, trên bàn ăn, xe hoa, phòng tân hôn đều trang trí bằng lan Hồ Điệp trắng, nhập ngoại, giá tối thiểu trên 100.000 đồng/cành nhưng nếu chọn lọc, hoa nhập ngoại thì giá còn đội lên cao hơn nhiều. Riêng chi phí cho hoa đã gấp cả chục lần so với chi phí cho toàn bộ một đám cưới thường.

Thông thường, giá một bàn tiệc tại đây từ 9.580.000 đồng/bàn đến gần 12 triệu đồng/bàn cho 12 khách, trung bình mỗi khách 1 triệu đồng. Áo cưới phải là áo dài Hồng Ty, áo cưới Hạnh Phúc Vàng, Thái Tài, A Soẻn, P&T… giá khoảng trên dưới 20 triệu đồng 1 bộ, áo nước ngoài như Hanayome phải từ US$3.000 đến US$6.000 một bộ. Chiếc áo cưới được coi là đắt nhất có tên là “Bách ngọc xiêm y” được trình diễn đêm 28.6.2009 tại Trung tâm Thương mại Ruby Plaza, Hà Nội, dát 222 viên kim cương và 100 viên ruby đỏ, trị giá 2 tỷ đồng.

Ngày 29.9.2012, đám cưới của V. T, con một đại gia tại phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội và cô dâu tên Q. Ng. được tổ chức ngay tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào, với xe đưa dâu Lincoln Limousine 3 khoang hiện có giá trên thị trường khoảng US$500,000 và hàng chục chiếc Mercedes dòng E, S và cả những chiếc Fortuner.

Vẫn còn thua xa đám cưới của chú rể Nguyễn Huy Hoàng, sinh năm1987, con nữ đại gia buôn bán xuyên quốc gia Nguyễn Thị Liễu, được địa phương gọi với cái tên “Liễu Mạnh” và cô dâu Lê Thu Loan, sinh năm 1992, con một đại gia ở Hà Nội, là đối tác làm ăn của mẹ chú rể. Cả cô dâu và chú rể hiện đang du học tại Singapore. Hôn lễ cử hành tại thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Năm 1987, bà Nguyễn Thị Liễu, người xã Sơn Tây, kết hôn cùng ông Nguyễn Hữu Dũng, sinh một con trai là Nguyễn Huy Hoàng. Hằng ngày hai vợ chồng nhận may, khâu quần áo cho người dân trong thị trấn. Sau năm năm, vợ chồng Liễu sinh thêm một bé gái. Cách đây khoảng sáu năm, họ ly hôn, chồng ra làm ăn tại thành phố Vinh và lấy vợ khác, bà Liễu sống với hai con tại thị trấn Tây Sơn, buôn bán lẻ mỹ phẩm, gạo, bánh kẹo… rồi chuyển sang buôn đồ điện tử như TV, tủ lạnh, nồi cơm điện từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan và ngược lại. Khi có được một khoản tiền kha khá, bà cùng một số bạn bè ở Vientianne, thị xã Pac Xan (Lào), Bangkok (Thái Lan) đầu tư kinh doanh bất động sản ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Bà đã chuẩn bị đám cưới cho con từ 1 năm trước, mua thêm một vài suất đất bên cạnh để mở rộng vườn nhà, có điều kiện tiếp khách. Khách dự trù là 3,000 người, sau tăng lên đến 4,000 người. Bà cũng mua chiếc xe Ferrari Califonia tặng con trước đám cưới và sẽ cho con căn nhà phố Nguyễn Du, Hà Nội. Chiều 29.2.2012, hàng ngàn người dân sống hai bên quốc lộ 8A kéo dài từ ngã tư giao nhau giữa đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 8A (thị trấn Phố Châu) lên thị trấn Tây Sơn kéo nhau ra đón xem đám cưới. Đoàn xe rước dâu gồm toàn xe sang, có cả những chiếc xe mang biển Lào và chiếc Rolls-Royce của bà Liễu quá đông khiến quốc lộ 8A nhiều đoạn bị tắc nghẽn. Nổi bật trong đám cưới là đoàn ca sĩ nổi tiếng gồm Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê… Cậu ruột chú rể tiết lộ chi phí đám cưới khoảng hơn 25 tỷ đồng, riêng rượu ngoại đã hơn 2 tỷ; chi phí cho phần âm nhạc, ca sĩ hơn US$60,000 (khoảng 1,2 tỷ đồng).

Những cảnh tượng ăn xài xa xỉ này bị dân chỉ trích nặng nề đến nỗi Đảng phài can thiệp. Báo Điện tử ĐCSVN ngày 6.5.2009 loan tin: Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Tô Huy Rứa… khẳng định: Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị ra đời, kịp thời giải quyết những đòi hỏi chính đáng và những bức xúc của nhân dân trước sự phục hồi và lây lan nhanh những tệ nạn, hủ tục, bệnh đua đòi, phô trương, hiếu danh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trở thành những vấn đề gây nhức nhối xã hội, làm xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc… Nhìn lại thời gian thực hiện Chỉ thị… tất cả đều chưa hài lòng với những kết quả đạt được… còn có những yếu kém, khuyết điểm trong việc thực hiện làm nảy sinh các hình thức phức tạp, những diễn biến xấu trong vấn đề tâm linh ngoại cảm, mê tín dị đoan, thể hiện sự xuống cấp, biến chất về tư tưởng chính trị đạo đức trong bộ phận cán bộ Đảng viên… Sau Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ ban hành chỉ thị mới tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…

Bộ Chính Trị cứ ban hành chỉ thị, các quan cứ chè chén thoải mái, đến hơn 3 năm sau, ngày 2.10.2012, Hanoimới online lại loan tin, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, thành ủy đang hoàn chỉnh chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn TP, quy định cán bộ, đảng viên không nên tổ chức đám cưới cho bản thân hay cho người thân gia đình với số lượng khách không quá 300 người (tương đương với khoảng 50 mâm cỗ 6 người). Nếu là tổ chức chung cả nhà trai và nhà gái thì không nên quá 600 người. Đồng thời không được đối phó bằng cách tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không tổ chức tiệc ăn ở những nơi quá sang trọng, tốn kém, không phù hợp với thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp. Theo Phan Đăng Long, sau quá trình thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị khóa VIII về việc “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, bên cạnh những chuyển biến tích cực, không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp không gương mẫu, vẫn tổ chức cưới linh đình, mang tính thương mại hóa, có biểu hiện lợi dụng việc cưới để vụ lợi; tổ chức đám cưới phô trương, xa hoa, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

DỘT TỪ NÓC DỘT XUỐNG

Nông Đức Mạnh - Đỗ Thị Huyền Tâm


Những chỉ thị này áp dụng cho dân, không biết đối với các tổng bí thư, cựu và đương nhiệm có được miễn không? Tổng bí thư (tbt) Nông Đức Mạnh (NĐM) mới lấy vợ nhưng đám cưới âm thầm nên dân không được chiêm ngưỡng một hôn lễ đáng lẽ phải là “đám cưới thế kỷ”. Câu chuyện ly kỳ này được phổ biến rộng rãi vì con gái NĐM là Nông Thị Bích Liên, ngày 9.2.2012 rồi ngày 18.4.2012, liên tiếp có đơn tố cáo “đảng viên, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm vi phạm đạo đức đảng viên, vi phạm pháp luật nước CHXHCNVN” gửi Báo Người Cao Tuổi. Mối tình này tóm tắt như sau:

Bà Lý Thị Bang, phu nhân tbt NĐM, tuổi cao, sức yếu đã được ông tbt cho về quê tại xã Lương Hạ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn và qua đời ở đó ngày 25.10.2010. Đỗ Thị Huyền Tâm, sinh ngày 17.10.1966 tại Ninh Xá, Bắc Ninh, đã từng lập gia đình 3 lần, lần thứ nhất với Hải Kem, tổng giám đốc kem Tràng Tiền, từ năm 2000 đến 2003, sống già nhân ngãi non vợ chồng với Nông Quốc Tuấn, con trai tbt NĐM, năm 2002 được Tuấn cho vay 5 tỷ đồng để thành lập công ty TNHH Minh Tâm là tiền thân của công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tâm. Huyền Tâm, với tư cách em nuôi Nông Quốc Tuấn, năng lui tới biệt thự số 66B Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội là tư dinh của tbt NĐM, dần dà thành con nuôi NĐM. Được “bố nuôi” nâng đỡ, Huyền Tâm được bầu làm dân biểu khóa 12 và khóa 13. Bà Lý Thị Bang mất chưa được 1 năm, Huyền Tâm tìm đủ cách ly dị với chồng là đại tá Phạm Tuấn Linh, phó Phòng Kế hoạch, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Ngày 30.6.2011, tòa án đã xử ly hôn cho hai người. Tuy thế, đại tá Linh vẫn nói với bạn bè là “Gia đình vẫn hạnh phúc, không có chuyện ly hôn”. Ngày 8.9.2011, chưa đến ngày giỗ đầu bà Bang và sau khi NĐM thôi chức tbt chưa được 1 năm, “cha con” NĐM và Huyền Tâm đem nhau ra xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đăng ký kết hôn nhưng không đúng luật nên bị hủy (văn bản số 119/UBND – VP Huyện Na Rì). Hai người lại đăng ký kết hôn tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nơi đăng ký hộ khẩu của bà Tâm cũng không xong, phải đến phường Quan Thánh, quận Ba Đình là nơi đăng ký hộ khẩu của NĐM mới được nên vợ chồng.

Luật Gia Đình CSVN thế nào không biết, thông thường phải ít nhất 10 tháng sau khi ly dị mới được kết hôn. Tbt NĐM và bà Tâm làm hôn thú chỉ 2 tháng 8 ngày sau khi bà Tâm ly dị ông Linh. Lỡ ra, 9 tháng 10 ngày sau, bà Tâm sanh con, thì sẽ là con ai? Con đại tá Linh, con ông Tuấn hay con tbt NĐM? Dưới chế độ cộng sản, muôn sự của chung, kể cả vợ, thì vợ con cũng như vợ cha. Ông Linh là người ngoài ăn có cũng chẳng sao, có khi ông lại là Lã Bất Vi tân thời cũng nên.

Vội vàng làm đám cưới là do bà Tâm. Tập đoàn Minh Tâm của bà đang nợ 900 tỷ, đáo hạn không có khả năng thanh toán. Theo đơn tố cáo của bà Nông Thị Bích Liên thì Đỗ Ngọc Minh, anh bà Tâm, vay gần 400 tỷ đồng và bà Tâm vay hơn 400 tỷ đồng tại NH Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Cầu Giấy, NH Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Hà Tây, NH TMCP Công Thương chi nhánh Hưng Yên, NH TM Quốc Tế (VIP) chi nhánh Hà Đông, Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex chi nhánh Hà Nội, Vietcombank chi nhánh Long An. Để được vay, bà Tâm đã thế chấp cho các ngân hàng căn biệt thự sang trọng của bà tại Nhân Mỹ, Mỹ Đình, Hà Nội và cả căn biệt thự mới xây trên thửa đất 850 m2 giá 350 triệu một m2 ở khu dân cư số 9, làng Võng Thị, phường Bưởi ven Hồ Tây, đứng tên Nông Quốc Tuấn. Điều này đã khiến cha con Mạnh-Tuấn hục hặc với nhau và tại biệt thự 66B Phan Đình Phùng, NĐM đã chỉ vào mặt Tuấn mắng, “Mày là thằng bố láo, miếng đất ven Hồ Tây có được là do ai? Từ nay tao từ mày, mày sẽ không là con của tao từ đây!

Nông Đức Tuấn từng bị NĐM khi còn là bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, bắt đi Singwitz, thuộc CHDC Đức cũ để cai nghiện ma túy từ năm 1981 đến 1987; sau đó về ngồi chơi xơi nước ở Hội Thanh niên Việt Nam 12 năm; đến khoảng tháng 2.2000 mới được giao chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; tháng 2.2004, tham gia Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; ngày 27.2.2005, được cử giữ chức chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa V; ngày 28.1.2008, được bổ nhiệm giữ chức phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ngày 21.4.2009, được chuyển về giữ chức phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Phụ trách công tác xây dựng Đảng; ngày 3.8.2010, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2005-2010; ngày 18.1.2011, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Con đường hoạn lộ đang hanh thông bỗng dưng ngày 10.6.2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 698/QĐ-TTg bổ nhiệm Nông Đức Tuấn vào chức vụ phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhiệm vụ ông đã đảm nhiệm từ 28.1.2008 đến 21.4. 2009. Đâu lại vào đó, không biết có phải vì cha con tranh nhau một gái nạ dòng 2 con hay không? Nghe đồn Nông Đức Mạnh là con Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã chẳng cướp vợ của đàn em Lê Hồng Phong đó sao, hay ít nhất cũng “chia sẻ” Nguyễn Thị Minh Khai với đồng chí Phong. Vậy thì “đồng chí” Nông Đức Mạnh tranh giành Đỗ Thị Huyền Tâm với “đồng chí” Nông Đức Tuấn cũng chỉ là theo truyền thống loạn luân của nhà này.

Kim Bảng

Theo Dân Nam
Ý kiến bạn đọc
03 Tháng Hai 20138:00 SA
Khách
SUCH FATHER SUCH SON...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn