BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chí Phèo và Hậu Chí Phèo, Những Nhân Vật của Một Thời Mạt Kiếp...

30 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 1166)
Chí Phèo và Hậu Chí Phèo, Những Nhân Vật của Một Thời Mạt Kiếp...
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Chí Phèo là tên một nhân vật nổi tiếng của truyện ngắn Nam Cao. Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917 tại làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Ông xuất thân gia đình trung lưu nhưng ông lận đận về đường sinh kế khi còn thời thực dân Pháp. Ông sống bằng nghề gia sư, lúc viết báo, lúc làm những công việc lao động chân tay nhưng rất chật vật.

Sau năm 1945, ông gia nhập Việt Minh, tham gia kháng chiến và bị chết trong một cuộc phục kích của quân Pháp năm 1951 ở vùng hậu địch khu III.

Ông khởi đầu nghiệp cầm bút khá vất vả, cố gắng lắm mới giành được một chỗ trên văn đàn. Thời kỳ sinh sống ở Sài Gòn ông viết báo Kịch Bóng ở Sài Gòn và viết bài gửi đăng các báo Ích Hữu, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ngày Nay ở Hà Nội.

Tác phẩm gồm nhiều loại khác nhau như thơ, truyện ngắn, kịch, tin tức, vui cười nhưng phần đông đều không được sử dụng. Ông thường dùng bút hiệu Thụy Rư, Nhiêu Khê và Xuân Du. Gặp Tô Hoài ở Hà Nội, ông mới có bắt đầu có truyên ngắn đăng ở Hà Nội Tân Văn và bắt đầu có sách được xuất bản.

Từ 1942 đến 1945 ông viết nhiều truyện thiếu nhi trên sách Truyền Bá, Hoa Mai và nhiều truyện ngắn cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy, truyện dài cho Trung Bắc Chủ Nhật. Nam Cao viết theo kiểu viết khoán, cứ mỗi tháng một truyện Truyền Bá và hai truyện ngắn cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy của nhà xuất bản Tân Dân.
 
Truyện Đôi Lứa Xứng Đôi trong tập truyện ngắn cùng tên của nhà xuất bản Đời Nay năm 1941. Dù in từ thời tiền chiến nhưng truyện này vẫn được coi là thuộc dòng “ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa“ và được các nhà phê bình văn học trong nước đánh giá trị cao, coi là có tính đấu tranh giai cấp và được trích giảng trong chương trình giáo dục học sinh bậc trung học phổ thông.
 
Nhìn Nam Cao có lẽ rõ ràng nhất là bắt đầu từ thời kỳ mà ông in sách. Trong bài Tựa của nhà văn Lê Văn Trương của ấn bản đầu tiên có đoạn: “Quyển Đôi Lứa Xứng Đôi" có được độc giả hoan nghênh hay không, đó là điều tôi chưa cần biết, tôi chỉ biết rằng lúc viết nó, ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo lối người ta đã tả.

Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình… Nhân vật Chí Phèo của Đôi Lứa Xứng Đôi quả là một nhân vật dị dạng, từ bản tính đến ngoại hình. Anh ta tiêu biểu cho những người bị dồn đẩy vào con đường cụt với tâm tính hận thù dồn ép, sống gần với bản năng và xa lý trí.

Cùng một loại với những nhân vật của Nam Cao như Binh Chức, Năm Thọ, Binh Tư,.. những người ngang ngược, coi kỷ luật của xã hội như không có và sống bất cần không nghĩ đến ngày mai.
 
Theo tài liệu “ Báo giáo viên nhân dân năm 1992” in trong “Nam Cao: Đời văn và tác phẩm“ của Hà Minh Đức thì trong một cuộc hội thảo về văn học Việt Nam thời kỳ 1918-1945 tại đại học Harvard năm 1992, có người đã đặt câu hỏi giữa nhân vật A.Q. của Lỗ Tấn và Chí Phèo của Nam Cao có gì khác biệt và Nam Cao có chịu ảnh hưởng nào của Lỗ Tấn không khi viết ra nhân vật này.

Câu trả lời là cả hai nhân vật đều có điểm giốpng nhau là cùng cảnh ngộ của những người bị hiếp đáp bởi những người có học và giàu có. Chí Phèo thì tiêu biểu cho mẫu người nông dân Việt Nam còn AQ thì tiêu biểu cho nông dân Trung Hoa và cả hai đều có nét đặc thù của xã hội họ đang sống.

Tâm tính, cách ứng xử, đời sống của họ được mô tả khác nhau và trong đó chất nhân bản được nhìn tất rõ. Chí Phèo là một người lương thiện và sau những oan khuất, những đưa đẩy của xã hội để biến tính trở thành một kẻ ngang tàng hung bạo như trong thâm tâm vẫn muốn làm người lương thiện.

Anh ta giết người chẳng qua cũng vì cái khát vọng ấy. Cũng như Nam Cao không chịu gì ảnh hưởng của Lỗ Tấn vì khi viết thì truyện AQ Chính Truyện chưa được phổ biến.

Tuy vậy trong một cuộc phỏng vấn thì Nam Cao lại nói rằng hay đọc Racine, Corneille, Guy De Maupassant và chịu ảnh hưởng của Dostoievski, Tchekov cũng như rất thích đọc những truyện của Lỗ Tấn như Khổng Ất Kỷ được dịch ra Việt ngữ.
 
Truyện của Nam Cao có nhiều nhân vật sống trong sự đen tối của xấu xa tha hóa. Như người cha tham ăn tục uống ăn mất cả phần của vợ con trong Trẻ Con Không Ăn Được Thịt Chó, hay những tên cờ bạc dông dài như Binh Hựu, Cả Tuynh, Mạo Khiễng, hay tham lam bần tiện như anh Cu Lộ trong Tư Cách Mõ, hay học thói cờ bạc rượu chè của anh cu Thiêm trong Thôi, Đi Về, hay xấu tính như anh Tẻ trong Rình Trộm.

Tất cả những nhân vật ấy, dường như đang trượt xuống một cái hố sâu để nhân cách của họ bị tha hóa đi và gần gũi hơn những tật xấu của bản năng. Nhưng, thật ra họ vẫn không phải là những mẫu người xấu mà chỉ đáng thương mà thôi.
 
Hình như các nhà nhận đinh phê bình văn học trong nước đều cùng một nhận xét và đổ lỗi cho xã hội làm con người biến chất. Điều ấy nghĩ ra cũng đúng nhưng chưa đủ. Bởi nếu như gán cho cái hành động Chí Phèo đâm chết cường hào Bá Kiến là do phản ứng đấu tranh giai cấp, ở đâu có áp bức thì ở đó phải có tranh đấu bạo động thì nhận định ấy có vẻ vơ vào quá.

Cái tâm tình của một anh vừa tỉnh một cơn ác mộng khi chạnh lòng trở về với tính nhân bản con người không đi xa hơn được cái ý thức căm thù của lý thuyết Cộng Sản.
 
Năm 1940, Nam Cao viết truyện “Cái lò gạch cũ“ (Tức Chí Phèo) mà vẫn chưa tin tưởng vào văn tài của mình. Khi đưa đến nhà xuất bản Đời Nay, bản thảo này không được để ý và bị bỏ quên khá lâu. Về sau nhà văn Lê Văn Trương tìm thấy bản thảo đọc và khen hay nên thích thú đề tựa và cho mang đi in.

Ông cũng đổi tên nhan đề truyện là “Đôi Lứa Xứng Đôi”. Sau này, trong thời kháng chiến vào năm 1946 Nam Cao mới cho in lại trong tập Luống Cày của Hội Văn hóa Cứu Quốc lấy nhan đề lại là Chí Phèo.
 
Trong ấn bản của nhà xuất bản Đời Nay thì Đôi Lứa Xứng Đôi gồm 7 truyện ngắn: Đôi Lứa Xứng Đôi, Nguyện Vọng, Hai Khối Óc, Giờ Lột Xác, Chú Khì, Ma Đưa và Cái Chết Của Con Mực. Trong đó truyện “Đôi lứa xứng đôi” xuất sắc nhất và tạo được ấn tượng cho cái tên tác giả Nam Cao.
 
Tác giả đặt tên truyện là “Cái lò gạch cũ” bởi vì nơi ấy là chỗ mà Chí Phèo bị vứt ở đó như một đứa con rơi và cũng là chỗ mà trong cuối truyện khi Thị Nở nghĩ đến khi sẽ sinh ra đứa con của Chí Phèo đang nằm trong bụng.

Truyện là một mối tình kỳ lạ giữa hai người một là anh chàng liều lĩnh bán trời không cần văn tự còn một là cô gái lỡ thì dở hơi và xấu xí. Họ là những nhân vật dị dạng của làng Vũ Đại, những người sống bên lề, kẻ ngụ cư ngay chính nơi mình sinh trưởng.

Chí Phèo là một anh chàng canh điền bị oan khuất tù tội suốt mười năm nên từ một người nhút nhát hiền lành trở thành một người côn đồ văng mạng quậy phá trong làng trong xóm ở tuổi bốn mươi.

Anh trong bước đường cùng, say sưa be bét, để rồi có một ngày bị chấm dứt cuộc sống bằng một trận ốm sau một cơn say của một đêm mưa bão nào đó. Nhưng, con người dị hình dị tính ấy lại có một mối tình với một cô gái cũng dị hình dị tính không kém, xấu xí đến ma chê quỉ hờn và tính tình ương dở ngây ngô.

Chí Phèo đã yêu Thị Nở qua bát cháo hành và những giọt lệ cũng như trở lại với cái ước vong muốn làm người lương thiện thuở xưa lúc là anh canh điền hai mươi tuổi.

Bây giờ, Chí Phèo bị gạt ra khỏi cộng đồng con người và hành động cầm dao đâm chết Bá Kiến cũng là một cách biểu thị cái ước vọng của một người tuyệt vọng trong cuộc sống...Chí Phèo đã đi vào đời sống và thành một cái tên để chỉ những người cùng đồ hung dữ, luôn luôn bơi ngược dòng đời sống và có những hành động không kiểm soát được bằng lý trí.

Ngay cả trong văn chương, có những nhà văn này dùng chữ Chí Phèo để nói về một nhà văn khác với cả sự bỉ thử và khinh miệt. Từ ngữ Chí Phèo đã thành một danh từ, một tĩnh từ để chỉ và mô tả một mẫu người đặc biệt trong xã hội mà người ta đã quen dùng.

Nhà văn Phạm Thành


Chí Phèo đã chết trong truyện ngắn Nam Cao sau khi đâm chết Bá Kiến rồi tự đâm mình? Không, Chí Phèo sống lại mấy chục năm sau trong Hậu Chí Phèo của nhà văn Phạm Thành.

Tiểu thuyết ấy được nhiều người nhắc đến, được in nhiều lần và cũng nhằm phác họa một mẫu nhân vật của một thời đại mới, thời xã hội chủ nghĩa. Nếu Chí Phèo là một nhân vật gợi lại một thời kỳ thực dân phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945 thì Hậu Chí Phèo cũng có nhân vật để biểu trưng cho một thời kỳ tuy gọi là độc lập tự do nhưng tồi tệ và bất công hơn nhiều.

Từ “thằng Chí Phèo” cùng đinh qua Hậu Chí Phèo đã thành “Cụ” Chí với tất cả uy quyền của một tên thất học nhưng vào thời bần cố vô sản lên ngôi nên thành người lãnh đạo của làng Vũ Đại. Một thời đại nhiễu nhương được phác họa lại với tất cả những biểu tượng mô hình độc đáo.
 
Hậu Chí Phèo là một tác phẩm được in năm 1991 do nhà xuất bản Thanh Niên và là một cuốn sách bán chạy nhất ở trong nước năm 1991 theo tổng kết của báo Văn Hóa Thể Thao trực thuộc cơ quan chính thức VN Thông Tấn Xã.

Cuốn sách xuất hiện giữa lúc ở Liên Xô đang có đảo chính của phe bảo thủ Cộng sản chống lại chính quyền của Gorbachev nhưng rồi sau bị Boris Yeltsin dẹp tan. Trong hoàn cảnh dao động chính trị vì ảnh hưởng từ Liên Xô như thế, cuốn sách mới có cơ hội để ra đời sau khi bị nhiều nhà xuất bản từ chối.
 
Tác giả đã làm sống lại con người của Chí Phèo trong thời đại mới từ Hậu Chí Phèo. Thời của chuyên chế vô sản nên những người như Chí Phèo xa lạ với chữ nghĩa, với lương năng nhưng lại trở thành những người lãnh đạo “hồng hơn chuyên” ngu dốt, tàn ác và mất nhân tính.
 
Nếu ở truyện Nam Cao, Chí Phèo còn có tham vọng muốn làm người thì ở truyện Phạm Thành, Cụ Chí lai muốn làm một con thú dữ, áp đặt luật lệ ngu đần của mình lên tất cả những người liên hệ đến và cả bàn dân thiên hạ.

Tiểu thuyết Hậu Chí Phèo nối tiếp Chí Phèo bằng những tấn hài kịch biến thành thảm kịch cười ra nước mắt.
 
Tác giả Hậu Chí Phèo là Phạm Thành sinh năm 1952 tại xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sau rất nhiều bôn ba với đủ thứ nghề nghiệp của cuộc đời anh vào học trường Đại Học Tuyên Huấn Trung ương và hành nghề phóng viên báo chí báo TNVN. Ngoài làm báo anh còn viết văn.

Tác phẩm Hậu Chí Phèo ra mắt năm 1991 có tiếng vang khá rộng lớn và có nhiều nguồn dư luận xoay quanh khen chê lẫn lộn. Truyện Hậu Chí Phèo bắt đầu với cái chết của Cụ Chí với tất cả to lớn huy hoàng của một người có quyền có chức.

Tác giả nói về ba chiếc xe con với ba ông chủ của nó là con của Chí Phèo, kết quả của những mối tình có một không hai của làng Vũ Đại. Và từ đó là câu chuyện lẫn lộn tình và thù của Chí Phèo và bà Ba, người vợ lẽ của Bá Kiến, là đầu mối oan trái hận thù ngày xưa, kẻ đã làm nhục hắn và chính là nguyên nhân để hắn chịu hơn mười năm tù.

Tằng tịu với bà Ba xong, bà này có chửa thì bị Chí Phèo kết tội và mang ra xử bắn. Bà này chạy thoát được và sinh ra đứa con làm chủ tịch ở vùng dân thiểu số cư ngụ. Đứa con này cũng về chịu tang Chí Phèo.

Đứa con thứ hai của hắn và Thị Nở, kết quả của những cơn say bị hắn từ bỏ và sau này lớn lên nhờ thời thế mà trở thành một bí thư của một làng và là một tay đấu đá có hạng. Hắn vì có dị dạng nên không thể làm chức cao hơn nhưng cũng là một quan chức của thời đại mới.

Đứa con thứ ba là đứa con chính thức của Chí Phèo với người vợ được Đảng thừa nhận là Thị Tèo, một viên chức lãnh đạo hội Phụ nữ. Thằng này khôn ngoan chững chạc nhất và có lẽ con đường quan chức rồi ra cũng vinh hiển giống cha.
 
Kể lại những mối tình của Chí Phèo tân thời, tác giả Phạm Thành lẫn lộn giữa bi và hài kịch. Những mối tình quái gở, những con người quái gở và những cuộc đời cũng cực kỳ quái gở, lẫn lộn giữa tính toán và dục tính, lẫn lộn giữa hãm hiếp và dâng hiến

Tả cuộc làm tình giữa Chí Phèo và bà Ba: “.. tay Chí vào việc ngay:


- Không cần thắp đèn.
 
Nghe tay Chí nói thế, hình như chẳng có sự bất ngờ nào, bà Ba quay người lại, ngước cặp mắt long lanh ngấn lệ, nhìn hắn, giọng nụng nịu;
 
 - Không, tôi thích sáng cơ.
 
Tay Chí quát: - Sáng tối cái gì. Cô có nhớ cô tệ thế nào với tôi chứ.

Thực tình bà Ba chẳng hiểu tay Chí định ám chỉ gì, run run: - Tệ nào?
 
 - Quên hả? Cô quên đau đầu đau bụng rồi hả?
 
A! – bà Ba kêu lên sung sướng

 - Nhớ rồi, tôi nhớ rồi!
 
Tay Chí quát tiếp:
 
 - Cởi quần ra!
 
Theo phản xạ tự nhiên, bà Ba đưa tay sờ vào cạp quần. Một chút lưỡng lự. Nhìn màn đêm qua cửa sổ tối om, bà yên tâm.
 
- Cởi ra- tay Chí giục
 
- Có phải cởi áo ra không ạ! Bà Ba hỏi vừa nghiêng bộ ngực oai vệ về phía tay Chí. Một tay bà đưa lên sờ vào khuy áo ngực.
 
- Không cần - Tay Chí bực mình quát. Lập tức tay Chí đưa bàn tay thô ráp đầy lông lá lên cổ bà, ấn mạnh.

Bà Ba vội buông tay trên khuy áo ngực, ngả người xuống giường. Tay Chí cũng ngả người theo..”
 
Hay một đoạn khác:
 
“Báo cáo anh Chí, bây giờ bắn người phải có lệnh. Mắt tay Chí trợn lên, tỏ rõ sự ngạc nhiên, hỏi lại:
 
- Cái gì?
 
- Dạ thưa anh, bắn người phải có lệnh.
 
- Lệnh nào?
 
Người thư ký chìa tờ lệnh cho tay Chí nhìn. Tay Chí nói:
 
- Ai ra lệnh?
 
- Dạ thưa chính anh ạ!
 
- Tôi đã ra lệnh?
 
- Nhưng anh phải ký vào lệnh ạ!
 
Tay Chí cười lên sằng sặc:
 
- À a! Có bước tiến mới này phải không? Đưa đây, ký vào chỗ nào?
 
Tay Chí cầm tờ lệnh tử hình, chẳng thèm đọc, chọc ngón tay trỏ vào lọ mực tím đã mở sẵn nắp, rất thành thạo, rút ngón tay trỏ ra, nhắm vào chỗ người thư ký chỉ, tay Chí vẽ một con giun loằng ngoằng, dài suốt cả phân nửa dưới của bản án tử hình…”
 
Phạm Thành mô tả “Cụ Chí” như là một sản phẩm của một thời đại lưu manh lừa lọc. Tự nhiên, tôi lại liên tưởng đến con người Hồ Chí Minh. Cũng dâm ô, thủ đoạn. Cũng gian dâm rồi giết người tình. Cũng tự thần thánh mình. Cũng coi mọi người như là một công cụ của riêng mình, muốn hành hạ bắt giết thế nào tùy ý.

Cái hành động ký án tử hình như thế như của một kẻ uống máu người không tanh, coi rẻ mạng sống con người. Dù rằng, người tử tội ấy đã ăn nằm với mình và có giọt máu của mình trong bụng.

Ở một liên tưởng khác, tôi nghĩ đến chuyện Hồ Chí Minh gian dâm với Nông Thị Xuân rồi đem giết đi để bịt miệng. Tuy ở trình độ cao hơn Chí Phèo, nhưng cũng là một kẻ sát nhân nham hiểm.
 
Trong bài phỏng vấn của Phạm Xuân Chiến đăng trên báo Văn Hóa Thông Tin Thanh Hóa có đoạn:
 
“Hỏi: Anh có run không khi cho Hậu Chí Phèo ra trình làng?
 
Phạm Thành: Run cái gì mới được chứ?
 
Hỏi: Có người nói Hậu Chí Phèo nói xấu chế độ, bôi bác rất nhiều cán bộ kể cả cán bộ có chức có quyền?
 
PT (cười) Quyền phán xét là của mọi người. Tôi viết với cái tâm “sáng”. Ở đây cần phải hiểu cái tâm thế nào cho đúng. Nếu nó không xấu mà tôi nói xấu thì tôi là kẻ xấu. Còn ngược lại thì.. (cười) để xây dựng.

Nhưng thật ra để Hậu Chí Phèo ra được cũng khá gian nan. Tôi đã viết xong tác phẩm này năm 1989 “Thiên tình sử của anh Chí” cũng đã nằm lăn lóc ở báo Văn Nghệ hơn một năm trời. Tập sách đã qua vài ba nhà xuất bản.

Tóm lại là có nhiều người “ngại”. Cuối cùng nhà xuất bản Thanh Niên, nhà in Tiến Bộ là “bà đỡ” cho cuốn sách này. Hỏi: Có người nói văn của Hậu Chí Phèo hơi thô tháp. Phải chăng khi viết tác phẩm này anh không chú ý đến văn?
 
PT: Cũng không hẳn như vậy. Thô tháp đó là tính cách của anh Chí. Ở đây tôi không cố làm văn. Vả lại cần phải hiểu chất văn không phải là câu chữ mà là toàn bộ tác phẩm toát ra điều gì nhân văn. Trong khi đó, đọc phần “ám ảnh một dòng sông” thì có người lại cho là lãng mạn,
 
Hỏi: Các nhân vật của anh thường thiên về cái hài pha chút bi kịch?

PT: Đúng, viết cho người đọc vui vẻ. Cái hài dễ gây ấn tượng và đi vào lòng người đọc nhất. Anh có thấy cô Cúc trong “ám ảnh một dòng sông” bị nghi ngờ, bị kết tội, bị xua đuổi vì trên đầu có chiếc cặp tóc bằng kim loại sáng quá và nhất là cô gái ấy lại có mảnh gương soi nhỏ. Bằng hai thứ đồ dùng của phụ nữ đó, cô bị kết tội là gián điệp là chỉ điểm cho máy bay Mỹ bắn phá.

Chuyện đó là sự thật đau lòng của một thời. Bây giờ nghĩ lại thấy nó hài hước và ngớ ngẩn. Rõ ràng trong cái hài hước lại chứa đựng những cái bi đến rơi nước mắt..”
 
Kể ra, những điều mà Phạm Thành đã viết chẳng phải là chuyện lạ. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, biết bao nhiêu cái ngớ ngẩn chết người đã tạo oan khuất cho bao nhiêu người vô tội. Những giới chức cầm quyền mới, không có đủ lương năng cũng như kiến thức nên biết bao nhiêu cái ngu cái dốt xảy ra và nạn nhân chính là toàn dân bị áp đặt trong một môi trường sắt máu tàn bạo.
 
Ở một đoạn khác, là sự so sánh giữa hai thời kỳ, hai con người hai chế độ:
 
“Hỏi: Anh Chí trong Hậu Chí Phèo của anh có khác gì với anh Chí của Nam Cao?
 
PT: Viết theo tác phẩm nhất là một tác phẩm nổi tiếng - là rất khó. Anh Chí của tôi và anh Chí của Nam Cao đều có một điểm giống nhau căn bản đó là sự trung thực với đời mình.

Anh Chí của Nam Cao là một nhân vật bị xã hội chà đạp còn anh Chí của tôi (cười) là một anh Chí đẹp trai hơn được xã hội nâng đỡ hơn.
 
H: Lý do nào mà anh đưa anh Chí lên làm chủ tịch làng Vũ Đại?
 
PT: Tôi sinh ra ở nông thôn. Trình độ dân trí của nông thôn ta đa phần còn thấp. Tôi đi công tác nhiều, xin nói thật, hiện nay khối ông chủ tịch chỉ có học lớp ba lớp bốn mà phải giải quyết việc liên quan đến hàng triệu con người. Ngớ ngẩn lắm. Lãnh đạo mà không được học hành thì thật là đáng sợ.

Anh Chí đấy, lên chủ tịch làng Vũ Đại do không học gặp bao sai lầm ngớ ngẩn. Tôi đã đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh trước tình trạng dân trí của các vùng quê, nhất là hệ thống lãnh đạo huyện xã...”
 
Dường như Phạm Thành nói chưa hết ý. Không phải những cường hào ác bá mới ấy chỉ có ngu dốt thôi mà còn tàn ác nữa. Những tên giết người không ghê tay, những đứa dám giết cả người ăn nằm với mình, những kẻ coi chuyện vợ chồng như một cách giải quyết sinh lý, thì chẳng phải là con người nữa mà là con thú sẵn sàng moi gan uống máu đồng loại..
 
Nam Cao đã phác họa nên một mẫu nhân vật của một thời đại mà tới bây giờ vẫn còn sinh động. Chí Phèo đã thành một khuôn dáng quen thuộc của những người cùng đồ hung dữ quậy phá xã hội. Còn với Hậu Chí Phèo, thì mẫu nhân vật ấy đã thành một thứ quan quyền và gây tác hại cho xã hội ghê gớm hơn và sâu rộng hơn.

Nguyễn Mạnh Trinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn