BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc “Bên thắng cuộc” của Huy Đức

30 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 1147)
Đọc  “Bên thắng cuộc” của Huy Đức
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Khi viết cuốn sách “ Bên thắng cuộc” tác giả Huy Đức có lẽ muốn cả hai phe cộng sản và không cộng sản, phe thắng cuộc và phe bại cuộc đều vui vẻ đọc. Muốn như vậy nên tác giả đã khôn khéo “ lách” rất nhiều và cũng tránh hẳn những điểm “ nhạy cảm” những điểm nóng hiện tại cho nên tác giả chỉ nói lên một phần sự thực . Nhưng cuốn sách vừa hiện lên internet liền bị phê phán nặng nề ở cả hai bên. Bên chánh quyền cộng sản ở Việt nam thì mạt sát Huy Đức là người đầu hàng người bị chiêu hồi, bên không cộng sản có một số khá đông cho Huy Đức là tên cộng sản theo nghị quyết 36, lẫn lút trong cộng đồng Việt kiều để phá hoại. Theo tôi có mấy nhận xét sau đây :

1- Ưu điểm của cuả cuốn sách “ Bên thắng cuộc”.

- Huy Đức đúng là một nhà văn, nhà báo có biệt tài. Viết rất trôi chảy, cuốn hút người đọc.

- Tác giả đã biến một cuốn lịch sử khô khan trở thành một cuốn tiểu thuyết lịch sử rất hấp dẫn từ trang đầu đến trang chót.

- Huy Đức đúng là một trí thức có tầm nhìn xa, nên dù là một đảng viên cộng sản được giáo dục trong môi trường cộng sản từ lúc tấm bé, nhưng Huy Đức tránh được cái lối viết vụng về hạn hẹp của hầu hết những nhà văn nhà lý thuyết cộng sản, không thấy cái hơi hám của “Đảng ta, nhân dân ta, nhà nước ta” ( Hiện nay bộ chánh trị như Nguyễn phú Trọng Tô huy Rứa vẫn còn cái giọng điệu của Mac Le ở thế kỷ trước..) Không, không, Huy Đức không mắc cái bịnh dị họm ấu trỉ đó.

- Tài liệu rất dồi dào. Điểm này khuyết có ưu có.

- Tác giả có thể thành công một phần về sự điều chỉnh một số nhân vật lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam trở thành những nhà lãnh đạo độc đáo, những nhà lãnh đạo bằng da bằng thịt thật chứ không phải là robot. Tôi muốn nói hai nhân vật Lê Duẩn và Võ văn Kiệt, tác giả đặc biệt có sự kính trọng và muốn độc giả ở hậu thế cũng kính trọng.

- Tác giả khá chin chắn khi chọn tiêu đề cho cuốn sách “ Bên thắng cuộc” Không dùng “ Bên thắng trận, bên toàn thắng, bên chiến thắng, bên thành công, ….” Tôi rất phục tác giả chọn chữ “ cuộc” để may ra nó thu ngắn bớt khoảng cách quá xa từ sự huyênh hoang cao ngạo tự đắc của kẻ thắng đến sự hận thù ghiêm gút, ngút ngàn của người thua . Tác giả muốn đem cái triết lý Lão Trang xem đời như một trò chơi một cuộc cờ , dù thắng dù bại vẫn nằm trong cõi vô thường tạm bợ

- Có lẽ là một cuốn sách viết về lịch sử chiến tranh Việt nam, dù một giai đoạn, được nhiều độc giả nhất, và càng tranh luận độc giả càng tăng. Một ngày không xa khi dịch ra tiếng Anh, cuốn sách này sẽ có hàng nhiều triệu độc giả trên khắp thế giới. Nhất là sách này xuất bản trên internet nên khắp toàn cầu ở đâu đọc cũng thuận tiện.

2- Khuyết điểm của cuốn sách Bên thắng cuộc.

- Tài liệu quá nhiều nhưng số tài liệu chắc chắn độc giả tin tưởng thì không nhiều. Phần nhiều nghe kể lại hoặc qua các tự truyện các cuộc phỏng vấn, nếu có thực, cũng khó tin tưởng. Đa phần những nhân chứng nếu còn cũng vào tuổi già nua không kiểm chứng được. Ví dụ viết về Lê Duẩn, phần lớn căn cứ lời kể lại của người vợ thứ hai và người con rể của Lê Duẩn. Vì thế với tài năng viết văn của tác giả có thể tạo câu chuyện hấp dẫn câu chuyện duyên dáng ly kỳ hơn sự thực. Phải chăng vì những tài liệu như thế nên câu chuyện lôi cuốn người đọc ?

- Về nhân vật Lê Duẩn, có hai điểm tôi cần nói. Theo tác giả nói người rể của Lê Duẩn kể lại khi Lê Duẩn ra lệnh quân đội tràn qua Campuchia để đánh Pol Pot, khi quân đội chiếm được Nam vang điện về báo cho Lê Duẩn biết, đang ngủ, Lê Duẩn vẫn thản nhiên ngủ như không có chuyện gì hết. Con người có niềm tự tín mãnh liệt và giữ được cái tâm an bằng không giao động dù chuyện đại sự. Tôi nghĩ có lẽ người rể Lê Duẩn ( hoặc tác giả) muốn tô vẽ người lãnh tụ của mình có những đặc tính người thường khó có, như những chuyện về Napoleon , ngủ 15 phút trên mình ngựa, như chuyện thánh Gandhi khi còn nhỏ ngồi trên chiếc xe bò kéo qua cái đèo, cậu ta ngủ gục rớt xuống xe cậu ta vẫn ngủ trên đường đèo sang ngày sau người ta đi tìm thấy cậu bé thiên tài này vẫn ngủ tỉnh táo như ngủ ở phòng ngủ….Thiên tài nào cũng có những chuyện hay hay như thế …..và có lẽ Lê Duẩn cũng phải có. Một chuyện nữa, cũng của Lê Duẩn. Huy Đức cho biết Lê Duẩn con nhà nghèo học chỉ đến lớp tư. Thời của Lê Duẩn ở miền Trung lớp tư là lớp mấy ?

Lớp đầu tiên vào học các chữ abc là lớp Năm, lớp kế tiếp là Lớp Bốn thường gọi là lớp Tư, hết lớp Tư đến lớp Ba thi bằng Sơ học yếu lược. Lê Duẩn con nhà nghèo học tới lớp Tư rồi thôi học, lớn lên theo cộng sản hoạt động cho đảng …Lê Duẩn không vào trường nào cũng không xuất ngoại sang Pháp như Hồ chí Minh thì làm sao Lê Duẩn đủ sức đọc cuốn tự điển bách khoa của nước Pháp ? Tôi e điểm này cũng là một nước sơn cho đẹp mặt người lãnh tụ số 1 của đảng cộng sản Việt nam. Tác giả cho biết Lê Duẩn là người thường suy tư. Điều này thực sự tôi không tin một mảy may nào, vì con người thiếu học mà hay suy tư là điều khá mâu thuẩn. Còn gì phải suy tư nữa, đảng là sáng suốt nhất rồi. Bác Hồ mắng Trần văn Giàu “ Chú đừng khôn hơn đảng !”

- Người ta thường quan niệm người cộng sản chỉ có một quả tim yêu thương giai cấp lao động giai cấp bần cố nông mà thôi không như người tiểu tư sản . Có lẽ tác giả muốn cho độc giả thấy rằng Lê Duẩn , Võ văn Kiệt là người có trái tim rất người, nghĩa là có tình yêu giữa nam và nữ, dù có vợ rồi Lê Duẩn vẫn yêu một người đẹp khác và người này là vợ thứ hai của ông ta, qua Tàu được Mao chủ tịch quí mến và bà ta giúp Lê Duẩn có lẽ cũng như Giang Thanh giúp Mao trong cuộc đời chánh trị. Tác giả viết kỹ đến thừa thãi việc vợ lớn ghen vợ bé và con gái lớn của LêDuẩn, con bà lớn, đập cửa phòng cha khóc lóc ầm ỉ……nghĩa là cũng là những con người như chúng ta có những lúc yêu đương lãng mạn lăng nhăng rất dễ thương. Võ văn Kiệt cũng vậy khi ra Hà nội gặp lại người đồng chí ngày xưa yêu thương lãng mạn như người tiểu tư sản có trái tim biết rung động.

- Trong chương “ cải tạo”, tôi đọc với sự hồi hộp may ra thấy lại hình bóng mình ngày xưa trong 8 năm trời “ cải tạo.” Thú thật tôi không thấy gì hết. Có lẽ tác giả muốn cho thế hệ sau thấy rằng khi chiến tranh chấm dứt, lớp quân đội và hành chánh miền Nam được đưa đi cải tạo tùy theo tội nặng nhẹ, thời gian cải tạo lâu hay mau, để trở thành người lương thiện của chủ nghĩa xã hội. Có lẽ tác giả muốn trở về Việt nam không bị trở ngại nên chương cải tạo tác giả biến việc đi cải tạo đúng với tình thần “ khoan hồng” chủ trương của Bác Hồ viết trên giấy tờ. Có một điều toàn đảng toàn dân học tập lời huấn lệnh của thủ tướng Phạm văn Đồng, tất cả báo chí đều đăng trang nhất chạy hàng chữ lớn, và tất cả đài phát thanh rỉ rả nói hoài nói mãi lời của thủ tướng nói về cải tạo “ bọn ngụy quân ngụy quyền” tại Quảng ngãi. Huy Đức có lẽ biết nhưng không nhắc đến chuyện này. Mặc dù niềm vui chiến thắng còn tươi rói, mặc dù bất chiến tự nhiên thành, nằm ngữa “ sung rụng vào miệng”, “chó ngáp nhằm ruồi,” vì sự tráo trở của chánh quyền Nixon- Kissinger với Mao – Chu an Lai, thủ tướng Phạm văn Đồng không dịu bớt nỗi thù hằn quân nhân công chức chánh quyền quốc gia miền Nam, thủ tướng hét lớn như Trương Phi trên sân khấu, “ Phải kéo mức sống bọn chúng xuống, kéo xuống, càng kéo càng tốt”. Theo tôi chưa có ông thủ tướng nào, dù ở các nước cộng sản, có lời kêu gọi man rợ ích kỷ đê tiện tới mức đó. Vì lời chỉ thị gắt gao đó, những người tù như chúng tôi phải chịu cảnh đói kinh khủng , đói đến độ gần như điên loạn. Tôi xin nói lại không đi cải tạo dù có giàu tưởng tượng tới mức nào cũng không thấy được cảnh đói khổ của người tù dưới chánh quyền cộng sản nhất là cộng sản Việt nam. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ thà chết quách khoẻ hơn là phải chịu đói triền miên ngày kia tháng nọ. Đói, đói , đói lúc nào cũng đói, chưa ăn thì đói, ăn phần ăn nửa chén cơm càng đói, đi làm cũng đói, tối về đói ngủ không được, đứng cũng đói, nằm cũng đói. Đói đến nỗi một số mất nhân tính như điên như loạn sinh ra ăn cắp vặt, bắt con nhái con thằn lằn con dán con mối liền bỏ vào miệng nuốt ngay cho đỡ đói. Nhà văn Thanh Thương Hoàng viết một truyện ngắn có chi tiết trong tù cải tạo đói đến độ có một số anh em chịu hết nổi đành lấy cứt mới ỉa có những hột bắp chưa tiêu hóa đem rửa rồi bỏ vào gô nấu lại để ăn. Trời ơi ! Trời Phật ơi ! , Thượng Đế ơi ! có thấy có nghĩ đến cảnh đói của tù cải tạo chịu sự hành hạ của “ bên thắng cuộc”!. Tôi chắc Huy Đức không tưởng tượng được có cái cảnh đói của tù cải tạo của bên thắng cuộc đó. Bên trại cải tạo nào cũng có môt nghĩa địa lớn để chôn tù nhân chết vì đói sinh đủ bịnh tật không được chữa trị. Nhà tù Xuân phước ở Phú yên mỗi tuần ít nhất có hai người tù chết chôn ở nghĩa địa sát cổng nhà lao.

- Ngoài việc bỏ cho chết đói, người tù còn phải nghe những lời chưởi bới thô tục một cách thậm tệ . Ban tuyên huấn trung ương gửi xuống những tài liệu học tập, thực sự là những lời chưởi bới quân đội chánh quyền miền Nam quốc gia và “đế quốc” Mỹ. Những điều này không hề thấy trong sách của Huy Đức. Là ký giả của nhiều tờ báo lớn của đảng, chả lẽ Huy Đức không có dịp nào theo các phái đoàn vào xem trại cải tạo hay sao. Tôi hi vọng khi tình thế đổi khác người ký giả Việt nam được chút chút tự do, Huy Đức sẽ viết lại trang cải tạo này . Khi gần tắt thở tướng Trần Độ tỏ vẻ hối hận vì đã đối đãi quá tệ với anh em quân đội công chức chế độ miền Nam Việt nam và hình như Thủ tướng Võ văn Kiệt cũng có tâm trạng như thế ở phút lâm chung. Huy Đức có nhắc tới một chuyện khá hay của ngày kết thúc nội chiến Hoa Kỳ. Lúc ấy, 1865, “ bên thắng cuộc”tướng Grant thực sự với tinh thần khoan hồng, hơn nữa, với tinh thần mã thượng, ra lệnh cho binh lính bên bại cuộc chỉ bỏ khí giới lại nhưng được đem theo về xe cộ, lừa, ngựa để sản xuất. Tuớng Grant còn ra lệnh cho binh lính bên thắng cuộc đứng nghiêm chào từ giã bên thua cuộc. Không một người lính nào bị bắt đi “ cải tạo”…..Kể chi tiết đẹp đẽ hào sảng mã thượng đó, Huy Đức liền nói đến tướng Dương văn Minh khi đầu hàng không ngó ngàng gì đến đoàn quân bại trận của ông. Ý Huy Đức chê tướng Minh không biết lo cho binh lính khi thất trận. Đáng lẽ Huy Đức phải nói tại sao ông Lê Duẩn, ông Kiệt hay ông tướng Trà ông tướng Độ…..không như ông tướng Grant của Mỹ chứ sao lại nói ông tướng Minh ? Nhưng đã có người rồi Huy Đức ạ, có thủ tướng Phạm văn Đồng kêu gọi “ kéo mực sống chúng xuống” và hàng triệu binh lính công chức miền Nam được đi cải tạo và được chết gần một nửa. Huy Đức có đi học đại học nên biết kỹ nước Hoa Kỳ có người như tướng Grant đủ bản lĩnh và lòng cao thượng ân xá cho kẻ thù khi thua cuộc, và có người như các vị lập quốc George Washington, Thomas Jefferson ….họ không tham quyền cố vị cho đến khi chết mới nhả chức vụ như Lenine, Staline , như Mao, như Kim nhật Thành, như Hồ chí minh như Phạm văn Đồng….. bởi vậy nước Hoa Kỳ khi chưa đầy 200 năm lịch sử đã trở thành một siêu cường quốc dân chủ, còn những nước có hàng ngàn năm văn hiến như Việt nam như Trung hoa ngày nay ra sao Huy Đức thấy rõ.

- Đối với người sống bên thua cuộc bị tù đày bị hành hạ bị bỏ đói chết trong các trại tù trên rừng xanh nơi nước độc, tài sản họ bị tịch thu, vợ con họ bị cô lập bị chưởi bới . Nhưng những người chết cũng không yên. Ai có đến nghiã trang quân đội miền Nam ở Biên hoà thì thấy được cái tâm địa rất thú vật của bên thắng cuộc mà Huy Đức bỏ qua không nói đến. Tất cả những bia mộ bị đập phá, các thành bằng gạch xây mồ bị đập phá chở đi. Thì ra người sống bị trừng trị, người chết cũng không được yên thân. Tôi nghĩ trên thế gian này chưa có bên bại trận nào bị đối xử tàn bạo man rợ như bên bại trận miền Nam quốc gia Viêt nam. Tôi hi vọng khi tái bản cuốn bên thắng cuộc tác giả nên viết kỹ lại đoạn này

- Trong chương Vượt biên, Huy Đức kể một chi tiết rất hay về ông Võ văn Kiệt. Ông Kiệt mời một số trí thức đến gặp ông ta và nói “ Các anh không nên ra đi bây giờ, hãy chờ ba năm sau nếu các anh muốn đi chúng tôi sẽ tiễn các anh ra đi đàng hoàng” Trong số trí thức được mời đó có người thưa với ông Kiệt “ Ba năm sau tôi sợ người ra đi không phải chúng tôi mà chính là các ông”. Tôi, người viết bài này, đã sống 9 năm trời với cộng sản liên khu V, cộng sản sắt máu nhất ( 1945-54) nên tôi nghĩ rằng lời ông Kiệt nói với đám trí thức đó là lời đe dọa chứ không phải lời khuyên có tính cách tâm tình. Và lời đối đáp lại của vị trí thức đó tôi hoài nghi, vì tôi biết trí thức sống dưới sự cai trị của cộng sản hèn nhát tới mức nào.

- Về những chương khác nhất là chương “ đánh tư sản”, chương đổi tiền, chương vượt biên…tác giả viết sơ sài quá. Người Viêt nam đảng viên hoặc không đảng viên không bao giờ quên được chưa có vụ ăn cướp nào trên thế gian này bằng việc đánh tư sản và đổi tiền ở Viêt nam.

- Viết về “bên thắng cuộc” dù viết từ 1975 trở về sau, mà không viết về một nhân vật số 1 đem đến cho tổ quốc một tai ương khủng khiếp biến một dân tộc mấy mươi triệu người thành đám tù nhân một đám câm điếc và giết hại hàng mười triệu người Nam Bắc, đó là Hồ chí Minh. Và đó là một thiếu sót lớn một bất công lớn khi tác giả có ý định : “Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật ( trong lời nói đầu )”. Huy Đức nên nhớ rằng những người cộng sản Viêt nam cho đến bây giờ họ luôn luôn tôn thờ Hồ chí Minh và cố bắt chước những tính chất đặc biệt Hồ chí Minh như tánh tráo trở, như sự tàn sát không nương tay, như sự phỉnh dụ như sự giả vờ có lòng thương dân chúng thương cả kẻ thù. Võ văn Kiệt trong dịp vui mừng chiến thắng 30 tháng Tư mà giả vờ “ Có một triệu người vui thì có một triệu người buồn” , tác giả kể câu này cho là một tấm lòng bao la thông cảm với những người Việt nam bỏ xứ ra đi của lãnh tụ Võ văn Kiệt. Cũng như Nguyễn minh Triết, cựu chủ tịch nước, thường rêu rao ở nước ngoài mỗi khi gặp đám Việt kiều nhẹ dạ, đám Việt kiều ngu xuẩn, “ Khúc ruột ngàn dặm” Đó là những bài học nơi Hồ chí Minh đã từng ôm cụ Huỳnh ôn đức cha Lê hữu Từ và cả Nguyễn hải Thần và ôm cả tướng Lư Hán khóc sướt mướt. Mục đích dấu cái tâm lưu manh tàn ác luôn luôn muốn sát hại những người không chịu thần phục. Tác giả không động đến Hồ chí Minh, người tạo ra biết bao tội ác biết bao sai lầm cho dân tộc Việt nam bởi tác giả dù có đọc nhiều tài liệu cũng không thể tìm được một điểm nhỏ để vớt vát cho tên tội đồ số một này. Tôi không nghĩ Huy Đức cũng như một số cộng sản sau 75 (1975) để tự dối lòng mình cho đỡ xấu hổ vì nông cạn ham mê những quyền lợi tầm thường nên đã nhắm mắt nhảy vào đảng cộng sản, cố tình xuyên tạc lịch sử lái Hồ chí Minh từ tên tay sai đắc lực cộng sản Nga Tàu trở thành người lãnh tụ với tinh thần với triết lý tinh thần Dân tộc.

Để kết luận cảm nghĩ của tôi khi đọc cuốn “ Bên thắng cuộc”.Tôi thật sự có thiện cảm với Huy Đức nhà báo trí thức tuổi còn trẻ cố gắng viết một cuốn sách cho cả hai phe đều cảm thấy thoải mái đọc.

Ý định rất tốt nhưng không bao giờ thực hiện được, bởi vì phe cộng sản, phe thắng cuộc, không bao giờ chấp nhận sự thật lịch sử khách quan, không bao giờ đủ can đảm nhận sai lầm chưa nói đến nhận tội ác. Bên thắng cuộc ít nhiều đều có nhúng tay vào sự phá hoại dân tộc Viêt nam , có nhúng tay vào sự làm ăn, làm giàu phi pháp, có nhúng tay vào sự tham nhũng và đẩy tham nhũng lên cao độ trở thành quyền lợi của đảng viên của cán bộ và tự cho đó là công lao của đảng cộng sản ban phát cho. Đám cộng sản thật sự không còn nhân tính khi cướp sạch ruộng đất tài sản người nông dân mà không một mảy may xúc động trước cái đói nghèo của giới lao động đáng thương này. Đám cộng sản biến thành đám ăn chơi sa đọa có đảng có chánh quyền có cả đám côn đồ bảo vệ. Và cuối cùng đám cộng sản Việt nam bán đứng tổ quốc Việt nam cho bọn cướp bóc Tàu cộng và trở thành kẻ thù số một của dân tộc.

Trái lại bên thua cuộc tuy có bị hành hạ bị tàn phá bị cướp bóc và lâm vào thế phải bỏ nước ra đi sống cuộc sống lưu vong. Mang tấm than tàn ra nước ngoài tạo lại cuộc sống và đã xây dựng được thế hệ thứ hai có trình độ học vấn cao có đầu óc minh mẫn và luôn luôn có long yêu nước tha thiết, nhất là thấy rõ sự sai lầm sự lỗi thời và thấy rõ được tội ác của cộng sản, của chánh quyền hiện tại. Thế hệ thứ hai này ngày càng được sự thong cảm và sự ủng hộ của đại đa số quần chúng trong nước tạo nên một thế lực cứu vớt dân tộc Viêt nam ra khỏi sự đàn áp sự cai trị của chánh quyền cộng sản hiện tại.

Tôi nghĩ Huy Đức một ký giả đang học ở trường danh tiếng Kenedy của Hoa Kỳ thấy được những điều tôi nói nhưng đành ngoảnh mặt nơi khác để còn có thể về Vietnam còn chịu sự cai trị của đám cộng sản cuối mùa. Vì thế, cuốn “ bên thắng cuộc” tuy có hành văn trôi chảy có cuốn hút người đọc nhưng nó chỉ dừng lại ở cuốn tiểu thuyết lịch sử, chưa đạt được ý muốn của tác giả. Tôi không bao giờ nghĩ Huy Đức hoạt động theo nghị quyết 36 như một số người vội vã gán ép vì Huy Đức là một trí thức có sống ở nước ngoài có đang học ở Mỹ, nhưng Huy Đức khôn ngoan muốn lui ra khỏi đảng cộng sản bảo vệ được danh dự của mình một cách tự nhiên và ôn hoà. Tôi vẫn hi vọng có điều kiện Huy Đức sẽ viết tiếp những bộ sử Việt nam phản ảnh đúng tất cả sự thực dù sự thật khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng của con người và nhất là có lời nhận định của tác giả một người trí thức sâu sắc.

Nguyễn Liệu

28-01-2013

Theo Quảng Ngãi Nghĩa Thục
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn