BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhạc sĩ Phạm Duy đã khép lại một cuộc đời tài hoa và...

30 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 2493)
Nhạc sĩ Phạm Duy đã khép lại một cuộc đời tài hoa và...
54Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.45

Nói ông khép lại một cuộc đời tài hoa cùng kho tàng ngôn ngữ của một thiên tài âm nhạc, nghe không vô lý chút nào, và điều này cũng hợp ý với rất nhiều khán/thính giả yêu nhạc của ông, phù hợp với những người phong ông là bậc thầy trong ngôn ngữ nhạc trữ tình, “phù thủy phổ nhạc”. Nhưng, khi nói ông ba hoa, e rằng động chạm đến rất nhiều người từng xem ông là thần tượng, không chừng, họ sẽ nổi giận và cho rằng người viết bài này nói năng vô lễ, không biết đầu biết đủa… Nhưng (lại nhưng!), khách quan mà nói, ông là một nghệ sĩ tài hoa thuộc vào bậc nhất, ông đã ghi dấu ấn sâu đậm vào nhiều thế hệ yêu âm nhạc, yêu tiếng Việt, ông làm cho tiếng mẹ đẻ trở nên lung linh, áo huyền và lấp lánh. Có thể nói, những năm trước 1975, “Hòn ngọc viễn Đông” tỏa sáng, trong ánh sáng của nó, có một phần ánh sáng của âm nhạc Phạm Duy. Rất tiếc, đó là một Phạm Duy của nghệ thuật, ngoài con người ấy ra, một Phạm Duy của chính trị và đối đãi xã hội, có vẻ như ông không dừng ở mức tài hoa mà đã chuyển sang ngưỡng ba hoa, đây là điểm yếu mà cũng là đặc trưng của Phạm Duy.

 

Những năm tôi học phổ thông trung học, thời đó còn ngăn sông cấm chợ, những ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng, Vũ Thành An, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác và một số nhạc sĩ nổi tiếng khác đang sống lưu vong đều bị xếp vào diện “nhạc phản động”, cấm nghe, cấm lưu hành. Tôi nhớ, trong lần đi thi đại học ở Sài Gòn, trên đường về quê, buổi tối trên chuyến xe đường dài, không biết chuyện thi cử sẽ ra sao, với một gia đình nghèo, thuần nông, chuyện đi thi đại học đối với tôi lớn hơn bất cứ chuyện gì, vì nó có thể giúp tôi, gia đình tôi và dòng tộc tôi thay đổi số phận, chí ít là thay đổi thân phận trong cộng đồng làng xóm, láng giềng, nhưng khi vào trường thi xong, nhìn cảnh con nhà giàu, con cán bộ đi thi, mặc dù làm bài một cách tự tin, nhưng tôi chẳng dám hy vọng gì, lan man, vô định… Giữa lúc đang thiu thiu, ngái ngủ, tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly cất lên “Bên ni thành phố tráng lệ/ Giai nhân nằm khoe lõa thể, Bên kia phố vắng, ôi lòng ngoại ô… Phút giây chia lìa, ăn mày xán lạn ngày mai…” (Bên ni bên nớ). Tự dưng, tôi thấy ớn lạnh, một cảm giác khó tả, và tôi bắt đầu sưu tầm nhạc Phạm Duy, để biết thêm Bến Xuân, Còn chút gì để nhớ, Màu tím hoa sim, Thà như giọt mưa, Tình ca, Đạo ca, Tục ca… Càng nghe nhạc của ông, cảm giác yêu mến ông càng lúc càng đậm đà, hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa, phúc hậu với đôi mắt sáng, mái tóc bạc, nói năng diễn cảm và hóm hĩnh. Đó là những gì tôi cảm được từ người nhạc sĩ này.

 

Những năm 2000, tin ông về nước, định cư ở Việt Nam, ban đầu, nó đến như một phúc âm cho những tín đồ nhạc Phạm Duy, trong đó có tôi. Nhưng càng về sau, dường như phúc âm đó tan dần theo mây khói và thay thế vào đó là những thứ cuồng âm rất khó chịu được xây dựng nên từ một Phạm Duy không phải của âm nhạc, nghệ thuật mà là một Phạm Duy chính trị, đãi bôi xã hội, với hàng loạt những tuyên bố hùng hồn về chuyện “đi và về”, dường như con người của Phạm Duy lưu vong, Phạm Duy đau đáu về cố quốc lầm than từ một chân trời tự do không còn nữa. Càng về sau, tôi càng nhận ra một Phạm Duy hiện tiền đầy thực dụng, gió chiều nào chao theo chiều đó, thậm chí, một Phạm Duy chuyên “đi khách” cùng với những lãnh đạo chóp bu Cộng sản, nói năng xu phụ chế độ… Dường như tất cả những thứ gì có thể tạo nên đối lập với một Phạm Duy của nghệ thuật, thì Phạm Duy xã hội, chính trị đều có đủ. Gần đây nhất, sau những thông tin bên lề về chuyện Khánh Ly sẽ về nước biểu diễn, Phạm Duy lên tiếng, trả lời phỏng vấn ngay, nội dung nôm na: “‘Chim bay về tổ, cá lội về nguồn’ là đúng với tất cả mọi người. Đây cũng là bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, việc trở về của Khánh Ly có gặp ít nhiều khó khăn. Nhưng cuối cùng mọi sự cũng đều được giải quyết. Chỉ tiếc là khi cô ấy trở về quê hương thì Trịnh Công Sơn đã qua đời!”.

 

Cách nói chuyện, trả lời phỏng vấn của Phạm Duy không làm tôi ngỡ ngàng hay ngạc nhiên gì nữa, vì tất cả nhửng gì ông làm kể từ ngày về nước vào ngày 17 tháng 5 năm 2005 cho đến thời điểm ông nói ra câu này luôn thể hiện ông là con người sống rất thật, sống hết mình, ông sống thật ngay trong nghệ thuật cho đến tính cách đĩ thõa, dễ thỏa hiệp và chuộng chăn êm, nệm ấm, gái đẹp, bất chấp những người lưu vong đồng sàn đồng cảnh trước đây lên tiếng chê trách, ông vẫn cứ ung dung sống thật với một Phạm Duy bắt tay với Việt Cộng và đôi khi múa lửa lắc vòng cho được chuyện.

 

Và có lẽ, chưa chắc gì ông đã có ý sống thực dụng, nhưng sự thực dụng vận vào số mệnh của ông, đẩy ông đến chỗ con người thực dụng. Trong vấn đề này, dường như con người xã hội và con người nghệ thuật của Phạm Duy có một điểm để bắt tay với nhau, cùng chung đích đến, chính vì thế mà kho tàng tác phẩm đồ sộ của ông không được xếp vào diện vô giá mà nó có giá cụ thể với 400 ngàn USD tiền bản quyền bán cho công ty Phương Nam. Và, đó cũng chính là lúc nhạc Phạm Duy trở thành thứ biểu tượng của giá trị quá vãng nhiều hơn là sáng tạo hiện tại. Dường như ông không có ca khúc nào cho xuất sắc, xuất thần như những ca khúc ông đã bán. Trong chuyện này, ông là một nạn nhân nhiều hơn là kẻ không tử tế. Hình ảnh, hoàn cảnh ông bán bản quyền dưới vòm trời Cộng sản, chế độ từng đẩy hằng triệu người xuống lòng Biển Đông, vào trại cải tạo và trại tị nạn cũng chẳng khác gì mấy hình ảnh chị Dậu bồng đứa con nhỏ bán cho nhà Nghị Quế để kiếm vài đồng. Cái khác giữa ông và chị Dậu nằm ở chỗ, chị Dậu bán con để nuôi chồng, còn ông, ông không bán đứa con tinh thần để nuôi ông chồng tinh thần nào cả, mà ông bán để nuôi bản thân trong những ngày cuối đời.

 

Dường như, rất ít và hình như chưa bao giờ thấy ông có một chia sẻ nào với cộng đồng không may mắn, các buổi lưu diễn diễn của ông cho đến các hoạt động cá nhân đều không cho thấy điều này! Nếu có nghe thông tin về ông, phần lớn độc giả, khán giả, thính giả, người hâm mộ đều xì xầm bàn tán về chuyện ông “trúng mánh” sau nhiều năm lưu vong, được chế độ Cộng sản trọng vọng, biệt đãi, nhà cao cửa đẹp, chơi chỗ sang, ăn trên ngồi trốc với các quan. Hay nói khác đi, Phạm Duy là một biểu tượng, bằng chứng của vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, chính sách đại đoàn kết toàn dân… Nhiều người còn khen ông già rồi mà con “sung”, vẫn có em út mười mấy đôi mươi phục vụ bên cạnh…

 

Đương nhiên, tất cả những đồn đoán về hoạt động đời tư của ông sẽ khép lại kể từ ngày hôm nay (27 tháng 1 năm 2013), những tai tiếng thị phi cũng khép theo từ giây phút này, và ngay cả nếu như tất cả mọi đồn đoán là thật chăng nữa, thì cũng từ giây phút này, nó thành tro bụi, không có ý nghĩa gì nữa. Người ta sẽ nhớ đến những ca khúc ông viết vừa trữ tình, vừa lý lơi mà hàm chứa triết lý sâu xa về thân phận dân Việt điêu linh, đôi khi, thân phận người Việt trong tác phẩm của Phạm Duy buồn bã như một cô gái điếm cuối mùa, gắng gượng và điêu ngoa, mệt mỏi và lạnh lùng. Âu đó cũng là một dự cảm vốn đã vận vào số phận riêng chung! Xin vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa và…!


 Viết Từ Sài Gòn

29-01-2013

Theo Blog Viết Từ Sài Gòn
Ý kiến bạn đọc
31 Tháng Giêng 20138:00 SA
Khách
Cũng là chuyện của NS Nguyễn Văn Tý và NS Phạm Duy, được kể theo hướng khác Cảm nhận của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Phạm Duy (trích từ Vietnamnet) Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một trong những cây cổ thụ trong khu vườn âm nhạc Việt Nam. Nổi tiếng trước cách mạng với ca khúc “Dư âm”. Ông đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 – giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật – qua các tác phẩm: “Mẹ Yêu con”, “Vượt trùng dương”, “Bài ca 5 tấn”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”. Ở tuổi 82, sức khỏe đã có phần sút kém, nhưng người được công chúng gọi là “nhạc sĩ của mọi miền đất nước” ấy vẫn đang sáng tác. Ca khúc mới nhất của ông là tác phẩm “Về Pleiku” sau chuyến đi năm 2004 vừa qua. Ông nói rằng, người nghệ sĩ chỉ “sống” bằng tác phẩm, nếu không còn sáng tác, không còn cống hiến được gì cho cuộc đời thì coi như không còn “sống” nữa. Ông đã gửi cho Người Viễn Xứ những dòng tâm tình về “một ông Việt kiều già”, vốn là bằng hữu cùng thời với ông trong làng sáng tác ca khúc. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: (chú thích hình: Ns Phạm Duy trò chuyện cùng Ns Nguyễn Văn Tý đang ngồi) Tôi vẫn luôn coi Phạm Duy là bạn, vì cùng công tác một thời – thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp; là anh, khi biết ông ấy hơn tôi 3 tuổi. Nhưng về mặt sáng tác, tôi coi ông ấy là một người thầy, vì chính ông ấy đã mở ra cho không riêng tôi mà cho các nhạc sĩ đàn em khác – con đường đưa dân ca vào ngôn ngữ âm nhạc mới. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy là một nhạc sĩ đi vào quần chúng trước nhất. Tính quần chúng đậm đà trong ca khúc của Phạm Duy, vì ông ấy là người đầu tiên chuyển tải dân ca vào nhạc mới một cách nhuần nhuyễn, đằm thắm. Sẽ có người bảo rằng tôi quá khiêm tốn, Phạm Duy là Phạm Duy, còn Nguyễn Văn Tý là Nguyễn Văn Tý! Nhưng tôi nói rất thật lòng. Bởi khi tôi còn là một người sáng tác trẻ mới bắt đầu viết lách với một số tác phẩm đầu tay thì ông ấy đã nổi tiếng, đã có những tác phẩm đi vào lòng người, đã có những bài hát mà lứa thanh thiếu niên thời ấy ai cũng thuộc. Ví dụ như bài Nhạc tuổi xanh, Hát về anh thương binh, Thu kháng chiến… Vì thế suốt đời tôi coi Phạm Duy là bạn, là anh, là thầy. Tôi xin kể một vài kỷ niệm giữa chúng tôi với nhau. Lúc ấy, chúng tôi đang ở Liên Khu 4. Đầu năm 1949, sau chuyến công tác vào Bình Trị Thiên về, Phạm Duy đã viết một loạt bài: “Về miền Trung”, “Bao giờ anh lấy được đồn Tây”, “Bà mẹ Gio Linh”… Liên Khu 4 đã tổ chức để Phạm Duy báo cáo tác phẩm. Băng – rôn quảng cáo đã cho treo khắp nơi thông báo về buổi báo cáo tác phẩm của Phạm Duy. Nhưng Phạm Duy đã ngã bệnh, ngày nào cũng có cơn sốt rét. Tôi đưa Phạm Duy về nhà mẹ tôi ở xã Kim Bảng, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) để dưỡng bệnh. Biết tôi rất quý anh Phạm Duy, nên nuôi được một đàn gà, mẹ tôi cứ thịt dần để nấu cháo cho anh bồi dưỡng lấy lại sức. Đến sát ngày biểu diễn rồi mà bệnh tình của anh Phạm Duy chưa thuyên giảm. Nửa đêm, anh kêu tôi dậy và bảo: “Tý ơi, có lẽ Tý phải hát cho mình thôi. Mình mệt lắm, không thể hát được đâu…” Đến hẹn, chúng tôi tạm biệt mẹ lên Khu. Hôm ấy, trong sân đình làng ở xã Duy Tân, gần Đô Lương (Nghệ An) trước đông đảo khán giả, có đầy đủ các vị lãnh đạo Khu ủy, các cơ quan, đoàn thể trong Liên khu đến dự, tôi phải “báo cáo tác phẩm” thay cho Phạm Duy. Theo những “bí quyết” của Phạm Duy: buổi chiều ấy không ăn no, 2 giờ trước khi hát ăn 2 quả trứng la-coóc lòng đào thì sẽ có cảm giác no nhưng bụng không đầy, cổ lại trơn tru; trước khi hát một giờ thì ngậm một thìa muối sẽ không bị ứa nước bọt khi hát – nhờ vậy tôi thấy giọng rất đẹp và rất vang. Anh Phạm Duy với bộ đồ bà ba đen, chiếc khăn rằn quàng cổ và cặp kính trắng quen thuộc, anh ngồi ngay ở hàng đầu cứ nhìn thẳng vào tôi. Theo chương trình, tăng (tempo) đầu tôi hát bài “Về Miền Trung” và “Bà mẹ Gio Linh”, tăng sau hát bài “Ai xây chiến lũy” (của tôi) và bài “Bao giờ anh lấy được đồn Tây”. Trước khi ra sân khấu tôi còn nghĩ cách làm cho chính anh Phạm Duy phải sợ một phen (vì xưa nay có bao giờ anh biết sợ là gì!). Có thể nói từ khi mở đầu bài “Về miền Trung” tôi luôn làm theo những gì anh đã dặn. Luôn luôn chứng tỏ mình là một học trò thông minh sáng dạ, hát những chỗ rất là Phạm Duy. Anh ngồi dưới nghe có vẻ hài lòng và rất đắc ý. Đến câu cuối của lần hai, trước khi kết thúc, tôi giở trò “giật gân”, cố ý đưa câu hát “yêu dấu” lên crescendo hú há kéo dài thật cao, sau đó hạ giọng xuống descrescendo thật thấp rồi mới hát nốt hai chữ “…xa xưa”. Không ngờ trò đùa của tôi làm anh sợ thật. Cái kính đeo ở trên mắt không hiểu sao anh cứ phải chỉnh lại hoài, mắt anh nhìn thẳng vào tôi không chớp. Sau tiếng vỗ tay kéo dài của khán giả, khi ban tổ chức tuyên bố giải lao 15 phút, anh Phạm Duy đã nhảy lên sân khấu, lấy khăn rằn của anh chấm từng giọt mồ hôi trên mặt trên cổ cho tôi, mồ hôi ở trán anh cũng đổ ra không ít. …Những bài hát của Phạm Duy lúc đó là những bài hát mang tính chính trị sâu sắc và gần gủi quần chúng vì chất dân ca: vừa mang tính thời sự, tính chiến đấu vừa tràn đầy tình cảm yêu quê hương, nên dân miền Trung hồi ấy không ai là không thuộc. Trong “gia tài” của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười”… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Riêng bản thân tôi, tôi đã học ở Phạm Duy 2 điều: Thứ nhất, là việc đưa dân ca vào trong ca khúc chính trị. Thứ hai, là việc chỉ phát triển tính nghệ thuật trong ca khúc mà không dính đến chính trị – để tác phẩm có thể vượt khỏi những cột mốc địa lý và những giới hạn về thời gian. (Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy là người đầu tiên viết các tác phẩm chỉ thuần về tính nghệ thuật mà không mang tính chính trị. Những bài tình ca của Phạm Duy da diết và lãng mạn, nhưng chỉ làm cho người ta man mác buồn mà không ủy mị. Ví dụ như “Nghìn trùng xa cách”, “Bên cầu biên giới”…) Bài “Mẹ yêu con” của tôi sở dĩ được nhiều người ưa thích vì trong nó nói đến 2 tình mẹ: một bà mẹ đã rứt ruột sinh ta ra, và một bà mẹ tổ quốc – trong dòng chảy bất tận của thời gian đã sinh ra những đứa con, lớn lên và làm nên lịch sử. Có một thời, có người nói “về việc đưa dân ca vào trong ca khúc thì Nguyễn Văn Tý chỉ là “cái đuôi” của Phạm Duy”. Bởi thế, đi đến đâu tôi cũng tìm tòi và học thuộc dân ca của vùng đó. Từ đó tôi mới sáng tác được những tác phẩm gắn với dân ca từng vùng quê, nói lên chính tiếng nói, chính hơi thở của dân địa phương. Cho nên đã có người gọi tôi là “Nhạc sĩ của mọi miền quê”. Nhưng thật ra, đối với tôi, Phạm Duy vẫn là nhạc sĩ ưu tú nhất trong việc chuyển tải dân ca Việt Nam vào trong ca khúc. Về tính cách của Phạm Duy, tôi thích và mê ông ấy ở cái tính nghệ sĩ. Lúc nào ông cũng coi trọng nghệ thuật. Ai hiểu nghệ thuật thì ông ấy rất yêu, rất quý. Ai mà không hiểu nghệ thuật thì ông ấy xem thường. Còn cái mà tôi không ưng lắm ở ông là ông hay nói quá lời về mình hoặc về người khác. Điều đó nó làm méo mó cách nhìn của ông, làm ông thiếu khách quan trong nhận xét. Có người bảo ông tự cao, tự đại, cứ xem mình là người tài giỏi, cái của mình là số một không ai qua được. Tất nhiên, như ông bà ta nói “người có tài thường hay có tật”. Phạm Duy là một người có tài, không thể phủ nhận điều đó. Cho nên, tôi biết người ta sẽ tha thứ cho ông ở cái tật này, và tôi, mặc dù không thích nhưng tôi cũng sẽ tha thứ cho ông về cái tật ấy. Những năm trước đây, trong một bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có một đoạn kể rằng, các bà mẹ Gio Linh còn sống đã hỏi: “Thằng Duy nó đi đâu mà bao năm nay biền biệt không thấy nó đâu?!”. Có nghĩa là, các mẹ vẫn thương Phạm Duy, vẫn coi Phạm Duy là con như thuở nào. Được các bậc bề trên như là các mẹ già vẫn thương quý, vẫn âu yếm mình, đó là một hạnh phúc lớn lao của người nghệ sĩ mà không phải ai cũng có. Tôi biết, đối với cách mạng, Phạm Duy có nhiều nỗi đau, mà không phải ai cũng hiểu. Nhưng tôi nghĩ, chính sự yêu thương của quần chúng sẽ bù đắp tất cả, sẽ xoa dịu mọi vết thương. Thật ra, với những người phải sống tha hương, mặc dù cuộc sống xứ người có tiện nghi đầy đủ đến đâu thì trong lòng vẫn nhớ thương, vẫn ray rứt. Với nghệ sĩ thì niềm ray rứt nhớ thương ấy càng thêm sâu sắc. Đối với những người đang ở tuổi bóng xế thì ai cũng mong được trở về cố lý, được có cuộc sống yên tĩnh, an vui nơi quê nhà. Các cụ phụ lão thì thường sống với kỷ niệm nhiều hơn với tương lai. Với một ông Việt kiều ở cái tuổi 84 già nua như Phạm Duy thì cuộc sống bên Mỹ nó ồn ào như thác lũ. Có lần về Việt Nam, gặp tôi ông tâm sự: “Tôi sống ở Mỹ bao nhiêu năm nhưng tâm hồn và trái tim vẫn ở Việt Nam. Bà ấy mất rồi, tôi chỉ sống với con. Trong số con tôi, có đưa nào về nước thì tôi sẽ theo về”. Và ông chỉ có ước muốn được sống những ngày cuối đời trên quê hương… Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của những kẻ viễn xứ, chứ không riêng gì nhạc sĩ Phạm Duy. Nghĩ về Phạm Duy, tôi cầu mong ông ấy sớm được về với Tổ quốc, sống những năm tháng cuối đời trong sự yên tĩnh và trong sự thương yêu của quần chúng. Chỉ mong Đảng và Nhà nước đừng thành kiến, xóa bỏ những định kiến (nếu có) đối với nhạc sĩ Phạm Duy và không “tính sổ”- bởi nếu phải “tính sổ” thì có lẽ chỉ nên tính với những Khác… Nhưng, qua hệ thống truyền thông, tôi biết chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã rất cởi mở, chỉ hướng đến công tác Đại đoàn kết toàn dân tộc và hướng đến công cuộc xây dựng đất nước. Đây là tư tưởng của Bác Hồ. Nếu không đại đoàn kết làm sao mình thắng Tây, thắng Mỹ?! Trong cuộc đời, có những khái niệm mang tính “di động”. Nhạc cũng như con người. Nó sống với từng thời kỳ. Trong thời kỳ đầu chống Pháp, tuy có một số nhạc sĩ tên tuổi, nhưng Phạm Duy chiếm vị trí hàng đầu vì tác phẩm của ông có tính thực tế, tính thời sự, lời bài hát thì cũng rất hay và đậm đà chất dân ca… Mà cái thời ấy đã qua lâu rồi. Ông bà ta nói “Ăn theo thuở, ở theo thì”. Nhưng, phải biết ghi nhận công lao của người đi trước thì mới biết ghi nhận công lao của người đi sau. Nếu ai đó đem so thế hệ đi sau với thế hệ đi trước thì sự so sánh đó là điều bất cập, bởi vì không thể nào so sánh được. Thời xưa khác, thời bây giờ là khác. Hiện tại, chúng ta đang sống trong thời kỳ hòa bình và xây dựng. Mọi người đều hướng về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cho nên, ai cùng có lòng yêu nước, cùng mục đích xây dựng quê hương thì ta bắt tay. Phạm Duy là một nhạc sĩ đã từng trải qua nhiều giai đoạn sống. Cho nên, nếu ta biết cách khai thác ở ông tình yêu quê hương đất nước thì ông hoàn toàn còn là một người rất có giá trị trong giai đoạn hiện nay, ông sẽ có ích cho cuộc đời hiện nay. Còn những tác phẩm ông đã viết ở giai đoạn trước thì cũng phải được tận dụng. Những bài ca ngợi quê hương, hòa bình, tình yêu đôi lứa thì tại sao không phổ biến? việc gì phải bỏ đi?! Hòa bình đã 30 năm, non sông đã liền một dãy, thì lòng người sau 30 năm xin đừng nên hằn thù, chia cắt. Hãy tạo điều kiện cho những người có tài năng được trở về với đất mẹ và sớm có một đời sống ổn định, yên lành, cùng với quần chúng cách mạng được hít thở bầu không khí hòa bình và cùng hướng đến tương lai của dân tộc. Hiện tại, lớp nhạc sĩ già nua như chúng tôi còn lại được mấy người? Và có được mấy người vẫn còn sáng tác, còn cống hiến cho đời bằng tác phẩm? Ngẫm lại, cái gì ít – là hiếm, mà đã hiếm thì phải biết quý!
31 Tháng Giêng 20138:00 SA
Khách
Còn đây là chuyện của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nhạc sĩ Phạm Duy, được viết theo cách nhìn phản cảm Mình ngước lên bức tường thấy bức ảnh cụ chụp chung với nhạc sĩ đại ca được phóng to treo rất trang trọng. Mình biết nhạc sĩ đại ca là bạn chí thiết của cụ từ hồi chống Pháp, hơn nửa thế kỉ chia ly nay cả hai đã gặp nhau, sống cùng thành phố. Trong khi cụ đã tàn tạ, đếm ngày xuống lỗ thì nhạc sĩ đại ca vẫn rất hoành tráng, tiền nhiều như quân Nguyên. Mình chỉ tấm ảnh cười cười, nói Đại ca không đến thăm anh à? Cụ cười hiền lành, nói thằng đó thì tính làm gì. Thời kháng Pháp nó ốm nặng, nằm ở nhà mình cả tháng. Mẹ mình có đàn gà 12 con, lần lượt thịt từng con một nấu cháo cho nó ăn, ăn đến con thứ 12 nó ngước lên hỏi mẹ mình một câu lạnh tanh, nói đây là con cuối cùng à. Thế thôi. Tưởng đến chết nó cũng không thể quên chuyện đó, chẳng ngờ anh em gặp nhau, nhắc đến chuyện cũ nó không hề nhớ gì, ngơ ngác hỏi gà nào nhỉ gà nào nhỉ? Đỗ Trung Quân ngồi cạnh, nói chú có biết Đại ca viết hồi kí nhắc đến chú thế nào không? Cụ lắc đầu nói không, Quân nói Đại ca viết nguyên xi thế này nhé: “ Tôi nhớ ngày đó trong văn công có một anh cán bộ tên là Tý, có làm nhạc..” Chú lừng danh với bài Dư âm trước cả khi gặp Đại ca, đúng không. Bạn bè thân thiết mà nói vậy là không có được. Cụ cười khì khì, nói nó còn nhắc tên Tý là may lắm rồi. Rồi cụ ngước nhìn ra cửa sổ khẽ thở dài, nói bạn bè mỗi đứa một nết, trách nhau thì trách cả ngày. Mình nhìn cụ thấy thương thương, chợt nhớ chuyện Quân kể năm ngoái chương trình âm nhạc của Đại ca được làm rất hoành tráng, vé bán hai triệu đồng một cặp, không được Đại ca cho vào danh sách khách mời nhưng cụ vẫn đến. Có người nói người ta đã không mời, anh đến làm gì. Cụ nói chương trình âm nhạc của bạn tôi tại sao tôi không đến. Cụ đứng rúm ró ở cửa nhà hát không biết làm sao có được cái vé, may gặp Đỗ Trung Quân, anh kéo cụ vào, nói cháu cũng không có vé nhưng cháu xin vào được. Quân xin bảo vệ cho vào, bố trí cụ ngồi một ghế trống, nói chú cứ ngồi đây, nếu có ai đến đòi ghế chú cứ dơ tay lên là cháu vọt tới liền. Cụ ngồi thắc thỏm không yên, hễ có ai tới gần là cụ nhỏm dậy lúng ta lúng túng. Trong khi Đại ca bận rộn bắt tay bắt chân quan khách thì cụ ngồi lo bị đuổi ra khỏi ghế. Một cặp vợ chồng trẻ đến, nói chú ngồi lộn ghế tụi cháu rồi. Mặt cụ tái nhợt, nói vâng vâng rồi ngồi đực mặt không biết làm gì. Đỗ Trung Qúân vọt đến, nói đây là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cụ không có vé. Cặp vợ chồng trẻ mắt trố miệng há, nói vậy mời chú ngồi, vợ chồng cháu ra sau đứng cũng được, nước mắt cụ dàn dụa, nói may quá may quá… Quân nhắc lại chuyện này, nói đó, chú thấy chưa, đời vẫn yêu chú lắm. Cụ mỉm cười lặng lẽ, cất giọng run run hát bài Ru người trăm năm, lời thơ của Trần Mạnh Hảo-Ngủ đi người của anh ơi. Xin nhờ làn gió về nơi em nằm. Anh ngồi thức với xa xăm. Đến em phải vượt hàng trăm tinh cầu… Cách xa như đất với trời. Đêm đêm anh lặng ru người trăm năm. Đang hát cụ chợt dừng lại ngồi yên, nước mắt rân rấn. Mình nói sao thế anh, cụ lặng lẽ nhìn mình, nói tự nhiên nhớ bạn, bạn bè mình nhiều lắm.
31 Tháng Giêng 20138:00 SA
Khách
Sau đây là toàn văn phản bác bài viết ngớ ngẩn của Nguyễn Lưu. Văn bản của Công ty Phương Nam TP Hồ Chí Minh, ngày 16.3.2006 Kính gửi:- Ban Tư tưởng - Văn hóa TW - Bộ Văn hóa - Thông tin - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cục Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng - Ban biên tập Báo Đầu tư Đồng kính gửi:- UBMTTQ TP Hồ Chí Minh - Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP.HCM - Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM - Phòng Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng Công an TP.HCM - Các cơ quan thông tin đại chúng Trên số báo Đầu tư số ra ngày thứ hai 13.3.2006 có đăng bài Không thể tung hô của nhạc sĩ Nguyễn Lưu viết về "trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc Ngày trở về" diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh. Mặc dù trong bài viết của mình, tác giả không đề cập gì đến Công ty Văn hóa Phương Nam là đơn vị tổ chức biểu diễn, nhưng với tư cách là người mua bản quyền khai thác các tác phẩm hợp pháp của nhạc sĩ Phạm Duy, với trách nhiệm của đơn vị tổ chức đêm nhạc Ngày trở về, chúng tôi xin bày tỏ một số ý kiến: 1. Đường lối đổi mới của Đảng trong hai thập niên qua đã mang lại những thành tựu to lớn đầy sức thuyết phục. Chủ trương đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đang thổi một luồng sinh khí mới, động viên tinh thần yêu nước của tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, chính kiến ở trong cũng như ngoài nước để cùng hướng tới mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Những luận điệu chống cộng cực đoan ở hải ngoại ngày càng trở nên lạc lõng. Nhiều người bỏ nước ra đi nay lần lượt trở về góp phần xây dựng đất nước dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Ông Nguyễn Cao Kỳ, Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ đã trở về. Đó là những minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của chủ trương đại đoàn kết dân tộc. Đối với những kẻ thù xâm lược, chúng ta cũng đang xếp lại quá khứ để cùng hướng tới tương lai, nhưng đọc bài báo của nhạc sĩ Nguyễn Lưu, nhiều người hẳn sẽ băn khoăn tự hỏi tại sao việc "xếp lại quá khứ" đối với một bộ phận người Việt lại khó khăn đến thế ? Khép lại quá khứ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc "bỏ quên tất cả" như ông Nguyễn Lưu nói. Và cũng không thể xếp lại quá khứ theo kiểu lôi hết "ngọn nguồn" của một người để phơi bày trên mặt báo như ông Nguyễn Lưu đã làm ! Dù nhắm tới một đối tượng cụ thể là nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng khi ông Nguyễn Lưu (dẫn lời nhà văn Chu Lai) nói rằng "Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về" chắc chắn sẽ làm những người đã hoặc đang có ý định trở về chạnh lòng và cảm thấy bị xúc phạm. Đó là lối nói kiêu ngạo vô trách nhiệm, gây mất lòng tin vào đường lối, chủ trương của Đảng. 2.Việc Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức đêm nhạc Ngày trở về là một hoạt động bình thường của một đơn vị kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, không nhân danh một sự kiện gì, không nhằm tôn vinh thần tượng và cũng chẳng tổ chức "đón rước trọng thể". Ai có nhu cầu thì mua vé vào xem. Thế thôi. Mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Văn hóa Phương Nam liên quan đến nhạc sĩ Phạm Duy đều tuân thủ đúng pháp luật. Chúng tôi không chỉ tổ chức đêm nhạc Ngày trở về mà trước đó đã từng tổ chức những chương trình biểu diễn nghệ thuật khác. Cũng như vậy, chúng tôi không chỉ liên kết xuất bản và phát hành những tác phẩm của Phạm Duy được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép mà chúng tôi còn từng liên kết với các nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và một số nhà xuất bản khác để tổ chức những tủ sách với hàng trăm tác phẩm viết về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có cả những tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và các tướng lĩnh khác như Nguyễn Quyết, Trần Văn Trà; của các nhà văn hóa lớn như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Văn Huyên, Ngô Tất Tố, Huy Cận, Hà Văn Tấn, Trần Văn Khê; gần trọn bộ tác phẩm của các nhà văn thuộc nền văn học cách mạng như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng... và cả một số tác phẩm của nhà văn Chu Lai. Bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Lưu không mang tính phê bình học thuật, lại đăng tải trên một tờ báo chuyên về đầu tư, vì vậy, từ góc độ kinh doanh, chúng tôi có quyền nghi ngờ đây là một sự cạnh tranh không lành mạnh. 3.Một điều đáng tiếc nữa là trong lúc dẫn dắt người đọc "hiểu cho rõ ngọn nguồn" trường hợp Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Lưu lại đưa người đọc lạc vào những lỗ hổng kiến thức của chính mình. Lỗi tác giả một phần, một phần do lỗi của tòa soạn trong khâu biên tập. Chúng tôi xin nêu một vài thí dụ: Nhạc sĩ Nguyễn Lưu viết: "... Ở Việt Bắc, tôi đã cùng bè bạn trong đơn vị hát những ca khúc rất hay của Phạm Duy... Tôi đã thuộc lòng câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời..." và sau này, lớn lên một chút mới hiểu ra rằng, cái tứ ấy, có gì giống với luận điểm của Nguyễn Văn Vĩnh (Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn - cách nói ấy là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược của Nguyễn Văn Vĩnh và bè lũ bán nước)". Thứ nhất, câu nói nổi tiếng (và cũng bị nhiều tai tiếng): "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn" không phải của Nguyễn Văn Vĩnh mà là của Phạm Quỳnh (thân sinh của nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả ca khúc nổi tiếng Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng). Bài viết của Phạm Quỳnh được đăng trên tạp chí Nam Phong, về sau được in lại trong Thượng Chi văn tập. Tuy tiếng Việt của Phạm Quỳnh là tiếng Việt của đầu thế kỷ 20 nhưng không có lối hành văn "thì mà là" như tiếng Việt của nhạc sĩ Nguyễn Lưu ở đầu thế kỷ 21! Thứ hai, nếu chỉ nói quá đơn giản như Nguyễn Lưu thì nhiều học sinh ngày nay sẽ không thể nào hiểu được vì sao Truyện Kiều được tôn vinh như là một kiệt tác của văn học Việt Nam, nhưng khen Truyện Kiều thì lại mắc cái tội "biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược"? Ai cũng biết rằng, sinh thời Nguyễn Du là người theo phò nhà Lê thời Lê Chiêu Thống, chống lại Tây Sơn, đã từng bị quân Tây Sơn bắt giam 3 tháng ở Nghệ An, sau theo phò Gia Long, ra làm quan với triều Nguyễn, nhưng điều đó lại không liên quan gì đến việc đề cao Truyện Kiều "là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược". Cũng như vậy, làm sao con cháu chúng ta có thể hiểu được "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời..." mà lại bị ghép vào tội... phản quốc ? Ở một đoạn khác, nhạc sĩ Nguyễn Lưu viết: "Đỉnh cao sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài "Mùa thu chết" (...) Ông đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam". Độc giả, đặc biệt là những người từng ở miền Nam trước năm 1975 ai cũng biết rằng bài Mùa thu chết rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy là phổ thơ Apollinaire, một nhà thơ Pháp sinh năm 1880 và chết năm 1918. Bài thơ của Apollinaire vỏn vẹn chỉ có 5 câu, mang tựa đề L"Adieu (Giã biệt), chúng tôi xin ghi lại nguyên văn: J"ai cueilli ce brin de bruyère L"automne est morte souviens-t"en Nous ne nous verrons plus sur terre Odeur du temps brin de bruyère Et souviens-toi que je t"attends Tạm dịch: Ta ngắt một cành thạch thảo Em hãy nhớ cho mùa thu đã chết rồi Chúng ta không còn được nhìn nhau nữa trên đời Mùi thời gian đẫm hương thạch thảo Em hãy nhớ rằng ta vẫn chờ em Nội dung bài thơ chỉ có thế, khi phổ nhạc vẫn giữ gần như nguyên vẹn, chẳng liên quan gì đến cuộc Cách mạng tháng Tám của dân tộc chúng ta xảy ra sau khi tác giả của nó đã qua đời 27 năm! Nếu lập luận theo kiểu Nguyễn Lưu thì mọi người sẽ nghĩ sao về trường hợp Văn Cao với bài Buồn tàn thu và Phạm Trọng Cầu với bài Mùa thu không trở lại ? Trước đây, ngay ở miền Nam, bên cạnh những người ca ngợi Phạm Duy cũng có không ít người không đồng tình với một số việc làm của Phạm Duy, thậm chí có người đã viết cả một cuốn sách để phê phán Phạm Duy. Âu đó cũng là chuyện bình thường. Ngay cả Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có lắm người khen, kẻ chê "Bạc phận chẳng lầm người tiết nghĩa/Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm" hay "Đàn ông chớ kể Phan Trần/Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều" đó sao ? Nhưng suy diễn đến mức như ông Nguyễn Lưu thì chưa hề có ! Là những người hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực gắn liền với văn hóa, nhiều khi chúng tôi không khỏi âu lo khi thấy trong sinh hoạt học thuật của nước nhà, một số người vẫn quen dùng vũ khí suy diễn, xuyên tạc, chụp mũ chính trị để đẩy đối phương vào chỗ chết thay vì cùng tranh luận minh bạch để tiếp cận chân lý. Văn hóa muốn phát triển cần có một nền học thuật. Cái cách phê bình "cả vú lấp miệng em" như vậy đang gây ô nhiễm nặng môi trường học thuật của chúng ta. Quá trình hội nhập của đất nước đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vì vậy cần thiết phải loại ra khỏi đời sống học thuật những cách ứng xử thiếu văn minh như thế. Ngoài ra, trong bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Lưu còn một số chi tiết khác không chính xác, chẳng hạn: trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy không hề có bài Quê nhà em, Phạm Duy chưa bao giờ được làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa của chính quyền Sài Gòn, ở Sài Gòn trước năm 1975 không hề có cái gọi là "ban nhạc Đêm màu hồng", GS Nguyễn Văn Trung cũng chẳng phải di tản đi Mỹ mà đi Canada theo diện đoàn tụ gia đình sau 1975, và GS Nguyễn Văn Trung cũng không hề dạy học ở Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng báo Đầu tư là tờ báo chủ yếu dành cho các doanh nhân, trong đó có những doanh nhân là người Việt ở nước ngoài, một trong những đối tượng mà chúng ta đang mời gọi. Việc đăng một bài báo có nội dung mạt sát một Việt kiều muốn về quê hương và đã được phép trở về như nhạc sĩ Phạm Duy có thể sẽ làm một số người khác giật mình phân vân trước sự chọn lựa nên hay không nên trở về để khỏi phải chuốc lấy những phiền toái như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy. Trân trọng. Tổng giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam Phan Thị Lệ
31 Tháng Giêng 20138:00 SA
Khách
Bài công kích Phạm Duy nè Bài trên Báo Đầu tư Không thể tung hô Có thể nói, một trong những niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam là triết lý "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Tuy nhiên, "không đánh kẻ chạy lại" cần được hiểu thêm rằng, kẻ chạy lại là ai, và "không đánh" có nhất thiết đồng nghĩa với việc xem người ấy là thần tượng, là nhân vật tiêu biểu để đón rước trọng thể...? Tôi muốn nói đến trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc "Ngày trở về" (diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM). Một người bạn, nhà văn Chu Lai đã tỏ ra tâm đắc với ý tưởng này và cho biết, Tạp chí Thế giới mới số mới nhất có đăng một bài viết, với nội dung gói gọn: "Một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó, đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng, với giọng điệu “sặc mùi” hiếu chiến. Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về! Hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến như thế!". Đất nước đang đổi mới, chúng ta chấp nhận việc khép lại quá khứ để xây dựng tương lai, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc bỏ quên tất cả, từ những hy sinh gian khổ đến những bài học máu xương... Chúng ta cũng không quên tổ tiên ta luôn tỏ rõ nghĩa khí, quyết không sợ xâm lăng và cũng không trù dập kẻ thất trận. Tù binh giặc còn được cấp lương, thuyền để chúng "ra đến bể chưa thôi trống ngực" hay "về đến nhà còn đổ mồ hôi" (Cáo bình Ngô). Nhưng cái khái niệm ân nghĩa bốn bể ấy cũng có những nguyên tắc và với trường hợp của Phạm Duy, chúng ta lại càng cần phải hiểu cho rõ ngọn nguồn. Nửa thế kỷ trước, khi còn là một "chú nhóc" tại trường Thiếu sinh quân chuẩn bị qua Trung Quốc học tập, ở Việt Bắc, tôi đã cùng bè bạn trong đơn vị hát những ca khúc rất hay của Phạm Duy, khi ấy đang là một trong những cán bộ văn hóa của chính quyền cách mạng. Tôi đã thuộc lòng câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời..." và sau này, lớn lên một chút mới hiểu ra rằng, cái tứ ấy, có gì giống với luận điểm của Nguyễn Văn Vĩnh (truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn - cách nói ấy là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược của Nguyễn Văn Vĩnh và bè lũ bán nước). Phạm Duy có những tác phẩm làm say đắm lòng người, như Thiên Thai, Trương Chi, Nhạc tuổi xanh, Quê nhà em... Rồi sau đó là các bài như Thuyền viễn xứ, Bà mẹ Gio Linh, Cây đàn bỏ quên, Nghìn trùng xa cách... Khai thác chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, khó có ai qua mặt Phạm Duy. Bài Ru con, Phạm Duy viết ở Việt Bắc có câu "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời giặc Pháp có thương dân mình", chuyển từ điệu "thứ" qua "trưởng" thật đắt, còn nhịp ba trong Quê nhà em lại rất hay, dí dỏm và tố cáo giặc đốt nhà, phá đường... Nhưng, ngay trong thời kỳ ấy, chất lãng mạn tiểu tư sản, sợ khổ, sợ chết đã bộc lộ qua sáng tác của Phạm Duy. Khi ấy, dù còn bé, song tôi đã biết bài Bà mẹ Gio Linh bị cấm, bởi có những câu mà khi hát lên, liệu còn ai, còn bà mẹ nào dám để con đi bộ đội. Và chất đa tình cố hữu, ta thường thấy ở giới nghệ sĩ, ở Phạm Duy được xem là nhược điểm. Và cái phải đến đã đến, Phạm Duy "dinh tê", bỏ kháng chiến vào thành, lập ra ban nhạc "Đêm màu hồng" với Thái Thanh, Thái Hằng, có cả Phạm Đình Chương, Duy Quang... Và từ đó trở thành tên tuổi hàng đầu trong đám văn nghệ sĩ chống Cộng. "Đỉnh cao" sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài Mùa thu chết. Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Khi đất nước bị chia cắt, Phạm Duy đã vào Nam theo chính quyền Ngô Đình Diệm, lần lượt đi sâu vào con đường chống Cộng và lên đến chức Bộ trưởng Văn hóa. Nhưng, sự nghiệp âm nhạc của ông ta vẫn càng lún vào "vũng bùn" phản quốc. Bài Ru con đã thay câu cuối cùng bằng “Mấy đời Cộng sản biết thương dân mình”. Nhạc tuổi xanh đã bị biến chất để đi ngược lại điều đã ấp ủ của cả một thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đang lên đường đổi cả sinh mạng lấy tự do, độc lập. Và để khẳng định mình, Phạm Duy liên tiếp cho ra đời những tác phẩm vừa chống Cộng, vừa bệnh hoạn. Ngày miền Nam mới giải phóng, tôi có gặp TS Nguyễn Văn Trung, nguyên giảng viên Đại học Sài Gòn. Trước khi di tản đi Mỹ, ông Trung bất đắc chí đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có lời miệt thị một nhạc sĩ có tài là Phạm Duy mà lại đi viết cả những bài hát để ủng hộ sự loạn luân!? Chính TS Trung đã qua Mỹ dạy học, còn nhạc sĩ Phạm Duy di tản sang Mỹ để trốn chạy trước sự trở về của những người đã từng chung một chiến hào với ông ta. Tại Mỹ, Phạm Duy làm nhiều người (trong đó có tôi) sôi sục căm thù, khi viết bài kêu gọi các nam thanh, nữ tú đất Việt hãy xông lên, lấp sông Bến Hải, giải phóng Việt Nam khỏi tay Cộng sản... Và bây giờ, khi đã sắp đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông ta muốn trở về trong sự đón tiếp nồng hậu của những người từng bị ông chà đạp về tinh thần! Tôi đọc Nam Cao và tâm đắc với nhận xét: "Những thằng chuyên ác chỉ có thể hết làm việc ác nếu chúng không còn đủ sức để làm ác". Bây giờ, với Phạm Duy cũng là như vậy. Một Việt Nam đang vươn lên, môi trường này đang sống động và có vị thế mới đã có thể làm mềm lòng mọi kẻ vốn kỳ thị với dân tộc này, tất nhiên đủ sức làm "kẻ chạy đi" mong được trở về, song, như đã nói trên, không thể có sự trở về như một người hùng. Chia sẻ điều này, nhạc sĩ Tân Huyền cho hay, đó là điều kỳ lạ, hiếm thấy, tuy ông bảo: "Bây giờ, tư nhân cũng có thể làm ra một trang web để tôn vinh mình, nói gì...". Và tôi hiểu, tác giả Cỏ non thành cổ làm sao chấp nhận sự trở về trong thứ vinh hoa kiểu ấy, nó làm cho sự hy sinh của những đồng đội, những nấm mồ liệt sĩ kia có thêm những nỗi đau thế thái. Có một lần, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trả lời báo chí, ông khẳng định, không bao giờ đánh giá một nhạc sĩ dám dâng hiến tuổi trẻ trong đội ngũ những người chiến sĩ, ngang bằng một tác giả không dám lâm trận và chỉ ngồi trong lòng địch để than thân trách phận, hay ngợi ca một hạ trắng, thu vàng, chứ đừng nói đến một tác giả đã nhảy vào lòng địch để chống Cộng, rồi sau này, khi hết "đát" lại nói lời xí xóa. Tôi cam đoan không một nhạc sĩ cách mạng Việt Nam nào không vui mừng trước nghĩa cử đầy nhân ái của đất nước, song tất cả họ đều chung một suy nghĩ, rằng người trở về đâu phải ai cũng như ai. Lời nói ấy của người nhạc sĩ - chiến sĩ, đã giúp tôi có thêm nghị lực, để nghĩ, để nói và để thể hiện chính kiến, để không bị hòa tan trong những đợt sóng vàng vọt đâu đây. Ai muốn coi Phạm Duy là thần tượng, tùy ý, còn tôi, trước sau xin nói không! Nhạc sĩ Nguyễn Lưu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn