BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72638)
(Xem: 62055)
(Xem: 39154)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vừa ra tù

09 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2619)
Vừa ra tù
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thấm thoắt mà đã 5 năm 6 tháng 18 ngày sống trong lao tù cộng sản được che đậy dưới danh từ "học tập cải tạo". Ngày bước chân ra khỏi trại, trong lòng rất hoang mang tự hỏi: "Rồi đời mình sẽ đi về đâu? hay bước vào ngõ nào của cuộc đời đau thương uất hận." Cầm tờ giấy ra trại có ghi rõ về phải trình diện công an thành phố và công an phương mỗi tuần, trong vòng 2 năm quản chế trước khi được cứu xét trả quyền công dân.

Tôi cùng với 2 người bạn tù ra trại cùng ngày, đi bộ băng rừng qua những cánh đồng cỏ sình lầy lội mang tên "Căn Cứ Hố Bò" của Liên Đoàn 81 Biết Kích Dù ngày trước. Chúng tôi băng những con đường mòn dấu tích của những sắc dân sống lâu trong vùng 7 cây số mới tới khu vực kinh tế mới do dân tứ phương tới lập nghiệp.

Cảm xúc gây ấn tượng không bao giờ quên trong đời qua những câu hỏi bộc phát chân tình từ đáy lòng của các ông bà già, các cô gái và em nhỏ, nhìn hình hài chúng tôi cùng đối xử với chúng tôi quá tử tế với vài củ khoai mì, ít cục đường thẻ, vài chén rượu cần vì không đủ giờ nấu cho chúng tôi một bữa cơm. Sau ít phút tâm sự đời cải tạo, thì chúng tôi được dân chúng quanh đó chỉ ra xe đò với lời dặn dò với bác tài: "Ba anh đây là dân cải tạo". Thế là chúng tôi được được đi "chùa" khỏi trả tiền vé mà còn được dân chúng đi cùng xe cho thêm tí tiền còm lót đường.

Mãi gần xế chiều mới về đến bến xe. Chúng tôi phải chia tay nhau, anh thì đi về Sóc Trang, anh thì về vùng kinh tế mới với gia đình tại Trảng Bàng, còn tôi về Sàigòn. Mới ngày nào đây Sàigon thân yêu của tôi đã biến thành xa lạ. Tôi như thằng mán thằng mường cứ đứng ngơ ra mà không biết làm gì, không biết tìm đâu ra xe về cư xá cũ nên đành phải lội bộ về nhà.

Cha mẹ, anh em gặp lại sau thời gian xa cách mừng mừng tủi tủi, nói được dăm ba câu, thì gia đình chả hiểu sao, đám cán bộ nón cối vàng đã biết và đến chúc mừng "đoàn tụ". Mỉa mai thay! Chúng ra về còn không quên nhắn lại với tôi: "Sáng sớm mai anh H. nhớ lên phường trình diện cho biết anh mới về nhé!".

Trong thời gian tôi bị tù cải tạo, ở nhà cũng đã mấy lần lo "bãi" để cho gia đình người anh lớn tôi tìm đường vượt biên mà không thành. Nay tôi về cha tôi mừng lắm nói như muốn khóc: "Các con không thể sống nổi ở nhà đâu và chúng cũng không để cho các con sống yên thân đâu, chỉ có cách là đi ra khỏi nước. Cha mẹ già rồi, không muốn xa tổ tiên ông bà quê cha đất tổ, ở lại còn chịu đựng được, bần cùng quá thì cha mẹ về quê sinh sống, các con cứ yên tâm mà đi."

Tôi vừa ra tù được một ngày thì ngày hôm sau tôi lại vượt biên. Em trai kế của tôi đang đi huấn luyện nghĩa vụ quân sự ở Tây Ninh. Sáng sớm hôm đó, tôi xâm mình không lên phường trình diện mà đón xe đò từ Sàigòn lên Tây Ninh cũng gần xế trưa. Tôi xin phép vào thăm và tiếp tế bồi dưỡng cho thằng em tôi. Khi gặp nhau, tôi bèn nói ý định là em tôi phải tìm trốn trại quân sự để về ngay Sàigòn cho kịp chuyến đi vào buổi tối. Nó đồng ý đem quà bồi dưỡng chia cho bạn bè quen thuộc và nói vọng vào là nói ra ngoài chơi với người anh chút trở về. Tôi nói với nó là phải mặc quần áo lính để đi càng dễ vì ít bị hỏi giấy. Khoảng 15 phút sau là anh chúng em tôi ra khỏi trại, nhẩy lên xe đò về ngay Sàigòn. Về đến nhà chỉ kịp chào hỏi ba má tôi, là có người đưa ra điểm hẹn không mang theo gì cả sợ bị bể. Những đồ lặt vặt cho chuyến đi thì đã có người tổ chức nhận chuyển đi trước.

Khoảng 8 giờ tối hai anh em chúng tôi được chở vài vòng loanh quanh bên cầu Khánh Hội, để không cho ai biết và được ghé uống ly nước mía, ngồi trông chờ "taxi". Giờ đã đến, tôi thấy một ghe nhỏ chở đầy lu, khạp lớn nhỏ đủ cỡ. Leo lên ghe, anh em tôi bị nhét vào trong 2 cái lu lớn, đậy nắp lại để ra ngõ Cần Giờ đón "cá lớn".

Mãi đến chiều hôm sau chúng tôi mới đến và mới được ngó đầu ra ngoài hóng tí gió, ngắm trời trăng mây nước. Chờ chập tối, chúng tôi cùng hai cha con chủ ghe lặng lẽ thả những lu, khạp xuống giòng sông, và lặn vớt lên những căn dầu dưới gốc mấy cây bần gần đó.

Theo chương trình thì ghe chúng tôi đến điểm hẹn ở Cần Giờ đợi thêm một số ghe "taxi" đưa người tới rồi cùng nhau ra "cá lớn". Đợi khoảng 2 giờ đồng hồ, mới thấy 2 ghe "taxi" chở vài gia đình thân quen, với gia đình người anh của tôi gồm 2 vợ chồng và đứa con gái mới 3 tháng tới.

Nhưng trong lúc vận chuyển người qua thuyền của chúng tôi, trời tối đen như mực không ai thấy ai là ai cả, nên ông chủ ghe lấy bó nhang đốt khấn vái, tám hướng mười phương vừa làm ám hiệu cho những chiếc "taxi" xấp đến. Trời xui đất khiến ngay lúc đó ngọn hải đăng quét một lằn ánh sáng thấy ghe chúng tôi, chúng bắn báo động cho bọn duyên phòng, nên chúng tôi phải cho ghe lủi vào bụi cây bần ẩn nấp. Một ít đợt sóng lớn đánh vào mạn thuyền tràn vào thuyền làm cho số nước dự trữ dưới khoang thuyền hết dùng được.

Họa vô đơn chí, khi cho ghe lủi vào các bụi bần thì chân vịt vướng ngày vào lưới đóng đăng của dân chài. Hai, ba người chúng tôi phải thay phiên nhau lặn xuống mò mẫm gỡ mãi gần 2 tiếng đồng hồ nữa mới ra khỏi. Biết mình mình bị động nên tôi cùng chủ ghe bàn là nên tiếp tục hay trở về. Đối với 2 anh em tôi thì không thể về được vì bị bắt một cái là chúng tôi sẽ bị xử bắn hay bị hành hạ đánh chết trong tù. Sau khi kiểm lại số người trên ghe, thì được biết trên ghe có 37 mạng nguời gồm 12 người đàn ông con trai còn lại 15 đàn bà con gái và 10 đứa trẻ. Giờ đây với cái ghe bầu rộng hơn 1 thước, dài 6 thước mang 37 con người đồng quyết định là mạo hiểm ra khơi đi tìm tự do dù có bỏ mạng trong lòng biển cả cũng cam phận.

Khi đã quyết định rồi chúng tôi lại gặp thêm trở ngại là thấy từ đàng xa tầu duyên phòng của Việt-Cộng nằm chình ình để chặn cửa biển. Ghe chúng tôi phải đi sát vào mé bờ, chui vào các bụi cây có lá um tùm che khuất để tránh né công an biên phòng. Khoảng hơn 12 giờ khuya chúng tôi thấy hết ánh đèn tầu công an và nhờ có giòng nước mạnh chảy ra biển nên tắt máy thuyền cho trôi theo giòng nước êm ru ra cửa biển. Vì trời tối không trăng sao nên chúng tôi ra khỏi vùng kiểm soát và cho máy chạy cứ thế mà chực chỉ ra hải phận quốc tế.

Trời hừng rạng đông sáng hôm sau chúng tôi đã ra tới hải phận quốc tế. Trên là trời và dưới là nước biển trong xanh. Lúc đó tôi mới kinh hoàng biết mạn bè thuyền của mình với mặt biển không đầy gang tay. Kiểm điểm chúng tôi còn nhiều căn dầu, nhưng chỉ có 2 can nước uống, 1 thùng phuy nhỏ chưa nước sông để giữ thăng bằng cộng với ít nước đã bị pha với nước biển dưới đáy thuyền. Còn về thực phẩm chúng tôi còn gần một chục đòn bánh tét, ít lon sữa cho con nít và một thùng mì khô hy vọng sẽ giúp chúng tôi qua cuộc vượt biên. Chúng tôi bàn nhau là mỗi người chỉ ăn ít khoanh bánh tét và uống 1 nắp can nhỏ nước vào buổi trưa và buổi tối.

Qua ngày hôm sau, chúng tôi nhìn xa xa thấy thương thuyền ngoại quốc đi về hướng mà tầu chúng tôi đang đi, nên tôi và anh lái tầu bèn lấy ít quần áo, giầy dép đốt lửa lên và dùng nón lá chập chập lên lửa làm làn khói ra dấu hiệu SOS cho họ nhận diện nhưng rồi thất vọng. Chúng tôi lại tiếp tục đi, thì đến gần chiều lại thấy một thương thuyền khác đang tiến về phía chúng tôi. Lần này lấy kinh nghiệm hơn là cho hết đàn bà, con nít đứng dơ tay cùng hét to để cho họ đến cứu nhưng rồi lại thất vọng không có một ma nào đến cứu. Chúng tôi đành tự nhủ rằng chắc họ sợ rước người ngooài biển khơi vì được biết tầu nước nào vớt thì phải mang về nước ấy lo, tự an ủi chính mình và tiếp tục cuộc hành trình đầy gian truân.

Chúng tôi lại tiếp tục đi theo hướng đã định sẵn. Qua hai ngày đầu trời nóng như thiêu đốt, chúng tôi phải chăng một tấm bạt để che nắng và đàn ông thì cởi hết quần áo ngoài chỉ mặc vỏn vẹn có cái quần sà lỏn thôi, đến đêm xuống thì lạnh thấu da. Hôm sau sang ngày thứ ba thì chúng tôi bị trận mưa giông gió lớn làm mọi người ướt như chuột lột nhưng cũng thấy thoải mái đôi chút vì nắng cháy mấy ngày qua. Tuy nhiên vì nước mưa vào nhiều nên đồ ăn của chúng tôi bị ướt hết, rồi lại phải cắt mấy thùng đựng dầu ra để làm gầu mà tát nước ra liên tục sợ thuyền bị chìm vì sức nặng của 37 con người đã làm thuyền mấp mí với mặt nước biển.

May mắn là mặt biển chiều hôm đó phẳng lặng, nhìn xa xa tít chân trời vẫn thấy có thương thuyền chạy. Mỗi ngày như vậy vì sức nóng quá xá của mặt trời làm con nít khóc và kêu la. Chúng tôi dành nước uống và thức ăn cho chúng. Người lớn chỉ được một nắp bình nhỏ nước buổi trưa thôi, thế mà 2 can nước uống đã cạn, đành phải mở thùng phuy nước sông ra dùng để pha sữa cho con nít. Nước sông đã thiếu vệ sinh lại thêm rỉ sắt nên con nít bị đau bụng và tiêu chảy.

Qua đến ngày thứ năm thì bà con trên tầu ai ai cũng mệt mỏi nằm la liệt mà chân trời vẫn xa tít mù khơi chưa thấy bóng dáng chấm lạ nào cả, làm người nào người nấy đều thất vọng, tuy nhiên máy thuyền của chúng tôi vẫn lướt trên mặt biển phẳng lặng. Chúng tôi vẫn tiếp tục cho con thuyền định mệnh chạy theo hướng đã theo đuổi, đến khoảng 3 giờ chiều thì tôi và anh lái thuyền cùng mệt mỏi, nên tôi bảo anh L. nằm ngả lưng hay chợp mắt chớ để cả hai cùng qụy xuống thì sẽ kéo theo bao nhiêu mạng trên ghe. Tôi vừa nói xong thì anh ta buông mình ngã xuống kế bên tôi bất động vì quá mệt nhọc. Còn lại mình tôi chèo chống đưa con thuyền đi, sau mấy tiếng đồng hồ ngồi một mình, mà tay thì cố kèm bánh lái nhưng hai bên mắt của tôi đã cay nhèm sụp lên sụp xuống không biết bao lần.

Tôi luôn thầm cầu nguyện ơn trên xin một tia hy vọng còn bằng không thì cất tất cả đi cho sớm, chớ mọi người đều đã quá thất vọng và hết chịu nổi được rồi. Biển thì bao la và còn thuyền của chúng tôi như một hạt cát nhỏ trên đại dương. Tôi cố gắng một mình chịu trận thì đến khoảng 8 giờ tối thì tôi thấy một ánh lửa hừng lên cuối chân trờ. Tôi hét lớn lên: "Có tia hy vọng rồi bà con ơi!". Tôi lập lại 2, 3 lần như thế làm mọi người bật dậy, hò hét lung tung, người thì dơ tay nhẩy mừng, người thì bất lên tiếng khóc. Đó là tiếng khóc chào đời lần thứ 2 cho những người quá tuyệt vọng lênh đênh trên biển cả.

Anh L. thay tôi cầm tay lái và cho thuyền đổi hướng lấy ánh ửng hồng làm chuẩn và cho máy thuyền chạy nhanh hơn. Tôi ngồi trên mũi ghe lấy than gạch vẽ định hướng làm dâu. Tôi vẫn thấy chậm vì thuyền không xuôi theo giòng biển mà lại ngược sóng gió và rất nguy hiểm vì có thể thuyền bị úp như chơi. Tôi bèn đề nghị với anh L. là nên theo hướng cũ và chỉ nương theo điểm ánh ửng hồng thôi. Ấy vậy mà chúng tôi lái suốt đêm cho đến sáng ngày hôm sau mới biết mục tiêu ánh hồng đó là giàn khoan dầu. Nhiều người bàn cãi: "Thôi mình lủi đại vô đi, nó không cứu vớt mình thì cũng cho thực phẩm rồi mình ra đi tiếp." Người khác cho ý kiến: "Biết của ai? Phải thằng Nga sô hay Trung Cộng thì bị dẫn độ về thì sao? Thà chết ở đây còn sướng hơn".

Tôi bèn bàn với anh L. là mình không nên đến giàn khoan vì không biết thuộc nước nào vả lại muốn đến chỗ nó cũng ít nhất mất khoảng 1 ngày nữa. Sau khi kiểm soát lại số luợng dầu, chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục đi thế nào cũng gặp Nam Dương hay Mã Lai trong 2, 3 ngày nữa. Mình đã cưỡi trên lưng cọp thì không thể xuống được nữa, phải liều thôi.

Khoảng đến trưa ngày thứ sáu thì trời bỗng nhiên xám xịt, mây đen che kín rồi gió thổi mạnh làm thuyền chúng tôi tròng trành, ai nấy trên ghe đều kinh hãi, vì sợ nước biển tràn vào ghe. Thế là chúng tôi chuẩn bị tìm bất cứ vật gì để chuẩn bị tát nuớc. Sau đó khoảng 2 tiếng đồng hồ sau thì mưa giông, cuồng phong bão tố nổi lên làm thuyền nhồi lên nhồi xuống, lúc đưa lên cao vút theo sóng cuồn cuộn, rồi lại vụt chúi xuống sâu duới biển. Sóng biển tràn vào, chúng tôi thay nhau cả đàn bà con gái rán sức múc nước đổ ra ngoài. Sức người có hạn, nhiều người đã kêu la thảm thiết, người thì kiệt sức ngất xỉu đi. Người nào người nấy đều cầu kinh, cầu Chúa, Phật, Thượng Đế để xin cứu giúp.

Đúng lúc mà mọi người đã kể như đã tuyệt vọng thì có một đàn cá ông tự đâu nổi lên, nhào lượn quanh thuyền chúng tôi một lúc, và tự nhiên thuyền chúng tôi chạy nhanh lên. Nhìn xuống biển chúng tôi thấy thuyền cao lên được khoảng 1 sải tay không còn mấp mí mặt biển nữa. Thì như một phép lạ có 2 con cá lớn đã kèm 2 bên thuyền chúng tôi mà đưa đi chạy theo một đàn cá dẫn đầu.

Khoảng 2 tiếng đồng sau thì chúng tôi thoát khỏi cơn bão, mặt biển lại phẳng lặng trở lại, mọi người đều cùng nhau cầu kinh cảm tạ ơn trên đã cho tai qua nạn khỏi. Chúng tôi đi thêm một khúc nữa thì lại thấy một đàn cá heo nhào lượn tung mình vẫy đuôi theo chúng quanh thuyền chúng tôi, làm mọi người từ lớn tới bé đếu chăm chú nhìn theo đến khi đàn cá mất hút. Thì ngay lúc đó xa xa chúng tôi thấy một chấm đen. Chúng tôi cho thuyền hướng về phía đó và dần dần chúng tôi thấy một hòn đảo nhỏ hiện ra. Ai nấy đều cảm thấy khoẻ vì có hy vọng sống sót.

Chúng tôi cho thuyền từ từ hướng vào bờ thì mới đầu không nghe tiếng động nào cả làm mọi người đâm lo, không biết đảo hoang lành hay dữ và cũng sợ đá ngầm là gẫy chân vịt nên chúng tôi cho thuyền đậu bên ngoài. Tôi và một người nữa bơi vào bờ thì gặp một vài thổ dân trông mặt dữ dằn, nói hỏi mà chẳng ai hiểu ai. Chúng tôi dùng tay chân ra hiệu, thì một tên trong bọn chúng chỉ về phía hướng tây và hắn lại chỉ vào đồng hồ của tôi và nhẫn vàng cuả người bạn tôi và chỉ vào người hắn. Khi chúng tôi tao cho hắn cái đồng hồ và cái nhẫn thì hắn bơi ra nhẩy lên thuyền chúng tôi và chỉ chúng tôi đến một đảo khác xa cách 30 phút. Đến nơi thì chúng tôi được Cảnh sát Nam Dương cho biết đấy là đảo Kuku.

Lên đảo Kuku chúng tôi nhận thấy có khoảng vài chục người Việt-Nam tị nạn đang ở đó ra chào đón chúng tôi . Sau đó là thủ tục khai báo với nhân viên chính quyền Nam Dương rồi họ cho chúng tôi vào những căn nhà do các người đi trước tạo dựng lên sơ sài nhưng còn tạm ở được. Mỗi gia đình được phát cho ít đồ như mùng mền, cá hộp, mì gói, bánh mì ổ, thế là chúng tôi có chỗ ăn, ngủ và dưỡng sức.

Qua hôm sau có phái đoàn ICM kêu lên phỏng vấn, làm thủ tục khai báo và cho biết chúng tôi ở tạm nơi đây chờ có tầu lớn chuyên đi vòng biển Đông vớt các người ngoài biển khơi, vào ghé đảo đưa tất cả người tị nạn sống nơi đây về đảo tị nạn lớn là Galang. Sau đó có phái đoàn bác sĩ đến khám sức khoẻ và chích ngừa.

Trưa hôm đó mọi người chúng tôi ra cầu tầu, nhìn lại con thuyền thân thương đã cùng chúng tôi chịu bao nhiêu sóng gío trôi vạt lênh đênh trên biển cả mất 7 ngày 8 đêm. Ai nấy đều bùi ngùi cảm động thầm cảm tạ ơn trên đã gìn giữ che chở đưa đến bên bờ Tự Do.

Nghĩ lại một cuộc hành trình quá mạo hiểm: 37 con người trên một cái ghe bầu lênh đênh trên biển cả trong hơn 1 tuần lễ, với ít bánh tét, ít gói mì khô, và 2 can nước uống, may nhờ đàn cá ông đến cứu giúp như một phép nhiệm mầu ban xuống giúp chúng tôi. Mỗi buổi hoàng hôn ngồi nhìn ra biển lòng hướng về quê Mẹ mà thốt lên rằng: "Mẹ Việt-Nam ơi! chúng con hãy còn đây".

Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không biết là chiếc "cá lớn" mà người ta hứa với chúng tôi có hay không nữa. Có thể đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của dân tổ chức vượt biên để mặc chúng tôi liều mình trên biển cả, sống chết do Trời Phật định. Nếu chúng tôi bỏ mạng ngoài biển Đông thì cũng không ai về lại mà hỏi đến tông tích cái thuyền lớn nữa. Và nếu chúng tôi thoát thì cũng chẳng có ai đả động đến cái GHE LỚN ấy nữa. Hay "cá lớn" đây chính là con tầu "tình thương" cứu người vượt biên trên biển Đông.

PH. Nguyễn, Colo Spgs
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn