BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trả lời bạn Lê Hoàn hỏi về dân chủ

22 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 1012)
Trả lời bạn Lê Hoàn hỏi về dân chủ
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nhận được bài viết phản hồi của bạn Lê Hoàn trên BBC, tôi rất vui vì ít ra, những bài viết và các hoạt động của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ đã gây ảnh hưởng được đến một bộ phận không nhỏ thanh niên Việt Nam, kể cả những bạn ủng hộ chế độ độc đảng.

Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ (THTNDC)

Để bổ sung cho sự hiểu biết về THTNDC của bạn, tôi cung cấp thêm một số thông tin khác.

Nguyễn Tiến Trung


Đúng là các bạn trong THTNDC liên lạc với nhau bằng google mail group để thông tin và chia sẻ kiến thức cho nhau. Đó là phương tiện tuyệt vời để kết nối các bạn thanh niên dân chủ Việt Nam tại khắp nơi trên thế giới. Email là phương tiên trao đổi hiện đại, nhanh chóng, và miễn phí. Tại sao lại không sử dụng?

Nếu bạn thắc mắc và mong muốn nhận được các tài liệu của THTNDC như đường hướng hoạt động, nội quy, bạn có thể email đến địa chỉ thtndc@gmail.com hoặc địa chỉ email của tôi là nguyentientrung.dc@gmail.com.

Tất cả thanh niên yêu chuộng dân chủ, mong muốn xây dựng ‘xã hội công bằng, dân chủ’ ở Việt Nam đều có thể trở thành thành viên của THTNDC. THTNDC không phải là một tổ chức độc tài để giới hạn các bạn thanh niên thực hiện quyền tự do lập hội và hội họp của mình.

Các buổi gặp gỡ và hội họp giữa các thành viên THTNDC diễn ra tại khắp các chi bộ trên thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu, châu Úc đến châu Á.

Chi bộ của THTNDC tại tpHCM đang sinh hoạt đều đặn. Các bạn nào muốn tham gia gặp gỡ, trao đổi, sinh hoạt dân chủ có thể email cho tôi.

Thời gian sắp tới, chi bộ của THTNDC tại Hà Nội sẽ ra mắt công khai để các bạn thanh niên dân chủ tại Hà Nội có điều kiện sinh hoạt và gặp gỡ nhau.

Có thể kể thêm cho bạn một số hoạt động trên Internet của THTNDC như đài radio Tiếng Nói Thanh Niên (360.yahoo.com/tiengnoithanhnien), blog song ngữ Anh – Việt để các bạn thanh niên trong nước hiểu rõ hơn thế giới nhìn Việt Nam như thế nào (360.yahoo.com/vietyouthfordemocracy), blog THTNDC để phổ biến kiến thức về dân chủ, pháp luật cho các bạn thanh niên (360.yahoo.com/taphopthanhniendanchuvietnam).

Ngoài ra, THTNDC còn chủ biên và phát hành tạp chí để các bạn thanh niên trong nước có thêm cái nhìn mới mẻ hơn về các vấn đề.

Ngoài hoạt động truyền thông, THTNDC còn tích cực tham gia công tác xã hội như quyên góp cho đồng bào bị lũ lụt.

Định nghĩa dân chủ

Bạn đã đưa ra một định nghĩa về dân chủ như sau :’Dân chủ chân chính là nhân dân no đủ, là quyền lực chính trị và pháp quyền thống nhất, là nền quân sự hùng mạnh đủ sức bảo vệ cho hoà bình và an ninh của Tổ quốc’

‘Nhân dân no đủ’ và ‘nền quân sự hùng mạnh’ là mục tiêu của các quốc gia, nó không phải là định nghĩa của dân chủ.

‘Quyền lực chính trị và pháp quyền thống nhất’ là định nghĩa về chế độ độc tài chứ không phải là chế độ dân chủ.

Điểm căn bản của một Nhà nước dân chủ là ‘tam quyền phân lập’ chứ không phải ‘tam quyền phân công’ hoặc ‘tam quyền thống nhất’ như bạn nói.

Một đảng khống chế bầu cử, đại biểu Quốc hội hầu hết là đảng viên của đảng đó, nghĩa là đảng đó độc quyền làm luật (lập pháp).

Một đảng độc quyền quản trị đất nước, nghĩa là đảng đó độc quyền thi hành luật (hành pháp).

Một đảng khống chế tòa án, nghĩa là đảng đó độc quyền phán xét việc xét xử theo luật pháp (tư pháp).

Do vậy, thể chế độc đảng là thể chế mà giới lãnh đạo đảng đứng trên luật pháp, từ đó dẫn đến muôn ngàn tệ nạn như tham nhũng, bất công xã hội,…

Nhà nước như vậy gọi là Nhà nước ‘của Đảng, do Đảng, vì Đảng’ (theo cách gọi của giáo sư Tương Lai), là đảng trị chứ không phải là Nhà nước ‘của Dân, do Dân, vì Dân’ như trong điều 2 Hiến pháp quy định.

Trào lưu dân chủ hóa

Bạn cho rằng ‘phong trào dân chủ mang màu sắc không tưởng’. Dường như bạn quên rằng chủ nghĩa xã hội (CNXH), chủ nghĩa cộng sản (CNCS) mới là không tưởng vì cho đến nay chưa có một nước nào tiến đến CNXH hay CNCS cả. Những nước còn ‘kiên trì CNXH’ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Ngược lại, thể chế dân chủ đã được áp dụng thành công tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thể chế dân chủ đã là hiện thực tại nhiều quốc gia chứ không phải chỉ mới trên lý thuyết hay trong lý tưởng.

Ngay cả những người lãnh đạo Trung Quốc mà bạn đem ra làm ví dụ cũng phải thú nhận là họ đang ‘mò đá qua sông’ để tiến tới CNXH. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể mò, những ngựời lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam có thể mò, nhưng họ không có quyền bắt dân tộc Việt Nam phải mò mẫm theo họ.

Trào lưu dân chủ hóa là trào lưu toàn cầu. Ngay cả giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cũng phải đưa ‘dân chủ’ vào khẩu hiệu : ‘xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’.

Bạn có cho rằng giới lãnh đạo đảng cộng sản đang ‘hoang tưởng’ khi đòi xây dựng xã hội dân chủ tại Việt Nam hay không ?

Phương Đông hay phương Tây

Bạn cho rằng tôi đang ‘áp đặt dân chủ kiểu phương Tây’ vào Việt Nam. Vậy bạn có thể chỉ ra những quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia,… đang dân chủ kiểu …phương nào không ?

Bạn có biết chủ nghĩa Mác Lênin là chủ nghĩa đến từ phương Tây hay không ? Bạn có biết rằng mô hình Nhà nước chúng ta hiện tại là sao chép của mô hình của Liên Xô trước đây, một quốc gia phương Tây hay không ?

Các bạn thành viên THTNDC cũng như tôi chẳng có quyền gì để ‘áp đặt’ bất kì một thứ gì lên dân tộc Việt Nam.

Có chăng chỉ là giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, những người đang nắm quyền lực thực sự, những người đang nắm quân đội, công an, nhà tù, truyền thông mới có thể ‘áp đặt’ mô hình độc đảng kiểu phương Tây lên đầu dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi chỉ muốn dân tộc này được tự quyết định tương lai của mình qua bầu cử tự do và công bằng, được trình bày ý kiến về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế,… một cách trung thực qua báo chí tự do.

Những điều trên chẳng phải đến từ phương nào cả. Tự do ứng cử, tự do bầu cử, tự do báo chí là những quyền thiêng liêng của mỗi công dân, mỗi con người đã được minh định trong Hiến pháp Việt Nam.

Đa đảng sẽ loạn ?

Bạn đã dùng Trung Quốc để nêu viễn cảnh ‘phải đổ rất nhiều máu’ nếu ‘xuất hiện những phong trào dân chủ’. Bạn cũng nói ‘Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó’. Vậy bạn có biết sự đổ máu đó do ai gây ra hay không ?

Nguyên nhân gây đổ máu duy nhất là do chế độ độc tài cố bám víu quyền lực bất hợp pháp. Những người dân chủ không có quân đội, không có công an, không có vũ khí nên chắc chắn rằng họ không gây cảnh ‘đầu rơi máu chảy’ được.

Tất cả những phong trào dân chủ bị đàn áp như Thiên An Môn, Pháp Luân Công,… tại Trung Quốc, phong trào dân chủ tại Miến Điện, hoặc các phong trào dân chủ đã thành công trong quá khứ như tại Indonesia, Hàn Quốc đều do chính quyền độc tài gây cảnh ‘đầu rơi máu chảy’ chứ không phải những người dân chủ tay không tấc sắt.

Bạn cũng dọa dẫm rằng ‘Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để tác động vào ‘nền dân chủ mới’ của Việt Nam’. Vậy bạn, tôi, những thanh niên Việt Nam sẽ ngồi yên để cho ngoại bang tác động ? Hay là chúng ta sẽ chỉ biết suốt đời líu ríu đi theo Trung Quốc ? Bạn sẽ ‘an phận’ nhìn Trung Quốc thao túng Việt Nam ?

Bạn cũng nêu một viễn cảnh rất ‘rùng rợn’ về dân chủ nhưng không hề đưa ra luận cứ thuyết phục như chuyện mỗi làng sẽ có một vài đảng, rồi sẽ ‘ngày càng bị xé lẻ ra dưới chế độ dân chủ’. Viễn cảnh này chưa xảy ra ở nước nào cả.

Năm 1945, cách đây hơn 60 năm, người dân Việt Nam đã đi bầu cử đa đảng. Đảng Dân Chủ, đảng Xã hội đã cùng tồn tại và chiến đấu bên cạnh đảng cộng sản đến ngày thống nhất đất nước năm 1975. Việt Nam đã từng có một quá khứ dân chủ, đa đảng và không hề ‘loạn’ như bạn đang dọa dẫm.

Tại Malaysia, đất nước rất gần Việt Nam, với 6 ngôn ngữ khác nhau, 6 tôn giáo khác nhau, nhiều chủng tộc khác nhau, cư ngụ trên nhiều hòn đảo khác nhau, họ đã xây dựng thành công và đang hoàn thiện thể chế dân chủ.

Tôi tin chắc người dân Việt Nam không thua kém người dân Malaysia.

Cũng cần nhắc lại cho bạn nhớ, chế độ độc đảng theo chủ nghĩa cộng sản (tại Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu,…) đã tàn sát hơn 100 triệu người. Ở Việt Nam, sai lầm thời cải cách ruộng đất, đánh tư sản, gây thảm nạn ‘thuyền nhân’,… cũng đã góp phần không nhỏ vào con số trên.

Một điều nữa cần nói là dân chủ luôn đi với pháp trị. Các đảng phái cạnh tranh với nhau để có lá phiếu của dân một cách công bằng, đúng luật chứ không phải sử dụng bạo lực một cách bất hợp pháp để cướp chính quyền.

Vấn đề dân trí

Nhắc lại luận điểm trên, cách đây hơn 60 năm, người dân Việt Nam với 95% dân số mù chữ đã bầu cử thành công chính phủ đầu tiên, thành lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ngày nay, tỉ lệ biết chữ của người dân Việt Nam là hơn 90%, vượt xa tỉ lệ biết chữ của nhiều nước dân chủ trên thế giới, ví dụ như Ấn Độ.

Nước Pháp, nơi tôi đã từng theo học, cũng chưa bao giờ có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông cao như ở Việt Nam.

Một người nông dân có thể không biết làm chính trị, không biết vận động tranh cử, nhưng ông biết chọn đảng phái nào chăm lo đến quyền lợi của ông và thể hiện ý chí của ông qua lá phiếu.

Sau mỗi nhiệm kì, người nông dân đó lại có quyền chọn lại. Nếu đảng cầm quyền làm tốt, ông tiếp tục bầu cho họ, còn nếu làm không tốt thì ông bầu đảng khác lên.

Hơn nữa, một đất nước đã hòa bình được 1/3 thế kỷ, khoảng thời gian đủ dài để rất nhiều nước trở thành cường quốc, người dân vẫn còn bị bạn cho là ‘dân trí thấp’, ‘thu nhập người dân cũng mới chỉ ở mức nghèo’, đảng đang độc quyền lãnh đạo đất nước đó có còn xứng đáng để lãnh đạo nữa hay không ? Và đảng đó có dám chịu trách nhiệm về những hậu quả của mình hay không hay chỉ biết xin lỗi và đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan?

Dân Việt Nam có an phận ?


Nếu chúng ta chỉ tranh luận trên BBC, một hãng thông tấn của nước Anh, các ‘thế lực thù địch’ sẽ dễ ‘vu khống’ là người dân Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận, để đến nỗi thanh niên phải đi tranh luận tại một diễn đàn của nước ngoài
Nguyễn Tiến Trung


Tôi khẳng định rằng người dân Việt Nam không an phận trong thời bình như bạn nói, lý do chính là mọi phương tiện để hành động và lên tiếng như lập hội, hội họp, ra báo đều bị cấm.

Nhìn bề ngoài người ta dễ nghĩ là người dân đang an phận, nhưng thực tế đó là ‘sóng ngầm vùng biển lặng’. Khi thời cơ đến, bạn sẽ thấy sức mạnh và sự khát khao dân chủ của người dân.

Bao nhiêu triều đại đã bị chôn vùi chỉ vì cái ‘tưởng’ hết sức ngây thơ đó của nhà cầm quyền, trong đó có cả phong kiến Trung Quốc (đô hộ nước ta 1000 năm) và thực dân Pháp (đô hộ nước ta 100 năm).

Thượng tôn pháp luật

Bạn cho rằng ‘Trung đòi đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi tư nhân lập báo…’. Ở đây Trung nghĩ bạn chưa có dịp đọc Hiến pháp Việt Nam để có thể ‘sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật’.

Trước hết, cần khẳng định rằng thành lập đảng không hề bị cấm bởi bất kì điều khoản nào trong Hiến pháp. Công dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm, còn công chức Nhà nước chỉ được phép làm những gì luật pháp cho phép. Đó là điểm căn bản của một Nhà nước pháp quyền.

Do đó, việc thành lập đảng phái để tham gia sinh hoạt chính trị là chuyện hợp pháp ở Việt Nam. Đảng viên các đảng Thăng Tiến, Dân Chủ Nhân Dân,… bị bắt trong thời gian gần đây không ai bị bắt vì tội thành lập đảng.

Bác Lê Dũng cũng luôn khẳng định Việt Nam không có tù nhân chính trị, nghĩa là làm chính trị, sinh hoạt đảng phái ở Việt Nam không hề có tội.

Điều 69 Hiến pháp ghi rõ ‘Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật’.

Điều 146 Hiến pháp ghi rõ ‘Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp’.

Do đó, chuyện tư nhân ra báo, chuyện công dân lập hội và hội họp, chuyện công dân lập đảng để tham gia vào công việc chung của đất nước là những chuyện hợp pháp và hợp hiến.

Những người cố tình thủ tiêu những quyền căn bản và thiêng liêng này của nhân dân là những kẻ phạm pháp.

Có một thực tế bạn cần biết, đó là Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ đang tồn tại và sinh hoạt công khai tại Việt Nam, bất chấp việc bạn có ‘chấp nhận’ hay không.

Một thực tế khác bạn cũng nên biết, đó là đảng Dân Chủ Việt Nam đang sinh hoạt công khai trong nước, có cương lĩnh, điều lệ rõ ràng, với Tổng thư kí là Giáo sư Hoàng Minh Chính.

Đề nghị đối thoại

Bạn đề nghị hãy để sinh viên Việt Nam phán xét về THTNDC. Các bạn trong THTNDC và bản thân tôi cũng rất mong mỏi điều đó.

Để công việc ‘phán xét’ được diễn ra công khai và công bằng. Tôi nghĩ báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên cần đăng toàn bộ những bài viết từ trước đến nay của các bạn thành viên THTNDC và của tôi, cũng như bài viết này của bạn và cho mở diễn đàn thảo luận công khai để các bạn sinh viên phán xét.

Tôi cũng đề nghị là tổ chức đối thoại công khai tại Thành đoàn tpHCM (số 4 Phạm Ngọc Thạch) và các trường đại học, có VTV 1 truyền hình trực tiếp để người dân cả nước có thể theo dõi và cho ý kiến.

Lý do là vì nếu chúng ta chỉ tranh luận trên BBC, một hãng thông tấn của nước Anh, các ‘thế lực thù địch’ sẽ dễ ‘vu khống’ là người dân Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận, để đến nỗi thanh niên phải đi tranh luận tại một diễn đàn của nước ngoài.

Vài dòng chia sẻ với bạn Lê Hoàn.

Nguyễn Tiến Trung
Gửi đến BBC từ TP Hồ Chí Minh
22/09/2007


Các đường link cần đưa :

Web site của đảng Dân Chủ
http://www.ddcvn.org

Cương lĩnh, điều lệ của đảng Dân Chủ
http://www.mediafire.com/?ahn2meyt1ly

Web site THTNDC
http://www.thtndc.com

Tài liệu giới thiệu THTNDC
http://www.mediafire.com/?6xngmcz2kyn

Đài radio Tiếng Nói Thanh Niên
http://360.yahoo.com/tiengnoithanhnien

Blog The Viet Youth For Democracy
http://360.yahoo.com/vietyouthfordemocracy

Blog THTNDC
http://360.yahoo.com/taphopthanhniendanchuvietnam



Hỏi bạn Nguyễn Tiến Trung về dân chủ


Lê Hoàng
Gửi đến BBC từ Berlin, Đức
21/09/2007


Nguyễn Tiến Trung bắt đầu nổi tiếng từ khi đăng loạt bài trên BBC đầu năm 2006: Thư ngỏ của một sinh viên bình thường trong một đất nước không bình thường, Đóng góp ý kiến Đại hội Đảng X.

Động chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm, Trung đã giành được sự quan tâm của nhiều sinh viên trong nước. Ngay sau đó, Trung và một số cộng sự đã thành lập Tập hợp thanh niên dân chủ (5.2006) – một tổ chức chính trị của thanh niên không thuộc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Tiếp sau đó, nhiều tài liệu công khai về „tiến trình dân chủ“ đã nhanh chóng được tập hợp đưa lên mạng. Tập hợp của Trung nhanh chóng liên hệ với nhiều nhân vật „bất đồng chính kiến“, nhiều người có tiền án như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân…

Ở bài này, tôi muốn thẳng thắn phê phán Trung bởi phong trào dân chủ mang màu sắc không tưởng.

Phong trào của Trung mang đặc trưng là một phong trào thanh niên tự do. Kết nạp một cách tự nguyện qua email. Hoạt động chủ yếu qua mạng Internet. Để tăng số lượng thành viên cho tập hợp, Trung chưa đưa ra một nội quy rõ ràng nào.

Ai ai cũng có thể trở thành một thành viên của tập hợp. Nó giống như một cái thùng, nơi mà hàng trăm thứ bà chằn, vàng thau lẫn lộn đều được đổ vào tuốt tuột và trộn đều lên một cách hỗn loạn. Trong đấy, mối liên hệ giữa các thành viên được duy trì một cách lỏng lẻo thông qua mục tiêu chung: „dân chủ“. Nhưng, thế nào là „dân chủ“?

Quan niệm dân chủ

Thực sự quan niệm về „dân chủ“ của Trung và cộng sự là sự cóp nhặt một cách không có chọn lọc và không xét đến các yếu tổ riêng của Việt Nam như địa chính trị, tâm lí dân tộc và tâm lí quần chúng… Trung áp đặt, cho rằng Việt Nam phải mau chóng „dân chủ hoá“. Trung chê bai hệ thống chính trị một đảng. Trung đòi đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi tư nhân lập báo…

Bao trùm trong những bài viết của Trung là một thái độ nóng vội, duy ý chí, tả khuynh và mang hơi hướng của chủ nghĩa giáo điều. Ai cũng biết rằng dân chủ luôn là đích hướng đến của nhân loại tiến bộ, nhưng nhân loại tiến bộ cũng không bao giờ áp đặt những giá trị truyền thống của dân tộc này lên dân tộc khác. Điều đó chắc Trung đã hiểu. Nền dân chủ của người phương Tây được dựa trên mức thu nhập hiện có của người phương Tây, hệ thống pháp luật và hạ tầng kinh tế mà họ đã xây dựng nên từ trước. Trong quá trình xây dựng nên hệ thống ấy, ý thức của người dân cũng từng bước phù hợp dần với hình thức tổ chức nhà nước kiểu như thế.

Áp đặt dân chủ kiểu phương Tây vào một đất nước mà trình độ dân trí còn thấp, một đất nước mà thực sự những người đủ giỏi để hiểu những điều Trung viết còn quá ít, một đất nước mà ý thức hệ phong kiến gia trưởng kiểu làng xã và dòng họ vẫn còn chiếm đa phần tại nông thôn, cái đất nước mà mức thu nhập người dân cũng mới chỉ ở mức nghèo ở thế giới, cái sự áp đặt ấy đã thể hiện một sự khập khiễng trong tư duy chính trị và xã hội, nó giống như khoác một cái áo rộng thùng thình lên một cơ thể gầy gò bé nhỏ. Lí lẽ duy nhất của Trung là: dân chủ thì ở đâu cũng như nhau đều có chung một giá trị. Người dân đều có quyền lập đảng, lập hội, lập báo, hội họp.

Ở đây, tôi muốn đi sâu phân tích nhận thức non kém của Trung về những hiện tượng xã hội tại Việt Nam.

Trung đã hiểu rõ về tâm lí con người Việt Nam chưa?

Trung đã lường trước điều gì sẽ xảy ra khi bàn cờ chính trị Việt Nam đi theo hướng „dân chủ hoá“, tức đa nguyên đa đảng chưa? Trên bàn cờ chính trị Việt Nam, Trung tính được bao nhiêu nước?

Trung không hề để ý rằng, người Việt vốn là một dân tộc an phận trong thời bình. Thêm vào đó là tính cá nhân cục bộ, chủ nghĩa dòng họ và tư tưởng lợi ích. Một mô hình dân chủ với nhiều đảng chỉ làm cho tính cá nhân cục bộ thêm sâu sắc và bàn cờ chính trị ngày càng bị xé lẻ.

Tự do lập đảng

Cứ giả sử Việt Nam cho tự do lập đảng…

Tình hình chung là mỗi làng quê nông thôn sẽ có ba bốn đảng. Đảng họ Nguyễn, đảng họ Trần và đảng họ Lê chẳng hạn. Người của họ nào phải bầu cho người của họ nấy. Làng xã nông thôn vốn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, ngày càng bị xé lẻ ra dưới chế độ „dân chủ“.

Cứ giả sử Việt Nam cho tự do lập đảng…

Trung Quốc có muốn điều đó không? Không! Người Trung Quốc đang đứng trước sức ép rất lớn của nhân quyền và dân chủ. Họ không hề muốn một sự thay đổi lớn. Trung Quốc, với số dân đông, sẽ phải chịu một tương lai rất thê thảm, sẽ phải đổ rất nhiều máu, nếu như trong nước của họ xuất hiện những phong trào dân chủ. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để tác động vào „nền dân chủ mới“ của Việt Nam.

Cứ giả sử Việt Nam cho tự do lập đảng…

Trong một vài năm tới, nhiều công ti nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Tất nhiên sẽ nảy sinh những mâu thuẫn giữa những người nước ngoài và một bộ phận người Việt đang dần bị mất quyền lợi kinh tế. Những người thất nghiệp, thu nhập thấp hoặc đang bị người nước ngoài cạnh tranh… Ở đây tôi muốn nói đến tâm lí dễ bị tự ái, tâm lí bột phát và thói quen hay ganh tị của người Việt, trong một môi trường đa đảng như vậy, nếu bị kích động theo hướng dân tộc cực đoan sẽ hoàn toàn lập lại vết xe đổ của người Nga, người Pháp và người Đức: những bóng ma Neo-Nazis!

Ai sẽ chịu trách nhiệm ?

Trung có thể tưởng tượng ra cái tương lai „hoành tráng“ của „nền dân chủ mới“ đó không? Cái tương lai mà tư tưởng chung của dân tộc bỗng chốc bị xé lẻ ra một cách nguy hiểm bởi tâm lí bột phát của đại đa số dân trí thấp và liên tục đe doạ bởi kẻ bên ngoài đang nhòm ngó.

Trung nói: „Nếu chúng ta không làm, thì ai làm thay cho chúng ta?“. Nhưng, nếu cứ để Trung làm, giả sử tương lai của chúng tôi bị xé lẻ ra, ai sẽ chịu trách nhiệm? Một mình Trung, dù là tài giỏi có đủ sức để đứng ra chịu hết trách nhiệm không. Không đời nào! Trung có chết cả trăm cả ngàn lần cũng không bao giờ trả được hết cái nợ đó đâu!

Kích động vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay, như tình hình tranh chấp và kiện cáo đất đai, vấn đề giáo dục và vấn đề tôn giáo, nhưng bài viết của Trung không đi tìm nguyên nhân sâu xa của những vấn đề đó, chưa thấy được những khuyết điểm trong cá tính người Việt, những khó khăn trong vấn đề lịch sử và địa lí, mà chỉ đổ riệt cho đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Nội dung đậm tính chất từ chương, trích cú, tư duy chủ quan, nóng vội, không hề đưa ra một đường lối rõ ràng nào để giải quyết vấn đề mà chỉ kể lể dài dòng, chê trách, châm biếm và kích động.

Sự kích động đặc biệt nguy hiểm khi những tài liệu của Trung được phát tán trong giới sinh viên và học sinh, hình thành nên một cái nhìn ngây thơ và một chiều, cái nhìn phi khách quan và áp đặt, gây mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc giữa người dân và chính quyền, từ đó làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn cho quốc gia, dân tộc.

Ở đây tôi muốn nói đến dân chủ chân chính. Dân chủ chân chính là nhân dân no đủ, là quyền lực chính trị và pháp quyền thống nhất, là nền quân sự hùng mạnh đủ sức bảo vệ cho hoà bình và an ninh của Tổ quốc. Dân chủ chân chính chính là điều mà Đảng Cộng sản đang cố gắng hướng đến, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng chính điều đó củng cố vững chắc hơn vị thế của chúng ta trên trường quốc tế.

Để xã hội ngày một dân chủ, chúng ta phải trải qua một quá trình đổi mới sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ý thức người dân phải được nâng cao. Quyền lực của nhà nước phải được thống nhất và củng cố. Kinh tế thị trường tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển…

Tổ chức của Trung có phải là một tổ chức dân chủ chân chính không? Tổ chức của Trung đã đóng góp được gì cho cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam? Tổ chức của Trung đã đóng góp được gì cho nền giáo dục và khoa học ở Việt Nam. Trung đã cống hiến được gì chưa? Trung đã làm ra một sản phẩm có ích đóng góp cho thị trường CNTT ở VN chưa?

Một vài ba thành viên nước ngoài, thỉnh thoảng chửi đổng một câu cho bõ cái sự bất mãn. Chưa đưa ra một tư tưởng cụ thể mà đoàn kết người dân. Chưa làm ra một sản phẩm đóng góp cho quốc dân. Họ đã làm điều gì ra hồn chưa, điều ấy các bạn sinh viên sẽ thay tôi phán xét! Tập hợp thanh niên dân chủ là cái gì? Hay chỉ là một tổ chức ô hợp đặt sau những quyền lợi chính trị của một bộ phận chống đối trong và ngoài nước. Tập hợp không ra tập hợp. Thanh niên không ra thanh niên. Dân chủ không ra dân chủ!

Tôi là một thanh niên thế hệ trẻ đang học tập tại nước ngoài mong ước được đóng góp hết sức mình cho tương lai phát triển của đất nước. Tôi kiên quyết phản đối sự tồn tại của Tập hợp Thanh niên Dân chủ tại Việt Nam. Đối với tôi, những hành động cầu viện ngoại bang của THTNDC là những mưu đồ chính trị xấu xa ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự và tương lai của dân tộc. Vì danh dự của dân tộc, tôi xin góp một ý kiến với những người trong nước, rằng tôi không chấp nhận sự tồn tại của THTNDC.

Lê Hoàng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn