Di ảnh anh Khương, nạn nhân chế độ công an trị
Những thông tin về cái chết oan ức, tức tưởi của người thanh niên này được chúng tôi kịp thời đưa lên mạng hòa cùng với những thông tin của giới blog, của báo chí “lề trái” nhanh chóng cập nhật vụ việc bằng hình ảnh, video để toàn thế giới hiểu được điều gì đang xảy ra ở Bắc Giang.
Khi chúng tôi đến, người chết đã nằm yên dưới mộ, nhưng oan khuất của người thanh niên này vẫn hiển hiện rõ nét trong từng gương mặt, lời nói, từng câu chuyện của người dân Bắc Giang suốt những ngày sau đó. Nỗi oan khuất đó cũng hiển hiện trên gương mặt thất thần, những nỗi đớn đau mà thân nhân anh phải chịu. Nỗi oan đó cũng theo mạng truyền thông lan tỏa nhanh chóng tạo nên sự phẫn uất của những người có lương tri trên toàn thế giới. Đoạn video được đưa lên trên Nữ Vương Công Lý đã đạt con số gần 100.000 lượt người xem chỉ trong mấy ngày.
Có thể nói, cơn sóng người dân Bắc Giang đã thể hiện ngày 25/7/2010 vừa qua là con sóng lòng dân đã trào lên sôi sục bởi những đợt sóng ngầm trước đó. Hành động đánh chết thêm một người oan khuất này chỉ là một giọt nước làm tràn chiếc ly căm hờn của người dân đối với nhà cầm quyền cộng sản đã gây cho nhân dân biết bao tai họa xưa nay.
Đến Bắc Giang, chứng kiến nỗi lòng người dân, sự hả hê của những “quần chúng tự phát” ở đây khi họ chứng kiến những đợt sóng nổi dậy, chứng kiến sự bất lực, hèn hạ của đám “đầy tớ nhân dân” mới thấy rằng chế độ này đã hết thuốc chữa. Bởi “chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” một nhà hiền triết nào đã nói câu đó từ lâu, bây giờ là lúc ứng nghiệm.
Chúng tôi đến nhà nạn nhân, một gia đình nông dân như bao gia đình nông dân khác ở vùng quê Bắc Giang, không thế lực, không giàu có… để được nể trọng như đám đầy tớ của dân kia. Vì thế nên sự việc xảy ra cách Hà Nội chỉ có 50 km nhưng đã mấy ngày liền báo chí nhà nước không hề có thông tin. Một vài tờ đưa lên chút thông tin ngay lập tức đã bị bóc xuống mà không nói rõ lý do.
Tất cả 700 tờ báo “dưới sự lãnh đạo của đảng” tưởng như không ai biết, chẳng ai hay với cái tin vặt vãnh này. Sở dĩ nó vặt vãnh là vì chỉ một mạng người có đáng là gì đâu, mà lại là mạng người dân thì càng không đáng để nói, nhất là mạng người dân này do công an cướp đi thì càng không đáng để bận tâm.
Chuyện công an đánh chết dân là chuyện quá bình thường, ai làm gì được công an trong cái xã hội Công an trị này?
Phóng viên nhà nước đang tác nghiệp để mang về "cất"
Khi chúng tôi đến, một đoàn nhà báo đang phỏng vấn, chụp ảnh, ghi hình… và cả gia đình cũng như bà con thôn xóm, những người đến viếng thăm ngóng trông, mong đợi, tin tưởng sự việc sẽ được lôi ra ánh sáng như những lời kêu gọi choang choang: “Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật”. Nghe người nhà giới thiệu thì rằng đây là phóng viên của những tờ báo có tên tuổi, có uy tín đến đề tìm hiểu sự việc và thông tin cho người dân biết sự việc gì đã xảy ra ở đây.
Được thấy cảnh các nhà báo nhà nước bận rộn với công việc, ghi chép tỉ mỉ, ghi hình, chụp ảnh, ghi âm… thân nhân và hàng xóm ai cũng hi vọng chắc chỉ vài ba giờ nữa thôi thì bạn đọc cả nước và cả thế giới hiểu được sự thật.
Gia đình nạn nhân cố nén đau thương, cung cấp cho các nhà báo này đầy đủ hình ảnh, lời nói, chứng cứ, đơn từ và cả bày tỏ thái độ của mình… với niềm tin và hi vọng được có những tiếng nói của sự thật, công lý nâng đỡ, an ủi cái tang đau đớn và oan khuất cho con em mình.
Chúng tôi chỉ đến thăm gia đình, hỏi han tình hình trong sự ngờ vực và cảnh giác của thân nhân nạn nhân. Họ cho biết là phải làm như vậy vì cảnh giác với nhiều dạng người khác nhau không tin tưởng. Chúng tôi thông cảm điều đó với gia đình, thân nhân người đã khuất và không nỡ tước đi sự hi vọng của họ vào lực lượng báo chí hùng hậu kia đang hiện diện và khái niệm của họ về tự do báo chí ở VN.
Chúng tôi chỉ trao đổi với gia đình nạn nhân sơ qua vài câu chuyện, an ủi họ vài điều, thăm viếng điếu phúng chút đỉnh gọi là người qua đường vào thắp nén nhang cho người quá cố rồi lên đường về mà không dám nói với họ mình là ai. Chúng tôi chỉ kịp nói với họ rằng: “chúng tôi sẽ cố gắng đưa thông tin này đến mọi người, đúng sự thật”. Chỉ có thế và chắc họ cũng tiễn chúng tôi ra về mà không hề có một mảy may tin tưởng.
Vậy rồi chúng tôi cũng có ý chờ đợi các tờ báo có phóng viên chúng tôi đã gặp sẽ lên tiếng.
Nhưng, càng chờ càng mất, không một dòng, thậm chí không một lời nói về họ.
Chỉ cho đến khi cái gọi là Thông tấn xã Việt Nam đưa lên một bản tin mập mờ rằng nạn nhân “có lỗi vi phạm an toàn giao thông” và “Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khoẻ không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết”… khi đó các báo khác mới dám nhúc nhích đưa lại bản tin này không dám sai một chữ.
Nhìn hiện tượng này, người ta liên tưởng đến đàn rắn của người làm xiếc. Tất cả 700 tờ báo kia chỉ là một đàn rắn dưới cây sáo chỉ huy của người làm xiếc mang tên “sự lãnh đạo sáng suốt của đảng”. Tất cả được lệnh nằm im khi bất cứ sự việc nào xảy ra, chỉ chờ đến khi người chủ gánh xiếc đã biểu diễn xong tiết mục ảo thuật biến trắng thành đen do nhóm diễn viên mang tên Ban Tuyên huấn và Thông Tấn xã thì đàn rắn mới được ngóc đầu lên theo tiếng nhạc soạn sẵn.
Ngay lập tức bản tin của cái cơ quan Thông Tấn xã đã nhận được sự phản ứng mạnh mẽ trên cộng đồng mạng khắp năm châu. Ai cũng biết rằng đó là những lời ngụy biện, cách đưa tin nhằm đổ tội cho nạn nhân, bất chấp sự thật và lương tâm để chạy tội cho kẻ sát nhân.
Những bài viết, những ý kiến khắp nơi dội về làm ông chủ gánh xiếc không thể bỏ ngoài tai. Ở đó người ta vạch rõ sự xảo trá, sự đểu cáng và bất chấp sự thật của hệ thống lãnh đạo, cầm quyền và truyền thông này. Qua đó, người ta hiểu được bản chất của những vụ việc tương tự được báo chí nhà nước nói đến chứa sự thật ở đâu.
Cùng lúc đó, thông tin về việc “Hoàng tử” họ Nông đang là quan chức to ở địa phương đã xảy ra vụ bạo động này được thăng chức, chuẩn bị cho đúng quy trình vào Trung ương đợt đại hội Đảng sắp tới. (Người ta chẳng lạ gì “hoàng tử” này, vốn xuất thân từ đứa học sinh học dốt không qua nổi kỳ thi Đại học, phải đi xuất khẩu lao động làm công nhân. Về nước không nghề nghiệp, chẳng bằng cấp… được dựa thế ông bố đưa vào làm cái việc vô thưởng vô phạt là “đoàn thanh niên phụ trách thiếu nhi” rồi dần dần “cơ cấu” để lên làm cha thiên hạ).
Những thông tin đó càng làm sôi sục lòng dân không chỉ ở Bắc Giang mà nó đã phơi trần bản chất đểu cáng bất chấp lòng dân của nhà cầm quyền CSVN hiện nay.
Cực chẳng đã, khi biết không thể làm lơ câu chuyện thì đành thí tốt trong ván cờ này. Vì vậy ngày 6/8/2010, cơ quan công an mới khởi tố bắt tạm giam Nguyễn Thế Nghiệp, sinh năm 1985, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Yên.
Điều mà người dân hiện nay đang chăm chú theo dõi, là tại sao anh Nguyễn Văn Khương vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm, bị công an giao thông chặn bắt vào đồn, nhưng vào đến cơ quan công an Tân Yên chỉ nửa tiếng sau đã trở thành ma bởi một nhân viên “cảnh sát điều tra về trật tự xã hội”?
Trên đường lên Bắc Giang: Cảnh sát giao thông được mệnh danh "Cướp ngày có giấy phép"
Rõ ràng hai lực lượng CS giao thông và cảnh sát điều tra về trật tự xã hội không phải là một. Hoặc cảnh sát giao thông đã giao cho cảnh sát điều tra về trật tự xã hội khi người tham gia giao thông chỉ vi phạm về giao thông? Hay anh chàng cảnh sát điều tra về trật tự xã hội này cũng đã xông ra đường để chặn bắt người vi phạm quy định an toàn giao thông?
Điều này phản ánh một thực tế ở VN như một luật bất thành văn, đã vào công an là đánh phủ đầu với phương châm: “Không có tội thì đánh cho có, có tội thì đánh cho chừa, có tội nhẹ đánh cho ra tội nặng” và đã là công an của đảng, thì muốn làm gì cũng được.
Đây là hậu quả khủng khiếp của một chế độ độc tài, chế độ công an trị đã dung túng cho một hệ thống công an như những chiếc máy vô tri, vô cảm tàn sát đồng bào mình với đường hướng vạch rõ “chỉ biết còn đảng, còn mình”, biến một lớp người làm chó săn vô tri cho chế độ độc tài và tàn khốc.
Vì thế, không chỉ có một anh Khương mà trên đất nước này, hàng ngày, hàng giờ mạng người bị công an, các cán bộ của dân hành hạ, đánh đập không thương tiếc và vô trách nhiệm không phải là ít.
Anh Toma Nguyễn Thành Năm, nạn nhân công an của "hung thần miền Trung" Nguyễn Bá Thanh
Câu chuyện về anh Toma Nguyễn Thành Năm, giáo dân Cồn Dầu bị đánh đập đến khi về đến nhà thì chết hôm 3/7/2010 mới đây bởi bàn tay công an của hung thần Miền Trung Nguyễn Bá Thanh trong phong trào cướp ruộng, cướp đất, cướp mồ mả nhân dân vẫn đang là một câu chuyện bi thương đầy nhức nhối trong lòng nhân dân nhưng không có bất cứ một lời nào lên tiếng trên báo chí “của nhân dân”.
Câu chuyện em bé Tĩnh Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hóa cũng bị bịt kín dư luận bằng ngón đòn hạ đẳng và bẩn thỉu tương tự. Câu chuyện hai bé gái vị thành niên bị lạm dụng, cưỡng bức tình dục ở Hà Giang rồi dựng chuyện tù đày… cũng đã bị Tô Huy Rứa ra lệnh ngăn cấm báo chí đưa tin.
Xa hơn chút nữa là những thông tin về việc xâm lăng, cướp đất cướp biển , giết ngư dân VN của Trung cộng, những tiếng nói yêu nước cất lên bị “chiếc gậy thần lãnh đạo” của đảng gạt xuống và bầy rắn báo chí đã im bặt.
Không phải tất cả trong hàng vạn nhà báo hiện nay thiếu lương tâm và tài đức, nhưng họ thiếu đi tự do tối thiểu của mình và vì vậy họ đang buộc phải đứng về phía bạo quyền độc tài. Khi đó họ buộc phải bán đi chữ “dũng”, chữ “sĩ” và chữ “tâm” để đổi lấy miếng cơm, manh áo hàng ngày.
Vì vậy, tất cả dàn báo chí Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng – một bầy rắn chờ tiếng sáo của người chủ gánh xiếc thiếu lương tâm và tài năng – đã và đang xuyên tạc sự thật, gây nhiều thảm họa cho người dân Việt.
6/8/2010
Song Hà
Theo Nữ Vương Công Lý
Gửi ý kiến của bạn