BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những giờ phút cuối cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

14 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1211)
Những giờ phút cuối cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
I.- Một sự gắn bó tình cờ và kỳ diệu

Cho tới giờ phút này, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã vĩnh viễn ra đi. Tang lễ anh đã hoàn tất. Tro cốt của anh được lưu giữ ở một nơi thật xứng đáng với con người và nhân cách lẫy lừng của anh. Đó là khu vườn Tưởng Niệm trong khuôn viên Giáo Đường Đấng Cứu Thế (Christ Cathedral) –Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Orange, nam California, Hoa Kỳ–. Tên cũ khi còn thuộc Giáo hội Tin Lành là Crystal Cathedral mà người Việt quen gọi là Nhà Thờ Kiếng.


Tên ngôi Thánh Đường với lối kiến trúc đặc biệt này không chỉ quen thuộc với người dân Hiệp chủng quốc mà còn là một thắng tích, hàng năm thu hút hàng ngàn du khách trên thế giới tìm về thăm viếng.




Di ảnh và hũ đựng tro cốt nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. (Hình: Đinh Quát/Người Việt)

Sau những ngày mệt mỏi, bận rộn, nhiều lúc như đi trên mây. Ngẫm lại hơn 10 năm gặp gỡ, rất tình cờ trở nên quen thân và gắn bó với tác giả Hoa Địa Ngục, tôi ngỡ ngàng tự hỏi về cái cơ duyên kỳ diệu ấy. Tôi biết, trong 3 năm ở Pháp và 14 năm ở Mỹ, có dịp chu du khắp nơi, không kể những nhân vật ngoại quốc, anh gặp gỡ và quen biết rất nhiều khuôn mặt lớn trong cộng đồng Việt Nam tị nạn ở hải ngoại. So với phần đông những vị này, trên rất nhiều phương diện, tôi chỉ là một bóng mờ.


Riêng với anh Nguyễn Chí Thiện, về niên tuế, tôi hơn anh 7 tuổi. Nhưng về nhân cách, kiến văn, kinh nghiệm sống, nhất là ý chí kiên cường, sắt đá của một con người trọn đời tranh đấu cho công bằng, lẽ phải –bằng mồ hôi, máu và nước mắt của mình–, anh vượt trước và trên tôi thật xa. Trong chỗ riêng tư cũng như khi cùng nhau trao đổi giữa bạn bè hay trong những cuộc hội luận trên radio, trên truyền hình, trên Paltalk, hơn một lần, tôi đã minh nhiên nói lên điều này, với anh cũng như với nhiều người. Nhưng không hiểu sao, người thơ và là cựu tù nhân kiệt xuất ấy, người từng được nhà văn Vũ Thư Hiên trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày tuyên xưng là một tù nhân kiên cường, bất khuất không thể bị bẻ gẫy, vẫn tỏ ra luôn tin cậy và quý mến tôi, kể cả những khi tôi nặng lời phê phán về một nhận định, một quan điểm nào đó của anh!


Những năm cuối cùng thế kỷ trước, tôi có dịp gặp anh, cùng nhau trao đổi quan điểm đấu tranh trên các diễn đàn đây đó hoặc qua các làn sóng phát thanh. Vào năm 2001, anh mời tôi, giáo sư Trần Huy Bích đọc và giới thiệu tác phẩm "Hỏa Lò" (do Cành Nam của GS Nguyễn Ngọc Bích và nhà văn Trương Anh Thụy trên DC xuất bản) ở Trung Tâm CGVN Giáo phận Orange. Cũng năm ấy tôi nhờ anh đọc cuốn "Phan Văn Lợi, Người Là Ai?", 4 năm sau –năm 2005- đọc và giới thiệu tác phẩm biên khảo "Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại" ở cả hai miền nam, bắc California, Hoa Kỳ. Trước đó và những năm tháng sau này, cũng do mối liện hệ với tôi, anh nhận đọc những tác phẩm "Phản Tỉnh, Phản Kháng, Thực Hay Hư", "Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp", "Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc" của Minh Võ, các tác phẩm "Hiện Tượng Nguyệt Biều", "Di Sản Mác Xít Tại Việt Nam" của GS Đỗ Mạnh Tri, "Chứng Từ Một Giám Mục" cùa Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cố Giám Mục TGP Hànội, "Một Thời Oan Trái" của nhà văn Phan Lạc Tiếp, "Một Thời Để Nhớ" của Nguyễn Văn Lục…


Khoảng 5, 6 năm trở lại đây, tôi và anh lần hồi đã trở thành đôi bạn gắn bó với nhau như bóng với hình. Chúng tôi có nhau trong những chương trình TH hàng tuần "Nhìn Về Đất Nước” “Những Vấn Đề Của Chúng Ta”. Mấy năm đầu trên các đài SBTN, VHN và hai năm gần đây trên đài địa phương VNA-TV. Chúng tôi cũng hiện diện bên nhau trong hầu hết những sinh hoạt của tạp chí DĐGD, trong những buổi giới thiệu sách, những cuộc hội thảo đó đây hoặc trong những bữa ăn tại tư gia của tôi hoặc bè bạn thân quen, đến nỗi có nhiều người khi thấy tôi đi ra ngoài một mình thường cất tiếng hỏi giọng bông đùa: Một chuyện lạ! Tại sao hôm nay vắng bóng Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện?


Như một định mệnh an bài (riêng với tôi là một ân huệ), trung tuần tháng 8 vừa qua, anh Uyên Thao gửi bản layout Tuyển Tập của tôi để chuyển qua Đài Loan in. Như thói quen mọi khi, tôi gửi luôn cho anh Thiện đọc trước. Nhưng thật bất ngờ. Khoảng hơn một tuần sau tôi nhận được bài viết của anh về TT với lời nhắn là chuyển tiếp cho anh Phạm Phú Minh để nhờ post lên Diễn Đàn Thế Kỷ. Dĩ nhiên là tôi không giấu được niềm vui vì đây là lần đầu tiên anh viết một bài thuộc loại này cho dẫu trong một thập niên qua, anh đọc và giới thiệu hàng chục tác phẩm trong những dịp ra mắt, nhưng hầu hết chỉ được tường thuật tóm tắt trên các báo mà thôi. Tôi coi sự kiện này như một ân huệ vì đây cũng là bài viết cuối cùng trong đời anh.


Trước khi nhập viện khoảng 10 ngày, anh đã được đọc bài viết này trên hai diễn đàn lớn là Diễn Đàn Thế Kỷ và DCV Online. Anh cũng đã đọc bằng giấy trắng mực đen bài viết cuối đời của anh trên DĐGD số tháng 10. Tôi nhớ hôm Thứ Bảy 29-9-2012, sau khi chở chị Thiên Hương, chị Hạnh và phu quân xuống phố Bolsa ăn trưa, tôi ghé vào TS-DĐGD lấy mấy tờ báo tặng các chị và một tờ mang vào bệnh viện cho anh Thiện.


Như đã ước hẹn, trong ngày giới thiệu Tuyển Tập tại TTCGVN Giáo phận Orange được dự liệu vào Chúa Nhật 11-11-2012, anh sẽ là một trong những người đọc và thẩm định giá trị cuốn sách của tôi. Lúc này, tôi muốn nói với anh: tôi không hề nuối tiếc. Bởi vì giống như một định mệnh diệu kỳ, một tháng trước ngày anh nhập viện, anh đã vắt cạn kiệt những suy tư cháy bỏng còn lại của anh để đọc và viết về Tuyển Tập Trần Phong Vũ.


Thưa anh Thiện,


Sau ngày anh giã từ đời sống, trở lại những nơi chốn quen thuộc mà anh và tôi thường có nhau hàng tuần ít nhất một lần, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, xao động.


II.- Những khắc giờ cận kề trong bệnh viện


Tất cả giống như một giấc mơ.


Chiều Thứ Hai 24-9-2012, chúng tôi còn có nhau trong chương trình "Vấn Đề Của Chúng Ta”, sau đó trong quán Phương cùng với hai anh Lưu Trung Khảo, Lê Minh Nguyên. Như mọi khi, sau khi cùng anh em dùng bữa, trên đường về nhà tôi thả anh ở cao ốc đường số 1, nơi anh cư ngụ, lúc 6 giờ 30 chiều, với lời căn dặn: có gì cần anh nhớ gọi tôi. Vậy mà có ai ngờ chưa đầy 36 tiếng đồng hồ sau, anh phải vào cấp cứu trong bệnh viện… để chỉ vỏn vẹn 6 ngày sau đó, vĩnh viễn ra đi!


Sáng sớm hôm Thứ Tư 26-9, anh Nguyễn Công Giân, bào huynh của anh từ Virginia kêu điện thoại cho biết anh nhập viện. Tôi hốt hoảng lái xe vào thăm. Gặp anh, thấy anh tỉnh táo, nói chuyện bình thường, tôi yên tâm đôi chút. Nhưng ngay sau đó, phải nghe lại tâm trạng buồn chán và thái độ buông xuôi của anh, tôi không nén được nỗi buồn. Rồi liên tiếp 5 ngày sau đó, tôi vẫn giành thì giờ đến với anh, ở bên anh. Tôi biết: anh cần tôi và tôi cũng cần anh. Bệnh tình anh khi lên khi xuống. Hai lần ra vào CCU, nơi săn sóc đặc biệt về tim mạch đêm chót trong ICU, nơi dành cho những người bệnh trong cơn nguy cấp. Điều đáng ngại là bình thường anh vốn là người ăn ít. Suốt những ngày trong bệnh viện dường như anh bỏ ăn, thản hoặc nhấm nháp vài thìa thức ăn lỏng rồi từ chối.


Nhớ lại những lúc ngồi chung xe trên đoạn đường dài hoặc trong góc khuất một quán ăn, ngoài những phút chia sẻ, tâm tình với nhau, anh thường bày tỏ thái độ bi quan khi đề cập những bệnh chứng đang mang trong mình. Với bản tính ưa hài hước, trong những lần như vậy tôi thường cười đùa để lái câu chuyện qua hướng khác. Khi nghe anh thổ lộ về chứng lao phổi kinh niên trong thời gian ở tù, về những cơn đau ngực chợt đến trong đêm, tôi thường ngầy ngà, trách cứ anh khi thấy anh vẫn không bỏ thuốc lá. (Bây giờ, khi không còn có nhau trong cuộc đời, nhớ lại, tôi không khỏi trách mình và âm thầm xin anh tha thứ). Trong vài năm sau này tôi thấy anh cắt giảm nhiều, mỗi lần rời xe thường chỉ hút vài hơi, sau đó dụi tàn và cất lại mẩu thuốc còn dở. Câu trả lời quen thuộc của anh: tôi hút ít lắm, hút như một thói quen. Anh nhếch môi cười, nụ cười rất hiếm, nói tiếp: dù là thói quen xấu…, và thường nhả khói chứ không nuốt. Rối anh lảng chuyện.


Anh là người chịu đựng, ít than van. Nhưng vào khoảng 3, 4 tháng trước ngày anh nhập viện, thầy anh có vể gầy hơn, tôi gặng hỏi và nghe anh nói về những lúc khó thở, nhói đau trong lồng ngực, sáng sáng nhiều ngày mở mắt mà như muốn nằm luôn không dậy nổi! Tôi mở tờ Diễn Đàn, ghi số ĐT địa chỉ bác sĩ David Phạm, một chuyên gia về phổi và là con trai một người bạn đồng nghiệp thân thiết, -cựu GS Phạm Quân Hồng-, hối anh lấy hẹn. Sau khi đọc bản tường trình tóm tắt của chuyên viên về kết quả chụp "Cat Scan", anh nói nhỏ với tôi là có dấu hiệu anh bị ung thư phổi. Phần BS Phạm vẫn quả quyết là chưa có gì chắc chắn, anh cám ơn BS và nói: cho dù bị ung thư tôi quyết định sẽ không chữa trị, không làm Chemotherapy hayRadiation. Tôi nói với anh, phải tin bác sĩ, cần thử nghiệm mới đủ dữ kiện để quyết đoán anh có bị ung thư phổi hay không. Anh nhìn sâu vào mắt tôi nói nhỏ: tôi biết mình tôi, tim phổi nát bét rồi… Thoáng chốc đã ngoại bảy mươi, trước sau cũng một lần chết!... Chỉ tiếc không nhìn thấy ngày tàn không xa của cái ác trên quê hương mình!… Tôi lặng người xót xa nghe anh thì thầm.


Tôi nhớ lại một buổi anh cho hay, gần đây tối tối anh thường để ngỏ cửa không khóa. Rút mẩu thuốc dở châm hút, anh ngập ngừng nói tiếp: sợ chết bất ngờ không ai biết… Nhìn dáng cao, gầy, hom hem của bạn, tôi thấy thương anh vô cùng.


Sáng hôm sau (Thứ Năm 27-9) vào bệnh viện, tôi thấy anh có vẻ khoẻ hơn, tuy vẫn còn phải trợ lực bằng ống dưỡng khí. Khoảng 11 giờ trưa, sau khi đọc và ký vào một văn bản chấp nhận những rủi ro khi bác sĩ làm biopsy phổi đã được lên chương trình vào buổi chiều, chờ người y tá cầm xấp giấy ra khỏi phòng, anh nhìn tôi dáng suy nghĩ. Tuồng như bàn tay phải anh nắm chặt tay tôi hơn. Tôi có cảm tưởng anh có điều gì muốn nói riêng với tôi, tôi quay sang chị Hạnh nói: anh chị có thể đi ăn lunch, để tôi coi anh Thiện thay chị. Khi chỉ còn một mình tôi, bỗng dưng anh hỏi: việc rửa tội cần phải được thực hiện khi người bệnh còn tỉnh táo phải không? Tôi sững sờ trước câu hỏi bất ngờ của anh. Tôi lắp bắp: vâng, đúng thế. Anh nối lời mắt vẫn nhìn tôi: Anh có thể tìm một vị Linh mục để rửa tội cho tôi không? Tôi muốn vào đạo.


Trong cái cảm giác choáng váng buồn vui lẫn lộn, tôi nói với anh: được may mắn gần gũi bên anh lại được anh coi là bạn, từ lâu tôi vẫn nghĩ mẫu người như anh, chỉ cần tin nhận Đấng Cứu Thế là anh đã trở thành một Kitô hữu thật sự mà không cần dấu chỉ bề ngoài nào hết. Tôn giáo của "Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" được tóm gọn trong hai vế: Thứ nhất, yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và Thứ hai, yêu thương con người như chính mình. Suốt cuộc đời, anh đã thi hành trọn vẹn vế thứ hai có thể nói là vượt xa cả những người mang ấn tín Công giáo từ thời thơ ấu như tôi. Vì nghĩ như thế cho nên trong suốt bao nhiêu năm gần gũi, tôi chưa hề một lần mời anh vào đạo. Bây giờ chính anh đã mở lời, tôi xin nói: GHCG cho phép bất cứ tín hữu nào đều có thể rửa tội cho người khác trong cơn nguy tử, bất phân tuổi tác. Nếu anh e ngại những rủi ro khi làm biopsy, không cần chờ LM mà chính tôi có thể rửa tội cho anh bây giờ. Điều kiện duy nhất là anh thực tâm tin nhận Đức Giêsu Kitô.


Nhìn sâu vào mắt anh, tôi nói: Nếu anh muốn việc rửa tội chỉ có tôi và anh biết, tôi xin hứa sẽ không bao giờ tiết lộ với ai chuyện này, sống tôi để dạ và chết mang theo. Thêm một lần nữa anh làm tôi sững sờ khi ngắt lời tôi, nói: Không, tôi muốn việc tôi nhập đạo là công khai.


Tôi hỏi anh: trong ba vị Thánh là Phaolô, được gọi là Tồng Đồ của dân ngoại, Tađêô, một Tông đồ khác và là Thánh bổn mạng của cha Nguyễn Văn Lý và Thomas More mà anh đã thấy ảnh treo ở TS-DĐGD là vị Thánh được Đức GM Mai Thanh Lương chọn làm bổn mạng cho tờ báo, anh muốn chọn ai làm bổn mạng của anh? Sau khi nghe tôi nói qua tiểu sử Thomas More trong đời thường là một luật sư từng là biểu tượng của tinh thần bất khuất, trọn đời dấn thân bảo vệ công lý và sự thật, vì thế đã bị cầm tù, cuối cùng bị trảm quyết, anh chọn vị Thánh này.


Cầm ly nước lã vừa xin người y tá trên tay, tôi nói sơ qua về nghị thức rửa tội trong trường hợp khẩn cấp. Tiếp theo, tôi hỏi anh có tin nhận Chúa Giêsu Kitô là đấng cứu thế, là Chúa của loài người và của chính anh không? Anh trả lời: tôi tin và nhận Thánh Thomas More là bổn mạng của tôi. Ngay sau đó tôi đổ nước trên đầu anh, đọc lời Giáo hội dạy: "tôi, Dominic Trần Ngọc Vân rửa tội cho Thomas More Nguyễn Chí Thiện, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần", trong khi tay phải tôi ghi dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng, hai vai và trên ngực anh. Sau đó tôi nói với anh: trong khi chờ Linh mục tới cử hành bí tích Thanh tẩy công khai và xức Dầu Thánh cho anh, lúc thuận tiện anh nên nói cho mấy chị ở đây biết rõ nguyện vọng của anh.


(Tối Chúa Nhật 14-10-2012, lần thứ hai trong hai Chúa Nhật liên tiếp sau khi anh qua đời, tôi được nhóm điều hành chương trình Paltalk của Khối 8406 với sự nối kết của nhiều diễn đàn khác trên thế giới, kể cả VN, mời chia sẻ về những ngày cuối đời của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Như thường lệ cha Phan Văn Lợi được mời lên tiếng về chủ đề và giới thiệu diễn giả. Sau gần một tiếng đồng hồ chia sẻ, từ khắp nơi rất nhiều người đã lên tiếng gợi lại những vần thơ bốc lửa trong Hoa Địa Ngục, những năm tù đầy gian khổ của tác giả, niềm tiếc thương của mọi người trước sự ra đi vĩnh viễn của anh. Điều bất ngờ đem lại cho tôi một niềm vui lớn là sự công khai lên tiếng của chị Hạnh (nick name Tâm Đồng) buổi tối hôm ấy. Là người cùng với phu quân hiện diện từ đầu với tôi bên cạnh anh NCT trong 6 ngày anh nằm bệnh, chị Hạnh làm chứng là anh Thiện từng nói với chị về ý muốn tìm về với đạo Công Giáo. Chị nhắc lại giây phút LM Cao Phương Kỷ cử hành nghị thức rửa tội cho anh Thiện. Những lời anh Thiện trao đổi với LM Kỷ về Giáo lý, về Kinh Thánh mà anh đã học hỏi được từ cha Nguyễn Văn Lý trong thời gian ở tù chung trước sự chứng kiến của chị, chị Thiên Hương –người mới ghé thăm anh Thiện sáng sớm hôm Thứ Sáu 28-9-, ông bà BS Cảo, tôi và một khách lạ chị không biết tên -tức GS Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang-. Xin đọc trích đoạn một Email chị Hạnh gửi tôi một ngày sau đó ở phần cuối bài viết này)


Tiếp theo lần phải chuyển vào CCU vì tim mạch có vấn đề sau khi BS làm biopsychiều Thứ Năm, anh trở lại phòng thường và sức khoẻ có phần khá hơn, mọi người hy vọng anh có thể rời bệnh viện sớm. Vấn đề đặt ra là anh sẽ về đâu? Tôi và BS Cảo đều thấy anh không nên trở lại căn phòng cũ, nơi ra vào khó khăn, lại bị cô lập khiến nhiều tháng trước, ban đêm anh đã phải để ngỏ cửa. Chúng tôi thuyết phục anh về ở với anh chị Cảo. Biết tính anh Thiện không muốn phiền lụy ai, tôi trình bày lợi hại, nhất là với anh Cảo lại là y sĩ có thể theo dõi những biến chuyển về bệnh trạng từng giờ bên anh, nên cuối cùng anh Thiện đồng ý về dưỡng bệnh ở tư gia anh chị Cảo ờ Hungtington Beach, nơi không xa vùng Little Sàigon. Nhưng thật không may, bệnh tình anh trở nên phức tạp hơn và cũng vì thế đáp lại yêu cầu của anh, hôm Thứ Hai 01-10, chúng tôi đã mời Linh mục Cao Phương Kỷ (linh hướng NS/DĐGD tình cờ vừa từ nhà hưu dưỡng Dòng Đức Mẹ Đồng Công ở Missouri qua nam California chữa bệnh. Cha cũng là người quen biết anh Thiện lại cùng đang trị bệnh với BS David Phạm), đến ban phép Thanh tẩy bổ túc và xức dầu cho anh.


Trong những ngày này, chị Hạnh, chị Thiên Hương và tôi đã nghe những lời căn dặn mang âm hưởng những lời trăn trối của anh quy vào mấy điểm chính sau đây:


1.- Anh muốn nguyên bản thi tập viết tay của anh thuộc về tài sản quốc gia. Do đề nghị của tôi, vì hoàn cảnh đất nước, trong khi chờ đợi thực hiện điều này, anh bằng lòng để bào huynh của anh là ông Nguyễn Công Giân giữ tạm, và nếu cần sẽ ký thác vào Thư viện Quốc Hội hoặc trường đại học Yale, nơi đã chuyển ngữ và ấn hành những tác phẩm của anh, để nơi đây bảo quản. 2.- Nếu anh có bề nào, thi thể anh sẽ được hỏa táng, tro cốt do ông Nguyễn Công Giân quyết định. 3.- Tang lễ sẽ do các bạn Công giáo của anh trong tòa soạn Diễn Đàn Giáo Dân, nhóm Gioan Tiền Hô đảm trách với điều kiện sẽ cử hành thật đơn giản. 4.- Anh không muốn bất cứ khuynh hướng chính trị phe phái nào can dự vào tang lễ của anh, cũng như không muốn có sự quyên góp, giúp đỡ nào về tài chánh của bất cứ ai hay tổ chức, đoàn hội nào.


Có một lúc anh nhắc lại với tôi về điều mong mỏi lâu nay của anh là làm sao thiết lập được một quỹ tài chánh trong cộng đồng người Việt hải ngoại để có phương tiện trợ giúp cho các phong trào đấu tranh trong nước, mà trước mắt là yểm trợ những nhà dân chủ đã và đang bị cộng sản cầm tù, bách hại, nhất là thân nhân, gia đình họ. Là người rất tinh tế, dù đang lâm trọng bệnh, khi đề cập chuyện này, anh tỏ ra rất thận trọng khi nhắc lại những vết xe đổ đưa tới hiện tượng mất niềm tin của đồng bào tị nạn trong quá khứ.


III.- Kẻ ở, người đi


Buổi chiều hôm Thứ Hai 01-10, thần thái anh có vẻ linh hoạt hơn thường lệ. Khoảng 7 giờ tối, anh thúc tôi về nghỉ, tôi nắm tay anh và như những buổi chiều trước đó, hẹn gặp lại sáng hôm sau. Không ngờ chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó, anh phải chuyển xuống ICU!


Khoảng hơn 6 giờ sáng Thứ Ba 02-10, điện thoại reo. Bên kia đầu giây chị Hạnh nói với tôi là anh Thiện đang ở vào những giây phút cuối. Chị trao ĐT cho tôi nói chuyện với bác sĩ bên giường anh Thiện với lời căn dặn làm cách nào kéo dài sự sống của anh trong vòng mấy tiếng đồng hồ nữa để chờ bào huynh của anh. Tôi nói lên nguyện vọng chính đáng ấy nhưng BS cho hay: ông không thể làm khác điều người bệnh đã nói với ông bằng Anh ngữ (trước sự hiện diện của tôi và hai chị Hạnh, Thiên Hương) bữa trước là dứt khoát anh không muốn đặt Life Support để kéo dài sự sống thực vật! Tôi hỏi ông: trong vòng 30 hoặc 35 phút nữa liệu tôi có còn gặp bạn tôi không? Ngập ngừng một giây, ông nói, có thể nhưng cũng có thể không kịp… điều này tùy thuộc vào sức sống còn lại của bệnh nhân. Trước khi cúp ĐT, ông chúc tôi may mắn.


Ra xe khoảng 6 giờ 40 buổi sáng hôm ấy, dù không quá kẹt xe như mọi khi, nhưng sau khi ra khỏi nhà chừng hơn nửa giờ tôi được hai chị kêu cho hay: anh Thiện đã trút thở hơi cuối cùng! Tôi nhìn đồng hồ trên xe: 7 giờ 17 phút sáng 02-10-2012! Tôi buồn bã đọc một lời kinh cầu nguyện cho linh hồn Thomas More. Trong đoạn đường chót tới bệnh viện, tôi chỉ kịp báo tin xấu cho một mình Đinh Quang Anh Thái lúc ấy đang ở một nơi xa. Bước tới bên anh, hồn trí tôi rã rời. Gục đầu trên trán anh, tôi khóc ngất như chẵn 40 năm trước tôi khóc anh cả tôi và sáng sớm hôm 20-3-2006 tôi khóc con gái tôi.


Thẫn thờ quay nhìn vào đôi mắt vẫn mở trừng của anh, tôi lại nức lên. Trong lời nguyện cầu cùng Thiên Chúa và cũng với chính anh, tôi van xin anh, nếu linh thiêng để tôi khép mắt anh. Vừa khẩn cầu, tôi đưa bàn tay phải vuốt nhẹ trên đối mắt anh, và như một phép màu, đôi mắt anh khép lại trước sự kinh ngạc của chị Hạnh, chị Thiên Hương và anh Thành, người bạn anh Thiện vừa từ San Jose tới!


Những lời cuối này tôi muốn nói với những bạn bè của tôi:


Những ngày lê la trong bệnh viện, tôi như người sống trong mơ, do đó dường như tôi đã chẳng báo cho ai hay tin anh Thiện nhập viện, nhất là những người rất thân thiết và quý mến anh. Thấy một số khá đông bằng hữu thân sơ ra vào thăm viếng, tôi nghĩ chắc mọi người đã biết rồi. Nhưng sau ngày anh Thiện mất, tôi nhận ra tôi đã mắc một lỗi lầm quan trọng. Và lúc này tôi chỉ còn biết xin lỗi các bạn hữu xa gần mà thôi.


Trần Phong Vũ


___________________________


Trích đoạn Email của chị Hạnh gửi ngày 15-10-2012


Kính nhà văn Trần Phong Vũ

Thực ra thì với tuổi đời của tôi chỉ đáng là con cháu hay học trò của nhà văn, sự hiểu biết còn giới hạn, nhưng tôi cũng xin phép có đôi dòng chia sẻ trước một sự việc cần sáng tỏ hơn để tránh những ngộ nhận tiếp nối. Xưa nay cá nhân tôi có chủ trương nếu mình không làm gì sai trái (theo quan niệm của mình) thì cứ sống an nhiên tự tại; nhưng trước những nghịch cảnh nhìn thấy chung quanh sự ra đi của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện thì với lương tâm của một con người tôi không thể lặng thinh.


Qua những lời ông Vũ ghi trong "thư ngỏ" để phân tách về những nhận xét trong bài viết của Nguyễn Đăng Khoa (tôi chưa có dịp đọc), tôi đã nhận biết đại ý .Cùng ý với ông Vũ trong đoạn chót của lá thư ngỏ cho rằng có thể ông Khoa có "những ngộ nhận không cần thiết" nên tối qua trong giờ hội luận của Khối 8406 trên Paltalk "Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ" tôi đã cầm micro phân tỏ đôi lời để vấn đề được minh bạch hơn. Bỏ qua những chi tiết về việc chăm sóc anh Nguyễn Chí Thiện tại nhà thương, một lần nữa trong email này tôi xác nhận rằng tôi là nhân chứng của ngày anh Thiện nằm ngay giường bệnh nhận lễ từ LM Cao Phương Kỷ để chính thức trở thành một con chiên của Chúa. Thể xác anh Thiện đang héo dần, hơi thở mệt mỏi, buồng phổi đã không còn đủ dưỡng khí, tâm trí tôi chưa thể xóa mờ cái không gian của buổi sáng ấy với thời gian của một vài phút trôi qua. Tôi thấy anh Thiện như bừng lên một sức mạnh gì đó rất mãnh liệt làm tôi bàng hoàng cứ tưởng như anh đang hùng hồn đứng trước số đông người ngoài cộng đồng. Cặp mắt bỗng nhiên sáng rực, anh Nguyễn Chí Thiện nhắc tới LM Nguyễn Văn Lý là vị linh mục mà anh có dịp gần gũi khi ở giai đoạn trong tù và những lời trao đổi giữa đôi bên.


Chứng kiến buổi lễ ngắn ngủi này, ngoài nhà văn Trần Phong Vũ và vợ chồng chúng tôi, còn có vợ chồng bác sĩ Trần Văn Cảo, tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang, chị Lâm Thiên Hương bay qua từ Connecticut…."


Di Hạnh (Tăng-Thái Diana Hạnh)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn