BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giờ Hưu Chiến

14 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1457)
Giờ Hưu Chiến
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32


Hữu lái xe một vòng quanh thành phố. Người, xe cộ lố nhố trong một bể bụi. Từng cụm bụi đất đỏ tung lên sau những chiếc xe. Đường xá lở loét như những bàn chân ghẻ. Những mặt phố tráng nhựa cho các loại xe tải thường đã không chịu nổi các đoàn quân xa hạng nặng của quân đội Hoa Kỳ. Đồ hộp, thuốc lá là màu sắc nổi bật nhất của một thành phố quân đội đồng minh, một thành phố gần với sự chết chóc nhất. Thường quân đội đồng minh tỏ sự giàu sang của mình bằng các vỏ đồ hộp và ruồi bọ. Những ngả đường dẫn vào thành phố được chất đầy những rác, vỏ hộp như những ngọn núi và ruồi bọ sanh sống ở đấy lúc nhúc. Mọi người nháo nhác trên nét mặt, co ro trong chiếc áo của cơn lạnh mùa đông đến chậm. Hữu thấy chán nản. Phố xá như đang có một cơn dịch. Thì ra đâu cũng vậy thôi, chả sung sướng gì. Mình cứ ức là không có dịp về xả xui.

Trang Thanh yêu, tối nay chắc em ngủ yên trong cánh tay của mẹ. Lớn quá rồi mà vẫn còn muốn rúc vào vai mẹ. Tiếng súng, tiếng bom sẽ không còn làm cho em lo sợ cho cái chết bất chợt nào đó, mà bất cứ một người nào có liên hệ đến kẻ đang chiến đấu ngoài mặt trận, thường nghĩ đến.“Anh yêu, cả đêm em không ngủ. Súng nổ nhiều quá, gần quá như ngay trước nhà mình. Em cầu khẩn cho anh cả đêm. Anh biết không, Trang Thanh đánh thức mẹ dậy và lại trước bàn thờ Phật lễ cho anh. Hai mẹ con ngồi nhìn nhau. Có lúc em đã khóc vì nhìn mái tóc của mẹ. Mẹ yếu quá mà anh thì ở xa quá, em con gái làm được gì?” Em yêu, phải cố dỗ cho những giấc ngủ bình thường. Đã mấy chục năm, các phụ nữ của chúng ta đã làm như vậy để cố quên đi một đe dọa bất ngờ nhưng thật tàn khốc.


Hữu ngược xe về phía phi trường. Con đường dẫn ra ngoại ô bốc lên một luồng đất đỏ dài trên không. Còn mười phút nữa người yêu mới về. Mình đậu xe chờ vậy. À, phải giấu cái xe đi và làm cho cô ả thật ngạc nhiên. Thư nào cũng nói nhớ anh mong anh về. Nghĩ vậy, chàng lui xe vào sân một xưởng thợ mộc. Chàng cười xã giao với người thợ sau khi nói ý định gửi xe.


Chàng đến chỗ người lính gác xin lửa châm điếu thuốc. Người lính như một công bộc với quần áo thẳng nếp, giầy dép bóng lộn, một mẫu lính thành phố, lính các nhà quan không phải thứ lính ngoài chiến tuyến một bộ quần áo mặc cả tuần lễ không thay với bùn lầy và nước mưa đã nhào nặn không biết bao nhiêu lần nhưng không có thời giờ để giặt. Rít mấy hơi thuốc liên tiếp, chàng thấy ấm trong buồng phổi. Thủ hai tay trong túi quần, điếu thuốc cắn trên môi, chàng thản nhiên ngắm sinh hoạt của thành phố. Trang Thanh ra kia rồi. Vóc dáng ấy yểu điệu quá. Em yêu, em khóc từng đêm là phải. Một sự yểu điệu ẩn hiện sau tà áo như có vẻ rộng ra. Cô ả biết thế nào được “mình sẽ đi phía sau tán cô ả thử.”

Có tiếng guốc nhẹ ở sau lưng, một lát nghe êm. Cổ chàng lạnh buốt vì một bàn tay chạm vào. Hữu sụt cổ và quay lại. Trang Thanh thì thầm:

- Anh mới về hả?

Hữu mỉm cười. Mắt người con gái rạng rỡ, thật đẹp. Phải, anh mới về. Mong mỏi quá phải không em?

- Trang Thanh xinh nhỉ?

Giọng nàng hờn trách:

- Anh ác. Nhìn kiểu đứng của anh em biết ngay. Sao không vào cho em biết. Định hành tội cho em khóc đó phải không? Khóc hết nước mắt rồi chứ bộ. Hữu vỗ về:

- Anh muốn em ngạc nhiên vậy thôi. Ai lại ác với em. Từ bao nguy nan, anh về được đây chắc em đã hiểu.

- Không cãi với anh nữa, anh ngụy biện lắm. Có anh về là được rồi. Em sẽ nhõng nhẽo cho anh biết tay. Lắm lúc mẹ phải gắt em cả ngày chỉ “con lo cho anh ấy quá”. Nghĩ tức mẹ ghê vậy đó. Có bữa mẹ không hưởng ứng khi nghe nói mãi về anh, em hờn mẹ không ăn cơm, làm mẹ lại phải dỗ. Thật tội, me chìu em đủ điều. Anh biết không mẹ bảo em hay hờn mát là tại ăn phải đũa của anh đó.Anh có hay hờn không anh. Mẹ đe hôm nào anh về, mẹ đánh đòn cả hai đứa. Nghe mẹ nói em thấy thích thích anh ạ. Giá giờ cả hai đều nằm xuống cho mẹ đánh nhỉ. Anh có chịu không?




- Về nhà rồi hãy tâm sự cô. Làm gì mà choi choi như con bê đòi bú mẹ thế kia. Ngó kìa, mấy cô bạn em họ đang cười đó.

Trang Thanh quay nhìn mấy người bạn. Nàng cười thật tươi, vẫy tay tỏ sự thông cảm.

- Kệ họ. Em phải nói để bù lại những ngày ngậm cóc chứ.

- Được rồi, anh sẽ cố gắng nghe hết. Lần này những bảy ngày lận, chỉ sợ máy nói hết chuyện thôi.

Trang Thanh reo như một đứa trẻ, khuôn mặt nàng bừng sáng. Gió làm những lọn tóc nàng bay phất phơ che nửa vầng trán. Mình sẽ không bao giờ làm cho niềm vui ấy được trọn vẹn. Em yêu, có những điều không bao giờ chúng ta muốn nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận.

- Bảy ngày cơ à? Vui nhỉ. Rồi anh sẽ được chim của anh hót cả ngày cho mà nghe, không bao giờ hết chuyện đâu.

- Được rồi. Giờ mời cô về. Cứ làm như còn bé lắm ấy.

Trang Thanh vênh mặt, nhí nhảnh:

- Bộ em lớn lắm hả? Hữu cười:

- Phải. Cô lớn lắm rồi chứ còn như ngày nào ở truồng lê la nghịch đất nữa đâu. Đã đi làm được này, lại sắp sửa lấy chồng nữa. Nếu bé thì làm sao nội trợ nổi, nhất là săn sóc cho lính hơi khó đấy.

- Anh chỉ được châm chọc là tài. Em không thèm nói nữa cho anh biết tay. Cứ bắt nạt người ta hoài.

Hai người ra xe. Người con gái phụng phịu một cách đáng yêu, trẻ thơ nhưng cũng thật tình tứ. Xe chạy một quãng, Hữu quay sang bạn hỏi:

- Bé giở chứng đó hả?

Trang Thanh làm nghiêm. Hai mắt đăm đăm, nhìn thẳng như đang chú ý một việc gì, không nghe tiếng hỏi của chàng. Hữu thấy vui vui đã làm cho người tình giận. Con gái đẹp nhất khi hờn dỗi. Em yêu, cứ giả vờ đi. Giữa chúng ta phải có một kẻ lép vế chứ. Một lúc chàng bảo, thật nghiêm:




- Sáng mai anh đi vậy.

Mắt người con gái chớp chớp, quay lại chàng. Nước mắt chạy quanh, long lanh:

- Anh làm khổ em.

Hữu giảng hòa:

- Ai bảo hỏi không nói. Trang Thanh ngúng nguẩy:

- Anh cứ chèn ép em mãi, chịu sao nổi. Anh chả thương em thì thôi. Em phải mách mẹ để mẹ trị anh mới được.

Thấy người ta bé cứ ăn hiếp.

- Thôi! Xin lỗi. Được chưa! Cô đa sự.

- Được.

Chiếc xe chồm qua một vũng nước, lắc lư. Chàng vẫn có cái thú cho xe chạy tốc độ dù đường xấu. Gió tung từng cụm tóc, lòa xòa mặt người con gái.

- Chạy chậm anh. Em lạnh. Run đây này.



Qua ngã tư quốc lộ, kẹt đoàn quân xa. Từng xe đầy nhóc lính và súng ống, lem luốc như nhúng từ những vũng bùn lên. Chiếc xe như một con trâu lăn nhẩy chồm trên những chỗ đường lở lói như điên cuồng, làm những rác giấy và bụi cát tung mù mịt. Thành phố như một bãi rác. Những tiếng la hét, chọc ghẹo của những người lính ném từ trên xe xuống. Từng bọn vừa hát, vừa hưởng ứng. Trang Thanh nhìn họ, thấy vừa vui vừa buồn. Nàng làm lành:

- Ngày trước nhìn xe lính chạy qua phố em ghét thậm tệ. Có nhiều cha khả ố lắm anh ơi. Họ nói nhiều câu thô tục không thể chịu nổi. Ngôn ngữ của lính các anh thật ghê.

- Bây giờ hết ghét rồi hả?

- Hết ghét mà lại thương nữa chứ.

- Sao vậy?

- Ai mà biết. Anh thử hỏi anh xem. Thứ con trai gì đâu thấy gái là lăn vào như lân nghe pháo.

Hữu giải thích:


- Có thể em khắt khe với họ. Không phải trong số đó có anh mà anh bênh vực đâu. Cô đa sự lại cho là anh ngụy biện. Em biết không, cả tháng hành quân, mệt mỏi, đói khát, chết chóc, không hề có một bóng đàn bà dù cho là như mai em đi nữa, khi trở về nhìn lại thành phố thấy xa lạ với mình quá, thấy mình bị hy sinh nhiều quá trong khi mọi người vẫn nhởn nhơ với những cái đau khổ thường trực của họ và họ biểu lộ. Dù biểu tỏ lòng cách nào đi nữa thì cũng chân thật cả. Ngay cả chính anh, sau những lần phá phách mà không ân hận. Các anh đã đánh mất những ăn năn cần thiết.


Trang Thanh bĩu môi:

- Phải anh không ngụy biện. Cứ làm như chỉ các anh chiến đấu đều gian khổ thôi. Nào cả tháng thèm đàn bà, đói khát… để bênh vực cho mình.

Hữu thấy cần phải im lặng. Chàng biết người yêu không có ý trách. Một hình thức của biểu lộ tình cảm là nói lên những cái xấu của người yêu mình. Thái độ tố cáo nhưng che đậy. Thật ra chàng không muốn bi thảm cuộc chiến đấu này. Nhưng sự thật đã diễn ra. Từng phút, từng ngày lớp lớp thanh niên ngã xuống, không lý do, không hận thù. Cái đau xót của chúng ta đã chết đi không cho một hận thù nào cả. Có thể một người anh giết một đứa em, một người cha giết một người con, một người chồng giết một người vợ. Cái chết không hình thái, không đắn đo, không từ chối, không phân biệt. Một viên đạn bắn đi, một khối chất nổ ném ra giữa những ràng buộc vây quanh, sự chết nằm xuống. Cái của chúng ta khởi lên từ đó. Trang Thanh yêu, anh không phê phán nhưng anh muốn bày tỏ những ý nghĩ thật của lòng mình. Những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, bão táp, cát bụi mà từng đoàn xe đã mang về những nỗi vui mừng của người mẹ của người vợ và cũng mang đi những nỗi lo âu, cắn xé…

Đoàn xe mang một nỗi kinh ngạc cho thành phố trong giây lát rồi sinh hoạt lại đâu vào đấy. Những tiếng nổ ầm nào đó, vây quanh họ từng ngày từng đêm như một âm thanh cần thiết và họ đã quen tai. Chiến tranh không còn là hình ảnh của chết chóc và súng đạn nữa. Nó thản nhiên, chợt đến, chợt đi. Ngó thấy thì nghĩ đến, khuất mắt thì quên đi những tiếng nổ từng đêm nếu bặt tiếng người ta mới hiểu là nó đang nằm yên tĩnh.




Những vật dụng từ trên xe cam-nhông ném xuống chọc phá những kẻ đi đường, kèm theo những tiếng hò hét thô tục, mới ngó chàng nghĩ là mất dạy nhưng Hữu thấy như thoải mái, một nỗi ấm ức trong lòng chàng như cũng được bày tỏ. Đám người ngơ ngác giơ tay vẫy chào nửa rụt rè nửa sợ sệt.

- Anh, sao lại chạy lên? Hữu bớt ga, vào số rồi bảo:

- Qua bên cầu. Anh có hẹn. Mấy anh bạn chờ cả bên đó rồi. Anh mới gặp họ, mừng quá. Mai, anh Nguyễn vào Thủ Đức. Một bữa nhậu diễn hành. Đừng cho là khôi hài. Trang Thanh giãy nảy:

- Chờ cơm mẹ chửi chết. Hay anh tạt ngang về nhà cho mẹ biết đã.

- Yên chí, anh đã xin mẹ rồi.

- Anh kỳ ghê. Mẹ sẽ buồn đấy. Vừa về là có bạn bè liền.

- Anh biết. Em đừng khắt khe quá họ sẽ cười tụi mình. Anh hiểu bạn bè không lo cho anh bằng em bằng mẹ, nhưng anh không thể thiếu họ.

Người con gái hờn mát:

- Mấy ông bạn anh cũng tinh nhỉ? Bắt mạch giỏi nhỉ? Hữu cười:

- Đừng có nói khích anh.

- Ai dám. Để anh dỗi anh bỏ đi à. Hữu đùa:

- Ấy không phải dỗi đâu. Thật đấy chứ.

- Không nói anh nữa. Đi thì chờ về thấy mặt là trêu cho người ta giận.

Hữu thấy vui. Em yêu cứ làm nũng đi để bù lại những đêm nhung nhớ, “lấy chồng lính thật khổ. Lo sợ từng đêm.” Anh biết điều đó. Trên quê hương chúng ta, không một mình Trang Thanh khổ vì có chồng lính. Em biết không, có người chỉ ăn ở với nhau từ ngày cưới vỏn vẹn có 10 ngày phép rồi người chồng ra đi biền biệt tại một tiền đồn hẻo lánh nào, một năm hai năm chưa được phép về một lần, có người đã vội vàng mang một vành khăn trắng vì người chồng sau những giờ phút chiến đấu tuy can trường nhưng bất lực. Anh còn biết người cha ba năm chưa được nhìn mặt con kể từ khi nó ra chào đời, và cũng có người cha kém may mắn hơn chả bao giờ còn được nhìn giọt máu thân yêu của mình nữa. Anh còn thấy, một buổi sáng sau hôm đơn vị hành quân về, từng nét mặt thảm não của người mẹ già, nét mặt ngây thơ “sầu của người vợ trẻ, cùng nét mặt ngây thơ của các con dại, bao quanh những cỗ quan tài, kẻ vật vã khóc lóc, người kêu gào chửi bới”.






Nhìn các chiến hữu của mình gục ngã đã là điều đau xót, nhưng phải nhìn các người thân yêu của họ ở trong cảnh ấy, anh dù có vững lòng mấy cũng không khỏi xúc động. Thà mình chết đi, nhiều lúc anh nghĩ thế để cho đứa con duy nhất của người mẹ già, người chồng thân yêu của cô vợ trẻ được sống còn hơn phải nhìn họ khóc lóc kêu gào như thế. Trang Thanh biết không, anh vẫn tự nghĩ, cuộc chiến này đã cướp đi bao nhiêu nguồn hy vọng, thì thân xác anh còn lại đây, là điều may mắn rồi; cũng là một đãi ngộ còn lại của Trời Phật. Hãy cầu nguyện cho anh và hãy vững tâm nếu một ngày nào đó…

Sơn Kim ngày …tháng … Trang Thanh yêu dấu!

Mấy ngày nay lạnh ghê em nhỉ. Cái lạnh của miền núi anh không thể nào tả nổi, nó như nứt từng mảnh thịt ra. Ban đêm, anh tính cho em nghe nhé: một áo lót, một áo lính, một áo len của em đan, hai cái mền, một cái đắp, một cái trải, anh vẫn không tài nào ngủ nổi. Cũng trong lúc đó, các chiến hữu của anh, súng ống trong tay, thu mình trong chiếc Poncho đang rình chờ kẻ thù từ những hố cá nhân, từ những hàng thép gai, trong cái giao thông hào. Một bóng đen vô hình nào đó sẽ xuất hiện cướp giựt sự sống của họ. Đời lính thú thật là tẻ nhạt. Sáng mở mắt đã bị bưng bít bởi lớp sương mù dày đặc, mãi gần trưa mới le lói chút ánh sáng mặt trời và khoảng bốn năm giờ chiều đồi núi đã âm u.






Nằm đây, anh mới thấy thấm thía những tách café với bạn bè. Thanh là gái nên không bao giờ hiểu hết bọn anh. Có lúc tụi anh chả có gì phải nói với nhau, nhưng nhất định phải tìm gặp nhau cho đã, quanh những ly café và chả có chuyện gì ngoài những lời đấu láo. Chính những lúc đó anh lại thấy vui, thấy mình thật vô tư. Như những tên đô vật, sau khi đã thi thố hết sức lực, chỉ còn giữ miếng trong sự dưỡng sức, phải không em. Giờ này nếu ở dưới đó, chắc Trang Thanh lại bực vì mấy ông bạn tới lôi anh đi. Nếu cô bé sợ lạnh không dám đi thì anh sẽ đi một mình vậy. Chả sao. Nhưng anh biết cô không dám để anh đi một mình đâu. Tụi bạn em vẫn gọi đùa “cái rờ-mọt của anh” mà.

Em yêu dấu,

Hai tháng xa nhau rồi phải không. Ở đây nếu anh ngồi đếm từng ngày chắc anh phải tự tử mất hoặc làm một cái gì khác. Tuần trước một người bạn của anh bỏ mình. Một cái huy chương đã được tưởng thưởng, nhưng thân nhân kẻ xấu số nhận được gì trong những vinh dự ấy? Anh có nên kể cho Thanh Trang nghe không nhỉ. Một sự thật rất phũ phàng và cũng rất là tủi nhục. Trong cuộc chiến của chúng ta anh tin còn không biết bao nhiêu trường hợp như thế. Một người nằm chờ chết với vết thương của mình, không một chiến hữu săn sóc, không một miếng băng cầm máu. Trong sự chống chỏi với tử thần, người bạn anh đã cố gắng với tất cả sức tàn của mình với một hy vọng thật mong manh đã không bao giờ đến, giữ cho máu đừng chảy.

Chuyện khởi đầu như thế này, L đại đội trưởng của tiểu đoàn anh. Trang Thanh yêu, ngay khi viết những hàng chữ này, anh nghe cổ họng mình như có một sự uất nghẹn, như môt cục đá mắc trong thực quản. Một bàn tay, phải, bàn tay ấy với một mảnh sọ, ôm lấy cái đầu, bất động. Chín giờ tối lệnh tiểu đoàn cho đại đội L đột kích và chiếm giữ một ngọn đồi cách đơn vị khoảng một cây số ngàn. Bằng mọi cách và bằng mọi giá phải trấn được ngọn đồi vì hôm sau một phái đoàn ủy lạo chiến sĩ đến. Nếu địch quân còn kiểm soát ngọn đồi đơn vị anh sẽ nhận những quả đạn pháo kích bất cứ lúc nào. Ở đây pháo kích của ta và của địch như cơm bữa. Từng thước đất ở đây và từng thước đất trên đó, đạn và bom đã cày nát từng đêm. Suốt đêm, tụi anh ăn ngủ trong những đường hầm mù tối. Ngay cả khi nấu cơm cũng phải ngụy trang cho khói khỏi bốc lên. Địch sẽ rót đạn vào những nơi trú ẩn quá lộ liễu rất chính xác. Thành ra cả ngọn đồi, toàn là những ụ đất và hố trú ẩn. Chỗ nào địch cũng có thể ghi là lều trại nhưng thật ra địch không hề biết chính xác. Nếu kiểm soát được ngọn đồi mới có sự an ninh cho phái đoàn. Hai đại đội được tung ra trong số có L.




Em yêu, cùng với lúc xuất quân, một phi vụ oanh tạc đã làm cỏ ngọn đồi. Từng đợt mưa bom trút xuống, đứng ở xa ngó như một biển lửa. Mục tiêu đã được san bằng. Nhưng Trang Thanh ạ, ngọn đồi nham hiểm kia không hề chịu khuất phục dưới những trận bom bão táp. Các địa đạo, các hầm hố đã làm cho L thất bại, kẻ thù, từ những nơi an toàn đó đã đón tiếp L hết sức quyết liệt, hết sức tàn khốc. Như một mụn ngứa, bom đạn không chế ngự được ngọn đồi, chỉ làm xây xát mảnh da. Sự chết từ những ung nhọt ấy thoát ra chận đứng sự xâm nhập của cánh quân L. Mười một giờ, máy truyền tin báo cáo địch đã tung toàn lực vào hai đại đội đột kích. Từ trong các hầm hố, địch đã nhắm bạn hữu L như những tấm bia rất chính xác, rất tài tình. L báo cáo xin yểm trợ hoặc cho lệnh rút. Phi pháo bất lực, bạn và địch đã cận chiến.

Từng người, từng người ngã xuống, từng viên đạn bắn ra, đạn trong không gian những vệt lửa chi chít, L đã thua cuộc. Hai đại đội tán loạn không còn ai điều khiển nổi. Như một cơn hồng thủy, như một trận động đất, bạn hữu của L đã chìm xuống đó.

Trang Thanh yêu dấu,


Chiều hôm sau quân nhẩy dù mới kiểm soát được ngọn đồi. Vẫn bi thảm, đêm trước tái diễn. Từng lớp người lại ngã xuống, từng lớp khác lại xông lên. Một giá thật đắt đã được trả, khi xác L được chở về đơn vị để chờ máy bay đem tử thi về, anh mới hiểu L. Chàng chết vì kiệt sức. L bị một viên đạn làm bể một miếng sọ nhỏ bằng mặt chiếc đồng hồ đeo tay. Một cánh tay trái chàng đã bị tiện sát bả vai, văng đâu mất. Trang Thanh ạ, phải nhìn vào đó em mới hiểu thế nào sự chết và sự sống. Giữa chết và sống L đã làm một cuộc vật lộn. Hai mắt chàng mở lớn, trừng trừng như ức một điều gì không thể nào nhắm mắt được. Không thể nào không uất nghẹn, L chết vì hết máu, vì không được đồng bạn tiếp cứu kịp thời. Sự chết khỏi ở kẻ thù, nhưng sự sống mất đi kết thúc do các chiến hữu của chàng. Mảnh sọ văng ra L đã tìm được. Trông năm ngón tay, chàng đắp cái tan vỡ ấy vào chỗ mất đi trên đầu chàng. Một hy vọng dù mong manh, cầm cho máu khỏi chảy để chờ quân tiếp viện. Lúc gỡ bàn tay L ra, anh không tài nào gỡ nổi. Tất cả gân lực chàng đã dồn vào năm đầu ngón tay, như một cái kìm cho đến tàn lực với một mảnh sọ. Bàn tay khum lại, giữ miếng sọ, úp vào gáy chàng. L đã nằm và ôm như thế cho đến lúc không còn giọt máu nào trong cơ thể.


Trang Thanh yêu dấu,

Không bao giờ anh quên được bàn tay và đôi mắt ấy. Nó như một ám ảnh thường trực, như một một tảng đá, lù lù trước mặt anh khi anh bước đi, nếu nhắm mắt mà tiến lên, chắc chắn phải đập cái trán mình vào đó mà nếu mở mắt (một hình thức của chấp nhận) nhìn thì không thể nào vượt qua nổi. Cuộc chiến của chúng ta là vậy.Trước một vực thẳm và tự sát. Đường nào thì anh cũng không muốn, lối giải quyết nào cũng không tốt đẹp, cũng đổ vỡ. Từng giờ, anh biết từng nguồn hy vọng của chúng ta biến đi. Trang Thanh hiểu anh không? Từ những trái bom, từ những mảnh đạn, cái chết tiềm ẩn trong đó, rình chờ, rất bất ngờ và cũng rất êm ái. Dù một ảo tưởng để đạt đến một chiến thắng vinh quang, chúng ta cùng gặp nhau ở một điểm, sự chết. Đúng không các người anh em ruột thịt của cả hai mảnh đất quê hương. Anh hiểu những kẻ ra đi, dù ở những nơi xa xôi nào tìm đến đều biết như vậy. Bàn tay của L từng móng vuốt ôm lấy thịt da chúng ta, ngắc ngoải.




Em yêu. Vũ khí vô tội nhưng chúng ta có tội. Đáng ra quê hương này, đồi núi này phải là những đất đai êm ái cho cuộc sống của chúng ta. Từng làng xóm thân yêu, từng ruộng nương nuôi sống chúng ta đã chối bỏ. Trong một cuộc hành quân khác, anh khai một hầm trú ẩn và đã gặp ba người thanh niên, hai thiếu nữ với những vũ khí. Tất cả đều còn trẻ, thật trẻ, trên dưới hai mươi tuổi trời. Năm người ấy chung nhau một căn hầm chừng hai thước vuông. Họ đã vĩnh viễn ở lại trong đó, với đất của chính quê hương mình? Một trái phá được đặt giữa những người ngồi, đứng vây quanh. Tất cả họ đã tự sát. Hai thiếu nữ nửa phần dưới thân thể đã bị lột trần truồng, nửa phần trên được che bằng một mảnh yếm vải xanh. Tự nhiên, anh hiểu ngay họ là người đồng bào miền Bắc, có thể cùng làng xã chúng ta, họ hàng chúng ta, biết đâu, hai thể xác ấy không mang một tấm thông hành quê ở Hà Đông hay Phủ Lý. Đọc đến đây chắc em nghĩ ngay đến một cảnh tượng dâm ô nào đó trên phim ảnh, một cuộc hãm hiếp chẳng hạn. Không phải chuyện giản dị như vậy. Hai thiếu nữ, có thể với bản năng sinh tồn nào đó, họ đã muốn sống, đã muốn thoát lên khỏi miệng hầm theo lời dọa nạt và kêu gọi của bọn anh vẫn làm khi tìm ra một căn hầm bí mật. Nhưng ba người thanh niên chắc không muốn thế. Chắc họ muốn tụi anh lầm tưởng gian hầm đã được bỏ hoang và dưới đó chả có một chiến công nào đó với tụi anh. Họ đã cưỡng bức hai thiếu nữ ở lại với họ để giấu kín sự bí mật. Tính e thẹn của phụ nữ đã được dùng đến, hai mảnh quần đã được lột ra bằng vũ lực để hai thiếu nữ không còn tính chuyện đến trước một đám đông bọn anh mà họ đã từng được tuyên truyền là tàn bạo và dâm ô. Họ đã ở lại với các chiến hữu của họ cho sự bí mật được an toàn.

Trang Thanh yêu dấu,

Một trái khói cay được liệng xuống, rồi hai ba trái khói liên tiếp mù mịt cả miệng hầm. Thật lâu, anh chưa nhận được một hiệu quả nhỏ nào của những hơi cay, có người chui ra chẳng hạn. Rồi một tiếng nổ từ dưới hầm vọng lên, tiếng nổ thật ngọt tan loãng trong những tiếng súng của quân bạn. Trang Thanh hiểu chứ. Cuộc chiến của chúng ta rất nhiều hình thái, rất nhiều bất ngờ. Sao cái chết lại không xảy ra trong một lũy tre làng nào đó, một cái chết bệnh tật, một cái chết già yếu, có cha mẹ anh em, có bà con làng xóm, một cái chết được khóc than, đưa tiễn, cái chết để lại cho người còn sống một hình tướng như nấm đất an ủi biết bao nhiêu. Nhưng cái chết đã diễn ra ở một làng xóm xa xôi, ở một núi đồi heo hút, trong rừng thẳm âm u, trong một căn phòng chật hẹp, như một định ước, cùng bước tới, cùng gặp mặt và cũng mãn nguyện.




Trang Thanh yêu dấu,

Cái chết mang cho người mẹ buồn rầu, người vợ khổ đau, đứa con thiếu thốn. Từng đêm Trang Thanh khóc à. Khóc có được gì đâu? Súng đó, đạn đó vẫn nhắm bắn từng phút từng viên. Đã hàng ngàn hàng vạn người khóc, nhưng cái gì đã mang lại, cái gì đã mất đi? Trước chúng ta đã có những người nằm xuống cho một lý tưởng nào, chúng ta đang đợi chờ cho một danh nghĩa nào và sau chúng ta lớp lớp sẽ nằm xuống cho một hận thù nào? Em yêu, giữa quê hương và tình đồng bào không có hận thù. Chúng ta chết đi không lý do.

Em yêu. Có những điều em không bao giờ hiểu nổi chính anh, người mang danh là đang tham dự cuộc chiến này, cũng không hiểu nổi. Chiến tranh thật là kỳ cục và cũng thật là ngu muội. Như một con vật điên khùng nó lăn xả vào bất cứ vật gì, không đắn đo suy xét. Nó làm những điều người ta muốn tránh nghĩa là nó đi ngược lại tất cả. Trong một cuộc càn quét, nhà cửa được phá hỏng bằng lửa đỏ. Lửa bao quanh xóm làng mù mịt. Đến trước một căn nhà có bàn thờ Phật, người lính lưỡng lự. Phải kiếm một ngôi chùa nào đó để pho tượng vào rồi mới được đốt, anh bảo thế. Để bảo toàn tính mệnh, một sợi dây được cột vào cổ pho tượng. Lạy Phật, điều xúc phạm chúng con không bao giờ muốn, nhưng phải có phương cách an toàn. Tìm một chỗ nấp, người lính kéo sợi dây, pho tượng được nâng bổng lên, đu đưa như một món hàng mà thường ngày chúng ta vẫn thấy nó treo lủng lẳng trên sợi dây của cần trục ở bến tàu. Không có tiếng nổ. Anh thở phào nhẹ nhõm. Lạy đấng Từ Phụ, xin tha tội cho chúng sinh. Em biết không, ngay sau khi pho tượng được mang đi, căn nhà bùng lên như một ngọn đuốc. Nếu mẹ đọc những dòng này mẹ sẽ ghét anh lắm phải không em? Anh cũng chả biết nói sao. Có điều, khi pho tượng được mang xuống, anh nhớ mẹ vô cùng. Có thể nói giờ đó, bên quyển kinh, cái mõ, trước bàn thờ khói nhang nghi ngút, thật tôn nghiêm, mẹ đang cầu Trời Phật cho đứa con đang xông pha ngoài mặt trận. Lá thư trước gửi cho anh, em bảo: “Từ ngày anh lên tiền đồn, em bỗng trở thành người ngoan đạo một cách thành khẩn. Tối nào em cũng cùng mẹ làm lễ cầu an cho anh. Mẹ bảo, con trai của mẹ vất vả và nguy hiểm quá, phải lễ bái luôn cho nó thì mới tai qua nạn khỏi (Mẹ vẫn gọi anh là con trai đó. Sướng chưa!) Có lúc, hình như nhớ đến Ba, mẹ khóc và em cũng khóc. Đàn bà dễ khóc nhất phải không anh? Làm đàn bà con gái khổ quá anh ơi. Mẹ đã khóc cho Ba không biết bao nhiêu lần. Lạy Phật, em yếu đuối quá.”




Trang Thanh yêu dấu,

Chúng ta đã khóc một lần khi từ bỏ quê hương ra đi. Anh biết nỗi xót xa ấy chưa vơi trong lòng mẹ, nó như một nhắc nhở, khắc khoải trong tâm can tuổi già. Thật tội cho mẹ. Đáng ra với tuổi mẹ một lũy tre làng, một phiên chợ, sẽ ấm cúng biết mấy. Cái tuổi gần đất xa trời luôn luôn nghĩ về cội rễ. Anh hiểu tại sao mẹ lại thương anh.

Em yêu, tất cả niềm tin của chúng ta đã mất, chẳng còn gì ngay cả phần đất còn lại trên quê hương này. Nếu một lần nào đó theo đoàn tiếp tế em lên đây, em sẽ nại lý do là em chịu vất vả được miễn là ở bên anh. Không phải giản dị như thế. Đúng ra có những điều mà đàn bà con gái không bao giờ nên nhìn và nghe thấy. Cứ giả dụ có em lên đây, anh sẽ cho em biết đâu là đất đai, làng xóm của đồng bào mình. Có những cánh đồng chỉ một màu xanh của cỏ, nham nhở những hố bom và đạn, không một dãy khoai, không một hạt đậu, không một cây lúa. Có những cánh đồng em sẽ đi cả buổi không gặp một cọng ngũ cốc. Anh không nói thêm. Ruộng đồng hoang vu, không có người cầy cấy. Làng xóm không có người, không một lửa khói từ những mái nhà còn lại. Từng bờ tre, từng túp lều xơ xác sau những cơn mưa bom đạn. Có những thôn làng khi hành quân qua anh chỉ thấy toàn những ông bà già cả và trẻ thơ. Không có bóng dáng của phụ nữ, thanh niên. Em hiểu họ đã đi đâu chứ. Đoàn quân như không đối thủ trước những đối tượng đầu tóc bạc phơ và trẻ con vô tội, nhưng chính sự chết đã nằm sẵn trong đó khi đoàn quân vượt qua. Cái nguy hiểm của cuộc chiến chúng ta là không tìm ra đối thủ. Có thể địch ở trước mặt, ở sau lưng, từ dưới lòng đất mà chúng ta không thấy, nhưng sự chết thì rình chờ.




Từ những làng xóm hẻo lánh nào đó trên quê hương này, từ những đất đai xa xôi trên những phần khác, chúng đã đến cả đây, mảnh đất còn lại này, để đổi lấy một điều gì. Ai hiểu không? Một mảnh đất đã chia hai, núi sông đã đau xót, nhỏ lệ, còn lại gì mà ghét nhau nữa, phải không em. Đừng ai nghĩ anh có tinh thần chủ bại. Mọi hình thức gán ghép chỉ là mồm mép và ngụy tín. Không đem lại gì cho phần đất của tổ tiên này.

Trang Thanh yêu dấu.

Tết này gửi gì lên cho anh đấy. Một ký mứt, một gói hạt dưa, một hũ hành, những thứ đó hồi còn nhỏ chúng mình rất nô nức thèm muốn trong những ngày cuối cùng của năm. Giờ đã xa cả rồi. Anh phải ngưng đây, em yêu. Lệnh hành quân của tiểu đoàn vừa đưa xuống. Viết một lá thư cũng dở dang, em sẽ nghĩ thế. Đừng trách anh Trang Thanh ạ, lịnh là vậy. Có những lúc vừa ăn, vừa đi vừa ngủ vừa lê suối trèo đèo, thì ngồi viết được một lá thư, dù dở dang cũng là điều đáng quí. Em sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của ba-lô, súng đạn, cơm nắm và thuốc muỗi. Kia rồi, đoàn trực thăng chuyển quân đã tìm bãi đáp do những trái khói màu. Lần này hành quân xa. Mục tiêu, đồi A.T, một ngọn đồi máu, lửa mà trước đây một tháng anh đã tham dự ở một cánh quân tiếp viện. Anh em chúng ta, ruột thịt chúng ta, đã nằm xuống, ở đó, từng lớp, từng lớp. Anh ngừng nghe. Cho anh gửi lời thăm mẹ.





***


Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày… Em yêu dấu,

Em ngạc nhiên lắm phải không khi nhận ra kbc của ngoài phong thư: Phải, đúng là kbc 4600, nơi đã hơn một lần em đến đó với những giỏ cam, những lời an ủi, dù lần đó tiếng là nằm bệnh viện nhưng anh chỉ bị thương xoàng ở tay. Một mảnh đạn của một trái phá găm vào trong buổi thực tập. Một số bạn anh đã chết cho một chuyện rủi ro. Anh đã nghe sái lòng ngay từ ngày ấy. Trang Thanh lại an ủi anh: “Ở quân trường mình bị xui rồi, ra đơn vị chỉ gặp may thôi”. Anh mang lời an ủi ấy trên khắp các mặt trận từ rừng núi cao nguyên xuống đồng bằng ven biển, ở đâu anh cũng gặp may thật. Rất nhiều lần tử thần chỉ chờ anh trong gang tấc nhưng anh đã qua khỏi và anh vững tin cho đến bây giờ thì …

Em có hiểu gì không? Có nhận được lá thư thật dài anh viết chưa có đoạn cuối không? Lá thư đang viết dở dang thì có lệnh hành quân trực thăng vận ấy? Đấy, chính lá thư ấy nên hôm nay Trang Thanh lại thêm những dòng này từ cái kbc mà anh nhớ em đã đùa bảo, không muốn nhận thư từ nơi ấy nữa, nó xui lắm. Chả biết có thật là nó xui hay không? Em cứ bình tĩnh mà đọc nhé: không có gì bi đát lắm đâu. Anh vẫn còn có thể cầm bút viết được những dòng chữ này, thì còn là điều may mắn. Em phải nghĩ như thế. Từng ngày trên mảnh đất thân yêu này biết bao nhiêu người vĩnh viễn không thấy mặt nhau, anh dù có phải nằm đây, với một thương tích nào đó trên mình, trên tay chân chẳng hạn, cũng còn có phước lắm, phước đức ông bà để lại để bây giờ mình chỉ bán vứt đi một ít máu, một ít xương thịt, cũng chưa hại gì. Này đừng có hoảng lên nhé, anh biết cô đọc đến đây chắc đã khóc rồi. Chắc lại vừa nhớ ra hình ảnh một cặp nạng, một bên cánh tay chỉ có tay áo buông rũ. Đừng vội gán ghép cho những thứ đó. Cứ nhẫn nại đọc đến đâu sẽ hiểu đến đấy. Anh biết còn biết bao nhiêu người vợ, người mẹ mong được nhẫn nại như thế, nhưng đã không đến với họ. Từ lúc vào đây anh cũng đã có sự an ủi, và ngay cả những chiến hữu đã nằm ở đây cũng đều có sự an ủi như thế - không biết đó có phải là sự lừa dối mình không - anh còn có phúc hơn biết bao nhiêu người khác. Vào nằm đây, còn có thể viết những dòng chữ này kể như là khỏe rồi. Ít ngày nữa, hoặc ít tháng nữa anh sẽ ra hội đồng y khoa phân loại để làm việc nhẹ, chỉ làm việc nhẹ thôi, nghĩa là lại trở về với bàn giấy, với sai bảo, với phiền toái, giã từ vũ khí. Nắm đưọc cái giấy phân loại này kể như mình không lo sinh nghề tử nghiệp mà chỉ có thể vì tai nạn thông thường nào đó mới có thể làm cho anh chết đi, nhưng anh hiểu trong số các tai nạn rủi ro ấy còn hiếm xa những cảnh chết chóc trên chiến trường. Đọc tới đây, em thấy nhẹ nhõm rồi phải không? Nhưng mà…




Trang Thanh yêu dấu,

Bây giờ anh bắt đầu kể lại để cô bé hiểu nghe. Như em đã biết, lá thư anh viết đến đó thì được lệnh lên đường. Anh chả hiểu cái gì khẩn cấp đến thế mà bọn anh chỉ trong nửa ngày nữa có thể thong thả ăn chơi trong hai mươi bốn giờ. Giờ hưu chiến đó. Chỉ còn vỏn vẹn có 5 tiếng đồng hồ nữa thôi, anh sẽ được hưởng một chút thanh bình cho dù là thanh bình giả tạo ngắn ngủi. Nhưng cái điều nho nhỏ ấy cũng không đến nữa. Súng trên tay, ba-lô, gạo trên vai, rồi bản đồ địa bàn, anh đã từ thân tàu nhảy xuống trên một chiều cao gần ba thước, phía dưới là gì em cũng biết rồi. Chúng ta đã có bao nhiêu cuộc thanh bình giả tạo như thế?

Đồi A.T, ngọn đồi mà anh đã nói qua trong lá thư trước nhưng anh quên một điều, không, không phải anh quên mà anh thấy có nói cô cũng chả hiểu, vì nó không phải là điều quan trọng đối với con gái, nhưng đó lại là vấn đề sinh tử đối với bọn anh. A.T là ngọn đồi chiến thuật. Anh có nói hết ra đây cô cũng chả cần hiểu nó chiến thuật ở chỗ nào, chỉ có anh mới là điều hệ trọng phải không? Đừng mỉm cười bảo anh là tự cao nhé. Anh biết rõ điều ấy mà. A.T, ngọn núi cuối cùng của dẫy Trường Sơn, đứng cô độc, dân quanh vùng còn gọi nó với một cái tên dịu dàng lắm Núi Mồ Côi. Phải, nó mồ côi thật em ạ, nằm giữa 3 ngả đường, một dốc đèo khởi đầu lên cao nguyên, một thung lũng dài có con đường dẫn xuống cánh đồng bát ngát, và một nẻo đâm thẳng với con đường xương sống của đất nước. A. T quan trọng là nó nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, phía dưới và từ đó nó có thể nhìn mặt cũng như ngăn chận các toán quân từ ngả biên giới muốn xâm nhập vào vùng đồng bằng. Cả ta và địch đều thấy cần phải chiếm A. T, vì thế một đơn vị đã được trấn giữ ở đó, và Trang Thanh đã hiểu, hơn một lần anh đã lên đó giải vây. Địch thường dùng chiến thuật biển người ồ ạt làm cỏ A.T để sau đó với hy vọng chúng sẽ kéo quân xuống các tỉnh lỵ phía dưới, nhưng chỉ sau vài giờ thất thủ, A.T đã anh dũng được giải vây bằng máu của các chiến sĩ. A.T không thể nào mất được. Mất A .T cả phần đồng ruộng phì nhiêu phía dưới sẽ lọt vào tay bọn chúng. Chúng chỉ chờ A.T ngã gục là tiến lên, nhưng A.T anh hùng quá và anh đã nói A.T có đôi lần thất thủ. A.T đã vùi dưới chân nó cả hàng ngàn tên giặc và cũng hòa trong lòng nó rất nhiều chiến hữu của chúng ta.




Trang Thanh yêu dấu,

Từ 3 giờ sáng địch đã ồ ạt tấn công A.T sau khi đã pháo kích những đạn nặng nề và trúng đích nhất từ trước đến nay mà chúng đã dành cho A.T. Một đại đội, đội bảo vệ A.T, không thể chịu đựng với sức mạnh gấp 8 lần nó. Cộng quân đã dùng 2 tiểu đoàn chủ lực với sự yểm trợ của một đại đội Sơn pháo, nhất loạt hướng về A.T. Sau 3 giờ giao tranh bằng tất cả sức lực và kiên trì, các chiến sĩ của chúng ta đã phải bỏ A.T cho địch tạm chiếm để chờ quân cứu viện. A.T quả như một con đĩ đắt giá, địch không thể không chiếm A.T, ta cũng không thể bỏ A.T và ngay 6 giờ sáng hôm sau, một đơn vị thiện chiến của chúng ta đủ uy dũng nhẩy từ trên đầu A. T xuống. Chắc em hiểu sự gì đã xảy ra rồi. Đơn vị bách chiến bách thắng ấy cũng không làm cho A. T vinh dự. Sau 7 giờ ác chiến A.T vẫn nằm trong lòng địch. Em phải hiểu là đơn vị của chúng ta chưa bao giờ chiến đấu hào hùng đến như thế. Anh chắc là vậy và cho đến khi đơn vị anh từ trên trực thăng nhẩy xuống đầu A.T…




Trang Thanh yêu dấu,

Đừng có hồi hộp quá, bác sĩ đã bảo tim của em không được bình thường, cảm xúc dễ bị ngất xỉu đấy. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh để đọc hết lá thư, đọc rồi kể lại để mẹ mừng. Chỉ còn có năm giờ đồng hồ nữa anh có thể tạm yên, ngủ ngon một giấc để không nghe tiếng pháo kích, để không nghe tiếng đạn đại bác của mình bắn đi quấy rối. Anh quên nói ở đây tụi anh thường ăn ngủ trong các đường hầm vì địch có thể pháo kích cả ban ngày, còn ban đêm thì chúng đánh trống cầm canh mà. Khi từ trên đầu A.T nhưng họ không tiến lên được. Đành phải rút xuống lưng chừng đồi. Và phi pháo lại được rót vào A. T những trái bom lớn nhất. Những trái Napalm đỏ ngút trời, ở xa nhìn A.T chỉ thấy lửa và khói, không ai có thể ngờ trong nó lại còn biết bao nhiêu con người vừa để cố thủ chờ chết, vừa vinh quang tiến lên tái chiếm cho kỳ được. A.T bị cầy nát, nhưng A.T vẫn là cái lò sát sinh nguy hiểm, vì địch không có đường rút chúng được lệnh phải cố thủ A.T và chúng đã điên cuồng làm việc ấy để chỉ một hy vọng được chết sớm hay chết muộn.

Trang Thanh yêu dấu,

Anh hiểu rõ các chiến hữu của anh. Họ đã dành tất cả quyền sống cũng như sự khôn ngoan của họ cho A.T. Bọn giặc đã điên rồ cho mục đích của chúng để đưa quân xuống đồng bằng, lẻn vào các thôn xóm đào đường, giật cầu. Các anh có nhiệm vụ phải phá vỡ cái dã tâm ấy. Và bây giờ thì em hiểu chứ, A.T ở trước mặt anh, một biển lửa mênh mông, khói cao ngút trời, anh làm sao có thể không vương vấn cái lò sát sinh ấy, chỗ này một cái đầu bể nát lìa khỏi thân mình, chỗ kia một cùm tay cùm chân treo lủng lẳng vất vưởng trên các hàng rào thép gai, trên các bụi bờ. A.T đúng là cái lò sát sinh thật. Với lực lượng gấp tám lần đơn vị cố thủ, chúng ta thanh toán đơn vị này trong cực nhọc và bền chí, nhưng chúng không thể cố thủ với bom xăng, với đạn nổ trút trên đầu chúng từng phút từng hàng trăm quả. Dù cho một mưu đồ gì, tự ở lại để cố thủ A.T, chúng đã tỏ ra mất trí và hy sinh nhân mạng một cách oan uổng. Khi anh đặt chân lên A .T, chả hiểu lúc đó có phải là giờ phút vinh quang của một chiến sĩ không, anh hiểu A. T đã có một cái giá quá đắt. Hầu như địch đã bị tiêu diệt gần phân nửa khi chạm trán với đơn vị thiện chiến từ sáng sớm của chúng ta và phi pháo đã làm cái nhiệm vụ thanh toán nốt chỗ còn lại. Khi anh để bàn chân thân yêu lên A.T thì các tên giặc chỉ còn kháng cự trong tuyệt vọng. Từ trong các giao thông hào, xác chúng nằm ngổn ngang. Từ trong các hố cá nhân, chúng bắn lẻ tẻ vào bọn anh. Anh làm sao có thể nói cho Trang Thanh hiểu chiến trận nó khốc liệt như thế nào nhỉ? Trang Thanh chỉ biết vắn tắt thế này: xác bạn anh và xác giặc đã chồng chất lên nhau, quanh A.T. Anh và các bạn thanh toán từng vị trí, chiếm từng mô đất, từng giao thông hào cho đến khi …




Trang Thanh yêu dấu,

Bây giờ anh nằm đây, Tổng Y Viện Cộng Hoà, Trang Thanh đã biết việc gì đến với anh rồi chứ, đến từ những mô đất, từ những giao thông hào ấy, đến từ viên đạn nào trên cây súng của kẻ thù, một viên đạn đã phá ngang bàn chân trái của anh. Lúc anh nghe nhức nhối thì vừa kịp ngã xuống và anh mơ màng còn nghe một tiếng nổ gần, ngay sát bên tai và anh thiếp đi. Trang Thanh hiểu gì không, chính lúc ấy là lúc phúc đức nhất đã đến với anh, anh nghĩ như thế. Vừa ngã xuống một giao thông hào, một trái lựu đạn đã tung vào đúng chỗ anh đứng, nhưng anh đã ngã xuống nên trái lựu đạn nổ ngang trên đầu và anh thiếp đi. Nếu một giây truớc đó nó đã không đến, bằng cả một trái phá như vậy, thân thể này sẽ tan vỡ từng mảnh và hình ảnh của chiếc Poncho lại thông dụng với chiến sĩ các anh lúc đó. Với chiếc Poncho, khi sống chiến sĩ làm áo mưa, lều che sương gió, làm phao để qua sông, nhưng khi một trái phá làm banh xác họ, thì nó là tấm vải liệm tiện lợi nhất. Ôi cái lối tiện nghi thật là tàn nhẫn.




Trang Thanh yêu dấu,

Em có nhận ra đó là giây phút an ủi nhất của cuộc đời không? Anh chỉ đi trên sợi giây mong manh của tử thần. Nếu không có viên đạn bắn vào chân làm anh ngã xuống, Trang Thanh chắc phải khổ rồi, mẹ chắc không sống nổi, phải vậy không? Thiệt ra trong chiến tranh, cái làm chết con người thật dễ nhưng anh tin còn một phút may mắn nào đó mà mình có thể vượt qua dù vô tình, như anh chẳng hạn. Giờ em yên tâm rồi chứ? Anh đã bảo từ đầu cứ bình tĩnh mà đọc, không có gì bi thảm lắm đâu dù chung quanh chúng ta hằng giờ hằng phút bi đát vây quanh như một mảng lưới khó mà thoát ra được. Có một điều anh vẫn còn áy náy, phải chi cái giây phút đó nó không đến, như bao lần khác anh đều tai qua nạn khỏi. Em có cho là số mạng không? Chỉ năm giờ đồng hồ nữa anh có thể tạm ngủ yên, gác súng, nhưng năm giờ ấy đã không đến. Đó có phải là điều ân hận lắm không? Bằng viên đạn ấy anh đã tránh được một trái phá và khỏi cần đến cái Poncho, chắc cô bé vui rồi phải không? Cho đến bây giờ, viết những dòng này cho em, anh vẫn cảm thấy vui mà không phải một điều oán trách dù chỉ quá năm giờ sau đó, chắc là anh đã không nằm đây. Nhưng Trang Thanh hiểu không, anh bảo mình còn phúc là có lý. Cũng chỉ trong những gang tấc, một số bạn hữu của anh đã bỏ mạng. Một người cầm lệnh kêu về trình diện quân đoàn để phục vụ tại phòng tâm lý chiến, trước giờ lên đường, cũng chỉ có nửa ngày, đơn vị hành quân. Người bạn đó đã trở về với một cái chân còn lại. Một trái mìn trên đường đi đã cắt đứt một chân bên phải của anh. Cũng một người bạn khác, sáng hôm sau trở về nguyên quán vì được lệnh giải ngũ, đêm hôm đó đã lãnh nguyên một trái pháo kích. Vậy! Cái chết có phải chỉ chờ chúng ta trong những giờ phút như vậy không? Tại sao trên khắp các chiến trường anh chưa hề gì mà chỉ còn vài giờ nữa kể như tạm yên, viên đạn ấy nó đã đến bàn chân anh tuy không phải vứt đi một cái chân nhưng ít ra thịt xương và máu anh đã mất? Nghĩ như vậy và anh không còn thấy ân hận gì cả Trang Thanh ạ.


Em yêu dấu,

Anh đã bảo trên đất nước chúng ta có hàng trăm ngàn nỗi bi thảm nó đến rất tình cờ như vậy, mình không thể nào thoát ra được. Bây giờ còn một nguồn vui duy nhất, Trang Thanh vẫn là của anh và chắc trong ít tháng nữa anh sẽ xuất viện với một mảnh giấy làm việc nhẹ. Bổn mạng anh đã nằm trong đó. Hãy chấp nhận như vậy đi. Âu cũng là ân sủng mình đã theo đạt được. Cám ơn Trời Phật đã dành cho anh chút phần thưởng đó. Phải không Trang Thanh?

Anh ở đây cũng thấy buồn, thấy nhớ các bạn hữu của anh. Có thể ngay giờ phút này, trên một ngọn đồi, một khu rừng, một xóm nào đó, một cánh quân đang tiến lên, trong lửa đạn ngùn ngụt và biết đâu, chả còn những người kém may mắn hơn anh cần một chiếc Poncho chẳng hạn. Trang Thanh cứ vui đi nhé. Cũng nên nói rõ để mẹ mừng. Từng đêm, tóc mẹ vốn đã bạc, đang rụng nốt những sợi còn lại. Thật khổ tâm cho mẹ. Chúng ta sinh ra, sống cho những điều đau khổ ấy. Anh ngừng ở đây. Nhớ gửi quà Tết vào cho anh.

XI-67

Vương Thanh

(trích Văn Học- vì mất bìa, nên không biết số và ngày phát hành)

Sơ lược tiểu sử:

Tên thật: Trần Hữu Huy, sinh năm 1943 tại Bắc Việt. Vào Nam năm 1954. Cựu sĩ quan QLVNCH. Khởi viết năm 1964. Mất năm 1990 tại Hóc Môn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn