BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Không gian kỷ niệm

06 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2099)
Không gian kỷ niệm
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
2.73

Tổ quốc, anh đi vì nhiệm vụ.


Không gian, hoài bão chí nam nhi.


 

 “Vulture 51, Vulture 21, two miles final. LZ. Over”

 “Roger 21, I have you in sight.”

 Hợp đoàn năm chiếc trực thăng đổ quân báo cáo chỉ còn cách “landing zone” hai dặm và nhờ yểm trợ để đáp. Sau khi ba chiếc trực thăng Cobra trút hàng loạt đạn và rocket vào những chỗ nghi ngờ chung quanh bãi đáp, liền ngay sau đó ba chiếc trực thăng võ trang UH1 mang đầy rocket bay cặp vào hai bên của năm chiếc đổ quân.

 “Vulture 21, one mile final”

 Còn một dặm nữa đến bãi đáp, Vulture 21 báo cáo. Cùng lúc đó năm chiếc đổ quân trong đội hình so le đồng loạt khai hỏa để bảo vệ hai bên hông của mình trước khi đáp xuống. Với mỗi chiếc là hai khẩu đôi đại liên M60, tổng cộng là hai mươi khẩu đại liên của năm chiếc bắn ra cùng một lúc. Đồng thời, lúc đó ba chiếc trực thăng võ trang cũng đang nối đuôi nhau như một con rắn dài lúc ẩn lúc hiện và đang gầm thét với tất cả hỏa lực của họ hầu để bảo vệ năm chiếc đổ quân xuống bãi đáp một cách an toàn.

Vì đây là lần đầu tiên Quốc bay hành quân, tiếng súng đạn và rocket nổ vang trời đã làm chàng hốt hoảng. Với kinh nghiệm của một hoa tiêu mới ra trường và với kinh nghiệm của một vài chuyến bay liên lạc, chàng không biết chuyện gì xảy ra và cũng không biết phải phản ứng như thế nào. Người trưởng phi cơ của Quốc đã lèo lái con tàu xuống bãi đáp để mười một người lính của Sư Đoàn 21 Bộ Binh nhảy ra một cách an toàn. Sau khi hợp đoàn cất cánh rời xa bãi đáp, lúc đó Quốc mới lấy lại bình tĩnh. Chàng cảm thấy thẹn, cảm thấy mình vô dụng mặc dù trước đó chàng rất là hãnh diện khi nhận lấy bằng tốt nghiệp hoa tiêu trực thăng tại Hoa Kỳ. Trên đường trở lại điểm tập trung để bốc chuyến thứ hai, Quốc cố giữ bình tĩnh, ráng không để lộ sự sợ hãi của mình với ông Trung Úy trưởng phi cơ của Đại Đội 131 Trực Thăng Chiến Thuật, đơn vị Mỹ đóng tại Cần Thơ, nơi mà chàng đang bay thực tập để lấy thêm kinh nghiệm.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Quốc thấy mặc cảm sau khi tốt nghiệp mang cánh bay về nước. Cứ tưởng rằng với một bầu nhiệt huyết của một người phi công trẻ, chàng có thể chứng tỏ ta đây cũng muốn làm nên một chút danh gì với núi sông. Ngày Quốc và năm người bạn cùng khóa về trình diện đơn vị tại Cần Thơ, ông Đại Úy Trưởng Phòng Hành Quân thấy sáu thằng rụt rè lấp ló nên chận lại và hất hàm hỏi:

“Mấy anh đi đâu đó?”

Cả bọn nhỏ nhẹ trả lời:

“Thưa Đại Úy tụi này mới về.”

Ông Đại Úy bèn lên tiếng dằn mặt:

“Mới về hả? Mới toanh đó hả?”

Kể từ đó chàng biết rằng, còn rất nhiều sự thử thách chờ đợi chàng trước khi trở thành một người lính chuyên nghiệp.

Cứ ngỡ rằng ta đây tung cánh sắt,

Nhưng không ngờ đôi cánh hãy còn non,

Bầu trời kia bao trùm cả nước non,

Văn đã bỏ, giờ lo ôn võ luyện.

Thế rồi ba tháng thực tập với Đại Đội Vulture 131 cũng sắp xong. Quốc nôn nao muốn về trình diện đơn vị của mình cho sớm. Chàng thường hay tâm sự với những hoa tiêu Việt Nam cùng thực tập ở đơn vị này: “Sống với mấy thằng Mỹ này chán quá, không có thằng nào thân thiết hết, ăn toàn đồ Mỹ không hà, tao chịu hết nổi rồi.” Ngoài ra, chàng cảm thấy có một vài thằng trong đơn vị Mỹ này tỏ vẻ kỳ thị. Một buổi sáng trên đường ra phi đạo để đi một phi vụ liên lạc, thằng trưởng phi cơ mặt hầm hầm khi gặp mặt chàng, hắn chửi thề luôn miệng và kể lại là hắn vừa bị giựt mất cái đồng hồ hồi hôm trong lúc đang vui chơi ở những cái bar tại Bến Xe Mới. Hắn ta chửi bới hầu như không dứt lời, Quốc cảm thấy nhột nhạt vì chàng có cảm tưởng thằng Mỹ này muốn trút giận lên chàng. Đợi đến lúc hắn bớt chửi, chàng nhỏ nhẹ kể cho hắn nghe là ở xứ nào cũng có người tốt người xấu, khi còn học ở Lackland Airforce Base, người bạn của tôi cũng bị một tên cướp dí dao và cướp mất năm mươi đô la ở ngoài phố San Antonio. Hắn nghe xong cứng họng, biết là Quốc cố ‎tלnh ‎‎‎chống נối, nhờ vậy mà suốt ngày đi bay sau đó, hắn ta không còn dám nhắc đến chuyện mất cái đồng hồ nữa.

Cần Thơ, thành phố nằm sát bên bờ sông Hậu, được mệnh danh là thủ đô của một vùng đồng bằng mầu mỡ của miền nam nước Việt. Đối với Quốc, Cần Thơ không xa lạ gì vì quê của chàng cũng chỉ cách Tây Đô có sáu mươi cây số về phương nam.

Mặc dù tại quê nhà của Quốc cũng có một căn cứ Không Quân, tuy nhiên chàng rất mừng khi được thuyên chuyển về Cần Thơ, bởi vì Cần Thơ rất gần nhà, mà lại không phải là quê hương, nên rất ít người biết chàng là ai. Nhiều người bạn đòi hoán chuyển với chàng, nhưng chàng từ chối. Đối với Quốc, nơi sinh ra và lớn lên của chàng có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nơi đó cũng đã ôm chặt chí tại bốn phương của chàng quá lâu. Chàng thường hay nói với mấy thằng bạn rằng, ở tại Cần Thơ, tao muốn về nhà lúc nào cũng được, vả lại, lỡ tao có làm chuyện gì… tầm bậy, thì người ta không biết ông bà ông vải của mình ở đâu mà chửi. Thêm một lý do nữa mà Quốc không thích thuyên chuyển về phục vụ tại quê nhà là vì trong những lần về phép thăm gia đình, chàng có gặp lại những người bạn học cũ. Quốc cảm thấy sự cách biệt giữa chàng và những người bạn ngày trước càng lúc càng xa. Cứ mỗi lần gặp nhau thì người nào cũng chỉ biết rủ chàng đi uống cà phê mà thôi. Khi vào quán, hầu hết bọn họ chỉ gọi một ly cà phê, đốt cả bao thuốc lá, ngồi cả tiếng đồng hồ, ngồi đau cả đít nếu ghế không có nệm, để rồi cả bọn cũng chỉ biết đưa mắt nhìn cô chủ quán mơn mởn đào tơ tại quầy tính tiền, chẳng thằng nào dám ngỏ lời tán tỉnh để lấy được một chút lời, hay một chút vốn nào cả. Quốc cảm thấy chán lối giao thiệp tốn thì giờ một cách vô ích này, nên nhiều lần về phép sau đó, chàng ít khi đi tìm những người bạn học năm xưa. Sau cùng, Quốc cũng nghĩ là thành phố nơi chàng sinh ra và lớn lên có hơi…nhà quê, mấy cô khi ra đường, lúc được con trai tán tỉnh thì cứ nghểnh mặt làm cao, khi người ta bỏ đi rồi thì ngoái cổ lại tìm kiếm, con gái gì quê một cục...

Đơn vị của Quốc trực thuộc Sư Đoàn 4 Không Quân và là một đơn vị trực thăng được thành lập lâu đời. Những cấp chỉ huy của đơn vị tương đối có nhiều thâm niên, do đó thường hay tỏ vẻ đàn anh với lớp hoa tiêu trẻ tuổi mới về. Nhưng rồi thời gian qua mau, những chàng phi công trẻ tuổi như Quốc đã nhanh chóng thay thế những đàn anh trong đơn vị. Nhiều lúc cả một hợp đoàn hành quân có gần hai mươi hoa tiêu mà hầu hết là mang cấp bậc Thiếu Úy, chỉ có một hoặc hai ông mang cấp bậc Trung Úy hay Đại Úy mà thôi.

Chiến trường càng lúc càng tăng cường độ, những chàng phi công trẻ tuổi ngày nào nhanh chóng trở thành những người lính chuyên nghiệp. Súng đạn và không gian là nghiệp của chàng, bầu trời rộng lớn đối với các chàng càng lúc càng thu hẹp lại. Sáng sớm ra đi, tối lại trở về, để rồi nhiều chàng tỉ tê kể lại những chuyện gay cấn, sống chết, đã xảy ra trong ngày cho những người em gái nhỏ hậu phưong. Chỉ có vậy mà nhiều em lại mê mệt những chàng trai thuộc binh chủng bị gán cho cái tên là hào hoa phong nhã. Những người bạn của Quốc ở những đơn vị bộ binh than phiền rằng:

“Về đến thành phố là chỉ thấy cái đám Không Quân của tụi mầy. Tao nghe kể đủ thứ chuyện về lính Không Quân mà nhiều nhất là chuyện gái ghiếc, tụi mày cuỗm hết con gái của tụi tao rồi”…

Quốc nghe xong mỉm cười trả lời:

 “Tại mấy cô nữa chứ bộ.”

Thế rồi những người bạn đồng minh của ta từ từ rút về nước. Những phi vụ yểm trợ cho đơn vị bạn đều giao cho Không Quân Việt Nam. Tất cả những đơn vị trực thăng non nớt ngày nào, nay nhờ khói lửa đã trưởng thành một cách nhanh chóng. Những địa danh U Minh, Đồng Tháp Mười, Năm Căn, Đầm Dơi, Neak Luong , Kampong Cham.v.v…không còn xa lạ gì với Quốc nữa. Hành quân một tuần lễ năm ngày. Phải nói là đánh giặc riết rồi thành thói quen, cho dù có bị súng đạn làm hết hồn, sau khi về đến phi trường, thay bộ đồ dân sự, rồi thong thả cỡi Honda ra phố ăn tối, đối với Quốc, những chuyện nguy hiểm mới xảy ra trong ngày đã trở thành những chuyện quá khứ. Có một lần, Quốc bay trực thăng võ trang yểm trợ cho một đơn vị của Sư Đoàn 7 Bộ Binh tại vùng Ấp Bắc trong Đồng Tháp Mười, vì Việt Cộng lẫn lộn sát với Bộ Binh, Quốc bị địch bắn ở một khoảng cách thật gần. Viên đạn AK47 đã xuyên thủng kính trước mặt và trúng ngay vào trán của Tiếu, người hoa tiêu đi cùng với Quốc. Cũng may là nhờ cái nón bay thuộc loại chống đạn, nên sau khi viên đạn xuyên thủng qua phần ngoài, đã bị phần trong của nón làm lệch hướng và đầu đạn trổ ra trên đỉnh của cái nón. Hú hồn, Tiếu bị trặc cổ vì sức mạnh của viên đạn. Những mảnh kiếng vỡ tan đã làm cả hai đều bị sước thịt nhiều chỗ, may mắn là cả Quốc và Tiếu đều kéo kính che mắt xuống nên không bị đui mắt. Phi hành đoàn của Quốc được về sớm ngày hôm đó. Sau khi bác sĩ khám nghiệm, cả hai được nhân viên bệnh xá dán vào mặt và tay mỗi đứa khoảng mười miếng band-aid. Tối hôm đó, Quốc có hẹn tới dự một tiệc nhảy đầm, mấy em thấy nhiều band-aid quá nên hỏi tới tấp, Quốc đổ thừa là tại té xe, nhưng sau đó chàng cũng lột bỏ hết những miếng band-aid đó đi để khỏi bị hỏi phiền phức. Cũng nhờ vụ này, chàng và Tiếu mỗi đứa được một chiến thương bội tinh và một số tiền trợ cấp cho mỗi người bị thương. Kể ra bị thương như vậy cũng lời chán, Quốc thích chí nói với những đồng đội của chàng.

Cuộc hội đàm Paris năm 1972 sắp kết thúc, chiến trường sôi động một cách dữ dội, cả địch và ta đều muốn nắm thế thượng phong khi hiệp định ngưng bắn có hiệu lực. Một trận chiến cắm cờ chiếm đất giành dân diễn ra một cách gay go. Với những người lính bộ binh, ngoài những hành trang súng đạn như thường lệ, bây giờ trong ba lô của các anh còn mang theo một lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu. Cắm đi anh chỗ này là của ta, cắm đi anh chỗ kia cũng của ta. Cắm nhiều nhiều đi các anh để không còn thấy lá cờ của tụi Việt Cộng nữa. Các anh hành quân liên miên không một ngày nghỉ, không kể ngày đêm. Lúc nào các anh cũng ở trong tình trạng chiến đấu, chúng tôi sẽ yểm trợ các anh đến hết sức của mình.

Những chiếc trực thăng võ trang được lệnh bắn vào những nơi nào cắm cờ Việt Cộng. Tội nghiệp những người dân sống ở vùng xôi đậu, họ buộc phải lựa chọn một bên, tuy nhiên chọn bên nào không phải là một chuyện dễ. Có lúc trực thăng võ trang vừa tới nơi, thấy một xóm nhà cắm toàn cờ Việt Cộng, vừa quay lại định khai hỏa thì những lá cờ của Việt Cộng đã biến mất, lá cờ vàng của ta lại được giương lên. Có nhà vì quá vội vã, không kịp lấy cờ Việt Cộng xuống đã giương cờ vàng lên, thành ra trước nhà là cờ địch, phía sau nhà là cờ của ta. Trước sự việc khó khăn của người dân lành, những người phi công trực thăng võ trang không thể cam tâm nổ súng vào những nơi như vậy. Người lính miền nam vẫn còn lương tri của một con người và còn một khối óc biết nhận xét những điều không nên làm, chứ không như những tên cán bộ Việt Cộng, đã lợi dụng tấm màn che chở của dân lành để bắn lên phi cơ, để rồi, nếu có sự ngộ nhận xảy ra, bọn chúng toang hoác cái miệng đổ thừa cho rằng phi công của miền nam là tàn ác. Ném đá dấu tay, thật là một hành động bỉ ổi giết hại dân lành của cái đám Việt Cộng núp dưới đáy quần của đàn bà và con nít. Trong suốt thời gian tại ngũ, Quốc không hề thấy một quân trường, hoặc một cấp chỉ huy nào của miền nam cho việc bắn vào người dân là đúng cả, cũng như chàng chưa bao giờ nghe bất cứ đồng đội nào của chàng hãnh diện là mình đã sát hại dân lành. Nếu có, thì tất cả đều do bọn Việt Cộng tuyên truyền mà thôi.

Quốc và đồng đội của chàng đã hơn một tháng rồi, mỗi ngày phải ra đi từ năm giờ sáng, đến điểm tập trung sáu giờ. Chiến trường bùng nổ ở khắp nơi. Hôm nay Cà Mau, ngày mai Mộc Hóa, ngày nọ Kiến Hòa, Châu Đốc, Chương Thiện.v.v…Giặc ở đâu thì chàng tới đó, mệt mỏi, căng thẳng, ngày nào cũng có chiếc bị trúng đạn, có khi vài ba chiếc. Quốc và đồng đội của chàng chẳng ai than van, lính chuyên nghiệp mà, không thắc mắc, không nghĩ ngợi, lệnh bắt đi đâu thì đi đó. Ra đi từ sáng sớm, chín mười giờ đêm mới trở về. Những chàng phi công độc thân thường hay ra phố để ăn tối sau một ngày bay bổng, đồng thời ghé thăm những người em bé nhỏ hậu phương trước khi về ngủ. Tuy nhiên trong khoảng thời gian biến động đến cực điểm trước khi hiệp định ngừng chiến có hiệu lực, Quốc chẳng thấy anh nào còn hơi sức để dạo phố, tất cả khi về đến căn cứ đều lo tắm rửa, xuống câu lạc bộ của đơn vị kiếm cái gì ăn vội, rồi trở về phòng nằm ngủ để giành sức lực cho ngày kế tiếp. Những buổi chiều ra phố ghé thăm những người em gái hậu phương cũng phải tạm ngừng. Em ơi, mệt quá, không còn chút gì cho em, các anh phải gĩư lại một chút sinh lực để ngày mai lại tiếp tục đi làm nhiệm vụ của những người trai thời loạn. Khi chiến trường bớt sôi động, các anh sẽ đến tìm các em, những người em sầu mộng muôn đời của các anh.

Đối với những chàng phi công có gia đình, trong khi các chàng vất vả trong những chiến trận đầy hiểm nguy, thì tại khu gia binh, những vị phu nhân của những chinh nhân lại sống trong sự lo âu và thấp thỏm chờ chồng. Mỗi lần có tiếng trực thăng đáp là các nàng ra ngoài ngóng trông, hy vọng rằng những con tàu đó sẽ mang những người chồng thân yêu của mình trở về với mái ấm gia đình. Các nàng cố xua đuổi những ý nghĩ không may có thể xảy ra, để rồi những ý nghĩ đó nhanh chóng tan biến đi, thay vào đó là nỗi vui mừng hớn hở khi thấy người chồng thân yêu của mình trở về. Dưới mái ấm gia đình, buổi cơm tối đã được các nàng chuẩn bị xong từ sớm, bây giờ được nhanh chóng hâm nóng lại để cho chồng có một bữa ăn ngon miệng. Tâm sự những người vợ chiến binh thời loạn ngập ngừng nói ra, vắn tắt, nhưng chứa đầy những nỗi niềm lo âu sợ hãi của người chinh phụ. Một ngày bình an đã qua, chuyện ngày mai, để ngày mai lo. Bây giờ em vẫn còn có anh, người phụ nữ có chồng chiến binh trong thời loạn cũng trưởng thành theo cường độ của khói lửa, vì tình yêu, họ sống trong lo âu và chấp nhận những gì xảy ra cho đời mình. Họ sống kiên cường, chịu đựng, họ thật vĩ đại.

Chiến tranh cứ tiếp tục, cường độ càng ngày càng tăng chứ không giảm. Ngày xưa địch bắn bằng súng ngựa trời, bây giờ chúng có cả đại liên phòng không 12 ly 8 và cả đại bác phòng không nữa. Sức chịu đựng của người chiến binh cũng tăng theo nhịp độ của khói lửa. Chiến trường là nơi chém giết lẫn nhau không nương tay, mình không giết địch thì mình sẽ bị địch giết. Người chiến binh thời loạn khi ra chiến trận, ngoài việc được trang bị súng ống để giết quân thù, còn phải tự trang bị cho mình một niềm tin, đó là sự may mắn cho chính bản thân mình. Phải nói rằng, nhiều khi anh hùng hơn nhau chỉ ở hên xui mà thôi.

Quốc đã từng chạm trán với đại liên 12 ly 8 của Việt Cộng. Trong một phi vụ yểm trợ Bộ Binh ở Chương Thiện, chiếc trực thăng võ trang của chàng đã bị Việt Cộng bắn. Sau khi hai trái rocket bắn ra, lúc con tàu của chàng vừa trở mình để đánh vòng trở lại thì chúng khai hỏa. Những viên đạn lửa của 12 ly 8 tua tủa vào mặt đã làm chàng hốt hoảng, trong một tích tắc, Quốc đã quyết định đâm thẳng vào khẩu đại liên đó với tất cả hỏa lực của mình. Quốc nghĩ rằng, nếu không làm như vậy, thì khẩu đại liên đó sẽ không tha cho chàng trong khi con tàu của chàng đang ở cao độ thấp và đang ở vào vị thế mà hỏa lực không bắn ra được. Quốc đã bắn liên tục sáu trái rocket. Vì bắn ra trong tình trạng khẩn cấp, nên tất cả sáu trái đều không trúng mục tiêu; tuy nhiên, nhờ âm thanh gào thét của rocket, thằng xạ thủ đại liên của Việt Cộng hoảng sợ nên ngừng bắn, có lẽ hắn bỏ chỗ ngồi của người xạ thủ để núp sâu hơn dưới khẩu đại liên của hắn. Chiếc trực thăng võ trang của Quốc gần như đi trên đầu của khẩu đại liên này ở một cao độ thật thấp khi Quốc chạy trở ra, không một viên đạn nào trúng tàu, hú vía. Đã nói mà, đạn tránh mình chứ mình làm sao tránh được đạn, Quốc có niềm tin vào sự may mắn của mình.

Trong một phi vụ khác tại quận Cái Cái gần biên giới Miên, cả hợp đoàn năm chiếc đổ quân của Quốc đã vô tình đáp ngay trên đầu của một đơn vị Việt Cộng đang ẩn núp dưới hầm, ở ngoài đồng trống. Chúng đã dùng rơm ngụy trang những miệng hầm một cách khéo léo. Tiếng động cơ ầm ĩ cộng với sức gió của cánh quạt, đã làm lộ diện những miệng hầm trú ẩn. Bọn chúng hốt hoảng đứng lên bắn loạn xạ, hai chiếc đầu của hợp đoàn bị trúng đạn, từ chiếc thứ ba của Quốc trở đi đều không bị gì cả. May mắn là chỉ có một người lính Bộ Binh của Sư Đoàn 9 bị thương, một chiếc bị chảy dầu phải chờ sửa chửa, còn một chiếc thì vẫn tiếp tục hành quân. 

Còn rất nhiều lần khác, cái may mắn của Quốc vẫn ở bên chàng, trong đó có cả lần bị bắn với Tiếu tại Ấp Bắc. Tuy nhiên, súng đạn của Việt Cộng cũng không thật sự làm chàng sợ hãi bằng lần bị vertigo khi vào trong mây. Trong một phi vụ đi đến Neak Luong ở bên Miên, vì muốn lên cao để cho dễ đi, Luân, lúc đó là trưởng phi cơ, đã chui vào một đám mây. Cả hai cứ tin là đám mây đó không cao lắm, không ngờ sau ba phút, phi cơ vẫn còn trong mây dầy đặc. Luân bắt đầu bị vertigo, có nghĩa là người phi công không còn định hướng được đâu là trời, đâu là đất nữa. Phi cơ mất tốc độ và bắt đầu rơi. Luân giao lại cần lái cho Quốc, nhưng lúc đó Quốc cũng bắt đầu bị vertigo. Con tàu rơi chúi mũi xuống đất càng lúc càng nhanh. May mắn thay, sau khi rớt khỏi tầng mây, chiếc phi cơ còn được ba trăm bộ để lấy lại thăng bằng. Con tàu rung lên bần bật như sắp vỡ tan thành từng mảnh khi cả Luân và Quốc dùng hết sức chịu đựng của cánh quạt để giảm lại tốc độ rơi. Sau khi hoàn toàn lấy lại thăng bằng, khoảng cách của phi cơ chỉ còn cách mặt đất năm mươi bộ, cám ơn Trời, cám ơn Phật, cám ơn Thổ Địa đã tha chúng con lần này. Sau đó, cả hai quyết định đi thật thấp dưới tầng mây dầy đặc đến Neak Luong, không dám lên cao nữa. Tối hôm đó, Luân và Quốc ra phố nhậu một chầu để cố quên đi những giây phút kinh hoàng đó...

Vị quốc vong thân. Trên chiến trường, không phải ai cũng được cái may mắn như Quốc. Nhiều chiến hữu trong đơn vị của chàng không may đã gãy cánh ra đi. Một tai nạn thảm khốc đã xảy ra cho đơn vị của Quốc là khi hai chiếc đổ quân đụng nhau trên bầu trời rừng U Minh. Tai nạn đau thương đó đã lấy đi tám đồng đội của chàng, bốn hoa tiêu, bốn cơ phi xạ thủ và cùng với hơn hai mươi người lính Bộ Binh của Sư Đoàn 21. Đó là một ngày đại tang cho đơn vị của Quốc.

Ngọc, trong một phi vụ tiếp tế và tản thương cho một tiền đồn bị địch bao vây, một viên đạn đã lọt qua khe hở thật nhỏ giữa đầu và thân của cái ghế chàng ngồi, viên đạn oan nghiệt đó đã kết liễu cuộc đời của Ngọc. Nên biết rằng, cái ghế ngồi của người phi công trực thăng làm bằng vật liệu chống đạn. Cái ghế đó che chở đầu và thân của người phi công đến chín mươi chín phần trăm nếu viên đạn bắn ra từ phía sau và bên hông. Ấy vậy mà viên đạn vô tình đó đã lựa một phần trăm còn lại để bắt Ngọc phải ra đi mãi mãi. Trong ba năm liên tục, gia đình của Ngọc phải chịu ba cái tang khác nhau, hai lần trước là của hai người anh đã tử trận ở những chiến trường khác, lần này là tới phiên Ngọc. Thật oan nghiệt.

Điều, Thôi và Bê. Người trong đơn vị thân thiện gọi đùa là “Gia Đình Bác Tám.” Cả ba đều là người miền nam. Điều và Thôi là anh em cột chèo, còn Bê là người em cũng muốn chèo cùng cột với Điều và Thôi. Có nghĩa là Điều và Thôi đã lấy hai chị em, còn Bê thì đang mon men vào cô em sau cùng. Cứ ngỡ là Gia Đình Bác Tám sẽ sống yên vui trong một khung trời sông nước miền nam, nhưng không, vào một ngày bầu trời ảm đạm, Thôi đã ra đi cùng ba đồng đội khác tại chiến trường Mộc Hóa. Một trái hỏa tiễn SA-7 độc ác đã cắt đứt đôi cánh của chàng. Cả phi hành đoàn đã ra đi mà không ai có thể tìm được xác rơi.

Không lâu sau đó, Điều, người lấy cô chị lớn nhất trong nhà cũng ra đi bởi một viên đạn oái oăm trên chiến trường sát biên giới Miên Việt.

Sau cùng, Bê, người phi công trắng trẻo, đẹp trai và có khuôn mặt thật trẻ so với tuổi đời. Đồng đội của Bê thường đem chàng ra khoe với dân chúng những nơi hợp đoàn hành quân dừng chân: “Đây là người phi công trẻ tuổi tài hoa mới mười chín tuổi.” Bê đã ra đi trong một buổi chiều hành quân tại Cà Mau. Con tàu của chàng đã bị bắn rơi trong lúc đang truy kích một tổ giao liên của Việt Cộng. Cả ba đồng đội trên con tàu của chàng đều được cứu sống, chỉ trừ Người Phi Công Mười Chín Tuổi mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Quốc tin rằng, trên cái cõi đời này lúc nào cũng có những việc bất thường xảy ra, những việc bất thường đó có thể là xấu, cũng có thể là tốt, nhưng một điều mà chàng không thể ngờ được rằng, tất cả những sự đau thương nhất trên cõi đời này đều lần lượt xảy ra cho Gia Đình Bác Tám. Tại sao thượng đế lại có thể bắt một gia đình gánh chịu quá nhiều sự đau khổ đến tận cùng như vậy? Quốc không có một ngôn từ nào để có thể diễn tả hết nỗi đau đớn của họ... Điều, Thôi và Bê đã ra đi từ lâu lắm, nhưng Gia Đình Bác Tám vẫn mãi mãi sống trong lòng những chiến hữu của các chàng. 

Không gian xa tận chân trời,

Non sông nặng gánh anh hùng cưu mang,

Cho dù cánh đã gãy ngang,

Vinh danh muôn thủa, nghìn thu vẫn còn.

Huynh đệ chi binh. Dân và Giang là hai người bạn chí thân của Quốc. Cả hai được thuyên chuyển về đơn vị cùng lúc sau khi về nước. Dân là một người chính cống miền nam, đẹp trai, ăn nói thật thà. Giang là một người gốc bắc, tướng tá cao ráo và ăn nói lanh lẹ. Cả hai người có thể nói là tương phản lẫn nhau. Mặc dù là vậy, cả Dân và Giang đều có sự gắn bó với nhau từ lúc đầu, bởi vì chẳng những họ là bạn cùng khóa ở trường bay, mà lại ở cùng chung một phi đội của Quốc nữa. Ngày Dân và Giang về trình diện đơn vị thì trước mặt hai chàng đã có rất nhiều hoa tiêu đàn anh. Sống trong một đơn vị đã được thành lập lâu đời mà truyền thống lại quan liêu, thì cuộc đời binh nghiệp của hai chàng chắc chắn là phải chờ khá lâu mới tới cơ hội thăng tiến của mình.

Quốc đón nhận hai người chiến hữu mới này với tất cả chân tình và nhanh chóng trở thành những người bạn thân thiết. Từ chiến hữu sát cánh bên nhau ngoài mặt trận, đến bạn bè cặp kè bên nhau khi trở về căn cứ. Quốc, Dân và Giang chia xẻ những nỗi vui buồn trong khoảng thời gian phục vụ cùng chung đơn vị.

Ngoài tướng cao ráo của Giang, chàng ta còn có cái tài ăn nói. Với một giọng bắc kỳ trầm trầm, hắn ta tự hào là có thể làm xiêu lòng bất cứ con tim nào mà hắn muốn chinh phục. Những cuộc tình của Giang mang đầy thi vị sóng gió, vừa nhanh, vừa sôi nổi và vừa lãng mạn. Lính mà em, “Anh sinh ra không phải vì em, em sinh ra không phải vì anh, tuy nhiên có những giây phút mình sống bên nhau thì thật là đẹp.” Giang vẫn thường lải nhải như vậy để chứng tỏ mình là dân chơi, hơn nữa là chơi... chạy nếu cần. Quốc đã từng chứng kiến Giang đã dùng ba tấc lưỡi của hắn để chinh phục được một nàng đã đính hôn và sắp lấy chồng, nếu không phải là Quốc cản lại, thì hậu quả chẳng biết ra sao?

Ngược lại với Giang, Dân không cao lắm, nhưng chàng khá đẹp trai. Chàng cũng không ăn nói lanh lẹ như Giang, nhưng nhờ vào cái nét thật thà của một người miền nam, Dân cũng đã làm cho nhiều trái tim thổn thức vì chàng. Có một lần Quốc và Dân cùng đi một phi vụ liên lạc, Dân ngỏ ý muốn xuống thăm một người em gái hậu phương ở một cái xã của tỉnh Vĩnh Long, Quốc đã đáp để Dân xuống. Trong khi chờ đợi Dân trở ra, Quốc đã bay vòng tròn trên trời ở một cao độ thật thấp. Tiếng động cơ ầm ĩ của phi cơ đã làm hầu hết dân chúng chạy ra xem. Nhìn Dân ở dưới đất, được một bầy con nít bu quanh trầm trồ cái oai phong lẫm liệt của chàng, Quốc lấy làm thích chí nghĩ rằng, người em gái hậu phương của Dân lần này chắc chắn sẽ trao trọn trái tim của nàng cho chàng.

Tiền lính, tính liền. Mặc dù nhân viên phi hành được thêm tiền trợ cấp ẩm thực, nhưng với sự lạm phát của kinh tế thời chiến, số tiền này chẳng thấm vào đâu. Cho dù là vậy, Quốc, Dân và Giang có một thông lệ, vào ngày lãnh lương, cả bọn đều ra quán nhậu một bữa no nê. Tất cả ba người đều đồng ý là buổi tiệc ăn nhậu không có giới hạn, tiền thì chia đều làm ba, thằng nào ăn ít thì lỗ. Chính vì sợ bị lỗ, nên sau mỗi buổi tiệc, ba chàng đều hả hê vác cái bụng thật nặng nề trở về phi trường. Ít nhất cả bọn cũng có những giây phút cảm thấy cuộc đời mình sung túc, để bù vào những ngày eo hẹp cuối tháng phải lấy gạo sấy làm no.

Vì nhu cầu cần gấp, có lúc Quốc dọn sang ở chung phòng với Giang, cả bọn dùng phòng của Quốc để học nhảy đầm. Không Quân mà, không biết nhảy thì hơi quê, vả lại nếu không đi nhảy nhót thì còn mục gì hấp dẫn hơn cho mấy chàng phi công độc thân đây? Ngày ra quân lần đầu tiên, Quốc đã tập dượt mấy ngày liên tục trước đó; 1,2,3,4 đây là Rumba, 1,2,3,4,5 đây là Cha Cha Cha v.v... Quốc cứ lẩm bẩm trong đầu sợ quên. Tuy nhiên, sau khi mở màn một vài bản thì cả bọn đều cảm thấy mạnh dạn hơn nhiều. Quốc cũng khám phá ra rằng, càng về khuya, sau khi có một vài chai bia trong huyết quản của mình, chàng cũng không cần phải đếm bước nữa, cũng như cũng không cần phải biết bước chân của mình đi về đâu, tất cả đều đúng, nhất là Slow Mùi, dưới ánh đèn mầu mờ mờ, cứ ôm chặt em vào lòng đu đưa thì đúng quá rồi... nhảy đầm dễ ợt...

Sau cùng, Quốc phải sửa lại câu nói của Giang để cho phù hợp với tình bằng hũu và chiến hữu của cả bọn: “Bạn sinh ra không phải vì tôi, tôi cũng sinh ra không phải vì bạn. Tuy nhiên có những giây phút vui buồn sống chết bên nhau thì thật là đẹp.” Những kỷ niệm đó sẽ sống mãi mãi trong lòng chúng ta, những người chiến binh thời loạn. Tình chiến hữu muôn năm, nghỉa bằng hữu bất diệt.

Bạn và ta những người trai thời loạn,

Cùng sánh vai tung hoành chốn phong ba,

Ngọt bùi, cay đắng mình đã cùng qua,

Tình bằng, chiến hữu muôn đời bất diệt.

Hào hoa phong nhã. Quốc không biết đó là một lời khen tặng, hay là một lời châm biếm. Quốc chỉ biết rằng phi công cũng chỉ là một người lính tác chiến trong thời loạn, may mắn là sau một ngày trực diện với những nguy hiểm của chiến trường, chàng được trở về để hòa đồng với sinh hoạt của người thành phố. Ngoài ra, vì không phải di chuyển từ chiến trận này đến chiến trận khác bằng đôi chân của mình, nên những người lính đi mây về gió như chàng không có nét phong sương như những người lính tác chiến trong những đơn vị bộ binh. Chính vì vậy, nhiều chàng phi công trông rất là thư sinh mặc dù là lính tác chiến thứ thiệt. Có lẽ sự kết hợp của những nguy hiểm ngoài chiến trận và sự có mặt thường xuyên tại thành phố, đã tạo nên một lối sống đặc thù cho người phi công khi so sánh với những người lính tác chiến khác.

Chiến tranh đã làm Quốc không còn nghĩ ngợi nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng nó lại là một mối ưu tư nặng trĩu khi nghĩ đến tương lai. Mimi, Hương, Tiên những cuộc tình sống vội đi qua đời Quốc không một chút tính toán, cũng chẳng cần biết đến tương lai. “Anh sinh ra không phải vì em, em sinh ra không phải vì anh, tuy nhiên có những giây phút mình sống bên nhau thì thật là đẹp.” Quốc phải cám ơn Giang cho mượn cái câu nói nhảm nhí nhưng thật là chí lý trong trường hợp này.

Linh, người em bé nhỏ đất Tây Đô của Quốc. Em có biết không, chỉ cần Linh liều lĩnh một tí nữa thì Linh đã có Quốc. Ngày Quốc thuyên chuyển ra Pleiku, em ngần ngại không dám đi theo. Muốn có chồng lính thì phải biết đánh liều. dù sao đi nữa, chúng ta cũng có những giây phút êm đềm bên nhau, Quốc sẽ trân quý những giây phút đó mãi mãi.

Mẫn, em là người con gái Quốc thích nhất, nhưng lại là người làm Quốc rụt rè nhất. Vì Mẫn là em của Dân, cho nên Quốc không thể nào làm những điều gì để em buồn. Quốc đã trốn tránh tình yêu của em không phải vì không yêu em, mà vì lòng Quốc phân vân không biết có thể đem lại hạnh phúc cho em hay không? Đó là những điều mâu thuẫn trong Quốc, một người lính chiến không biết ngày mai. Ngày Quốc đi dự đám tang của Định, nó chết cùng bảy đồng đội khác và hơn hai mươi người lính bộ binh khi hai chiếc máy bay đụng nhau. Quốc đã không thể chịu đựng được những tiếng khóc thê thảm của vợ nó. Hai đứa con nó còn quá ngây thơ, có thể chúng chưa biết được sự thấm thía của nỗi buồn mất cha, tuy nhiên chúng cũng mếu máo òa lên khóc mỗi khi mẹ nó nức nở. Để rồi từ đó, Quốc thà là tình nguyện đi hành quân chứ không bao giờ đi làm dàn chào cho bất cứ thằng nào trong đơn vị bị gục ngã. Có những lúc Quốc sống một cách vội vàng chẳng cần biết ngày mai, nhưng khi gặp người mình yêu thích thì lại rụt rè vì viễn ảnh của một tương lai không ánh sáng. Chỉ cần một viên đạn vô tình, hay một tai nạn bất ngờ, em sẽ trở thành một người quả phụ cô đơn. Cũng chính vì những sự mâu thuẫn trong tâm, cho nên Quốc đã bỏ lỡ cơ hội, đến khi biết được thì đã muộn, để rồi chỉ còn một sự nuối tiếc mà thôi. Sau cùng, em vẫn mãi mãi là một hòn ngọc trong sáng trong cuộc đời của Quốc. Một cuộc đời để nhớ, để thương, của một người trai chinh chiến thời ly loạn...

Đất nước chinh chiến lầm than,

Làm trai thời loạn sao đành làm ngơ.

Không gian là một ước mơ,

Non sông ước nguyện anh nguyền cưu mang.

Vì một lời thề chàng quyết lòng phải giữ,

Gửi tấm thân này cho đại cuộc ngàn năm,

Tổ quốc đang cần những chàng trai nhiệt huyết,

Con cháu tiên rồng không khuất phục hiểm nguy.

Chàng yêu non sông,

Chàng yêu đời quân ngũ,

Chàng yêu bạn bè cùng chiến hữu,

Chàng yêu hình bóng người em bé bỏng,

Chàng yêu người em gái hậu phương, người yêu của lính,

Chàng yêu những đắng cay, mặn nồng, bồng bột, rụt rè

Chàng yêu, chàng yêu nhiều lắm...

Chàng yêu tất cả, chàng yêu một khung trời kỷ niệm. Chàng yêu, chàng vẫn còn yêu đậm đà những hình ảnh ngày xưa đó... Nó sẽ sống mãi, nó sẽ sống mãi... và sẽ không bao giờ phai nhạt...

San Jose, CA. Mùa quốc hận 2009
Lạc Long Huỳnh Quốc Phú.
(Hiền nội edit)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn