BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77156)
(Xem: 63223)
(Xem: 40622)
(Xem: 32261)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người lên mặt trận

13 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1770)
Người lên mặt trận
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
12Vote
23


Chiếc tẩu thuốc gõ gõ lên hư không trong đầu tôi những âm thanh khô. Buổi sáng trắng những bụi nước, có thể một ngày đẹp trời và cũng có thể một cơn mưa bão. Những vũng nước trải mỏng trên sân lấp loáng trong gầm những chiếc xe không trùng trùng trong bến còn lại trong trận mưa đêm và những vệt ánh sáng mềm như sương trên bức tường trơn thẳng những mái cao. 6 kém 5. Chuyến xe đầu đã chật cứng hành khách đợi giờ chuyển bánh. Tôi bắt đầu nhận ra hắn trong mù mù tối hình người bẻ gập về phía trước, thở rất nhỏ lẫn trong tiếng máy nổ lẫn trong mùi thuốc ẩm. Chiếc tẩu lại gõ lên hư không trên một đốt xương lóng tay hay của một bàn tay lật úp. Hai bàn tay tôi run giá ngắt trong đôi găng ấm. Những giòng nước chảy ngoằn trên tấm kính xe trước mặt một quán nước như lật nghiêng, nhòe nhoẹt cổ quái và hỗn độn. Mọi chiều cao như thấp xuống và lớn ngang như treo trên một sợi dây mảnh không gốc ngọn. Tôi có thể nhìn thấy rõ gã đàn ông mặc đồ xanh đu đưa trong không khí chiếc ghế và hai chân gã khuất trong một giọt nước, một ông lão có chiếc mũi ở ngoài khuôn mặt. Nỗi tuyệt vọng tôi ở trong một giọt nước mỏng manh, trong ngực tôi hơi thở lặng lẽ của trái tim, sự sống tôi ở đó những người tàn tật chỉ mình tôi tưởng thấy. (Tôi đang thấy những sinh hoạt phía trước mặt qua tấm kính sũng hơi nước hay qua một ý thức điên rồ trên một chuyến xe sớm tất cả chỉ là những hình thức đáng thương). Bây giờ hắn bật lên một ngọn lửa vàng. Ngọn lửa cháy một thoáng bên vai trái tôi, chảy trong tấm kính trước mặt, chảy lên trong những kim khí sáng rồi tắt ngấm. Tôi nghe những tiếng bập bập và ngó lòng tay hắn đỏ óng mùi thuốc sặc sụa trong lòng xe. Một tiếng la lối đột ngột của người nào phía sau và tiếng máy nổ gừ gừ dữ dội, chiếc xe tách bến. Phố xá nhà cửa người ngợm và xe cộ tất cả như mặc một chiếc áo bong sương. Xe đã lên một dốc cầu. Những cơn gió đánh tạt vào mặt tôi những hạt bụi nước. Hắn đã ngủ? Chiếc tẩu thuốc gài trên túi áo ngực ưỡn về phía trước thoải mái trong tư thế ngủ ngồi quen thuộc, một cảm giác tê dại nửa khuôn mặt bên phải tôi, cơn gió phả vào trăm mũi kim rất nhỏ, một cánh tay hắn bỏ thõng hai ngón nhịp nhịp hư không. Tất cả đã ổn định, đời sống đã ổn định chốc lát trên ghế ngồi buông xuôi. Những cơn gió ù ù phần phật như chạm vào một vật cứng thổi trên một lá cờ, một cây phướn. Người ta bắt buộc phải đi và về và không chắc chắn gì về sinh mạng mình trên chuyến xe sớm này. Trăm nghìn cái bất hạnh có thể chờ đợi trên con đường bốn bánh cao su bon chạy. Xe đã ra hết khu ngoại ô ghé vào một trạm kiểm soát, những người lính hiện ra như những bóng tối nhạt (lục soát gì trên thân thể chúng ta mang theo? Điều đáng cười là họ sẽ không thể thấy những điều muốn thấy – dù là những thứ phản động), những cây súng lạnh lùng trên tay, những cây súng để lỏng trong bao da đã mở, sẵn sàng. Sắt thép mà. Cánh cửa xe phía tay mặt đã mở ra lần lượt tiếng dội mạnh vào thân xe. Một người cảnh sát có đôi mắt lộ sâu vì thiếu ngủ dướn lên nhìn trừng vào từng băng hơi thở cuộn như khói. Hắn hơi cựa mình về phía trước, lưng rời khỏi thành ghế, tay rút lên, tiếng máy gừ gừ một chút như một đoạn phim đã qua tất cả rớt lại phía sau như những tờ giấy. Phía đông trời ửng đỏ như máu tươi chảy từ vết thương còn mới loang trên những vùng xa tối thẫm, loang trên cây cỏ gần vũng nước có màu đỏ loãng. Bây giờ tôi có thể thấy hắn rõ hơn: một người lính. Một người lính của sắc phục, tầm vóc vừa đủ lộ một sinh động thông minh, tay những ngón xương xây xước, những vết thẹo thay da non, những sợi râu đen nổi thô bạo. Bụi nước đã loãng trong không khí cùng hơi lạnh, tấm kính trong, mùa gặt đã qua ở đây, đã qua thật rồi trong tâm trí, những gốc rạ bờ cỏ tươi cây dại hồn nhiên trong cảnh tượng xa lắc. Con lộ đen thẫm mềm nhũn một cảm giác lún tôi xuống sâu, những vỏ đạn đồng vàng óng trong vũng nước chùi sạch, những thửa ruộng cỏ hoang ngôi mộ mới. Xe đã qua bao nhiêu chặng đường, những chặng đường an toàn đã qua và tôi hiểu trong tôi những thứ gì đã hết. Ngoại cảnh vùn vụt trước mặt trong tâm trí tôi vần vũ. Hắn thức, không, nói theo một mình tôi hiểu, hắn không ngủ trong tư thế một giấc ngủ ngồi dửng dưng và tham lam, đôi mắt hắn nhắm lại chứa dấu dành dụm. Hắn không ngủ. Bàn tay hắn thức lăn trên mép ghế, đôi giày trận hắn thức cọ quậy, chà xát và hơi thở hắt ra bất thường chứng tỏ một xúc động mãnh liệt đang diễn ra bên trong. Một chút thất vọng nào đó chợt căng lên trong lồng ngực tôi dầy cộm, tức thở. Tôi đã thấy trong lòng hai bàn tay (ngón mềm mại) những vết chai rạn, đôi giày mòn nứt rách nhem nhuốc, hắn đã giẫm xéo chà đạp bao nhiêu thứ dưới chân hắn? Hắn đã bắn bao nhiêu đạn? Những bể nát, nứt rạn quanh đây hẳn không liên hệ gì thực tại này hết. Vẻ tàn nhẫn mê muội, lạnh lẽo trước nguy hiểm biến động hẳn lạ hoắc trong cái xã hội nhỏ bé trên xe này.




 Tiếng nổ lớn đột ngột rung chuyển của một viên đạn trái phá lan rộng âm âm trong không khí xô lắc những tàn lá cây mặt ruộng thẳng tắp những gốc rạ chợt dãn ra rồi co lại gợn sóng như một viên sỏi ném xuống ao nước tù đọng, âm thanh lao xao lanh canh của kim khí vụn dưới sàn xe âm vang suốt thân thể tôi tiếng rớt bể của khối thủy tinh. Tiếng súng đã đánh thức những mê muội thù hận một ngày: cuộc bắn giết bắt đầu và tiếp tục. Đánh thức cái số phận khốn nạn quanh tôi những sự sống câm nín nhẫn nhục dưới sức nặng truyền đời thảng thốt không dứt một ngày nào sẽ tan vào hơi thở của ngoại vật như ném trả một viên đất vào ruộng sâu, đá về núi, giọt nước về biển cả. Không kẻ nào cưỡng lại được. Nỗi tuyệt vọng từ đó đã nổ tung trong tôi những viên trái phá hiện tại, từ đó đời sống váng vất như những hình nhân, những tên múa rối không mặt mũi. Không còn ai nhớ được gì dù là trí nhớ mình. Xe như đùn lại một độ cong gấp trước tiếng lết của bánh cao su chà xát bỏng trên mặt đường, vẻ hoảng hốt của người tài xế và tiếng rú đồng loạt không kềm lại được trong cổ họng hành khách, chiếc xe khựng lại nhiều lần trước khi ngừng lại hẳn. Mọi người xô lấn túa ra, vật vã chới với như cơn lốc thổi tung trên đống lá khô cùng trong tiếng nổ gần sát bên tiếng thất thanh đau đớn, tiếng sắt thép chạm nhau bụi và đất, phía trước mặt, rất gần chắc đang xảy ra cuộc chạm súng.

 Mặt trời đã lên cao, những tia nắng nóng bật lên từ những mặt phẳng sáng bình yên, nỗi tuyệt vọng từ đó mỏng manh nhưng dai dẳng truyền đời trên lưng còn nặng trên đôi vai xây xước trong ngực mỏng trái tim không còn thở những số phận khốn nạn. Tôi lau mặt bằng chiếc khăn tay và quay lại chỗ ngồi. Tất cả cũng trở lại chỗ ngồi. Hắn vẫn ở đó tay quay một cây súng dửng dưng, hắn là cây súng hay cây súng đồng lõa, lạnh lẽo, mê muội, tàn nhẫn - một thỏi thép không nguy hiểm gì hết. Xe tiếp tục, cảnh tượng trước mắt thu gọn trong ô kính kéo lại gần như một miếng bia cứng mỗi phút mỗi đập vào mặt. Những cuộn khói đen cao đùn như chiếc nấm dưới chân những chấm li ti di động. Đã nghe thấy mùi thuốc súng trong không khí, mùi máu người lẫn cùng hơi đất ẩm rải rác dọc theo hai ven lộ những vỏ đạn còn mới như bốc hơi, những vết đạn cày sướt trên mặt lộ máu trộn lẫn với bùn đất và nước quánh sệt, một vài người lính đứng sững còn trong tư thế phòng thủ. Xe như ngừng hẳn lại khi vượt “mô” những cây, gạch ngói và đất bùn, phía trong họ đang tìm kiếm thu nhặt vũ khí của kẻ bại trận bỏ lại xác chết cũng được mang kiểm nhận tại chỗ để nằm vắt ngang ven lộ. Những tên ngu xuẩn cuồng tín đáng thương nằm kia tênh hênh trơ trọi với nỗi thù hận những giòng máu còn rỉ rả từ mỗi vết thương trên nước da vàng nghệ (những vết thương sưng lên từ khuôn mặt lời nguyền rủa phỉ báng). Những thân thể trần trụi, vạm vỡ, những bàn tay, những bắp thịt tạo dựng, đôi chân trần chắc nịch theo sau trâu trên luống cày, mùa gặt đã qua trong tâm trí thật rồi, đã phung phí những hạt thóc giống, đã phung phí máu xương. Tiếng xe cấp cứu ré thảm thiết ngọn cờ trắng chữ thập đỏ run phần phật gấp rút. Họ tải thương và thân xác các chiến hữu của họ chỉ còn thấy những đôi giày trận bê bết bùn đất lú ra đầu những chiếc băng ca cá nhân thân thể đã bọc kín không còn gì cả dù ước vọng của riêng họ. Hắn vẫn tiếp tục với cây súng quay trên tay những vòng vô nghĩa trong một tư thế không thay đổi đôi mắt như thèm ngủ mà không phải ngủ. Xe đã tới khoảng trống rộng (có thể thấy được chiếc tháp, tháp nhà thờ cao sáng bạc dưới nắng và những cơn gió ấm) bỏ lại máu và những xác chết cũng có gia đình quê hương và tuổi trẻ quả cảm. Một ngày nào cơn mưa lũ sẽ cuốn đi những vết máu bầm đọng tẩy rửa con lộ sáng trơn dưới nắng trong buổi sáng chợt rực rỡ khi thân thể họ đã thối rữa trong đất không còn chút dấu vết gì của hôm nay (còn chăng trong tâm trí chỉ là những hình họa thê thảm) như tuổi trẻ cùng mọi thứ khác chúng ta đã mất tuyệt vời như thả một nắm muối xuống biển mặn và tôi đang tiếp tục một đời buồn phiền, một đời sống trách nhiệm định đặt trong những công thức ước định và trói buộc như đã làm dấu sẵn bằng bút chì màu trên thời khóa biểu luồn trong tấm kính bàn làm việc ghi ngày nghỉ và ngày làm việc: 4 ngày ở đó và ba ngày nghỉ ở Sài Gòn. Ở Sài Gòn tôi có những bữa cơm đủ mặt nguời thân, những đêm no ngủ sưng mí mắt, những buổi chiều đi dạo thênh thang cuộc vui được ngưỡng mộ tán tụng để được thấy tuổi trẻ Kim quý. Khách quan chỉ như thế đó, tôi không dối gạt ai hết. Và mỗi buổi sáng, nhất định khi chui vào lòng xe chờ đợi chuyến xe đưa tôi xa thành phố bỏ Sài Gòn sau lưng bỏ đời sống tôi không thương yêu không thù hận. Tôi là tôi. Kim, hai mươi sáu tuổi, giáo sư, đẹp, gia đình trưởng giả, ngần ấy nhãn hiệu đủ cho tôi chọn được đời sống. Và cũng có thể nói Kim khốn nạn đủ rồi. Tôi không lừa gạt tôi được. Tôi đang ở giữa sự sống và cái chết, giữa nhân phẩm và sự chà đạp tột cùng. Người ta chỉ thấy tôi ở một bề mặt. Như bề mặt hiện tại, như tôi và hắn, những người đồng loại trong cái xã hội nhỏ bé trên xe này một định mệnh, chung một cảnh tượng một sự sống có thật nhưng đã cách chia đã chết cứng lạnh lẽo trong tuyệt vọng, cô đơn (điều tưởng như một hạt cát trơ trọi trong sa mạc mà có thật). Hắn vẫn tiếp tục những cử động vô ích riêng tư cho một mình hắn - Bập bập tẩu thuốc và chà xát nghiêng cây súng dọc theo hông thở và nhả khói xanh um, một mình hắn trên chuyến xe, nghĩ xa hơn nữa có thể một mình hắn trong tập thể đồng phục, một mình hắn trong cái xã hội đang chuyển động những cơn lốc lật sấp. Một người lính với cây súng trên tay thỏi thép không nguy hiểm gì hết. (Thỏi thép vô nghĩa có thể giết đi một mạng người, trăm người, nghìn người, có thể tàn phá nhà cửa, ruộng đồi cây cỏ và những sinh vật khác, hết thảy) nhưng thỏi thép không giải quyết được gì? Nỗi tuyệt vọng từ đó, tôi trôi nổi vật vờ trong một thế giới lạ mặt thù hận, tù đầy trong trạng thái mê tỉnh lố nhố những người chết bên kẻ sống như trên một màn ảnh ký ức mê muội và sáng suốt. Xe vào một khoảng đường hẹp, khô, cong (mặt trời đã cao đứng bóng) những tia nắng gắt lấp lóa nhọn hút những mũi kim cứng xuyên qua đầu xe và tấm kính trước mặt. Tôi che tay lên trán tránh một quãng đường hắt ngược ánh sáng chói lòa cành lá mọc chĩa dọc lộ phía tay mặt. Những nhà cửa mới cất (vách đất mái tôn) ấn cong xuống như trong một bức tranh trừu tượng nhức mắt, những đứa trẻ trần truồng nô giỡn trong sân đất nắng trơn trợt vô duyên không một cụm cỏ, bóng cây, những bà già gầy gò lùng nhùng trong bộ đồ màu sắc lạ mắt thất thần như những bộ xương bọc trong giẻ rách, những con chó cái lang thang, tất cả phơi bày dưới ánh nắng mặt trời, trước mắt tôi thấp thoáng một quê hương đang được thay thế bằng những thứ khác. Đời sống đang cho chúng ta những thứ hạnh phúc cay đắng. Như cô bác đang có nhà cửa, cơm gạo, áo ấm, như tôi đang có nghề dạy học cao quý, người lính có cây súng và quê hương, con ngựa có hai miếng da che mắt để nhìn về phía trước mặt và đi theo ý muốn của người xà ích. Người xà ích cho mỗi chúng ta…




 Tôi như bị bật ngửa ra sau trùng trùng tiếng va chạm kim khí rung chuyển của hàng trăm thanh sắt và rớt hẫng vào một khoảng trống không khi xe lên và đổ dốc cầu. Thấp thoáng những người lính ở trần bên những hầm phòng thủ nổi đắp bằng bao cát, những cây súng lớn lú đầu vào những lỗ châu mai trông xuống dọc ven sông và mặt lộ trống dẫn lên dốc cầu, dưới sông tiếng máy nổ ầm ĩ và mùi khói dầu bốc lên từ những giang thuyền lớn cuộn sóng ào ào những lời nói tắt trong gió và tiếng động, những người lính Mỹ phơi nắng trên những chiếc phao nổi tênh hênh trên mặt sông. Tôi nhìn ngang sang hắn nắng nóng trên tấm kính trước mặt và một nửa thân thể phía dưới. Bây giờ tôi có thể nghe lời xì xầm từ phía sau những hàng ghế (tôi ngồi ở băng đầu) và giọng ho khan của một người đàn bà có tuổi nào đó, người ta nói về sự mới có mặt của một đơn vị Mỹ tăng cường phòng thủ cho chiếc cầu này (chiếc cầu này đã bị giật sập hai nhịp cách đây mấy tháng một đơn vị công binh Mỹ sửa chữa xong rút đi và một đơn vị khác mới đến thay thế). Hoặc một vài câu chuyện phiếm lạnh lẽo về cuộc chạm súng vừa qua. Hắn trầm tĩnh bí mật như một con cọp ngủ giấu hết móng vuốt chỉ còn bộ lông. Tiếng nói đẩy từ một dĩ vãng mơ hồ những thảm họa lung lay thực tại chút hạnh phúc mỏng manh thổi tắt cái sinh khí chợt sáng lên những khuôn mặt lặng lẽ câm nín. Một chút giao động nôn nao trong tôi. Ông xuống đây, hắn búng hai ngón tay giữa và ngón cái vào nhau một tiếng khô khan. Ông xuống đây, hắn lắc lắc tiếp búng những tiếng nhỏ hơn, cây súng ở bên cánh tay mặt thõng xuống một trọng lượng, người tài xế tiếp tục nói một mình. Người tài xế có tuổi già trên tay bánh, hắn có cây súng, những người đàn bà vô danh trên xe có nỗi sợ hãi. Chiến tranh có trái mìn sửa soạn nổ trên đường dưới gầm xe, tôi có học trò, lũ học trò già yếu trước tuổi có sách vở, người lớn có quyền thế và lũ trẻ nhỏ èo uột có sự bất hạnh. Hết thảy chúng ta đều có hai miếng da trên mắt ngựa trên những thứ đang có.




Tôi là Kim giai cấp trí thức ưu đãi ở Sài Gòn, tôi là kẻ khốn nạn vật vờ trên xe, tôi là một thứ gì ở đó? Mỗi buổi sáng thức dậy làm công việc vệ sinh nhàm chán của một thân thể còn thở, tự tay pha một ly cà phê sữa nhấm nháp và ngồi vào bàn trang điểm trước khi đi dạy. Tôi phải trang điểm cho tôi một kiểu cách, một hình thức của một nữ giáo sư - của một giai cấp phải có (một cái bình yên còn sót lại trong cái quận lỵ nhỏ bé xơ xác sợ hãi nín thở trong chiến tranh). Tôi phải “kịch” với cục phấn trắng, “kịch” với bảng đen, “kịch” với lũ học trò lơ láo, “kịch” với đồng nghiệp và ngay chính tôi để cố giữ một thể thống nghề nghiệp, giai cấp.

 Tôi hiểu nhưng không thể làm hơn được. Tôi sống cho tôi hay cho họ lúc này thực không thể phân biệt. Buổi trưa về ăn một bữa cơm tập thể (nơi tôi trọ có 4, 5 nữ đồng nghiệp cùng trọ) ngủ chợp một giấc dửng dưng hay chỉ là một thói quen nhắm mắt (làm như ngủ) gửi tâm hồn mình đến một cõi khác đâu đâu, trở dậy làm vệ sinh, đi dạy, trở về ăn, làm vệ sinh, ngồi coi tiểu thuyết kiếm hiệp đăng trang trong nhật báo nơi băng đá sau vườn trông ra con sông nước mặn căng phồng (có thể một ngày nước rút cạn khô như xác chết một con rắn lớn thối rữa, tanh tưởi) hơi nước mặn thổi lên từ đó, bên kia sông con đường liên tỉnh nhìn nghiêng những khúc vặn cong lên bóng thẫm, một chuyến xe đò về muộn màu đỏ loang trên nền trời bầm dập, ở đó chuyến trực thăng mỗi buổi chiều trở về đổ quân và buổi sáng hôm sau lại đến đón đi, hai chiếc võ trang chúi xuống những vùng cây cối nghi ngờ ở xa, mười chiếc khác từ từ đáp xuống dọc theo lộ, hơi gió phát ra từ những chong chóng sầm sập như trận bão đè bẹp cây cỏ thổi bật lên bụi cát mù mịt, ấn cong những người lính xuống sát mặt đất, rồi tất cả nhẹ tênh vùn vụt chỉ còn những cái chấm trên cao, xa.




 Trang báo tôi đọc không biết bao nhiêu lần khi màu mực những giòng chữ đã lẫn vào đêm đen, phía bên kia sông những góc hình rõ rệt nhất cũng đã biến mất và thắp lên những chiếc đèn bão nhỏ treo trước cửa mỗi căn nhà (tôi tưởng tượng chứ không thấy) đu đưa lay động hiu hắt những vệt sáng lấp loáng trên sông. Và tôi trở vào mang tôi ném vào một góc tối nào đó mở mắt ráo hoảnh, tôi có thể thấy (cũng trong tưởng tượng) những đồng nghiệp của tôi đang ngồi làm việc chung một chiếc bàn rộng bên những tách trà ấm nóng, ngoài con lộ phía trước nhà, những người lính ngồi lắc lư trên những chiếc nón sắt khum mặt sụp xuống những đốm lửa đỏ rực trên môi, ba bốn tên đứng trước sân bật ngọn đèn pin nhỏ dí sát mặt vào bản đồ ánh sáng chạy quanh khu đóng quân đêm, một tên mang súng ngắn bên hông, một tên tì khuỷu tay trên giá súng chống ngược mũi súng dựng trên giày trận và nhất định sẽ có những tên ngủ ngồi đầu gục xuống hai cánh tay khoanh gọn tì trên hai đầu gối.

 Tiếng máy sè sè và lời chửi tục, tiếng lách cách kim khí của cơ bầm súng được kiểm soát lại đã lên nòng chưa. Họ đợi lệnh vượt tuyến xuất phát, cùng trong giờ khắc ấy những loạt đạn trọng pháo từ một căn cứ Mỹ ở xa bắn quấy rối yểm trợ Quận và các đơn vị bạn “làm ăn” đêm nổ rền âm âm, tiếng rung chuyển vang vọng gạch ngói, cửa kính thốn trong đầu óc tôi lùng bùng hai lỗ tai những trái đạn rớt gần. Tôi vẫn có thể thấy (vẫn trong tưởng tượng) vẻ vội vã hấp tấp cùng giọng khẩn thiết của tên mang máy kêu gọi các “thẩm quyền” của họ về họp tại Bộ Chỉ Huy Đại Đội.




 Tin tình báo từ B2/TRD cho biết có mấy trăm “bê bối” đang di chuyển từ “số nhà”… đến… Họ hò hét ra lệnh cho “con cái” phải thận trọng khi di chuyển và canh gác cẩn mật đặt thêm những toán “kích” “tiền đồn” báo động. Tên Đại Đội Trưởng nhỏ bé khôn ngoan, tên to lớn thẳng, tên cao ốm đen đúa lì lợm. Buổi sáng họ trở về xôn xao bên quán chợ mở sớm đợi chuyến trực thăng tới “bốc đi”.

 Tôi đã thuộc từng tên họ, quen từng mặt mũi, nhận ra từng giọng nói, thuộc từng tiếng “lóng” truyền tin thông thường sử dụng trong đơn vị họ từ cửa miệng của những người lính. Khi ném tôi vào một xó tối trong hầm trú ẩn đêm ngọn đèn dầu lung lay hắt dội những cái bóng lớn hơn người gấp bội cùng những tiếng rung chuyển nạt nộ sinh mạng mình. Tôi vẫn có thể tưởng thấy khuôn mặt những kẻ chết trong trận chạm súng S trong vụ tấn công C kẻ mất tích thuyên chuyển. Tôi thấy rõ như chính tôi đang sống đời sống một chiến sĩ.

 Tôi ngó ngang hắn một lần nữa khuôn mặt căm căm lừ lừ cặp mắt lớn phồng lên một cách đáng sợ những sợi gân xanh vằn trên thái dương mồ hôi sắp giọt một sự căng thẳng nào trong tâm trí hắn sắp sửa phựt đứt, một sự đột ngột kích động trong đầu óc chợt có khuôn mặt ấy biến dạng dị thường những sợi râu đen run trên cằm trên cánh tay cầm súng bắp thịt nổi phồng một trạng thái chuyển động tưởng tượng làm tôi chóng mặt, muốn nôn, tôi muốn la lên hay làm một cử động mạnh bạo để làm đứt đi sợi dây căng vô hình khó chịu giữa tôi và hắn ít nhất cũng là hai hành khách đồng loại trên xe. Hai má tôi nóng đỏ vì giận dữ hay vì cơn nắng cháy giữa trưa; một cơn gió chạy rất xa như một con ngựa vằn hất tung bụi trắng kéo theo những cây cành mềm lả ngọn.




 Hắn có cây súng, giá như lúc này, nếu được chết, cái chết của hắn được gọi là một chiến sĩ, chúng ta chỉ là nạn nhân. Có phải thực sự chúng ta chỉ là nạn nhân không? Chúng ta chỉ là nạn nhân đáng thương được chết trên quê hương bằng cái chết những giọt máu vô giá trị như súc vật đang làm nạn nhân cho sự tàn bạo con người.

 Tiếng súng đột ngột chát chúa ngay trên xe, người tài xế già hoảng hốt đạp thắng người xô về phía trước tôi cũng chúi về phía trước đầu va vào thành xe gượng lại một cảm giác đau điếng một vài tiếng rú lạc giọng phía sau rồi im bặt. Cây súng còn bốc khói nơi bàn tay hắn còn run rẩy trong một thoáng hắn như trút bỏ được lốt cũ vẻ mặt dịu lại xúc động trên hai viền mắt ửng đỏ một giọt nước mắt. Viên đạn bay sượt qua chân hắn xước một miếng da dòng máu đỏ và lỏng xanh.

 Xe lại tiếp tục chạy, tôi nghĩ đến số phận hắn, số phận những tên như hắn ngồi ở bãi đáp trực thăng, ngồi đợi đến phiên mình. Mỗi ngày vội thức dậy, vội uống một ly cà phê, vội ăn nắm xôi, vội đến tuyến xuất phát, vội đi, vội ăn một miếng cơm, vội ngủ giấc ngắn ở mục tiêu an toàn, vội sống từng ngày để vội chết. Trong tim óc họ phải có một điều gì muốn nói, thân thể họ phải có một chút gì của riêng, những thứ đó nín nhịn hoài trong ngực không thể thốt ra cửa miệng. Ông xuống đây, chiếc xe như khựng lại; ông xuống đây, chiếc xe ngừng lại hẳn.

 Hắn với tay tự mở lấy cửa loạng choạng khi hắn bước xuống mặt đất, quay đi, đôi vai rung trơn trượt trên bờ đất lún. Một vài lời tục tằn thô lỗ nguyền rủa khi xe tiếp tục chạy nốt quãng đường còn lại. Đồ điên khùng. Tôi thấy một chút xót thương hắn hay cho chính mình, nỗi tuyệt vọng trong chúng ta khởi từ những nín nhịn không thể thốt ra cửa miệng, không thể nói cho kẻ khác thấy cho nguôi vơi.


 Khi ngó xuống chiếc vỏ đạn đồng ong óng lăn lóc trên băng xe, tôi nghĩ đến hắn; thiếu gì kẻ còn ăn còn thở mà như đã chết, thiếu gì đời sống trong chúng ta như viên đạn được bắn đi vô tình hay cố ý chỉ còn chiếc vỏ như chiếc vỏ vô dụng kia. Và chuyến xe đưa tôi tới đó như một định mệnh du tôi gần về cái chết ở cả hai định nghĩa đều được cả.

Khoa Hữu

(Khởi Hành Số 18 ra ngày Thứ năm ngày 28 tháng 8 năm 1969)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn