BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77168)
(Xem: 63229)
(Xem: 40630)
(Xem: 32267)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một nền giáo dục bất khả

05 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1102)
Một nền giáo dục bất khả
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54

Chưa bao giờ mấy chữ “cải cách giáo dục” xuất hiện trên báo chí nhiều như hiện nay. Thậm chí Bộ Giáo dục còn đề ra cả một chương trình đầy tham vọng: đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.


Tuy nhiên, từ góc nhìn chủ quan của người viết bài này, dù là “đổi mới” hay “cải cách”, muốn gọi kiểu nào thì tùy, hay chỉ ngắn gọn là “giáo dục”, ở thời điểm hiện tại, đều là bất khả. Nếu cố tình tách giáo dục như một hiện tượng riêng biệt để sửa chữa, đắp vá, thêm thắt các chi tiết, thì không thể có cải cách, không thể có đổi mới, thậm chí không có cả giáo dục.



Tại sao bất khả?


Cách điều hành của nhà nước (trong đó có bộ máy của Bộ chủ quản là Bộ Giáo Dục), cách vận hành của bộ máy chính quyền, của bộ máy pháp luật (đã được đề cập đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, ở đây chúng tôi không đi vào cụ thể, và sẽ trở lại trong trường hợp sinh viên Nguyễn Phương Uyên) khiến cho mọi điều được dạy trong nhà trường đều có nguy cơ thành ra giả dối. Cách ứng xử hành động của chính bản thân giáo viên cũng khiến cho bài giảng của giáo viên thành ra giả dối. Vì thế, về cơ bản, hệ thống trường học ở Việt Nam hiện nay không thực hiện được chức năng giáo dục, chỉ thực hiện được chức năng cung cấp kiến thức, tức là chức năng đào tạo. Tất nhiên chất lượng của kiến thức, và chất lượng của đào tạo ở mức độ nào thì báo chí chính thống đã nói nhiều, các nghiên cứu về giáo dục cũng đã chỉ ra nhiều, bài viết ngắn này không nhằm bàn tới điều đó.


Trường hợp Nguyễn Phương Uyên: từ sự bất khả của nền giáo dục tới khả năng tự giáo dục của thế hệ trẻ




Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên đại học Công nghệ Thực phẩm, bị công an bắt đi từ nhà trọ hôm 14/10 với cáo buộc tham gia rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Quốc và chống tham nhũng.

Một năm trước, tại hội thảo “Văn chương lâm nguy của Todorov và các vấn đề về lý luận văn học” do Trung tâm nghiên cứu quốc học tổ chức, tôi từng phát biểu rằng nếu giờ đây (tức là vào thời điểm hội thảo) phân công cho tôi giảng một bài mà nội dung có liên quan đến lòng yêu nước thì tôi sẽ rất lúng túng. Quả thật là tôi sẽ giảng cho học sinh sinh viên như thế nào khi những người yêu nước bị đàn áp, bị đạp vào mặt, bị kết tội, bị tống vào tù hay vào trại phục hồi nhân phẩm? Hay tôi sẽ làm như không biết chuyện gì xảy ra, và lúc đó sinh viên học sinh sẽ nhìn tôi ra sao, bởi vì họ biết trong thực tế mọi chuyện đang diễn ra như thế nào? Dĩ nhiên, họ sẽ khinh bỉ tôi, họ sẽ xem tôi là kẻ hèn nhát, giả dối, và lúc đó tất nhiên tôi không đáng làm thầy của họ. Còn nếu họ nghe và không phản ứng gì trước sự mâu thuẫn trong bài giảng của tôi và thực tế, thì đấy là trường hợp đáng buồn nhất, bởi vì như thế thì tôi đã hoàn tất cái quá trình mà đúng nghĩa phải gọi là “ngu dân”, tức là khiến cho học sinh sinh viên trở nên trơ ỳ, mất khả năng nhận thức, mất khả năng phản ứng, và đấy là điều kiện khiến họ mất khả năng hành động. Lúc đó tôi sẽ hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà một quá trình giáo dục đòi hỏi, nghĩa là tôi thực hiện một quá trình phản giáo dục, tôi tự thủ tiêu tư cách người làm giáo dục của mình bằng cách đứng trên bục giảng và làm cho học sinh của tôi suy thoái về nhận thức và nhân cách, tê liệt khả năng hành động.


Nếu trên bục giảng tôi mở miệng ra giảng về lòng yêu nước, và trong thực tế tôi ra các văn bản cấm học sinh sinh viên có hành động biểu lộ lòng yêu nước, hoặc tôi chất vấn kỷ luật những sinh viên học sinh đã tự giác có hành động biểu lộ lòng yêu nước của họ, thì không những tôi trở thành biểu tượng của sự giả dối, mà còn trở thành điển hình cho quá trình phản giáo dục. Bởi vì giáo dục đòi hỏi sự làm gương. Người thầy phải là tấm gương cho học sinh sinh viên noi theo. Khi người thầy không còn gương mẫu nữa thì quá trình giáo dục chấm dứt, và khi người thầy trở thành mẫu hình cho những điều tồi tệ thì quá trình phản giáo dục bắt đầu. Sự suy thoái của giáo dục, theo tôi, có nguồn gốc một phần (và là phần quan trọng) trong sự suy thoái của bản thân người thầy. Khi người thầy chỉ còn hành động như những công cụ chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của chính mình, hay của chính quyền (cũng chẳng khác nhau bao nhiêu), thì giáo dục sẽ bị triệt tiêu.


Giáo dục đích thực hầu như trở thành bất khả trong một xã hội như xã hội của chúng ta. Giáo viên của chúng ta có thể nắm rất vững các kỹ năng nghiên cứu, thậm chí có thể có công bố quốc tế (dù rằng còn hiếm hoi), có thể tham gia các hội thảo quốc gia hay hội thảo trên thế giới, có thể công bố các công trình, giáo trình, sách giáo khoa… nhưng rất có thể sẽ không thực hiện được chức năng giáo dục. Giáo dục đích thực có lẽ chỉ còn tồn tại ở những lớp học tư nhân nơi thầy giáo dạy không lấy tiền, và học sinh, sinh viên, đến học vì đam mê, vì sự hiếu kỳ hay là ước muốn tìm kiếm những giá trị chân thiện mỹ đang bị tận diệt bởi chính bản thân bộ máy giáo dục. Giáo dục đích thực có lẽ chỉ còn tồn tại nơi các hoạt động vì cộng đồng, các tọa đàm, cà phê học thuật, các dự án nghệ thuật cộng đồng, các hoạt động vô vị lợi, miễn phí cho người tham dự, nơi mà những người tổ chức thực sự muốn phổ biến các tri thức và giá trị, và những người tham dự thực sự muốn tiếp nhận các tri thức và giá trị đó. Cá nhân người viết bài này đã không còn niềm tin vào những hội thảo được tổ chức hoành tráng, thậm chí có cả khách mời quốc tế. Và kể cả khi trong những hội thảo đó có những bài có giá trị, có những kiến tâm huyết và hữu dụng, thì đằng sau sự “thành công” không thể tránh khỏi của các hội thảo đó (vì một hội thảo không thể không thành công nơi các diễn văn bế mạc), các tư tưởng, các ý kiến hầu như chẳng bao giờ được vận dụng, được ứng dụng trong thực tế. Một sinh viên đã hỏi tôi câu hỏi này khi kết thúc hội thảo Khoa học xã hội nhân văn thời hội nhập: “Thưa cô, sau hội thảo thì sao?”. Tôi đã cố tìm cách chuyển câu hỏi này cho những người có trách nhiệm tổ chức hội thảo ấy. Và bây giờ tôi chuyển câu hỏi đó cho tất cả những hội thảo sẽ được tổ chức trong tương lai.


Phải đưa ra đây ít nhất một dẫn chứng cụ thể để tránh trở thành vu khống. Tình cờ tôi đọc được bài viết của GS Trần Văn Đoàn (Đại học quốc gia Đài Loan): Sự thiết yếu của tự do nghiên cứu, một tham luận nhân dịp Hội nghị Quốc gia về Liên kết hợp tác để phát triển giáo dục Đại học Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 10.10.2002. Tạp chí Văn hóa Nghệ An đăng lại ở đường link này: vanhoanghean.vn. Những ý kiến của GS Trần Văn Đoàn mười năm trước đây giờ nhắc lại vẫn còn nguyên giá trị của nó, thậm chí còn nguyên tính chất mới mẻ, bởi vì hiện thực hầu như không thay đổi. Có mấy ai nghĩ tới chuyện áp dụng những ý kiến đó? Thậm chí nhiều phương diện có thể còn tồi tệ hơn (chẳng hạn mười năm trước hiện tượng mua bán bằng cấp chưa đến mức tồi tệ như bây giờ, có lẽ cũng chưa có những liên kết quốc tế mang tính chất lừa đảo hạng nặng như bây giờ, Bộ trưởng Bộ giáo dục mười năm trước chắc cũng không nghĩ rằng hàng ngàn điểm 0 về môn sử là chuyện bình thường…). Và hãy nhìn xem những nỗ lực của GS Hoàng Tụy được đáp lại như thế nào bằng hố thẳm im lặng còn đáng sợ hơn mọi thứ hư vô, ở những người có quyền quyết định.


Có thể thấy gì hay cảm thấy gì từ trường hợp nữ sinh Nguyễn Phương Uyên? Sự bi quan có thể được gợi lên từ cái khoảng im lặng phản giáo dục của toàn bộ giáo giới (ở đây đương nhiên phải loại trừ một vài cá nhân nhà giáo riêng lẻ đã lên tiếng hoặc đã ký kiến nghị đòi trả tự do cho Phương Uyên). Nhưng sự bi quan còn khủng khiếp hơn khi những người làm giáo dục ở Đại học Công nghệ Thực phẩm TP HCM không im lặng nữa mà hành động. Các thầy giáo đã hành động bằng cách “tạo áp lực và yêu cầu những sinh viên có tên trong danh sách ký tên gởi thư cho Chủ tịch nước mỗi người phải viết cam kết là không có viết lá thư gởi cho chủ tịch nước và không có ký tên. Xong rồi nộp lại cho nhà trường, nhà trường sẽ cử đại diện giao lại các bản cam kết đó cho chủ tịch nước” (Tôi trích nguyên văn thông báo của họ đăng trên diễn đàn Dân làm báo). Tất nhiên, đấy là hành vi phản giáo dục tột độ. Toàn bộ ý nghĩa của giáo dục bị thủ tiêu bởi hành vi đó. Ý nghĩa của giáo dục bị thủ tiêu bởi chính những người làm giáo dục. Dĩ nhiên đằng sau họ là toàn bộ cỗ máy điều hành xã hội này.


Hành động của sinh viên Nguyễn Phương Uyên và phản ứng của nhóm sinh viên trường Đại học CNTP TPHCM chứng tỏ một xu hướng khác, một xu hướng khiến cho những người bi quan nhất cũng có thể thay đổi thái độ, đó là: khả năng tự giáo dục của thế hệ trẻ, khả năng tự nhận biết phải trái, đúng sai, khả năng hành động theo lẽ phải, theo tiếng gọi của lương tri; cho dù đôi khi họ phải chứng kiến lẽ phải và lương tri bị hủy diệt bởi chính thầy cô của họ.


Hy vọng rằng, kể cả khi đơn thư cầu cứu của họ không được hồi đáp, kể cả khi họ phải chịu áp lực từ phía nhà trường, từ phía Đoàn thanh niên (như họ thông báo), thì họ vẫn biết cách tự cứu mình. Hy vọng rằng lớp trẻ ngày nay, không chỉ riêng nhóm sinh viên trường ĐHCN, mà thế hệ trẻ của đất nước này, biết đánh giá khả năng của chính họ, biết tự hành động, và không lệ thuộc, không trông chờ một cách thụ động vào sự cứu giúp đến từ bên ngoài, nhất là không trông chờ vào sự ban ơn. Hy vọng họ biết trông chờ vào chính họ, hiểu rõ các quyền của họ và biết tự bảo vệ các quyền đó. Họ chỉ có thể cứu vãn được đất nước này khi họ biết cách tự cứu mình, khi họ biết trông chờ vào chính mình.


N.T.T.H.


Theo BVN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn