BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gặp gỡ và cảm nhận

25 Tháng Bảy 200712:00 SA(Xem: 785)
Gặp gỡ và cảm nhận
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
“ Chúng tôi xấu hổ vì Việt Nam có ĐCS, chúng tôi tự hào vì Việt Nam có Nguyễn Vũ Bình”. Bỗng nhiên xuất hiện ở đâu đó dòng chữ kể trên khi tôi đang ngồi trên xe bus. Phải rồi! tôi đã đọc nhiều lần giòng chữ này trên Doithoai mỗi khi trang website hiện ra. Không biết từ bao giờ, dòng chữ đã xuất hiện trong chiếc khung, chiếm nửa trang ở phần đầu, rất trang trọng và thách thức; nó chỉ được gỡ xuống vào ngày Nguyễn Vũ Bình, người cựu phóng viên nổi loạn của tạp chí Cộng sản được trả tự do sau hơn 5 năm bị tước đoạt phi pháp.

Giở lại sổ tay để nhìn lần nữa địa chỉ của tư gia Nguyễn Vũ Bình mà thấy trắc trở cho những ai mới đến đây lần đầu. “26/30/349- Minh Khai” là một hàng số biết nói. Nó là số nhà, số ngách, số ngõ theo cách bài đặt của chính quyền Tp Hà Nội. Với những con số ấy, người ta đã biết đây là một khu nghèo trong nhiều khu nghèo của thủ đô Hà Nội, một Hac- lem của nước Mỹ mà những năm 60-70 của thế kỷ trước báo chí Việt Nam bêu riếu tượng trưng cho nước Mỹ nghèo khổ, phân biệt chủng tộc...

Tôi chưa đến nước Mỹ, chưa biết khu Harlem, nhưng tôi nghĩ nếu Nguyễn Vũ Bình được ở trong khu Harlem của một đất nước tự do, nhân quyền và sung túc kia chắc chắn tuy là người nghèo của nước Mỹ nhưng anh là người giàu so với người dân của đất nước hình chữ S có dòng chữ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”dưới Quốc hiệu “ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và, cái quan trọng bậc nhất là không bị lao tù hơn năm năm chỉ vì lá đơn xin thành lập hội chống tham nhũng và đảng Tự do Dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp. 

Bốn lần hỏi đường, cũng số lần tương tự phải quay ngắt đôi chân một góc 90 độ theo những con hẻm hình ống, thấy không biết bao nhiêu dòng quảng cáo miễn phí nghuệch ngoạc bằng đủ màu sơn: “ Khoan cắt bê tông, Hút bể phốt, trung tâm gia sư …” trên tường mỗi khi nhìn lên để tìm số nhà, tôi mới bước đến được cánh cổng sắt dẫn vào cửa nhà anh qua một cái sân nhỏ và hẹp.

Chị Bùi Thị Kim Ngân mở cửa, mỉm cười chào khách. Người chị nhỏ, hơi gầy, khuôn mặt trầm lặng dấu ấn của những năm tháng chịu đựng. Tôi bỗng nhớ lại khuôn mặt của vợ bác Sỹ Phạm Hồng Sơn. Có một tinh thần nào đó chung nhau trên khuôn mặt của hai người phụ nữ cũng gần nhau về mặt tuổi tác này. Có sự liên thông nào đó giữa hai phụ nữ trẻ, mỗi người một đầu Hà Nội khi có hai người chồng chung một chí hướng và cùng bị đoạ đày trong lao tù cùng một thời điểm?

Tôi theo chị Bùi Thị Kim Ngân lên gác bằng đôi chân chậm rãi, đôi chân tiếp nhận đầy đủ những cảm xúc từ trái tim một nhà văn. Những câu thơ tôi viết vào cái đêm được tin anh ra tù vang lên trong trí nhớ:

“ Có một người hôm nay bước ra

bỏ lại sau lưng nhà tù cộng sản…”

Đúng như vậy! Vào buổi sáng ngày 9/6 năm 2007, sau bao nhiêu áp lực được tạo ra từ phong trào đấu tranh đòi tự do cho anh của anh em, đồng chí, đồng bào trong và ngoài nước, các Tổ chức, Chính phủ, Quốc hội dân chủ tiến bộ… và nỗi nhục lấy công dân nước mình mặc cả đồng USD từ “giai cấp tư bản xấu xa đang giãy chết” của một chính quyền đang kêu gào hoà nhập vào thế giới tiến bộ, Nguyễn Vũ Bình đã bước ra trong niềm kiêu hãnh:

Địa vị

tiền bạc

thua một con người

 của dân

của nước

 

 “ Bạo quyền

 ngục tù

súng đạn

 thua một con người

 nhận chân thiện ác”

Để trở lại với gia đình và phong trào dân chủ đã thiếu anh trong hơn 5 năm đầy biến cố.

Nguyễn Vũ Bình bước xuống đón tôi ở lưng chừng cầu thang dẫn lên gác hai. Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh. Hơn năm năm trước khi nghe tin anh bị án 7 năm tù, chúng tôi coi đây là cú đòn của Stalin dành cho Trosky, của Mao Trạch Đông dành cho Chu Ân Lai. Nguyễn Vũ Bình không trong tầm này, nhưng anh từng làm việc trong một tạp chí quan trọng của Trung ương đảng. Những nhà lãnh đạo đảng cộng sản dù bất cứ ở quốc gia nào cũng đều được nhận ra bởi “tinh thần cách mạng tiến công” bằng những cú knock out có sức nặng khác biệt vào các “đồng chí tạo phản”. Nhưng cái giây phút đứng trước vành móng ngựa dõng dạc tuyên bố: “tôi không có tội” và không chịu ký vào bản án hơn 5 năm trước của anh, lại là những phút đang quan sát, nhìn nhận của tôi. Tôi đã không ở bên anh dù lúc đó trong giới văn nghệ sỹ đã có Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, đã có lời nhắn gửi tha thiết của Nguyễn Minh Châu: “ làm thằng nhà văn mà không đấu tranh cho tự do dân chủ của nhân dân…”. Nhưng muộn còn hơn không, tôi cũng đang bước đi trên con đường có công an chìm đứng canh để đến với anh cũng như với Phạm Hồng Sơn, Nguyễn khắc Toàn vào năm 2006.

Tôi ôm lấy Nguyễn Vũ Bình. Có người nói rằng người cùng giới ở phương tây không ôm nhau để biểu thị tình cảm. Mặc họ. Tôi đã ôm Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn với nhiều cảm xúc hơn mà họ đâu có bối rối! Nếu bỏ qua cái sự phục vụ sai đối tượng vì nhầm lẫn của tác giả nọ thì câu thơ: “ Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt” có thể đúng với cảm xúc của tôi vào thời điểm này. Nhưng nước mắt của tôi không ứa ra như lần ôm lấy Phạm Hồng Sơn, Nguyễn khắc Toàn cuối năm 2006. Tôi đã quen với những con người chịu cảnh lao tù trở về và tiếp nhận ở họ tinh thần sắt thép.

Chúng tôi ngồi xuống chiếc chiếu trải giữa căn gác nhỏ. Ánh nắng xuyên từ cửa sổ chiếu thẳng vào phần vai và một bên má Nguyễn Vũ Bình. Tôi nhắc anh hai lần, hai lần anh di chuyển vị trí, nhưng thật lạ, dăm bảy phút sau trên vai và má anh lại vàng rực mảng nắng gay gắt của đợt nắng bức thượng tuần tháng 7 Hà Nội. Chúng tôi cùng cười khi nhanh chóng nhận ra cả hai lần chuyển vị trí thay vào hướng nghịch, anh lại di chuyển theo hướng thuận với ánh nắng sắp chiếu tới. Sau chuyến đi Mỹ của ông thủ tướng đương thời Phan Văn Khải, nhiều nguồn thạo tin cho rằng Nguyễn Vũ Bình sắp được thả. Nguồn tin này rầm rộ một thời gian rồi lắng xuống. Trước tết Đinh Hợi 1 tháng, nguồn tin anh sắp được thả lại rộ lên. Người ta đoán già đoán non rằng anh sẽ được thả trong kỳ ân xá tết Đinh Hợi để kịp về sum họp tết với gia đình. Bạn bè nín thở chờ đợi. Nhưng danh sách ân xá đợt này vẫn không có anh. Chị Bùi Thị Kim Ngân xem Ti-vi phát cảnh những người tù được ân xá tươi cười ra khỏi cổng nhà tù mà đau đớn vì bất lực. Đúng lúc ấy ở trong tù Nguyễn Vũ Bình ốm nặng. Anh chống chọi với bệnh tật một phần, chống chọi với nỗi tuyệt vọng phần hơn. Nhìn cơ thể hiển thị rõ nét bệnh cao huyết áp, bệnh tháo đường của Nguyễn Vũ Bình, tôi tưởng tượng ra cảnh anh bị nhà tù Nam Hà bỏ rơi, nằm vật vã suốt đêm vì tức thở, đau ngực vào những ngày tết Đinh Hợi và tiếng kêu xé lòng truyền qua đài RFA từ đâu đó ngoài bức tường nhà tù hoặc trong căn nhà cô đơn của mẹ con chị Bùi Thị Kim Ngân, trong lúc người dân Hà Nội đang chọn mua đào tết ở chợ hoa. Nguyễn Vũ Bình không kể nhiều về đề tài lao tù. Hình như anh đã coi lao tù là một phần thân phận của người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền trong chế độ độc tài ở bất cứ đất nước nào.

Nhưng giọng nói của anh đã khoẻ khoắn hơn, khác hẳn ngày mới ra tù mà tôi nghe được qua làn sóng điện. Anh kể mỗi lần phải tự làm bản kiểm điểm về thái độ học tập cải tạo, anh đều viết: tôi không có tội! Những ngày cuối cùng trước khi bắt buộc phải trả tự do cho anh vì chuyện đánh đổi kinh tế và quan hệ với Hoa Kỳ người ta còn sắp đặt hành vi đánh lừa dư luận trong và ngoài nước bằng cách gạ anh viết đơn nhận tội để gán vào lý cớ ân xá. Anh lại viết “tôi không có tội, đề nghị được thả để về nhà chữa bệnh.” Viên phó giám thị đọc đơn của anh và lắc đầu. Hẳn ông ta thất vọng khi không làm tròn nhiệm vụ. “ Anh viết thế này thì chúng tôi xét thả anh làm sao được?” Quả là số một! Không thể có nhà cầm quyền thứ hai nào trên thế giới này biết che chắn nước cờ phải đi đến từng chi tiết tháu cáy như vậy. Chắc chắn rằng ở các nước đàng hoàng, thả là thả, làm sao có chuyện phải thả vì lý do A, nhưng gạ gẫm người tù xin ân xá (lý do B) để lu loa rằng đã thả vì lý bo B “Đây này! Chúng tôi thả Nguyễn Vũ Bình vì tù nhân này cải tạo tốt, đã nhận tội và xin ân xá! Ai bảo vì chủ tịch Nguyễn minh Triết chúng tôi sắp qua Mỹ.” Và dù không có gì để chứng minh việc nhận tội và xin ân xá của Nguyễn Vũ Bình, khi phải trả tự do cho anh, người ta vẫn chỉ thị truyền thông trơ tráo mà rằng: “ Do tù nhân Nguyễn Vũ Bình đã…; đã…Trên tinh thần nhân đạo, nhà nước quyết định thả Nguyễn Vũ Bình trước thời hạn”.

Tôi còn nhớ sau ngày ra tù, trả lời phỏng vấn của một cơ quan truyền thông quốc tế Nguyễn Vũ Bình nói anh sẽ nghỉ ngơi một thời gian, chữa lành bịnh…và tìm hiểu, vì hơn 5 năm tù anh không có thông tin… Người nghe nào mà không hiểu rằng anh cần một thời gian, một độ lùi cần thiết… Nhưng chỉ hơn một tháng sau, cụ thể là ngày 16/7/ anh đã cùng cụ Hoàng Minh Chính công bố lá đơn xin thành lập “Hội những người bảo vệ các nguồn viện trợ nước ngoài tại Việt Nam”. Theo Nguyễn Vũ Bình, dân chủ, nhân quyền không phải chỉ là những mục tiêu mang tính chiến chiến lược to lớn mà còn là những vụ việc cụ thể, là những hành động mang tính ứng đối trước những sự kiện đang xảy ra, trong mỗi giai đoạn cụ thể. Đến nay chưa người dân nào được biết nhà nước ta được thế giới viện trợ không hoàn lại bao nhiêu cho các công trình phúc lợi, dân sinh và nhà nước này nợ bao nhiêu? Các đồng ngoại tệ kia đã được sử dụng ra sao; Bao nhiêu hữu ích, bao nhiêu lọt vào túi các quan tham?. Vì cơ chế, ĐCSVN không thể chống được tham nhũng nói chung, càng không thể chống được thất thoát khi sử dụng các nguồn vốn từ bên ngoài; và việc thành lập một tổ chức giám sát và chống thất thoát trong sử dụng viện trợ nước ngoài tại Việt Nam, có sự cộng tác, giúp đỡ của các Chính phủ và các định chế tài chính quốc tế là vô cùng cấp bách.

Tôi nghe anh nói. Không có thể bổ sung gì thêm vào dự định của anh vì những điều anh trình bày là đầy đủ và thuyết phục. Tôi gợi ý rằng ĐCSVN, chính phủ Việt Nam có chuẩn y cho anh; thay vì họ sẽ đưa anh vào tù lần nữa với tội danh “ lợi dụng quyền tự do dân chủ, núp dưới chiêu bài lập hội để chống phá nhà nước XHCN…”?

Ôi! Nếu một nửa dân tộc ta ở Miền Nam nhận chân chủ nghĩa cộng sản sớm hơn và một nửa dân tộc ta ở miền Bắc nữa không quá cả tin thì chúng ta đã có phần phía Nam đạt đến tự do dân chủ trọn vẹn và cường thịnh như Nam Hàn để con đường đi đến thống nhất đất nước và tự do dân chủ là con đường của nước Đức chứ không phải con đường bước qua thi thể đồng loại. Số kiếp nào đã đẩy cả dân tộc ta vào tay chủ nghĩa cộng sản dai dẳng tận đến ngày nay và mặc dù đã biến tướng vẫn là một chế độ độc tài toàn trị? Số kiếp nào của chung dân tộc mà đẩy riêng những Nguyễn khắc Toàn, Phạm hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Tấn Hoành, Trần Khải Thanh Thuỷ, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyễn, Trần Quốc Hiền, Dương Thị Tròn, Lê Văn Sóc .v.v…phải chịu vòng lao lý? Chiều qua gặp Phạm Hồng Sơn, giờ đây ngồi trước Nguyễn Vũ Bình, tôi có thêm câu hỏi: Mục tiêu nào lớn hơn mục tiêu tự do cho hơn 80 triệu con người để những bậc cha chú chia nhóm, chia phe, làm tổn hại nhân cách nhau, hạ thấp uy tín chính trị của nhau khi cùng đi chung con đường lên Núi Sọ?

Hai giờ đồng hồ là đủ cho hai người đã biết trước không có nhiều thời gian dành cho nhau. Tạm biệt Nguyễn Vũ Bình. Anh đã ra tù, đã trở lại, tạm biệt Bùi Thị Kim Ngân và đứa con gái ngoan ngoãn kháu kỉnh của hai anh chị. Chúng ta cùng kiên nhẫn chờ đón những người còn lại, chúng ta có chính nghĩa và đủ kiên nhẫn để cùng dân tộc đi đến tương lai tươi sáng.

Hải Phòng ngày 24-25 tháng 7 năm 2007

Nguyễn Xuân Nghĩa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn