BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đi làm khán hộ công

05 Tháng Năm 200012:00 SA(Xem: 888)
Đi làm khán hộ công
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Theo chiết tự và ngữ nghĩa; “Đài” chỉ nơi để đấu võ, biểu diễn tài năng. “Loan” là vịnh biển, khúc quanh. Trước và sau năm 1949, Loan đảo vẫn được coi là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Dân khẩu Đài Loan đa số là người Phúc Kiến, Triều Châu cùng một số ít Quảng Đông, sau cuộc đại bại của Tưởng Giới Thạch, di cư. Phần lớn là những phú thương, tài phiệt khét tiếng một thời. Li khai khỏi lục địa, vây bọc bởi đại dương, tài nguyên hết sức nghèo nàn, phải dựa vào ngoại viện (chủ yếu từ Mĩ quốc), trở thành một trong bốn con rồng Châu Á không phải là điều ngẫu nhiên, nếu nơi đây không thực sự là một “đấu trường”, một “khúc ngoặt” đầy thách thức. Người Đài đảo tự hào mang giòng máu Trung Hoa đậm hơn người Đai Lục, và có một thứ sỉ : dù nghèo đến mấy cũng không làm nghề đi ở. Những năm trước quốc gia cung cấp người đi ở ( khán hộ công) cho Đài Loan là Thái Lan, Indonesia, Philippin. Kinh tế Thái Lan khá lên. Lượng phụ nữ ra nước ngoài làm Ô-sin giảm. khoảng 40% dân số hai nước còn lại theo đạo Hồi. Vài năm trở lại đây, hành vi bạo lực của các tổ chức Hồi giáo cực đoan khiến nhiều quốc gia lo ngại. Người Đài Loan nhìn sang Việt Nam. Người Việt Nam đón nhận. Với các nước trong khu vực, nghề khán hộ công quốc tế nhập khẩu vào nước ta khá muộn. Một thời gian dài ta không chấp nhận ngay cả trong nội địa. Nên bây giờ lúng túng, thiếu kinh nghiệm...

Dù được chỉ dẫn khá tốt, khó khăn lắm chúng tôi mớ tìm đúng người. Trên vỉa hè dài gần 3 cây số đường Bạch Dằng thành phố Hải Dương, phía bờ sông, có hàng tá xe ép nước mía mà chủ nhân là phụ nữ ở độ tuổi người chúng tôi cần tìm. Chúng tôi gọi đồ uống. Kêu cô chủ quán bằng cháu do tuổi tác, do khuôn mặt dễ mến, đôi mắt thông minh và nhiệt tình chào mời vừa đủ. Chúng tôi không có một thứ chứng chỉ, không mang theo cả căn cước. Chỉ mang theo một thôi thúc được gặp và nghe chuyện của chính người trong cuộc.

Không ở đâu có nhiều phụ nữ sang Đài Loan làm nghề Ô-sin như ở Hải Dương. Ngõ, phố, làng nào cũng có. Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng (VIETRACIMEX) Bộ giao thông Vận tải là một trong số nhiều doanh nghiệp được phép ký hợp đồng cung ứng lao động “ giúp việc gia đình” cho thị trường Đài Loan. Đơn vị con của Tổng: Công ty xuất khẩu lao động và Dịch vụ Sao Vàng vừa tuyển ở Hà Nội, các tỉnh lân cận, vừa ủy thác cho Trung tâm Tư vấn – Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương tuyển mộ vùng duyên hải. Từ tháng 7- 1999 đến tháng 4- 2000 hàng trăm chị em phụ nữ tuổi từ 25 đến 45 đã tới đây đăng ký. Không dưới 300 người đạt tiêu chuẩn đã được xuất khẩu sang Đài Loan hành nghề. Người đi nhiều tỉ lệ người bỏ cuộc càng nhiều.

Chúng tôi “ vô tư” đọc to một mẩu tin viết về những người Ô-sin vỡ mộng trở về trong báo An ninh Thủ đô. Quán vắng. Đối tượng kéo ghế ngồi cạnh lắng nghe. Bị bài báo kích thích, cô ta buột miệng:

- Chỉ đúng phần nào thôi hai chú !

Chúng tôi vào chuyện. Cô là Bùi Thị Kim Phượng, 32 tuổi. Trú tại số 4 ngõ 83- Bạch Đằng. Nhập cảnh vào Đài Loan ngày 21-1-2000; phá hợp đồng về nước ngày 21-2-2000.

- Báo chí thông tin một chiều. Chỉ hỏi các công ty môi giới làm sao biết hết được! Họ viết chị em chúng cháu bị trả về vì không biết sử dụng thiết bị gia đình hiện đại. Với nhóm Ô-sin người nông thôn thì cháu không biết. Với nhóm người thành phố thì không đúng! Mặt khác, người nhà quê ra ở cho người thành phố. Người nước nghèo đi ở cho người nước giàu. Chưa sử dụng thành thạo thiết bị gia đình. Chưa hòa nhập ngay được lối sống văn minh, phải chỉ bảo là lẽ đương nhiên. Muốn tốt ngay sao người Đài Loan không thuê người Mỹ ?

Chúng tôi cười. Quả là sắc sảo. Sau này biết Phượng đã tốt nghiệp PTTH. Nếu vào thành phần “con ông, cháu cha” có thể cô đã sang Đài Loan với tư cách khác chứ không phải khán hộ công. Để bây giờ bán nước mía vỉa hè sau khi đã phát tán 35 triệu vay của hiệu cầm đồ gần nhà. Theo nhìn nhận của Phượng và thực tế ở Hải Dương, không phải tất cả số Ô-sin bị buộc về nước đều chung lý do “ không đáp ứng được yêu cầu”. Cũng có nhiều người phải về vì công việc quá sức; vì những chuyên cực kỳ vớ vẩn, do ngôn ngữ, tập quán bất đồng; vì không may vào nhà chủ khó tính hoặc không tốt.

Qua lời kể của Phượng, chúng tôi hiểu ra những khó khăn của phụ nữ ta sang Đài Loan làm nghề Ô-sin. Học tiếng Trung Quốc cấp tốc từ 2 đến 3 tháng. Không nhớ nổi 100 từ. Chỉ mới đọc được chữ qua phiên âm Latinh. 24/24 giờ làm việc, sinh hoạt trong phạm vi nhà chủ; lại thường kín cổng cao tường. Có người sang 2, 3 tháng vẫn chưa một lần được ra khỏi nhà.

- Trong nhóm Ô-sin người Hải Dương có đứa bị cưỡng bức. – Phượng kể- Chủ nhà xếp nó ngủ chung phòng với bố đẻ của ông ta. Ông cụ này đã 70 tuổi. Nửa đêm ông cụ mò sang giường nó sờ soạng, xé rách của nó cái áo len. Nó không chịu, dọa dí điện vào người tự tử. Nó mang cái áo len đến Công ty môi giới tố cáo. Đòi về. Người ta dọa nếu làm ầm ĩ lên sẽ để lại. Nó đành nhận một lý do khác để được về nước.

Chúng tôi dần để lộ ý đồ. Phượng cáng kể càng hăng. Nhà cô đây ! Cô còn bán nước mía ở đây hết mùa hè ! Cô chịu trách nhiệm lời kể. Muốn gặp bạn cô, cô sẽ chỉ. Nhóm Ô-sin nội thành Hải Dương thống nhất giữ kín chuyện. Không hiểu sao vẫn rò rỉ. Vợ chồng nó đang lục đục ra tòa. Anh chồng tâm sự với bạn “ Thà biết trắng ra còn chịu được !”.

Tìm đến địa chỉ Phượng mách. Một căn gác nhỏ lặng ngắt. Quãng 10 giờ. Nóng dễ đến 33-340C. Cửa lớn, cửa sổ căn gác kín mít. Chúng tôi bấm nhau quay xuống.

Chúng tôi đến số 3 phố Yết Kiêu. Bình thường như mọi căn nhà khác. Như không phải vừa trải qua một cơn lốc Ô-sin. Phần tiền nối thêm nửa chái làm nơi sửa chữa xe máy. Bốn, năm chiếc xe đang dựng. Một tốp thợ quần đùi, quần soóc đang làm việc.
Chồng chị Phạm Thị Dung ngán ngẩm nói:

- Cửa hiệu là của ông anh. Vài tháng nữa các anh đến đây chúng em đã “biến xới” vào ngõ.

Hai vợ chồng chị Dung về chế độ 176* vào năm 1990. Từ đó không có việc làm cố định. Gặp cái gì hợp khả năng hợp sức thì làm. Thu nhập phập phều. Nghe đồn đi “ lau nhà, rửa bát, quét chuồng xí” cho người Đài Loan cũng được 1 tháng hơn 500 USD. Thế là cho vợ đi. Vay 35 triệu. Lãi món 2%, món 2,5% trong số 37 triệu tổng chi. Anh chồng nhìn vợ ngồi thừ như tượng, pha trò:

- Hôm liên hoan chúng em giết 5 con gà. Cho chúng thành 5 con Phượng. Mình thành triệu phú. Bây giờ bán nhà trả nợ. Lỗ như buôn to bán lớn. Như xóc đĩa.

Chị Dung đưa chúng tôi xem một số giấy tờ còn giữ được. Chị nhập cảnh vào Đài Loan ngày 12-2. 2000, Khứ hồi ngày 19-4-2000. Là người ở Đài Loan được lâu nhất trong số bị trả về ( đến thời điểm hiện nay). Chị thuộc quân của Trang Tiên Sinh, người Đài Loan quốc tịch Mỹ. Ông Trang đã ở Hải Dương nhiều lần, nhiều ngày. Ăn ngủ đơn giản như người Việt. Để tự mình lựa chọn khán hộ công. Tính ông vui vẻ hào phóng ( ông biếu mỗi chị em 1 cái bút bi mang từ Đài Loan sang) khiến chị em nào cũng muốn được đi theo thành phần của Công ty Đông Nam Á. Chị kể:

- Ngày 16-2 em chính thức nhận việc. Nhà chủ ít phòng, ít người nên cũng nhàn. Mừng lắm! Bắt đầu từ ngày làm thứ tư bà chủ đưa em sang làm thêm cho một nhà khác nữa, rồi một nhà khác nữa... Cứ thế, bốn nhà tất cả. Em quay một vòng như đèn cù. Sáng dậy từ 5 giờ; 12 giờ đêm mới về lại nhà chủ chính. Họ lên lịch cho em. Mỗi ngày làm 2 nhà. Làm xong bên này trở lại bên kia thì cách một ngày, nhà không lau, quần áo không giặt, chậu vợ, chậu chồng, chậu con đầy chặt. Hôm sau sang nhà khác lại cảnh ấy. Ban đầu, em nghĩ mình làm như thế này thì được 4 lần lương. Sau tự suy luận người ta không thể trả cao như thế. Có thể 2 nhà một xuất. Không ngờ đến tháng vẫn ngần ấy tiền. Lại hi vọng người ta trả thêm ít nhiều bằng hình thức tiền thưởng cho mình trốn thuế thu nhập. Lại vỡ mộng...

Em đã 42 tuổi rồi mà ngày nào cũng nghĩ đến ăn- chị nói tiếp- Ước được ăn như trẻ lên 5. Nhìn trộm họ ăn trái cây. Xấu hổ quá tự nhủ: Làm! Đừng nhìn! Sau lại phải nhìn. Một tuần họ chỉ ăn 3 bữa cơm ở nhà. Nghĩa là em được ăn theo 3 bữa. Trước khi đi bà chủ đong bột mì cho em trộn nước, nhào nặn thành những viên to như quả vải, đưa vào lò hấp, sau đó cho tủ lạnh. Mỗi bữa em ăn 7 viên. Chấm tương hoặc mìn xì. Ăn lậm vào, bữa cuối nhịn. Đói! Cực ! Càng thêm nhớ nhà. Đêm nào cũng khóc. Sút mất 5 cân ( ở bên đó ai cũng sút cân). Em điện ra Công ty môi giới. Cô giáo người Việt Nam mình làm phiên dịch thuê nói: Nhiều người chứ không phải mình chị. Tôi bênh chị tôi cũng bị đuổi. Em mở từ điển nhặt các từ ghép lại với nhau học thuộc lòng: “ Tôi ăn đói. Xin cho thêm cơm, thêm thịt, nhất là thêm rau”. Đêm 16-4-2000 con giai nhà chủ đập cửa đánh em. Hình như nó nói em kén ăn, lười làm, hay đòi hỏi, nói xấu gia đình nó với Công ty. Em quỳ lạy nó, khóc. Nghĩ nhục quá! Muốn tím cách gì chết ở đây, chuyện vỡ ra cho chị em Ô-sin Việt Nam mình được nhờ ...

Sau này chị Vũ Thị Mâu trú tại Nghĩa Dũng- Đại Đồng cũng kể với chúng tôi tương tự. Chị Mậu nhận Fax báo ngoài các việc như chị em khác chị còn phải chăm sóc một thành viên trong nhà họ bị bệnh mãn tính (nhưng không cho biết bệnh gì). Sang đến nơi chị bị người điên thường xuyên đánh đập. Bị nhà chủ cho ăn đói ( không được ăn bữa sáng, bữa trưa và tối chỉ được ăn một bát cơm chan tương). Người điên đập vỡ cửa kính, muỗi bay vào phòng đốt, không ngủ được. Chị điện lên Công ty môi giới phía Đài Loan. Đề nghị được cải thiện điều kiện ăn, ngủ. Hôm sau liền bị trả về nước.

Trước khi viết tiếp chúng tôi tạm mở ngoặc. Thật khó tin phải không? Những Ô-sin bị đuổi về nếu họ không có lỗi thì nhà chủ (?) Nhưng cái sự ăn...Năm 2000 rồi! Trước mắt chúng ta là thế kỉ 21. Đảo Đài nằm trong vùng đất Á Đông. Hơn nữa là một con rồng. Không phải là một vùng đất nào đó ở Châu Phi, nơi nạn đói đã giết chết và đe dọa sinh mạng của hàng chục triệu người. Trong hai ngày tìm khắp Hải Dương, chúng tôi trò chuyện với 12 người, 7 trong số họ kể về cái đói. Có người đói đến nỗi không bê nổi chậu quần áo đã giặt lên sân thượng. Có người gục xuống cầu thang. Có người chỉ mong đến đêm để về phòng lấy lương khô mang từ Việt Nam sang ăn, uống với nước trong phòng rửa mặt.Và đây cũng là điều đáng ngạc nhiên. 100% chị em ta sang làm Ô-sin đều phải mang theo lương khô, mì ăn liền, ruốc thịt... Hình như họ linh giác từ nhà. Chúng tôi cũng gặp được một người chồng đang bất an vì tình trạng xấu của vợ còn ở lại. Không kịp phô tô, anh ta cho hẳn chúng tôi lá thư của vợ mới viết về. Xin được trích:

Em tự khoe rằng nếu vụng về, sức khoe không tốt đã bị đuổi lâu rồi. Từ khi sang đây ( 2 tháng 16 ngày) em chưa từng được ăn một bữa no. Tuần trước có hai người của Công ty môi giới Đài Loan vào thanh toán tiền lương. Một bà nói rất sõi tiếng Việt. Em đoán là Hoa Kiều từ Việt nam sang Đài Loan định cư, sau sự kiện 1979. Em nói và đề nghị dịch thật sát với bà chủ: Trước khi sang đây, nghe đồng nghiệp khứ hồi kể họ phải làm vất vả và bị bỏ đói. Vất vả thì tôi tin, còn đói thì không. Bây giờ thấy đúng. Tôi là người làm thuê, tôi không thấy xấu hổ. Tôi chỉ xấu hổ thay cho người Đài Loan.”

Có một người trong số họ về nước phải vay thêm tiền để kiểm tra lại nguyên nhân bị hồi trả. Cháu là Lê Thị Nhung trú tại khu 4, phường Ngọc Châu. Fax từ Đài Loan sang, báo làm việc cho một chủ. Sang đấy phải làm việc cho hai. Cháu khiếu nại. Công ty môi giới Đài Loan cử người đến thúc cháu ra sân bay. Về Hà Nội, Công ty Sao Vàng nói cháu có bệnh giun sán “ Trước khi làm Viza, họ đưa chúng cháu đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Hải Dương. Sau đó Bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội. Tốn kém hơn 1 triệu đồng. Phải vô sự họ mới cho sang. Bây giờ lại bảo có giun? Cháu vào bệnh viện Bạch Mai khám lại. Bệnh viện lại kết luận ruột gan cháu không giun sán gì cả!

Có ba trường hợp như trên. Các chị bảo còn nhiều nữa. Người bị giun, người bị phổi, người bị gan. Không ai chịu cái lỗi này. Bệnh viện nào đó bên Đài Loan giờ đã xa tít mù tắp. Bệnh viện Bạch Mai bảo chúng tôi đã khám rất cẩn thận. VIETRACIMEX bảo chúng tôi không chịu trách nhiêm!

Chúng tôi không biết an ủi cháu Lê Thị Nhung như thế nào? Nước mắt của một người phụ nữ 26 tuổi. Làm mẹ được hai năm. Đang xây tổ. Bỗng đổ ụp vì một sơ suất của ai đó. Căn nhà của vợ chồng cháu như cái điếm canh xứ Bắc Kỳ thời thuộc Pháp. Rộng 10m2 cửa lớn bằng gỗ hòm, đóng đinh kín mít. Mấy đoạn tre làm mè đỡ ngói võng xuống như những cây cung. Trớ trêu thay. Cái điếm canh ấy nằm sát sạt một tòa nhà mới lên xong lầu 3 của hàng xóm nhờ số tiền thân nhân Việt kiều quốc tịch Úc.

Đó là những trường hợp bị buộc về nước có biên bản ghi rõ lý do. Còn có trường hợp không có gì. Đương sự không hiểu làm sao? Chị Đinh Thị Duyên thường trú tại khu 6 phường Cẩm Thượng. Theo lời kể của chị: Chị đang làm việc bình thường thì 5 giờ sáng có 2 người lạ mặt vào phòng không cho chị đánh răng, rửa mặt. Không chờ chị lấy đủ quần áo. Đưa chị ra ôtô chở thẳng đến sân bay. Chị buộc bị về Việt Nam không có biên bản ký nhận ba bên như quy định ( chị, chủ nhà, Công ty môi giới). Đến Công ty Xuất khẩu Lao động và dịch vụ Sao Vàng. Chị đứng trước mặt mà nhà quản lý bảo” không phải chị, chị đang làm việc ở Đài Loan cơ mà”.

Chúng tôi phải kể tiếp một chuyện nữa để thấy cái bấp bênh, may rủi của người làm nghề Ô-sin xứ Đài. Đồng thời thấy thêm cái tắc trách, hớ hênh nhường nhịn đáng phàn nàn của các Công ty Môi giới chúng ta với đối tác nước ngoài. Chị Trần Thị Loan trú tại phường Bình Hàn. Sang Đài Loan chăm sóc một ông già bại liệt 57 tuổi. Được 38 ngày nhà chủ đưa thân nhân cho Viện dưỡng lão. Chị mất việc. Công ty Môi giới nhận lại. Bảo sẽ tìm cho chủ mới. Chị phải tự bỏ tiền ăn, ngủ trong thời gian chờ...Chị hết tiền, họ khuyên chị tạm về Việt Nam(ở đây ai nuôi?). Nghe có lý. Chị về. Từ sân bay chị thuê xe ôm đến ngay Công ty Sao Vàng. Họ dí luôn vào tay cái Fax từ bên kia gửi sang “ tự tiện sử dụng điện thoại của nhà chủ”. Chị tái mặt. Tưởng người ta lẫn người, lẫn tên...

Chị giải thích với chúng tôi rằng nhiều chị em để được về phải ký vào biên bản nhận lỗi. Họ chỉ muốn rời khỏi Đài Loan càng sớm càng tốt. Bây giờ cơn ác mộng đã tan. Thấy tiếc mấy chục triệu mới làm đơn khiếu nại. Để đưa một người sang Đài Loan các Công ty Môi giới phải tốn một ít tiền. Họ không lãi được thì thôi chứ nhất định không chịu lỗ. Làm rạch ròi với bên kia vừa mất thời gian vừa ở thế thua. Ảnh hưởng đến mối làm ăn lâu dài. Đổ hết lỗi lên người mình là dễ nhất. Cho nên ngay ở Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người mình cũng không cương quyết bảo vệ quyền lợi cho công nhân mình.

Chúng tôi nhìn căn nhà của họ. Nhà mới xây xong. Đẹp! Thiết bị gia đình tương đối. Có cả máy điện thoại. Anh chồng hiểu cái nhìn của chúng tôi, miễn cưỡng nói:

- Vợ chồng em làm cái nhà này mất 150 triệu. Phải vay 50 triệu. Giá không tham, cứ túc tắc làm ăn, cần kiệm 5, 6 năm là trả xong. Thấy có cơ hội 6,7 tháng trả được ai cũng thích ? Nợ 50 triệu không chịu. Giờ nợ thành 80 triệu. Năm năm giả xong không chịu, giờ phải chục năm. Đêm nằm ức không chịu được !

Nói thế nhưng anh ta mỉm cười. Có người cười mà ta thấy họ đang khóc. Họ nghĩ ngòi bút của chúng tôi là gậy “như ý”, có thể biến thành cái móc. Móc về cho họ đủ số tiền đã chi ra để được sang Đài Loan đang nằm rải rác khắp nơi. Họ tranh nhau kể. Chồng chen ngang vợ. Vợ ngắt lời chồng “ Anh có ở bên ấy đâu mà biết!”. “ Cô im đi! Dây cà dây muống, ai người ta có thì giờ”. Chúng tôi nhịn cười. Suốt hai ngày chúng tôi không được cười. Bây giờ lỡ cười lại thấy mình vô duyên.

Buổi chiều ngày thứ hai, chúng tôi ngồi nhởn nha tại một quán cóc phía đối diện Trung tâm Tư vấn và Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương. Ngôi nhà ba tầng, tọa lạc gần nhà ga xe lửa. Đã thưa thớt người đến dự tuyển đi làm Ô-sin xứ Đài. Người bị về nhiều. Các phương tiện thông tin đại chúng đã lên tiếng. Người muốn đi đã biết cân nhắc. Chúng tôi không có lý do để vào đấy. Vả lại chúng tôi đã có tất cả. Kể cả những con số không có trong máy tính của Trung tâm.

Mỗi người vào đây phải mua hai bộ hồ sơ. Một: Sơ yếu lý lịch. Đơn xin lao động hợp đồng có thời hạn tại Đài Loan. Phiếu thăm dò. Bộ thứ hai: Bản khai tài sản thế chấp. Giấy cam đoan không bỏ trốn. Giấy cam kết của thân nhân. Tổng hai bộ gồm 9 tờ khổ A4 in vi tính. Sao bằng phôtôcopy số lượng theo nhu cầu. Giá đầu vào không vượt quá 10.000đ, bán ra với giá 97.000đ. Không dưới 500 người đã đến đây. Có chị em ranh mãnh mượn của người đã mua đi phôtô. Vỡ lẽ rằng, tất cả các tờ kia đều đóng dấu giáp lai đỏ chót. Phôtô chỉ được dấu đen. Thế là lộ tẩy. Bị mắng sắp kiếm được 7 triệu một tháng mà còn ăn gian mấy chục nghìn! Có người mua ba bốn lần. Chữ in viết thành chữ thường. Chữ No thành chữ Yes (tiếng Anh). Không nhận sửa chữa, tẩy xóa...

Một lần chụp ảnh giá trị thường 4.000đ ( rửa 4 dương bản). Trung tâm đưa thợ ảnh về chụp lấy 10.000đ ( không cho chụp ngoài). Ba lần chụp tất cả , mỗi lần 20 dương bản. Mỗi dương bản 1.000đ. Nhân với khoảng 450 người. Có người chụp nhiều lần. Phụ nữ bao giờ cũng lắm chuyện. Quần áo mốt quá bị đánh giá là không chịu khó, chịu khổ. Phía Đài Loan không nhận. Đẹp quá sợ bà chủ Đài Loan cảnh giác không mướn. Xấu quá sợ người Đài Loan coi thường...

Có những câu hỏi mà chỉ cán bộ của Trung tâm Tư vấn Giới thiệu việc làm Hải Dương mới trả lời được chính xác.

Tất cả chị em khi đã hoàn thành khóa học mới được đưa đi khám sức khỏe. Tại sao không cho khám ngay từ đầu. Để nếu có bị loại không phí phạm một khoản tiền lớn mua giấy tờ, hồ sơ, học phí tiếng Trung. Chi phí cho các thủ tục và hủ tục?

Lại nữa. Những người này không thể không biết đưa chị em đi khám ở Bệnh viện nào mới có giá trị quốc tế. Tại sao họ đưa chị em đến khám tại bệnh viện Hải Dương. Làm tốn kém mỗi người 450.000đ. Rồi ngay sau đó cải chính. Không được ! Phải lên bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội ? ( lần hai là: 550.000đ)

Lại nữa. Trong thời gian tuyển người, bán các loại giấy tờ và làm các loại thủ tục rất tốn kém như đã kể trên, người ta vẫn quảng cáo lương của chị em là 528 USD/ tháng. Đến lúc sắp đi mới đưa bản hợp đồng ký kết lao động. Bây giờ mọi người mới biết 528 USD kia là số tiền chưa trừ hai khoản và một khoản chưa được lĩnh ngay: 63 USD cho phí môi giới Việt Nam, 217USD cho phí môi giới phía Đài Loan(10 tháng đầu) và 100 USD nhà chủ giữ. Ta thử làm một phép tính:
528USD - (63+217+100) = 148 USD

Cho đến nay người Việt Nam vẫn nhầm tưởng 528 USD là số tiền họ thực lĩnh. (Trong khi đó thì Ô-sin người Philipin hoặc Indonexia lương những 710 USD, làm việc 12 giờ mỗi ngày, chủ nhật được nghỉ, so sánh thế để thấy các Công ty Môi giới của Việt Nam đã dễ dãi như thế nào!).
Và điều này thật khó hiểu: Tại sao họ thu mỗi người 29 triệu mà ghi 2 phiếu thu, tổng có 22.900.000đ?

Có một bài báo viết rằng để được làm Ô-sin Đài Loan có chị em tận Thanh Hóa, Nghệ An phải thế chấp nhà, vay 50-60 triệu mới đủ. Bây giờ vỡ mộng đang lang thang ở Hà Nội không dám về quê. Đi Đài Loan làm Ôsin thực tế không vinh dự gì, thu nhập không được bao nhiêu, ấy vậy mà vì không có thông tin, nhiều người vẫn bị lừa đảo. Một trong hai chúng tôi có người họ xa. Một thanh niên nông thôn lém lỉnh làm nghề thu gom chuối xanh giao cho mối ở tỉnh mang sang Trung Quốc. Một hôm gã rỉ tai các phụ nữ đang tìm mối manh để đi Ôsin trong làng: Gã có ông bác làm to ở tỉnh được phân phối X xuất. Mỗi người đi chính thức mất M triệu. Bây ông kia nhượng lại lấy M+n triệu (gọi là tiền hoa hồng, làm ơn là chính).Từ đấy nhà gã tấp nập chị em. Đến ngày, gã lên thành phố thuê một ô tô 20 chỗ ngồi loại sang. Gã đổ chị em trước cổng Công ty Môi giới, chỉ cho họ lối vào. 20 người vào, thấy “ cửa” này ai vào cũng được, ai ra cũng được. Mới biết lỡ bỏ phí mấy triệu vào cái túi trời ơi đất hỡi.

Chúng tôi nhìn lên ban công lầu ba của tòa nhà. Nghe kể có một con chim mẹ đánh mất mồi kiếm về nuôi con. Đã định xếp cánh rơi tự do từ trên đó xuống. Lại nhớ câu nói của một Ô-sin đã gặp “Cháu không dám nhìn lên ban công nhà tầng nào nữa. Ông bà chủ của cháu ở Đài Bắc sống trên lầu 10. Một lần cháu đã nhìn từ trên đó xuống” !

Chúng tôi nghĩ đến những chuyện buồn bắt buộc phải kể. Hy vọng một ai đó thừa nhận và thật sự thông cảm cho nghĩa vụ của người viết. Chỉ mong chị em Ô-sin vỡ mộng không bị bỏ rơi. Càng mong cho quyền lợi hợp pháp của những nữ công dân chúng ta còn ở lại sẽ được bảo vệ.

Ngày 5 tháng 5 năm 2000
N.X.Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn