BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77168)
(Xem: 63229)
(Xem: 40630)
(Xem: 32267)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đến thăm Phạm Thanh Nghiên

31 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 875)
Đến thăm Phạm Thanh Nghiên
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Trong một ngày mưa bão to nhất đổ bất ngờ xuống Hải Phòng không như dự báo, ba anh em chúng tôi xuống Hải Phòng để thăm Phạm Thanh Nghiên. Lâu nay hình ảnh cô gái gầy gò , nhỏ bé bị bắt khi biểu tình toạ kháng tại nhà vì phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam. Ra toà bị kết án vì bài viết '' uất ức biển đảo ta ơi ''. Một bài viết sau khi Nghiên đi thăm các gia đình ngư dân, nạn nhân của sự bá quyền Trung Quốc trên biển.

Nghiên bị kết án 4 năm tù, nếu cho rằng mối quan hệ tốt đẹp 16 chữ vàng mang lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân ta . Thì chúng ta nên cảm ơn Nghiên, án tù của cô và các bạn là minh chứng để Trung Quốc thấy chính phủ Việt Nam rất thiết tha, thành thực vun đắp mối quan hệ này. Còn nếu mối quan hệ ấy chỉ mang lại tiền giả, hàng giả , thực phẩm độc hải, biển đảo bị chiếm đóng thì chúng ta lại càng phải cám ơn Nghiên vì đã cam đảm vạch ra bộ mặt thật của chính phủ Trung Quốc.

Đường Hải Phòng ngập mọi nơi, cây cối đổ gẫy mọi nơi, mái tôn rải rác trên đường và mất điện.





Tìm mãi mới đến được nhà Nghiên, chờ đầu ngõ đợi cô ra đón. Nghiên cùng chị đi xe máy ra đón chúng tôi vào. Anh em chưa gặp mà như đã quen biết từ thưở nào. Ngày Nghiên đi đến nay đã 4 năm, thông tin về bên ngoài cô không hề được biết. May là tôi từng ở sát buồng ông Nghĩa năm 2009 nên khi Nghiên qua nhà cô Nga vợ ông Nghĩa chơi thì cô Nga có nhắc đến tôi. Bởi thế dù gặp lần đầu chúng tôi thân thiết , không khách sáo và coi nhau như anh em là vậy. Bởi điện trước rồi, nên khi xuống Nghiên đã làm cơm để đợi.

Nghiên kể hồi bị bắt, cô bị giam dưới Hải Phòng. Mỗi lần đi cung chân bị xiềng đi mấy trăm mét từ buồng giam đến phòng hỏi cung. Nghe đến đó tôi chợt quát - sao em lại để thế, làm sao họ có quyền như thế được, em phải phản đối ngay chứ.!

Nghiên cười hiền hoà. Kệ họ anh ạ, họ thích làm thế thì cứ họ.

Nghiên ở trại 5 Thanh Hoá, vì tù nhân phạm là nữ phạm tội như Nghiên không nhiều, nên cô ở với tù thường phạm, khoảng 50 đến 60 người. Tù nhân nữ cũng làm đủ việc thêu thùa, phụ nề, xây dựng..đừng nghĩ việc thêu thùa là nhẹ bởi mức khoán rất cao. Phạm nhân cặm cụi cả ngày làm mới đủ mức khoán. ( có lẽ tôi sẽ viết một bài riêng về lao động trong trại tù, cái gọi là cải tạo phạm nhân thực ra là cuộc bóc lột sức lao động, một người tù nhận mức khoán còn hơn công nhân bên ngoài nhưng họ chỉ được ba bát cơm, vài cọng rau, một tuần một lần được ăn thịt ).

Chúng tôi thời gian ngắn, chuyện cũng không nhiều , vả lại còn phải sang thăm gia đình ông Nghĩa. Người bạn tù phòng bên với tôi năm nào. Khi trở về tôi đã đi bao nhiêu nơi, mọi miền ngóc ngách của đất nước, thậm chí còn mò sang tận Châu Âu xem bọn tư bản nó dẫy chết thế nào. Nhưng ông bạn tù già ốm yếu đó chưa một lần thấy tự do. Ông Nghĩa mang trong mình căn bệnh u tuyến tiền liệt gì đó, rất đau đớn hàng ngày. Thấy nói bệnh này chỉ cần đến bệnh viện phẫu thuật vài mươi phút là nhanh chóng khắc phục hẳn. Chúng tôi kéo sang nhà cô Nga, cô có ở nhà và cả thằng Thuỷ con trai cũng ở nhà, thằng Thuỷ vẫn nhớ vụ tôi nhắn gửi cho bố nó đôi giày và bộ comle đi xử. Nhớ đến bộ comle lại nhớ đến anh Cù Huy Hà Vũ và thằng Pau Lê Văn Sơn, hình ảnh anh Vũ oai phong trong bộ vét và ước mong của Lê Văn Sơn muốn gia đình gửi cho bộ vét để nó ra toà.

Chắc sau lần anh Vũ quá hiên ngang trong bộ vét, hình ảnh tuyệt vời ấy khiến cho nhân dân cảm thấy bọn địch không hèn yếu , nhu nhược như tuyên truyền, cho nên người sẽ tước đi bị cáo cả cái quyền ăn mặc lịch sự nữa.

Cô Nga kể chuyện ông Nghĩa ở tận trong trại Thanh Chương, Nghệ An. Hàng tháng cô vẫn đi thăm chồng một lần, ông Nghĩa thương vợ bảo thôi vài tháng đi một lần thôi. Nhưng chồng thương vợ bao nhiêu thì người vợ cũng thương chồng bấy nhiêu, cô gắng đi vì biết chồng bệnh tật phải đi luôn để xem chồng đau ốm thế nào. Đợt rồi trại người ta ra nội quy không cho gửi đồ khô như ruốc, muối vừng...họ bảo những cái này phải mua ở trại. Gửi tiền lưu ký cho trại giữ, phạm nhân muốn mua gì thì mua. Gửi lưu ký thì trại chỉ cho mỗi tháng một triệu đồng, trong khi đó bát phở bình dân đã 35 nghìn, còn bát phở Kobe của đại gia, quan chức thì suýt một triệu. Chưa kể giá mặt hàng trại bán so với gia đình tự làm chênh nhau rất nhiều.Một triệu đồng chia cho 30 ngày thì mỗi ngày ông Nghĩa tiêu 35 nghìn, nếu mà mua thuốc chữa bệnh chưa chắc đã đủ, nói gì đến ăn hay cá đồ dùng thiết yếu khác. Cô Nga đấu tranh thì họ bảo nốt lần này không biết họ nhân nhượng cho gửi, chỉ nốt lần này thôi.



Ông Nguyễn Xuân Nghĩa còn hai năm, án của ông là 6 năm. Tôi chạnh nhớ đến bài thơ của ông và giật mình khi thấy lời thơ ấy và lời ca của ca sĩ Việt Khang rất giống nhau. Ngay mai là Việt Khang cũng bị đưa ra xét xử. Bài thơ ông Nghĩa như sau.

Tổ quốc tôi như miếng da lừa


Một lần ước, mất đi một góc


Ước phồn vinh: rừng mất cây, biển mất cá


Ước vẹn toàn: mất hải đảo, mất Cao Nguyên


Tôi đứng ôn hòa, biểu ngữ chống Bắc Kinh


Người đến đầu tiên là cảnh sát


Họ nhìn tôi như nhìn loài chó ghẻ


Tôi ngã rồi họ dựng chúng tôi lên


Những nắm đấm thôi miên vào mặt.


Họ là người Việt Nam như tôi


Ở chung với tôi trên mảnh đất cỗi cằn sỏi đá


Ở chung với tôi mảnh đất ngàn năm vật vã


Lo sinh nhai, lo giữ chốn sinh tồn.


Tôi nằm lăn ra đất


Nước mắt nuốt vào lòng


Lịch sử 4 ngàn năm triều đại nào như thế ?


Nguyễn Xuân Nghĩa


Hải Phòng. Viết để nhớ ngày 29/4/2008.


Bài thơ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng và bài nhạc của nhạc sĩ Việt Khang ở đầu kia đất nước mà giống nhau đến lạ lùng, dù thời gian đã cách nhau đến 4 năm. Nhưng so với sự kiện thực tại thì lời thơ, lời nhạc vẫn phản ánh đúng thực tại đang diễn ra. Có lẽ người thấm thấu bài thơ, bài nhạc này nhất là Bùi Minh Hằng ở Vũng Tàu và Nguyễn Chí Đức ở Hà Nội.

Tôi nhìn tấm ảnh ông Nghĩa, người tôi chưa gặp mặt. Lạ vậy đấy, tôi nói chuyện với ông nhiều nhưng chưa bao giờ biết mặt ông, nói chuyện từ bức tường này sang bức tường kia hàng ngày. Ngày nào tôi cũng bị dẫn đi lấy cung, tính ra 4 lần qua phòng ông vì phòng tôi ở cuối cùng dãy. Nhưng người ta dẫn tôi đi vòng qua lối đằng sau khiến chúng tôi không thể nhìn thấy mặt nhau.

4 năm trước ông Nghĩa làm thơ như thế phải chịu án tù, 4 năm sau Việt Khang sáng tác lời nhạc như vậy cũng đi tù. Rõ là nhà tù không phải là biện pháp để trấn áp được những thi phẩm, nhạc phẩm chất chứa lòng yêu nước và sự phẫn nộ trước ngoại xâm. Cho dù quốc khánh Tàu, Đại hội Olymic Tàu, rồi tới đây là đại hội Đảng của Tàu... liên tiếp những cơ hội để an ninh Việt Nam lập chiến công bảo vệ quan hệ 16 chữ vàng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện với Trung Quốc, và cũng là thời khắc để những người con Việt Nam yêu nước phải dâng mình làm vật tế. Nhưng từ Lê Chí Quang khởi đầu thập kỷ trước đến thập kỷ này, khi mà cô nữ sinh Phương Uyên phải vào tù. Sự phản kháng chính nghĩa ấy chưa bao giờ nguội lạnh bởi bất kỳ thủ đoạn hà khắc nào.

Từ '' uất ức biển ta ơi '' đến '' tổ quốc tôi như miếng da lừa'' đến '' Việt Nam quê hương tôi đâu''...trên đất nước này sẽ còn nhiều nhưng tác phẩm như vậy để ghi nhớ một thời đau thương mất mát về chủ quyền bị xâm phạm. Những nhà lịch sử có thể làm ngơ, nhưng sẽ còn những nghệ sĩ, văn sĩ ghi lại vào trong tác phẩm của mình về một thời như thế của đất nước.

Lẽ ra khi những người viết tác phẩm như trên phải vào tù, những người viết sử như ông nghị Dương Trung Quốc không thể ''an tâm'' được, vì hơn ai hết ông biết về tích của những người viết sử trong vụ Triệu Thuẫn, Thôi Chữ giết vua. Đáng nhẽ phải đau lòng thì ông nghị sử này lại rêu rao về sự '' an lòng '' trong một bối cảnh mà những nghệ sĩ, nhạc sĩ đang chịu tù đày vì làm thay cho phần việc chuyên môn của ông. Không hiểu ông nghĩ gì về những người con gái như Phạm Thanh Nghiên, Phương Uyên đã và đang ở chốn lao tù vì vạch rõ những sự thật trong lịch sử Việt Nam ngày nay.

Có lẽ chính trường Việt Nam đã tôi luyện cho ông nghị Dương Trung Quốc không biết hổ thẹn để cần làm cái việc mà kẻ sĩ, người viết sử phải làm. Nhưng may thay dù chuộc lấy cay đắng, tội tù thì đất nước này vẫn còn những con người nhỏ bé, có lương tri như Phạm Thanh Nghiên, Phương Uyên, Nguyễn Xuân Ngĩa, Việt Khang....làm thay cho ông việc ấy.

Chia tay với Phạm Thanh Nghiên và gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chúng tôi trở về Hà Nội. Thật lạ kỳ đi đến đâu trời quang mây tạnh đến đó, bầu trời sau cơn bão xanh trong thăm thẳm. Ngày mai là sinh nhật hội NoU tròn 1 tuổi. Đó là hội của những người phản đối đường lưỡi bò ngang ngang mà Trung Quốc vạch ra trên biển Việt Nam để bảo là của chúng. Trên đường về tôi đọc thấy tin Việt Nam- Trung Quốc sẽ cam kết giáo dục cho nhân dân không nói xấu lãnh đạo nhau. Nghe thế chỉ cười nhẹ, dẫu biết rằng đó là dạo đầu cho một chiến dịch lập công tới đây nhân dịp đại hội Đảng Tàu, và ban lãnh đạo mới của Tàu. Và những vật hiến tế có thể là chúng tôi, những người phản đối đường lưỡi bò. Nhưng dù thế nào thì trái đất vẫn quay, và Thôi Chữ, Triệu Thuẫn vẫn là kẻ giết vua, dù giàn thiêu, lưỡi đao cũng không thay đổi sự thật ấy.

Người Buôn Gió

Theo Blog Người Buôn Gió
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn