BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Viết Dưới Trời Khói Lửa

30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1326)
Viết Dưới Trời Khói Lửa
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Một

1. Xin được gởi đến em – người bạn đọc trẻ chưa biết thế nào là chiến tranh – những trang báo Văn, Khởi Hành, Ý Thức cũ trước 1975 như những trang chứng từ của một thời binh lửa mà ba mươi năm qua, chúng ta không thể tìm ra, dù trong hay ngoài nước. Nếu có tìm ra, thì cũng phải vào thư viện đại học Mỹ hay nhờ bạn bè lục lọi dưới đáy thùng carton mốc lạnh. Để em hiểu chúng tôi phải viết như thế nào khi chính chúng tôi là những người lính chiến đấu ngoài mặt trận.

 2. Có phải người lính vừa đánh giặc vừa viết văn có hai con người trong họ. Khi cầm súng họ là người lính như mọi người. Và khi cầm viết họ trở lại con người đích thực.

Vì là con người, cho nên qua chữ nghĩa của họ, tính nhân bản được biểu lộ hơn bao giờ…

Vì là người lính cho nên họ đã chịu những số phần như bạn bè đồng đội của họ.

Có người vĩnh viễn ra đi. Có người bị tàn phế. Có người bị lịch sử đá lên đá xuống tơi tả tả tơi.

Cuối cùng, văn chương và cả họ đều biệt tích…

Bởi vì biệt tích nên rất khó mà tìm lại đứa con bất hạnh. Như những bài thơ của Trần Như Liên Phượng, bút hiệu quá quen và quá dễ thương của nền văn chương thời chiến mà TQBT mong được đi trên số Viết dưới trời khói lửa này. Ngoài nước thì vô phương, còn trong nước bạn bè thì lục lọi khắp nơi, nhưng cũng không hơn không kém.

May tìm được một bài văn độc nhất của Trần Như Liên Phượng được ký dưới bút hiệu Hoàng Yên Trang. Chúng ta không thể ngờ TNLP còn viết văn nữa. Nhưng sáng tác này lại là đầu tiên và cuối cùng của anh: Khi truyện lên khuôn thì tác giả đã tử trận ở Đồng Tháp.

Như vậy, mỗi sáng tác của người viết trẻ mang bộ đồng phục thời ấy ít nhiều mang dấu hiệu của một chúc thư cũng nên. Bao nhiêu điều bất an sẵn sàng bủa chụp. Bởi vậy trong hầu hết những sáng tác viết về chiến tranh của họ, đoạn kết luôn luôn là một nỗi buồn, hay bi thảm…

Truyện Buổi Dừng Quân của Lê Bá Lăng đi trong số này (trích lại từ Văn năm 1969) cũng không tránh được ngoại lệ. Nó nói lên tất cả những bi thương nhất, tàn nhẫn nhất về một cuộc chiến. Tàn nhẫn như chuyện người lính vô tình bắn vào thi thể bạn mình. Đau thương như người dân giữa hai lằn đạn. Phản trắc lừa dối hiểm độc của người dân trong vùng sôi đậu. Bi thảm như niềm ước mong của người lính tên Nuôi: Súng súng và súng. Ráng kiếm súng để nhận được phép thăm vợ con. Và cuối cùng là lá thư gởi về vợ chưa gởi được tìm thấy trên xác của Nuôi:

… Ông (trung đội trưởng) nhân đạo quá. Đ.m, Việt-cộng nó giết mình như ngoé mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập. Anh thương ổng quá chứ không thì anh xin qua tiểu đội quân báo rồi.

Đó là việc đối xử với tù binh. Còn có biết bao nhiêu chuyện trên chiến trường, trên những vùng đất đầy tai họa, mà người lính bấy giờ là chúa tể có quyền bắn giết sinh sát:

… Chúng tôi không thể liệng lựu đạn xuống hầm một cách điên cuồng mà phải nạt, phải gào, phải dọa, để đám dân, gồm đàn bà, con nít, từ dưới hầm chui lên, để họ còn được sống. Chúng tôi không thể đá vào người đàn bà có bầu, dù biết rằng tác giả cái bầu kia là một tên du kích… Chúng tôi dí nòng súng vào màng tang ông già, bà lão, dọa bắn nhưng không thể bóp cò. Chúng tôi muốn đốt hết nhà, muốn phóng hỏa cả làng để trả thù, nhưng chúng tôi cũng đành bất lực. Chúng tôi phải chiến đấu trong sự giằng co của lương tâm và thù hận. Trời ơi, những câu hỏi và những câu hỏi. (1)

hay:

…Tôi đã bất lực. Tôi đã đầu hàng. Bà lão ấy là mẹ của kẻ địch. Người đàn bà có bầu ấy là vợ của kẻ thù. Đứa con nít ấy là con của kẻ địch. Tôi biết họ. Những người lính trong trung đội tôi cũng biết vậy. Họ chờ đợi tôi. Nơi này tôi là vua là chúa có quyền sinh sát. Nhưng tôi không thể. Mái tóc bạc phơ của bà lão. Cái thai vô tội, hay cô thiếu nữ đang ở tuổi thanh xuân… Chẳng thà họ lấy súng bắn chúng tôi trước. Chẳng thà họ có dấu hiệu gì để chống lại chúng tôi. Nhưng họ ngồi im lặng trên sân. Mắt không sợ hãi và ương ngạnh. (2)

hay:

Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân
(3)

3. Dù phản chiến hay hiếu chiến, dù không thích mang bộ đồng phục hay thích màu áo lính, khi ra trận, nếu không tuân theo đám đông thì bị đào thải. Cá nhân bấy giờ bị triệt tiêu, trở thành một con số zero. Khi được lệnh xung phong, dù sợ hay không sợ, hai chân người lính cũng phải chạy, cổ họng phải gào, phải rống, ngón tay phải chạm vào lãy cò, cặp mắt phải láo liên, lỗ tai phải căng ra, mũi phải cố gắng đánh mùi tai họa. Nếu không bắn ngươi thì ngươi bắn ta… Không nghe lệnh ư. Ra tòa án mặt trận. Run sợ ư, cầm trái lựu đạn ra cách xa phòng tuyến 500 thước nằm chơi một mình trong đêm tối. Kích canh ngủ gật ư. Hãy bôi dầu nhị thiên đường vào mắt để nổ tròng cay xé. Không thể làm dấu thánh giá, hay đọc kinh siêu độ trước khi bóp lãy cò.

Nhưng sau khi trận đánh chấm dứt, tâm người lính trở thành tâm lành. Người lính trở lại bản chất của con người. Người lính thắp những nén nhang lòng lên người quá cố. Người lính lấy poncho trùm phủ những xác chết bị trúng đạn toát loát dị hợm. Người lính nhìn tên tù binh, thấy hình ảnh mình ở trong đó. Hắn cũng có mẹ già người yêu chờ đợi ở phương trời như người lính. Người lính bỗng thương hại. Và người lính bèn mời tên địch điếu thuốc.

Người lính không phải là ông thánh, nhưng tự trong bản chất, trái tim của người lính đã mọc những hạt thánh thiện rồi.

Đấy. Sự khác biệt của người lính Nam và lính Bắc là thế. Một đàng chỉ biết căm thù, căm thù và căm thù. (Căm thù trên hầu như tất cả tác phẩm viết về chiến tranh của miền Bắc. Và ngay cả tác phẩm Nhật Ký của Đặng Thùy Trâm, một nữ bác sĩ đã nằm xuống trong chiến tranh, mới được phổ biến gần đây)

Và một đàng thì:

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi.

(Nguyễn Bắc Sơn)

Hai

1. Những bài hát miền Nam trước 1975 đã một thời theo tuổi trẻ anh lênh đênh… Ngày xưa lênh đênh cùng cô hàng cà phê hay cô gái Thượng. Ngày xưa hỏi em em xa xứ. Hỏi anh anh xa nhà. Mời em vào quán nhỏ. Uống vào mây trời xa. Ngày xưa, tiếng hát khứa đau thật sự, như Nghìn trùng ngăn cách mà không đêm nào lại không trỗi lên từ rạp chiếu bóng của thành phố em. Trong gió, tiếng hát của Lệ Thu khi thì rõ khi thì yếu. Khi thì bị át trong tiếng mưa. Khi thì lại vang vọng như dội vào tường vách. Đêm miền núi sao thấp như thể trên đầu. Trở về lại phòng cư xá, vườn ngạt ngào hương sứ. Không cần mở cửa vì cửa kính đã vỡ từ lúc nào. Và tiếng hát lọt vào phòng. Buồn không thể tả.

Bây giờ tiếng hát không làm cứa đau mà chỉ là một phương tiện để giải trí hay để dỗ dành giấc ngủ. Càng lớn tuổi hình như ta càng làm khó cho chính ta. Có phải? Ngày xưa ra trận, mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ. Trước mặt là thù. Dưới chân là mìn bẫy. Trên cành là lựu đạn gài. Và trong không khí là có thể những đôi mắt rình mò, nhắm lỗ chiếu môn chờ đợi bóp cò. Ngay cả ngồi quán bên đường cũng có thể có một trái lựu đạn được tung vào… Như vậy, sao ta lại quá dễ dàng với cuộc đời đến thế. Thuốc lá cà phê rượu đàn bà bạt mạng…. Lúc ấy sao thân ta lại nhẹ tênh đến như thế dù trên lưng súng đạn ba lô nặng trĩu…

Bây giờ thì khác. Không gì hết mà tại sao lại nặng trịch vậy cà. Mới hắt hơi cũng thấy lo. Mới xây xẩm mặt mày thì cũng thấy sợ. Thèm thuốc đến độ nước miếng cứ trào mà không dám hút… Rượu quí đắt tiền cũng không dám uống nhiều… Lại thêm những màu đen màu đỏ, những ràng buộc nọ kia… Như nhân vật của bức tranh của Trần Quí Thoại trên TQBT 10. Những sợi dây hệ lụy kéo ngang kéo dọc kéo tới kéo lui bắt hắn mệt ngất.

May mà còn có tiếng hát của cô. Cô thay mẹ à ơi. Cô thay em dỗ dành. Cô thay bà tiên vỗ về đẩy đưa cái tao nôi qua ngày qua tháng. Cô là Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Hương, là Lê Dung, Ánh Tuyết, Bảo Yến, là em. Mắt nhắm lại. Đừng suy nghĩ nữa. Suy nghĩ cả đời rồi. Làm khó cho mình có ích chi chứ. Như lời ca Bảo Yến hằng đêm dìu ta vào giấc ngủ: Anh đến thăm. Áo anh mùi thuốc súng. Ngoài trời mưa lê thê… của Chiều Mưa Biên Giới (Nguyễn Văn Đông ) hay Em hỏi anh bao giờ trở lại của Kỷ Vật Cho Em (thơ Linh Phương, Phạm Duy phổ nhạc) hay May mà có em đời còn dễ thương (thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc)…

2. Cuối cùng, chúng tôi vừa in xong tập thơ Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương (VN) mà chúng tôi đã sưu tập được. Tập thơ này được Động Đất xuất bản vào năm 1971. Bài thơ nguyên tác Kỷ Vật Cho Em đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc, rất quen thuộc với chúng ta trong thời chiến và ngay cả bây giờ. Giống như tập thơ Chiến Tranh VN và tôi của Nguyễn Bắc Sơn, tập KVCE đã đi vào cùng cõi hư vô tro bụi, chịu chung vận mệnh oan nghiệt của lịch sử.

Chúng tôi xem đây là việc làm cần thiết để giữ gìn một di sản văn chương. Vì tập thơ này in rất hạn chế, quí bạn nào thích xin vui lòng liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi sẽ biếu tặng.

Trần Hoài Thư
(Thư Quán Bản Thảo, tập 22 tháng 1/2006)

(l) & (2) Đánh giặc tại Bình Định (Trần Hoài Thư – Tập truyện Thư Ấn Quán xb, năm 2002)
(3) Hành Quân (Linh Phương – Kỷ Vật Cho Em – Thi tập, Thư Ấn Quán tái bản 2006)

(nguồn: http://www.hocxa.com/VanHoc/TranHoaiThu/TranHoaiThu_RongBut.html)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn