BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73210)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Y Vân, tình khúc như nhân chứng kỷ niệm

25 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1172)
Y Vân, tình khúc như nhân chứng kỷ niệm
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nói tới đời thường của cố nhạc sĩ Y Vân, tôi nghĩ không ai có thẩm quyền hơn người bạn đời sau cùng, chia sẻ buồn vui với ông mấy chục năm thăng trầm; nhất là những năm tháng sau biến cố tháng 4, 1975. Đó là bà Minh Lâm. Hơn một lần bà tâm sự rằng:

“Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ (kể cả những việc sâu kín như trường hợp lấy nghệ danh Y Vân). Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con.

“Thời gian sau năm 1975, Y Vân tham gia đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu... Anh làm việc cật lực bất kể ngày đêm. Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập, thấy thương vô cùng. Trời thương, nên giai đoạn đó anh được 'đặt hàng' dồn dập, có thể nói là 'ăn nên, làm ra', nhờ đó mà gia đình chúng tôi xây lại được căn nhà tạm gọi là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, bởi chỉ một năm sau thì anh mất...” (6)

Kể lại phản ứng của thân mẫu nhạc sĩ Y Vân/Trần Tấn Hậu, người đàn bà không đi thêm bước, dù còn trẻ khi người chồng qua đời - (Bà ở vậy nuôi con. Nhờ thế, chúng ta có được ca khúc bất tử “Lòng Mẹ”) - người vợ tấm cám của cố nhạc sĩ Y Vân cho biết:

“Dạo ấy, đứng trước quan tài của anh đang được quàn tại Hội Âm Nhạc TP. Mẹ chồng tôi không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong. Chúng tôi nghe bà cụ nói: 'Người đời thường bảo: Con 'đi' trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài 'Lòng mẹ'... Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm... '”

10 tháng sau, Mẹ nhạc sĩ Y Vân mất. (7)

Về âm nhạc của cố nhạc sĩ Y Vân không chỉ có “Lòng Mẹ.” Ông còn để lại cho đời mảng tình khúc, phong phú, như một khu rừng tâm tưởng thăng hoa.

Tôi hằng nghĩ, một tình khúc khi đạt được cả hai yếu tố: Giai điệu đẹp, và ca từ ý nghĩa hoặc, tâm lý thì, những tình khúc ấy sẽ có một vị trí, một chỗ đứng như những kỷ niệm bất hoại trong nhiều cuộc tình đôi lứa. Như những hạt giống gieo trồng an ủi những tâm hồn cô độc. Chúng như người bạn đồng hành, như nhân chứng đi theo tới cuối đời kẻ nào từng có đôi lần hát lên trong ánh sáng yêu thương hay, bóng tối đoạn lìa.

Theo tôi, hầu hết tình ca Y Vân/Trần Tấn Hậu đều có được tính chất đặc biệt này.

Nhìn lại, chúng ta thấy hàng trăm tình khúc của họ Trần chẳng những được đón nhận một cách nồng nàn ngay khi tác phẩm mới phổ biến mà, chúng còn được yêu quý trải qua nhiều thế hệ - Hiểu theo nghĩa chúng đã ở lại bền lâu trong ký ức.

Những tình khúc của Y Vân như “Đồi Thông,” Ngăn Cách,” “Đêm Giã Từ (phổ thơ Thể Vân), “Thôi,” “Đừng Lừa Dối Nhau,” Người Em Sầu Mộng” (phổ thơ Lưu Trọng Lư), “Hãy Yêu Tôi” (phổ thơ Đinh Hùng), “Những Bước Chân Âm Thầm (phổ thơ Kim Tuấn) v.v... dù với nội dung nào, cũng đều như những nhân chứng của kỷ niệm. Như người bạn thân thiết nhất của những kẻ lạc lõng, cô đơn!

Bên cạnh đó, ca khúc “Ảo Ảnh” của Y Vân, sớm được nhiều giai thoại (hay huyền thoại) tìm đến, vây quanh!

Tôi không biết “Ảo Ảnh” với những chi tiết được báo Thanh Niên, cột mục “Nghệ Thuật Yêu” đăng tải, có nằm trong điều mà, người bạn đời của cố nhạc sĩ Y Vân từng than phiền là “thêu dệt” (?) - Nhưng, cách gì thì, dưới đây cũng là một giai thoại làm mủi lòng nhiều người:

“Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn (cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương...). Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: ‘Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!’ Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.

“Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào... lớp dạy đàn Tây Ban Cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.

“Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo...” (8)

Tác gỉả bài báo kết luận, ca khúc “Ảo Ảnh” ra đời từ chuyện tình tuyệt vọng ấy.

Du Tử Lê

Theo Người Việt

(Còn tiếp một kỳ)

 

Chú thích:

(6), (7): Nguyễn Việt, bđd.

(8): Nguồn đd.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn