BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhận lỗi rồi thì sao nữa?

24 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 847)
Nhận lỗi rồi thì sao nữa?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong diễn văn kết thúc hội nghị Trung ương đảng lần thứ 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận trách nhiệm của Bộ chính trị trong việc để cho nạn tham nhũng hoành hành gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với tình hình kinh tế và đời sống của dân chúng. Ông cũng cho biết Bộ chính trị đã “đề nghị Ban chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị”. Đề nghị ấy, cuối cùng, bị bác bỏ: cả Bộ chính trị lẫn “đồng chí Ủy viên” nọ được tha bổng.

Sau hội nghị, trong cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội chiều ngày 16/10, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là “lần đầu tiên Bộ chính trị nhận kỷ luật trước Trung ương”. Tuy nhiên, ông lại ví von chuyện kiểm điểm, phê bình và tự phê bình ấy, chỉ giống như việc “rửa mặt hàng ngày”.
 
Cũng sau hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận một cách mạnh mẽ hơn: “Chúng tôi có lỗi lớn.” Xin lưu ý: Không phải chỉ là “lỗi”. Mà là “lỗi lớn”.
 
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên giới lãnh đạo đảng Cộng sản nhận lỗi trước nhân dân. Nhớ, cách đây hơn 50 năm, sau khi những sai lầm của cải cách ruộng đất bị phanh phui và trước những sự bất mãn của dân chúng cũng như của một số khá đông đảng viên và cán bộ, Trung ương đảng Cộng sản cũng đã “nhận lỗi” trước nhân dân. Tuy nhiên, ít nhất, thời ấy, người ta không chỉ “nhận lỗi” suông. Người ta còn chứng tỏ việc nhận lỗi bằng một việc làm cụ thể: khai trừ Hồ Viết Thắng, ủy viên dự khuyết, người trực tiếp chịu trách nhiệm việc chỉ đạo cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu ấy, ra khỏi Ban chấp hành Trung ương và thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông lâm.
 
Thực chất đó chỉ là một màn kịch để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng. Thứ nhất, Hồ Viết Thắng chỉ là người chỉ đạo phong trào chứ không phải là người hoạch định và quyết định chính sách liên quan đến phong trào. Nói cách khác, ông chỉ là người thừa hành. Ông bị nhận kỷ luật như một cách thí quân để giữ tướng. Thứ hai, không lâu sau đó, Hồ Viết Thắng được phục hồi và được giao những chức vụ quan trọng dù không phải thường xuyên xuất hiện trước quần chúng: từ 1961 đến 1988, suốt gần 30 năm, ông giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước.
 
Lần này, tệ hơn nữa, người ta không cần phải thí quân. Nhìn nhận trách nhiệm, hơn nữa, trách nhiệm lớn, nhưng không có ai bị kỷ luật gì cả. Cá nhân: không. Tập thể: cũng không. Chỉ là một lời nhận lỗi và nhận trách nhiệm suông vậy thôi.
 
Ai cũng biết trách nhiệm chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi đôi với quyền hạn và hình phạt. Không ai có thể hoàn thành trách nhiệm nếu không có quyền hạn. Và cũng không ai thực sự chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình nếu không phải đối diện với hình phạt hay hình thức kỷ luật nào đó. Nói đến trách nhiệm mà không nói đến quyền hạn hay hình phạt đều là những sự lừa bịp.
 
Nhưng tại sao giới lãnh đạo Việt Nam lại dám thi hành một chính sách lừa bịp như vậy?
 
Nguyễn Phú Trọng giải thích:
 
“Kinh nghiệm lịch sử Đảng ta cho thấy, một khi Đảng tự nhận ra sai lầm, khuyết điểm và tự nghiêm khắc, quyết tâm khắc phục, sửa chữa thì sức mạnh của Đảng càng được nâng lên; nhân dân càng tin yêu và ủng hộ Đảng.”

Nói cách khác, người ta an tâm thi hành chính sách lừa bịp ấy vì người ta tin là nó có hiệu quả.

Tính hiệu quả ấy nằm ở một yếu tố: sự nhẹ dạ của dân chúng.
Vấn đề là: hiện nay dân chúng có còn nhẹ dạ như trước nữa không?

Nguyễn Hưng Quốc

23-10-2012

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn