BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ ca khúc ‘Lòng Mẹ’ tới đời thường của nhạc sĩ Y Vân

18 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1125)
Từ ca khúc ‘Lòng Mẹ’ tới đời thường của nhạc sĩ Y Vân
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

(Tiếp theo kỳ trước)


Về thời điểm ra đời của ca khúc “Lòng Mẹ” mà, cá nhân tôi muốn được gọi là “quốc ca của lòng từ mẫu,” đến nay, đã có tới ba ghi nhận khác nhau.

Nhạc sĩ Y Vân. (Tranh do con trai trưởng của nhạc sĩ Y Vân vẽ)


Trước hết, theo trang mạng Wikipedia/Bách khoa toàn thư mở, phần tiểu sử của cố nhạc sĩ Y Vân, có đoạn ghi nhận nguyên văn như sau:

“Năm 1952 (trước di cư 1954) ông (nhạc sĩ Y Vân) vào Nam, tại đây tiếp tục sáng tác, chơi nhạc và dạy nhạc, ngoài ra còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Những ca khúc nổi tiếng thời điểm này là: Lòng Mẹ, Hồn Quê, Đò Nghèo,... ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu Cha cha cha, Disco như: Sài Gòn, Ảo Ảnh, Sáu Mươi Năm Cuộc Đời, Thôi...”

Đoạn văn trên mở ra một cánh cửa mơ hồ khá to lớn! Căn cứ vào mạch văn, không ít người suy diễn rằng, ca khúc “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân, đã được sáng tác vào năm 1952.

Nhưng trong bài viết nhan đề “Vài nét về cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân,” tác giả Nguyễn Việt viết:

“...Sau một buổi trình diễn với Phủ Tổng Ủy Di Cư về, Y Vân bị mưa ướt như chuột lột, quần áo dơ hết. Mới di cư còn nghèo, chỉ có một bộ đồ coi được nhất để trình diễn, Y Vân rất lo lắng vì ngay sáng hôm sau lại phải đi đàn nữa. Khuya hôm đó, mẹ ông đã đem bộ quần áo ra máy nước công cộng đầu hẻm giặt sạch rồi về nhà đốt than lên hơ cho chóng khô.”

“Sáng hôm sau, Y Vân đã nghiễm nhiên có được bộ quần áo sạch mặc đi diễn. Ông cảm động lắm và cảm hứng viết nhạc phẩm đầu tay “Lòng Mẹ,” một bài hát đã đi vào lòng hằng triệu người dân nước Việt. Và đó là khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa nhất của Việt Nam...” (2)

Trên thực tế, Phủ Tổng Ủy Di Cư được chính quyền miền Nam thành lập vào năm 1954, với nhiệm vụ lo giúp đỡ thiết thực cho hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.

Tài liệu chính thức ghi nhận rằng:

“Sau khoảng một tháng, làn sóng di cư trở nên ồ ạt khiến chính phủ phải thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn. Phủ Tổng Ủy lần lượt do các ông Nguyễn Văn Thoại (từ ngày10.8.1954), GS Ngô Ngọc Đối (từ ngày 21.8.1954), BS Phạm Văn Huyến (từ ngày 4.12.1954), ông Bùi Văn Lương (từ ngày17.5.1955) làm tổng ủy trưởng. Tới ngày 21 tháng 8. Mỗi ban ngành đều có đại diện của Phủ Tổng Ủy. Phủ Tổng Ủy có 3 nhiệm vụ: Cứu trợ và di chuyển; Kiểm soát và tiếp cư; Giúp đỡ định cư... (3)

Nếu tư liệu của tác giả Nguyễn Việt về ca khúc “Lòng Mẹ” của Y Vân là chính xác thì, thời điểm sáng tác của ca khúc phải nằm trong khoảng thời gian từ 1954, tới 1955. Bởi vì, sau đó, Phủ Tổng Ủy Di Cư không còn nữa.

Chưa hết, nhạc sĩ Y Vũ, em ruột của cố nhạc sĩ Y Vân, lại kể với phái viên báo Thanh Niên rằng:

“Cuối thập niên 1950, anh Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hằng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát chế độ cũ bắt vì tội phá lệnh giới nghiêm. Đến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện đã khóc và viết ra ‘Lòng Mẹ,’” em trai của nhạc sĩ kể lại.

“Câu hát tha thiết: ‘Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ... Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương... ’ ’ Viết xong, anh hát cho mẹ nghe và bà đã khóc...” (4)

Giống như tác giả Nguyễn Việt, nhạc sĩ Y Vũ cũng không xác định rõ thời gian ra đời của ca khúc “Lòng Mẹ.” Nhưng khi ông nói đó là “cuối thập niên 1950...” thì, chắc chắn không phải là khoảng thời gian 1954-1955. Nó càng rất xa điểm mốc 1952 như tài liệu của Wikipedia, khiến nhiều người ngộ nhận (?).

Tuy nhiên, dù “Lòng Mẹ” ra đời ở thời điểm nào thì, căn cứ vào những tư liệu có được, (luôn cả lời kể của người em ruột, Y Vũ), tất cả đều cho thấy, nhạc sĩ Y Vân xuất thân từ một gia đình ngặt nghèo về vật chất. Ông sống với một bà mẹ đơn chiếc, tần tảo, ngược xuôi, một mình nuôi bầy con.

Ở điểm này, tác giả Nguyễn Việt, trong bài viết của mình cho hay, ông biết khá rõ về gia cảnh của cố nhạc sĩ Y Vân; cũng như nguồn gốc của bút hiệu “Y Vân.” Họ Nguyễn viết:

“Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Thanh Hóa. Thuở thiếu niên ông từng theo học nhạc với giáo sư-nhạc sĩ Tạ Phước, và đã tập tành sáng tác từ rất sớm nhưng không mấy thành công.

“Mồ côi cha, nhà nghèo, mấy mẹ con dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, Trần Tấn Hậu rất thương mẹ và các em.

“Lúc đó chàng nhạc sĩ nghèo chưa lấy nghệ danh Y Vân, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình. Có một người bạn thân giới thiệu anh đến dạy đàn cho một tiểu thư khuê các, nàng tên là Tường Vân. Rồi giữa họ hé nở một mối tình đằm thắm. Nhưng... tình đầu tan vỡ cũng là lẽ thường, huống chi chàng chỉ là anh ‘Trương Chi’ si tình khốn khổ, còn nàng lại là một ‘Mỵ Nương’ danh gia vọng tộc. Không thành duyên nhưng... thành danh, một loạt các ca khúc của Y Vân (có nghĩa là Yêu Vân) ra đời từ đó như: Đò Nghèo, Ảo Ảnh, Nhạt Nắng... với phong cách tha thiết, trữ tình rất được công chúng yêu thích (...).

“Năm 1954, ông cùng 2 em và mẹ di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, lúc vừa 21 tuổi. Mẹ hiền buôn bán nuôi 3 con. Còn Y Vân thì đã thích nhạc từ nhỏ, học đàn, sáng tác, hòa âm từ trước năm 54 nên vào Nam đã có thể đi trình diễn giúp vui cho đồng bào di cư...” (5)

Tôi không biết có phải vì gia cảnh ngặt nghèo và, mối tình đầu sớm tan vỡ, đã là hai động lực lớn, thúc đẩy tài năng tiềm ẩn của Y Vân/Trần Tấn Hậu, sớm phát tiết và thăng hoa?

Nếu quan điểm này có phần đúng thì, chúng ta cũng nên cám ơn hai bất hạnh kia của họ Trần. Và trước khi từ trần ngày 28 tháng 11 năm 1992 tại Saigon, tôi tin, dù bản chất khiêm tốn, thâm tâm cố nhạc sĩ Y Vân cũng hài lòng, hãnh diện về những năm, tháng cơ cực của gia đình và, cá nhân ông - Qua những gì ông đã cống hiến cho kho tàng tân nhạc Việt Nam. Một cống hiến nghệ thuật lớn lao mà, không phải nhạc sĩ nào cũng có thể đạt được. Dù cho họ may mắn có hoàn cảnh sống đầy đủ, tốt đẹp hơn ông!

Du Tử Lê

Theo Người Việt

(Kỳ sau: “Y Vân, tình khúc như nhân chứng kỷ niệm”)

 

Chú thích:

(2), (3), (4), (5): Nguồn đd.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn