BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62240)
(Xem: 39426)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đồng chí ơi ! Hãy Nhìn Quê Hương Sáng Chói

01 Tháng Ba 200112:00 SA(Xem: 1340)
Đồng chí ơi ! Hãy Nhìn Quê Hương Sáng Chói
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
Đối với tôi, không có nỗi bất hạnh nào lớn hơn là xa quê hương đất tổ. Khi đã phải lang thang phiêu bạt xứ người, xa cách quê hương, những mất mát lớn lao khác sẽ nối đuôi nhau kéo đến không thôi. Những mất mát không thể qui thành giá trị tiền bạc. Những mất mát mà thiếu nó hạnh phúc, ý nghĩa của cuộc đời không còn nữa. Dẫu nơi đâu cũng phải sống với con người. Không có quê hương là cả một cái "không" bao phủ lấp kín tất cả những gì mình đang có. Ngay cả khi có cha, có mẹ bên cạnh, mà thiếu khoảng không gian, vòm trời của đất nước, dẫu ô nhiễm, bụi bặm nghèo nàn, thiếu vắng tiếng nói đồng bào, dù là tru tréo, chửi nhau, đời sống cũng trở nên quắt queo, khô héo, tâm hồn sẽ quay quắt, bần hàn.

Tôi sinh ra đã khóc cùng dân tộc với tiếng khóc trong khói lửa đau thương, và lớn lên trong tiếng gầm của bom đạn, trái phá từng đêm vọng về át tiếng mẹ ru. Cuộc đời tôi, cũng như bao nhiêu cuộc đời của người dân Việt cả mấy ngàn năm, đều in hằn những đau nhức ngoại xâm. Vì thế bản năng ganh đua, tranh đấu, nó đối nghịch tự nhiên với những sắc dân nước ngoài, và tôi chưa bao giờ lùi bước nhượng bộ. Hai mươi năm sống trên xứ người mà không có bạn Tây, đi đến đâu cũng "sinh sự" là vì thế. Nhưng những ưu tư trăn trở lại luôn luôn tự nhiên quay về với đất nước, đồng bào, như những chiếc lá, giòng sông, sẽ tự nhiên rớt rơi, chảy về cội, về nguồn, dẫu có thế nào đi nữa. Cho nên tôi chỉ muốn nói chuyện với đồng bào của mình, về nhân dân của mình, về đất nước của mình mà thôi.

 

Quốc lộ 9 - Quảng Trị 1972


 

Trên quê hương tôi hôm nay, nhiều người vẫn "thích" gọi nhau là đồng chí, dù có thể sau đó vài phút họ sẽ vùi dập nhau bằng những thủ đoạn man rợ, hèn mạt nhất, mà kẻ thù cũng không bao giờ "được" may mắn đón nhận. Nhưng tôi cũng vẫn sẽ nói cùng anh, cùng chị, cùng em, với danh xưng đồng chí đến khi nào không cần nó nữa. Tôi tin rằng khi nói về đất nước quê hương, đồng bào với nhau, một lúc nào đó, những ngôn từ vay mượn tự nó sẽ tan biến đi trong hơi ấm của tình đồng bào, dưới anh linh của tổ tiên, hồn thiêng sông núi.

Cách đây hơn 30 năm, Đồng chí có biết không, có một người Việt Nam, một thanh niên Việt nam, gốc Minh Hương đã mơ rằng "Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình". Tôi không biết người đó có được đi không ngừng khắp các miền đất nước dấu yêu, loang lở vết đạn bom, sông núi thâm nâu mầu máu anh em, hay không nữa ? Vì tôi biết, tôi và đồng bào tôi đã không được phép rời nơi cư trú mà không có giấy phép đi đường của Công An. Tôi cũng không biết Anh ta có chung được cuộc mừng hay không? Nhưng tôi và các bạn tôi đều bị săn đuổi, sống "chui" không hộ khẩu, sau khi cửa nhà, tài sản, bị kiểm kê tịch biên ! Và không hiểu anh ta có quên được chuyện non nước mình hay chưa ? Nhưng tôi đã cố gắng quên, mà quên không được ! Không phải vì chúng tôi muốn nhớ ! Mà họ luôn luôn nhắc nhở chúng tôi !

Đồng chí ơi ! Có còn nhớ không ! Vì sau đó khi bình yên vừa đến với dân tộc mình, trên những vết thương chưa kịp khép kín, máu còn đang rỉ ứa những đau thương mất mát. Nụ cười đoàn viên vốn đã không trọn vẹn khi những khăn tang còn mới tinh mơ phủ đầy mấy lớp trên đầu trẻ thơ ! Chiến tranh Việt Miên lại xảy ra ! Bổn phận với đất nước, với dân tộc chưa tròn hạt gạo, chưa đầy miếng sắn, hạt ngô, anh em Việt nam lại bị lôi đi thực hành nhiệm vụ quốc tế. Lần này ta không vây đánh kẻ thù đế quốc mà cắt cổ đồng chí anh em ! Máu đồng bào tương tàn chưa khô vẫn còn nhũng ướt đôi tay. Anh em mình lại phải thêm lần đi sát phạt xứ người ! Khăn tang lại thêm một lần phủ lấp tương lai con cháu, mẹ già, vợ thơ.

Sát nghiệp chăng đồng chí ? Tôi cũng không biết nữa ! Chỉ biết rồi ngay sau đó anh em đồng bào mình lại phải gánh thêm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc đánh người đàn anh Trung quốc mà cách đấy không lâu mình được lệnh ôm hôn thắm thiết, dẫu bốn ngàn năm dấu roi vọt đô hộ của họ vẫn còn hằn trên thân xác nhân dân này. Đất nước lại thêm một cảnh tan hoang ! Nhân mạng lại một lớp người ngã gục khi chưa hưởng kịp hòa bình sau 20 năm thống nhất ! Bác Mao kính yêu bỗng chốc trở thành tên bá quyền sô vanh nước lớn ! Từ đấy tôi đã quên ! Tôi đã quên hết những chủ nghĩa "cao đẹp": tình nghĩa vô sản, đồng chí cách mạng, lãnh đạo kính yêu. Tôi đã vất hết tất cả vào trong nhà cầu của tôi. Và cũng từ đó, tôi gọi cái nhà cầu của nhà tôi là "lăng Bác". Nhưng chuyện non nước mình thì vẫn không nguôi.

Đồng chí biết không, sau ngày thống nhất đất nước, Tôi có người anh ở Hà nội vào thăm. Ông anh tôi đi làm bổn phận thiêng liêng với đất nước, theo Kháng chiến, từ năm mười bốn tuổi. Ông nghe nói có thằng em "thông minh" nên từ lúc vào Nam thăm gia đình, lúc nào cũng rủ rê trò chuyện với tôi dù anh em cách nhau cả thế hệ. Lần đầu tiên nghe tôi "đòi "đi thăm "lăng Bác", ông ấy vui quá bèn thưa với ông cụ tôi để xin giấy đi đưòng cho tôi. Ông ấy là cán bộ cơ đấy đồng chí ạ ! Nhưng khi thấy tôi chạy xuống nhà cầu, thì mắt ông hoảng lên ! Da mặt xám ngắt, chân tay run rẩy cơ hồ đứng không vững nữa ! Tôi cứ nghĩ là anh mình giận dữ phát run ! Nhưng không ! Ông ấy sợ cuống lên chạy vội ra khép cửa ngoài, rồi quay vào thì thầm cuống quít: "Sao chú dại thế !" Ông đưa mắt nhìn ông cụ tôi hoang mang cầu cứu ! Cụ tôi vẫn cứ lặng yên uống trà không nói một lời ! Ông anh tôi đành lẳng lặng buông thõng người ngồi xuống ghế. Miệng lẩm bẩm như ngưòi mất hồn: " Thế này thì hỏng mất ! Nát việc hết cả !". Tôi đứng nhìn anh mình mà lặng người xót xa quên cả cơn đau thèm thăm lăng Bác của mình. Lần đầu tiên gặp nhau sau mấy chục năm ngăn cách, tôi mới thấy được tình thương của anh mình dành cho mình ! Tình máu mủ ! Từ đấy cả tháng trời ở Sàigòn anh không hề rời tôi nửa bước ! Anh nhẫn nhịn lo lắng khuyên tôi đủ cách. Mà đồng chí nghĩ xem ! Thanh niên cao ngạo, đã quen nếp sống không "kềm kẹp" ! Mà giờ này phải kềm hãm cả tư duy, cảm xúc, thì làm sao được cơ chứ. Trước khi trở ra Hà nội. Anh tôi bá vai tôi thưa chuyện với ông cụ tôi: "Em nó phải đi thôi Ông ạ ! Không thể ở đây được !" Rồi không đợi tôi nói gì, anh kéo tay tôi bảo lấy xe đưa anh ra tàu Thống Nhất. Tôi rồ ga chở anh đi mà lầm lì không nói. Đến nơi, anh khoác vai tôi thật chặt nói sát vào tai tôi: "Chú phải liệu mà đi ngay ! Càng sớm càng tốt !". Tôi với cái ương ngạnh cố hữu : "Sao anh sống được mà em lại không sống được nhỉ ?". Anh nhìn tôi ái ngại, nhưng rất cương quyết : " Anh khác, chú khác. Anh đã biết, đã hiểu, đã chịu quen rồi ! Nhớ phải liệu mà đi ngay nhé !".

Thế là mấy năm sau tôi đã ra đi khỏi đất nước, mà chưa thực hiện được giấc mơ đi suốt Nam Bắc không ngừng để quên chuyện non nước mình, như cái ông nhạc sĩ gì đấy. Bây giờ đã hơn hai mươi năm xa cách. Dù về lại quê hương đã ba lần ! Đã đi suốt Bắc Nam mà lòng vẫn chưa quên được chuyện non nước mình đồng chí ạ !

Đồng chí ơi ! Quên làm sao được khi những ấn dấu đạn bom có thể dần phai nhòa theo năm tháng, rừng núi thay hoa, phố phường tái thiết, nhưng vòng oan khiên lòng người nghiệt ngã cứ đầy lên theo ngày tháng lặng yên ! Không phải tại tối cố nhớ đâu ! Tôi có thù oán gì với đất nước, đồng bào của tôi đâu ! Mà nói đến thù oán làm gì cơ chứ ! Đạo lý của Việt Nam chúng ta có bao giờ dạy chúng ta oán thù đâu. Cha ông chúng ta có đầy năng lực chiến đấu, kinh nghiệm đòn vọt nô lệ mà khi phá gông bẻ cùm rồi vẫn không hề dạy con cháu lòng căm thù cái gì cả. Vẫn cứ bài học bao dung, lượng cả làm đầu. Tha ai được thì cứ tha. Có phải giết ai cũng là hết cách ! Tôi nhớ ! Chỉ vì chung quanh bắt tôi phải nhớ, hiện trạng đất nước bắt tôi phải nhớ ! Tình cảnh nhân dân buộc tôi không quên thế thôi.

Bạn bè cũ của tôi nhiều đứa đã chết trong trại "học tập" đồng chí ạ ! Không tụi nó không lính tráng ngụy với chính gì cả đâu ! Thanh niên sinh viên, thầy giáo khoa học không thôi ! Mà cũng tại thanh niên sinh viên, thầy giáo ấy mới nát việc. Chúng nó cũng như tôi. Cứ ngỡ khi chiến tranh qua đi như sóng rút khỏi bờ, nó sẽ cuốn đi những rác rưởi của chiến tranh, hận thù, để rồi tất cả sẽ thanh bình, dân chủ, tự do sẽ tái lập. hạnh phúc ấm no, tiến bộ, phát triển sẽ đến. Khốn nạn, thống nhất vừa mừng chưa ngót một nhịp tim, bom đạn vừa ngưng chưa hết được nụ cười, thì lại chinh chiến, đói khổ. Tự do không thấy chỉ thấy bắt bớ tịch thu. Giấc ngủ chập chờn theo tiếng chó sủa khuya, lẫn tiếng dép râu công an lạnh lùng trong bóng đêm. Và cho đến tiếng gõ cửa dồn dập là cuộc đời loang lở ! Dân chủ cũng không thấy ! Chỉ thấy tràn ngập những chỉ thị, khẩu hiệu, lệnh ban không thể cãi. Mà chúng nó cãi mới chết ngưòi chứ ! Đã bảo cái thanh niên sinh viên, cái tính trí thức đã làm nát việc, nát thân con người đồng chí ạ. Chúng nó không thể thấy chó bảo mèo được ! Chúng nó không thể ngửi cứt mà bảo thơm được thì làm sao đây ?!! Chúng nó, và tôi, cũng như ông Phùng Quán ấy, cứ yêu thì bảo yêu, ghét thì nói ghét ! Ông Phùng Quán là nhà văn nên ai cướp bút của ông ấy, Ông ấy sẽ dùng dao viết văn trên đá ! Còn đám bạn của tôi nó có viết lách khỉ gì đâu ! Chỉ có óc khoa học, hai cộng hai là bốn, không thể là năm được; và phát ra cái miệng, nó thích nói cái gì nó nghĩ ! Ai bịt miệng nó ! Nó đành đánh rắm, đánh địt ở đít cho to để phản đối ! Thế là mang tội, mang án đấy đồng chí ạ ! Có nền thống nhất, hoà bình, tự do, hạnh phúc nào quái gở thế không cơ chứ !

Cơ nguyên cũng chỉ vì cái chuyện đánh tư sản tư siếc gì đấy. Mà tiền của trong gia đình nó bị kiểm kê, tịch thu, tụi nó chẳng tức ! Các cụ bảo của đi thay người ! Thế mà lại trật lất mới khốn nạn ! Của vừa "đi" thì ít lâu sau, người cũng mất ! Bố mẹ nó bị câu lưu, hành hình, khảo tra, vì "chính quyền cách mạng" được báo cáo rằng nhà nó vẫn còn vàng bạc và đem dấu. Thế là bị đi cải tạo vì cái tội ngoan cố không thành thật khai báo với cách mạng, dù rằng chẳng còn gì để khai. Bố mẹ chúng nó làm sao sống được trong cái trại cải tạo văn minh ưu việt bậc nhất nhân loại của đất nước mình cơ chứ. Thế là tụi nó lên thẳng ủy ban lý sự. Không biết tụi nó lấy ở đâu ra cả bản hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cũ rích nữa cơ ! Đã bảo cái tính trí thức nó ngây thơ lắm ! Thế là sau trận lý sự cãi lý hiến pháp oang oang ở ủy ban. Mấy đêm hôm sau, bất ngờ công an gõ cửa, với tội danh chống lại chủ trương đường lối cách mạng, xuyên tạc hiến pháp của nhân dân và lời nói Bác Hồ ! Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết chúng nó cãi những gì, viện dẫn những gì mà nát cả cuộc đời như thế ! Tôi đoán rằng cũng với cái tính trí thức, chắc chúng nó lý sự rằng tại sao Hiến Pháp viết một đường mà Bác Hồ và các ông làm một nẻo vv và vv. Chúng nó có biết đâu rằng đối vơí những loại "lãng tụ", chế độ độc tài, đảng trị thì Hiến Pháp, pháp luật chỉ để cho có thôi, chứ những văn bản đó vô ích hơn cả tấm giấy chùi ở trong nhà cầu !

Nhưng thôi ! Chuyện ấy cũng qua đi theo luồng sóng biển vượt biên của tôi mà trôi mất. Tôi cứ ngỡ như thế mới đau chứ ! Ngày tôi về thăm lại đất nước, với tờ đơn xin hồi hương cầm tay ngậm ngùi nhìn xứ sở "đổi mới" mà lòng xôn xao kỳ lạ ! Tôi đã tưởng mình quên bớt được chuyện non nước mình, ai dè ! (Người nam bộ vẫn bảo chỉ có xe đạp mới có dè chứ người ta, ai mà có dè !). Tôi đi đến đâu thì công an theo đến đó ! Họ cố tình nhắc cho tôi nhớ "chuyện non nước mình" đồng chí thấy không ? Họ chẳng làm gì cả cứ theo thôi ! Mà đơn nộp rồi cũng không thấy một lời hồi đáp !

Mà thôi, không hồi đáp thì tôi cứ chờ đấy ! Tôi đoán rằng họ chờ xem tôi có còn hay mở miệng "linh tinh" nữa không ? Nếu quả như thế thì bỏ bu rồi ! Vì bây giờ không những tôi vẫn còn tật hay nói "linh tinh" mà còn viết lách loạn cào cào nữa mới chết chứ ! Nhưng kẹt là họ không còn khả năng cướp bút của tôi để tôi phải viết văn trên đá như ông Phùng Quán nữa rồi, đồng chí ạ ! Không phải vì tôi có võ hay có súng, có bom, có mìn gì đâu. Mà bây giờ tôi viết trên máy vi tính, viết trên mạng liên-tín mới khó cho họ. Và đồng bào mình không chỉ còn sục xạo tìm giấy má để đọc nữa mà gõ lóc cóc trên máy, lên mạng tìm thông tin mới hay ! Bút không có để giựt, giấy không có để đốt ! Ầy nhưng mà họ có bức tường lửa đồng chí ạ ! Thế mới ranh mãnh ! Nhưng cái khó nó ló cái khôn ! Nhân dân mình vẫn thế đồng chí nhỉ ! Họ vẫn cứ vào được mới tài chứ lị !

Không được hồi hương ! Tôi nghĩ thế ! Mà đành thôi. Dù khổ tâm lắm ! Có ai muốn làm du khách trên chính quê hương của mình đâu ! Mà không nói thế được ! Có thể có chứ ! Mà không chừng nhiều nữa là khác ! Trong cái kinh tế toàn cầu hoá, đa văn hóa này, thì chắc thiếu gì kẻ vẫn mơ làm du khách trên quê hương mình cho nó xênh xang ! Thế mới có kẻ chạy tiền để ra đi chứ ! Lãnh đạo mới gửi con đi chứ ! Nhưng tôi thì nhất định không ! Tôi xin thề có các anh linh vua Hùng chứng dám. Nhưng chế độ đã không muốn thì phải đành thôi. Thế là tôi, cho đến bây giờ vẫn buộc phải chắp tay làm du khách lang thang nhìn quê hương mình nóng cháy trong cơn sốt từng cơn của thị trường toàn cầu hoá. Đồng bào tôi "thua", mà tôi bị đẩy vào thế kẻ "được" mới khổ tâm. Đồng Đô La vẫn cứ là đồng Đô la "hoành tráng" đè trên tờ tiền cụ Hồ "bé bỏng, xác sơ".

Nói đến đồng tiền "cụ Hồ", tôi xin hỏi nhỏ các đồng chí nhé. Hỏi nhỏ thôi vì đây là những chuyện riêng tư, lặt vặt. Tôi thấy lạ một điều là những tờ tìền Việt Nam, từ tờ 100đ đ, 500đ, 1000đ, 5000đ, 10000đ, 20000đ, 50,000d v.v đều in một cái bản mặt phèn phẹt của ông Hồ. Không hiểu người ta kính trọng ông ta quá trớn hay là chơi xỏ lá ba que ông ấy ? Cứ tưởng đến cái cảnh một ông khách làng chơi nào đấy, hay các đồng chí nam tụi mình đi "nghịch" tí, cho tê tê buồn buồn ở Karaoke, thưởng tiền các cô chiêu đãi, nhét vào quần lót vào "bướm" các cô ấy thì còn ra cái thể thống "kính yêu" gì nữa ! Không hiểu đã có sắc lệnh hay nghị quyết cấm nhân dân cất tiền cụ Hồ ở những chỗ "ấy" hay không ?!!! Hay là cái bộ óc ưu việt nào đó nghĩ rằng in vào đồng tiền thì chúng mày có chán, có ghét vẫn cứ phải yêu phải thích ! Yêu tiền là yêu Người ! Tôi mà là tổng bí thư, tôi sẽ cùng các đồng chí vận động Mỹ in hình cụ Hồ vào đô la hay hơn . Vì bây giờ cả đảng, cán bộ, cả nước yêu đô la hơn tiền Cụ Hồ nhiều.

Biết làm gì bây giờ ! Ước mơ gì bây giờ ! Đồng chí ơi, lần đầu tiên trong cuộc đời làm người Việt nam, sau hai mươi năm sống tha phương, tôi được đặt chân lên đất Hà nội, thủ đô ngàn năm văn vật của dân tộc, trái tim của cả nước, mà dù lòng bồi hồi nhưng vẫn cảm thấy thân quen như từ muôn kiếp. Như chính mình đã sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi đi bát bộ khắp các đường phố, đường dài, ngõ hẹp. Nghe đồng bào gọi chào nhau ơi ới, chửi nhau chanh chua, mà lòng rộn rã. Dù lúc ấy không vào mùa thu để hít đầy phổi mùi hoa sữa, hay hương cốm xanh vương bước chân đi ! Nhưng mùi bún chả thơm lừng khắp ngõ ! Mùi phở tung bay khiêu khích dạt dào ! Chả trách ông Nguyễn Tuân không nề chữ nghĩa tán tụng món phở đến nỗi bị phê bình là lãng mạn tiêu tư sản gì gì cơ đấy ! Ở cái đất nước khốn khổ này đi đâu cũng thấy hàng chữ Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, mà khen chê có một món quốc hồn quốc tuý cũng mang tội !

Nhưng mà có một điều khổ tâm. Tôi tìm khắp chốn, ngó kỹ khắp nơi vẫn không thấy được một bức tượng Anh Hùng tiền nhân nào được dựng lên cả, ngoại trừ một bức tượng đen xì của một thằng Tây nào đó. Nó đứng sừng sững, chống nạnh, khua tay, hất hàm một cách rất mất dạy, nham nhở và trơ trẽn vô cùng đồng chí ạ. Nhân dân chắc phải bất bình dữ lắm, họ bảo Nó là chú hay bác gì của Lê Duẫn, hay cháu lai mấy đời của Lê Chiêu Thống thì phải, vì nó cũng họ Lê, Lê Nin. Nhưng vì nước ta dân chủ tập trung cho nên họ chỉ tỏ bất bình bằng cách ban đêm leo lên đội nón lá cho Nó thôi. Cũng được đồng chí nhỉ ! Khôn vặt vẫn hơn là ngu. Lãnh đạo, bồi bút khi nhắc đến thằng Tây này đều cung kính gọi "Người" cơ đấy ! Thế mà nhân dân họ cứ thằng này thằng kia, nó mà gọi ! Nhân dân mình thâm và tếu ra trò chứ phải chơi ! Lúc ấy là năm nào tôi quên rồi, nhưng tượng của vua Quang Trung ở gò Đống Đa đang được thực hiện, có lẽ là tượng tiền nhân duy nhất, nhưng mà Ngài lại đứng ẩn đàng sau gò nếu nhìn từ phía đường Nguyễn Lương Bằng... Mà tại sao không xây trên gò nhỉ ? Và cái miếu trên chóp gò đâu rồi ấy ! Nhân dân bảo với tôi rằng thời Hoàng Văn Hoan làm cái chức Văn Hoá gì đấy, nó sợ Trung Quốc buồn lòng nên phá đi rồi ! Thế còn các vị lãnh đạo cao hơn đâu ? Tôi không hiểu Hoàng văn Hoan sợ hay cả đám các "đồng chí" ấy sợ, rồi bây giờ đổ thừa cho Hoan, chỉ vì hắn trốn qua Tầu và không còn ai cãi nữa !!! Mà hắn cũng đi chầu Mao trạch Đông rồi thì phải ! Rõ tiếc !

Có nhiều lần tôi lặng người ngồi nhìn chiều xuống bên hồ Tây mà muốn văng tục khi thấy nhân dân mình lúm khúm, lăng xăng tiếp rước những con du khách kênh kiệu ăn mặc hở háng, hở nách. Cũng chẳng sao tụi nó mặc vậy cho mát da mát thịt, hưởng gió hồ Tây, ngắm chim sâm cầm ! Nhưng đồng chí có biết không, khổ nỗi nó ăn mặc như thế mà vào cả chùa chiền của người ta cơ. Ở khu chùa Diên Hựu, dù có cả cái bảng vẽ chữ vẽ hình nhắc nhở, mà chẳng có đưá nào, cả ta cả tây thèm lưu tâm cả. Cứ thấy nó đưa tiền ra thì tíu tít cả lên thôi. Tôi thấy thương đồng bào mình quá !

Đồng chí biết không, có khi tôi bỏ cả ngày đi hết nơi này nơi kia chỉ để nhìn ngắm đồng bào mình với muôn hình muôn vẻ cho đã thèm hai mươi năm xa cách. Đang là lâng lâng thích chí thì lại thấy dăm ba thằng Tây to cao đồ sộ nắm eo mấy cô bé Việt, váy ngắn cũn cỡn, hoặc quần bò áo thun sát da, đứng chỉ tới vai nó, dúi vào taxi, hoặc lôi ra khỏi taxi đi vào nhà khách, nhà nghỉ khách sạn gần đấy. Tôi bỗng nhớ đến cảnh các quán "Bar" Mỹ ở Sài Gòn mà thở dài ! Giải phóng, cách mạng, thấm đượm bản sắc dân tộc... là như thế hay sao ! Trái tim của cả nước ơi ! Tôi bỗng lạnh cả người khi bất chợt nhớ đến "kỹ nghệ lấy Tây" của Vũ Trọng Phụng ! Hay là đất nước mình đang ở thời Thực Dân mới ! Với những tên thực dân "mới" cùng mầu da, nắm quyền lãnh đạo bắt tay thực dân Tây, Mỹ và đám thực dân con ăn ké Việt Kiều ! Nếu quả thế thì quá khốn nạn cho đồng bào mình đồng chí ạ ! Bị đè năm lần bảy lớp, chẳng trách thân xác cứ rạc cả ra !!! Hay chắc lại tại do "cơ chế thị trường" ! Cũng có thể đồng chí nhỉ ! Nhưng tôi nghĩ mãi với kiến thức Chính Trị và Kinh Tế học ở Úc của tôi mà vẫn không tìm ra được còn cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" là những cái nào, cảnh nào, nằm ở đâu ?

Tôi buồn quá đi vòng ra phố khác. Tìm đến một quầy nước nhỏ bé bên đường ngồi xuống uống cốc trà xanh, ăn một miếng kẹo lạc, rồi hút một hơi Thăng Long ! Ôi sao mà nó sướng thế cơ chứ ! Hơn hẳn Coca, Bia Rượu, thuốc ba số bên Úc một trời ! Còn đang ngây ngất, định làm một hơi nữa, thì ôi chao ! một đám các cháu nhỏ, còm cõi hem hễ, xúm lại xin đánh giày ! Tay này lăm lăm đôi dép nhựa, tay kia cầm thùng đồ nghề, miệng nài xin đến khổ ! Đã hết đâu ! Bên này một đám các cháu nhỏ khác, đứa bế em mũi dãi hem hễ, tay cầm cái nón, nhếch nhác lại xin tiền nữa ! Tôi choáng váng cả người ! Hai mươi năm không thấy ăn mày, không thấy đánh giầy ! Giờ đây nhìn con cháu đồng bào như thế này đây sao ! Cuộc đời tôi, làm ông, làm thầy, làm thằng, có đủ, nhưng chưa khi nào tôi ngồi dạng chân để ai đánh giày cả. Ngồi để người khác oằn lưng đạp trên chiếc xích lô đã là quá quắt bất nhân rồi ! Tôi lúng túng quá, nhưng cũng ổn định chúng nó xong, tôi xin mượn một đứa cái bàn chải và tự quẹt qua loa mấy cái, để lấy cớ trả công mướn bàn chải. Bác chủ như muốn xua đuổi các cháu, tôi liền vội vã xin được "tiếp" lũ nhỏ.Tôi ra điều kiện là chúng ngồi nói chuyện với tôi dăm phút rồi sẽ cho tiền. Tôi mời chúng nó ăn kẹo uống nước, và hỏi gia cảnh, quê nhà ở đâu v.v Dĩ nhiên tụi nhỏ sẽ nói lung tung, nhưng đến chín phần mười đều ở xứ Nghệ ! Tôi lấy tiền ra trả tiền nước, tiền kẹo. Rồi cũng tế nhị quay lưng "kín đáo" tặng các cháu mỗi đứa chục ngàn. Lúc chúng bỏ đi vẫn còn quay lại ngơ ngác nhìn tôi. Chúng có biết đâu tôi cũng bàng hoàng nhìn theo chúng nó đầy kinh ngạc. Bác chủ quán trách khéo tôi: "Bác làm thế, chẳng mấy chốc bọn khác kéo đến bây giờ ! Bác người ở ngoài về đấy phỏng ?" Tôi nói trớ " Dạ không! Tôi ở SàiGòn ra công tác". Và hỏi luôn để dấu cái nói dối vụng về của mình: "Chúng nó quê ở xa thế cơ à bác !" bác chủ chép miệng " Xa gần gì thời buổi này ! Tứ xứ đều về đây ! Từ Nghệ ra đây vẫn gần hơn đi vào trong Thành Phố !". Bây giờ thì tôi hiểu và tìm ra được câu trả lời rồi: các cháu nhỏ kia, sự dửng dưng của người dân, người lớn, cha anh, lãnh đạo, trước cái đói rách khốn cùng đau khổ của các cháu, đích thị là cái đuôi định hướng XHCN của nước ta còn lại từ mấy chục năm qua ! Phải không đồng chí !

Văn hào Dostoievsky một lần đã nhận xét ở đâu đó rằng " Sự bất hạnh, đau khổ, chịu đựng của trẻ thơ (trên thế giới) là bằng chứng hùng hồn nhất để bác bỏ sự hiện hữu của Thưọng Đế (Thiên Chúa hay ông Trời). Còn tôi, một người Việt Nam vốn dốt nát triết học, không thích tôn giáo, chỉ thấy đây là một chứng cớ hiển nhiên của cái tính bất nhân, vô chính nghĩa của những tên lãnh đạo, Đảng Cộng Sản Việt Nam và Hồ Chí Minh. Nếu sai xin các đồng chí cứ chỉ dạy !

Đồng Chí có thấy các em thơ không ?

Đến đây có lẽ tôi phải trở lại nói chuyện nghiêm túc hơn. Phải nghiêm túc khi nói về trẻ thơ, nhất là về những bất hạnh, khốn nạn mà các em phải gánh chịu. Vì với tôi, khi nói hay bàn về chính trị, lãnh đạo, tôn giáo, tôi cứ hay nửa đùa nửa thật. Phần vì muốn tránh bớt cái khô khan căng thẳng cho vui, cho dễ nói dài, nói dai. Hơn nữa, thành thật mà nói, tôi không thấy có nhu cầu "tôn kính" tôn giáo hay chính trị và các nhân vật lãnh đạo của nó. Bởi vì họ cũng chỉ là những con người trần tục như tôi; với cái bao tử đầy cứt, do từ cái mồm cũng muốn ăn ngon, thèm uống ngọt, và các cơ phận sinh dục vẫn cứ phải "bài tiết" như tôi; nếu không nói là có nhiều phần tệ hại hơn tôi nữa ! Tôi chẳng dấu diếm, "thánh hoá" tôi bao giờ. Như thế, khi cố tỏ ra tôn kính, sùng bái lãnh đạo chính trị hay tôn giáo, vô hình chung mình đã biến thành cái máy nói, nô lệ tư duy và mất dân chủ, mất tự do.

Cách đây khoảng hơn 30 năm, hồi thời Mỹ Ngụy, có một ông nhà văn trẻ, không khoa bảng, quê ở Thái Bình nghèo khó (Cũng lại cái Thái Bình mà Đảng ta đang ghét cay ghét đắng, đang muốn bôi nhọ). Anh nhà văn trẻ này đã từng bị đảng phỉ CSVN ghi vào sổ những tên biệt kích văn nghệ nguy hiểm; từng bị Mỹ Ngụy xăm xoi trù ếm. Chỉ vì anh ta cứ thấy đâu nói đấy. Nhất là nói về cái bất nhân bỏ rơi trẻ em, bịp bợm thiếu nhi, xúi trẻ ăn cứt gà sáp của lãnh đạo, chế độ. Anh ấy đã viết "Bò sữa gặm cỏ cháy" để nói lên vấn đề này một cách rất "nghiêm túc".

Tôi không khơi lại những cái đã qua, những nhân vật đã qua ấy. Vì họ đã hết quyền rồi. Bây giờ nếu còn sống thì cũng lây lất đâu đó ngồi gậm nhấm những gì đã cướp của nhân dân mà đếm thời gian trôi qua, trước khi về hội kiến các cụ tổ tiên Việt nam mà mặt mày lơ láo, thần thảm thương như Cao Bá Quát đã nói ! Nói cho cùng họ, chỉ là những tên "chăn bò" hạng bét của Mỹ thôi ! Họ đã đi vào góc tối của lịch sử ! Không đáng bàn nữa !

Tôi cũng sẽ không phí giờ bàn đến từ ngữ khẩu hiệu nữa ! Vì nhân dân họ bén nhậy lắm không cần phải "dạy" họ, như dạy đĩ vén sống, dạy ông Cống đi thi. Hay đúng hơn là làm cái việc muá rìu qua mắt thợ ! Hãy cứ lắng nghe nhân dân phản ánh một cách cay đắng nhưng hóm hỉnh, thông minh và chính xác về chủ nghĩa, khẩu hiệu: "Ở đất nước ta từ ngày Thực dân ra đi, cái gì cũng thuộc về Nhân Dân rồi ! Quân đi nhân dân, Công An nhân dân, Toà Án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân vv.vv nhưng chỉ có Ngân Hàng, Kho Bạc là của nhà nước thôi !!! Cho nên đóng góp sinh mạng tài sản, thì nhân dân phải gánh, phải lo. Còn tiền bạc của cải làm ra của nhà nước, nhà nước giữ" ! Vì vậy không cần phải thưa chuyện, phân tích, chứng minh về những khẩu hiệu như: Không có gì quí hơn Độc Lập Tự Do, Đảng tận tụy vì Dân - Dân Tin vào Đảng, Dân Chủ Giầu Mạnh - Xã hội Công bằng Văn Minh ..v.vlàm gì nữa. Dân biết cả ! những chữ đẹp đẽ ấy khi đã bị đảng CSVN và ban văn hoá tư tưởng đảng sờ đến là nó mất hẳn nghĩa rồi ! Dù chúng có được treo đầy đường, khắp phố; hay được ra rả phát thanh ngày này qua ngày khác, và trên lỗ mồm của cán bộ, nhà văn, viện sĩ, giáo sư của chế độ. Những thứ ấy chưa từng hiện hữu ở đất nước chúng ta !

Ta hãy bàn chuyện hôm nay, những người lãnh đạo hôm nay, với những trẻ thơ hôm nay đang lang thang trên khắp đầu đường xó chợ Việt Nam. Những đứa trẻ đang ngồi chờ Mẹ, Chị, đi khách xong để có bát cơm đầy. những đứa trẻ đang nằm đau đớn hấp hối chờ chết vì cha mẹ không có đủ tiền lo lắng, thuốc thang. những trẻ thơ Việt nam, con cháu của những anh hùng, trí tuệ, đã không bao giờ có được tuổi thơ.

Tôi vẫn thích nói những điều tai nghe mắt thấy hơn là viện dẫn văn từ, phúc trình báo cáo. Dù đã được đọc những nghiên cứu, báo cáo của các bác sĩ nhi đồng Việt nam, của cơ quan Quốc Tế, về hiện trạng những trẻ em phá thai, chữa trị cửa mình ở bệnh viện Nhi Đồng vì đã bị "bán trinh" cho khách ngoại quốc ( dĩ nhiên gồm Việt kiều). những con số thống kê thiếu dinh dưỡng vv. và vv... Bởi ngôn ngữ của thư lại trong báo cáo, tường trình không thể nói hết sự thật của thảm trạng, nỗi đau đớn của các em bé Việt Nam dưới sự chăm lo của đảng sáng suốt, đầy trí tuệ. Bởi vì cũng chính những ngôn từ thư lại như thế mà được đảng CSVN báo cáo thì các trẻ thơ Việt nam nhất định là đang sống trên thiên đường hạ giới: được chăm lo, giáo dục, y tế, nuôi dưỡng bởi hàng trăm ngàn những thầy cô, bác sĩ, cán bộ nhân dân ưu tú, đầy tinh thần trách nhiệm, tình thương. Và dĩ nhiên phải là dưới sự soi sáng dẫn dắt của Đảng đầy trí tuệ !!!

Nhưng hiện trạng vẫn cứ là hiện trạng ! Trái ngược hẳn !

Ở đâu, nơi nào, thời nào cũng thế, tuổi thơ, em bé vẫn thường được dùng để đánh bóng vai trò của lãnh đạo, tính chính đáng của chế độ. Đơn giản, không phải chỉ vì tuổi thơ, trẻ em dễ làm lòng người xúc động, thương yêu gần gũi, mà hơn nữa Tuổi thơ là rường cột, là tương lai của dân tộc đất nưóc, là vốn liếng quí nhất, quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thật sự là như thế chứ đâu phải nói cho văn vẻ, văn chương mà thôi. Không có đất nước nào dân tộc nào mà ngóc lên được khi thế hệ trẻ thơ của họ không được chăm sóc no ấm, học hỏi đầy đủ, và giải trí vui tươi. Và cũng như vậy ngược lại không có quốc gia nào dám tuyên bố xã hội mình văn minh, tiến bộ khi không trưng bày được sự no ấm, mạnh khoẻ, thông minh, vui tươi của con em họ. Nhưng ở đất nước ta, nơi có hình ảnh lãnh tụ ôm hôn nhi đồng khắp phố, tượng Bác kính yêu choàng vai thiếu nhi khắp nơi, thì ngược hẳn.

Trong chiến tranh, nước mắt, xương máu, thân xác của trẻ thơ Việt Nam khổ nạn, được mang ra trưng bày để tranh thủ dư luận thế giới về sự tàn ác vô nhân của đối phương. Thời hòa bình, cũng lại thân xác trẻ thơ, những đau khổ nhức nhối của các em bé, lại được trưng bày để nài xin lòng thương, viện trợ nước ngoài. Cái thời gian khoảng cách 25 năm hoà bình xây dựng XHCN không ai buồn đặt câu hỏi, giải thích. Con số ngân khoản quốc gia giành cho Quân đội, Công An to lớn quá độ, so với ngân khoản y tế, giáo dục giành cho thiếu nhi. Không ai buồn phân tích, chứng minh ! Không ai thắc mắc tại sao trưòng đại học An Ninh, nơi đào tạo sĩ quan Công An, lại tuyển học sinh ưu tú nhất nước, và dĩ nhiên được bao cấp rất cao so với các ngành khác. (phải đạt điểm thật cao với ba năm tiên tiến, dĩ nhiên chưa kể lý lịch). Giới lãnh đạo, báo chí, cán bộ, nhà văn của chế độ, vẫn cứ mặt dầy, trơ trẽn đổ lỗi tại chiến tranh. Đảng vẫn không bao giờ sai !

Đất nước, xã hội Nhật Bản gần như hoàn toàn sụp đổ sau chiến tranh, cộng thêm hai quả bom nguyên tử với hậu quả phóng xạ. Thế mà chỉ sau 15 năm, không một lời đổ lỗi tại chiến tranh, không một niềm hãnh diện tiền rừng biển bạc, không đổ thừa tại dân số, không có sự lãnh đạo sáng suốt đầy trí tuệ của Đảng Cộng Sản, không có lãnh tụ kính yêu ôm hôn các cháu. Trẻ thơ Nhật Bản đã trở thành hình ảnh ước vọng, gương học tập của hầu hết các nước trên thế giới ! Và từ đó cho đến nay, vẫn chỉ là niềm hãnh diện "kín đáo" của dân tộc Nhật!

Ở đất nước ta, một dân tộc có "truyền thống hiếu học", đối với các em vẫn còn được chút may mắn cắp sách đến trường một cách "chính quy", nghĩa là gia đình cha mẹ có hộ khẩu đàng hoàng, học hành đã trở thành "gánh nặng". Tôi về Việt nam ghé thăm mấy gia đình quen biết. Cứ thấy các cháu nhỏ vắng nhà luôn. Hỏi đi đâu ? Thì được biết các cháu phải đi học thêm, học bù ! Ban đầu tôi cứ nghĩ quả thật thầy cô bây giờ tận tâm quá ! Đã dạy ở trường rồi còn hy sinh, bỏ cả chuyện nhà, dạy thêm cho các cháu ! Sau mới hiểu ra là không những trung học, mà tiểu học cũng "phải" học thêm. Không học không được với thầy cô đâu. Và học thì phải đóng tiền thêm, chứ không phải cứ đến cho thầy cô dạy dỗ rồi về ! Nhân dân phản ánh ngắn gọn: "Bán" tự vi sư mà !

Đối với những con em thuộc gia đình túng thiếu, hoặc vì kinh tế phải theo cha mẹ vào thành phố không có hộ khẩu, thì không được đi học. Có những trường hợp các cháu may mắn nhờ có "mẹ trẻ" gá nghĩa với người có hộ khẩu để cho con được phép đến trường, chưa kể tiền bạc đủ lối. Còn những em không may mắn chỉ có bố thì ra sao tôi không được biết. Đấy là không kể đến khi ốm đau thì làm sao đây ? Đất nước hoà bình đã 25 năm, mà cái chế độ kiểm soát hộ khẩu tàn độc phi nhân bản, nhân quyền vẫn còn đó. Quyền tự do vãng lai, cư trú, du lịch được ghi trong hiến pháp chỉ áp dụng cho con ve cái kiến mà thôi.

Đấy chỉ là trong ba bốn thành phố chính, những bộ mặt nổi, trưng bày của xã hội thì đã thế, chứ ở các tỉnh huyện xa, nhiều trường sở chỉ là khung nhà và cái mái, các em học trò đi học phải tự mang theo ghế nhựa. Giáo cụ và điều kiện học hành ở trường sở thì khỏi phải bàn cãi làm gì. Chưa nói đến chuyện thiếu thầy cô, đi học bữa đực bữa cái.

Một buổi trưa tôi và gia đình người quen đi thăm mộ các cụ nội, ngoại ở ngoài đồng. Chúng tôi thắp hương rồi đang đứng nói chuyện. Bất chợt bên phía bờ đất xa có tiếng trẻ thơ réo gọi:

- Mẹ ơi ! Ông ơi !
Mẹ đứa bé quay lại nói vọng về phía bờ đất nơi đứa bé đang vẫy tay:
-Gì đấy ! Sao không ở trường học lại ra đây vậy ?
Thằng bé cố nói thật to:
-Mẹ ơi con khát quá ! Con đói quá !
Tôi nhanh nhẩu đoảng hỏi chú em đúng gần bên:
-Bộ sáng ra nó chưa ăn gì hay sao vậy ? Ở đây học trò không đem cơm theo à ! Mà sao thầy cô đâu mà lại để nó bỏ trường ra đây thế này ?


Cả gia đình im lặng nhìn tôi ái ngại, có vẻ hơi ngượng ngùng. Tôi mới chợt nhận ra cái vụng về xớn xác, nhanh nhẩu đoảng của mình. Mà sao đồng bào tôi họ lại ngượng làm gì cơ chứ ! Phải phơi ra, gào lên cho cả cái chế độ nhà nưóc này xấu hổ mới đúng ! Nhưng giới lãnh đạo có còn biết liêm sỉ là gì nữa đâu ! Nếu còn, họ đã không để các hội gọi là "từ thiện phi chính phủ" đến đất nước này diễn trò ân nhân, cha nuôi, mẹ nuôi ! Mà thực chất chỉ là bọn đi phát tán văn hóa của họ với nhúm bạc cắc của tư bản thực dân mới (dĩ nhiên trừ những nỗ lực từ tâm chân chính cá nhân).

Tôi đã đến Lào Kai, Bắc Hà, Phú Thọ, Hải Dương, Đông Triều, Quảng Ngãi, Hội An, nhìn hình ảnh các cháu bé loắt choắt, chân lấm không dép guốc dắt nhau đi học, mà trong bụng không biết đã có cơm chưa ? Tôi bỗng nghĩ đến những đứa trẻ ở đất tạm dung xứ người bên kia bờ đại dương, mà không cầm được nước mắt. Và từ đó, mỗi lần nhìn cái quảng cáo xin tiền của các hội từ thiện Úc Mỹ, dùng hình ảnh khốn khổ của các trẻ thơ Việt nam, tôi tắt đồng chí ạ. Tại sao ? Đồng chí hãy dùng lương tâm, sự tự trọng của một đồng bào, của một người cha, người mẹ, ông bà của các cháu bé đó mà suy nghĩ và tự trả lời.

Trước khi tạm dừng bút, đồng chí cho phép tôi nhắc lại lời văn hào Nga Dostoievsky "Sự bất hạnh, đau khổ, chịu đựng của trẻ thơ (trên thế giới) là bằng chứng hùng hồn nhất để bác bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế" (Thiên Chúa hay ông Trời). Còn tôi, một người Việt Nam, không thích, không muốn bàn luận tôn giáo, vì cái thảm trạng của những "tín đồ" là chỉ biết tin theo mà không bao giờ dùng khả năng lập luận. Tôi chỉ thấy đây là một chứng cớ hiển nhiên, hùng hồn nhất để phủ nhận sự tồn tại quyền hành của Đảng Cộng Sản Việt Nam trên đất nước tôi.

Đồng chí ơi ! Hãy nhìn quê hương sáng chói như thế đấy !

Nguyên Khả Phạm thanh Chương.
Đất tạm dung, ngày mùng 7 Tháng 2 năm Tân Tỵ (1-3-2001)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn