BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62228)
(Xem: 39416)
(Xem: 31161)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngày Tết Nghe Cải Lương

12 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1328)
  • Tác giả :
Ngày Tết Nghe Cải Lương
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Năm ấy, tính ra là hồi tháng chạp nông lịch, những ngày giáp Tết của năm 2003. Cả toán anh đóng tại cái trại lính nhỏ bên kia biên giới A phú hãn.

Vùng này khi xưa vốn thuộc kinh đô Phật quốc của Hoàng đế Ashoka. Sách vở nói nhà vua bấy giờ là một hoàng đế chinh phạt khắp vùng, dựng nên một đế chế huy hoàng, bàn cứ cả một vùng đất bao la, ăn trùm cả lục địa Nam Á, văn minh phú túc có phần còn hơn Đế chế của Alexandra the Great nữa. Sau, nhà vua có cơ duyên theo đạo Phật và cả đế quốc Maurya trở thành Phật quốc.

 Vậy mà nay là một vùng đất của các bộ tộc bán khai nghèo khổ, man dại, theo đạo Hồi cực đoan.

Dân các bộ tộc còn làm ra những chuyện rợn tóc gáy như: Bán con gái cỡ 11-12 tuổi qua Trung đông làm vợ (!) cho những người Á rập; — Ông cha đè đứa con gái mình xuống cho chàng rể cầm dao cắt mũi, tai bà vợ vì nghi (!) bà này nhòm cha hàng xóm trong lúc chồng và cha đi vắng, cho đó là chuyện thực thi quyền làm chủ gia đình; — họ phát động chiến tranh, tàn sát lẫn nhau không nương tay giữa các bộ tộc, mấy chục người bị giết một đêm chỉ vì một con dê đi lạc, mà làng này tưởng làng bên kia ăn trộm. Ai cũng có súng, và họ mang ra bắn nhau chí chạp, máu đổ, đầu rơ… vì những cái cớ nhỏ mọn nhất!

Hiện nay lợi dụng tình thế, họ nhận tiền để che dấu bọn khủng bố Á rập nhập cư trốn lánh trong vùng, hoặc làm những công việc tiếp tế, dẫn đường, thậm chí rủ cả làng đi đánh thuê để kiếm tiền bổ sung vào nguồn thu nhập chính là buôn lậu vũ khí và thuốc phiện, lại còn được thể dương oai là những chiến sĩ của đạo quân Thánh chiến!

Dâu bể tang thương, hoang sơ tiêu điều. Cả một vùng đất rộng thênh thang là một thung lũng nhỏ sình lầy, có những ruộng lúa chật hẹp ngập nước bì bõm bao quanh bằng những vùng núi đồi đất đá và những thảo nguyên liền theo núi đồi trùng điệp, kéo tận đến mịt mù.

Chỗ anh đang ở đây, căn cứ, vốn là một sân bay nhỏ xíu, được thành lập từ đời nào không ai hay, thuộc quyền quản trị của không quân xứ này, nhưng nghe kể, thực ra là họ chỉ nhận hối lộ của Trung đông rồi dùng công quỹ và quân đội xây cái cái phi trường chỉ có một phi đạo năm ngàn bộ cho các máy bay dân giàu có ở Trung đông qua đây săn bắn.

Mỗi khi đám đó đến, thì họ thả các các loại chim Ưng, Ó, ra để săn bắt thỏ, chồn, thậm chí nai, hoẵng, v..v… để giải trí, và để khoe các con chim săn mồi cưng quí giống Á rập của họ.

Đó là nói chuyện thời xưa lắc xưa lơ nào chứ bây giờ đang chiến tranh, phi trường gần như bỏ hoang, lực lượng địa phương đồn trú chỉ có chừng một trăm lính và hai chiếc máy bay giống như “máy bay bà già”, loại Morane cũ của Pháp, sáng ra bay rè rè, đảo chung quanh phi trường một bận rồi đáp xuống ngay, làm như sợ tốn xăng vậy.

Căn cứ nhỏ xíu, toàn những căn lều vải bạt, dựng thành từ nhóm, bao chung quanh phi đạo, cách ly với cái làng ngoài kia bằng ba lớp rào kẽm gai. Nơi gần nhất với khu nhà dân, chỗ cái chợ nhỏ, thì có bức tường thành dài độ ba trăm thước, đủ cao để ngăn bên ngoài không thấy được bên trong, thế thôi.

Có ba trăm TQLC đồn trú trong căn cứ, vừa làm nhiệm vụ là một căn cứ tiền thám khu biên giới phụ trách, vừa làm căn cứ trợ chiến trong trường hợp có bất trắc xẩy ra, như máy bay ngoài hạm đội bị trục trặc phải đáp khẩn cấp chẳng hạn. Và, là “nhà an toàn” tạm thời cho những toán thuộc những LL Đặc Nhiệm (Special Task Force) như toán của anh.

Đêm mồng một Tết, giao ban trực xong, anh ra đứng trước hàng hiên nơi làm việc, ngao ngán nhìn trời. Ngao ngán, vì ảnh hưởng của bao nhiêu cơn mưa tầm tả kéo dài từ mấy ngày qua, những con đường đất trong trại đã trở thành những “con đường sình ta đi”. Vừa đi vừa trượt ào ào.

Đứa nào chưa quen, chụp ếch dài dài. Nhiều đứa lính mới, ra khỏi lều, chưa đi được một trăm bộ đã ngã nhiều đến độ bùn đất phủ toàn thân, mặt mũi, quần áo, ba lô súng đạn, tất cả đều một màu bùn, cứ như đang đi dạ hành trong khóa huấn luyện sình lầy vậy

“Mẹ, mưa gió lầy lội cái kiểu mưa thối đất này thì còn phải bơi về lều chớ đi gì nổi!…” Anh nghĩ thầm.

Hút xong điếu thuốc, anh quay người, mở cửa, thò đầu vào la lớn chào mấy đứa bạn đồng ngũ, xong đóng ập cửa lại, kéo mũ chụp của cái áo Parka lên để trùm lên cái mũ boonie (mũ rừng) đang đội trên đầu cho khỏi ướt, xong lại khom lưng nhấc cái balô nặng trĩu lên vai, với tay cầm khẩu Mk 16 SCAR, bước ra mưa, khởi sự đi về lều.

Vừa đi lảo đảo chông chênh, cố tránh các hố nước ngập bùn. Mà đâu cũng là bùn sình cả, mỗi bước chân nhấc lên hạ xuống là nghe tiếng bì bõm, “Men, men, haha, ngày tết xuất hành ngay… đêm mồng một, là như vầy đây… Phúc hay họa, tốt hai xấu còn chưa biết à nhen!”

Nói là xuất hành đêm mồng một, vì anh bị “dính” trong TOC (trung tâm hành quân) từ hơn 24 giờ trước đây, nghĩa là từ chiều ba mươi tết lận.

Đang đi, anh bỗng ngưng bước, quái lạ, sao có tiếng ca hát, mà như là tiếng Việt, giọng một nữ, một nam, ong óng cao, rõ ràng là làn điệu tân nhạc “pha chế” dành cho loại tân cổ giao duyên:

(Nữ) “Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ… Thôi hết rồi, thôi hết rồi, thôi hết rồi, …ta xa nhau rồi, …còn gì đâu nữa mà mong…”

(Nam) “Một mùa ái ân mình vui mấy lần… giờ thì đớn đau trọn một số kiếp, …em nói gì, em hứa gì, em ước gì,… Ôi bao nhiêu lời, mặn nồng nay gởi về đâu…”

Anh bước chậm chân lại, lắng nghe :

(Giọng nữ vô vọng cổ)” Trách nữa đi anh, những lời hờn trách hôm nay em xin được xem như thay lời từ tạ… Hãy trao hết cho em khi đặt chân lên xe cưới để theo…chồng, ….Sóng lệ dâng mi đời vỡ mộng tương phùng …”

(Giọng nam ca tiếp):” Biết phải làm sao lá dậu còn thương cành cũ vẫn phải đau lòng héo rụng lúc sang thu…”

Anh cười khục trong cổ, nghĩ: “Trời, lạc tới đất này mà cũng có cải lương Lệ Thủy – Minh Phụng sao ta! …” Trong lều, tiếng ca vẫn văng vẳng vang ra:

(Nữ:) “Đừng nhìn em bằng đôi mắt buồn kỷ niệm, thuở đôi mình vừa chớm dậy hương yêu, câm tay nhau nồng ấm biết bao nhiêu, khi thệ ước mơ ngày chung bóng…

(Nam:)”Đời đã chia đường em với anh, em về làm vợ chẳng chung tình, cầm tay sao nghẹn lời đưa tiễn, em đã đi rồi ai tiễn anh…”

(Nữ:) ” Em về làm vợ người ta bằng cõi lòng lịm chết, tiễn chi nhau lưu luyến chỉ thêm buồn… Bịn rịn bao nhiêu rồi đến lúc cũng chia đường…”

(Nam:) “Khoác áo cưới em là người vong phụ, không phụ anh thì cũng phụ người ta…”

Haha, dzui nhen! Tự dưng anh tò mò muốn biết, muốn tìm xem ai là chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt Việt nam, thuộc thế hệ tiên tiến nhất của quân lực vĩ đại Hoa kỳ mà mê cải lương đến độ ra giữa mặt trận còn mở Minh Phụng với Lệ Thủy lên oang oang, “mùi” như vậy.

Nghĩ vậy, anh quành lại, lẹp nhẹp lê chân đến cửa lều, kéo vẹt cánh tấm cửa bạt vải bố, bước vào, nghĩ tếu: ” Đài phát thanh Saigon đang phát chương trình cổ nhạc Nam phần đây …”

Anh lớn giọng, tiếng Việt:

- Nè đứa nào trong đó nghe cải lương đã vậy!? Trong lúc ấy, cái boom box vẫn tiếp tục:

(Nữ:) “Nói làm sao cho hết nỗi xót xa, bắt đầu làm vợ em bắt đầu thất tiết, dẫu nhớ cũng phải quên thôi đành vĩnh biệt, sống chẳng trọn tình cũng trọn đạo với người ta…”

(Nam vô tân nhạc:) “Em ơi, tìm đâu ngày xưa, ngày em chưa biết gì, lệ sầu chưa ướt hoen mi, đôi cùng mơ ngày sau, mình chẳng mong sang giàu, chỉ cần hai đứa bên nhau, chỉ cần hai đứa yêu nhau…”

(Nữ tiếp:) “Giờ thì cũng yêu mà yêu với chồng, mộng lòng chết theo rượu nồng pháo cưới…thôi hết rồi, …em đã về, …vui với người,…xa nhau muôn đời …buồn này dẫm nát hồn Xuân …

Không có tiếng trả lời, anh gọi tiếp, cũng giọng diễu cợt, lớn hơn:

- Ê! Đ. mẹ, cha nội nào đang nghe cải lương đó, ra đây cái coi!

Lạ chưa, căn lều, loại lều điển hình của TQLC, nghĩa là trống hốc, mười hai chiếc ghế bố nhà binh sắp hai hàng đối diện nhau, có một lối đi hẹp ngay chính giữa. Đồ đạc, quần áo treo giăng lổn nhổn, mà không có người nào, trống trơn!

Cái boom box vẫn hát…

(Nam vô vọng cổ:) “Thôi thế là xong trời đã bắt đôi mình nát lòng chia biệt, dầu có nhớ hay quên đời cũng chẳng vui…gì ….em khóac áo vu qui là đôi ta đành lỗi hẹn thề,

(Nữ:) “Mơ ước mong manh được bên nhau trọn kiếp… đã hết rồi ngày tháng mỗi chia xa, vừa bước chân lên chiếc xe hoa, là sông biển đã bắt đầu ngăn cách, …”

(Nam:) “Anh dõi trông theo dòng bụi lốc mà tâm tư nghe như tan vụn âm thầm,…”

(Nữ:) “Em lên xe cưới về theo chồng, xác pháo nằm im dưới bước chân, em tưởng lòng em đang vỡ vụn, giã từ kỷ niệm em sang sông…”

Lạ. Nhướng mắt nhìn kỹ, anh thấy trong góc căn lều, khuất sau những quần áo treo tùm lum trên các giây nhợ giăng trong phòng, ngồi trên đầu một chiếc ghế bố, một người lính TQLC đang cúi gập người, hai tay ôm mặt, vai rung rung …

“À, cha nội đây rồi, nghe cải lương mùi quá, chìm đắm luôn hen, .., í, mà sao như nó đang khóc vậy ta …” Anh chợt nhận ra.

Anh bước đến gần chiếc ghế bố, nhìn ra quân hàm trên vai người lính, anh nói giọng thân mật:

- Ê, Gunny (1) , sao rồi!? Sao lại khóc lóc vậy cha!?

Người lính ngước lên, trông thấy anh vội đứng lên, kéo quần áo cho thẳng:

- Sorry, Sir!?

Anh ngạc nhiên: “Ủa, sao kỳ vầy nè!”, anh nghĩ thầm vậy, đổi qua tiếng Mỹ:

- Um …Sorry, hey, what is going on!? Are you ok!?

Trước mặt anh là một người Mỹ da đen, cao lớn, và không có vẻ gì là biết tiếng Việt, đừng nói là hiểu được lời, cảm được ý, của cái loại nhạc mà anh ta đang nghe, mùi mẫn đến độ khóc sướt mướt.

Người lính đứng đó, còn thút thít, nhưng cố nén, lấy tay quẹt vội nước mắt:

- Xin lỗi, tôi có việc gia đình, buồn quá, …

Lòng vẫn ngạc nhiên, anh nói:

- Tôi ngang qua đây, nghe tiếng cổ nhạc Việt nam, ừ, tôi là người Việt nên tôi biết, tưởng có người Việt trong này nên tôi vào hỏi thăm thì gặp anh đó, có chuyện gì nói ra đi, tôi nghe cho, nói ra thấy đỡ hơn, tôi hết ca trực rồi, anh tự nhiên đi, …

Dân Mỹ, theo chủ nghĩa cá nhân, chuyện gì riêng tư hay giữ kín trong lòng chứ không muốn thố lộ ra cho người ngoài cuộc, hay người lạ được biết. Cái câu “mind your own business” thành câu nói đầu môi, nghĩa là tự lo lấy thân, mà cũng hàm ý là không ai muốn xen lấn, dù là chỉ do tò mò, vào chuyện người khác. Cho nên tốt nhất là đừng dây dưa chuyện riêng với người khác, phiền mình mà phiền họ nữa.

Tuy vậy, ngược lại, trong quân ngũ, lúc nào người ta cũng khuyến khích những bạn đồng đội mỗi khi có chuyện cá nhân gì thì nên nói chuyện với nhau, hay nói chuyện với các tu sĩ tuyên úy trong đơn vị, càng nhiều càng tốt, ít ra cũng giảm bớt áp lực tâm lý, có thể khiến xẩy ra các sự việc không hay, như tự sát chẳng hạn.

Nhưng anh nói thế, vì lòng chân thành tự nhiên, vì lòng thương cảm khi nhìn thấy một con người, vừa cũng là một bạn đồng ngũ đang có chuyện thương tâm đến độ rơi lệ — Dễ gì mà khiến cho một Gunnery Sergeant của TQLC khóc hù hụ được chớ!

Đến phiên người lính trước mặt mở lớn mắt, nhìn anh có vẻ ngạc nhiên, rồi cùng anh bước ra khoảng sân trước căn lều.

Người lính bắt đâu kể, giọng còn ướt:

- Má tôi cũng là người Việt, trong chiến tranh Việt nam, bả làm việc cho quân đội (Mỹ) tại Saigon, năm 1975 bả lấy ba tôi, rồi về Akansas mãi đến giờ….”

- Rồi hồi đó ổng bả làm gì? Anh tiếp lời.

- Ba tôi ổng ra lính, dắt má tôi về quê, mua miếng đất làm nông mấy chục năm, giờ ổng mất rồi, tôi nói hoài mà má tôi không chịu bán đất dọn đi. Miếng đất bả cho thuê rồi, mà cứ ở riết chỗ cái xóm nhỏ (very small town) có chừng bốn trăm dân đó, chớ hổng chịu đi đâu ráo, làm tôi cũng lo hết sức.

“Rồi! Thêm một trường hợp theo chồng về xứ lạ, hành trang ly hương mang theo trong lòng là câu hát cải lương”. Anh thoáng nghĩ vậy.

- À, bả chắc khoái cải lương nên anh cũng khoái nghe hả!?

- Dạ, không biết sao, tôi lớn lên, ngoài mấy câu tiếng Việt bả hay dùng chửi tôi “Mẹ bà mầy, Tom”, “Tổ cha mầy Tom”, “Đừng hỗn Tom”, “Tao đánh nứt đít mày nghen Tom” ….đó, thì tôi không nói được tiếng Việt. Mà tôi lại thích nghe loại âm nhạc này. Má tôi nói là tại hồì mới sinh ra tôi, bả ngồi nhà ru con, buồn quá bả mở băng cải lương nghe hoài, tôi được… nghe theo, đến sau đó thì tôi phải được nghe cải lương mới chịu ngủ đó.

Anh cười lục khục, nghĩ thầm “Mẹ, hèn chi mình lầm, tưởng gặp chàng Việt nam nào chớ…”

- À, bây giờ xa quê hương nhớ mẹ hiền, nên mang cải lương ra nghe hả!?

- Dạ, tôi đi hành quân chuyến này 18 tháng, mà không dám nói cho mẹ tôi hay là ra mặt trận như vầy, chỉ nói cho bả hay là tôi đi công tác bên nhiệm sở Okinawa. Gần ngày đi vợ chồng tôi từ South Carolina chạy lên thăm bả, bả khóc quá chừng, nắm níu không muốn cho về, bả nói xa xôi “Con à, mày ở thêm với má ít bữa nữa rồi về, chớ biết đâu, mày đi thì đi luôn, hay khi mày về thì tao chết mất đất rồi không chừng…”

Hai đứa tụi tôi cho là bả thương quá mà nói vậy thôi. Ngày chia tay, trời xui đất khiến, nghĩ sao không biết, ra tới cửa xe rồi, tôi còn giả trở vào đi restroom, lén lấy của bả một cái CD cải lương, là cái đang hát đây, …

Anh cười:

- À, anh khoái nghe cải lương rồi lén chôm cải lương của bà già anh hả!?

- Dạ mẹ tôi bả có tiền mà không tiêu xài gì hết, để dành, mỗi lần tôi về thăm bả đưa cho mấy ngàn, nói để cho tôi để dành ăn bánh, làm vợ tôi nó cũng ngạc nhiên, nó you có bà già thương con quá sức, cho tiền con trai trên ba mươi tuổi đi ăn bánh kìa! Bả còn đưa tiền kêu tui lục info ra, đặt mua cho bả toàn CD kinh Phật với cải lương thôi …

- Ồ, thiệt hả, bả lớn tuổi rồi, giữ cho lòng thanh tịnh thì tốt, thôi bớt buồn nhớ đi nghe, nhớ gọi cho bả mừng, bà Mẹ nào cũng mong nhớ con hết, nói con vợ của anh siêng gọi bả dùm chút, rủi có bệnh hoạn gì thì biết liền mới được …

Người lính bỗng nấc lên, hai tay bụm mặt, thổn thức trong nước mắt:

- Từ khi ba tôi mất, bả sinh ra đau ốm rề rề hoài. Bả nói từ năm lấy ba tôi đó, họ hàng thân nhân dưới quê nói bả tham tiền của, lấy thằng Mỹ đen, nên từ bả luôn rồi. Ông bà Ngoại tôi nghe cũng đã chết hồi lâu vì bị ngược đãi, người ta cho là có con chạy theo CIA. Má tôi nói, bả qua Mỹ tới giờ, chỉ có ba tôi là người thân duy nhất rồi tới tôi, mà ổng bỏ bả rồi, còn tôi thì đi xa bả hoài nên bả buồn quá…

Bữa nay… công điện hậu cứ ở SC đánh qua, tụi nó nói là vợ tôi nhắn là má tôi đau nặng quá, mà bả bị cancer đến kỳ cuối rồi, sợ qua không khỏi…

Tới lượt anh thảng thốt:

- Trời ơi, cha nội, còn chờ gì nữa, lo mà nhào lên máy bay dzọt về lo cho bả đi chớ, còn ngồi đó mà khóc! Anh nói với giọng xẳng xẳng.

- Ông biết rồi, mười lăm ngày mới có chuyến tiếp tế, thì chắc hơn mười ngày nữa mới có chuyến bay, tôi nghĩ buồn quá, mình về tới chắc không kịp nhìn bả lần cuối, ngồi trong chỗ làm việc mà khóc lóc thì phân tâm anh em, khó yên lòng tác chiến, nên tôi bỏ ca về đây …

Lòng anh dâng lên một nỗi xót xa khó tả. Lính đóng những tiền trạm có độ mật như nơi này thì rất khó tiếp tế, liên lạc, (vì nếu ngày nào cũng máy bay tiếp tế lên xuống ào ào và liên lạc vô tuyến rào rào thì còn gì là cơ mật hành quân. Vả, nước bạn cũng có các vấn đề gai góc nội bộ của họ, một sự xuất hiện đông đảo, công khai tác vụ của quân đội (Mỹ) trong khu vực này sẽ khiến cho tình hình càng rối ren hơn nhiều.)

Bà Mẹ Việt nam vốn cam nhẫn, lại không rành sinh hoạt trong quân đội, vì không muốn cho con mình nó đi công tác xa nhà lại phải lo lắng ngược lại cho mình, nên đã dấu biệt bịnh tình, chớ nếu nói ra, thì người con đã có lý do chính đáng để xin đặc miễn, khỏi đi chuyến này rồi.

- Rồi giờ tính sao!? Anh hỏi, nôn nóng, “Có gọi được cho bả chưa!?”

- Chưa, tôi ghi danh gọi moral call (4) rồi mà phải đợi phiên ông à, đến chiều mai mới đến phiên mình lận. Người lính buồn buồn nói.

- Cha nội ơi, cha nội ơi!… Anh vừa nói vừa nghĩ nhanh:

“Mẹ, nó nói cái giọng vầy thì đợi cho được cái moral call, chắc bà già nó ngủm củ tỏi luôn rồi!” Rồi anh buột miệng:

- Shoot! Chờ đây nghe, tôi đi chút trở lại liền, tôi đi kiếm cách thử coi…

- …

Anh bương bả lội sình quay trở lại nơi làm việc, lôi cái điện thoại vệ tinh, loại tác vụ (5) ra, rồi quày quả đi trở lại căn lều nọ. Trên đường đi, anh đã kêu cho hiệu thính viên nhiệm sở BTL Trung Đông ở Qatar, dặn “móc” (hook-up) với hiệu thính viên đường dây dân sự ở Mỹ, khu vực Akansas, và trực máy (Stand-by).

Hỏi tên họ bà mẹ của người lính xong, anh kêu hiệu thính viên liên lạc cho bệnh viện của County nơi nhà của bà mẹ người lính, xác định tên họ bệnh nhân xong, chuyền thẳng đến phòng ICU nơi bà mẹ nằm.

Người lính trước mặt anh bồn chồn nhìn anh thao tác, rồi lóng cóng đỡ cái điện thoại trên tay anh, hét vô máy, giọng thảng thốt, đầy nước mắt:

- Hello, hello, Má à, má, má, con nè má, Tommy nè má… Ờ ờ, má sao rồi, má khoẻ không!? Hả!? Con bình yên má à…

Anh đặt tay lên vai người lính, nhỏ nhẹ:

- Nè, Gunny, bây giờ tôi về lều tôi, đừng lo gì hết, anh cứ nói chuyện đến khi nào má anh… hết muốn nói nữa hẵn ngưng, nghe.

Anh bước ra khỏi lều, ngước mặt nhìn lên trời. Lạnh buốt xương.

Cái boom box của người lính, nó vẫn tiếp tục replay cái CD cải lương tự nãy giờ, bây giờ lại nghe giọng Thanh Sang vang lên giữa không gian mù mù trong đêm mồng một Tết, heo hút, văng vẳng, trong tiếng mưa rơi giữa núi rừng Nam Á:

(Nam) “Mấy nhịp cầu mong manh không đủ cách ngăn tình đôi trẻ, rồi một ngày mình về sống cạnh bên nhau, nghe tin con mình hạnh phúc ở miền xa, chắc mẹ già cũng thôi không buồn nữa, rồi những buổi chiều lòng nghe thương nhớ, mẹ lần mò giở manh áo cũ ra coi, …”

Châm điếu thuốc, liền bị mưa rớt xuống thấm vô ướt nhẹp, tắt ngấm. Anh chửi thề, vung tay quăng mạnh, điếu thuốc đảo một vòng, rồi nhào xuống con đường sình lỏng bỏng trước mặt.

Anh cúi mặt tránh mưa, từng bước nặng nề, băng qua con đường đất lầy lội để về căn lều của mình.

Chạnh nhớ đến những lời ca vọng cổ phản ảnh tâm tư người mẹ ly hương biệt xứ, thái độ tíu tít của người con xa mẹ nơi chốn tha phương lạc địa này, và cuộc điện đàm tử biệt, lòng anh rưng rưng.

Oki.
2/2011
COB Speicher
————————————————————
Links:
– Ngày buồn. Lệ Thủy- Minh Phụng
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=DMpmXpuQlY
– Ngày em về thăm quê tôi. Lệ Thủy- Thanh Sang
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=DQsYIVNh1M

Notes:
1/ Parka: Một loại field jacket, dùng cho những vùng khí hậu khắc nghiệt (Extreme Weather Clothing System)

2/ TOC: Tatical Operation Center Trung Tâm Hành Quân Chiến Thuật

3/ Gunny: Gunnery Sergeant, quân hàm Trung sĩ nhất trong TQLC Hoa kỳ.

4/Gì chớ moral call (điện đàm ủy lạo) thì giới hạn 15 phút mỗi đứa, còn những chỗ tiền đồn có độ mật như thế này thì phải hai tuần mỗi đứa mới được gọi một lần. Vì nỗi không phải giờ nào cũng liên lạc vệ tinh được, vì vệ tinh dân sự dùng cho moral call thì 24 tiếng nó mới đi xong môt vòng trái đất, bay qua địa điểm đó một lần, mỗi lần chừng bốn tiếng là quá vùng phủ sóng, nên giờ giấc giới hạn, chờ đợi lôi thôi.

5/ Điện thoại dùng cho tác vụ, độ ưu tiên cao, có khả năng liên lạc qua bất cứ vệ tinh nào đang hiện diện trên điạ điểm, các cuộc điện đàm có sự trợ giúp của các hiệu thính viên chuyên nghiệp trong nghề, có khả năng suy luận và điều tra rất sắc bén, tìm ra người muốn liên lạc rất nhanh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn