1.- SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH TRƯỚC CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý
Ngày 16-6-1954, quốc trưởng Bảo Đại ban hành sắc lệnh số 38/QT đề cử Ngô Đình Diệm về nước thay Bửu Lộc, làm thủ tướng toàn quyền hành động dân sự và quân sự. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày (1945-1964), Sài Gòn 1966, California: Xuân Thu tái bản, tt. 148-149.)
Ngô Đình Diệm về tới Sài Gòn ngày 25-6-1954, chính thức nhận chức thủ tướng Quốc Gia Việt Nam (QGVN) và trình diện nội các đầu tiên ngày 7-7-1954. Ngày nầy thường được gọi là ngày Song Thất. Trong khi lo tiếp thu chính quyền từ Pháp, ông Diệm còn phải lo định cư gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam, và nhất là lo đối phó với những thế lực thân Pháp.
Ngày 26-10-1954, thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh (quốc tịch Pháp), tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc gia, dự định tổ chức đảo chánh, lật đổ thủ tướng Ngô Đình Diệm. Kế hoạch nầy bị phía Hoa Kỳ ở Sài Gòn cản trở. (Thomas L. Ahern Jr., CIA and the House of Ngo, tr. 49.) Thất bại, thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh bỏ qua Pháp ngày 19-11-1954.
Ngày 1-12-1954 quốc trưởng Bảo Đại gởi điện văn cử thiếu tướng Lê Văn Tỵ thay thế thiếu tướng Hinh và cử thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ làm tổng thanh tra Quân đội thay thế tướng Pháp là Marcel Alessandri.
Khoảng 1G.30 sáng 30-3-1955, lực lượng Bình Xuyên (BX) của Bảy Viễn tấn công bộ Tổng tham mưu Quân Đội Quốc Gia (QĐQG) và Sở Cảnh sát Đô thành, do lực lượng Nhảy dù bảo vệ. Quân BX bị đẩy lui ở cả hai nơi. Bình Xuyên pháo kích dinh Độc Lập, nhưng thiệt hại không đáng kể, chỉ có một số người bị thương.
Sau một thời gian thương lượng giữa chính phủ và Bình Xuyên bất thành, ngày 26-4-1955, thủ tướng Diệm quyết định cách chức tổng giám đốc Cảnh sát Công an Lai Văn Sang (BX), cử đại tá Nguyễn Ngọc Lễ thay thế. Đồng thời thủ tướng Diệm ra lệnh giải tán đoàn Công an Xung phong của BX, và quân đội BX phải rút lui khỏi Sài Gòn.
Lai Văn Sang chống lại lệnh của thủ tướng. Ngày 28-4-1955, lực lượng BX tấn công trụ sở Nha Cảnh sát Công an, bộ Tổng tham mưu và pháo kích dinh Độc Lập. Nhiều đám cháy lớn xảy ra ở trung tâm Sài Gòn. Các tiểu đoàn Nhảy Dù trong QĐQG tấn công các vị trí của BX. Cả hai bên đều thương vong.
Trong lúc tình hình hết sức xáo trộn ở Sài Gòn, thì trong cùng ngày 28-4-1955, văn phòng quốc trưởng Bảo Đại tại Cannes (Pháp) gởi về Sài Gòn liên tiếp hai điện văn. 1) Điện văn thứ nhứt yêu cầu các phe nhóm và chính phủ Diệm cố gắng tự chế, tránh bạo động. 2) Điện văn thứ hai đề cử thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ làm tổng tư lệnh QĐQG và yêu cầu thủ tướng Diệm sang Cannes trình bày tình hình.(Đoàn Thêm, sđd. tt. 170-171.)
Hôm sau, ngày 29-4-1955, thủ tướng Diệm trả lời quốc trưởng Bảo Đại rằng ông không thể rời khỏi Việt Nam trong lúc tình hình xáo trộn. Ngày 30-4-1955, thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ từ Đà Lạt đem Ngự lâm quân về Sài Gòn, bao vây dinh Độc Lập, ép thủ tướng Diệm phải thi hành điện văn của quốc trưởng Bảo Đại, nghĩa là ép ông Diệm phải giao cho ông Vỹ làm tổng tư lệnh QĐQG và ông Diệm phải qua Cannes gặp quốc trưởng Bảo Đại, một hình thức trục xuất ông Diệm. (Nhị Lang, Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế, tt. 317.)
Lúc đó, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia (HĐNDCMQG) gồm các nhân sĩ của các đoàn thể chính trị và tôn giáo, đến Dinh Độc Lập gặp thủ tướng Diệm, chứng kiến việc nầy, liền vây quanh tướng Vỹ. Nhị Lang, tổng thư ký HĐNDCMQG dùng súng ngắn uy hiếp và buộc tướng Vỹ phải ký giấy quy thuận chính phủ Diệm. Bị bất ngờ, thiếu tướng Vỹ đành chấp nhận, rồi rút lui lên Đà Lạt và sau đó ra ngoại quốc. (Nhị Lang, sđd. tt. 318-319.)
Trong khi đó, lực lượng BX vẫn tiếp tục chống đối. Ngày 2-5-1955, quân đội Quốc gia (ủng hộ chính phủ Diệm) bắt đầu tiến đánh khu cầu Chữ Y, nơi đặt đại bản doanh của tướng Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn (BX). Tướng Trình Minh Thế, thuộc lực lượng Cao Đài Liên Minh, đem quân nhập trận về phía QĐQG. Cuộc đụng độ rất gay gắt. Chiều ngày 3-5, tướng Thế tử thương tại cầu Tân Thuận.
Quân BX dần dần triệt thoái khỏi khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn, trong khi chính phủ ban hành dụ số 31 ngày 3-5-1955, gọi Lê Văn Viễn (Bảy Viễn), Lai Văn Sang là phiến loạn và đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 10-5-1955, đồn Công an Xung phong BX cuối cùng ở Sài Gòn bỏ trống. Bình Xuyên rút khỏi Sài Gòn. Như thế là BX bị dẹp yên.
Dẹp xong Bình Xuyên, chính phủ Diệm lại lo ngại thế lực của HĐNDCMQG, nên cho cảnh sát bao vây trụ sở hội đồng nầy trên đường Phùng Khắc Khoan (Sài Gòn) để theo dõi từ tháng 8-1955. (Nhị Lang, sdđ tt. 315-316.) Vì vậy HĐNDCMQG ngừng hoạt động. Để thay thế, chính phủ phỏng theo danh xưng hội đồng nầy, lập Phong trào Cách mạng Quốc gia (PTCMQG), là một mặt trận chính trị, nhằm liên kết các tổ chức quần chúng để hậu thuẫn cho chính phủ, do Trần Chánh Thành làm chủ tịch trung ương, và đặt văn phòng PTCMQG tại các tỉnh và thành phố trên toàn quốc.
2.- TRƯNG CẦU DÂN Ý
Sau khi ổn định tình hình, chế độ khá vững vàng, thủ tướng Diệm liền tìm cách chấm dứt vai trò quốc trưởng của Bảo Đại, người đã tin tưởng ông Diệm và bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tưóng với toàn quyền dân sự và quân sự. Vào tháng 6-1955, tổng trưởng Ngoại giao Việt Nam báo cho đại sứ Mỹ George Frederick Reinhardt biết rằng chính phủ Diệm có thể sẽ lật đổ Bảo Đại bằng một cuộc trưng cầu dân ý (TCDY). Reinhardt khuyến cáo là cuộc TCDY cần có sự đồng ý của quốc dân đại hội. Tuy nhiên, lúc nầy chưa có quốc dân đại hội. Khoảng tháng 7 hay tháng 8-1955, thủ tướng Diệm báo cho Edward Lansdale, biết là sẽ tổ chức những cuộc biểu tình chống Bảo Đại và chính phủ sẽ căn cứ vào ý kiến đó, truất phế Bảo Đại. Lansdale là một đại tá CIA hết sức giúp đỡ ông Diệm củng cố chế độ, cố gắng thuyết phục thủ tướng Diệm nên tổ chức TCDY. (Thomas L. Ahern Jr., sđd. tt. 92-93.)
Không còn Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia, chính phủ mời đại diện 15 đoàn thể chính trị, tôn giáo, thanh niên, lao động họp ngày 4-10-1955, thành lập Ủy ban TCDY. Ủy ban nầy đưa kiến nghị yêu cầu chính phủ truất phế Bảo Đại, suy tôn thủ tướng Diệm lên làm quốc trưởng. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 183.) Ngày 6-10-1955, chính phủ quyết định tổ chức TCDY để quốc dân chọn lựa ai làm quốc trường giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Ngày 8-10-1955, bộ Nội vụ cho biết sẽ tổ chức TCDY ngày 23-10-1955.
Mở đầuchiến dịch TCDY, các đài phát thanh chính phủ đọc đi đọc lại nhiều lần những bài thơ, bài vè xấu xa về Bảo Đại. Ví dụ “Vè vẻ vè ve, Nghe vè Bảo Đại, Là quân ăn hại, Theo gót thực dân…” Bản nhạc phổ biến rộng rãi là “Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý / Bầu cho, bầu cho người nào / Bầu người chống cộng bài phong / Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý / Đứng lên, toàn quốc viết trang sử mới …” Những bức hý họa châm biếm Bảo Đại xuất hiện trên báo chí. Những chuyện về đời tư của quốc trưởng Bảo Đại bị xuyên tạc và bêu riếu.
Ngược lại, quốc trưởng Bảo Đại hoàn toàn không có cơ hội trình bày trước quốc dân trường hợp của ông, hay trả lời những cáo buộc, hoặc đối chất các xuyên tạc do bộ máy tuyên truyền của chính phủ Diệm đưa ra trước cuộc TCDY.
Như thế, chỉ có phía chính phủ Diệm tự do tuyên truyền một chiều, tự do ca tụng thủ tướng Diệm, tự do đả kích quốc trưởng Bảo Đại, tự do tổ chức và kiểm soát thùng phiếu. Trong cuộc TCDY ngày 23-10-1955, hai câu hỏi được đặt ra là:
Câu 1: “Tôi truất phế Bảo Đại và chấp thuận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ.”
Câu 2: “Tôi không truất phế Bảo Đại, và không chấp nhận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng để đặt nền móng dân chủ.” (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Xuân Thu, 1990, tr. 539.)
Ngoài việc tuyên truyền một chiều, câu hỏi số 1 (truất phế Bảo Đại, chọn Ngô Đình Diệm) đưọc in trên giấy màu đỏ; câu hỏi số 2 (không truất phế Bảo Đại, không chấp nhận Ngô Đình Diệm) được in trên giấy màu xanh. Ban tổ chức TCDY chọn màu đỏ cho lá phiếu của ông Diệm vì ban tổ chức cho rằng đa số dân Viêt tin tưởng màu đỏ là màu may mắn. Ban tổ chức TCDY đưa ra câu vè cho dân chúng dễ nhớ: “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”, hay “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì / Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi.” “Xanh bỏ giỏ” nghĩa là lá phiếu số 2 màu xanh bầu cho Bảo Đại bỏ vào giỏ rác đặt dưới thùng phiếu (loại bỏ). “Đỏ bỏ bì” là phiếu số 1, chọn Ngô Đình Diệm, bỏ vào phong bì rồi bỏ vào thùng phiếu, bầu cho ông Diệm.
Hai câu hỏi nầy chỉ đặt vấn đề chọn lựa giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo để làm quốc trưởng nhằm mục đích xây dựng dân chủ, chứ không nói đến hình thức thể chế chính trị của Nam Việt Nam, ví dụ quân chủ lập hiến, đại nghị chế, tổng thống chế…, và cũng không nói chức danh người đứng đầu nhà nước như tổng thống, hay chủ tịch hay thủ tướng…
Từ khi phát động TCDY trên toàn quốc cho đến khi bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả, nghĩa là từ đầu đến cuối, chỉ có nhân viên chính phủ của thủ tướng Diệm điều khiển tất cả các công việc TCDY, mà không có ai kiểm soát. Tuy nói TCDY để dân chúng chọn lựa giữa hai người (Bảo Đại và Ngô Đình Diệm), nhưng thực sự chỉ có chính phủ Diệm tổ chức và điểu khiển.
3.- KẾT QUẢ CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý
Kết quả là thủ tướng Ngô Đình Diệm thắng phiếu một cách áp đảo. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, thì kết quả cuộc TCDY ngày 23-10-1955 như sau:
- 5, 960, 302 Số cử tri kiểm tra
- 5, 828, 907 Số cử tri đi bỏ phiếu
- 5, 721, 735 Phiếu truất phế Bảo Đại và suy tôn thủ tướng Ngô Đình Diệm lên chức vụ quốc
trưởng (98,16%)
- 63, 017 Phiếu không chịu truất phế Bảo Đại. (1,1%)
- 131, 395 Không có ý kiến. (bì không có phiếu)
- 44, 155 Phiếu không hợp lệ. (Đoàn Thêm, sđd., tr. 184).
Kết quả đắc cử của ông Diệm trong cuộc TCDY ngày 23-10-1955 (5,721,735 trên 5, 828,907, tức 98,16%) cao hơn cả kết quả đắc cử của Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 6-1-1946 (169,222 trên 172,725 tức 97,97%). (Đoàn Thêm, sđd. tr. 18.)
Cuộc TCDY chẳng những truất phế quốc trưởng Bảo Đại, mà chấm dứt luôn những hoạt động chính trị của cựu hoàng. Sau cuộc TCDY, cựu hoàng Bảo Đại không phản đối hay phê phán chính phủ Ngô Đình Diệm. Bảo Đại cũng không lập chính phủ lưu vong ở nước ngoài. Từ năm 1956, thỉnh thoảng có vài cuộc phỏng vấn cựu hoàng Bảo Đại, nhưng ảnh hưởng không quan trọng đến chính trị trong nước.
Ba ngày sau cuộc TCDY, ngày 26-10-1955, trước hàng vạn dân chúng tại sân dinh Độc Lập, tân quốc trưởng Ngô Đình Diệm đưa ra bản Tuyên cáo, công bố thành lập nền Cộng hòa. Tiếp theo bản tuyên cáo, quốc trưởng Ngô Đình Diệm công bố bản Hiến ước tạm thời để điều hành việc nước trong khi chờ đợi một hiến pháp mới. Nguyên văn điều thứ nhứt và điều thứ hai bản Hiến ước tạm thời như sau:
Điều thứ 1 – Quốc gia Việt Nam là một nước Cộng hòa.
Điều thứ 2 – Quốc trưởng, đồng thời cũng là thủ tướng chính phủ, lấy danh hiệu là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
KẾT LUẬN
Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng toàn quyền dân sự và quân sự năm 1954. Sau khi nắm vững quyền lực, thủ tướng Diệm tổ chức TCDY lật đổ Bảo Đại. Trong cuộc TCDY, phía Bảo Đại không được lên tiếng, chỉ có một mình chính quyền thủ tướng Diệm vận động, nghĩa là một hình thức độc diễn.
Kết quả cuộc TCDY là “truất phế Bảo Đại và chấp thuận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ.” Như thế, thủ tướng Diệm chỉ được dân chúng chọn lựa lên làm quốc trưởng để đặt nền móng dân chủ, chứ không chọn lên làm tổng thống. Theo lẽ thông thường, quốc trưởng Ngô Đình Diệm tổ chức quốc dân đại hội hay quốc hội để tổ chức nầy quyết định thể chế tương lai và quyết định chức danh quốc trưởng.
Tuy nhiên, sau cuộc TCDY, quốc trưởng Ngô Đình Diệm tuyên bố ngay việc thành lập nền Cộng hòa, và tự mình lên làm tổng thống. Sau đó, chính phủ tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến ngày 4-3-1956. Quốc hội soạn xong và thông qua lần cuối bản Hiến pháp ngày 20-10-1956. Bản hiến pháp được tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành ngày 26-10-1956. Điều 96 của bản Hiến pháp nầy hợp thức hóa chức vụ của ông Diệm là vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 10-10-2012)
Gửi ý kiến của bạn