BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73388)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!

09 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1561)
Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1. Có nghững người làm thơ rất ít; nhưng bài thơ lại đứng lâu, rất lâu trong lòng người đọc. Trần Bích Tiên trong giai phẩm xuân 1972, trường nữ trung học Bùi Thị Xuân – Đà Lạt với bài thơ: ‘Nói Với Em Lớp Sáu’ là như thế!

Này em lớp sáu này em nhỏ. Em hãy dừng chân một chút lâu. Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ .Tóc em thơm ngát mùi hương cau … Hương cau vườn chị xa như tuổi. Ba má chị nằm dưới mộ sâu .Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa. Chị đi về hai buổi âm u!”

Tác giả bài thơ chắc cũng chừng 18, 19 tuổi thì thầm với người em lớp 6: ‘Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên!’

Nhưng tuổi hoa niên của Trần Bích Tiên và người em lớp 6 đó cũng đã tàn theo binh lửa mất rồi! Cuộc chiến tranh tàn khốc đó, hủy hoại biết bao nhiêu là mộng ước một thời phải nói là đẹp nhất của đời người.

2. Những ngày thanh bình miền Nam xem chừng ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn được vài năm dưới chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa cho đến khi Bắc Quân phát động cuộc chiến tranh, xâm chiếm Miền Nam. Mà một trong những cao điểm tàn khốc của cuộc chiến là Tổng tấn công và Tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tổng tấn công thì có mà tổng nổi dậy thì không.



Dưới dòng nhạc Trịnh Công Sơn, ông hát trên những xác người trong trận đánh 68, Tết Mậu Thân, cố đô Huế: “Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy:Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con…Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá. Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người .Tôi đã thấy, tôi đã thấy:Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em…” để những người mẹ, người cha mất con, người vợ mất chồng, người con gái mất anh, mất em, đến nỗi phải phát điên …

Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh. Chị vỗ tay hoan hô hòa bình. Người vỗ tay cho thêm thù hận.Người vỗ tay xa dần ăn năn!”

3. Còn người lính, Linh Phương, ngoài mặt trận: “Em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời mai mốt anh về. Không bằng chiến trận Plei Me hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã. Anh trở về hàng cây nghiêng ngả. Anh trở về hòm gỗ cài hoa. Anh trở về bằng chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn màu tang trắng. Mai trở về chiều hoang trốn nắng. Poncho buồn liệm kín hồn anh. Mai trở về bờ tóc em xanh. Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt. Mai anh về em sầu thê thiết. Kỷ vật đây viên đạn màu đồng. Cho em làm kỷ niệm sang sông. Đời con gái một lần dang dở. Mai anh về trên đôi nạng gỗ. Bại tướng về làm gã cụt chân.Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân. Bên người yêu tật nguyền chai đá. Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ. Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen. Anh nhìn em – anh sẽ cố quên. Tình nghĩa cũ một lần trăn trối!”…



Có người cho đó là những bài thơ phản chiến. Nhưng ai mà không phản chiến bởi con người sinh ra không phải để đánh nhau. Mà cầm súng là chuyện bắt buộc, chuyện chẳng đặng đừng vì phải đem thịt xương này ra để ngăn lại bạo tàn, chống lại tham vọng của một lũ điên.

4. Cái tham vọng của lũ điên đó cũng đã lôi kéo cả một người lính Úc từ Melbourne thanh bình, lên tàu về chốn lạ, tham gia cuộc chiến trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi, một năm; mà vết thương trong tâm hồn còn dai dẳng cho tới bây giờ:

“Mẹ, ba, Denny nhìn cuộc diễn binh ở Puckapunyal. Cuộc diễn hành dài của những tân binh.Tiểu đoàn 6 tới phiên và tôi là người trúng tuyển. Tới Canunggra và Shoalwater huấn luyện thêm trước khi đi.

Townsville sắp hàng trên lối khi chúng tôi tiến ra bến cảng.

Chúng tôi trẻ, khỏe, sạch sẽ, tinh tươm in hình trên báo chí!

Đó là tôi, chiếc nón nhà binh, khẩu súng và quân phục màu xanh lá.

Trời ơi! Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen.

Từ Vũng Tàu trực thăng vào bụi mù Núi Đất. Đã trèo lên, nhảy xuống trực thăng cả tháng trời. Lấy lều làm nhà, beer VB và hình gái khỏa thân dán trong tủ áo. Xuyên qua rừng bụi, trời hoàng hôn đẫm màu độc chất da cam!

Thưa bác sĩ sao tôi không ngủ được? Đêm đêm về…cánh rừng đen… hòa tiếng M16? Sao những vết mẩn đỏ này cứ đến rồi đi?

Trời ơi! Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen.

Hành quân dài bốn tuần và mỗi bước đi có thể chỉ còn lại một chân! Tôi chiến đấu cùng nỗi sợ! Nhưng không bỏ rơi đồng đội trừ phi phải nhắm mắt xuôi tay!

Thôi nhắm mắt lại, rán nghĩ ra điều gì khác!

Có ai đó la lên ‘chạm địch!’ Đồng đội phía sau bật lên tiếng chửi thề! Loay hoay cả giờ… rồi tiếng nổ… long trời lở đất. Frankie đặt chân lên trái mìn ngày nhân loại đặt chân lên tới mặt trăng!

Trời ơi! nó sẽ trở về nhà vào tháng sáu.

Vẫn còn thấy Frankie uống beer khi đi phép 36 tiếng ở Vũng Tàu. Vẫn còn nghe Frankie nằm thét lên vì đau đớn giữa cánh rừng mênh mông nhiệt đới! Cho đến khi thuốc giảm đau phát huy tác dụng và tiếng rên xiết đó chết đi!

Huyền thoại Anzac không nói về bùn, máu và nước mắt. Và những câu chuyện ba tôi kể đường như là không thật. Tôi dính vài miểng vào lưng mà không hề hay biết.

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi. God help me, I was only nineteen.

Thưa bác sĩ sao tôi không ngủ được ? Sao tiếng trực thăng của đài truyền hình số 7 làm chân tôi lạnh? Sao những vết mẩn đỏ này cứ đến rồi đi?

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen.

5. Cuộc chiến đó đã về tới Sài Gòn! Chiều qua, nhận thư anh viết từ Núi Ba Hô Quảng Trị. Những địa danh xa lạ: Khe Gió, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử. Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến. Anh đóng trên núi cao mà mùa này gió Lào khắc nghiệt, khô khốc! Phải bò, trườn, xuống thung lũng lấy nước…Nhưng rán học nha em! Anh dặn! Cuộc chiến này rồi cũng có lúc phải tàn chớ. Mình về xây dựng lại! Nhưng anh không về nữa. Thơ anh đến chiều qua. Chiều nay đã có tin báo tử. Lên nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nhận xác anh. Chiếc hòm gỗ sơn xanh có chữ thượng trên đầu, phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Nằm kế anh là Lê Định, chuẩn úy, và hai mươi người lính đại đội 1, tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến trong trận đánh chống Bắc Quân tràn ngập đỉnh Ba Hô.

 

Binh sĩ VNCH tại Khe Sanh đang chờ để được trực thăng bốc vào đất Lào lúc mở đầu cuộc hành quân Lam Sơn 719, ngày 8-2-1971


 

Buổi chiều 20 tháng 8 năm 1971, nắng vàng cam thoi thóp thở chân mây. Má tựa vào ba từng bước chậm, theo sau là một đàn em lóc nhóc, lên nhà quàn của Liên đội chung sự, nhận xác anh. Má khóc sưng con mắt, đỏ chạch!

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen!

đoàn xuân thu

(4/72/SQTBTD)
melbourne

Theo http://nguyennaman.wordpress.com/2012/10/07/toi-chi-moi-vua-19-tuo/#more-18656
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn