BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73338)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi rất đồng cảm với bà con khiếu kiện

10 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 941)
Tôi rất đồng cảm với bà con khiếu kiện
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Gần đây, bà con các tỉnh miền Nam tụ tập về thành phố Hồ Chí Minh, bà con miền Bắc tụ tập về Hà nội đi khiếu kiện rất đông, hàng ngàn người. Đó là những người dân oan đi khiếu kiện.

Đa số bà con khiếu kiện về bị chiếm đoạt nhà cửa, đất đai. Một số về chính sách khi nghỉ hưu không thoả đáng. Trong đó còn có những nhà sư bị đuổi khỏi nhà chùa và tịch thu tài sản v.v.

Tôi được tiếp xúc với nhiều bà con tại nhà và cũng nhiều lần đến nơi bà con tập trung đi tập thể đến cơ quan công quyền và nhà những vị lãnh đạo để kêu cứu.

Hầu hết bà con đều đói khổ, quần áo rách nát, thậm chí mùa rét không có cái áo ấm mà đã đi khiếu kiện hàng chục năm trời. Tôi thương bà con vô cùng.

Sở dĩ đa số bà con khiếu kiện về nhà cửa, đất đai vì luật đất đai của Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền thống trị quy định :

“Đất đai là sở hữu toàn dân”, phủ định quyền tư hữu của nhân dân. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước Cộng Sản Việt Nam luôn tuyên bố là Nhà nước toàn dân, cho nên những quan chức nhà nước Cộng Sản từ thấp lên cao chiếm nhà cửa đất đai của nhân dân là chuyện bình thường và đi khiếu kiện không những không được giải quyết mà còn bị trấn áp. Đó là một thực trạng lâu nay của chính quyền nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn tự xưng là “Dân chủ gấp triệu lần các nước Tư bản”.

Tôi bản thân cũng là một dân oan khiếu kiện và bị tù 19 tháng và cũng chính là đi khiếu kiện sự việc như sau:

Quê tôi ở thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu thường gọi là làng Tía, Huyện Thường Tín, tình Hà Tây, nằm trên Quốc lộ 1A, phía nam Hà Nội có 27 km. Từ năm 1767, thời vua Lê Cảnh Hưng, các cụ làng chúng tôi ở Hà Nội đã xây dựng ngôi Tử Dương Vọng Đình ở số 8 phố Hàng Buồm quận Hoàn Kiếm Thành phố Hà Nội. Đình thờ Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Trung, anh của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (dân mình kính trọng Trần Hưng Đạo, tôn thành Thánh: Đức Thánh Trần). Cụ đã có công góp sức ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông thế kỷ 13 và Người cùng vua Trần nhân Tông thành lập phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo tồn tại đến ngày nay. Cùng với ngôi Đình còn có 4 ngôi nhà cũng mang tên Tử Dương Vọng Đình là nhà các cụ cho thuê lấy tiền thờ cúng Đình. Ba ngôi nhà là 14, 17, 19 phố Ngũ Xã (trước là phố Trần Hưng Đạo); 1 ngôi nhà là số 5 ngõ Đào Duy Từ (trước là ngõ Sầm Công). Cả ngôi Đình Tử Dương Vọng Đình cùng 4 ngôi nhà còn đầy đủ địa bạ từ năm 1935 và giấy biên lai nộp thuế Thổ trạch cho Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Trong Đình còn có tấm Bia đá “Tạo Từ Vũ Bi Ký” ; một hương án bằng đồng, có hai Hạc thờ và chiếu chỉ sắc phong, nhiều hoành phi câu đối ; hai bộ giá thờ có 8 binh khí ; 1 quả chuông đồng nặng 65 kg và nhiều mâm đồng, bát đĩa ấm chén.

Vậy mà ngôi Đình bị một cán bộ Cộng Sản chiếm từ năm 1955. Từ năm 1960, các cụ làng chúng tôi đã đòi nhưng không được. Năm 1990, tôi nghỉ hưu, bà con làng Tía ở Hà Nội bầu tôi làm Trưởng Ban liên lạc đồng hương làng và nhiệm vụ hàng đầu là đòi Tử Dương Vọng Đình để bà con tiếp tục thờ cúng vọng về quê hương. Lúc đầu tôi rất tin là đòi dễ thôi vì có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Song thực tế lại rất phức tạp. Mặc dù Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho chúng tôi văn bản Di tích Đình Tử Dương – nhà số 8 phố Hàng Buồm theo biên bản kiểm kê 1984. Ngày 14-8-1993 Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội có công văn số 311 “Đình này là có thật trong danh mục di tích”. Ngày 26-9-1994 Sở Quản lý Nhà đất Hà Nội xác nhận theo bằng khoán điền thổ số 505 khu Đồng Xuân thì nhà số 8 phố Hàng Buồm là Đình Tử Dương. Ngày 16-6-1995 UBND Thành phố Hà Nội có công văn do Phó Chủ tịch Nguyễn Triệu Hải ký yêu cầu Quận Hoàn Kiếm giải quyết. Các cơ quan văn hoá, báo chí thông tin cũng nghiên cứu và khảo sát về ngôi đình này, sách Đường phố Hà Nội (1979) viết: “phố Hàng Buồm nhà số 8 là Đình Tử Dương”.

Ngày 4-4-1994 Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Văn hoá làng Tía đối với Tử Dương Vọng Đình”.

Sách Tìm hiểu di sản văn hoá dân gian Hà Nội năm 1994 viết: Bây giờ số 8 Hàng Buồm là cửa hiệu nhưng trước đây chính là ngôi Đình của làng Tử Dương”; tạp chí Xưa và Nay số 6/ 1994, có bài “Cần bảo tồn di tích ngôi Đình số 8 Hàng Buồm Hà Nội”; tạp chí Hán Nôm số 1/1995 có bài “Về đạo sắc “Tử Dương thần trí” sớm nhất hiện còn”; báo Hà Nội Mới cuối tuần 21-5-1995 có bài “1000 năm Thăng Long còn lại những gì ?” viết rõ: Nhà số 8 phố Hàng Buồm là Tử Dương Đình; tạp chí Khoa học và Tổ Quốc số 7/1995 có bài “Xôn xao về một ngôi Đình” viết đầy đủ cơ sở khoa học và pháp lý về Tử Dương Vọng Đình, của dân Tử Dương (làng Tía); đài Vô tuyến Truyền Hình phát ngày 16/8/1996 bài “Tử Dương Vọng Đình đang bị lấn chiếm”; đài Tiếng nói Việt Nam phát 28/8/1996 bài “Làng Tía và Tử Dương Vọng Đình” ; Uỷ Ban nhân dân quận Hoàn Kiếm xuất bản cuốn sách Di tích lịch sử - Văn hoá trong khu phố cổ và xung quanh Hồ Hoàn Kiếm ngày 7-3-2002, trang 323, xác định “Đình Tử Dương ở số 8 phố Hàng Buồm”. Toàn bộ vụ việc đòi Tử Dương Vọng Đình được Nhà xất bản Văn hoá – Thông tin tổng hợp in quyển sách Làng Tử Dương qua di sản văn hoá Hán Nôm năm 1977.

Có văn bản pháp lý đầy đủ và được dư luận ủng hộ mạnh mẽ như vậy, nhưng đâu có đòi được! Đấy còn chưa nói đến vị thế của những người đi đòi Đình. Sự thật tôi là Trưởng Ban liên lạc đồng hương làng thật, song thực tế nắm được tình hình sâu sắc về ngôi Đình này là các bậc cha chú của tôi như cụ Phạm Quang Chúc, hoạt động Cách mạng từ năm 1930, vốn là Đảng viên Cộng Sản kỳ cựu, bị tù Côn đảo, con cả cụ Phạm Quang Hưng vốn một thời là Trưởng Ban quản trị ngôi Đình và là chủ nhà 37 phố Cầu Gỗ, là cơ sở Cách mạng mà cụ Nguyễn Thái Học từng trú chân ở đây. Và các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị… đã từng hội tụ ở đây trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Nay địa điểm này được gắn bảng “Di tích Cách Mạng”. Cụ Phạm Quang Hưng là bố vợ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tôi làm việc theo sự chỉ bảo của các cụ. Các cụ cùng chúng tôi gặp Uỷ Ban nhân dân quận. Chúng tôi làm việc với Toà án nhân dân quận nộp đầy đủ văn bản pháp lý, lệ phí, nộp bản dịch Bia trong Đình. Một thời gian sau, Toà án nhân dân quận lại bảo việc này phải do Uỷ Ban nhân dân quận giải quyết. Đi lại nhiều lần, đơn thư nộp hàng chồng, không xong. Chúng tôi nhiều lần hàng chục người lên vườn hoa Mai Xuân Thưởng xin được Đảng và Nhà nước giải quyết.

Dẫn đầu vẫn là cụ Phạm Quang Chúc. Vậy là mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Trước khi trở về cõi vĩnh hằng, cụ khóc và bảo chúng tôi phải kiên quyết đòi cho được Tử Dương Vọng Đình, tài sản của tổ tiên để lại.

Chúng tôi tiếp tục đòi và nhờ bà con làng Tía ở hải ngoại ủng hộ. Năm 2002, cuối tháng 12, tôi bị bắt. Sau 18 tháng rưỡi bị giam, ngày 14/7/2004, Toà án nhân dân Thành phố xử tôi. Mở đầu lời kết tội của Bản án là quy kết tôi khiếu kiện để đòi Tử Dương Vọng Đình là phạm tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, Quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 1 điều 258 Bộ luật Hình Sự.

Trong phiên xử, tôi tranh cãi, phản bác phiên toà lời kết tội của Công tố viên, tôi không nhận tội. Vậy mà trong bản án, họ viết là: “Tại phiên Toà, Phạm Quế Dương xác nhận những lời khai tại cơ quan điều tra là tự nguyện và đúng với ý kiến đã trình bày tại Toà”. Cuối cùng họ kết án tôi 19 tháng tù giam.

Tôi trình bày vụ việc như trên để bày tỏ sự đồng cảm với bà con oan khiên khiếu kiện và tôi cũng chính là một người dân oan, khiếu kiện hàng chục năm trời. Chúng ta sống dưới chế độ Cộng Sản độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị nên mới khốn khổ, khốn nạn như vậy. Trước những thảm cảnh bà con dân oan khiếu kiện gần đây. Hoà thượng Thích Quảng Độ, Thượng toạ Thích Không Tánh và các Chư Tăng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đến tận nơi thăm hỏi bà con, tặng quà cho bà con và Thượng toạ Thích Không Tánh còn trực tiếp ra tận Hà Nội để làm việc từ thiện. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn với các vị có tấm lòng từ bi, bác ái, nhân đạo của Đức Phật mang đến cho chúng tôi.

Đây là tôi nói đến việc đòi Tử Dương Vọng Đình ở Hà Nội chứ còn ở quê tôi còn được thờ cụ Tổ họ Phạm chúng tôi – Danh tướng Phạm Nhữ Tăng phò vua Lê Thánh Tông bình định Chiêm Thành (1471) cũng bị một Đảng uỷ viên xã chiếm và hồ ao thì chính quyền Cộng Sản địa phương cũng bán hết cho nhau, chúng tôi cũng đi đòi mấy chục năm trời đâu có được giải quyết! Có dịp tôi sẽ viết tiếp để bà con thông cảm.

Chúng ta sống dưới cảnh oan trái của chính quyền Cộng Sản nên phải chịu đựng những hậu quả như vậy.

10-9-2007
Phạm Quế Dương
Nguồn: báo Tổ Quốc, số 25 (15/09/2007)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn