BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi Ức Về Tuổi Thơ Trên Làng Quê Khói Lửa

03 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1667)
Hồi Ức Về Tuổi Thơ Trên Làng Quê Khói Lửa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 
Đây là câu chuyện có thật 100% đã xảy ra trên làng quê của tác giả khi quân viễn chinh Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Tác giả không hư cấu thêm một tình tiết nào. Xin độc giả theo dõi bài hồi ức này của tác giả để thấu hiểu nỗi bất hạnh chung của dân tộc mình.

Theo lời mẹ tôi kể lại thì tôi sinh ngày 3-8 năm Nhâm Ngọ (1942) tại làng Bồ Bản, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nhưng khi tản cư lên tỉnh khoảng 1947, vì không có khai sinh nên mẹ tôi nhờ người chú làm "chứng thư thế vì khai sinh" để kịp xin nhập học lớp Năm trường nam Tiểu Học Quảng Trị vào mùa tựu trường năm đó (lớp Năm hồi đó tức là lớp Một sau này). Ba má tôi sinh được ba người con trai tinh cho tới ngày tản cư lên thị xã. Anh tôi Lê Đình Đàn sinh năm 1940, tuổi Thìn (đã qua đời cách đây 4 năm tại Atlanta, Georgia), em tôi Lê Đình Hân sinh năm 1946, tuổi Tuất (qua đời tại mặt trận Quảng Tín vào năm 1966). Cả ba người con trên giấy "chứng thư thế vì khai sinh" đều ghi là sinh ngày 1 tháng 1. Anh Đàn tôi thì sinh 1-1-1939, tôi thì 1-1-1941, em trai tôi thì 1-1-1945. Như thế là ông chú tôi cứ nghe mẹ tôi nói tuổi các đứa con rồi ông tự ghi ngày tháng năm sinh như trên cho dễ nhớ. Tôi được thêm một tuổi (1941) trong khi thực sự là sinh 1942. Anh và em tôi cũng vậy. Nghĩ cho cùng những năm tháng chiến tranh đã không cho phép thế hệ chúng tôi có được tờ giấy khai sinh ghi đích thực ngày tháng năm sinh của một con người vừa hiện diện được trên cõi thế gian này. Sự khai tăng tuổi của tôi thêm một năm đã khiến cho tôi lỡ mất dịp được học bổng đi du học ở Mỹ khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần và tôi đã buồn không ít cho sự mất mát này. Nhưng nay ở Hoa Kỳ khi đến tuổi về hưu thì mình lại được nghỉ sớm một năm. Quả là "tái ông thất mã" như lời người xưa thường nói.

Khi vừa lên bốn tuổi, tôi đã lúp xúp theo ba mẹ và anh trai tôi "chạy giặc" ra vùng biển đến Vĩnh Huề, Thành Hội, có khi đến tận làng Gia Đẳng. Khi mỏi quá thì mẹ cho tôi ngồi lên một đầu thúng và đầu kia là nồi niêu soong chảo... để gánh đi. Khi rời làng ra đi tôi không thấy sợ vì nào có biết gì; mãi khi đoàn người trong làng băng qua cồn cát ra biển thì tôi thấy lửa dậy bốn bề và súng nổ tứ phía, mọi người ai nấy nằm sát xuống cát. Bỗng tôi nghe nhiều tiếng súng nổ và một tiếng "ầm" đinh tai nhức óc và tôi cảm thấy đang bị ai thảy mình lên trên không trung rồi rơi tõm xuống mặt đất. Tôi sợ hãi hét lên "mẹ ơi!" trong tiếng rên la khóc lóc của đoàn người chạy giặc. Khi khói và cát lắng xuống, mọi người tìm nhau, gọi nhau để biết ai còn, ai mất. Một vài người trong làng bị thương và bị chết vì đạn lạc. Máu họ loang ra trên bãi cát nóng bỏng vì trời đã xế trưa. May thay ba má tôi và anh tôi không hề hấn gì. Mẹ tôi thấy bên tai trái tôi có dòng máu đặc lại, bà hoảng kinh kéo giật tôi lại để xem thì hóa ra dòng máu đó là do tiếng nổ quá lớn và quá gần đã xé mất màng nhĩ trong lỗ tai phải của tôi. Từ đó tai tôi nghe không còn rõ nữa và tôi thường bị chứng "thối tai" rất khổ sở và xấu hổ với bạn bè khi còn đi học Tiểu Học. Ở đây tôi xin mở một dấu ngoặc để nhắc đến một kỷ niệm buồn khó quên trong thời thơ ấu. Hồi đó tôi học lớp Ba với Thầy Xáng (tôi không nhớ họ). Bữa ấy trong giờ học, không biết tôi đã làm gì khiến Thầy bực mình, kéo tai tôi rồi tát hai cái đau điếng. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì nghe tiếng Thầy quát: "Cái gì mà thối òm òm" (xuất phát từ chứng thối tai của tôi như đã nói trên). Ấn tượng về hai cái tát của Thầy giáo già ngày ấy vẫn bám chặt trong ký ức tuổi thơ của tôi cho đến tận bây giờ.

Tôi xin trở lại với khung cảnh của đoàn người chạy loạn lúc đó. Mọi người vừa mới hoàn hồn thì nhìn ra tứ phía giặc Pháp có cả lính Việt tay lăm lăm khẩu súng với lưỡi lê tuốt trần đang vây lấy đoàn người nhếch nhác vào giữa. Chúng bắt tất cả thanh niên trai tráng đứng ra một bên, ông già bà lão, đàn bà con nít đứng sang phía đối diện. Chúng nói gì xì lô xì la tôi không hiểu được, chỉ nghe rõ chữ "Việt Minh hả?" qua lời của ông lính Việt. Sau đó chúng bảo tất cả trai tráng đi theo đoàn quân, còn bà con cứ quay về làng chứ đừng chạy đi đâu để tránh đạn lạc. Mẹ tôi vừa khóc vừa dẫn anh em tôi trở về đường cũ. Riêng ba tôi thì bị Pháp bắt đi theo cùng trai làng để chuyển vận lương thực.

Tối đó về nhà mẹ tôi và anh em tôi cứ ngóng ra ngoài ngõ để mong ba tôi trở về. May thay khi trời vừa chạng vạng (chưa tối hẳn) thì ba tôi được tha về với vài người khác cùng xóm. Chúng tôi mừng vô kể mà nước mắt cứ trào ra trong niềm hạnh phúc chợt đến bất ngờ. Được vài ngày thì mẹ tôi nói ba ở nhà trông coi con cái để mẹ đem số vải mua sỉ được ở chợ Bồ Bản vào các làng Lệ Xuyên, Vĩnh Huề hay ngược vào Long Quang, Linh Yên... bán kiếm tiền đong gạo cho gia đình. Mẹ tôi ra đi khi gà vừa gáy sáng. Hồi đó tôi là đứa bé nhỏ nhất nhà (vì mới chỉ có hai anh em) nên cứ trông mẹ đi chợ sớm về như mọi khi để được ăn quà. Tôi cứ đi vào đi ra hỏi anh tôi sao mẹ lâu về thế. Rồi đến trưa chẳng thấy mẹ về. Cảm thấy buồn ngủ, tôi dễ dàng đi vào giấc mơ của tuổi thơ trong vòng tay ôm ấp của mẹ với rất nhiều quà như cac dịp mẹ đi buôn từ các làng xa trở về. Tôi thức giấc vẫn không thấy mẹ. Lòng tôi cảm thấy bồn chồn khi thấy dáng điệu của ba tôi cứ tha thẩn ra vào ngoài ngõ như có điều gì lo âu lắm. Trời tối mịt mà mẹ tôi vẫn chưa thấy về. Cả nhà ai cũng cuống cuồng lo sợ không biết có gì xảy ra cho mẹ tôi không. Ông nội tôi nhà ở đầu thôn và cả ông bà ngoại nữa đều đến nhà hỏi han tin tức. Mọi người đều ở trong tâm trạng lo âu tột cùng. Bà ngoại tôi trách ba sao không ngăn cản mẹ đừng đi vào các làng bán vải nữa vì nghe người quen nhắn ra là "O Em (tên của mẹ tôi hồi còn trẻ) nhớ đừng vào bán vải trong này nữa vì "ban hội tề" (của Việt Minh) có ý nghi O Em làm chỉ điểm cho Pháp". Ba tôi cũng có ý ngăn nhưng mẹ nói là mình chỉ đi bán vải để kiếm tiền nuôi con thôi mà chứ mình có làm chỉ điểm chỉ đóm cho ai đâụKhông đi buôn vải như thường lệ thì làm sao gia đình đủ sống. Thế là mẹ tôi cứ khăng khăng ra đi và đêm nay đã quá khuya rồi mà vẫn chưa thấy về như lời mẹ hứa.

Sáng hôm sau cho đến xế trưa vẫn không thấy tăm hơi gì của mẹ. Tôi bỏ cả bữa ăn trưa, cứ ra ngồi tựa cửa, nhìn con đường mòn dẫn ra tận bờ sông đào cho tới nơi có khóm tre làng che khuất với lòng khắc khoải mong thấy bóng mẹ về... Ba và anh tôi bây giờ lộ rõ vẻ lo âu và ba không còn bình tĩnh nữa. Ba gọi tôi đến gần rồi ôm choàng lấy tôi và bật khóc. Tôi và anh tôi cũng khóc theo trong tâm trạng nhớ mẹ da diết. Bỗng nghe tiếng kêu: "O Em, O Em đã về" từ bên ngoài vẳng vào khiến mọi người trong nhà chạy túa ra sân. Đúng rồi, mẹ tôi đã về với đôi quang gánh trên vai. Đôi mắt mẹ tôi có vẻ mệt mỏi nhưng khuôn mặt lại hớn hở tràn đầy hạnh phúc. Tôi chạy sà vào lòng mẹ rồi kêu lên: "Mẹ ơi! Mẹ đã về". Hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má và mẹ tôi cũng thế!

Chiều hôm đó trong bữa cơm thanh đạm của gia đình, mẹ tôi đã kể lại câu chuyện cho cả nhà nghe...

Ngày rời nhà ra đi từ sáng sớm, mẹ thấy trên con đường mòn cuối làng một con rắn hổ mang rất lớn cứ lượn qua lượn lại trên đường như muốn ngăn không cho mẹ đi. Buổi đầu mẹ sợ là gặp điềm gở định quay về nhưng nghĩ đến mấy miệng ăn trong gia đình (mà ba tôi thì không làm gì ra tiền vì không ai thuê mướn, đi ra thì sợ Pháp bố ráp bắt lính). Mẹ để gánh vải xuống rồi lấy đòn gánh hất con rắn ra xa và tiếp tục lên đường. Gần xế trưa, mẹ bán được một ít vải cho các gia đình bạn hàng từ trước. Rồi cứ thế mẹ đi tiếp từ làng này qua làng khác. Có vài người, sau khi liếc xuôi, liếc ngược thì thầm vào tai mẹ tôi: "O Em ạ, O nên quay về đi, đừng đi sâu vào làng Long Quang, Linh Yen nữạCó tin là mấy ông "tự vệ" sẽ bắt O đó". Mẹ tôi không tin vì nghĩ là mình chẳng làm gì nên tội, chỉ bán vải để nuôi con. Thế là mẹ cứ tiếp tục quảy gánh lên vai đi từ An Trạch, Vân Tường cho đến làng Long Quang. Khi trời xế bóng mẹ đến làng Linh Yên. Mẹ thấy có vẻ gì khang khác. Bà con ai thấy mẹ đều bỏ chạy. Có vài khách hàng quen từ trước của mẹ đã kín đáo nói cho mẹ là phải quay lại gấp đừng vào sâu trong làng... Mẹ tôi cảm thấy lo sợ và định quay lui nhưng không còn kịp nữa. Hai anh "tự vệ" (thuộc tổ chức Việt Minh), người cầm giáo, kẻ cầm mác và dây thừng đã gọi lớn: "O kia! Đứng lại!". Khi tới gần họ nói là họ được lệnh "Ủy Ban Kháng Chiến" bắt giữ O.

Mẹ tôi bị hai anh tự vệ dẫn về trụ sở Ủy Ban Kháng Chiến Linh Yên và bị giam vào một căn phòng chật hẹp, vách bằng phên tre và lợp tranh. Ở đó có 5, 6 chị khác bị giam từ trước. Khi mặt trời ngã bóng, mẹ tôi được mời ra văn phòng. Ở đó có một anh tự vệ đứng canh. Hỏi cung mẹ tôi là một người đàn ông đứng tuổi với đôi lông mày rậm và chiếc cằm trệ xuống, đặc biệt là đôi mắt láo liên không bao giờ nhìn thẳng khiến mẹ tôi cảm thấy lo sợ cho sinh mệnh của mình.

- Này, O Em, xin O cho biết O đã làm do thám cho bọn Pháp và Việt gian bao lâu rồi?

- Dạ, em có làm việc cho họ bao giờ đâụEm chỉ lo buôn bán nuôi con thôi mà. Vùng này em đã đến bán hàng nhiều lần rồi (Mẹ tôi xưng "em" với tên "cán bộ" vì hồi sinh tôi ra mẹ tôi mới được 24 tuổi).

- O nói dối - Tên cán bộ vỗ bàn đánh rầm một tiếng và lên giọng nói.

- Dạ, em không biết nói dối bao giờ.

- Thế sao mỗi lần O vào buôn bán thì hôm sau giặc Pháp lại càn vào làng và bắt đi những cán bộ của Ủy Ban? Tại sao tụi Pháp và Việt gian lại biết những hầm bí mật trong xóm để khui ra? Và mới tháng trước, khi O vừa mới rời làng Long Quang thì máy bay Pháp đến thả bom làm sập hầm giết chết ba cán bộ hoạt động bí mật ở trong nhà bà Hai Lụa? Hôm đó chính O đã bán mấy thước vải đen cho con gái bà. O đã ra dấu hiệu gì để địch biết chính xác mục tiêu oanh tạc như thế?

- Thực oan cho em quá. Em có biết gì các sự việc đó đâu.

- Đồ ngoan cố. Tự vệ đâu? Đem giam nó lại và chờ lệnh.

Mẹ tôi được đưa về phòng giam đêm đó và sáng hôm sau hai "tự vệ", một nam và một nữ khám xét kỹ lưỡng thân thể mẹ tôi, rồi chúng dẫn mẹ tôi đi bộ ra một cánh đồng khá xa, không có người lai vãng. Ở đó, theo lời mẹ tôi kể lại, thì đã đào sẵn nhiều huyệt mộ. Chúng dẫn mẹ tôi đến một cái hầm lớn có chứa một cái giường, một bộ bàn ghế sơ sài, trong căn hầm có sẵn một chiếc cũi làm bằng gỗ vừa đủ một người ngồi, rồi hai chân mẹ tôi bị xích lại trong chiếc cũi đó. Bây giờ mặt trời đã lên quá rặng tre mà bị giam như thế này nên mẹ tôi cảm thấy khát và bà xin được cho nước uống. Một "tự vệ" áng chừng tuổi còn trẻ, chắc khoảng tuổi với mẹ, đem nước cho mẹ tôi. Mẹ tôi đã tìm cách gợi chuyện. Người thanh niên hiền từ này có vẻ có cảm tình với mẹ tôi nên nói : "chị sao dại quá vậy, sao chị lại đi làm dọ thám cho giặc Pháp để đến nỗi rơi vào tình huống này vậy". Mẹ tôi có hỏi là "Anh có biết tôi sẽ bị giam bao lâu không?". Người thanh niên nói là "Chị không còn sống để về với chồng con nữa đâu!". Nghe vậy, mẹ tôi òa khóc và van xin trong tuyệt vọng...

Mặt trời lên chưa cao nhưng ánh nắng thì gay gắt quá chừng. Bỗng mẹ tôi thấy một người đàn ông mang "xắc cốt" bằng da, đi bên cạnh là một tự vệ với chiếc mác cầm tay, đang di chuyển về hướng mẹ tôi. Khi người đàn ông đến gần, mẹ tôi bỗng la to: "Anh Bí, anh Bí, cứu em với!". Người đàn ông qua bước đầu bỡ ngỡ, chắc đã nhận ra hình dáng và khuôn mặt quen thuộc của mẹ tôi nên kêu lên thảng thốt: "Trời ơi! Em, em sao ra nông nổi này?". Mẹ tôi được dịp òa khóc như chưa từng bao giờ được khóc trước đó. Người đàn ông này chính là ân nhân đã cứu sống mẹ tôi. "Anh Bí" mà mẹ tôi gọi tên hai lần lúc đó là người yêu của mẹ khi bà chưa gặp gỡ ba tôi. Người đàn ông tên Bí này đang làm việc ở huyện ủy thì được cử về để thanh tra một số công việc tại thôn ấp này và khi nghe nói có một nữ tội nhân sắp bị hành quyết vì làm việc cho Tây nên ông đã yêu cầu được gặp mặt. Hóa ra người nữ tội nhân đó là người yêu cũ mà 8 năm về trước ông đã nhờ người đến dạm hỏi nhưng ông bà ngoại tôi từ chối vì đã hứa gả cho ba tôi là nơi quen biết và người cùng làng. Kể đến đây mẹ tôi nhìn ra bên ngoài. Bóng chiều sắp tắt và hàng cau trước nhà xào xạc lá như lời thì thầm trong gió về những kỷ niệm ngọt ngào của những ngày còn là cô thôn nữ trẻ đẹp của gần một thập niên về trước. Ngày đó khi tuổi vừa đôi tám, ông bà ngoại tôi đã cho mẹ tập tành đi buôn trên các chuyến đò dọc ngược xuôi từ quê nhà vào đến đất thần kinh Huế. Cũng trên các chuyến đò này, mẹ đã gặp "Anh Bí" là một thầy ký hơn mẹ đến 6, 7 tuổi làm việc ở Huế, thường hay về thăm quê ở làng Vân Tường thuộc phủ Triệu Phong. Hai người đã tỏ tình ý thương yêu nhau và hơn một năm sau, thầy ký Bí cho người đến nhà dạm hỏi mẹ tôi. Rốt cuộc mối tình không thành, mẹ tôi buồn lắm nhưng phải vâng lời ông bà ngoại để về làm dâu nhà họ Lê Đình của ba tôi. Mẹ tôi sau đó không còn gặp lại "anh Bí" nữa nhưng có nghe người quen nói lại là thầy ký Bí đã đi theo Việt Minh sau khi mẹ tôi lập gia đình. Xin đóng lại đoạn viết về cuộc đời tình cảm khá buồn của mẹ tôi để nói qua chuyện khác...

Vì không thể tiếp tục sống trong cảnh ngày bị giặc Pháp kềm kẹp và đêm về phải nơm nớp lo sợ sự trừng phạt của "Ủy Ban Kháng Chiến" nên ba mẹ tôi quyết định tản cư lên thị xã để kiếm sống vi có an ninh hơn. Và riêng tôi cũng để quên đi hai hình ảnh hãi hùng trong đời mà mình phải chứng kiến khi tuổi còn thơ dại, khi ấy tôi chừng 5, 6 tuổi là cùng.

Buổi sáng đó, nghe tiếng động mạnh và tiếng người nói ở bên ngoài khi mọi vật còn chưa thấy rõ trong màn sương sớm, mẹ tôi hé cửa nhìn ra ngoài và tôi cũng chăm chú nhìn thì thật là khủng khiếp, tôi thấy một hình người không đầu, tay trói chặt lui đằng sau, chạy được một quãng ngắn gần đến sân trước nhà tôi, gần bụi dâm bụt thì ngã xuống, tôi thấy máu tuôn có vòi từ nơi chiếc cổ không đầu. Thì ra theo lời mẹ tôi kể lại, Ủy Ban Kháng Chiến Việt Minh cho lệnh tự vệ vây bắt người con trai của bác Đ. trong xóm vì bị nghi là hoạt động cho Việt gian nhưng không hiểu nạn nhân phản ứng cách nào mà bị tự vệ vung mác chặt đứt đầu như vậy. Hình ảnh này bám chặt vào hồi ức tôi cho đến tận ngày nay. Mạng sống của con người quả không khác gì cỏ rác trong cuộc chiến tranh hết sức vô lý và tàn bạo trên quê hương tôi.

Một hình ảnh khác nữa là vào khoảng xế chiều, khi làng tôi bị Tây càn qua lùng sục. Mẹ tôi, khi ấy đang mang thai em trai tôi, vội lấy mồ hóng bôi lên mặt và bôi lên khắp người và lấy loại cây gì đó sau hè nhai nhỏ và xát khắp người để tạo một mùi hôi nồng nặc. Khi đó tôi quả không hiểu tại sao mẹ tôi làm vậy và cũng không có thì giờ để hỏi han mẹ vì bọn giặc Tây đa số là Tây đen đã vào đến đầu làng và đang lục soát từng nhà. Một thằng Tây đen (hồi đó dân làng thường gọi là tụi Ma-rốc) cầm súng xăm xăm đi vào ngõ nhà tôi. Tôi ngước lên thấy vẻ mặt lo sợ của mẹ. Mẹ bảo tôi ôm chặt lấy mẹ và anh tôi ngồi kế bên. Thằng lính Tây đen này đến gần thấy mẹ tôi mặt mày đen bẩn và hôi hám nên bỏ đi qua căn nhà đối diện ngõ vào của nhà tôi. Căn nhà đó là nhà của chú thím bà con trong họ của tôi. Thằng Tây đen ấy, tay cầm súng, xô cửa bước vào. Từ khe cửa nhà tôi nhìn qua nhà chú thím rất rõ vì thế hình ảnh thằng lính Ma-rốc đó lôi xềnh xệch bà thím tôi lên chiếc chõng tre đặt ở góc nhà đập vào mắt tôi thật rõ nét, lại nữa thằng Tây đâu cần đóng cửa ngõ gì. Cứ thế một tay đè bà thím tôi xuống và tay kia sau khi đặt khẩu súng bên cạnh, đã tụt chiếc quần xuống mà làm cái chuyện "trời ơi đất hỡi" mà lúc đó đầu óc tôi chưa đủ trí khôn để mường tượng ra được. Đâu chừng vài phút sau, thằng Tây đen cứ lồ lộ như vậy bước ra chiếc lu nước để trước nhà và tỉnh bơ "làm vệ sinh của quý" như chẳng nhìn thấy ai chung quanh cả. Mà thực nào có ai lúc đó để hắn phải lo ngại. Nhà nào Tây không vào thì cửa đóng im ỉm, mọi người chỉ nhìn qua khe cửa mà thôi. Quả thật là một nỗi bất hạnh lớn lao cho thím tôi khi bị Tây hãm hiếp. Sau đó thím tôi như người mất hồn.

Tôi bắt đầu có những nhận thức lờ mờ về nỗi bi thảm của thân phận con người trong chiến tranh. Nhận thức đó cứ lớn dần theo năm tháng kéo dài của cuộc binh lửa trên quê hương khốn khổ của tôi. Cuộc chiến tranh lan ra, tỏa nhanh từ vùng quê xa xôi rồi tràn về phố thị, nơi gia đình tôi vừa tản cư đến để khởi đầu cho một cuộc đời mới trong môi trường và điều kiện sinh sống mà tôi sẽ có dịp kể tiếp trong các phần sau.

Lê Đình Cai
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn