BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73226)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tội Ác Bùi Đình Thi Tại Trại Tù Thanh Cẩm

03 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3448)
Tội Ác Bùi Đình Thi Tại Trại Tù Thanh Cẩm
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54

Phần III


Khi tới bờ sông, cả bọn ùa xuông sông khua khoắng, tắm giặt... Nước thượng nguồn sông Mã hôm ấy thật trong và cạn chỉ tới cổ vì các ngày trước không mưa. Trầm mình trong dòng nước lạnh tôi thấy rất dễ chịu, nhất là vì đã tẩy rửa được bao nhiêu thứ dơ bẩn đã bám nặng trên người trong 3 tuần lễ kinh hoàng vừa qua. Vừa kỳ cọ thân thể, tôi vừa nhìn các anh em, nhất là các anh em linh mục. Họ cũng đang nhìn tôi một cách ái ngại, nhưng không ai dám nói năng gì. Chúng tôi chỉ nhìn ánh mắt cảm thông nhau, vì lúc ấy tôi bị cấm tiếp xúc với tất cả mọi người. Hơn nữa, từ trên bờ lúc nào cặp mắt của Bùi Đình Thi cũng dán vào tôi. Tắm một chốc tôi đã cảm thấy mệt và thở dốc. Tôi đưa mắt hướng về phía xuôi dòng nước, bồi hồi nhớ lại cái hốc đá dưới gốc cây to bên bờ sông, nơi 3 người đã ẩn nấp... Giờ này chỉ còn lại 2! Tôi không dám suy nghĩ tiếp và cứ đứng yên ngâm mình trong nước nhìn đàn cá mương đang lao nhao ngụp lặn chung quanh mấy anh tù để kiếm ăn. Bọn cá này cũng già kinh nghiệm, biết rằng chỉ có tù đi tắm chúng mới được một bữa ăn thoải mái! Theo dõi đàn cá đang tranh ăn, tôi nghĩ vớ vẩn: "Mấy con cá ngu này, chúng mày vớ được ghét của tao, nuốt vào không hóa dại thì cũng sẽ ói ra!" Tôi nghĩ quẩn thế thôi, chớ cá mương ăn phân người làm gì có chuyện ói mửa!

Có tiếng Bùi Đình Thi giục lên, cả bọn lớp ngóp vô bãi cát lài lài ngay lối lên xuống. Lợi dụng lúc mọi người đang chen lấn không ai dể ý, cha Trần Văn Nghị, có lẽ vì thấy tôi "ăn mặc" quá thảm thương, lẹ làng dúi vào tay tôi cái khăn mặt đã giặt sạch vo tròn chừng bằng cổ tay. Tôi vội vàng nắm lấy, vì lúc bấy giờ đó là món quà rất quý. Trên đường về, tôi cảm động vì tình nghĩa anh em và sự cảm thông mà cha Nghị đã dành cho tôi. Tôi cảm thấy vui lên vì từ nay gia tài của tôi ngoài nửa manh chiếu rách, nửa cái chăn chiên, một cái "bikini" do anh Thuyên làm, còn có thêm cái khăn cha Nghị vừa cho. Tôi tự nhủ: "Đời mình chưa đến nỗi nào!" Nhưng ở đời có ai học được chữ ngờ!

Họa vô đơn chí

Về tới buồng, mọi người lo giũ quần áo ra phơi trên các cánh cửa sổ, tôi gần kiệt sức vì vừa leo lên hàng chục bậc thang bằng xi măng, cũng đang giũ cái khăn của cha Nghị vừa cho ra phơi. Đó là loại khăn mặt khá lớn, màu trắng và có những ô vuông nổi lên như mặt trong của bao tử bò. Vừa với tay định máng lên cánh cửa sổ tôi bỗng giật mình vì câu hỏi quá bất ngờ từ phía sau:

- Lễ, cái khăn này ở đâu mày có?

Quay mặt lại thấy Bùi Đình Thi, một tay chỉ thẳng mặt tôi, tay kia chỉ cái khăn. Tôi thất kinh vì biết là tai họa tới nơi, tôi vội nói dối:

- Tôi nhặt được dưới sông lúc đi tắm, không biết của ai đánh rơi để lại.

- Vô ý mà nhặt được, nói thật đi, thằng nào cho mày?

Tôi vẫn giữ lập trường, nhưng lần này với giọng khẩn thiết:

- Tôi nhặt được dưới sông thật mà... anh Thi, có ai cho tôi đâu?

Bùi Đình Thi ngần ngừ trong giây lát, giây phút tôi đang chờ sự phán quyết của con người đang mặt bộ đồ xanh đồng phục của tù như tôi, nhưng lại là kẻ đang nắm giữ vận mệnh của tôi. Con người đó cũng là con chiên giáo hữu của tôi, nhưng lúc bấy giờ lại đang phán xét tôi. Bây giờ tôi không nhớ rõ lúc ấy tôi có cầu nguyện hay không, nhưng tôi chắc là có vì tôi vẫn có thói quen kêu xin Chúa giúp mỗi khi gặp nguy hiểm, vì như bạn đọc đã biết lúc đó cơ thể tôi suy nhược đến nỗi một bước đi còn không vững, nếu Bùi Đình Thi đánh cho trận nữa còn gì là tôi. Ngần ngừ một lúc anh ta bỏ đi, tôi thở phào nhẹ nhõm: Thoát nạn! Tôi cũng không biết nhờ nói dối hay ơn trên phù hộ. Tôi đi vô buồng, leo lên bệ xi măng và tưởng như đó là nơi an toàn có thể tránh được Bùi Đình Thi.

Nhưng tôi đã lầm, chừng vài phút sau, Bùi Đình Thi trở lại với tên cán bộ võ trang có đôi mắt xước mà tôi không biết tên. Cả 2 đi thẳng vô buồng, chẳng nói chẳng rằng, Bùi Đình Thi tiến tới túm lấy cổ tôi lôi ra, tên cán bộ mắt xước thuận tay tống ngay một quả đấm như trời giáng vào đúng cạnh sườn làm người tôi gập đôi lại, vì sức tôi đã yếu không thể chịu đựng được cú đòn đó. Tôi kêu to một tiếng "Trời ơi!" rồi ngã vật xuống sàn. Có lẽ thấy tôi đã quá tệ hay vì thấy tội của tôi không đáng trừng trị thêm nên chúng đã dừng tay và đứng nhìn tôi đang nằm quằn quại dưới đất. Một lúc sau tên cán bộ ra lệnh: "Cùm cổ nó lại". Bùi Đình Thi túm tóc kéo tôi lên cùm chân lại, vừa khóa cùm vừa mắng: "Đánh cho mày chừa, nói dối quen mồm!" Trước khi ra đi, tên cán bộ mắt xước còn nhổ phẹt một bãi nước bọt xuống sàn, không hiểu để tỏ thái độ khinh bỉ hay vì mùi hôi thối trong buồng đang xông lên, mặc dù trong lúc chúng tôi đang tắm dưới sông, anh trực sinh (tức bấy giờ là Nguyễn Tiến Đạt) đã quét dọn rồi.

Sau này tôi được biết là Bùi Đình Thi đã đi hỏi các buồng hỏi ai cho tôi cái khăn và đã khám phá ra chính cha Nghị đã cho tôi. Tội nghiệp cho cha Nghị, ngài vì thương anh em mà bị nạn. Sau khi đánh tôi xong, chúng nó vòng ra buồng 2 phía trước nện cho cha Nghị một trận nhừ tử, dập môi chảy máu và cùm chân ngài 7 ngày đêm (bình thường chỉ bị cùm ban đêm), hạ mức ăn từ 1200 hạt ngô xuống còn 750 hạt mỗi bữa. Về sau, khi có dịp, tôi đã gọi qua xin lỗi ngài, nhưng cha Nghị cười hề hề: "Lỗi gì? Được chia xẻ với anh một chút đau khổ là tôi mừng rồi". Ngài còn nói: "Tại hôm đó chúng nó đánh, mình đỡ trúng tay chúng nó đau, chúng nó mới tức khí lên nện mình nhiều như vậy". Nói xong ngài lại nhe răng cười hề hề!

Tôi nằm liệt mấy ngày vì cú đòn hôm ấy. 3 tuần trước tôi bị đánh đập tàn nhẫn hơn nhiều, nhưng lúc đó cơ thể tôi còn khoẻ mạnh, tôi có thể chịu đựng được. Vả lại, khi bị đánh đập quá nhiều cơ thể tôi trở nên tê dại, tôi không còn có cảm giác đau đớn. Tôi gồng sức chịu đòn, không hề rên la một tiếng nào. Nhưng lần này lại khác, cơ thể tôi đã bị tổn thương trầm trọng đến mức một cơn ho hay cái hắt hơi cũng làm tôi cảm thấy đau đớn và tưởng như xương cốt đang long ra từng khúc. Điều này cũng chứng tỏ cú đòn của tên cán bộ mắt xước nguy hiểm đến chừng nào. Tiếng kêu "Trời ơi" của tôi lúc đó là một phản ứng tự nhiên, không thể kềm chế được như các lần trước. Đây là tiếng kêu la duy nhất trong các lần tôi bị đánh đập ở trong trại tù này.

Nợ đời chưa dứt

Sau vụ cái khăn mặt độ vài ba tuần thì Nhà Đen bị phá bỏ và số tù bị kỷ luật bên đó dược chuyển sang khu nhà mới. Cha Nguyễn Công Định và anh Trịnh Tiếu vào buồng tôi, có cả anh Thuyên thành 4 người. Lúc bấy giờ là mùa hè, trời nóng nực và oi bức, nhất là về đêm khi hơi nóng từ mái nhà bằng tỏa xuống. Buồng giam đã kín lại chật chội nên hơi nóng không có chỗ thoát ra đã biến căn buồng thành một thứ lò hấp bánh mì. Mỗi ngày chúng tôi chỉ mong tới giờ để dược hít thở chút khí trời khi cánh cửa mở ra. Có lúc tôi nghĩ, nếu lúc bấy giờ Chúa ban cho tôi được ơn làm phép lạ, thì phép lạ đầu tiên sẽ làm là trên nóc nhà bằng có một lỗ hổng to bằng miệng cái lon sữa bò để hơi nóng dồn nén trong buồng có chỗ thoát ra và chúng tôi có không khí để thở. Không khí trong phòng chúng tôi hình như đang keo lại như một thứ kẹo mạch nha và chúng tôi đang phải cố gắng hít thở cái loại "chất dẻo" ấy. Mặc dù đang vướng một chân trong cùm, tôi cũng cố trườn người cúi mặt sát vào sàn nhà để tìm chút không khí còn sót lại bên dưới. Lúc này tôi gần như chẳng còn quần áo gì, kêu gào mãi can bộ mới sai Bùi Đình Thi vất vào cho một bộ quần áo của tôi đã bỏ lại lúc vượt ngục, đó là một cái quần đen và một áo sơ mi vải Oxford màu vàng còn khá mới có đóng dấu "Cải Tạo" thật to sau lưng. Mấy ngày sau tôi lại phải xé cái quần ra để dùng khi đại tiện. Số phận của cái áo còn lại rồi cũng sẽ như thế, vì không còn cách nào hơn.

Trực sinh khu kỷ luật bấy giờ là anh Nguyễ Văn Hà, còn trẻ, mỗi ngày vào các buồng giúp đổ các ống bẩu phân và nước tiểu. Anh thấy tôi xé áo quần đi cầu, anh liền hỏi xin tôi cái áo vàng để đổi thuốc lào. Tôi nói không có gì dùng khi đi cầu, anh liền nói anh sẽ tìm cho tôi một số giẻ rách để dùng vào việc đó. Anh bảo cái áo của tôi còn mới, xé uổng lắm. Không nghĩ ngợi gì, tôi cho anh ta cái áo ngay. Lúcbấy giờ tôi đâu có ngờ rằng tôi sẽ trả một giá rất đắt về việc này. Mấy ngày sau tôi quên hẳn cái áo và Hà cũng chẳng hề đưa tôi giẻ rách để dùng khi đại tiện như đã hứa. Thật ra tôi thấy chưa cần thiết lắm nên tôi không hỏi Hà, vì lúc đó tôi còn một ống quần đủ dùng đến ngày được đi tắm, khi đó tôi sẽ tạt qua đống rác của trại để nhặt một ít giấy báo hoặc giẻ rách đem giặt sạch dể dùng. Thông thường cứ 2 tuần chúng tôi được đi tắm một lần, nhưng khi cán bộ võ trang bận hay vì lý do đặc biệt nào đó, có khi 3 tuần hay hoặc 1 tháng chúng tôi mới được đi tắm. Mỗi lần được đi tắm là một niềm vui không tả được, chúng tôi vừa được tắm giặt sạch sẽ, vừa lén trò chuyện vài câu với anh em ở buồng khác hay dưới "làng" khi cán bộ lơ là, lại vừa có dịp đi ngang đống rác trước trại nhặt nhạnh những thứ linh tinh nhưng đôi khi lại rất cần thiết. Có lần tôi may mắn nhặt được một của quý, đó là cái bàn chải đánh răng đã mòn quá phân nửa, có lẽ do một anh tù nào ở dưới "làng" vất đi. Tôi mang xuống sông chùi rửa cẩn thận cho hết vi trùng và đem về dùng luôn trong gần 2 năm.

Sáng hôm đó chúng tôi được đi tắm như thường lệ. Sau khi Bùi Đình Thi mở khóa các buồng thì mọi người xếp hàng đôi đi xuống sông. Tôi thấy chính cái anh cán bộ mắt xước hôm trước đã đánh tôi vác súng dài theo sau canh chừng. Khác hẳn mọi lần, hôm nay chỉ có cán bộ mà thôi, không có Bùi Đình Thi theo xuống bờ sông. Vắng mặt Bùi Đình Thi tôi cảm thấy thật dễ chịu, các anh em khác cũng có vẻ thoải mái. Chúng tôi có thể trao đổi hay quan hệ linh tinh dễ dàng hơn, và đống rác bên ngoài cổng trại cũng dược chúng tôi chiếu cố kỹ hơn.

Hôm đó trời nắng ấm nhưng không gay gắt, nên khi tắm rửa xong tôi thấy trong người rất thoải mái. Vả lạo dạo này cơ thể tôi có phần khá hơn đôi chút, đi dứng đã bắt đầu tương đối dễ dàng, không cần có người dìu như trước. Tay cầm một mớ chiến lợi phẩm (giẻ rách loại tốt) đã giặt sạch, tôi đi sau cùng theo các bạn về buồng. Khi vừa tới buồng, tôi thấy Bùi Đình Thi đứng trước cửa buồng nhìn tôi bằng cặp mắt hơi khác thường, tên cán bộ mắt xước đứng bên cạnh. Tôi quay đi vì tôi vẫn kinh sợ đôi mắt đó. Tôi còn đang suy nghĩ lang mang thì chợt thất kinh khi thấy Bùi Đình Thi với vẻ mặt hầm hầm bước thẳng tới, tay trái cầm xâu chìa khóa, tay kia chỉ thẳng vào mặt gần đụng trán tôi, đôi môi run run hỏi:

- Lễ, cái áo vàng của mày đâu?

Tôi điếng cả người khi nghe câu hỏi đó vì biết là việc đã bại lộ. Nếu có ai cho là hèn nhát tôi xin chịu. Tôi phải thành thật mà nói rằng lúc đó tôi sợ Bùi Đình Thi tới điếng cả người. Tôi có cảm giác như có một dòng điện cực mạnh đang chạy rần rần dọc theo thân thể, khiến các lỗ chân lông trong người tôi hở to ra. Thấy tai họa tới nơi, tôi nói dối:

- Tôi phơi trên cánh cửa sổ này, ai lấy lộn mấy hôm nay tôi tìm mãi không thấy, anh có thấy ở đâu cho tôi xin lại đi anh Thi.

- Sao thằng Hà nó nói mầy đổi cho nó?

Tôi nóng ran cả mặt khi nghe tiếng "đổi", vì luật lệ trong tù cấm mua bán đổi chác. Những người khác trong trường hợp này cũng gặp rắc rối huống gì tôi. Tuy đã tuyệt vọng, tôi cũng gắng gượng trả lời:

- Đâu có anh Thi, tôi đâu có đổi, chắc nó lấy lộn rồi nói thế thôi, tôi đâu có đổi.

Nói xong câu đó tôi nhìn sang tên cán bộ mắt xước nãy giờ đang theo dõi cuộc phán xét, trông bộ dạng hắn gần như đã mất kiên nhẫn, 2 bàn tay hắn nắm lại và chống lên cạnh sườn, các ngón tay hắn đang co bóp trông có vẻ ngứa ngáy khó chịu. Bùi Đình Thi chụp tay tôi dằn mạnh:

- Đi lại phía trước mầy nghe thằng Hà nói.

Tên cán bộ mắt xước đi trước dẫn đường, Bùi Đình Thi đẩy tôi đi giữa, anh ta theo sau. Chúng tôi bước trên con đường hẹp dài chỉ có vài thước nối giữa đầu hồi nhà kỷ luật tới bờ tường dẫn ra buồng 1 phía trước. Tôi biết mình đang lâm nguy vì trong lúc đi tắm Bùi Đình Thi ở nhà lục soát các buồng đã thấy cái áo và thằng Hà đã khai tất cả, nhưng tôi vẫn còn hy vọng cuối cùng: Biết đâu Hà nó sẽ làm cử chỉ anh hùng kiểu như "Lê Lai cứu Chúa", vì nó có nhận ăn cắp áo cũng bị vài cái tát là cùng, còn tôi chỉ cần xác nhận có cho nó thôi thì Bùi Đình Thi cũng đã có lý do để hành hạ tôi rồi. Nghĩ như vậy nên khi còn cách buồng 1 khá xa tôi gọi to lên cố ý cho Hà nghe: "Hà ơi Hà! Sao mày lấy lộn áo tao phơi trên cửa mà không trả, tao kiếm mấy ngày nay, anh Thi nói mầy đang giữ áo tao, trả lại tao đi Hà!" Tôi có ý bảo Hà rằng tôi đã nói với Bùi Đình Thi như thế, cứ nói vậy đi. Nhưng có lẽ vì không hiểu ý tôi hay vì sợ bị đòn, Hà nói vọng ra: "Em đâu có lấy áo anh, anh đổi cho em mà!" Đây là câu trả lời tôi sợ nhất. Bùi Đình Thi và tên cán bộ mắt xước chỉ mong có chừng ấy.

Câu nói của Hà chưa kịp dứt thì bất ngờ tôi té sấp phía trước vì cú đấm với tất cả sự chờ đợi, thèm khát và hận thù của Bùi Đình Thi ném từ sau tới. Tên cán bộ mắt xước quay lại chụp lấy tôi và đấm vào bụng khiến tôi ngã ngửa ra phía sau, Bùi Đình Thi đón lấy đấm vào lưng khiến tôi nhào tới phía trước, tên cán bộ lại đấm tiếp vào bụng làm tôi té ngửa ra. Cứ thế kẻ đấm tới người đấm lui như chuyền nhau qua quả bóng trong một hành lang hẹp, tôi muốn chạy nhưng chạy không thoát được. Hơn nữa tôi đã gần chết còn sức đâu nữa mà chạy. Lúc đó tôi không còn biết mình là ai nữa, tôi đang như con thú bị mắc chân vào bẫy, có vùng vẫy cũng không thoát ra được. Hình ảnh cái chết lờ mờ hiện ra trong trí, nhưng tôi lại nghĩ: "Mình không thể chết như thế này được".

Cuộc hành tội kéo dài khá lâu. Bùi Đình Thi và tên cán bộ mắt xước thay nhau, mỗi tên đã đấm tôi chừng 10-15 quả, tôi thấy mình sắp ngã quỵ đến nơi. Bỗng dưng bản năng sinh tồn trong tôi trỗi dậy một cách mãnh liệt và bảo tôi: "Phải chạy thoát bằng mọi giá, bằng không thì chết". Bất thần tôi vùng lên như con thú bị thương, nhảy chồm tới xô mạnh vào Bùi Đình Thi. Vì quá bất ngờ không kịp đề phòng, Bùi Đình Thi té ngửa ra một bên, tôi vụt chạy thật nhanh về buồng. Bùi Đình Thi lồm cồm bò dậy rượt theo tôi bén gót. Tôi biết là lúc này mà hắn tóm dược, chắc chắn hắn sẽ giết chết tôi như đã giết chết Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Tôi phóng vô buồng nhảy lên bệ nằm, chụp lấy cái móng cùm bằng sắt nặng chừng 1.5kg đưa lên và đứng trên cao thủ thế. Bùi Đình Thi vừa nhảy tới, thấy tôi đang đứng cầm cái móng cùm, khựng lại ngay ở cửa. Tôi trợn mắt nói qua hơi thở gần muốn tắt nghẹn: "Bùi Đình Thi, tao đổi mạng với mầy! Mầy đã dồn tao tới bước đường cùng. Bữa nay tao đổi mạng với mầy! Bùi Đình Thi!" Mặc dù đang giận dữ vì vồ hụt con mồi đã bị thương, nhưng thấy phản ứng bất thần của tôi, Bùi Đình Thi không dám vào. Đứng ngoài cửa nhìn vào, cặp mắt hắn toé lửa, 2 bên khoé mép chảy dài 2 vệt nước bọt. Hắn nghiến răng ken két, cái mồm biến dạng trông rất ghê tởm. Thật khó mà diễn tả được khuôn mặt của Bùi Đình Thi trong lúc đó. Hắn giận dữ giơ thẳng tay chỉ vào mặt tôi: "Đ.M. mầy Lễ! Tao sẽ giết mầy". Thấy Bùi Đình Thi phải dừng lại, tôi hiểu rằng chính cái móng cùm đã cứu mạng tôi. Trong 3 năm trời tôi phải mang cái móng cùm đó vào chân, nhưng hôm nay nó đã cứu tôi. Tôi vẫn nhớ ơn cái móng cùm bằng sắt lạnh lùng và vô tri này. Nếu không có nó, chắc chắn Bùi Đình Thi đã giết chết tôi trong sáng hôm đó.

Tên cán bộ mắt xước cũng vừa đi tới, có vẻ rất hài lòng khi thấy cảnh 2 tên tù đang gầm gừ định ăn thua đủ với nhau. Nếu anh ta biết 2 tên tù đó là một giáo dân và một linh mục có lẽ anh ta càng vui sướng hơn. Hắn ra lệnh cho Bùi Đình Thi: "Cùm cổ nó lại!"

Thấy Bùi Đình Thi bước vào, tôi nói:

- Báo cáo cán bộ, tôi không vào cùm, vì anh Thi sẽ đánh tôi chết.

- Tôi bảo anh vào cùm!

- Nhưng cán bộ có bảo đảm là anh Thi không đánh tôi?

- Anh cứ vào cùm, tôi bảo đảm.

Có sự bảo đảm của tên cán bộ, tôi ngồi xuống để chân vào móng cùm cho Bùi Đình Thi xỏ luồn thanh sắt qua khóa lại. Khi hắn cúi sát người kéo chân tôi vào cùm, tôi thấy hắn thở hồng hộc và mùi tanh hôi từ miệng hắn thoát ra tràn cả vào mặt tôi. Điều này chứng tỏ Bùi Đình Thi cũng mệt không kém gì tôi. Tất cả cảnh tượng này diễn ra trước mắt 3 anh em trong buồng đang nín thở khép nép ngồi nhìn. Bùi Đình Thi đang giận lắm, nhưng không dám làm trái lời tên cán bộ.

Cơn điên loạn

Khi Bùi Đình Thi và cán bộ đi rồi, tôi nằm vật xuống và ngạt thở vì ngực tôi đang bị trọng thương, không còn hô hấp nổi. Sau khi ra tù, tôi đi chụp hình mới biết lá phổi bên phải của tôi có vết dập đã thành vết sẹo và calci hóa. Tôi không có thuốc thang gì để uống, không hiểu tại sao vết thương có thể tự lành như vậy. Cơn đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần và sự bực tức làm tôi phát điên lên. Với bản năng tự nhiên, tôi không còn cầm mình được nữa và đã thốt lên những lời nguyền rủa. Nằm ngửa trên bệ xi măng, một chân đang dính vào cùm sắt, cổ tôi tắc nghẹn, nước mắt chảy ra dàn dụa, tôi đã điên cuồng, lăn lộn và gào thét: "Bùi Đình Thi, tao thề với mầy, sau này tao mà còn sống, tao sẽ tìm hết mọi cách bắt mầy phải đền tội. Tao sẽ mổ bụng móc gan mầy đặt trên bàn thờ 2 anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn, tao mới hả dạ!"

Phải một thời gian lâu sau tôi mới hồi tỉnh lại và cảm thấy hối hận về những câu nói hung ác đó của mình. Lúc đó tôi cảm thấy mình thật sự là một kẻ yếu đuối, chưa làm chủ được chính mình như một đôi khi tôi đã tưởng. Nhân tiện đây, tôi công khai xin lỗi các anh Trịnh Tiếu, Nguyễn Sỹ Thuyên và cha Nguyễn Công Định, những người ở chung buồng với tôi lúc bấy giờ, và tất cả mọi người vì tôi đã bày tỏ một thái độ bất xứng trước mặt họ, và vì tôi là linh mục.

Tôi cũng xin lỗi anh Nguyễn Tiến Đạt (hiện đang ở San Bernadino) một tín đồ công giáo trẻ ở cùng khu kiên giam với chúng tôi lúc đó. Ngay sau khi biết tôi bị đòn, ang Đạt đang bị cùm ở buồng bên cạnh đã gọi với sang an ủi và có hỏi:

- Cậu Bảy nghĩ thế nào nếu sau này Bùi Đình Thi ăn năn hối cải và xưng tội, liệu Chúa có tha cho nó không?

Lúc bấy giờ vì cơn giận đang sôi lên sùng sục, tôi đã trả lời anh bằng một câu nói hoàn toàn nghịch với đạo lý và phạm thượng:

- Thằng đó hả? Nếu Chúa mà không vướng chân bị đóng đinh vào Thánh giá, Chúa cũng đã cho nó một đạp rồi, ở đó mà tha cho nó!

Hôm đầu tháng 8/1995, tôi đến Orange County, California, thăm gặp một số bạn tù Thanh Cẩm cũ, anh Đạt cũng có mặt. Trong câu chuyện, anh em có đề cặp đến Bùi Đình Thị Nhân đó anh Đạt nhắc lại với bạn bè câu nói đó của tôi. Anh đâu có biết rằng đã từ lâu, tôi cảm thấy hối hận và xấu hổ vì trong cơn tức giận tôi đã không làm chủ được mình, thốt ra một lời bất xứng như vậy và tạo gương xấu cho những người xung quanh, trong đó có anh Đạt. Đáng lẽ ra tôi phải nói với anh Đạt: "Nếu sau này Bùi Đình Thi biết thực tâm sám hối, chắc chắn Chúa cũng sẵn lòng tha thứ, vì lòng nhân từ của Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi của con người".

Bùi Đình Thi còn làm Trật Tự gần cả một năm nữa và đã tiếp tục gây ra không biết bao nhiêu chuyện đau khổ cho anh em đồng cảnh. Tôi đã kể lại một số chuyện này trong cuốn bút ký "Tôi Phải Sống". Sau đó không biết tại sao Bùi Đình Thi bị mất chức Trật Tự và xuống làm Đội Trưởng Đội Xây Dựng. Có lẽ lúc đó chính sách của Bộ Nội Vụ đối với tù chính trị bắt đầu thay đổi, các tù nhân được thăm nuôi dễ dàng hơn. Nhờ có quà thăm nuôi, anh em chia xẻ với nhau và dùng quà mua chuộc cán bộ nên cuộc sống cũng trở nên dễ chịu hơn. Lúc đó, tù nhân bắt đầu quay trở lại "cải tạo" bọn cán bộ CS. Trong tình trạng như vậy, Trại không muốn để cho một tên hung thần như Bùi Đình Thi làm chức Trật Tự nữa.

Trong 13 năm tù CS, ngày mà tôi thấy vui mừng và hạnh phúc nhất trước đây là ngày đuợc di chuyển khỏi trại "Cổng Trời", nay tôi lại thêm được một ngày vui mừng và hạnh phúc thứ hai là ngày Bùi Đình Thi mất chức Trật Tự trại tù Thanh Cẩm. Tất cả những gì xảy đến với tôi nơi "đáy ngục tù", tức nhà kỷ luật của trại tù Thanh Cẩm, là một thí dụ điển hình về cảnh ngục tù trong chế độ CS. Khi có dịp, tôi sẽ chia xẻ với bạn đọc nhiều thứ kinh nghiệm lạ lùng mà tôi đã trải qua trong suốt 13 năm ở tù CS, đặc biệt là 3 năm lăn lộn trong tận "đáy địa ngục trần gian". Khi con người không còn cấp bậc, không còn chức vụ, bị đói khát và hành hạ trong ngục tù CS, bản chất thật sự của từng người đã lộ nguyên hình. Đa số anh em bị giam ở nhà kiên giam Thanh Cẩm là linh mục.

Trong cảnh thiếu thốn, đói khát, bị đày đọa, những nhà tu trì đó đã sống như thế nào? Những chuyện gì đã xảy ra bên trong những bức tường âm u đó? Những con người bước chân vào đây đã "hoá thân" ra sao? Bùi Đình Thi cũng chỉ là một hiện tượng tiêu biểu cho những khuôn mặt "đen" mà tôi đã có dịp va chạm trong tù. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người, biết tự trọng, không hề biến chất trong đau khổ, luôn luôn tỏ ra bất khuất và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ anh em. Nhờ vậy, chúng tôi mới vượt qua được những ngày khốn cùng. Những sự kiện này, tôi đang cố gắng ghi lại trong bút ký "Tôi Phải Sống" và hy vọng sẽ gởi tới các bạn trong những ngày gần đây.

Tâm tình gửi Bùi Đình Thi

Anh Bùi Đình Thi,

Tôi biết chắc là trước sau gì rồi anh cũng sẽ đọc bài này, mặc dù tôi không thể dùng ngòi bút vẽ lại thật giống con người và lòng dạ của anh cũng như các việc anh đã làm trong suốt thời gian anh làm Trật Tự trong trại tù Thanh Cẩm, nhưng một vài nét phác họa này cũng có thể được hình dung như là một cái gương cũ khá lu mờ để anh nhìn vào đó mà nhận ra chính mình. Khi đọc những gì tôi đã viết trên, có người có thể cho rằng mặc dù đã hơn 17 năm, sự oán giận trong lòng tôi vẫn còn. Tôi có thể viết khác hơn để khỏi bị chỉ trích như thế, nhưng tôi muốn ghi lại một cách trung thực các câu chuyện đã xảy ra và những gì tôi đã nghĩ và đã làm lúc đó. Thế nào anh cũng có dịp được đọc câu chuyện này và anh sẽ cho rằng tôi chưa nói lên được hết những gì đã xảy ra. Những gì mà tôi bỏ qua cũng có thể được giải thích một cách khá dễ dàng: Tôi muốn viết bài này không phải với mục đích để trả thù anh nhưng với mục đích nói lên tình trạng bi thảm đã xảy ra trong nhà tù CS, ở đó tôi và anh cũng như các anh em khác đều là nạn nhân. Tôi tin rằng trong hoàn cảnh bình thường anh không bao giờ làm như vậy. Không ai kể lại với tôi trong quân ngũ anh là kẻ hung ác.

Trong suốt 17 năm qua, gần như lúc nào tôi cũng nhớ anh. Mỗi khi có ai nhắc tới chuyện tù tội là tôi nhớ đến anh. Mỗi khi trời trái gió, cơ thể tôi đau nhức là là tôi nhớ đến anh. Mỗi năm làm lễ giỗ anh Tiếp và anh Văn, tôi lại nhớ tới anh nhiều hơn. Có khi trong giấc mơ tôi cũng thấy anh, và kể từ khi nói chuyện với anh qua điện thoại vào tháng 8/1995 tại Santa Ana tôi gần như không quên anh được. Có diều lúc này tôi nhớ không phải để tức giận anh như những ngày đầu sau khi anh đánh đập tôi, mà nhớ để cầu nguyện và xin ơn tha thứ cho anh. Cũng qua điện thoại hôm đó, vợ anh đã khóc xin tôi nói giùm với các nạn nhân khác của anh mà phần lớn đang có mặt tại Mỹ, xin họ tha thứ cho anh. Tôi đã hứa sẽ làm chuyện đó, nhưng tôi cũng xin dùng câu chuyện này để nói với anh một vài lời.

Chắc anh còn nhớ cái ngày anh và tên cán bộ có đôi mắt xước đánh đấm tôi dữ dội vì tôi cho Hà cái áo?

Sau khi tôi tháo chạy được vô buồng, tôi đã chụp cái móng cùm nhảy lên bệ nằm đứng thách thức và chờ đợi anh. Bản năng sinh tồn bắt buộc tôi phải có hành động quyết liệt như thế. Không có hành động quyết liệt đó, tôi không còn sống đến ngày hôm nay. Lúc đó tôi đã thực sự sẵn sàng... Đã 17 năm qua rồi mà mỗi lần nhớ lại cảnh ấy tôi vẫn còn rùng mình. Tôi hết lòng cám ơn anh lúc đó đã kịp thời dừng chân lại, vì nếu anh bước vô buồng chắc chắn là tôi sẽ đập nát đầu anh, vì anh đã làm tôi phát điên lên và dồn tôi vào con đường cùng. Dĩ nhiên, sau khi tôi đập vỡ sọ anh, VC cũng sẽ giết tôi. Cái chết thì tôi đã sẵn sàng chấp nhận, nhưng những hậu quả tiếp theo có thể không lường được và rất đáng buồn. Cuộc sống của anh em ở nhà kiên giam có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Hình ảnh một linh mục giết bạn tù bao giờ cũng là một hình ảnh khó dung tha được, nhất là khi bạn tù đó là một tín đồ Thiên Chúa giáo và tôi lại là người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho anh và mọi người. Đây là một cơ hội cho VC tuyên truyền bài bác tôn giáo. Tôi cám ơn Chúa và cám ơn anh đã không để hậu quả đó xảy ra.

Tâm tôi đã trở lại an bình từ lâu rồi. Chính tình thương và sự tha thứ đã đem an bình đến cho tôi và làm cho cuộc sống của tôi trở lại tốt đẹp sau những năm tháng dài bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần. Mỗi lần nhớ tới anh, tôi lại đọc lời nguyện cho anh. Tôi vẫn tin rằng khi mọi biến cố đã qua, anh sẽ ăn năn sám hối và quyết tâm sẽ không bao giờ có những hành động như thế nữa.

Tôi hiểu thời gian mười mấy năm vừa qua đủ dài để giúp anh nhận ra những tai hại mà bản thân anh và gia đình anh đã phải gánh chịu do các hành động của anh gây ra trong nhà tù Thanh Cẩm. Nếu có một anh em nào đó báo cáo với các nhân viên Hoa Kỳ phụ trách về chương trình HO ở Thái Lan về các hành động của anh trong nhà tù Thanh Cẩm, chắc chắn anh và gia đình không bao giờ được đến định cư tại Hoa Kỳ.

Tôi cũng tin chắc rằng cho đến hôm nay anh cũng đã nhận ra được ác tâm của những tên cán bộ CS khi chúng muốn dùng bàn tay anh để đối phó với những anh em tù chính trị miền Nam mà chúng coi là nguy hiểm. Chúng đã dùng bàn tay anh thay chúng để đánh đập, hành hạ hay giết chết những chiến hữu trước đây đã cùng đứng chung một chiến tuyến với anh. Chúng đã dùng tay anh thay chúng để đánh đập và hành hạ các linh mục mà trước kia và ngay cả lúc này anh dùng chữ "cha" để gọi.

Khi mấy tên cán bộ võ trang định nhảy vào đánh anh Tiếp, tên Thiếu úy Lăng phụ trách về an ninh đã gọi giựt lại và bảo: "Để cho chúng nó thanh toán nhau". Họ muốn bắt chước Philatô (Pilate) ngày xưa để nói: "Ta vô tội trong việc giết những người này. Các anh cứ xử sự với nhau". Họ không muốn lãnh tiếng xấu là đã đối xử hung ác đối với các tù nhân chính trị mà luôn luôn họ tuyên bố sẽ được đối xử khoan hồng bằng cách trao trách nhiệm cho anh. Có lẽ lúc đó anh đã nghĩ rằng nếu anh hành động như thế, họ sẽ dành cho anh những ơn huệ đặc biệt, nhất là sẽ được cho về sớm. Anh muốn đổi sự ưu đãi đối với anh và sự tự do của anh bằng chính máu của các chiến hữu trước đây của anh. Tôi tin rằng nay anh đã nhận ra được đó là một sự lầm lẫn lớn trong cuộc đời của anh. Việc anh phải xin được đến định cư tại Hoa Kỳ chứng minh cho điều đó.

Nhưng có lẽ cái hình phạt nặng nề nhất đối với anh là cái nhìn của các bạn bè khi gặp lại anh ở bất cứ nơi nào tại VN hay tại Hoa Kỳ. Lúc nào anh cũng muốn chạy trốn tất cả. Khi có một người gọi tên anh từ đằng sau, đằng trước hay bất cứ phía nào, anh đều giựt mình và muốn tìm cách chạy thoát khỏi tiếng gọi đó. Tôi rất thương cho vợ anh. Trong lúc nói chuyện với tôi qua điện thoại, chị đã khóc: "Cha ơi, từ ngày chồng con được về, gia đình con như sống trong địa ngục. Con có nghe người ta nói là trong tù chồng con đã đánh đập các cha, bây giờ cha nói con mới biết thêm là chồng con đã giết người! Con không ngờ là ảnh đã làm chuyện đó, và con biết là chúng con đáng bị Chúa phạt!" Lời khóc than của chị đã xác nhận những gì từ lâu tôi nghĩ về gia đình anh là đúng, mặc dù tôi không bao giờ mong việc đó xảy ra.

Anh Bùi Đình Thi,

Hôm nay tôi viết cho anh mấy dòng này không phải trong tâm trạng đầy uất hận và sợ hãi của lúc đang sống với anh trong trại tù Thanh Cẩm, mà viết với tâm hồn thanh thản của một người đã lấy lại được sự an lành cả trên thể xác và lẫn trong tâm hồn. Các thương tích trên thân xác và trong tâm hồn tôi đã hóa thành sẹo, nhất là sau lần điện thoại vừa rồi anh đã gọi tôi bằng tiếng "cha". Anh có biết không, hôm ấy tôi rất sung sướng và cảm động khi nghe anh xưng hô "cha", "con" với tôi. Không phải tôi ham thích được xưng hô theo tước hiệu của tôn giáo này, nhưng với anh, tôi thực sự sung sướng và cảm động vì hôm nay lại được nghe tiếng gọi ấy từ cửa miệng của anh. Tối hôm đó, khi anh Nguyễn Tiến Đạt trao máy điện thoại cho tôi và nói, "Cậu Bảy nói chuyện với Bùi Đình Thi đi", tôi đã chờ đợi anh xưng hô một cách nào khác, nhưng không ngờ anh đã dùng lối xưng hô đó một cách rất tự nhiên. Tôi cảm thấy thương anh và nghĩ rằng tôi có trách nhiệm đối với anh.

Trong phần đầu câu chuyện mà tôi vừa kể, tôi đã nói cảm nghĩ thật sự của tôi lúc sự việc đang xảy ra, nhưng lúc này tôi đang nói với anh bằng tâm tình của một linh mục nói với một con chiên, một tín hữu, một người anh em đã cùng lãnh nhận chung với tôi một Phép Rửa, một niềm tin và một niềm hy vọng. Tôi muốn thông đạt lại với anh một sự thật của Tin Mừng mà trong cuộc đời anh đã nhiều lần được nghe: "Tình yêu của Thiên Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi của con người". Qua điện thoại, anh đã nói với tôi là anh hối hận về những việc làm sai trái của anh. Anh đã đưa ra một lời thú tội và nếu anh thật lòng sám hối anh sẽ lãnh được ơn tha thứ. Về phần tôi, anh hãy yên tâm vì tôi đã tha thứ tất cả cho anh. Nhưng trong thời gian làm Trật Tự tại trại Thanh Cẩm, anh không chỉ ngược đãi một cách tàn tệ cá nhân tôi mà còn xúc phạm đến nhiều người nữa, chẳng hạn anh đã đánh đập 2 linh mục Phạm Quý và Phạm Hữu Nam (Phạm Minh Thiện).

Nhưng có lẽ hành vi mà anh phải chịu những hậu quả nặng nề và lâu dài nhất là việc giết chết 2 anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Đó là một món nợ máu mà anh đang mắc đối với các nạn nhân của anh cũng như đối với thân nhân, bằng hữu và các chiến hữu của họ. Muốn được lãnh nhận sự tha thứ, anh cũng phải nhìn nhận những lỗi lầm của mình và trực tiếp xin được thứ tha. Với gia đình anh Lâm Thành Văn, cho tới nay tôi chưa nhận được tin tức gì, nhưng thế nào tôi cũng sẽ liên lạc được và thông báo cho anh sau. Với gia đình anh Đặng Văn Tiếp, từ sau ngày liên lạc được với họ, họ đã coi tôi như là một thành phần trong gia đình. Tôi hiểu được sự đau đớn và mất mát lớn lao mà anh đã gây ra cho họ. Riêng chị Huyền Thanh, chị đã phải sống trong u sầu, đau xót và thương tiếc kể từ khi nghe tin anh Tiếp bị anh giết cho đến nay. Sau khi bị anh giết chết vào sáng ngày 2/5/79, xác anh Tiếp đã được chôn vùi sơ sài tại đồi tranh gần K2. Tôi tin rằng anh còn nhớ nơi này. Khoảng 1 năm sau ngày anh Tiếp qua đời, nhờ sự chỉ dẫn của một số người, người nhà anh đã lén đến Thanh Cẩm bốc mộ anh và đưa hài cốt anh về an táng tại Nam Định, cố hương của anh. Năm 1992, chị Huyền Thanh từ Pháp đã trở về xây mộ cho anh Tiếp. Tôi vẫn thường liên lạc với chị ấy. Tôi có thể giúp anh nói lên lời sám hối.

Anh Thi,

Tuy giờ này nắm xương tàn của 2 anh Văn và Tiếp đã tan rã trong lòng đất, nhưng vong linh của họ vẫn còn vương vấn bên anh vì họ đã bị anh giết một cách tức tưởi. Để vong linh họ được siêu thoát, anh cũng cần đốt một nén hương, thành tâm xin họ tha thứ cho anh. Nếu có thể được, anh xin phép chị Huyền Thanh cho anh được tới lạy trước bàn thờ anh Tiếp. Tôi có thể đi với anh để làm chuyện này, vì tôi nghĩ rằng hành vi đó có thể xóa tan đi những uất hận và sầu muộn hằng đeo đuổi gia đình anh Tiếp và sau đó tôi hy vọng cả gia đình anh Tiếp và anh sẽ có sự bình an trong tâm hồn.

Tôi tin rằng sau khi anh làm xong những chuyện đó, anh và gia đình anh có thể được sống bình an trên đất Mỹ, vì những người khác cũng sẽ tha thứ cho anh. Khi nào cần, anh hãy liên lạc với tôi qua địa chỉ: 27 Bailey Road, Mount Wellington, Auckland-6, New Zealand. Điện thoại: 64-9-525 0686 hoặc 64-9-579 5324.

Tâm tình gửi các nạn nhân của Bùi Đình Thi và các bạn tù chính trị ở trại Thanh Cẩm

Các anh em thân mến,

Trước hết, tôi đau buồn báo tin cho toàn thể anh em biết, anh Trịnh Tiếu, một nạn nhân khác của Bùi Đình Thi, vừa mới qua đời tại Sacramento, California, vào lúc 23 giờ 30 ngày 12/2/96 vì những thương bệnh ở cổ, hưởng thọ 68 tuổi. Xin cầu cho vong linh của anh được sớm siêu thoát.

Thưa các bạn,

Tôi nghĩ rằng tôi có một sự thông cảm sâu xa về tâm trạng của các anh em với hành vi bạo tàn của Bùi Đình Thi, vì tôi là một nạn nhân được may mắn sống sót đến ngày hôm nay. Trong trại cải tạo cũng như sau khi ra ngoài xã hội, các anh em đã từng tỏ dấu khinh bỉ và có khi nguyền rủa những người khi ở trong trại đã làm ăn-ten cho công an VC, báo cáo gian dối để hại anh em và lập công với cán bộ CS. Nhiều người cũng đã từng bất bình và lên án gắt gao khi thấy một vài người trong anh em chúng ta được VC giao cho một chức vụ nào đó, đã đày ải anh em trong khi sinh hoạt hay lao động để được cán bộ VC dành cho một số ưu đãi nào đó. Dĩ nhiên, chúng ta không thể chấp nhận và dung tha cho những kẻ đã hành hạ hay giết chết anh em thay cho cán bộ CS.

Nhưng những gì chúng ta suy nghĩ và uất hận khi còn ở trại cải tạo đã dần dần phôi pha đi với thời gian. Những người đã có hành vi bất xứng khi ở trong trại, nay bất chợt gặp anh em ở một nơi nào đó, tuy anh em không tiếp đón họ một cách ân cần và thân mật như các anh em khác, nhưng ít ai còn nghĩ rằng phải bắt những người này đền tội như khi còn ở trong trại. Riêng các hành động của Bùi Đình Thi, một số anh em đã nghĩ rằng ít ra cũng phải bắt Bùi Đình Thi chịu một hình phạt nào đó, vì không thể để cho tên sát nhân sống ung dung tự tại như vậy được. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, mặc dù không ai muốn tiếp xúc với Bùi Đình Thi, tôi thấy rằng hình như không còn ai muốn đòi nợ máu nơi Bùi Đình Thi nữa mà chỉ muốn Bùi Đình Thi có một hành vi sám hối nào đó. Tôi nghĩ rằng hình phạt nặng nề nhất đối với Bùi Đình Thi trong mấy năm qua là mặc cảm tội lỗi, vì thế anh luôn phải tìm cách lẩn tránh anh em. Kể cả khi đã được đến Hoa Kỳ.

Tôi tin rằng hình ảnh của 2 anh Văn và Tiếp luôn theo đuổi Bùi Đình Thi trong mấy năm qua như cặp mắt đã nhìn Cain trong Thánh Kinh, sau khi Cain giết người em của mình là Abel. Đối với Bùi Đình Thi, không có gì đáng sợ bằng 2 hình ảnh đó. Những gì mà Bùi Đình Thi đã phải chịu trong suốt mấy năm qua, tôi nghĩ rằng đã tạm đủ. Nay nếu Bùi Đình Thi thật lòng sám hối và muốn làm một cái gì để chuộc lại những lỗi lầm của mình, tôi tin rằng các anh em cũng sẵn lòng bỏ qua. Bằng sự tha thứ, chúng ta không những tìm được sự bằng an trong tâm hồn mà còn đem lại bình an cho người đã quay lại và cả gia đình của anh ta. Riêng phần tôi, tôi đã tha thứ cho Bùi Đình Thi, vì tôi là linh mục, một người đi rao giảng tình thương và sự tha thứ. Xin tình yêu và hòa bình của Thiên Chúa đến trên tất cả chúng ta.

Thay lời kết

Câu chuyện tôi đã kể lại ở trên không phải chỉ xảy ra cho anh Lâm Thành Văn, anh Đặng Văn Tiếp, anh Nguyễn Sĩ Thuyên, anh Trịnh Văn Tiếu và tôi mà là những chuyện thường xảy ra trong các trại tù CS. Cảnh cán bộ CS đánh chết tù là một cảnh mà các anh em cựu tù nhân cính trị đã có dịp chứng kiến, nhất là trong các trại tù hình sự. Trong vụ nói trên, chỉ có một sự khác biệt đã làm anh em tù nhân chính trị tủi hổ là lần này bọn cán bộ đã dùng chính một tù nhân chính trị để hành hạ và giết chết những tù chính trị khác. Những sự kiện này đã tô đậm thêm những sự tàn bạo của chế độ CS.

Chúng ta, những người Việt hải ngoại, là những người đã thoát khỏi chế độ CS, chúng ta có trách nhiệm phải phơi bày cho dư luận quốc tế biết rõ hơn về những sự tàn bạo mà CS đã và đang làm trên đất nước chúng ta, và tranh đấu để những sự tàn bạo đó không còn xảy ra nữa. Đó là ước mong của tôi khi ngồi xuống viết lại câu chuyện này.

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

Nhóm Quyết Tiến 48

Viết tại Auckland, New Zealand

Ngày 2/1/1995
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn