BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77087)
(Xem: 63199)
(Xem: 40597)
(Xem: 32236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xin hãy đối thoại với học trò

14 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 1786)
Xin hãy đối thoại với học trò
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52

Tôi là một cựu học sinh, cựu sinh viên muốn kể lại suy tư, thắc mắc một thời đi học, cùng một hai việc mình làm cách đây đã 50 năm rồi. Đây không phải là bài bàn về lý thuyết giáo dục, hay chương trình giáo dục, nhưng hàm ý trong nhan đề đã muốn nói rằng lý thuyết hay chương trình giáo dục, ở thời nào chăng nữa nếu muốn tốt đẹp cũng cần có đóng góp của giới đi học. Giới đi học chúng tôi muốn nói tới là học sinh, sinh viên trên 18 tuổi, tuổi coi như đã là người lớn vì đã có thể đi lính. Để biện minh cho suy nghĩ đó chúng tôi xin dài dòng về trải nghiệm cá nhân thời đi học. Dài dòng vì muốn nhân đó gián tiếp đề cập tới một hai khía cạnh xã hội miền Nam trước 1975.



Năm 1954 khi di cư vô Nam thì tôi thi và được vô học Trường trung học Chu Văn An. Trường CVA là trường từ Hà Nội di cư vô, học sinh đại đa số là dân Bắc Kỳ.



Kỷ niệm đầu tiên với CVA là rủ nhau đi phá Majestics. Majestics là tòa nhà cao tầng ở cuối đường Tự Do (bây giờ là "Đồng Khởi") trong đó có rạp chớp bóng và trên lầu hồi đó là nơi cư ngụ của phái đoàn liên hiệp của Chính phủ miền Bắc do Văn Tiến Dũng cầm đầu. Không biết từ đâu học sinh CVA được cổ động đi phá Majestics và đuổi VTD về Bắc. Tôi được Nguyễn Văn Cường (sau này có tục danh là Cường râu) rủ đi nhưng thật may hay không may tôi bị cảm cúm nặng nên không đi được.


Sau này tôi mới rõ đó chỉ là những thủ thuật chính trị không có giá trị cao, những học sinh chủ chốt tham gia về sau cũng không hề được đãi ngộ hay được huấn luyện để trở nên thành phần cán bộ nòng cốt của chính quyền.


Giai đoạn từ 1954 tới 1956 là thời gian tôi học qua 2 năm đệ nhị mới thi đỗ Tú tài 1. Hai năm đệ nhị qua đi không có gì đặc biệt nhưng năm đệ nhất thì tý nữa là tôi bị đuổi học. Số là năm đó tôi làm Trưởng ban Văn nghệ lớp đệ nhất B3. Trường CVA có các ban văn nghệ từng lớp, lại có ban văn nghệ toàn trường (hồi đó Trần Huy Bích làm Trưởng ban Văn nghệ toàn trường CVA) mà công việc chính của các ban đó là viết bích báo, diễn kịch, ca hát... nhân một hai dịp lễ, Tết... Tôi không nhớ các hoạt động như ca hát hay diễn kịch có được chỉ đạo không vì tôi không tham gia vào các hoạt động đó. Nhưng việc viết bích báo thì hoàn toàn tự do, không có giáo sư hay bất cứ ai kiểm duyệt tờ báo trước khi in. Trưởng ban Văn nghệ là người chịu trách nhiệm về tờ bích báo.


Ban Văn nghệ Đệ Nhất B3 niên khóa 1956-1957 gồm có:


Hai bạn đã mất: Nguyễn Văn Thư và Nguyễn Mạnh Linh.


Hiện còn sống có: Hà Dương Dực (ở Cali), Lê Trọng Duật (ở Anh), Nguyễn Mạnh Hùng (ở Washington DC), Nguyễn Công Khanh (ở Washington State), Nguyễn Như Nguyên (ở Texas), Tạ Chí Đại Trường (ở Cali) và Nguyễn Khánh Vân(ở Úc) (vì sợ trùng tên nên tôi đề thêm địa chỉ cho đỡ lẫn).


Chín người chúng tôi đặt tên cho tờ bích báo của lớp là Cửu Long Giang.


Tôi không còn giữ được tờ báo nào và cũng không nhớ là ra được mấy số, nhưng số sau cùng có bài của tôi và Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi viết một bài chỉ trích hệ thống giáo dục thời đó là không đúng, là sai, cần phải sửa đổi. Tôi không nhớ là mình chê những thiếu sót gì của hệ thống giáo dục đó, chê như thế nào; nhưng bài báo đã làm thầy Hiệu trưởng Vũ Ngô Sán và vài giáo sư nổi giận. Tôi nghe nói là quý vị đã định đuổi tôi nhưng nhờ có hai giáo sư can thiệp nên tôi vẫn còn được học. Hai giáo sư bênh vực chúng tôi là GS Nguyễn Văn Trung dạy triết và Luật sư, GS Nguyễn Văn Nghị dạy Pháp văn. GS Nghị không có dạy lớp tôi học. Nhưng tôi và anh Hùng cũng được nghe khoảng nửa giờ dạy bảo của GS toán thầy Bạch Văn Ngà. Thầy bắt hai chúng tôi đứng lên để nghe lời dạy bảo.


Các thầy hồi đó cho là chúng tôi còn trẻ mà láo lếu dám phê bình cả hệ thống giáo dục của Chính phủ. Đăng bài phê bình đó đã không có hiệu quả như chúng tôi mong muốn là có bàn cãi, bàn cãi trong giới đi học, dạy học và bàn cãi trong giới phụ huynh, trí thức... về chương trình chúng tôi phải học; mặt khác cũng không có ảnh hưởng tiêu cực nặng nề như có anh lo lắng. Chúng tôi đều không bị trù dập và đại đa số đỗ cuối năm (có một anh trượt vì bị bệnh). Tôi còn đỗ hạng bình thứ.


Đó là thử nghiệm đầu tiên ở tuổi 20 của chúng tôi đối với chính thể miền Nam vào năm 1956. Phải nói rõ là khi chúng tôi viết bài báo thì không có ý nghĩ cao xa gì, nó chỉ thuần túy là tiếng nói của học sinh đối với chương trình mình phải học. Chúng tôi cũng đã ở lứa tuổi trên 19, 20 rồi, bắt chúng tôi học cái gì thì cũng phải cho chúng tôi biết, hiểu cái lý của nó thì chúng tôi mới có sự hăng say và cũng phải cho phép chúng tôi nêu thắc mắc. Đó là suy tư cần thiết để trưởng thành. Nhưng chúng tôi đã lầm, xã hội VN thời đó chưa chấp nhận đối thoại giữa thầy và trò, nhất là sự đối thoại chạm tới gốc rễ của vấn đề.


Vào dịp Tết năm 1962, khi học Luật năm thứ ba thì tôi đứng ra tổ chức tất niên và tôi làm thử nghiệm lần thứ hai. Phải nói tiệc tất niên năm đó ở trường Luật Sài Gòn rất đẹp, rất vui... Nhiều anh chị em đã góp sức cùng chung vui vì mọi người đều biết rằng học xong là chúng tôi sẽ bị động viên đi lính. Ngay cả bạn hữu không học Luật cũng tới giúp sức như anh Đặng Bá Huy, anh giúp trang trí làm đẹp sân trường cho buổi tiệc tất niên. Nhiều anh chị đã lo các việc lặt vặt cần thiết cho tổ chức một tiệc vui rất chu đáo. Các chị năm đó rất vui vẻ trổ tài ca nhạc, tiếng đàn của chị Nguyễn Hữu Thống đã góp phần không nhỏ... Anh Nguyễn Hữu Thụy học năm thứ hai Luật rất xuất sắc trong vai táo quân, mọi người rất tán thưởng. Một đêm vui tất niên không thể nào quyên.


Phải nói ngay lập trường chính trị hồi đó của tôi là không tán thành chính sách độc tài, gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng cũng không tán thành việc muốn thống nhất đất nước bằng võ lực của người cộng sản ngoài Bắc. Tôi mong muốn có mọi sự thay đổi từ bên trong chính quyền, từ giới trí thức...


Vì vậy tôi đã dùng bài diễn văn khai mạc tiệc tất niên để nói lên một nguyện vọng nho nhỏ, rất nho nhỏ là: sinh viên Luật thì phải khen cái đáng khen và phải chê cái đáng trách. Chúng tôi chỉ mong khi các tốt cái xấu, nhất là cái xấu được nêu ra rõ ràng, minh bạch thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.


Bài diễn văn được đưa trình GS Khoa trưởng Vũ Quốc Thúc, GS Thúc yêu cầu tôi bỏ câu đó nhưng tôi xin phép không bỏ.


Anh bạn Hoàng Đức Phi (HĐP) xung phong đứng lên đọc bài diễn văn khai mạc. Chúng tôi được ngay hai gọi GS lên giáo huấn, tựu trung đều cho rằng chúng tôi còn trẻ chưa từng trải... chưa thể nói như vậy được, mỗi GS nói chừng 15 – 20 phút.


Chúng tôi phải cám ơn các vị GS trường Luật vì dầu sao quý vị cũng không vì thế mà đánh trượt chúng tôi. Tôi vẫn ra trường với bằng Cử nhân để nhận giấy động viên như đã dự trù. Động viên vô Khóa 14 Thủ Đức năm đó có 19 anh Cử nhân Luật vì một số đã nại nhiều lý do để xin hoãn. Anh HĐP bỏ đi, sang Pháp qua ngả Cao Miên. Anh Phi có bàn bạc với tôi và rủ cùng đi nhưng tôi quyết định ở lại và đi lính.


Ở tuổi 26, tôi đã có thể vừa đi lính vừa lấy vợ rồi xin biệt phái ở Sài Gòn nhưng tôi đã không có đủ can đảm làm như vậy. Tôi chỉ có can đảm đi lính, không có đủ can đảm vừa đi lính vừa lấy vợ.


Trong 19 anh Cử nhân Luật thì anh Hoàng Phùng Võ vì có tiếng trong nghề dạy học nên được một vị tướng ở miền Trung mời về làm gia sư. Mười bảy anh được biệt phái ở Sài Gòn vô các bộ như Bộ Kinh tế 3,4 anh, vô khối Hành chánh Tài chánh Không quân, 2 anh, vô Nha Quân pháp...


Tôi chọn lựa bộ binh và được đưa ra Sư đoàn 1. Tôi ở Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 1 hậu cứ ở Gio Linh, tôi đóng đồn ở Lao Bảo và hành quân ở các quận Hiệp Đức, Quế Sơn, Bạch Mã... khoảng chưa tới một năm. Khi Trường Võ bị Đà Lạt thiếu giáo sư văn hóa thì tôi nhận được sự vụ lệnh chuyển về đó, khi đó tôi cũng được vị Đại tá, Chỉ huy phó Quân đoàn 1 (?) cũng cùng lúc được bổ nhiệm về làm Chánh võ phòng cho Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, muốn tôi theo ông để lo văn thư cho ông. Ổng hứa nếu tôi theo ông thì ông bảo đảm là tôi không bao giờ phải ra trận nữa, nhưng ông cho tôi lựa chọn giữa Sài Gòn và Đà Lạt; tôi đã chọn Đà Lạt.


Kể ra nếu tôi quả tình muốn được biệt phái thì cũng không khó. Hồi đó ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Phó tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Ông Thơ lại rất quý bố tôi, khi đó làm Tổng giám đốc Nha Công kỹ nghệ. Anh họ tôi Ông Hà Dương Hoán khi đó là Đại tá chỉ huy khối Hành chánh Tài chánh Không quân.


Ở thời điểm đó chúng tôi nhận định rằng chính thể miền Nam dầu sao cũng có tự do hơn ở miền Bắc; vậy thì vẫn phải bảo vệ.


Đi lính, không sợ, không trốn tránh trách nhiệm, không đùn đẩy trách nhiệm đó cho người khác là trách nhiệm của thanh niên, nhất là thanh niên Việt Nam với quá khứ bốn ngàn năm giữ nước. Như đại đa số thanh niên VN mọi thời đại tôi không trốn trách nhiệm.


Đừng hỏi tôi được gì, mất gì khi làm bổn phận đi lính.


Hai mươi tuổi chúng tôi phê bình chương trình trung học, 26 tuổi chúng tôi đòi hỏi sinh viên Luật phải khen cái đáng khen, chê cái đáng trách. Quả thật tuổi trẻ nhiều hoài bão, nhiều ước mơ, và chúng tôi đã được dạy bảo nhưng những lời dạy bảo không có tính thuyết phục vì căn bản không dựa trên trao đổi tương kính, thân ái, bình đẳng, tự do. Chúng tôi hy vọng đóng góp rất nhỏ nhưng không được.


Đã 50 năm trôi qua, tình hình đất nước đã khác, nhận thức cũng phải khác, nhưng tôi tin rằng ngày nay không thiếu thanh niên, học sinh có những mong mỏi nhỏ nhoi như của chúng tôi ngày đó. Vì chẳng qua đó là tâm lý bình thường, tâm lý tò mò thắc mắc, muốn học hỏi, muốn thử thách ý kiến của mình, muốn mài giũa để tiến lên, muồn cuộc đời tốt đẹp hơn, và sẵn sàng nhận trách nhiệm.


Ngày đó điều chúng tôi nói đã rơi vào hư không.


Thời nào cũng vậy, nước nào cũng thế, nếu thanh niên ở tuổi đi lính để bảo vệTổ quốc lại không được phép đối thoại với quý vị về những vấn đề của quốc gia mà chúng tôi phải hy sinh để bảo vệ thì quý vị có nghĩ rằng quý vị đã đối xử với con cháu một cách công bình không?


Quý vị trí thức, Giáo sư ngày nay có vấp vào khuyết điểm của thời xưa hay không? Cây cam trồng ở phương Nam thì ngọt, trồng ở phương Bắc thì chua, hẳn là quý vị đã nghe nói truyện cổ tích đó.


Thanh niên là Con Người. Con Người còn trẻ rất cần một khung cảnh xã hội cởi mở thích hợp để trưởng thành, để sẵn sàng làm bất cứ gì cần thiết cho xã hội, cho Đất Nước, cho Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Chúng tôi có quyền nói lên tiếng nói chân thành nho nhỏ không? Chúng tôi có đáng được phép đối thoại với quý vị không?


Tôi không được đọc hết các bài quý vị trong nước viết về giáo dục, về văn hóa, về "trồng người"... nhưng tôi mong cho thanh niên ngày nay may mắn hơn chúng tôi ngày xưa, xin đừng nói một chiều, xin nhìn thấy hoài bão của học sinh, sinh viên, chúng tôi là con người. Xin nhìn qua tấm gương trong sáng để thương lấy đám con cháu của quý vị.


Trong tinh thần tương kính thân ái bình đẳng tự do, đối thoại Thầy/Trò là cần thiết.?


Hà Dương Dực


Theo BVN


* Chúng tôi không dùng dấu "phảy" giữa các chữ:tương kính thân ái bình đẳng tự do là có ý nghĩ rằng đó là bốn nhân tố không thể thiếu, không thể chia rẽ trong đối thoại Thầy/Trò.


Dấu chấm sau câu trên chứng tỏ chúng tôi tin như vậy. Dấu hỏi là để bày tỏ sự kính trọng của chúng tôi đối với quý vị Giáo sư, học sinh, sinh viên trong nước, và sẵn sàng nghe ý kiến khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn