BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhiều "tên rơi, đạn nổ" trước thềm Đại Hội Nhà Văn lần thứ VIII ?

03 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1243)
Nhiều "tên rơi, đạn nổ" trước thềm Đại Hội Nhà Văn lần thứ VIII ?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu; Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…( Tố Hữu, Bài ca xuân 1961… )


Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ VIII chưa khai mạc, thế mà trên bãi sa trường ( sa trường ở đây phần nhiều là trên mạng ) đã nghe rầm rầm tiếng tên rơi, đạn nổ khiến cho dư luận trong và ngoài giới văn học cũng phần nào cảm thấy não nùng giống như thảm cảnh của Nguyễn Trãi khi xưa: Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…




Mặc dù nhiều người hiểu được phần lớn cũng chỉ là những phát súng chỉ thiên, bắn vu vơ, ám chỉ vào các mục tiêu giả định, những mục tiêu ảo theo kiểu diễn tập, thử súng giống như cường quốc tập trận trên Biển Đông tuần vừa qua. Các tay súng tranh thủ mang súng , xua tàu ra bòm bòm mấy phát, phô diễn gươm đao khiến cho những ai yếu bóng vía, đảm bảo nghe những lời lẽ gươm đàn xủng xoẻng như những ngày vưa qua thì hồn cũng phải liêu xiêu chứ không thể phiêu diêu được như Nguyễn Trãi?

Nghe những tiếng xủng xoẻng như vừa qua dễ khiến Nguyễn Trãi nếu có sống lại, có đề cử ông làm chức Chủ tịch Hội Nhà văn VN có khi ông cũng “ vãi linh hồn “…

Thực ra thì nếu là người tỉnh táo, dạn dày trận mạc, ngửi quen mùi tên, đạn thì có thể nhận ra ngay được tiếng súng chỉ phát nổ ở một vài khu vực, một vài quân khu, chiến khu mang tầm chiến thuật của một số nhóm chiến binh, binh chủng và tất nhiên đều xuất phát từ những nguyên cớ sâu xa của nó…

Gần tới ngày khai mạc đại hội, nghe thấy những câu chữ như làm “ xấu mặt “ , những chữ sặc mùi thị trường như “bầu bán “, chạy chức chức danh nọ, vị trí kia của Hội Nhà văn đang nóng lên; rồi chuyện ông nọ bà kia trong Ban chấp hành tuy không nêu đích danh nhưng người đọc cũng hiểu ra… thấy cứ xuất hiện đều đều trên các phương tiện truyền thông, lên mạng khiến cho bao người cảm thấy nao nao lòng nếu không muốn nói là đau lòng.

Văn chương, văn đàn xưa nay là chốn trò chơi của chữ nghĩa, “ lập thân tối kỵ hạ văn chương” …Làm gì mà làm sao lại phải dùng tới những lời lẽ cay nghiệt như vậy để sát phạt nhau đến thế. Tung, viết về những chuyện quan hệ bếp núc để hằm hè nhau, hạ nhục nhau, xỉa xói nhau e không phải với không khí, môi trường của đại hội của giới vẫn được xếp vào hàng kẻ sĩ với cái nghề chính là tranh giành với nhau “con chữ, cái nghĩa” chứ không phải là nơi đắc địa cho chuyện đầu cơ này nọ. Là con người thì tất yếu ai rồi cũng có chuyện này chuyện kia, có ai vắt tay lên trán mình suốt năm canh được đâu…

Rất nhiều hội viên Hội nhà văn vẫn đang trong tâm thế bình tĩnh, thậm chí có người dửng dưng, mang theo đến đại hội mỗi người một “cái giỏ” để nhặt đem về những chuyện vui vẻ là chính, cái vui vẻ của 5 năm mới có một lần.

Thực ra Đại hội Hội Nhà văn kỳ này có nhiều chuyện nên bàn, đáng bàn; là dịp giới văn chương nên tập hợp nhau lại để cùng nhau thống nhất ý chí và hành động; cùng nhau tổng kết, đánh giá lại mình, nền văn học nước nhà, cái được và cái chưa được trong giai đoạn vừa qua để rồi ai lại về góc nhà với chiếc bàn làm việc của mình để viết tiếp. Muốn làm tốt được việc đó thì phải biết được mình là ai và đang nằm ở tầm mức nào trong nội bộ “khối “...

Đó là những động thái cần thiết nhằm khích lệ, thúc đẩy nền văn học nước nhà, thúc đấy ngòi bút của nhà văn bám sát hơn những vấn đề đang nóng của đất nước, của dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, làm cho văn học thiết thân với người đọc hơn là viết ra một mớ chữ nghĩa mà chỉ có riêng người viết mới thấy hay ?

Đó là cái yếu của văn học nước nhà, của từng nhà văn, của cả một thể chế trong đó có trách nhiệm một phần của Ban chấp hành Hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Không biết có nhiều thời gian để bàn thảo chuyện này không, tìm cho ra tới chân tơ kẽ tóc vì sao lại như thế ? Chả nhẽ đại hội lại sa đà vào chuyện bầu bán hay tổ chức cãi nhau những chuyện chẳng đâu vào đâu…



Người đọc, bạn văn chờ đợi những ai tâm huyết với nền văn học nước nhà, mang đến đại hội những cao kiến, những giải pháp, những kiến nghị, nêu những vướng mắc có thật để làm sao thúc đẩy cho văn học trở nên văn học hơn; câu chữ của nhà văn là câu chữ của đời sống, câu chữ của các nghệ nhân trong lĩnh vực tinh thần nhân dân. Những điều, những vấn đề, những câu chuyện được nhà văn chưng cất vào tác phẩm là những điều chất chứa trong gan ruột của quảng đại quần chúng, những điều đang dày vò người đọc và nhà văn, những kỳ sư tâm hồn truyền tải, bộc bạch hộ…

Liệu có phải nền văn học nước nhà, các nhà văn Việt Nam đang rơi vào tình cảnh lơ mơ và lơ ngơ giống như một thứ “gà công nghiệp”, rối “như gà mắc tóc” trước sự bộn bề của các vấn đề của đời sống xã hội mà người đọc đang nóng lòng chờ đợi nhà văn lên tiếng nhưng nhà văn lại lảng tránh.

Nếu có dịp gặp các nhà văn tại các bàn trà, quán nhậu thì thấy văn nhân nước mình cũng biết, cũng đau đáu, đau đời nhiều chuyện lắm. Thế nhưng những cái đau đáu được bộc lộ thành lời đó hình như nó chưa chín tới mức có thể nung nấu thành thành câu chữ để hiện hình lên trang giấy, thành tác phẩm...Cũng có tác phẩm này, tác phẩm kia, tác giả này tác giả kia viết lên được một điều gì đó được bạn đọc để ý, nhưng bảo là đã thật tài chưa, đã được đông đảo người đọc chia sẻ, ngậm ngùi với nó không thì thú thật nhà văn nước mình trong giai đoạn hiện nay tài đang còn hèn và phận thì còn mỏng lắm?

Nguyên nhân tại đâu? Tại cơ chế, tại Ban chấp hành hay do lỗi của các nhà văn ? Đây thật sự là vấn đề tùy thuộc tâm và tài của từng nhà văn vì mỗi nhà văn là một thế giới. Sáng tác cho hay cho trở thành kiệt tác, để đi được vào lòng người đọc đó thuộc phạm vi trách nhiệm của từng nhà văn, ngẫm cho cùng khó có thể trách ai…

Hãy cứ làm như Nguyễn Du đi, viết rồi cất đấy để đời sau cho con cháu đọc…Lo gì ? Chả nhẽ bây giờ chất liệu đời sống không hay gấp vạn lần so với cái chuyện mà bản thân Nguyễn Du phải lọ mọ sang Trung Quốc mượn về…Nếu mà Đại hội Hội nhà văn tập trung bàn chuyện đó thì quý biết bao ? Nếu chưa in được thì cứ tải lên mạng, hiện nay đã có những trang mạng hàng ngày thu hút dăm bảy ngàn lượt người ghé thăm mà không tốn kém gì… Nếu là tác phẩm có giá trị, tôi tin người đọc sẽ không bỏ qua.

Thực ra có chuyện một số tác phẩm văn học bị cấm phát hành vừa qua, chuyện vướng mắc này nọ của nhà văn này, nhà văn nọ; trước hết về những cuốn sách không được phát hành, những tác phẩm đó có đụng chạm đến một số vấn đề bị các cửa chật của các cơ quan quản lý ách lại một cách không cần thiết; thực chất ra nó cũng chưa phải là những kiệt tác văn chương bị những chiếc kéo kiểm duyệt “giết oan”…

Cũng có ý kiến lật lại, những tác phẩm bị thu hồi đó, tuy nó chưa là kiệt tác nhưng với thao tác mang ý nghĩa kiểm duyệt kiểu đó sẽ làm thui chột mầm mống những sáng tạo đích thực, khiến nhà văn không còn dám hăm hở, say mê lao tiếp vào viết cho những tác phẩm tầm cỡ hơn, sâu sắc hơn ?

Rồi chuyện giải thưởng, năm nào cũng có ý kiến này nọ ngẫm cho cùng thì đó cũng là chuyện bình thường của các cuộc thi, trao giải. Bảo nó ảnh hưởng đến phong trào chung thì e hơi quá, quả thật giải thưởng nếu trao giải sai cho ai đó, vinh danh nhầm một tác phẩm nào đó thì rồi thời gian, bạn đọc sẽ làm tốt vai trò trọng tài công minh.

Còn chuyện đầu tư xây cái này, dựng cái kia, bổ nhiệm ông nọ, bà kia vào chức danh này nọ, ngẫm cho cùng vẫn là một thứ chuyện vặt của phạm vi chốn hành chính quan trường, là thứ hiện cơ quan hành chính nghiêm cẩn nào cũng đều có chuyện không riêng gì Hội nhà văn. Những chuyện ngoài văn chương, không đáng, không nên đưa ra đại hội để đôi co nhau tại một đại hội bạn chuyện văn chương làm đầu …

Nhà văn sống được, được bạn đọc biết đến, kính trọng là ăn nhờ vào tác phẩm mà nhà văn viết ra; còn có chức nọ, tước kia, bổng lộc nọ kia rồi nói cũng sẽ phôi pha theo thời gian, không là thứ để đời…

Hy vọng các nhà văn đến với đại hội kỳ này là đến để bàn làm sao văn học nước nhà đáp ứng được những kỳ vọng mà đọc giả đang chờ đợi; còn chuyện nọ chuyện kia của nội bộ thì nói ra ngẫm cho cùng “thì xấu chàng hổ ai” !

Hy vọng trong nhiệm kỳ này Ban chấp hành nếu chưa làm được, chưa làm tốt thì các nhà văn hãy sáng suốt bầu cho được những nhà văn vào Ban chấp hành mới, những người có khả năng thúc đẩy phong trào văn học đạt tới những cái đích mong muốn.

Lập thân, lập nghiệp, lập ngôn và lập danh… trong 4 thứ đó, đối với nhà văn 2 cái lập đầu vốn là sở đoản; nhà văn còn lại 2 cái sau được coi là sở trường ấy, nếu nhà văn không tự mình gìn giữ cho mình thì không ai giữ hộ cho…

Một thủ tục hành chính nhỏ xin lưu ý Văn phòng Hội Nhà văn: Để làm tốt cho việc bầu cử, chậm nhất trong ngày thứ 3, tức ngày 3/8 Văn phòng Hội phải hoàn thành cho được danh sách các đại biểu nhà văn chính thức tham dự Đại hội. Đây là công cụ để các hội viên khi đề cử bầu cử không ghi nhầm tên từ nhà văn này sang nhà văn kia…Một thủ tục hành chính nhỏ này nếu không làm chu đáo dễ làm hỏng chuyện quan trọng, đại sự…

 P.V.Đ

02-08-2010

Blog Phạm Viết Đào
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn