Đáp: Thứ nhất, cá nhân tôi rất là phấn khởi, rất thích. Từ năm 95, khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thì đó đã là một bước tiến phấn khởi rồi. Thứ hai, với bản hiệp định thương mại Mỹ-Việt ký kết hôm 13 tháng 7 vừa qua, đa số mọi người dân Việt Nam chờ đợi đã từ lâu. Theo tôi, điều đáng tiếc là việc ký kết đã hơi chậm. Đáng nhẽ ra cái dịp tháng 9 năm ngoái ở New Zealand, ông Phan Văn Khải họp với ông Bill Clinton, khi đó đã có dư luận là hai bên sẽ ký, tôi cho là nếu ký vàp dịp đó thì mừng hơn. Tuy nhiên, bây giờ dù chậm, nhưng đã ký thì vẫn tốt hơn là không ký. Vì thế, đa số dân chúng rất phấn khởi và xem đây là một bước tiến mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ.
Hỏi: Lý do nào khiến giới lãnh đạo Hà Nội đã chậm trễ trong việc ký bản hiệp định thương mại với Hoa Kỳ?
Đáp: Thực ra, lý do nào thì báo chí tại Việt Nam không công khai nói đến. Nhưng trong dư luận quần chúng, nhất là trong giới trí thức và giới theo dõi thời cuộc thì cho rằng lực lượng bảo thủ trong đảng vẫn là lực lượng mạnh, chính họ ngăn cản việc ký kết và họ muốn Trung Quốc ký trước với Mỹ. Vấn đề chỉ có thế thôi.
Hỏi: Khi nói đến lực lượng bảo thủ trong đảng cầm quyền hiện nay tại Việt Nam, ý ông muốn đề cập đến những khuôn mặt lãnh đạo nào?
Đáp: Nói là nói chung thôi. Còn tên tuổi cụ thể thì có ai công bố đâu. Như tôi đã nói, đó là dư luận ngầm, do sự đánh giá, sự suy diễn của giới trí thức và giới luôn luôn theo dõi thời cuộc.
Hỏi: Theo nhận định của ông, liệu bản hiệp định thương mại Mỹ-Việt sẽ giúp đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam không?
Đáp: Theo tôi, tiến trình đó là qui luật. Bởi vì dầu sao chăng nữa, hai vấn đề kinh tế và chính trị chúng như là anh em. Không thể tách bạch kinh tế riêng, chính trị riêng. Một khi hòa vào với thế giới, thì vấn đề dân chủ là trào lưu chung hiện nay, cũng phải hòa vào với nó chứ. Chứ Việt Nam hiện nay còn o ép như thế này, còn đánh Hà Sĩ Phu, còn bắt nạt trí thức. Những cái đó làm sao mà người ta chịu được. Những người như chúng tôi là không chấp nhận việc bắt nạt ấy. Cái điều đó nó rõ ràng. Vì thế, chúng tôi mừng và phấn khởi về bản hiệp định vì nó giúp Việt Nam phát triển và hòa đồng với quốc tế. Nhưng đồng thời, trong cái hòa nhập về kinh tế với thế giới, thì bản hiệp định cũng cho Việt Nam cái bài học chính trị về thông tin. Đây là thời đại thông tin, mà giới lãnh đạo lại bưng bít thông tin, làm mất tự do, mất dân chủ thì làm sao người dân chấp nhận được. Nói như tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thì "Tự Do là khát vọng ngàn đời của loài người". Về kinh tế, tôi hiểu biết kém, nói thật như vậy. Nhưng cũng thấy mừng, phải nói rằng cảm ơn Mỹ.
Hỏi: Ông vừa đề cập đến việc nhà trí thức Hà Sĩ Phu bị o ép, bị trấn áp. Chúng tôi cũng được biết rằng ông đã cùng 4 người nữa ký tên vào một lá thư gởi quốc hội Việt Nam đặt vấn đề về việc tình trạng của ông Hà Sĩ Phu. Ông có thể cho biết chi tiết về việc này được không?
Đáp: Đối với Hà Sĩ Phu, tôi có đọc các bài viết của anh ấy. Ví dụ những bài như "Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ", "Chia tay ý thức hệ".v.v... Tôi thấy Hà Sĩ Phu nghiên cứu rất là sâu, và anh ta là một người yêu nước. Thứ nữa, anh ấy muốn nói với mọi người rằng muốn đưa đất nước đi lên thì trước hết phải dùng trí tuệ, bằng trí thức, phải chống giáo điều, phải từ bỏ cái bảo thủ đi. Cũng chính vì những suy nghĩ như thế của Hà Sĩ Phu mà cho dù không quen biết gì anh ta, năm 1998, tôi bám vào một cái xe đi vào Nam thăm anh ta.
Đầu tiên tôi cũng nghe nói rằng anh ta bị thế này thế khác, tôi không tin. Tại sao người ta phát biểu thế thôi mà các anh (đảng) o ép người ta. Tôi cũng biết là Hà Sĩ Phu bị tù năm 1995 vì bức thư của ông Võ Văn Kiệt. Nhưng lúc đó tôi đã biết mặt anh ta đâu.
Thế rồi năm 98 tôi đi Đà Lạt thăm và gặp cả gia đình anh ta. Cuộc gặp gỡ rất là vui, rất là trân trọng. Tôi thấy Hà Sĩ Phu đúng là một người trí thức, vừa yêu nước mà vừa có trình độ. Thế rồi gần đây tôi nghe nói là anh ấy bị quy chụp tội phản quốc, có thể bị đưa ra tòa. Tôi gọi điện thoại vào hỏi thăm. Vì trước khi ký vào lá thư gởi quốc hội, tất nhiên là tôi phải hỏi thật kỹ, thật cụ thể xem có đúng hay không. Sau đó tôi xin anh ấy gởi cho tôi các văn bản quy chụp anh ấy. Khi anh ấy gởi ra thì bọn chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau thì thấy nó phi lý quá, không thể chấp nhận được. Vì thế cho nên chúng tôi ký vào lá thư gởi quốc hội.
Nhưng từ khi gởi lá thư cho chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh và các vị đại biểu quốc hội, mà cho tới giờ, chưa một ai trả lời cả. Đấy, cái đáng buồn là như thế. Họ đang ở thế mạnh, nếu họ là lẽ phải, trong khi bọn tôi có 5 người thôi, thế thì tại sao họ sợ, không dám trả lời. Cái đáng buồn ở chỗ đó. Chứ nếu công khai nói chuyện với chúng tôi thì cứ công khai nói chuyện. Nếu chúng tôi sai thì chúng tôi xin đi tù. Có thế thôi (cười...).
Hỏi: năm người đó gồm những ai, ngoài ông ra?
Đáp: Trước hết là ông Hoàng Minh Chính. Tôi cũng không quen thân với ông Chính đâu. Chỉ nghe tiếng trước kia ông ấy là Viện Trưởng Viện Triết Học Mác Lê, bị ghép cho tội xét lại, rồi bị 26 năm tù. Sau này khi tiếp cận thì mới thấy ông ấy là con người tâm huyết, rất yêu nước, và có đầu óc đi trước thiên hạ một bước. Có thế thôi mà cũng bị 26 năm tù.
Thứ hai là anh Hoàng Tiến, cũng là nhà văn, cũng rất yêu nước và đồng thời rất yêu tự do sáng tác. Người thứ ba là ông Nguyễn Thanh Giang. Trước kia tôi có quen ông ấy đâu, tôi chỉ đọc sách của ông ấy, đặc biệt là bài viết "Khát vọng ngàn đời". Tôi thấy tâm của ông Giang rất tốt, tầm nhìn về mặt xã hội cũng rất tốt. Từ đó tôi rất quý Nguyễn Thanh Giang.
Còn người thứ tư là anh Trần Dũng Tiến. Anh này tôi cũng mới quen cách đây ba bốn năm thôi. Anh ta là một bộ đội, từng là quyết tử quân. Anh ta đi đấu tranh hăng hái lắm, thấy những bất công là anh ấy cứ tỉa thoải mái. Thế nên tôi quý anh ấy (cười dòn dã...) Tóm lại là bọn này có quen nhau trước đó đâu. Nhưng khi xẩy ra vụ Hà Sĩ Phu thì chúng tôi bảo nhau là không thể chấp nhận được. Vì thế mới thống nhất với nhau là ký vào lá thư gởi quốc hội.
Hỏi: Nhiều thông tin viên quốc tế cũng nhiều lần điện thoại về xin phỏng vấn ông nhưng được dây bị phá. Ông có thể cho biết lý do tại sao không?
Đáp: Phải nói rằng không cứ gì tôi bị cắt điện thoại, mà nhiều ông khác cũng bị cắt. Ông Trần Độ cũng bị cắt, ông Hoàng Minh Chính cũng bị cắt, ông Nguyễn Thanh Giang và một số bạn bè của tôi cũng bị cắt. Cái cơ chế này, từ cả bộ máy lãnh đạo của cái đảng này và của cái nhà nước Việt Nam này còn hết sức là bảo thủ. Mà hệ thống thông tin cò gì đâu là quan trọng. Tôi làm cái gì là theo trái tim của tôi. Cái đáng sợ nhất của tôi là tôi làm cái gì trái với lương tâm của tôi thôi. Chứ còn bây giờ đất nước nói là dân chủ, nhưng mà thực sự là không có dân chủ. Tôi đã nói thẳng với các anh ấy (giới lãnh đạo đảng) là đất nước không có dân chủ. Các anh (giới lãnh đạo đảng) chà đạp lên dân nhiều lắm, trong khi các anh cứ hô hào là dân chủ. Do đó tôi cho rằng, nếu tôi trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, nếu có điều gì sai với tổ quốc, vi phạm luật pháp, làm lộ bí mật thì cứ đưa tôi ra tòa. Chứ việc gì cứ phải đi bịt cái thông tin khiến cả nhà tôi bị ảnh hưởng chứ chả cứ gì mình tôi (cười...) cho nên cứ tối đến là nó phá máy của tôi. Nhưng bưồn cười, hôm nay thế nào, cái số thế nào, cái duyên thế nào mà tôi lại nói chuyện được với anh lâu thế này (cười thoải mái...)
Hỏi: Ông có lạc quan vào tương lai dân chủ của đất nước chúng ta không?
Đáp: Dân chủ là quy luật của loài người. Đấy là quy luật của loài người, trong đó, dân tộc Việt Nam cũng nằm trong quy luật đó. Tất cả các lực lượng chống dân chủ, cái lực lượng bảo thủ, sớm muộn gì cũng sẽ bị lịch sử đào thải, và riêng tại Việt Nam, chúng sẽ bị đào thải theo kiểu của dân tộc Việt Nam. Tương lai của đất nước cũng như tương lai của loài người phải là dân chủ chứ. Tại sao lại không dân chủ được. Tôi đã từng nói với lãnh đạo đảng rằng tôi sẵn sàng tranh luận với họ. Các anh (lãnh đạo đảng) nói rằng các anh tự do, dân chủ, các anh tự coi như là siêu tự do, siêu dân chủ, nhưng thực ra hiện nay các anh đang bóp nghẹt dân chủ, các anh vi phạm tự do. Trước hết là đối với dân tộc Việt Nam.
Phan Dũng
Đài Á Châu tự Do thực hiện
Gửi ý kiến của bạn