BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73309)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sự trả giá của một lần nói thật

12 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 1069)
Sự trả giá của một lần nói thật
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong mấy ngày nay, hình ảnh với nụ cười “rất hiền, dịu dàng” của nhà báo Hoàng Khương tại pháp đình cùng với hình ảnh tương phản về thân phụ đang đau khổ tột cùng, đầm đìa nước mắt trên gương mặt gầy, da nhăn nheo theo nỗi oan khiên của người con thân yêu có lẽ hiện giờ đã biến thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong công luận.

Trang web của Phóng viên Không Biên giới đăng tin "4 năm tù vì tố cáo cảnh sát nhận hối lộ" đi kèm với ảnh nhà báo Hoàng Khương


Phiên toà cảnh báo

Sao những hình ảnh ấy xem chừng như dai dẳng khôn nguôi ?

Sau khi nhà báo Hoàng Khương bị “búa toà đã gõ” để đưa phóng viên từng là cây bút vàng, từng là tác giả của những bài báo nổi tiếng phanh phui nạn công an bắt dân “nạp tiền mãi lộ” này vào cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” và tất nhiên, Hoàng Khương không phải “nhất nhật tại tù” mà là gần 1.500 ngày tù oan khuất, thì nói theo lời nhà văn Đào Tuấn “không ít các phóng viên điều tra đã tái mặt…”.

Còn Tổng Cua Hiệu Minh thì mau lẹ báo động rằng án nặng ấy là lời “cảnh báo từ nhà cầm quyền gởi tới 17.000 nhà báo ‘hiểu’ thế nào là chống tham nhũng trong bối cảnh (VN) hiện nay”.

Theo nhà văn Thuỳ Linh thì những người dấn thân đi tìm sự thật như nhà báo Hoàng Khương trong đất nước VN hiện nay vốn “có quá ít sự thật” - mà nếu có đi nữa, “sự thật luôn bị che giấu”, thì họ “đã tự nhận về mình những nguy cơ đầy tiềm ẩn”. Nhà văn Thuỳ Linh nhận thấy Hoàng Khương thuộc trong thiểu số những nhà báo trong nước can đảm, dấn thân, hy sinh vì khao khát tìm ra sự thật và nói lên sự thật ấy, “đã đổi tự do của mình để vạch mặt kẻ sâu mọt” để rồi nhận một “cái giá không hề rẻ”. Nhưng, tại VN ngày nay, sự thật có bao giờ là giá rẻ đâu ?

Trước tình cảnh của nhà báo Hoàng Khương, nhà báo Minh Diện bỗng nhớ lại “Sự trả giá của một lần nói thật” mà chính ông đã kinh qua khi còn “làm báo lề phải” và từng lâm vào tình trạng “ có những thời điểm, những bối cảnh và vụ việc” mà ông muốn “nói ra sự thật nhưng rất khó”. Nhà báo Minh Diện giải thích nỗi khó khăn ấy:

Nhiều mối quan hệ nhịt nhằng, giằng níu, chi phối lẫn nhau. Chạy hăm hở, lo rối đầu, đối phó với sự né tránh, chửi mắng, khinh khi, đối phó với những kẻ xấu, tham nhũng để cố gắng "cày" ra bài có "tính chiến đấu". Nhưng khi gửi ra Ban biên tập thì bản thảo lại bị "sọt rác hóa". Các tầng nấc quyền lực bên trên, cả trung gian, nịnh thần, những kẻ cơ hội, thực dụng chỉ biết "lấy vinh làm nhục", coi cái ghế là cao to, lo vun vén, chạy chọt tiến thân và nhất là "đồng tiền", còn phóng viên phải chấp nhận trong khuôn khổ, chịu bề lép cũng chỉ vì "bát gạo", kế sinh nhai thường hàng ngày. Người ta căm ghét và bài xích, muốn đào thải, đè bẹp người trung chính, trung thực. Tôi không dám bịa đặt một chi tiết nào trong bài báo này, bởi vì tôi đã quá thấm là nạn nhân của những thủ đoạn rình rập trả thù, bị treo bút và đã bị vu vạ “hình sự”, suýt nữa phải ra hầu tòa một cách oan ức.

 Bốn năm tù

Nhà báo Hoàng Khương rời toà sau khi nhận bản án 4 năm tù giam. Courtesy ld.com


4 năm tù oan khiên ấy của nhà báo chống tham nhũng Hoàng Khương khiến công luận lâu nay vốn bất bình trước tình trạng “án bỏ túi” áp đặt phi lý, phi nhân thì nay lại càng phẫn nộ hơn khi so sánh với 4 năm tù của nguyên trung tá Nguyễn Văn Ninh do ông ta đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng để gia đình nạn nhân tức tưởi triền miên, để người con gái yêu thương Trịnh Kim Tiến đi tìm công lý trong “đường đi không đến”.

4 năm lao lý oan khiên của Hoàng Khương cũng khiến người ta thắc mắc sao tư pháp VN vẫn để yên cho công an ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương - những kẻ thủ ác đã đưa anh Nguyễn Công Nhật lâm cảnh mà họ cho là “Anh Nhật treo cổ chết vì ân hận” !? Nhà văn Thuỳ Linh nêu lên nghi vấn rằng “Một người đang làm việc bình thường, có một người vợ để yêu thương, một gia đình ấm cúng, cớ sao ân hận đến mức treo cổ, mà lại treo cổ trong cơ quan công an?”

Chúng ta hãy nghe “người vợ để yêu thương” ấy của anh Nhật, là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, bày tỏ nỗi đau tột cùng:

Bây giờ mỗi lần thấy cảnh tượng ba mẹ ngồi cầu nguyện cho con được siêu thoát, ba mẹ khóc khi nhớ con. Mỗi lần về nhà, tôi cố gắng làm sao cho không khí gia đình vui lên, nhưng mà những giọt nước mắt cứ rơi hoài. Chịu không nỗi. Và nhìn những hình ảnh ấy đau lòng quá. Cả gia đình, mỗi lần nói chuyện này ra, ai cũng khóc hết.Tôi không biết những người giết hại chồng tôi như vậy, họ có hiểu thấu là lỡ như gia đình họ bị giết hại như vậy thì họ có đau như vậy hay không ?

4 năm tù của phóng viên Hoàng Khương cũng khiến nhà văn Thuỳ Linh liên tưởng đến hình ảnh của “cô bé còn rất trẻ, nông nổi” đã phải lãnh 9 tháng tù giam với nỗi ân hận và đầm đìa nước mắt, để đổi lấy chỉ một cái tát mà cô đã dành cho tên cảnh sát giao thông.

Và gần đây nhất, sau khi một người dân vì mâu thuẫn nhỏ với hàng xóm mà bị 4 công an ở Hà Nội “xử” bằng cách đánh chết nạn nhân thì công luận không khỏi thắc mắc rằng liệu công lý có thực thi với những kẻ thủ ác đó không, thay vì áp đặt bản án “phi công lý” cho nhà báo Hoàng Khương ? Nhà văn Thuỳ Linh chua chát:

Khi kết án Khương, nhà giam mất 4 năm để cầm giữ bạn. Khương cũng mất ngần ấy năm tự do. Nhưng chính thể sẽ mất rất nhiều năm để xóa đi vết nhơ đã tự gây ra như các vụ án trước đây.Bốn năm án tù cho Khương nghe thì dài nhưng cũng nhanh thôi để bạn trở lại với nghề cầm bút. Thời gian đó đủ để bạn chiêm nghiệm về một thời khốn khổ, tang thương của lũ cầm bút chúng ta. Hãy ngẩng cao đầu đi Khương. Hãy giữ nụ cười hiền và tĩnh tại như khi bạn đến tòa án. Và quan trọng khi trở về, bạn có còn nhuệ khí, dũng cảm để cầm lại cán bút mà lúc đó sẽ trở nên quá nặng nếu bạn không vượt qua được nỗi ám ảnh? Và bản án này có phải là thông điệp của chính quyền đưa ra cho những người cầm bút không chịu cúi đầu – những người muốn tìm hiểu sự thật, đi đến cùng sự thật? Họ muốn những người cầm bút nên mua sự thật với cái giá rẻ mạt do họ chào mời?

Qua bài “Thương thay…Hoàng Khương”, nhà báo Hiệu Minh trích dẫn lời ai đó tuyên bố “ không có vùng cấm”, mà thật ra, đó chỉ là lời “nói trên miệng cho vui thôi” – một hình thức “ý tại ngôn ngoại”. Tác giả nhân tiện lưu ý “người cầm bút phải hiểu ý tứ thâm thuý của câu này”, vì trường hợp nhà báo chống tham nhũng Hoàng Khương bây giờ và vụ nhà báo Nguyễn Việt Chiến phanh phui tham nhũng PMU18 trước đó đã phải vào tù chưa đủ hay sao ?

Nhưng, vẫn theo blogger Hiệu Minh, “rất có thể, nhân tính không bằng trời tính, kiểu quan tòa Kangaroo này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, và lòng tin của dân chúng cạn dần. Dốt nát, dối trá, tham lam và độc ác trong thế giới internet này đâu có giấu được ai”.

12-09-2012

Thanh Quang, phóng viên RFA

Theo RFA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn