BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lại nói về cải cách ruộng đất

02 Tháng Mười Hai 200612:00 SA(Xem: 1252)
Lại nói về cải cách ruộng đất
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 

Ngày 15.12.2002, chúng tôi có viết một bài về Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) ở miền Bắc với tựa đề “Xin đừng quên! Nửa thế kỷ trước...”. Bài này được đăng trên báo Thế Kỷ 21 số Xuân Quý Mùi 2003, và sau đó đã công bố trên nhiều tạp chí tiếng Việt ở các nước và hiện được đăng lại trên bán nguyệt san “Tự Do Ngôn Luận” ở trong nước. Bài đó là để nhớ lại 50 năm trước, Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCS) đã làm thí điểm (1953) và sau đó phát động cuộc CCRĐ trên miển Bắc nước ta.

Qua thư từ bạn đọc cho biết bài báo đó đã làm nhiều độc giả xúc động. Gần đây, Đài Á Châu Tự Do (RFA) lại tổ chức một đợt phát thanh trên 10 buổi về chuyên đề CCRĐ đã gây được dư luận sôi nổi cả quốc nội lẫn hải ngoại. Một điều rất cảm động là nhiều thính giả trong nước đã viết thư đến Đài RFA kể lại bi kịch gia đình của mình trong cuộc CCRĐ 50 năm trước đây. Đó là những chứng nhân đã ghi lại một đoạn lịch sử đầy đau thương của toàn Dân tộc.

Sau khi bài báo được công bố và sau các buổi phát thanh của Đài RFA, chúng tôi nhận được hồi âm của nhiều độc giả và thính giả. Một số câu hỏi đã được nêu lên. Hôm nay, nhân dịp tập san “Thế Kỷ 21” ra số đặc biệt về CCRĐ, chúng tôi xin thâu góp những câu hỏi đó để trình bày thành những đề tài sau đây.

“Người Cày Có Ruộng" - Thực và Hư

Có thật mục đích của ĐCS khi làm CCRĐ là để “người cày có ruộng” như họ thường tuyên bố không? Xin nói ngay rằng: Không! Khẩu hiệu “người cày có ruộng” đó chỉ là trên lời nói mà thôi, còn thực tế thì lại khác. Vì sao có thể khẳng định như vậy?

Thứ nhất, sau khi ông Hồ Chí Minh đến Moskva (đầu năm 1951) nhận lệnh của Stalin và Mao Trạch Đông về làm CCRĐ thì trong hai năm chuẩn bị (1952-1953), ĐCS chỉ lo chủ yếu việc “vẽ ra” chính sách dựa theo “mẫu mã” của Trung Quốc, rồi luật hoá các chính sách đó để cưỡng bức người dân phải theo pháp luật mà họ đã áp đặt. Cứ xem lịch trình làm việc của ĐCS, Quốc hội, Chính phủ VNDCCH trong hai năm đó thì rõ. Trong thời gian hai năm chuẩn bị, ĐCS không hề để thời gian điều tra nghiên cứu xem thực tế tình hình ruộng đất ra sao? nơi nào ruộng tư nhiều, nơi nào chủ yếu là ruộng công? sự phân bố ruộng đất ra sao trong các tầng lớp nông dân? thực trạng giai cấp địa chủ miền Bắc nước ta hồi đó như thế nào? tình hình ruộng đất của nhà thờ họ, của chùa, của nhà thờ Công giáo, của các tu viện, các đền, miếu... ra sao?, v.v. và v.v... để trên cơ sở thực tiễn đó mà định ra chính sách. Điều đó nói lên rằng những người lãnh đạo ĐCS không hề nghĩ đến việc làm sao cho “người cày có ruộng” thật sự, “có ruộng” lâu dài để nền kinh tế được phát triển, để thật sự cải thiện đời sống người dân. Hồi đó, họ chỉ nghĩ rằng bây giờ đã nắm được chính quyền rồi, đã có “chuyên chính vô sản” rồi, thì ĐCS muốn làm sao cũng được, người dân phải cúi đầu chịu thôi, vì vậy phải làm một “cuộc cách mạng long trời lở đất”, để “tiêu diệt giai cấp địa chủ”, để cho mọi tầng lớp dân chúng phải khiếp đảm, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện nhiệm vụ chính của chuyên chính vô sản – như Lenin đã dạy cho họ – là xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước đầu của chủ nghĩa cộng sản. Chính vì thế, cái đích của ĐCS đâu phải là để “người cày có ruộng” mà chính là để thực hiện nhiệm vụ của chuyên chính vô sản!

Thứ hai, thực tế cho thấy rằng: sau khi chia “quả thực”, người ta tổ chức rùm beng việc cắm biển, treo cờ trên các thửa ruộng được chia cho bần cố nông để quay phim, chụp ảnh tuyên truyền là “người cày có ruộng” rồi. Nhưng chẳng bao lâu lại phải “sửa sai”, nên nhiều thửa ruộng đã chia cho bần cố nông phải trả lại cho những “địa chủ” bị quy oan mà số này chiếm đến 71,6% trong số các nạn nhân1. Số thửa ruộng còn lại bần cố nông cầm giữ được một thời gian... chưa kịp “nóng tay” thì ĐCS đã vội vã lùa họ vào hợp tác xã – tức là thu hồi lại ruộng đất của nông dân, biến thành “của chung” – để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”! Rõ ràng là mục đích “người cày có ruộng” chỉ là lời nói dối xảo quyệt để lôi kéo nông dân theo ĐCS mà thôi. Như vậy, trên thực tế ĐCS đã lừa bịp và phản bội nông dân!

Diệt Chủng - Có hay Không ?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải xem kỹ tài liệu mà các nhà kinh tế trong nước đã công bố1: cuộc CCRĐ đã thực hiện trên miền Bắc ở 3.563 xã với 10 triệu dân số2, mà tỷ lệ địa chủ được quy định trước là 5,68% 3. Các đội và các đoàn CCRĐ đều ra sức truy bức để cố đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một quy định bắt buộc4, vậy thì tổng số người bị quy là “địa chủ” là trên 500 000 người. Như chúng ta đã biết, khi một người bị quy là “địa chủ” thì ngay lập tức họ phải chịu biết bao nhục hình: bị cô lập hoàn toàn với bà con thân thích, bị bao vây, thậm chí bao vây kinh tế (đến mức có nhiều người bị đói), bị đấu ngày đêm để truy của, bị nhục mạ tàn tệ (bị gọi là “tên”, “thằng”, “con”, bắt phải cúi đầu trước bất kỳ người nông dân nào dù lớn hay bé, phải “thưa ông/bà nông dân”, bị xỉa xói, chửi mắng, đánh đập cũng phải cam chịu, bắt quỳ phải quỳ, còn con cái họ bị khinh miệt, bị kỳ thị cực kỳ độc ác về mọi mặt: học hành, công việc, hôn nhân...). Chúng ta thử hình dung nửa triệu con người phải chịu đựng như vậy, đó là chưa kể số bà con, họ hàng, thông gia, bạn bè phải cùng chịu liên luỵ - con số đó không sao tính được. Theo tài liệu đã công bố thì có đến 172 008 nạn nhân – dễ hiểu đây là nói về những người bị bắn giết trong số nửa triệu người bị quy là “địa chủ”. Con số nạn nhân này không bao gồm những người tự tử sau khi bị quy là “địa chủ” hay “Quốc dân đảng phản động”, mà số đó cũng không ít.

Thử hỏi, khi người dân đang sống yên lành, đang tham gia mọi việc lao động bình thường, phần đông họ đã từng tham gia kháng chiến, đã từng giúp đỡ cho những người cộng sản trong thời kỳ khó khăn nhất, bỗng dưng các lãnh tụ ĐCS tổ chức một trận thảm sát như vậy thì có phải là cuộc diệt chủng hay không? Đó là một cuộc diệt chủng, một tội ác đối với loài người. Không thể nói khác được.

Có người đồng ý đúng là diệt chủng, nhưng cho rằng các nhà lãnh đạo ĐCS “không cố tình” diệt chủng, mà chỉ vì họ muốn dọn đường để tiến lên chủ nghĩa xã hội thôi, nghĩa là “động cơ” của họ có thể là tốt chăng, nhưng “vô tình” gây ra nạn diệt chủng?

Nạn diệt chủng có thể có nhiều loại với “động cơ” khác nhau, diệt chủng vì kỳ thị chủng tộc, vì kỳ thị giai cấp, vì lý do tôn giáo, vì lý do ý thức hệ... nhưng vì gì đi nữa thì cũng vẫn là diệt chủng. Thời Hitler, bọn phát xít Hitler cũng nói rằng chúng muốn làm trong sạch nòi giống của chúng nên chúng đã tiêu diệt hàng chục triệu người, trong đó có 6 triệu người Do Thái (gọi là vụ Holocaust), thế thì lẽ nào vì cái “động cơ tốt đẹp” đó (!?) mà có thể tha tội diệt chủng cho bọn Hitler được chăng? Thời xô viết, Lenin cũng nói vì phải dẹp đường để tiến lên chủ nghĩa cộng sản nên đã tiêu diệt hàng triệu người, Stalin cũng nói vì cần làm cho hàng ngũ ĐCS trong sạch, cần cố kết khối nhân dân lao động nên đã tiêu diệt hàng chục triệu người, thì lẽ nào ta có thể coi đó là diệt chủng vì “động cơ tốt”? Dưới thời Mao Trạch Đông, Mao và các lãnh tụ ĐCS nấp dưới lá cờ “chống hữu phái”, “đại nhảy vọt”, “đại cách mạng văn hoá”... đã tiêu diệt hàng chục triệu người dân lương thiện, thì có thể gọi đó là cuộc diệt chủng vì “động cơ tốt” được chăng? Dưới thời Pol Pốt, bọn Khơme Đỏ cũng nhân danh vì quần chúng lao động, vì muốn tiến lên “thiên đường xã hội chủ nghĩa” đã tiêu diệt ba triệu người, thế thì phải chăng Pol Pốt và bọn Khơme Đỏ có thể chạy được tội diệt chủng? Ngày nay, Toà án Quôc tế đang xử những tên diệt chủng ở vùng Balkan trong nước Nam Tư cũ đã tiêu diệt năm-sáu ngàn người, thế thì những kẻ đã gây ra cuộc thảm sát trên 100 ngàn người trong cuộc CCRĐ ở miền Bắc nước ta có thể nào thoát khỏi tội diệt chủng?

Cũng nên nhớ rằng, theo tài liệu in trong sách đã dẫn1 có ghi rõ trong số 172 008 nạn nhân trong cuộc CCRĐ thì có đến 123 266 người coi là oan (chiếm đến 71,6%). Đọc con số đó, chắc mọi người đều thấy ghê rợn! Còn sau đây là những con số cụ thể về các nạn nhân:

địa chủ cường hào gian ác – 26 453 người, trong đó số coi là oan – 20 493 người (77,4%);

địa chủ thường – 82 777 người, trong đó số coi là oan – 51 480 người (62,19%);

địa chủ kháng chiến – 586 người, trong đó số coi là oan – 290 người (49,4%);

phú nông – 62 192 người, trong đó số coi là oan – 51 003 người (82%).

Nhưng ngay cả những nạn nhân mà người ta không coi là oan cũng không chắc đã đúng, không chắc họ đã có tội, vì toàn bộ chính sách CCRĐ, những tiêu chuẩn quy định thành phần, v.v... do Uỷ ban CCRĐ TƯ vạch ra đều rập khuôn theo CCRĐ của Trung Quốc ở vùng Hoa Nam thì làm sao thích hợp được với điều kiện Việt Nam. Hơn nữa khi thi hành ở tất cả các cấp thì lại hết sức tuỳ tiện với tinh thần “thi đua”, “lập thành tích” hay “thà oan hơn là bỏ sót”!

Phản Ứng của Dân Chúng

Nhiều bạn đọc muốn biết về phản ứng của người dân đối với CCRĐ. Như chúng tôi đã viết trong bài trước, CCRĐ giống như một trận bão táp khủng khiếp ập xuống đầu người dân miền Bắc, thế thì người dân miền Bắc hầu hết giống như ngọn cỏ phải rạp mình xuống để sống còn. Có phản ứng chăng thì chỉ là những tiếng rên siết ai oán mà thôi. Mạnh dạn hơn một chút là giễu cợt, châm biếm nhẹ nhàng. Có thể tìm thấy sự phản ứng yếu ớt đó của người dân trong lời ăn tiếng nói, trong ca dao, hò vè may ra còn có chút gì đọng lại. Vì có đi làm “công tác sửa sai”, nên chúng tôi ghi lại được đôi điều, rất mong sự bổ khuyết của quý bạn đọc.

Câu nói cửa miệng của người dân miền Bắc thời đó, về sau đã trở nên thành ngữ là: “Nhất đội, nhì Trời”. Trời cũng còn thua đội, vì quyền sinh quyền sát người dân đen thấp cổ bé họng hoàn toàn nằm trong tay đội.

Còn để “cười” cái chủ trương “ba cùng” của Đảng, tức là cán bộ đi làm CCRĐ phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bần cố nông, mà thực ra nhiều “anh đội”, “chị đội” đã không thực hiện đúng. Chẳng hạn, nói là “cùng ăn”, nhưng cán bộ lại bí mật mua quà, dấm dúi ăn chùng ăn vụng sau lưng “cốt cán” “rễ chuỗi”. Tệ hơn nữa, có một số người lại lợi dụng “ba cùng” để “hủ hoá”, nên trong dân gian có truyền tụng câu này:

“Nực cười cho chuyện “ba cùng”

Cùng ăn, cùng ngủ, lại cùng làm... nhau”.

Để giễu cợt sự “bắt rễ” và “xâu chuỗi” lại có câu: “Em bắt rễ anh, anh xâu chuỗi em”. Để chế nhạo cái tình trạng sống bừa bãi của một số không ít “anh đội” và mỉa mai đường lối “dựa vào bần cố nông” của Đảng, rất nhiều nơi đã lưu truyền câu ca dao này:

“Đội về, đội dựa vào mông

Đến khi đội rút, con bồng con mang”, hay

“Đội về, đội dựa vào mông

Đội đi, đội để trống đồng ai mang”

Hồi năm 1957, khi xuống thôn Nhân Chính (gần thôn Quan Nhân, vùng Hạ Yên Quyết), Cầu Giấy, chúng tôi được anh em địa phương đọc cho nghe một bài thơ ai đó đã dán ở một miếu cổ hồi CCRĐ năm trước:

“Cụ Hồ ơi hỡi! Cụ Hồ ơi!

Thảm cảnh gây chi cuộc đổi đời?

Người hiền “dựa cọc”chờ ăn đạn

Quỷ dữ “tố bừa” lại thượng ngôi!

Làng mạc, quê hương tan nát cả,

Gia phong, đạo lý đảo điên rồi.

Đất nước đắm chìm trong biển thảm,

Tiếng dân kêu khóc thấu chăng Trời?”

Xin nói rõ: chữ “dựa cọc”, cũng như “lên thớt”, là tiếng lóng, có nghĩa là án tử hình. Còn chữ “tố bừa” cũng như “tố điêu”, “tố đại hội”, có nghĩa là đặt điều vu khống bậy bạ cho người khác để được đưa lên làm “cán bộ”. Bài thơ này cũng chỉ là “tiếng dân kêu khóc” chứ chẳng có phản ứng gì mạnh mẽ.

Còn bài này chúng tôi nghe được ở Thái Bình hồi đầu năm 1956, tại một làng nằm cạnh cầu Bo, nói lên nỗi khổ của người bị “quy lên” làm địa chủ. Xin nói thêm, chữ “lên” và chữ “xuống” rất phổ biến trong CCRĐ và nghĩa của nó khác thường lắm: có khi “lên” lại khổ, mà “xuống” lại đáng mừng! Như “lên thành phần” hay “quy lên” nghĩa là “đưa lên làm địa chủ, phú nông, hay phản động”, còn “hạ xuống” là “hạ thành phần”, “đưa xuống làm trung, bần, cố nông”. Người bị quy là địa chủ thì lập tức bị bao vây về mọi mặt để tránh phân tán tài sản, tránh sự thông tin cho nhau, tiếp đó bị “truy tài sản” (chủ yếu là vàng bạc, nữ trang, tiền...) để sau này làm “quả thực” chia cho bần cố nông. “Truy tài sản” là từ ngữ của CCRĐ, còn trong dân gian thì gọi là “truy của” hay “tra của”:

Đấu đêm rồi lại đấu ngày

Tra lui tra tới: của mày để đâu?

Sân vườn, chuồng lợn, bờ ao

Đào tung xới hết chẳng sao có vàng.

Trời ơi! Oan thật là oan,

Thân con quá khổ biết làm sao đây!

Đến khi Đảng chủ trương “sửa sai” thì câu này hầu như là câu cửa miệng của người dân, có thể nghe được rất nhiều nơi:

Đảng sai thì Đảng sửa

Càng sửa lại càng sai.

Năm 1957, khi làm “sửa sai” ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi nghe được câu này lưu truyền ở vùng Đông Anh:

Bác Hồ nói chuyện sửa sai:

Sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai!

Đảng ta là rất anh tài

Sai hoài, sai mãi, sửa hoài cứ sai.

Câu nói của ông Hồ, ở vế đầu “sai thì cứ sửa” nghe thật đơn giản, bình thường, nhưng đến vế sau “sửa rồi cứ sai” thì lại vang lên như là một sự khuyến khích tiếp tục làm sai nữa! Hai câu sau đầy mỉa mai chua chát, người dân cười chê cái thói huênh hoang của Đảng luôn luôn tự khoe là “anh minh tài giỏi nhất”, là “đỉnh cao của trí tuệ”, thế mà cứ “sai hoài, sai mãi, sửa hoài cứ sai”!

Suy cho cùng, hai câu đó có tính tổng kết cao. Đây là một cái nhìn xuyên suốt lịch sử ĐCSVN. Thật vậy, sau những cái gọi là “sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ” thì lại tiếp đến là những sai lầm trong “vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm”, “vụ án Xét lại-Chống Đảng”, “cuộc cải tạo giai cấp tư sản ở miền Bắc”, “công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp”, “hợp tác hoá thợ thủ công, thợ hớt tóc, chữa xe đạp, tiểu thương, buôn thúng bán mẹt”, v.v... Rồi đến biết bao việc làm sai khác của Đảng, cả trong Nam ngoài Bắc, nào là việc đưa quân đánh miền Nam gây cuộc nội chiến Bắc Nam, tàn hại gần một chục triệu sinh mạng, trong số đó ít nhất trên bốn triệu người trong quân ngũ của cả hai phía, nào là vụ thảm sát Tết Mậu Thân (1968), các vụ đánh tư sản mại bản, vụ bắt “tập trung cải tạo” mấy trăm nghìn sĩ quan, binh lính, viên chức, trí thức thuộc chế độ cũ, vụ dồn dân đi khu kinh tế mới, mấy cuộc đổi tiền có tính chất ăn cướp, v.v. và v.v... Mấy câu ngắn gọn trên đây biểu lộ tài trí nhạy bén của người dân.

Cần nhấn mạnh rằng: chỉ có một trường hợp duy nhất có phản ứng mãnh liệt của dân chúng, đã bùng lên thành một cuộc nổi dậy của nông dân ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào giữa tháng 11.1956, nghĩa là sau khi ĐCS đã nhận “sai lầm” trong CCRĐ và tuyên bố chính sách “sửa sai”. Nhân việc “sửa sai”, nông dân - phần đông là tín đồ Công giáo - một số xã ở huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức đại hội có mời cả những cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện đến tham dự để đưa ra mấy yêu cầu: trả lại cho giáo dân những linh mục chánh sở và các giáo sĩ đã bị bắt giam; trả lại xác các linh mục đã bị hành quyết; trả lại các tài sản của thánh đường đã bị tịch thu hoặc sung công, v.v... Quyết nghị của cuộc họp đã được trao cho ông Chủ tịch Ấn Độ của Uỷ Ban Kiểm Soát Đình Chiến vào ngày 9.11.1956. Sau đó, ngày 10.11, nông dân lại mở đại hội ở xã Cẩm Trường thì bị bộ đội và công an võ trang đến ngăn cản và giải tán. Thế là hai bên xô xát và bùng lên thành cuộc nổi dậy của nông dân. Hàng ngàn nông dân tay không đã chống lại quân đội trong ba ngày liền. Rạng ngày 13.11, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra. Sư đoàn 304 đã được điều đến để bao vây những người nổi dậy. Ngày 14.11, người ta lại huy động thêm Sư đoàn 312 đến để đàn áp họ. Có hàng ngàn người đã bị giết và bắt đi tù sau vụ này, nhưng những người lãnh đạo ĐCS cố sức giấu kín sự kiện này, ngay cả với cán bộ cao cấp trong Đảng.

ĐCS Cần Phải Sám Hối!

Đúng vậy! Chừng nào ĐCS chưa thành thực sám hối về những tội ác tày trời trong cuộc CCRĐ thì chừng đó người dân không thể tin tưởng rằng Đảng sẽ không tái phạm những tội ác to lớn như vậy trong tương lai.

Một điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, ĐCS đã và đang lặp lại những thủ đoạn hèn mạt, thô bạo đúng như trong thời CCRĐ đối với nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ. Chúng ta không thể nào quên được việc chính quyền dùng bọn công an đầu gấu, bọn côn đồ để xông vào nhà và hành hung cụ Hoàng Minh Chính. Cũng như những vụ lùng sục, trắng trợn cướp đoạt tài sản của những nhà tranh đấu dân chủ, như nhà văn Hoàng Tiến, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, kỹ sư Đỗ Nam Hải, ông Trần Anh Kim và nhiều người khác, những cuộc đấu tố thô bạo do công an tổ chức tại các khu phố để lăng mạ tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, và gần đây, hôm 11.10.2006, chúng đưa ra đấu tố nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thuỷ tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội...

Tất cả những hành động điên cuồng đó chứng tỏ rằng ĐCS, và nói chung giai cấp cầm quyền ngày nay, đang hết sức bối rối trước phong trào dân chủ lên mạnh. Với sự đồng tâm nhất trí của các lực lượng dân chủ, chắc chắn những thế lực đen tối đang thống trị dân ta sẽ bị đẩy lùi và tự do dân chủ cuối cùng sẽ thắng lợi.


Ghi chú:
1. Xem “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000” gồm 3 tập, đã ra được 2 tập, tập I (1945-1954), tập II (1955-1975), do Viện Kinh tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội.

2. Theo điều tra dân số năm 1960, nghĩa là 4 năm sau CCRĐ, dân số miền Bắc Việt Nam là 16 triệu người.

3. Xem trang 85, tập II, sách đã dẫn.

4. Xem trang 86, tập II, sách đã dẫn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn