BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến và trận đánh gần Neak Luong

02 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 5019)
Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến và trận đánh gần Neak Luong
523Vote
46Vote
37Vote
21Vote
16Vote
3.943
Đầu năm 1969, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được nâng lên cấp sư đoàn. Tiếp đó bộ chỉ huy các Lữ Đoàn 147, 228 và 369 lần lượt được thành lập. Riêng Lữ Đoàn 369 được hình thành vào năm 1970 và đến tháng 10 năm 1970, lữ đoàn tham dự cuộc hành quân ngoại biên ở Cam Bốt. Tháng 12 năm 1970, trong khi lữ đoàn đang hoạt động trong vùng Neak Luong thì Trung Tá Phạm Văn Chung được chỉ định giữ chức lữ đoàn trưởng thay thế Trung Tá Ngô Văn Định.

Trên chiến trường Cam Bốt, Lữ Đoàn 369 TQLC hành quân trong hệ thống chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu 4 do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng giữ chức tư lệnh. Theo phối trí, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và tiểu đoàn pháo binh TQLC yểm trợ đóng tại Neak Luong, 3 tiểu đoàn tác chiến đóng quân cách nhau khoảng 5, 6 km trong vùng trách nhiệm: Tiểu Đoàn 5 của Thiếu Tá Võ Trí Huệ, Tiểu Đoàn 8 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán, Tiểu Đoàn 9 của Thiếu Tá Nguyễn Kim Để.

Nhiệm vụ của lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến là mở cuộc hành quân truy kích và tiêu diệt địch trong vùng trách nhiệm, giữ an ninh bảo vệ thủy lộ sông Mê Kông cho đoàn tàu dân sự quốc tế tiếp tế nhu yếu phẩm cho dân chúng Nam Vang (vì thương cảng chính của Cam Bốt ở phía tây-nam đã bị áp lực nặng của Cộng quân nên không sử dụng được. Các đơn vị của lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh bằng mọi cách phải vô hiệu hóa các hoạt động quấy rối của Cộng quân như thả mìn, phục kích, pháo kích đoàn tàu

Về kế hoạch bảo vệ an ninh thủy lộ, một, hai ngày trước khi đoàn tàu tiếp tế đi qua khu vực của lữ đoàn, các tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến phải hành quân lục soát gần bờ sông khoảng 3 km, trải quân chiếm giữ các điểm chiến thuật then chốt chế ngự sông Mê Kông từ vị trí cách Châu Đốc khoảng 25 km qua Neak Luong về đến vị trí cách Nam Vang khoảng 10 km. Riêng đoạn gần Nam Vang tương đối an ninh do quân đội Cam Bốt chịu trách nhiệm. Đúng vào ngày N, đoàn tàu tiếp tế di chuyển, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn rút một tiểu đoàn TQLC khỏi vùng hành quân về ứng trực cùng với một phi đoàn trực thăng của Sư Đoàn 4 Không Quân từ Cần Thơ lên tại phi trường nhỏ Neak Luong để sẵn sàng can thiệp.

TIỂU ĐOÀN 8 TQLC VÀ TRẬN CHIẾN BÊN BỜ SÔNG MÊ KÔNG

Vào khoảng 10 giờ 45 phút của một ngày cuối tháng 1 năm 1971, đoàn tàu tiếp tế bị phục kích tại ranh giới giữa Lữ Đoàn 369 và Lữ Đoàn 2 Cam Bốt. Nhận được báo cáo của toán truyền tin thuộc Lữ Đoàn 369 được gửi xuống đi theo vị sĩ quan hạm trưởng chiến hạm kiêm trưởng đoàn tàu tiếp tế, Trung Tá Phạm Văn Chung ra lệnh cho Tiểu Đoàn 8 TQLC đang ứng chiến tại phi trường khẩn cấp lên trực thăng để hành quân tiếp ứng, ngay sau đó, ông cùng với sĩ quan trưởng ban 3 lữ đoàn là Đại Úy Đoàn Trung Ương, và một hạ sĩ quan truyền tin đã lên trực thăng chỉ huy bay đến nơi xảy ra phục kích.

Khi trực thăng chỉ huy bay đến vùng phục kích đoàn tàu, lữ đoàn trưởng yêu cầu phi công cho máy bay sà xuống thấp để quan sát trận địa. Từ trên trực thăng, ông thấy địch quân nằm rải theo bờ sông phía Đông Nam cùng phía Neak Luong đang tác xạ mãnh liệt vào đoàn tàu với tất cả các loại súng như liên thanh 12.7 ly, súng phóng lựu, súng cối 60, 82 ly, đặc biệt còn thấy cả đạn đạo của súng đại bác 57 ly, 75 ly không giật từ bờ sông bắn thẳng ra đoàn tàu, mặt nước sông tung tóe mỗi khi đạn nổ nhưng không trúng đoàn tàu. Một chiếc tàu trúng đạn bốc khói nhưng vẫn tiếp tục cùng đoàn tàu di chuyển, không có tàu nào bị trúng thủy lôi hoặc hư hỏng làm tắt nghẽn.















Hai trực thăng võ-trang gunship bay theo trực thăng chỉ huy của lữ đoàn trưởng được lệnh can thiệp, cả hai chiếc đã nhào xuống xạ kích bằng súng liên thanh và hỏa tiễn vào bờ sông. Dù bị súng phòng không của Cộng quân từ dưới đất bắn lên, nhưng hai chiếc trực thăng vẫn tiếp tục cuộc không kích.

Trong khi đó, trực thăng chỉ huy bay vòng ra phía sau lưng địch, Trung Tá Phạm Văn Chung thấy có hai trảng trống, vừa ruộng lúa, vừa bụi thấp cách khoảng 300 mét ngay sau tuyến phục kích của địch. Trung Tá Chung quyết định đổ quân vào trảng trống này. Ông ra lệnh cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán đang bay cùng với một đại đội trong đợt trực thăng đầu và ra lệnh cho 2 trực thăng gunship tác xạ để dọn bãi đáp.

Thông thường hỏa lực sử dụng để dọn bãi đáp thường theo quy trình: Pháo Binh và Không Quân chiến thuật bắn vào vị trí được chọn làm bãi đáp, sau đó trực thăng gunship tác xạ, rồi tiếp theo là đổ quân xuống ngay. Nhưng trong trường hợp này, thời gian không cho phép thực hiện như thế. Lữ Đoàn 369 TQLC muốn đánh vào ngay sau lưng địch để không cho đối phương chạy thoát nên sử dụng trực thăng gunship tác xạ, phóng vài trái hỏa tiễn xuống bãi đáp là đổ quân ngay cánh quân đợt đầu của Tiểu Đoàn 8 xuống.

Trước đó, Tiểu Đoàn 8 đã chia sẵn thành 2 cánh quân: cánh A gồm 2 đại đội tác chiến và ban chỉ huy tiểu đoàn, cánh B cũng gồm 2 đại đội và ban chỉ huy nhẹ do tiểu đoàn phó là Thiếu Tá Trần Ba chỉ huy.

Đợt trực thăng đầu chở một đại đội của cánh A và ban chỉ huy tiểu đoàn vừa đổ quân xong thì đợt trực thăng thứ hai chở cánh B cũng đã xuất hiện trên vòm trời ở xa xa rồi nhanh chóng đổ quân xuống trảng trống thứ hai lao lên hướng Bắc ngay sau lưng địch. Một giờ sau đó, hai đại đội còn lại được thả xuống hai bãi đáp, cuộc đổ quân của tiểu đoàn đã hoàn tất.

Đơn vị Cộng quân mà Tiểu Đoàn 8 TQLC tấn kích là Tiểu Đoàn K-17. Tiểu đoàn này được tăng cường nhiều loại vũ khí cộng đồng với mục tiêu là đánh đắm các đoàn tàu dân sự quốc tế để gây tiếng vang, nhưng không ngờ bị Tiểu Đoàn 8 TQLC ngăn chận.

DIỄN TIẾN TRẬN ĐÁNH

Trong lúc cùng bay trên trực thăng, Trung Tá Phạm Văn Chung và Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán đã thảo luận về trận đánh và đồng ý với nhau là phải đánh tốc chiến càng nhanh càng tốt để không cho địch kịp trở tay và tháo lui. Trong bài viết về trận đánh này, Trung Tá Phạm Văn Chung đã ghi lại cách điều quân của tiểu đoàn trưởng Phán như sau:

"Tiếng Phán oang oang trong ống liên hợp, chửi thề, hò hét, dàn rộng ra, tiến nhanh lên, chạy thẳng ra bờ sông, còn mấy đứa chết hoặc bị thương cứ để đó, để ở bãi đáp tính sau. Ngồi trực thăng trên cao hình dung con Ó Biển đầu đàn Nguyễn Văn Phán đang xông xáo lùa đàn Ó Biển phóng thẳng vào mũi súng địch, anh và ban chỉ huy tiểu đoàn cũng dàn hàng ngang chạy vào như mọi người.

Về phía Cộng quân, khi thấy đoàn trực thăng đổ quân sau lưng, họ liền ngưng tấn công đoàn tàu và quay lại phía sau để chống trả. Tiểu đoàn K-17 Việt Cộng tác xạ như mưa bằng đủ loại súng vào hai cánh quân của Tiểu Đoàn 8 TQLC. Với Thiếu Tá Phán, chỉ có độc nhất một con đường là cứ nhắm địch mà phóng tới. Phán và con cái cứ tiếp tục phóng nhanh trên một địa thế trống trải, không thể lớ quớ ngập ngừng để địch tỉa lần được."

Ở cánh B do tiểu đoàn phó Trần Ba chỉ huy, trận chiến cũng không kém phần ác liệt, cũng diễn ra trên địa thế trống trải. Cộng quân quay lại bắn xối xả về phía Thủy Quân Lục Chiến. Cũng như ở tình hình cánh A, không còn một cách nào khác và chỉ có một con đường sống là nhắm ngay địch mà phóng tới. Từ trên trực thăng chỉ huy, Trung Tá Chung nghe "Trần Ba giọng Huế, chắc nịch, chậm rãi, cũng hô hoán xung phong, nhào tới..."















Pháo Binh đặt tại Neak Luong cách trận địa hơn 10 km gần như quá tầm của đại bác 105 ly, nên Trung Tá Chung ra lệnh cho Thiếu Tá Đoàn Trọng Cảo (tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Pháo Binh) mang một pháo đội dùng phà vượt sông Mê Kông sang bờ sông phía Tây, di chuyển lên ngang trận địa, nên Pháo Binh đã can thiệp rất hữu hiệu, mặc dù không có đơn vị tác chiến bảo vệ. Pháo binh vừa tác xạ vừa tự giữ an ninh lấy qua đêm.

Về phía Việt Cộng, một số bị tiêu diệt, một số bị bắt sống, còn một số khác chạy thẳng theo bờ sông hướng Bắc. Sau 3 giờ giao tranh ác liệt, Cộng quân tháo chạy. Nhưng họ vẫn tiếp tục hứng chịu thêm nhiều thiệt hại vì các trực thăng gunship vẫn tiếp tục truy kích và hỏa lực pháo binh vẫn bắn đeo đuổi.

Trận chiến kết thúc. Tiểu Đoàn 8 tịch thu rất nhiều vũ khí. Thiếu Tá Phán gọi máy truyền tin báo cáo cùng Trung Tá Phạm Văn Chung):

- Cao Bằng, [1] đây Ó Biển [2]gọi.

- Cao Bằng. Tôi nghe anh năm trên năm.

- Tôi mần tụi nó ráo trọi, thu rất nhiều súng cộng đồng, có 2-3 khẩu 75 ly không giật đây. Trình đại bàng ((lữ đoàn trưởng) địch chạy tứ tán, một số khá đông chạy theo bờ sông lên hướng Bắc, xin đại bàng kêu Lữ Đoàn 2 Cam Bốt hốt đi.

Tổng kết trận chiến, về phía Tiểu Đoàn 8 TQLC, số binh sĩ tử trận và bị thương dưới 30, về phía Cộng quân có hơn 100 xác nằm tại trận địa. Hai mươi (20) cán binh khác bị bắt sống, rất nhiều vũ khí cá nhân và cộng đồng bị tịch thu, trong đó có 2 khẩu đại bác 12.7 ly, 3 đại bác không-giật 57 ly và 2 đại bác không-giật 75 ly.

Vương Hồng Anh


[1] Cao Bằng là danh hiệu truyền tin của Trung Tá Phạm Văn Chung. Ó Biển là danh hiệu truyền tinh của Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn