BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quê hương xa mà gần

21 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 1942)
Quê hương xa mà gần
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Bạn thân mến, nhiều lần bạn hỏi tôi:

"Tại sao không về thăm quê cha đất tổ và nơi chôn nhau cắt rốn một lần?"

Tôi cười trừ vì không có câu trả lời thích đáng cho người hỏi và ngay cả chính mình.

Bên nội tôi người Bắc, hầu hết gia đình bên nội di cư vào Nam từ tháng 7 năm 1954, thời điểm mà sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là lằn ranh biên giới quốc cộng. Bên ngoại tôi người Huế nhưng khi tôi ra đời thì ông bà ngoại đã sống ở Nha Trang. Vì vậy tôi không có dịp về quê nội hay quê ngoại nghỉ hè như tụi bạn cùng lớp ngày còn nhỏ.



Tôi chào đời ở Quy Nhơn, quê hương của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, nhưng chỉ ở đó vỏn vẹn 3 tuần rồi được Mẹ bồng, theo Ba đổi về Nha Trang .



Do vậy, tôi không có một khái niệm nào về Quy Nhơn mặc dù thời đi học khi biết tôi được sinh ra ở Quy Nhơn, tụi bạn cùng lớp luôn trêu chọc là

"Ai về Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định múa roi đi quyền"

(trong khi tôi thuộc loại nhiều khi không mở nổi cái nắp của hủ dưa chuột muối "pickle" vẫn bày bán trong các chợ ở Mỹ.)

Tuổi thơ của tôi ở Biên Hòa, gần căn cứ Không quân, thời chiến tranh trước năm 75 hay bị VC pháo kích. Ba tôi dùng cái bể xây bằng xi măng chứa nước trong nhà làm "hầm trú ẩn”. Cái bể hình khối chữ nhật, cao khoảng một thước, dài một mét rưởi và chiều rộng khoảng tám tấc. Mặt trên được che bằng một tấm ván dày hình chữ nhật có cùng chiều rộng với cái bể chứa nước, chiều dài thì chỉ khoảng một thứơc. Trên tấm ván che bể nước có rất nhiều bao cát nhỏ chồng chất lên nhau, ít nhất là cũng năm lớp bao cát. Từ ngày được "biến cải" thành hầm tránh pháo kích, cái hồ luôn khô cạn, nước được chứa trong một cái “thùng phi” lớn.



Thời thơ dại của tôi, chỉ có một lần bị người lớn đánh thức, mắt nhắm mắt mở được Mẹ hay Bà Nội nhấc lên đặt vô "hầm trú ẩn". Hơi lạnh từ gạch và xi măng của thành hồ làm tôi tỉnh ngủ, nhận ra trời đêm vẫn sáng vì ánh hỏa châu. Sáng hôm sau, người ta vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn "trôi theo dòng đời" như chiến tranh chưa hề về rất gần thành phố đêm qua.

Trong bối cảnh đó, tôi chưa bao giờ được về thăm quê hương của mình.

Lớn lên, một lần đi thăm Ba trong "tù cải tạo" ở Gia Trung, Gia Lai Kom Tum, Mẹ và tôi phải "ngủ đổ" ở Quy Nhơn. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất cho đến bây giờ, tôi được thấy nơi chôn nhau cắt rốn của mình . Đó là một đêm bị "luân phiên cúp điện theo định kỳ", bầu trời Quy Nhơn tối đen , chỉ có những ngọn đèn dầu heo hắt, buồn bã như tương lai cùa tôi lúc đó.

Mãi đến bây giờ, Quy Nhơn, trong tôi, vẫn mù mờ, buồn hiu hắt…

Và có lẽ vì vậy, thời gian sống ở quê ngưòi dài hơn thời gian sống ở quê mình,dù đã về Việt Nam thăm thân nhân 4 lần , tôi chưa hề ra Bắc thăm quê nội, hay về Huế thăm quê ngoại.

Tôi không muốn chứng kiến một Nam Định hỗn độn, người ta đạp lên nhân nghĩa để sống còn. Quê nội với tôi phải đẹp và êm đềm như lời kể của Bà Nội năm xưa, phải có những người sâu sắc (dù nghèo và bất đắc chí) như nhà thơ Trần Tế Xương.

Tôi không dám ra Huế sợ làm mất đi hình ảnh thơ mộng của cầu Trường Tiền "sáu vài mười hai nhịp" có những cô nữ sinh Đồng Khánh ngây thơ, trong trắng, đội nón đạp xe ngang cầu. Tôi muốn giữ hình ảnh cuả những "o" bán đậu hủ, bán cơm hến dù nghèo vẫn chân chất , đàng hoàng, vẫn tha thướt trong tà áo dài cổ truyền, ngay cả lúc phải quang gánh oằn vai, ngược xuôi kiếm sống.


Tôi sợ mình bớt yêu quê hương khi thấy cả nước sông Hương lẫn những cô lái đò không còn tinh khiết như tôi đã được đọc trên những trang sách.

Và như vậy xin tạ tội với tổ tiên vì tôi gắn bó với Santa Clara, nơi tôi sống lâu hơn quê nhà; xin tạ tội với ông bà, tôi chưa một lần về thắp một nén hương tưởng nhớ trước bia mộ tiền nhân. Giống như loài chim thiên di, tôi luôn nhớ cội nguồn và có một quê hương thân yêu trong tâm tưởng.

Và xin giải bày với bạn tại sao tôi chưa một lần về thăm quê hương. Xin hãy để tôi luôn nghĩ quê hương là nơi đẹp nhất trên đời....

Nguyễn Trần Diệu Hương
Santa Clara, CA July /2012

Theo VOA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn