BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi vượt biên

02 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2251)
Tôi vượt biên
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
- Con chịu đi Mỹ với ba hôn?

 Đó là câu hỏi của ba tôi mà đã in ấn vào ký ức tôi từ hồi còn bé và có lẽ không bao giờ tôi quên được dù ở thời gian nào và hoàn cảnh nào. Tôi còn nhớ rõ ba tôi dẫn tôi ra sau nhà, sát bờ sông Gò công, thật là vắng vẽ. Bầu trời chiều thật là buồn và tỉnh mịch làm cho tôi càng hồi họp thêm. Không biết chuyện gì xảy ra đây. Nhưng tôi biết là quan trọng lắm. Chưa lần nào tôi thấy ba tôi đâm chiêu, nét mặt căng thẳng như lúc nầy.

"Nếu chịu, ba sẽ dẫn con đi Mỹ". Ba tôi khẻ nói

 Tôi từ từ gật đầu nói "chịu".

 Tôi nói chịu là có ý nói rằng chịu theo ba, dù ba dẫn con đi đâu con cũng chịu. Chớ lúc đó tôi có biết Mỹ là gì, ở đâu, cách Việt Nam bao xa? lúc đó tôi còn nhỏ lắm. Nếu tính từ ngày 30-4-75 mà ba tôi thường gọi là tháng tư đen, là ngày sập tiệm, là ngày mất nước, là ngày.gì đó, thì tôi mới được 9 tháng, còn bồng trên tay, chưa đứng vững thì làm sao biết gì là yêu nước, yêu dân như người lớn thường nói. Tôi chỉ biết nước Mỹ theo lời ba tôi nói là ngày tôi sinh ra ở Việt Nam là lúc nước Mỹ đang đốt pháo bông để mừng ngày Quốc Khánh July-4. Việt Nam đi trước 1 ngày nên ngày sanh tôi là ngày July-5, cũng ngày nầy, ba tôi hỏi tôi chịu đi Mỹ hôn?

- Chuyện nầy thật là bí mật và quan trọng, con đừng nói cho ai biết. Ba tôi căn dặn.

Tôi không biết tại sao bí mật, tại sao quan trọng, nhưng tôi tin lời ba tôi, tôi không dám hé môi cho người nào biết cả. Rồi chiều 15-8-86 ba tôi lại dẩn tôi đến bàn thờ tổ tiên đốt nhang váy lại ông bà nội ngoại rồi từ biệt má tôi để đi.

 Trước khi đi, má tôi còn thoa thuốc muổi (cho muổi khỏi đốt) lên đầy mình mẩy, tay chân cho tôi, cũng đúng lúc đó Bác Tám từ xóm dưới Cầu Tàu lên rủ ba tôi đi "uống cà phê." Hai cha con chỉ có vỏn vẹn một bộ đồ đang mặc. Tôi biết từ phía sau má tôi đang lặng nhìn hình bóng hai cha con tôi đi mà không dám nói một lời đưa tiển, không dám khóc, không dám hé môi với một ai. Tôi mới nhận thấy tình mẫu tử thật bao la, vỉ đại. Sự hy sinh thầm kín chỉ có với tình mẹ con mà thôi- cả đời làm sao tôi quên được. Sau ngày tôi đi, được biết đứa em tôi bị bạo bịnh, sốt xuất huyết nặng, phải nằm nhà thương, nhiều người hỏi tôi và ba tôi đâu. Má tôi chỉ nói là đi về nội (Về Trà Vinh). Miệng thì nói về nội, chớ trong lòng má tôi cũng chưa biết hiện chúng tôi đang ở đâu, đang ở vùng biển nào. Lại còn có tiếng đồn chuyến vượt biên bị bể, bị bắt cả đám ở Bến Tre, kêu má tôi đi lảnh tôi về, vì con nít được về nhà sớm. Không biết lúc đó má tôi khổ như thế nào, chỉ cắn răng chịu dựng. Phần tôi, chỉ lẳng lặng theo bước ba tôi không ngoảnh lại để nhìn má tôi lúc đó ra sao- Má tôi chỉ cần kêu khẻ một tiếng Tèo Anh. Tôi sẽ quay đầu lại ôm chầm lấy má tôi mà khóc. Nhưng không, hình như ba tôi đã quyết định bỏ sau lưng hình bóng thương yêu để đi xây dựng một đời mới. Ba tôi đi thẳng không một lần ngoảnh mặt lại nhìn xem má tôi ra sao. Đó là ba tôi cương quyết ra đi hay không dám can đảm ngoảnh mặt lại nhìn. Có lẻ cả hai đều đúng?!.

 Chúng tôi đi ngang Thị xã Gò Công, mọi sinh hoạt bình thường, kẻ qua người lại không khác gì mọi ngày, nhưng dường như ba tôi không ngó qua ngó lại để tránh chào hỏi như mọi khi. Mấy anh Công An mặc áo vàng dường như liếc mắt nghi ngờ mọi người. Im lặng, căng thẳng, chúng tôi lặng lẻ bước đều theo tiếng tim đập. Một anh Công An quen đi sau hỏi : "Đi đâu anh Tám".

-"Cà phê" ba tôi nhanh nhẩu đáp.

Như thường lệ, ba tôi uống cà phê nhiều lần một ngày, hễ có khách đến nhà để đặt làm bình "accu" trước khi làm bình, thì ba tôi lại đãi khách uống cà phê. Có lẻ vì như thường lệ nên không ai nghi ngờ gì.

 Đến một khúc vắng hơn, ba tôi quay ngang hỏi nhỏ bác Tám:

- Anh biết hải bàn và bản đồ hiện giờ ở đâu hôn?

Ngưng một lát bác Tám mới đáp :

- Chắc ông H. đem xuống ghe trước rồi.

Trời xẫm tối, qua khúc quanh nhà thương Gò-Công, số người qua lại lưa thưa hơn. Có lẻ bác Tám đợi đến lúc nầy mới hỏi :

- Dẫn Tèo Anh đi có cho H. biết chưa?

Ba tôi đáp:

- Chưa. Tôi sẽ năn nỉ nó và mọi người. Nếu không cho nó đi thì tôi cũng không đi.

Ngưng thật lâu, ba tôi tiếp :

Trong lá số tử vi của nó chấm hồi mới sanh, năm nay số xuất ngoại của nó tốt lắm.

Chuyến đi của mình là gồm những người quen hùn tiền lại để mua ghe, mua vật liệu để đi, vì tình vì nghĩa chớ không vì tiền như các tổ chức khác, chắc tôi không đi đâu. Còn nói nếu sợ thiếu lương thực thì tôi sẽ nhịn ăn nhịn uống nhường phần tôi cho con tôi - hai cha con tôi chỉ lấy một phần như mọi người thôi.

Bác Tám tỏ ý không vui nhưng đoán rằng nếu phản đối cũng vô hiệu nên im lặng.

Đã đến điểm hẹn, có người dẫn bác Tám và ba tôi đi, người nầy nhìn tôi e ngại như thầm hỏi : Ai đây? Không đợi hỏi, ba tôi đáp : "con tôi, làm ơn." chúng tôi quẹo qua con bờ nhỏ qua một căn nhà lá lụp xụp như đã có nhiều người trong đó.

Một người trong nhà bước ra cửa sau nói thật nhỏ vừa đủ cho chúng tôi nghe : "Đừng vô nhà, ra thẳng phía sau, chờ ở lùm cây sát phía sau sông".

Theo ước hẹn thì còn khoảng 1 giờ nửa thì chúng tôi rời bến. Nhưng đèn pha rọi sáng cả một khúc sông. Có lẻ nhân công khuân vác làm công tác khuân đồ gì đó, chúng tôi chưa nhút nhít gì được cả. Một tiếng đồng hồ sau người dò đường đưa tin rằng : "Tại cửa Tiểu hiện giờ có một chiếc tàu đang đậu để kiểm soát, chúng ta không thể đi được. Đây là một tin sét đánh ngang tai. Mọi dự trù đều là xuất bến từ cửa Tiểu. Tất cả hy vọng của kế hoạch đều phải thay đổi. Chúng tôi phải nằm tại bụi ô rô không nhút nhít thêm một đêm nửa, chờ tin khác.

Sau đó anh em lại quyết định phải đi tắt qua cửa Đại - nếu chần chờ lâu sẽ bể. Chúng tôi được lệnh xuống ghe - chiếc ghe thật nhỏ mà tôi và ba tôi đã từng trét chai cho kín lại trong khi nằm ụ chờ cả tháng trời - chiếc ghe thật quen thuộc với tôi - có một điều lạ hôm nay đông quá, ba tôi nói có 9 người mà bây giờ đông quá tôi không thể đếm hết được. Sau nầy tôi mới biết tất cả gồm 21 người, chiếc ghe được ngụy trang phía trên chở một lớp trấu. Trấu thật một lớp để công an có bắt gặp khỏi nghi ngờ gì cả. Vì đi đường tắt qua con sông nhỏ rất nhiều người, nhiều tai mắt hai bên sông dòm ngó. Ba tôi và tôi cũng bị nhốt dưới hầm - nhiều người nói rằng nếu công an thấy ba tôi là họ biết là vượt biên ngay - hỏi tại sao - vì ba tôi trắng và giống công tử quá; không giống dân đi buôn chút nào, dể bị lộ lắm. Họ cẩn thận như vậy cũng tốt thôi.

 Trong ghe tối đen như mực, không biết đêm hay ngày, chỉ có một bóng đèn bình accu của ba tôi làm đem theo, nhưng chỉ đủ soi sáng một khoản nhỏ cho thấy nhi nhít một số con nít như tôi. Ghe chạy một khoản không biết bao lâu mà cả một hầm người ngộp muốn chết vì thiếu không khí để thở. Mồ hôi tôi tuôn ra như tắm, hơi thở hổn hển. Tôi nghe tiếng ai nất lên như nghẹn, như ngộp hơi tắt thở gì đó - tôi liên tưởng có ai chết ngộp rồi. Vừa ngộp thở vừa sợ bị chết vì thiếu không khí. Tôi ráng chịu đựng, lại khát nước khan cả cổ họng. Tôi ước rằng có ai hí một chút cho không khí vô thì sẽ cứu sống chúng tôi. Tôi biết làm mui hầm nầy không phải ba tôi làm. Vì nếu ba tôi làm thì ít ra cũng có một vài lổ thông không khí để thở, đâu có khó gì đâu. Cả hầm tàu nhốn nháo lên vì sắp hết không khí, lại nghe tiếng văng vẳng phía trên: "Ráng chịu một chút nửa đi qua khỏi chổ nầy bỏ trấu ra được rồi!

Đợi một chút như ? là cả một thế kỷ.

Lại nghe tiếng sột soạt phía trên, có lẻ họ lôi trấu ra quá, cả hầm tàu chờ đợi . Ba tôi nói khi cần mới quý, cái gì hiếm mới quý. chớ bình thường thì mình không xem đó là quý. Hằng ngày tôi chưa bao giờ nghỉ rằng không khí là quý, bởi vì có bao giờ hiếm đâu. Tôi cũng chưa có ý nghĩ là mình phải cần có không khí, vì nó thừa thải. Nó có khắp mọi nơi. Nó tự nhiên mà có. Vậy mà bây giờ mọi người ở dưới hầm tàu gần như chết ngộp, mới thấm thía sự cần thiết của không khí.

 Một luồng không khí tuông vào, thật tươi mát. Ghe chúng tôi đã bỏ mui trấu, cập sát bờ sông nào đó tôi không được rõ, chúng tôi được tự do. Kìa, ba tôi nhìn tôi với một nụ cười trìu mến, vừa an ủi vừa khích lệ tinh thần chịu đựng của tôi - đã không biết bao lâu rồi hai cha con mới nhìn thấy mặt nhau dù ở chung trong một ghe nhỏ xíu. Chưa lúc nào tôi cảm thấy hai cha con khắn khít như thế nầy. Ba tôi lên tiếng: "Con xuống sông tắm một chút xíu đi cho mát." Gần như tất cả những người xuống sông tắm cho mát vì giữa trưa hè oi bức, hơn nữa một thời gian dài ở dưới hầm ghe chật chội, ngột ngạt, dơ bẩn.

Đợi trời tối ghe chúng tôi lại vượt ra biển.

Làm sao để ra tới hải phận quốc tế mà không gặp một trở ngại nào. Muốn vậy phải chạy thật mau, phải nổ một lượt hai máy, một máy dầu và một máy xăng. Ghe chạy hết tốc lực để băng qua đảo Côn Sơn nơi rất nhiều Công An trú phòng canh giử, là trạm chính kiểm soát vượt biên. Nơi đây có nhiều tàu siêu tốc để rượt bắt và có trang bị đầy đủ súng ống để bắn chết những người vượt biên nếu cần. Họ xem nguời vượt biên còn hơn là kẻ thù, hơn nửa, nếu bắt được rất có lợi riêng tư cho họ. Số vàng bạc của cải quí giá dỉ nhiên họ tịch thu làm của riêng. Đó là lý do chánh mà họ tích cực lùng bắt người vượt biên. Chúng tôi biết được điều đó nên cố tránh đảo Côn Sơn nầy. Từ cửa Đại băng ra hải phận quốc tế dỉ nhiên phải qua vùng kiểm soát của đảo Côn Sơn nầy. Mọi người hồi hộ?. Giữa trời tối của biển cả mênh mông. Ánh đèn từ Côn Sơn chiếu sáng một vùng. Ghe chúng tôi cố tránh vùng ánh sáng nầy.

 Nhưng tàu kiểm soát của đảo Côn Sơn thường đâu có nằm tại đảo, ít nhất cũng phải có một vài chiếc nằm rải rát đó đây và tắt đèn để rình chờ con mồi ngon như chúng tôi đến nạp mạng.

 Ghe chúng tôi chạy xa dần, xa dần. Bờ biển Việt Nam hình chữ S mà tôi cố tình tưởng tượng để hình dung ra sao thì giờ nầy chỉ còn lại là một lằn xanh đen của rừng bần hay loại cây dà cây dẹt mọc ở ven biển Gò Công. Rồi lằn xanh đen nầy mờ dần, nhỏ dần rồi không còn thấy nửa. Đó là hình ảnh Việt Nam sau cùng trong trí óc bé thơ của tôi mà có lẻ không bao giờ tôi có dịp để nhìn lại một lần nửa, dù một lần nữa thôi.

 Hú hồn, chúng tôi đã qua đảo Côn Sơn, đảo tử thần nầy hơi xa. Mọi người nhẹ nhỏm, nhưng tất cả mọi người trong khoan ghe lại bị nạn say sóng, ói mữa đầy ghe, có lẻ vì không quen đi biển, vì ghe nhỏ chạy quá mau và ở dưới hầm ghe độ lắc nhiều nhứt. Ba tôi cũng chịu số phận này. Tôi nghe người ói và nôn mửa nhiều lần. Riêng tôi thì rất khó chịu, vừa chóng mặt, nhức đầu lại ói mửa. Nói là ói mửa nhưng có ăn uống gì đâu mà ói, chỉ nôn ọe hơi mà thôi.

 Bụng tôi thật lép xẹp.

 Đã đến hải phận quốc tế. Chúng tôi không còn sợ bị công An Biên Phòng bắt giử nữa. Bổng phía trước chúng tôi một chiếc tàu to xồ xộ, đèn đuốc sáng choang đang đến gần chúng tôi. Chiếc tàu to mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Nếu so với ghe của chúng tôi, thì chiếc tàu này như một cái mái (cái lu) nước và ghe của chúng tôi chỉ bằng chén ăn cơm. Mọi người trên ghe mừng rở như gặp được cứu tin vậy. Nhiều người đứng trên ghe lấy tay vẫy vẫy và chúng tôi được lệnh đứng lên tất cả cho tàu nọ trông thấy. Đèn pha của tàu chiếu thẳng vào chúng tôi, lâu chừng năm phút như là để đếm đầu người vừa người lớn vừa có trẻ con. Chắc chắn là họ biết mình vượt biên rồi. Đèn pha lại tắt và chiếc tàu lại đi xa ra. Chừng mười lăm phút chiếc tàu này lại đến gần một lần nửa- họ có thay đổi ý định gì đây? Trên ghe chúng tôi lại một lần nửa hy vọng - lại kêu cứu bằng cách vẩy tay, đốt lửa cho họ chú ý. Dù không đốt lửa, dù không kêu cứu, chúng tôi tin rằng chiếc tàu này bỏ ống dòm đã thấy chúng tôi quá rỏ rồi. Ghe chúng tôi cố ý chạy đến gần, gần đến độ chúng tôi đã thấy lá cờ trên tàu và có đề chữ là tàu của Liên Sô. Nhiều tiếng la lớn "Tàu Liên Sô, Tàu Liên Sô". Chạy ra xa mau, ghe chúng tôi lại mở hết tốc lực để chạy nửa, vì đã có nhiều ghe vượt biên gặp tàu Liên Sô kéo ngược trở lại Việt Nam. Chúng tôi lại sợ cảnh tréo cẳng ngổng bất hạnh này. Thật tình mà nói tốc lực của tàu và của ghe tôi như là của một chiếc xe hơi và ghe tôi như là người đi bộ thì dù có ráng cách mấy cũng chẳng ăn thua gì. Nếu chiếc tàu Liên Sô muốn bắt chúng tôi thì có thể nói là còn dể hơn mèo lớn bắt chuột con. Có lẽ tàu nầy không tiện ghé Việt Nam hay sợ phiền phức gì đó, chiếc tàu lại đi xa dần, xa dần.

 Lại qua được một đêm trên biển cả. Trời hừng sáng, từng cụm mây trắng đứng yên chờ mặt trời mọc. Chưa cảnh nào đẹp bằng cảnh mặt trời mọc trên biển. Bầu trời và biển cả liền nhau với một màu xanh thật đậm. Hôm nay trời trong, không một ngọn gió. Không có gì che khuất hoặc cản trở tầm nhìn của tôi và mặt trời. Mặt trời tròn và như đã lớn hơn mọi ngày tôi vẫn thường nhìn. Có lẽ vì tương phản giữa màu sắc xanh đỏ với sự phản chiếu khúc xạ ánh sáng chăng? Ghe tôi vẫn đi, xa xa thấy vài chiếc tàu ngoại quốc như một chấm đen trên biển, vì quá xa chúng tôi khó có thể kêu cầu cứu, đành phải tự mình đi. Buổi sáng thì mặt trời đỏ đẹp, nhưng tôi không biết rằng mặt trời đỏ thì báo hiệu một ngày nắng gắt tối đa. Trên ghe không có một tấm màng, tấm vải để che nắng. Nạn khát nước lại hoành hành chúng tôi, không phải là không dự trù nước, nhưng vì ghe đi nhanh quá, các mái lu chứa nước bị nước mặn tạt vào thành mặn tất cả, phải chia nhau từng nấp bi đong đề uống. Kẻ uống nhiều, người uống ít lại gây gổ nhau. Riêng tôi, tự biết thân phận tôi là kẻ đi bám không dám đòi hỏi gì cả, miễn làm cho ba tôi vui là tôi yên tâm rồi. Tôi cũng tự tin mảnh liệt rằng tôi không bao giờ chết vì đói, vì khát cả, nên đành im lặng chịu đựng.

 Trên ghe, nhìn xuống biển sâu. Nước thật trong và xanh. Tôi nhìn thấy rõ từng con cá. Có những con cá thật to, to bằng hoặc hơn chiếc ghe của tôi. Bây giờ nghỉ lại tôi còn sợ, vì nếu một trong những con cá nầy vùng vẫy hay chỉ cần vẫy cái đuôi thôi, cũng đủ làm cho chiếc ghe nhỏ bé của chúng tôi lật úp rồi.

 Hai bên ghe là những con cá vượt sóng thật xinh, màu trắng tung tăng nhảy lên khỏi mặt biển, chuyền từ làn sóng nầy qua làn sóng khác. Với đôi cánh mỏng như là một loài chim biển. Mọi người trên ghe gọi là cá bay. Đúng là cá biết bay.

 Lúc này ghe chạy thật chậm, được biết là một máy lớn bị gãy cây trụ của chân vịt. Nên không còn hoạt động được. Biết qui trách nhiệm cho ai đây. Số mạng mà, còn máy cô-le chạy xăng thì chạy từ từ cũng được, nhưng chỉ có 10 lít xăng thì chạy tới đâu đây. Chắc chắn là chạy không tới đâu hết. Giữa biển cả mà hết nhiên liệu thì chết không ai hay không ai biết, chỗ này ít tàu qua lại nữa.

 Chúng tôi đi một khoảng thì gặp một tàu đánh cá của Việt Nam đề chử Kiên Giang. Tàu quốc danh của Việt Nam thường cũng kéo mấy tàu vượt biên trở lại Việt Nam nửa. Vì cũng có lợi cho họ, vàng bạc của người vượt biên thì họ tóm. Chúng tôi không biết phản ứng thế nào ! Dù sao thì cũng đường cùng, không còn nhiên liệu đễ chạy ghe, hết nước đễ uống, hết lương thực để ăn. Lương thực dự trù thì nhiều, như bánh tét thì vẫn còn, một số thì thiêu, một số thì còn sống vì nấu chưa chín nhưng tất cả bị nước biển tạt vào làm mặn chát làm sao ăn. Có gạo nhưng làm sao nấu cơm, vì gió thổi không thể nhóm lửa được. Ghe đánh cá quốc doanh này, vẩy vẫy tay tỏ vẽ thông cảm, thân thiện. Chúng tôi vẫy tay chào đáp lại, người trên ghe đánh cá biết chúng tôi vượt biên và hỏi chúng tôi có cần gì không ? thì ra bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Không phải tàu đánh cá quốc danh nào cũng ác, cũng muốn lập công hết. Cũng có người tốt người xấu. Nhìn chung mà nhận xét thì người trên ghe này thì được lắm, chúng tôi lại gần, hỏi thăm dò thì người trên ghe nói họ đang đánh cá ở vùng biển gần Mã Lai và Indonesia. Theo lời họ nói thì chúng tôi đã đi ra quá xa - hai người lớn trên ghe chúng tôi sang ghe họ và họ cho nước uống, thức ăn. Nấu một nồi cháo cá thật nhiều. Họ chọ chúng tôi ăn, và chỉ hướng cho chúng tôi đi gần Indonesia hơn. Thật nhớ ơn người tốt bụng đã giúp chúng tôi đoạn đường rất khó khăn nguy hiễm này.

 Đã năm ngày đêm trên biển cả, ban ngày phải chịu ánh nắng như thiêu người ngay trên lằn xích đạo. Da tôi nổi hột phồng vì cháy nắng, vài chổ bị lột, vài chổ đỗi màu sậm đen. Ban đêm thì thật lạnh buốc, không một tấm màng che sương hay chắn gió. Mình mẫy tôi nóng rần, tôi biết tôi bị bịnh, cảm nắng hay cảm sương gì đó mà cơ thể nhỏ bé của tôi không thể chịu đựng nổi. Đôi khi lên cơn sốt, môi tôi khô cứng tôi lên cơn rung lập cập từng chập, mắt tôi mờ, mờ dần và thiếp đi.

 Ba tôi vì ngồi trên mui ghe, đang lái ghe, có lẽ người không hay biết gì về tôi bị bệnh cả. Tôi thiếp đi không biết bao lâu, vì lúc nầy tôi không biết thời gian, không gian là gì nửa.

 Khi tôi tỉnh dậy thì nghe tiếng ồn ào hoảng hốt của người lớn tát nước. Ghe tôi đã bị bễ một miếng ván, nước đã ào ào tuôn vô, khi phát giác thì nước đã vào một phần ghe rồi. Tất cả người lớn phải thay phiên nhau chuyền tay mà tát nước trừ ba tôi và bác Tám ở trên mui vì bận phải lái ghe. Nhiều tiếng thì thầm than vản, nhiều tiếng van vái trời phật cứu độ cùng nhiều tiếng la hét hối thúc mau mau kẻo ghe bị chìm bây giờ. Có tiếng hỏi, có máy bơm nước không? Mau mau bơm nước ra, chớ tát không kịp nước tuông vào, có người hỏi biết ghe bị bễ chổ nào đễ tìm cách chận lỗ đó lại mới được. Đây, đây, chổ này đây, làm sao chận ! Nước chảy vô mạnh quá! Nguy hiểm quá. Đây là cảnh ồn ào nhứt trong thời gian mấy ngày trên biển cả.

 Giữa biển cả trời tối đen như mực, nhưng phía nam chúng tôi hiện ra một chân trời sáng hình như một thành phố ở xa. Mọi người đồng ý lái ghe về phía đó, vệt sáng tận chân trời tỏ dần, sáng dần. Mọi người đều hy vọng đó là một thành phố.

Đến càng gần thì vệt sáng càng rỏ, càng thấy rõ không phải là một thành phố vì cứ cách khoản đều nhau có một ngọn lửa cháy cao, thật cao. Thì ra đây là nơi khai thác mõ dầu hỏa. Các khí đốt thừa bay ra phải đốt liên tục, chúng tôi lại gần xin cầu cứu. Vì an ninh nơi khai thác mỏ dầu họ không cho chúng tôi vào, tất cả mọi người khai thác mỏ dầu ùa nhau ra xem chúng tôi. Có lẽ họ nhận ra chúng tôi là những người vượt biên cần cầu cứu, vì thấy chiếc ghe nhỏ quá nhỏ nếu so với các ghe thường đi biển. Tất cả chúng tôi lại ra đứng lên vẩy tay cầu cứu, có người chụp hình chúng tôi, có người ra dấu hiệu bảo chúng tôi vòng ra phía sau, chúng tôi làm theo. Dòng nước chảy thật gắt, ghe chúng tôi khó mà đi được, với một vận tốc thật chậm chúng tôi cố gắng lắm mà cả tiếng đồng hồ mới cột ghe được vô cột của giàn khoan. Người trên giàn khoan làm hiệu đuổi chúng tôi đi, chúng tôi biết đã bị đuổi, nhưng liều cứ ở lại, vì ban đêm, nước biển chảy xiết thật là nguy hiểm, có người trên ghe chúng tôi nói: "chẳng lẻ họ dám bắn mình sao, đừng sợ, cứ liều tạm neo ở đây đã". Trên giàn khoan dầu, có lẻ biết chúng tôi liều mạng, mặc dù chúng tôi có Bác Sáu người thông ngôn, nói được tiếng Anh, nhưng vì xa quá, tiếng ồn ào của tiếng nước chảy đập vào các cột giàn khoan to quá, lấn lướt cả tiếng người của chúng tôi, làm sao họ nghe được. Khoảng nữa tiếng đồng hồ sau, thì trên giàn khoan dầu thả một thùng đồ ăn cho chúng tôi. Gồm có bánh mì, đồ hộp, lương thực, trên ghe chia nhau ăn. Tôi thấy mà thèm muốn điên lên đuợc, muốn mở miệng xin một miếng, nhưng tôi nhìn thấy ba tôi ứa nước mắt, nước mắt ba tôi chảy dài ra. Tôi biết ba tôi thông cảm cho tâm trạng con nít chịu nhịn đói, nhịn khát mấy ngày trời như tôi mà đồ ăn trước mắt không được ăn - lại phải nhìn người khác ăn trước mặt mình. Tôi lại một lần nữa cam chịu của kẻ đi bám ghe. Vượt biên lậu, nước mắt của ba tôi đủ làm cho tôi qua cơn thèm khát, đủ làm tinh thần nhẩn nhục của tôi càng thêm nhẩn nhục. Nước mắt của ba tôi làm tôi khóc theo, nhưng cũng chỉ tuông trào nước mắt chứ không bật thành tiếng. Tôi mô? lần nửa lại tự an ủi : "mình không thể nào chết đói đâu". Có gặp được hoạn nạn mới biết được chân tình. Cũng như cháy nhà mới ra mặt chuột. Lúc nầy mới biết kẻ nào tham ăn, tham uống quên cả tình người, chứ bình thường ai cũng cho là mình tốt cả. Nếu theo ước hẹn thì ít ra ba tôi và tôi cũng được một phần ăn chớ, hay là nửa phần!

 Qua đêm chúng tôi lại đi, phải đi. Vì người trên giàn khoan làm dử quá. Họ cho biết đây là giàn khoan của Indonesia, chúng tôi đã đi quá xa. Đi được một khoảng nửa thì ghe tôi bị trục tract gì đó không chạy được.

 Có cây chèo hôn, bác Tám tôi hỏi lớn từ trên mui giọng xuống. "Có, có, để tôi kiếm đem lên" có tiếng ai đó ở dưới khoan ghe đáp lại, và người nầy đem cây chèo lên cho ba tôi chèo. Ba tôi nói với bác Tám. "Giữa biển mà chèo cái gì, ăn thua gì đâu, chỉ cầm lái cho khỏi lạc hướng thôi".

 Bác Tám an ủi :

 "Biết phải làm sao hơn, với vận tốc như rùa nầy biết đi đâu được, thôi mình cứ ráng".

 Ba tôi tiếp :

 "Đương nhiên là mình ráng hết sức của mình rồi, nhưng anh biết đây là hải phận của Indonesia, mình phải quay lại thật xa mới đến hải phận của Singapore hay còn xa hơn thế nửa mới tới Malaysia". Anh cũng biết Singapore không nhận thuyền nhân nửa rồi, họ chỉ nhận là các tàu gặp thuyền nhân dọc đường đem về mà thôi". Còn Indonesia, đảo Galang I và II cũng sắp đóng cửa - duy nhất chỉ còn Mã-Lai mà thôi. Mấy hôm rồi mình chạy ghe bằng máy, bây giờ trở ngược lại mà đi bằng chèo tay thế nầy thì mĩa mai quá!

 Ghe bềnh bồng trên biển cả, ba tôi chèo cho có chèo để cho sóng biển khỏi làm ghe nghiêng qua nghiêng lại và để giữ hướng. Nếu không chèo thì chúng tôi lại một lần say sóng nửa quá. Ghe gần như đứng một chổ chờ định mệnh, có thể nói là chờ khi hết lương thực, hết nước uống, rồi chết, từ từ chết từng người, từng người như tôi đã được nghe các ghe khác đã gặp phải. Có ghe họ phải ăn thịt nhau để sống sót.

 Tôi liên tưởng đến ghe của chúng tôi, nếu vài ngày nửa thì sao! Có lẻ lại ăn thịt nhau. Mà chắc người bị làm thịt trước nhất có lẻ là ba tôi quá. Vì trên ghe 21 người ba tôi là người cô đơn nhứt, số còn lại là gia đình và thân nhân quen biết. Sau khi làm thịt ba tôi. người thứ hai không ai khác hơn là tôi. Đó là dỉ nhiên, không thể tránh khỏi cảnh nầy. Tôi đảo mắt nhìn một vòng quanh ghe, ai ai cũng thấy hung dử quá, tôi bổng thấy lo sợ cho cảnh đơn côi, thật nguy hiểm quá. (Sau nầy tôi còn nghe nói họ định thả cha con tôi xuống biển. Điểm nầy cho thấy rằng nỗi lo sợ của tôi cũng không vô lý. Vì rằng ba tôi và Bác Tám biết rằng mình đã đi quá xa nên lén cho ghe hướng về Mã Lai cho mau hơn, nhưng những người trên ghe hiểu lầm rằng ghe còn trong hải phận của Thái Lan và hướng đó là về Việt Nam!)

 Trời thật êm, biển thật lặng, chiếc ghe vẫn như ở chổ cũ. Kinh nghiệm của những người đi biển là họ sợ cảnh lặng êm của biển như lúc nầy. Đó là dấu hiệu sẽ có một cơn bảo hay gió lớn sắp đến. Không bao giờ biển được lặng yên thật lâu. Thời gian lặng yên là chờ đợi cơn gió mới, cơn bão mới. Chiếc ghe nhỏ xíu của chúng tôi có chịu nổi cơn bảo không? Dù là một cơn gió lớn, các ngọn sóng có thể ập chiếc ghe lật úp bất cứ lúc nào. 

 Liếc nhìn về phía ba tôi, với gương mặt điềm tỉnh, tự tin. Với người không có gì là tai biến cả. Làm như có luồng điện truyền sự tự tin và điềm tỉnh từ ba tôi vào lòng tôi. Tôi cảm thấy an ủi và phấn chấn hơn.

 Trước mặt chúng tôi, một chấm đen xuất hiện, đó là chiếc tàu đánh cá từ từ tiến về phía chúng tôi. Hải tặc, vài người trong ghe chúng tôi nói; "Coi chừng hải tặc" làn sóng hải tặc lúc nầy thật khủng khiếp, cướp của, hảm hiếp đàn bà, con gái, kể cả giết người rồi ném xuống biển họ cũng không từ. Đây cũng là tội của người vượt biên đi trước đem theo vàng bạc nhiều quá, chỉ cướp được một ghe thì đủ làm giàu rồi cần gì phải đánh cá cho mệt. Vì vậy từ đó, thay vì đánh cá họ săn mồi tàu vượt biên có lợi cho họ nhiều hơn.

 Chiếc tàu đánh cá càng lại gần. Một người trong chúng tôi nói: "Đúng là nó chỉa mủi ngay vào mình rồi, đúng là hải tặc rồi, làm sao đây?".

 Nếu là hải tặc mình cũng không có cách nào trốn chạy hết. Hơn nửa mình không có vàng bạc, của cải gì cả, cũng không có đàn bà con gái gì, đừng sợ, tôi nghĩ đây là điềm lành chớ không phải điềm dử đâu".

 Điềm lành, ba tôi nói điềm lành.

 Giữa lúc không còn cơ hội để thoát ra vùng biển cả, giữa lúc đứng chờ sự chết thì một tàu khác đến, ít ra cũng đem đến một cái gì để hy vọng hơn, có cơ hội hơn, đó là diềm lành. Chiếc ghe đánh cá biết chúng tôi là những người vượt biên. Kinh nghiệm của họ cho biết và họ đã từng thấy những chiếc tàu như chúng tôi đã đi qua con đướng nầy. Họ là hải tặc. Bình thường thì họ là ghe đánh cá, nhưng khi gặp tàu vượt biên thì họ muốn kiếm ít vàng thì trở thành hải tặc có ai mà biết được. Chiếc ghe đánh cá. Đúng hơn là chiếc ghe câu cá vì trên ghe chúng tôi thấy những sợi dây câu có rất nhiều móc câu. Nếu nói theo Việt Nam thì đó là câu giăng hay giăng câu ngoài biển. Họ còn có lưới. Có lẽ họ vừa lưới vừa câu. Trên ghe chỉ có một người, người cho ghe của họ cặp sát vào ghe của chúng tôi. Nếu so sánh thì ghe nầy lớn gắp 30 lần ghe của chúng tôi và có lẻ giá trị gắp trăm lần, vì họ có trang bị đủ những thiết bị cần thiết. Người đàn ông có nước da thật sậm vì suốt ngày ở ngoài khơi phơi nắng, bắp thịt rắn chắc như lực sĩ vì suốt ngày phải dùng sức lực của bắp tay. Ông ta ra hiệu cho một người của chúng tôi, anh ta lặp lại chỉ một người của chúng tôi lên ghe của chúng để thương lượng.

 Tôi còn nhớ rỏ chú Hùng, người tương đối lực lưỡng nhất trong chúng tôi. Rất xứng đáng với tên Hùng vì người rất anh hùng, đại diện ghe của chúng tôi. Sau vài giây để đưa mắt đảo qua một vòng như để tham khảo ý kiến, như để đo lường sự thành bại của quyết định nầy, anh nhanh chân nhảy qua ghe của địch thủ. Chúng tôi gọi là ghe của đối phương thì đúng hơn, vì chúng tôi chưa phân biệt là bạn hay thù. Kẻ đối diện với mình là người tốt hay xấu. Sau khi chú Hùng vừa bước qua ghe của họ thì lập tức họ cho chiếc ghe nầy chạy một vòng để đủ thời gian thương lượng, đủ thời gian để mọi người trên ghe của chúng tôi hồi hộp, hú vía lo cho số phận của chú Hùng không biết phải ra sao. Vì như là một con tin, như là một miếng mồi để câu cá, hay nói đúng hơn chúng tôi như là lá bài "bị thiệp" họ có tố bao nhiêu cũng được, bắt chẹt gì cũng được.

 Một lần nữa chiếc ghe đánh cá lại cặp sát ghe của chúng tôi. Chú Hùng bước nhanh qua ghe của chúng tôi, với vẻ nghiêm trọng chú nói: "Nó đòi phải đem hết tất cả vàng vòng của chúng ta cho nó, rồi nó sẽ chở mình về Mã Lay." Mọi người nhìn nhau ái ngại. Một người nói: "Dù sao, ghe mình cũng đâu còn đi đâu được." Một người khác tiếp: "Mình phải theo thôi, hết đường lựa chọn." Sau đó tự động mỗi người lột nhẫn của mình đưa cho chú Hùng và trao cho anh Mã Lay nầy. Sau khi lục soát xem có gì còn quý giá đáng để lấy nửa không, anh Mã Lay nầy ra hiệu cho mọi người qua ghe của anh ta. Chúng tôi thật hết sức lực, cả thể xác lẩn tinh thần, người nào cũng uể oải, chẩm rải đứng lên từ từ bước qua ghe của đối phương. Như là không nở rời chiếc ghe thân yêu của mình. Như là không muốn qua ghe khác là ghe của định mạng mới, rồi không biết sẽ đưa số mạng mình đi về đâu? Cuối cùng rồi mọi người đều qua được chiếc ghe "Mới" nầy. Ghe mới, định mạng mới. Một thay đổi lớn mới. Không ai nói với ai nhưng cùng một động tác vẫy tay chào tạm biệt chiếc ghe thân thương, đã hết lòng che chở cho chúng tôi qua những đoạn đường dài nhiều kỷ niệm và đầy nguy hiểm.

 Anh Mã Lai chạy ghe xa ra, lấy trớn chạy tới ủi thật mạnh vào chiếc ghe nhỏ bé của chúng tôi. Một lần rồi hai lần như để cho chắc ăn thì chiếc ghe nhỏ xíu mong manh của chúng tôi đã bể tan, nước vô và từ từ chìm xuống biển.

 Tất cả chúng tôi, 21 người đều xúc động trước cảnh giả biệt của chiếc ghe thân thương nầy. Tôi thầm nói: "Giã từ nhe! người bạn thân mến. Cảm ơn một lần nữa đã giúp đỡ chúng tôi." Tôi đưa tay vẫy vẫy lần chót. Vĩnh biệt! Chiếc ghe ở phút cuối cùng còn cố sức ngõng chiếc mũi lên để giả biệt như là ngầm nói: "Tôi đã làm tròn sứ mạng, vĩnh biệt những người thân thương." Nếu nói theo ông Trạng Trình thì dù là đồ vật cũng có số mạng của nó. Như là chiếc quạt cũng có số mạng, thì chiếc ghe thân thương của chúng tôi cũng phải có số mạng chớ?! Sau khi hoàn thành sứ mạng đưa người vượt biên, dù là cố hết sức, nhưng chỉ đưa được, đúng hơn là chuyển giao được số người thành tâm để qua tàu khác. Chiếc ghe hy sinh, bị vỡ tan tành và chìm dưới đại dương để cho có lý do mà người Mã Lai phải báo cáo lại: "Khẩn cấp, cứu nguy." Số mạng của chiếc ghe đau thương quá!

 Nước mắt tôi không sao cầm được, nó tuôn chảy như thương tiếc người bạn cùng đường, cùng chia sẻ hoạn nạn mà nay đành hy sinh thân mình, như Lê Lai liều mình cứu chúa. Như người tớ trung thành bỏ mạng để chủ được bình yên. Tôi nghỉ những người khác cũng đều thương tiếc, nhưng không giống tâm trạng của tôi. Riêng tôi và chiếc ghe nầy cùng nhau khắng khít từ khi còn nằm u ?#273;ể chờ ngày lên đường. Tôi được lệnh phải canh giữ và cùng ba tôi trét chai cho khỏi bị rỉ nước. Sự tan tành của chiếc ghe là ngoài sức tưởng tượng của tôi, ngoài ý nghĩ non nớt của tôi. Lúc bấy giờ tôi chỉ có ý nghĩ là một sự mất mát. Một sự vĩnh biệt. Thương tiếc. Tôi khóc.

Chiếc ghe Mã Lai nầy quay mũi ngược lại với hướng của chúng tôi đã đi. Có lẽ là chúng tôi đã đi quá xa. Quay lại hướng 0 độ mà với vận tốc thật nhanh. Nhanh hơn không biết bao nhiêu lần vận tốc của ghe chúng tôi mà phải chạy suốt 16 tiếng đồng hồ để cặp bến Mã Lai. Tôi không còn nhớ rõ nơi nào của Mã Lai, nhưng tôi biết chắc chắn rằng là ở tận miền nam của Mã Lai; vì sau đó, sau khi làm thủ tục, cho chúng tôi một ít thực phẩm thì họ đưa chúng tôi lên xe bus, chạy tiếp tục lên hướng Bắc của Mã Lay. Khoảng 18 tiếng đồng hồ chạy suốt nửa để đến trại chuyển tiếp trước khi vào đảo Bi-Đông.

Người đánh cá Mã Lai dẫn chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ. Họ nói với nhau bằng tiếng địa phương. Có lẻ là tiếng thổ ngữ Mã Lai vì tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng tôi đoán là người đánh cá nầy nói lại, hay báo cáo là ghe chúng tôi đã hết lương thực. Ghe bị hư máy và vô nước sắp chìm, may mà gặp anh ta đem vô đất liền để tỵ nạn. Lúc bấy giờ là tàu vượt biên hằng ngày, người Việt Nam hằng ngày đến tỵ nạn tại Mã Lai cho nên ai ai cũng biết. Người dân làng Mã Lai thật tốt bụng. Biết chúng tôi đói và khát. Họ đem đến cho chúng tôi nào bánh mì ngọt, nước trái cây đựng trong hộp giấy. Lần đầu tiên trong đời tôi được trông thấy và thưởng thức nước trái cây đựng trong hộp giấy! Thật là ngon tuyệt. Bánh mì thật xốp, vừa đủ ngọt, thật là ngon miệng sau 8 ngày đêm đói khát trên biển cả.

Đứng sắp hàng để ghi tên làm thủ tục mà hai chân tôi như mất điều khiển, có lẻ vì lâu ngày không được đứng. Hai mắt tôi làm như oa lên, nhìn vật gì cũng xoay tròn, mọi vật đều xoay tròn trước mắt tôi. Có lẻ là từ trên ghe lâu ngày say sóng, rồi quen dần ở trên ghe đã hết say sóng thì bây giờ lại say đất!? Tôi hỏi mọi người chung quanh thì biết là họ cùng một cảm nhận say sóng như tôi. Bây giờ, lớn lên tôi mới hiểu là trong cơ thể con người có cơ quan làm thăng bằng để mắt, tai cân bằng với độ nghiêng qua nghiêng lại. Nó cần một thời gian để quen với ngoại cảnh mới thích ứng được.

Sau khi tịch thu hải bàn và một số đồ vật, có lẽ là họ tham lam hay là để dễ nói với cấp trên là ghe Việt Nam nầy thiếu phương tiện đi biển cần sự giúp đỡ, họ đã gọi một xe bus thật lớn để di chuyển chúng tôi về trại chuyển tiếp. theo tôi chiếc xe bus nầy là quá khang trang, quá mới mẻ, và quá rộng rãi đối với kiến thức của tôi, một người Việt Nam ở quê chưa từng đi, chưa từng thấy phương tiện di chuyển tân tiến như vậy.

Chiếc xe bus đi thật mau, chạy trên đường siêu tốc, không gặp ngã tư hay ngã ba cảng trở, có khi phải chui qua núi thật lâu, có khi phải chui vào đường hầm nhắm hướng Bắc mà chạy. Chắc chắn là chạy từ miền nam của Mã Lay lên hướng bắc để đến trại chuyển tiếp trước khi qua đảo Bi Đông.

Tại trại chuyển tiếp, ba tôi gặp được người quen từ đảo Bi Đông qua để đi tỵ nạn. Ba tôi nhờ người nầy đánh điện tín cho người nhà tôi ở Việt Nam hay rằng tôi và ba tôi đã đến được đất liền và tỵ nạn. Chúng tôi được những người Tỵ Nạn đến trước hướng dẫn, phát cho mỗi chúng tôi một gói mì ăn liền. Chúng tôi cũng được cho mượn mỗi người mùng và chiếu để ngủ một đêm trước khi đi qua đảo Bi Đông.

Tập họp, chúng tôi lần lượt nghe tên mình trong danh sách để đi qua đảo Bi Đông. Đi bằng chiếc tàu nhỏ thật dễ thương. Đầy đủ tiện nghi với 24 chỗ ngồi thật khang trang. Vượt sóng, trực chỉ Bi Đông với một tốc độ nhanh như xe hơi chạy trên đất liền. Tôi thầm nói rằng, nếu mà vượt biên được như chiếc tàu nầy thì sướng biết mấy. Nhưng nếu sướng quá như vậy thì có lẻ ai ai cũng vượt biên. Như vậy vượt biên đâu còn giá trị gì nửa. Có khó có hiếm mới quý mà!

Đảo Bi Đông, từ xa xa đã thấy bóng người chi chít. Còn hơn 7 ngàn người Tỵ Nạn trên một đảo nhỏ với những rặng dừa thật cao. Những cây dừa ốm tong teo cao vút, thỉnh thoảng mới thấy một trái dừa. Gần bãi biển, dưới một góc dừa, ai đó đã xây một tượng bằng xi măng hình một cụ già ôm đứa cháu ngoại thật cảm động. Câu chuyện của một chiếc tàu vượt biên, trên biển cả đã bị chết gần hết, khi lên đất liền chỉ còn có hai ông cháu. Đứa cháu bị bệnh nặng, vì đói, kiệt sức vì lâu ngày trên biển cả. Ông cụ ôm người cháu đến khi tàn hơi. Đau khổ vì đứa cháu chết trong vòng tay mình, ông cụ đang nín lặng ngồi dưới gốc dừa, thì chẳng may từ trên cao một trái dừa định mạng rớt ngay vào đầu ông để tiễn đưa hồn ông về với cháu. Người ở đảo thường nói: Vượt biên có số, định cư có phần.

Đảo Bi Đông, số người thật đông, nhưng số chuột cũng không kém người.

Đảo Bi Đông, một xã hội nhỏ, một nước Việt Nam thu hẹp. Cũng có đủ hạng người từ tốt đến xấu. Cũng có chùa chiền, phật tử thật đông. Cũng có nhà thờ, con chiên thật tấp nập. Từ nhà thương, trường học đều chật nít bệnh nhân cũng như học trò. Những người vượt biên có số nhưng định cư không có phần thì cũng chiếm một diện tích khá lớn đối với hòn đảo khá nhỏ nầy. Đó là những người định cư vĩnh viễn trên hòn đảo Bi Đông, Số mạng hẩm hiu của họ được định sẵn và được danh dự mang tên "Nghĩa Trang Của Những Người Tìm Tự Do". Thật ra một số đã tử nạn trên biển cả để tìm đường tự do và một số khác vì bệnh hoạn không thoát khỏi vòng tay của tử thần, đã lìa trần trên hòn đảo định mạng nầy. Hằng năm một số đã được lấy cốt, một số mồ hoang thì có lẻ vĩnh viễn vô thừa nhận và sẽ chôn vùi theo năm tháng.

Chúng tôi vượt biên đến đảo nầy là lúc có chương trình sẽ đóng cửa đảo. Lúc đó với tuổi non nớt của tôi chưa hiểu đóng cửa đảo là gì. Đảo làm gì có cửa mà đóng và làm sao để đóng cửa. Sự ngô nghê và thắc mắc của tôi mãi nhiều năm sau vẫn chưa thỏa mãn, vì số người ở đảo vẩn tăng mặc dù không còn nhận người nào vào đảo nửa ? Tại sao? Bây giờ tôi mới nhận thật ra rằng Đảo đúng là một xã hội. Nghĩa là có tử thì cũng có sanh và hằng tuần tại nhà thờ có không biết bao nhiêu cặp đã làm đám cưới. Họ ghép hồ sơ, làm lại hồ sơ. Thêm người, bớt người. Làm khai sanh, hôn thú, thật là một xã hội, một xã hội phức tạp.

Không lúc nào tôi nhớ nhà hơn lúc nầy. Má tôi, hai chị và một đứa em trai không biết lúc nầy đang làm gì. Những người ở đảo thường kể rằng : "Có những người vượt biên trước thì vợ con họ vượt biên sau, vài tháng sau thì họ đoàn tụ tại đảo nầy." Tôi cũng hy vọng rằng má tôi sẽ vượt biên theo sau. Mỗi lần có tàu nào câ? bến để tỵ nạn, tôi đều đến để thăm hỏi, để mong sao gặp được má tôi. Tôi tưởng tượng rằng khi gặp lại người, từ xa tôi sẽ chạy lại ôm thật chặt mà òa lên khóc. Má tôi, người tôi mong đợi, thương nhớ cứ ở quanh quẩn đâu đây. Trong giấc ngủ nào tôi cũng đều thấy má, khi tỉnh giấc, tôi không muốn thức dậy. Tôi muốn trở về với chiêm bao, và tôi muốn chiêm bao là sự thật.

Nếu có phép màu nào làm ngược lại thời gian, và hỏi tôi rằng tôi có muốn vượt biên hay không. Tôi thành thật trả lời rằng : "Tôi sẽ ở lại với má tôi." Tại sao? Vì vượt biên khó quá. Họ đã chết từ từ từ bờ biển Việt Nam. Có tàu khi ra đi là 120 người, khi đến đảo chỉ còn 20 người. Chú chín, người ở chung nhà với tôi, đầu cạo trọc vì chú van vái rằng khi nào đến được đất liền thì chú sẽ cạo đầu ăn chay, chú cho tôi biết trong tàu của chú khi ra đi là 85 người, nhưng hơn 40 ngày lênh đênh trên biển ca,?khi đến đảo chỉ còn có 4 người sống sót nhờ ăn thịt nhau mà sống. Phái đoàn Mỹ đã điều tra từng người và kết quả sự thật là thế. Bốn người nầy vẫn chưa được đi Mỹ dù họ đã ở 3 năm rồi? Chú đoán rằng có lẽ phái đoàn Mỹ cho rằng 4 người nầy dã man quá! Dám ăn thịt người. Thật ra không phải chỉ 4 người nầy, mà còn rất nhiều tàu họ phải ăn thịt nhau để sống.

Chú Năm, người mà ở đảo gọi là người giàu nhất. Họ kể rằng trên tàu của chú có hơn 100 ngườì, khi đến đảo thì chỉ còn lại một mình chú mà thôi với 2 túi xách đầy vàng, gồm vàng lá, vàng thẻ và cả hột xoàn, cùng các nữ trang hơn 100 ký. Dĩ nhiên chú xách một mình không nổi. Phái đoàn điều tra thấy trên tàu còn mấy khẩu súng, mấy viên đạn bắn ra cách đây không lâu, nghi ngờ rằng chú đã bắn chết các người cùng tàu, rồi cướp của. Họ đã bắt nhốt chú hơn 6 tháng trời mới thả ra. Hiện chú như người mất hồn, nửa khờ, nửa tỉnh. Chú thân mật kể với tôi rằng, số vàng nầy phái đoàn Liên Hiệp Quốc giữ đến khi nào chú được định cư mới trả lại cho chú. Chú còn cho biết còn một số vàng lá nhiều hơn số vàng nầy và chú đã chôn nó ở một bãi biển cách đây khoản 1 tiếng đồng hồ chạy ghe. Chú nói tôi còn nhỏ, dễ thương, giống con của chú đã chết trên chuyến vượt biên nầy. Chú thành thật hỏi tôi khi qua Mỹ ở đâu? khi nào chú định cư sẽ tìm tôi và hứa chắc chắn sẽ cho tôi một số vàng để làm vốn. Chú tâm sự rằng người nào cũng cho rằng chú ác. Thật ra mấy cây súng còn khét mùi khói đạn vì mọi người trên ghe phải chống trả lại với bọn cướp. Một cuộc ác chiến quyết sanh tử sống còn giữa người vượt biên và bọn hải tặc. Nếu chú bắn chết người trên tàu , tại sao bắn luôn đứa con của chú!? Chú hỏi có tin chú hôn, tôi trả lời , tôi tin chú lắm. Chú ôm tôi, khóc nức nở, chú nói, chỉ còn một mình con tin là đủ rồi. Tôi sợ quá. Chú đã nổi cơn điên. Gọi tôi bằng con và còn khóc như con nít!

"Mười phần chết bảy còn ba

Chết hai còn một mới ra thái bình."

Câu nầy không biết bắt nguồn từ đâu, và sẽ đúng vào trường hợp nào? Còn tôi biết thì vượt biên, người Việt Nam đã hy sinh nhiều quá.

Tôi muốn kể sự khó khăn của người tỵ nạn ở trên đảo. Từ thiếu thức ăn phải ra biển câu cá. nếu cảnh sát Mã Lai bắt gặp thì bị đánh đập tàn nhẫn. Họ phát gạo để nấu cơm, nhưng không cho lên rừng để đốn cũi. Những người đi đốn củi lậu chẳng may gặp cảnh sát Mã Lai thì ăn đòn bầm mình. Nói đến cảnh sát Mã Lai, người đen thui, sắc mặc lúc nào cũng đầy sát khí. Trên tay không rời cây dùi cui, sẵn sàng bổ trên đầu những người nào mà họ không thích. Không cần lý do, vì lý do thì là họ tự tạo. Như là trên đường đi tắm biển, trên đường đi câu cá, trên đường đi đốn cũi....Thật ra trên đường thì ai ai cũng có thể là nạn nhân bất cứ lúc nào. Ai mà không đi trên đường.!

Vì khuôn khổ có hạn, tôi muốn kể lại thật nhiều, nhưng mục đích chánh chỉ là gợi lại kỷ niệm của chiếc ghe nhỏ mà ba tôi và tôi phải chịu oan tình trên chuyến hành trình 8 ngày đêm đói khát. Mong sao 21 người trên chuyến ghe định mạng nầy đã định cư, dù ở Mỹ, ở Úc hay ở đâu cũng được may mắn và thành công như sở nguyện.

Tèo Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn