BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73178)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bắt chước chưa hẳn đã xấu

23 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 1018)
Bắt chước chưa hẳn đã xấu
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
(Vài suy nghĩ sau bài viết “Can Chinese Model be replicated?” của Nhân dân Nhật báo online[1])

Trong ngôn ngữ Việt Nam, từ “bắt chước” hay “học mót” (sau đây xin gọi chung là “bắt chước”) thường được dùng để chê bai một đối tượng áp dụng những kỹ năng, kiến thức của người khác một cách máy móc hay không có hệ thống. Nhưng, trên thực tế, để xác định rõ việc áp dụng đó có “máy móc” hay “không có hệ thống” và mức độ của nó đến mức nào luôn là việc không hoàn toàn dễ dàng. Vả lại, trong nghĩa nguyên thủy, từ “bắt chước” hay “học mót” đã mang một ý nghĩa tích cực là học lại từ người khác. Xét từ cuộc sống và các nghiên cứu khoa học hiện tại, khả năng học lại từ môi trường xung quanh hay khả năng bắt chước từ các các đối tượng khách quan khác là một đặc tính cơ bản không chỉ có ý nghĩa sống còn mà còn là nhân tố cho sự phát triển của giới động vật nói chung và loài người nói riêng. Đối với thế giới loài người việc học lại của nhau, bắt chước nhau từ phạm vi giữa các cá nhân cho đến các tổ chức hay các quốc gia, dân tộc là điều đã quá rõ ràng không cần phải chứng minh. Do đó “bắt chước” không phải là một đặc tính cá biệt của cá nhân nào, dân tộc nào và cũng không thể cấm được tuyệt đối người khác “bắt chước” (ngay như các luật về bản quyền tác giả hay các phát minh khoa học cũng chỉ có thời hạn nhất định).

Do đó một sự chê bai bằng từ “bắt chước” chưa thể nói lên người bị chê bai có thực sự là kém cỏi hay không. Vấn đề quan trọng hơn và là điều chính yếu là sự “bắt chước” đó đã mang lại những lợi ích gì hay hậu quả gì cho cá nhân, tổ chức hay quốc gia, dân tộc. Nếu lợi ích cá nhân, lợi ích dân tộc được củng cố và phát triển thì dù có bị chê là “bắt chước” hay bị dèm pha như thế nào chăng nữa chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn được khen là “sáng tạo”, “đổi mới” nhưng kết quả thực tế lại ngược lại. Và điều cần nói hơn nữa là một cá nhân được toàn quyền quyết định “bắt chước” hay không “bắt chước” điều gì trong cuộc sống cá nhân, thì không một cá nhân hay tổ chức đảng phải nào được toàn quyền quyết định “bắt chước” hay không “bắt chước” bất kỳ vấn đề gì cho chính sách quốc gia hay mô hình phát triển cho dân tộc.

Tinh thần dân tộc thường rất dễ bị tổn thương khi bị nhận xét là “bắt chước”, “sao chép” hay “phải biết ơn”. Nhưng nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ cảm thấy vui vì một câu chê như thế không thể hạ thấp được danh dự hay thực lực của chúng ta mà đó là cơ hội để hiểu rõ hơn sự tử tế, sự chân thành của “đối tác” (hay “đồng chí”) và là lời nhắc để xem lại những điều học hỏi hay không học hỏi của dân tộc trong thời gian đã qua có đúng đắn, có lợi và có được chấp nhận của dân chúng hay không? Chẳng phải lịch sử Việt Nam cận đại đã cho thấy dân tộc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển khi người cầm quyền từ chối “bắt chước” người ngoài hay đã phải chịu nhiều sai lầm khi người cầm quyền dứt khoát “học” theo các “nước anh em”?

Tập trung vào việc xem lại những gì cần học hỏi (kể cả từ người phê phán, xúc phạm mình) hay không cần học có lẽ sẽ có lợi hơn thay vì tự ái hay cố tìm cách để chứng minh chúng ta đã “không bắt chước”. Mang điều tệ hại cho dân tộc rõ ràng là có lỗi lớn. Nhưng, lảng tránh hay cấm “bắt chước” điều có lợi cho dân tộc cũng không ít lỗi hơn.

23/09/2009

Phạm Hồng Sơn

Theo talawas blog


[1] Bài viết không có tác giả trên cơ quan ngôn luận online phiên bản tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được nhiều website Việt Nam dịch ra tiếng Việt: “Liệu hình mẫu Trung Quốc có thể được lặp lại hay không?” (Thông Luận), “Hình mẫu Trung Hoa có thể sao chép được không?” (Bauxite Việt Nam), “Bắc Kinh khen Hà Nội ‘bắt chước giỏi’”, “Phải ‘thực sự nhớ ơn mô hình Trung Quốc’“ (Người Việt)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn