BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cô Phạm Thanh Nghiên tường trình chuyến thăm viếng các nạn nhân đánh cá bị Trung Quốc sát hại tại vùng biển Việt Nam

17 Tháng Ba 200812:00 SA(Xem: 627)
Cô Phạm Thanh Nghiên tường trình chuyến thăm viếng các nạn nhân đánh cá bị Trung Quốc sát hại tại vùng biển Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tải xuống để nghe

Hoàng Hà: Kính thưa quí thính giả, sự việc chính quyền Việt Nam im hơi lặng tiếng trước những hành động trắng trợn xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều tháng qua đã làm cho toàn dân phẫn nộ. Điều này đã làm nhiều người nhớ tới thảm cảnh cách đây 3 năm, khi tàu của Trung Quốc bắn vào tàu đánh cá của Việt Nam làm chết 8 người và một số người khác bị thương mà nhà cầm quyền VN vẫn im lặng không dám lên tiếng phản đối một cách mạnh mẽ. Báo chí dưới sự chỉ đạo của CSVN đã không dám thực hiện những phóng sự làm sáng tỏ vấn đề này. Cho đến nay nhiều bạn trẻ ray rứt đã đích thân tới Thanh Hóa để tìm hiểu sự thật và chia sẻ niềm đau của các gia đình nạn nhân. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin mời Quí thính giả theo dõi lời tường thuật của cô Phạm Thanh Nghiên, một trong những người đã tham gia chuyến đi này.

Xin chào cô PTN, xin mời Cô lên tiếng chào quí thính giả của đài.

Phạm Thanh Nghiên: Xin kính chào quí thính giả của đài Chân Trời Mới và chào anh Hoàng Hà.

Hoàng Hà: Trước hết xin cô có đôi lời giới thiệu về cô ạ!

 



Phạm Thanh Nghiên

: Tôi là PTN, đang sinh sống ở Hải Phòng, sinh năm 1977, tôi là một trong những người đã ký tên vào khối 8406, tôi là thành viên của khối 8406 từ tháng 9, năm 2007.

Hoàng Hà: Xin Cô cho biết Cô đi thăm những gia đình ở Thanh Hóa vào lúc nào?

Phạm Thanh Nghiên: Thưa tôi đã đi thăm viếng các ngư phủ, các nạn nhân Thanh Hóa của vụ việc 3 năm về trước, vào tháng 3/2008.

Hoàng Hà: Xin cho biết động cơ nào thúc đẩy Cô thực hiện chuyến đi này?

Phạm Thanh Nghiên: Như lời giới thiệu của anh, chúng ta đã biết rồi, những hành động thù nghịch công khai của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với dân tộc VN đã quá rõ ràng. Và từ việc họ tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược đối với dân tộc ta từ tháng 2/1979 cho đến những hành động gần đây, đặc biệt là việc họ tuyên bố xây dựng cơ quan hành chính Tam Sa, để trực tiếp quản lý 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN, cùng với hàng loạt tội ác mà họ đã thực hiện đối với ngư dân của chúng ta trên Vịnh Bắc Bộ. Qua vụ việc tháng 1/2005 đối với ngư dân Thanh Hóa, họ đã tấn công và bắn giết làm 8 người chết và 2 người bị thương. Từ sự việc đó tôi đã thực hiện chuyến đi Thanh Hóa để tìm hiểu sự thật và muốn chia sẻ tấm lòng của chúng tôi dành cho họ, đặc biệt về tinh thần. Tôi thấy rằng thay vì công khai làm rõ những hành động của chính quyền cộng sản Trung Quốc thì bên phía chính quyền cộng sản Việt Nam che đậy, bưng bít mọi sự việc và không muốn cho người dân biết điều đó. Câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc còn lấn tới đâu, nếu chính quyền Việt Nam còn tiếp tục im lặng, che giấu sự thật mãi như vậy. Là một thanh niên biết được vấn đề đó thì chúng ta, không riêng gì cá nhân tôi hay là người bạn đồng hành của tôi, có đi trong chuyến đi vừa rồi, trách nhiệm của chúng ta là phải lên tiếng, nói lên sự thật. Với sự mong muốn như vậy chúng tôi đã thực hiện chuyến viếng thăm để tìm hiểu vụ việc xảy ra trong tháng 1/2005.

Hoàng Hà: Xin cô cho biết tình hình chung của các gia đình nạn nhân ra sao?

Phạm Thanh Nghiên: Xin bổ xung thêm câu hỏi của anh Hà vừa rồi về động cơ. Tôi cũng muốn nói với những gia đình nạn nhân và những người sống sót trở về. Chúng tôi muốn chuyển tới họ một thông điệp rằng: Họ hãy nói lên sự thật vì chỉ có sự thật và lòng dũng cảm mới chiến thắng được tội ác, vì thế mà tôi mới thực hiện chuyến đi.

Anh HH vừa hỏi tới gia đình của họ hiện nay, cuộc sống của họ rất là khó khăn. Như những hình ảnh mà tôi đã đưa lên mạng thì chúng ta cũng có thể hình dung những khó khăn của họ như thế nào. Tôi cũng muốn nói thêm và nhấn mạnh thêm một điều. Quả như tôi đã dự đoán, sau khi tôi đã cho phổ biến bài viết của tôi, rất có thể sau khi tôi tìm hiểu sự thật, họ sẽ bị chính quyền gây khó khăn. Tôi cũng đã liên lạc với họ qua điện thoại thì tôi cũng được biết - cụ thể là gia đình ông Lê Quang Tín, bố của nạn nhân Lê Quang Trọng, công an đã tới nhà và hỏi. Và vừa rồi sáng nay tôi cũng có điện thoại cho bà Lê Thị Tâm là mẹ của cậu Nguyễn Phú Biên là nạn nhân trẻ nhất mới có 20 tuổi. Bà cho biết cách đây 5 ngày công an tới nhà bà. Bà có hỏi: "Các anh là ai? Các anh ở đâu đến?".

Họ nói: "Chúng tôi là ai, chúng tôi từ đâu tới, không mắc mớ gì tới bà cả".

Đó là một hành động rất là xấc xược, khi họ tới nhà dân và bị chủ nhà hỏi mà họ trả lời như vậy. Mục đích của chuyến đi đó để mà hỏi xem chúng tôi đến với mục đích như thế nào, tên tuổi như thế nào và có để lại số điện thoại không. Nói chung là họ điều tra như điều tra tội phạm, tôi khẳng định như vậy.

Bà Lê Thị Tâm trả lời: "Họ chỉ tới để thắp nhang cho con trai tôi thôi".

Thật sự chúng tôi tới để động viên, để hỏi thăm sức khỏe và để thắp nhang cho cậu Biên, đúng như lời bà Tâm nói. Chúng tôi không có gì làm quá để chính quyền lo ngại. Tôi khẳng định họ lo ngại là vì họ sợ sự thật. Còn những gia đình khác thì tôi chưa liên hệ được, xem họ như thế nào, còn đời sống thì rất là khó khăn. Trong đó tôi biết là anh Thảo có chị vợ lao động nước ngoài, lao động ở Đài loan, chưa về mà gia đình rất là khó khăn. Đó là một trong những người sống sót trở về. Họ cho biết họ không còn dám đi đánh bắt xa bờ nữa, mà chỉ dám làm thuê trên bờ. Thứ hai, họ chỉ còn đánh bắt ở vùng ven biển thôi, không dám đi xa, vì họ lo sợ sự đe dọa của Trung Quốc, họ sợ cho tính mạng của họ.

Hoàng Hà: Nhìn lại thảm trạng vừa qua thì gia đình của các nạn nhân có những nhận định ra sao về hành động của Trung Quốc và phản ứng của chính quyền Việt Nam như thế nào?

Phạm Thanh Nghiên: Về thảm cảnh vừa rồi, tất cả những gia đình mà tôi đã được gặp, cả những cá nhân trở về lẫn thân nhân của các nạn nhân đều khẳng định một điều rằng việc làm của TQ là một tội ác, và hoàn toàn phi lý là người nhà của họ chết oan. Họ cũng rất ngạc nhiên là vì sao chính quyền Việt Nam lại không giải quyết vụ việc này trong khi, như ghi chép của tôi, họ cũng muốn làm một cái đơn tập thể, muốn chính quyền TQ chịu trách nhiệm về những gì mà họ gây ra. Thế nhưng chính quyền VN không những không giúp đỡ họ mà còn có thái độ ngăn cản. Điều này tôi đã nhận thấy sự e dè khi tôi trao đổi với họ. Những người mạnh mẽ hơn thì họ nói thế, những người còn lại không dám nói là chính quyền, mà nói rằng đó chẳng qua là điều không muốn. Chính quyền cũng có nói là không nên làm gì cả. Tức là phía chính quyền VN khuyên họ không nên làm gì cả, không làm gì được đâu. Không có sự hướng dẫn hay trợ giúp gì cho họ cả mà họ cũng phải chấp nhận. Vì họ cũng nói thẳng một điều rằng, họ biết là họ đúng nhưng vì trình độ họ có hạn, rồi 1001 nỗi sợ nên họ không dám làm gì mà lẽ ra họ phải làm và chính quyền phải làm. Những gia đình khác mạnh mẽ hơn, họ thấy chính quyền làm như thế là không giúp đỡ họ. Không lên tiếng là một điều sai lầm. Họ rất bức xúc. Qua trao đổi với họ, họ vẫn muốn có sự giúp đỡ từ chính quyền. Họ muốn mọi người quan tâm đến vụ việc của gia đình và con em họ.

Hoàng Hà: Cô có cơ hội gặp gỡ những nạn nhân. Cô có thể cho biết thêm về những nạn nhân bị bắt về TQ suốt một tháng trời để điều tra. Tình trạng điều tra của chính quyền TQ đối với họ như thế nào?

Phạm Thanh Nghiên: Khi họ trực tiếp kể chuyện với tôi, một hai ngày đầu công an TQ đưa đi thẩm vấn mỗi ngày một lần, trên dưới một tiếng gì đó. Không khí không quá căng thẳng. Nhưng sau hai ba ngày thì bộ ngoại giao Việt Nam sang xin gặp các nạn nhân. Họ nói: "Tôi nói với các anh rằng các anh cố gắng ở lại cải tạo cho tốt và đừng cãi lời người ta. Phần chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh về trước Tết".

Anh Hoàng Hà đã biết rồi đó, bộ ngoại giao sang, cũng giữ lời hứa, tức là đã đưa họ về trước Tết, đúng ngày 30 Tết. VN có câu "30 chưa phải là Tết" mà anh. Cho nên là đã giữ đúng lời hứa là đã đưa về trước Tết. Nhưng có điều lạ là sau khi người của bộ ngoại giao VN sang để ủy lạo và nói một câu rất buồn cười như vậy, thì hai ba ngày sau số lần các ngư phủ bị đưa đi thẩm vấn lại dài hơn, một ngày hai ba lần và mỗi lần hai ba tiếng, rất là mệt mỏi và căng thẳng. Bản thân anh Dũng, khi gặp tôi, anh cho biết là đã bị họ đánh, tát, đá. Trong quá trình làm việc, thẩm vấn thì có một người phiên dịch ra tiếng Việt để hỏi các anh. Sau mỗi lần thẩm vấn, các anh đều phải ký vào một văn bản bằng tiếng TQ mà các anh không được đọc, không được biết chút gì về nội dung, nhưng vẫn phải ký vào. Đó là những việc làm bên TQ là như vậy.

Khi tôi hỏi các ngư phủ là: "Các anh có khai gì không?"

Thì có nhân chứng nói với tôi: "Tôi có làm gì đâu mà khai. Tôi không biết gì để mà khai cả và cũng không có gì để mà khai cả".

Tôi có vặn hỏi lại là: "Họ đã hỏi những gì?"

Các anh ấy nói rằng, bây giờ đã ba năm qua rồi mà vẫn còn rất là sợ hãi, không nhớ được hết, nhưng khẳng định là không có gì để khai cả, nhưng đã ký vào biên bản họ đưa cho.

Hoàng Hà: Được biết thêm, khi ngư dân VN bị bắt đưa về TQ, có một số người bị thương. Họ chữa trị ngư dân bằng hình thức như thế nào?

Phạm Thanh Nghiên: Cậu Thái nói với tôi là họ "làm sống em". Nghĩa là họ chữa trị mà không dùng thuốc gây tê mà họ dùng dao y tế để khoét da, khoét vết thương để lấy viên đạn ra. Vô cùng đau đớn. Họ đem qua đó, làm xong thì trời đã tối. Họ nhốt các ngư phủ còn sống mỗi người một phòng, còn xác chết thì họ cho vào túi ny-lông và xếp ở đấy. Còn các ngư phủ hôm đó trải qua một ngày một đêm rất kinh hoàng. Sáng hôm sau, chưa hoàn hồn lại, chưa biết những gì xảy ra với mình thì họ đã lôi hai người bị thương đi lấy cung.

Hoàng Hà: Xin Cô một câu hỏi sau cùng: Cô và các bạn rút ra kết luận nào sau chuyến đi này?

Phạm Thanh Nghiên: Hành động TQ gây ra năm 2005 là một trong số rất ít những hành động, tội ác mà họ đã và đang gây ra cho đất nước và nhân dân VN chúng ta. Tôi nghĩ, những điều đó không nằm ngoài chiến lược bành trướng đại dân tộc, bá quyền, nước lớn của những người lãnh đạo CSTQ. Đây là nguyên văn mà chính chính quyền CSVN đã khẳng định với TQ. Nếu sự việc này mà không được biết đến và quan tâm thì không chỉ gia đình các nạn nhân chịu đau khổ mà cả dân tộc cũng chịu đau khổ, chịu nhục rất lớn.

Thưa anh Hoàng Hà, tôi có suy nghĩ như thế này, không biết là có quá không. Tôi lo lắng là đến một ngày nào đó chính người dân phải sống lưu vong ngay trên chính quê hương Việt Nam, nếu CSTQ cứ tiếp tục những hành động này và chính quyền CSVN vẫn im lặng, nhún nhường, nhu nhược một cách khó hiểu như thế này. Tôi lo một điều như vậy. Tôi cho rằng, khi chính quyền VN cố tình bưng bít thông tin, bưng bít sự thật, thì nhiệm vụ của những người đấu tranh cho một nền dân chủ cho VN, và cả những người còn lương tri trong bộ máy chính quyền CSVN, cả người dân, nạn nhân của tội ác TQ vừa rồi, cần lên tiếng mạnh mẽ để nói lên sự thật. Vì chỉ có sự thật mới chiến thắng được tội ác của bá quyền TQ mà thôi. Tôi cũng hy vọng những nỗ lực của Phong Trào Dân Chủ VN, trong nước và của đồng bào hải ngoại, sẽ vận động được tiếng nói của các tổ chức quốc tế. Chúng ta sẽ vận động để điều này được đưa ra trước công luận quốc tế để được giải quyết.

Đây chỉ là vấn đề giữa TQ và ngư dân VN hay giữa chính quyền VN với ngư dân VN? Tôi cho đây là một vấn đề quốc tế rất nghiêm trọng; cũng muốn là chúng ta nỗ lực kêu gọi sự quan tâm của quốc tế đến vấn đề này. Tôi nghĩ, trong tương lai, cá nhân tôi, các bạn tại VN, những người đang đấu tranh trong Phong Trào Dân Chủ, chúng ta sẽ có hành động cụ thể nào đó để càng ngày những sự thật này càng được phanh phui, đem ra để giải quyết. Đấy là nguyện vọng của tôi sau chuyến đi này.

Tôi hy vọng chúng ta quan tâm đến những nhân chứng, gia đình các nạn nhân trong (tôi xin phép gọi là) sự kiện tháng 1 năm 2005. Vì bây giờ công an đã tìm tới những gia đình này rồi. Khi sự việc được biết đến thì họ sẽ gặp khó khăn. Tôi kêu gọi sự quan tâm dành cho họ.

Hoàng Hà: Thưa Cô, xin cô trả lời câu hỏi cuối cùng của ngày hôm nay: Như Cô vừa trình bày, trong những ngày vừa qua công an CSVN tại địa phương, chưa biết là quận, huyện hay tỉnh đến, để gặp một số nạn nhân; có thể sẽ làm họ khó khăn hơn. Cô nhận định thế nào về điều này?

Phạm Thanh Nghiên: Dạ thưa anh Hoàng Hà, đây là điều rất lô-gích trong chủ trương của đảng CSVN cầm quyền hiện nay. Đó là họ muốn bưng bít thông tin và muốn trấn áp những gia đình nói lên sự thực. Rất có thể là họ sẽ đến. Tôi không biết mức độ sẽ như thế nào. Trước tiên, họ muốn các gia đình nạn nhân hãy im lặng. Điều tôi có thể khẳng định được là trấn áp thế nào đó để các gia đình sợ hãi để không dám lên tiếng nói lên sự thực ra trước công luận. Rất có thể là khi họ tới tiếp cận, họ sẽ làm mọi cách để đạt được mục đích đó, không loại trừ việc họ sẽ bêu xấu tôi và những người khác, đặc biệt là Phong Trào Dân Chủ VN. Tôi hy vọng, các gia đình này, trước nhất là nỗi đau mà họ phải hứng chịu, hai nữa là sự thật. Điều chúng ta đang làm là sự thật. Vì vậy tôi hy vọng là họ sẽ mạnh mẽ, tỉnh táo để đòi công lý với sự động viên và trợ giúp của tất cả người dân, trong nước cũng như hải ngoại, những người yêu công lý, muốn sự thật phải được phơi bày và trân trọng. Và tôi cũng muốn qua đài Chân Trời Mới của anh Lê Hoàng Hà gửi lời nhắn đến tất cả quí thính giả, đến đồng bào ở bên ngoài VN, hãy nỗ lực vận động, giúp đỡ họ, đặc biệt là về tinh thần để họ vững tâm vì đây không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta.

Hoàng Hà: Xin cám ơn Cô đã trả lời phỏng vấn ngày hôm nay.

Hoàng Hà, đài Chân Trời Mới
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn