BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ An Lộc – Chuyện Người Thương Binh Bị Bỏ Quên

17 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 1489)
Nhớ An Lộc – Chuyện Người Thương Binh Bị Bỏ Quên
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Bốn mươi năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến mùa hè đỏ lửa, tôi lại nhớ ký sự chiến trường của Phan Nhật Nam, một bút ký vừa hào hùng vừa bi kịch được viết bằng máu và nước mắt của quân dân vùng Trị Thiên tuyến đầu lửa đạn. Nó trung thực và xúc động lòng người đến độ nhà văn Bảo Ninh, người bên kia chiến tuyến, tác giả Nỗi Buồn Chiến Tranh (một tác phẩm nổi tiếng đã được nhà sản xuất ngoại quốc chuyển thể thành phim) đã phải thừa nhận, ‘nếu tôi được đọc Mùa Hè Đỏ Lửa của PNN, chắc tôi không viết Nỗi Buồn Chiến Tranh như tôi đã viết’. Lý do chính là ông ta không ngờ ở một góc chiến trường phía nam vĩ tuyến 17 lại có một đội quân chiến đấu can trường cao độ và sức chịu đựng vô bờ bến của những người dân Trị Thiên trong lửa đạn vào thời điểm mùa hè 72.

Tất nhiên cũng thời điểm này hình ảnh Trị Thiên mới chỉ là một nửa của bức tranh toàn cảnh chiến trường miền Nam. Đi sâu vào miền đông Nam bộ, vùng đất của những rừng cao su ngút ngàn người ta lại bắt gặp tính chất ác liệt của một cuộc đụng độ vô tiền khoáng hậu của cả hai phe, mà cuộc tử thủ An Lộc và biểu tượng Bình Long anh dũng có thể được xếp loại như những chiến dịch hàng đầu trong quân sử VNCH khi cuộc chiến sắp hồi kết thúc. Rất tiếc cánh quân này, góc chiến trường này không có các phóng viên chiến trường tầm cỡ như PNN nên hình ảnh hào hùng và cái gía tổn thất của nó đã không được quảng bá và đánh giá đúng mức cho dư luận quần chúng miền Nam hồi đó.

Nhân kỷ niệm bốn mươi năm sự kiện ‘Bình Long anh dũng’, tôi không đủ khả năng viết lại những cảm xúc một thời về gương hy sinh cao độ của những người lính tử thủ hàng trăm ngày đêm tại một vùng đất đỏ của chiến trường miền Đông, mà về sau dấu tích của nó không còn là màu đỏ của đất mà là của máu, máu của cả hai phe cùng gà một mẹ nhưng đã quần thảo và giữ chân nhau khi chiến trường bất phân thắng bại, để cuối cùng những người phương Bắc phải bỏ cuộc khi không thể quật ngã những người lính gan lì của miền Nam. Tất nhiên sự tổn thất về nhân mạng và chiến cụ chia đều cho cả hai bên, rồi nhiều năm sau khi nhìn lại, bất giác tôi nhớ vài câu thơ của một người lính cũ ngậm ngùi hồi tưởng về cuộc thư hùng năm ấy,

Ba mươi tháng tư / cuộc chiến tàn
chiến trường xưa / một thời lửa đạn
rừng cao su / cháy xem ngút ngàn
xác anh em / nằm sâu trong An Lộc
nay chỉ còn / vỏ đạn với xương khô…


Người chết đã là một lẽ, trong chiến tranh là điều không tránh khỏi, nhưng cái bi kịch là những người mang thương tật, kể cả mang phế tật suốt đời, tôi muốn nói những người lính VNCH bị bỏ lại bên lề cuộc đời sau khi chiến tranh chấm dứt, mà một trong những câu chuyện khá thương tâm vừa cay đắng rơi vào số phận của một anh lính bộ binh thuộc Sư đoàn 5, đơn vị chủ lực trong chiến dịch tử thủ và chịu nhiều tổn thất nhất trong mùa hè cay nghiệt của chiến trường miền đông năm 72.

Tôi không quen biết anh mà sự gặp gỡ là một chuyện tình cờ khi anh là tài xế xe ôm tại một thị xã nằm bên bờ sông Cửu. Còn tôi là một cựu binh xa quê nhiều năm nên làm một chuyến trở về thăm nơi quê cha đất tổ tìm lại những ký ức tuổi thơ trên những dòng kênh quen thuộc. Qua thăm hỏi tôi biết anh là một người lính cũ của Sư đoàn 5 Bộ Binh, một đại đơn vị có tới hai ông Tư lệnh (một cựu, một đương nhiệm) tuẫn tiết trong ngày 30/4. Ngày ấy anh mang cấp bậc hạ sĩ, ngành thám báo, được tham gia chiến dịch An Lộc mùa hè 72, cũng lãnh đạn pháo của địch và chịu trận cùng đồng đội trong suốt thời gian cánh quân của tiểu đoàn anh chốt trên tuyến đầu của vòng đai tử thủ. Bốn mươi năm trôi qua nhưng anh vẫn nhớ như in những tiếng nổ chát chúa của đạn pháo, những tiếng máy bay gào thét khi sà xuống để oanh kích yểm trợ quân ta mà lằn ranh ta và địch kề nhau trong gang tấc, rồi những ngày hết lương khô, những đêm mất ngủ vì địch chỉ pháo kích về đêm, những ban ngày ló mặt lên hầm là bị bắn sẻ, ôi những ngày nửa như địa ngục, cơ cực nhưng tiểu đội anh quyết tâm trần thân chịu trận.



Rồi đến một đêm sau hồi pháo kích, anh nghe tiếng động như của xe tăng, tưởng thiết giáp của ta không ngờ là tăng của địch, đơn vị anh bị tràn ngập lúc nào không hay, về sau nhớ lại anh chỉ biết một mảnh đạn pháo xuyên qua hông và chui sâu vào cơ thể làm anh mất máu và ngất xỉu. Anh đi dần vào hôn mê chỉ mơ hồ nghe như có những giọng Bắc cùng bước chân lùng sục của ai đó trên chỗ anh nằm giữa chiến trường bốn bề im vắng.

Không biết anh nằm bất động bao lâu, chỉ biết khi tỉnh dậy anh thấy khát nước và toàn thân ê ẩm, yếu sức quá đến độ anh không thể ngồi dậy để tự mình kêu cứu, mà có kêu được thì cũng chẳng ai tiếp cứu khi quanh con mương anh nằm chỉ toàn tử thi và tiếng vỗ cánh của lũ quạ đen. Anh biết anh sẽ không qua khỏi tử thần nếu cứ nằm đây và chịu trận như vậy. Tuyệt vọng, anh muốn được quay lại tình trạng hôn mê và mong cái chết đến mau hơn.

Nhưng lạ thay, nghe đâu đây như có tiếng động của các bàn chân trên lá khô, có cả tiếng người mà qua âm sắc anh nghe văng vẳng như có cả tiếng Việt lẫn tiếng người Thượng. Biết chắc là tiếng người anh ráng sức đưa bàn tay lên cao hơn, cố rên mạnh hơn dù chỉ ngoắc ngoắc làm hiệu nhưng cũng làm anh mệt lử. Nhưng chính động tác vô vọng này lại cứu anh. Thì ra đây là toán thám kích của một trại Dân sự chiến đấu của Mỹ, họ đi ngang đây không hiểu với nhiệm vụ gì. Về sau nghe học lại có cả cố vấn Mỹ đi theo, biết được tình trạng nguy kịch của anh viên cố vấn cho gọi trực thăng tiếp cứu, thay vì đem về một quân y viện gần nhất thì chẳng hiểu sao anh lại được tải thưong ra tận… hạm đội 7 đóng ở ngoài khơi bờ biển Việt nam. Lúc này đơn vị anh vì không lấy được xác lính mình ra khỏi chiến trường nên đã báo cáo anh trong danh sách những quân nhân mất tích.

Anh được điều trị vết thương và săn sóc tận tình khỏang nửa tháng, khi ổn định họ lấy số quân và đơn vị của anh rồi trao trả về Tổng y viện Cộng Hòa để điều trị tiếp. Có điều lạ là trên chuyến trực thăng về Cộng Hòa, các thương binh được hoàn trả đều là lính thuộc phe ta đã ra khỏi An Lộc trong tình trạng thập tử nhất sinh như anh.



Khi hoàn toàn bình phục anh được xếp thương binh loại hai, anh có quyền xuất ngũ và hưởng trợ cấp thương phế binh. Nhưng tuổi còn quá trẻ, lại nhớ đồng đội anh xin được về đơn vị cũ. Người ta cho anh về hậu cứ tiểu đoàn đóng tại Lai Khê, phục vụ tiếp cho đến khi toàn quân buông súng.
Sau 30/4, anh về quê lập gia đình, làm đủ nghề nuôi sống bản thân, do ảnh hưởng vết mổ nên không kham nổi lao động ruộng vườn, tới thời mở cửa anh quay ra thị xã làm phụ lơ xe rồi trụ lại tài xế xe ôm cho đến khi gặp người khách phương xa.

Qua suốt câu chuyện, tôi ghi nhận anh không hề than van, chẳng hề tiếc nuối mà coi mọi sự như đưa đẩy của số phận. Tôi có gợi ý cho biết lý lịch và giấy tờ tùy thân còn giữ được trao cho tôi để khi quay lại Cali tôi hứa sẽ liên lạc dùm tổ chức từ thiện TPB/HO của bà Hạnh Nhân xem giúp gì được anh, chí ít cũng được chút tiền ủy lạo như các thương phế binh còn sống tại quê nhà mà tổ chức này đã thường xuyên hỗ trợ qua sự quyên góp của cộng đồng. Từ giã anh tôi có tặng một chút tiền và cũng xin phép anh tôi có ý định viết câu chuyện về anh nhân kỷ niệm 40 năm Bình Long An Lộc. Anh vui vẻ đồng thuận và xin ông thầy đừng đưa thằng em lên quá cao.

Nay viết lại mấy dòng này như một hồi niệm trân trọng những người đã nằm lại An Lộc và như một nhắc nhớ nhiều số phận kém may mắn vẫn còn bương chải giữa dòng đời đen bạc khi tiếng súng đã ngừng gần bốn thập niên trên quê hương nát tan.

Đỗ Xuân Tê
(viết theo lời kể của Năm Út)

Theo Người Việt Boston
Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Bảy 20137:00 SA
Khách
'' Anh vui vẻ đồng thuận và xin ông thầy đừng đưa thằng em lên quá cao.'': Người miền nam cá tính thành thật, khiên nhượng, nghịch lại bọn cộng sản láo khoét.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn