Tưởng nhớ Trần Mỹ Lộc,
tặng Châu Văn Tùng và Nguyễn Văn Pháp
Những ngày phép sau khi rời trường Thủ Đức đã nhẹ nhàng đi qua khá lâu. Chúng tôi cũng đã vào đến thị xã Quảng Ngãi từ ba hôm trước. Dẫu dựa hơi một rẻo dù che, hôm nay, chúng tôi cũng nhất quyết xếp lại cái lè phè bỏ túi, để xuất đầu lộ diện tại văn phòng Bộ chỉ huy Trung đoàn 4, thuộc sư đoàn 2 Bộ Binh. Một đơn vị mà mỗi cá nhân chúng tôi đã tự chọn. Một chỗ về đã được sắp đặt trong định mệnh ?
Bộ chỉ huy Trung đoàn 4 nằm cách thị xã Quảng Ngãi khá xa. Phương tiện chủ yếu để đến với cái cửa ngõ vào mặt trận này là xe ngựa. Một loại xe thô sơ, cục mịch, na ná như một cái xe bò, có mái che. Bánh xe thường được trưng dụng bởi những bánh xe hơi phế thải. Điều này có lẽ đã làm khó cho những chú ngựa nhỏ con, ăn không chắc đầy bữa. Ngoài xe ngựa, xe lam ba bánh và xe xích lô cũng có lưu hành trên tuyến đường này, nhưng thưa thớt và ít bắt được mối hơn.
Sau khi dùng bữa trưa tại quán cơm Bắc Hải, bốn thằng tân Chuẩn úy, với bảng tên to tướng trên túi áo trận: Châu, Tùng, Pháp và Lộc ra đứng nhấp nhỏm một bên đường Phan Bội Châu, gần Ty Bưu điện. Bốn cậu lính sữa nhưng đã bộn tuổi đời có vẻ lười biếng, đã không chịu dùng phương tiện xe ngựa chậm tiến. Các cậu chưa kịp ghiền nhịp gõ móng lóc cóc, hòa cùng tiếng leng keng của lục lạc, ấm áp, reo vui. Các cậu cũng chưa biết dành thời gian ngồi vắt vẻo trên xích lô, để nắm, bắt những hình ảnh sinh động của nhiều thành phần dân cư xứ kẹo gương, đường phổi. Các cậu cũng chưa biết thèm cái mùi mồ hôi, mùi rau cải, cái tổng hợp hương sắc của thế giới lao động, gói lại trong lòng một chiếc xe lam. Các cậu vẫn là một thứ công tử dỏm của thành phố, hí hửng đứng làm những tên hành khất, xin ...quá giang xe nhà binh. Rất may, những anh tài xế quân đội ở Quảng Ngải thật dễ thương. Chỉ vài lần đưa ngón tay cái chỉ trời, đã có anh thắng xe ngay giữa mặt lộ. Những nụ cười vô âm thường được thay những tiếng cảm ơn. Đây là những thói quen kỳ diệu, làm sáng lên bốn chữ: Huynh Đệ Chi Binh .
Trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, Quảng Ngãi là một tỉnh có nhiều cơ cấu của cộng sản Bắc Việt gài lại để quấy phá, khủng bố. Có lẽ do ảnh hưởng của sự bất ổn thường trực, thành phố nhỏ của tỉnh này gần như đồng phục trong màu xanh ô liu. Bộ chỉ huy sư đoàn 2 Bộ Binh đồn trú gần ngã tư Ba La, ngay trong thành phố. Tuy không luôn luôn nằm trong tình trạng thiết quân luật, nhưng tất cả quân nhân các cấp đều ở trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Ngoài ra, thành phố Quảng Ngãi còn có lực lượng Địa Phương Quân trực thuộc Tòa Hành Chánh tỉnh Quảng Ngãi. Cộng thêm những đội ngũ Nghĩa Quân, Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn cũng được trang bị đầy đủ. Mũ sắt, súng đạn kè kè bên mình. Xe nhà binh đủ loại nhộn nhịp lưu thông, giữa đông đảo cư dân từ nông thôn, miền núi tập trung về lánh nạn cộng sản. Thành phố thở bằng những nhịp tim của cuộc chiến. Khác hẳn với nét mặt phè phỡn của thủ đô Sài Gòn, sự thanh thản của Đà Nẵng, và cái lãng mạn muôn đời của Huế. Thành phố Quảng Ngải, nằm cách Sài Gòn 838 cây số, cách Hà Nội 883 cây số, lúc bấy giờ là một cái lưng, cõng trung thực nhất hình ảnh chiến tranh Việt Nam.
Từ chỗ chúng tôi đứng đón xe quá giang, chiếc Dodge nhà binh chở chúng tôi chạy ngang Tòa Tỉnh, sân vận động, bệnh viện... rồi rẽ phải, vượt qua một trạm gác đường sắt để vào con đường đất, bụi đỏ. Xe chạy giữa ruột hai hàng nhà tôn, qua một khu chợ nhỏ, qua một bãi mía xanh, đến một vạt dừa. Những cây dừa ở đây đa số đều đứng trong tư thế nghiêng nghiêng. Dưới mỗi gốc, gần như đều có một nóc gia binh mái lá, mái tôn tạm bợ. Người tài xế quân xa không nhận thù lao. Và với thói quen, một phản xạ tự nhiên, anh thắng xe ngay trước ngõ vào phi trường Quảng Ngãi. Gọi là phi trường nhưng sân bay này chỉ có một phi đạo độc nhất và một ngôi nhà nhỏ, chỉ có người làm việc trong những giờ có máy bay đến và đi. Hình như mỗi tuần được một lần như vậy.
Cổng bộ chỉ huy trung đoàn 4 Bộ Binh đã hiện ngay phía trước mặt chúng tôi, bên trái, cách ngõ vào sân bay chừng một trăm năm mươi mét. Một người lính quân phục chỉnh tề không đứng trong vọng gác. Anh thả từng bước chậm rãi như muốn đo bề ngang cái cổng rộng bao nhiêu. Chiếc nón sắt nặng nề, xoay qua xoay lại theo hướng nhìn của anh. Mũi khẩu garant M1 anh ôm trên tay hơi chúi đầu ruồi xuống đất. Trời đã lưng lửng chiều, ánh nắng còn rực rỡ. Tôi nhìn hàng cây xanh bên kia đường phi đạo, nghe cả tiếng gió thổi nhẹ giữa đất trời, rờn rợn những rình rập. Đâu đó trong hàng cây có những đôi mắt theo dõi, thăm dò. Người lính gác đứng nghiêm chào chúng tôi. Sau khi chúng tôi xuất trình sự vụ lệnh thuyên chuyển, anh nhìn vào doanh trại và chỉ vị trí văn phòng ban Tư Trung đoàn bằng ngón tay trỏ đen đen.
Chúng tôi đi hàng ngang. Từ ngoài sân tôi đã thấy một viên trung úy, ngồi chống tay trên bàn nhìn ra. Hình như anh hơi nhướng mắt quan sát chúng tôi. Những cái lon chuẩn úy còn quá vàng trên cổ áo chúng tôi chắc đã giúp viên Trung úy nhớ ra điều gì. Ông Trung úy tên là Phượng, Nguyễn Văn Phượng, anh ruột của Nguyễn Văn Đồng, tên thật của nhà thơ Hà Nguyên Thạch, bạn tôi. Có lẽ Đồng và Đynh Hoàng Sa cả Lê Văn Nghĩa nữa, đã nói với trung úy Phượng về sự trình diện của chúng tôi hôm nay. Cũng kể như một sự gởi gắm. Có quen biết chút đỉnh còn hơn không.
Cả bốn chúng tôi thi hành thủ tục trình diện đúng qui cách nhà binh. Gót botte de saut đánh cộp một tiếng, thân thẳng, ngực hơi ưỡn về trước, mắt nghiêm nghị nhìn thẳng vào người đối diện, bàn tay phải năm ngón xếp sát vào nhau, mạnh bạo đưa lên, đầu những ngón tay chạm cuối chân mày mắt phải. Tôi có chút ngượng ngùng khi xướng tên mình. Bài bản trình diện có phần thiếu tiêu chuẩn quân trường. Nhưng điều này đã giúp Trung úy Phượng có cơ hội thực hiện được tính cởi mở của ông.
Trung úy Phượng cho chúng tôi biết, theo nhu cầu bổ sung, cả bốn chúng tôi đều về Tiểu đoàn 1. Trong khi ông làm sự vụ lệnh, điện thoại reo. Sau cuộc điện đàm ngắn, Trung úy Phượng cho biết Nguyễn Văn Pháp tạm thời ở lại trung đoàn. Tôi, Tùng và Lộc sẽ có xe đón ra đơn vị mới ngay. Tôi lúng túng ngồi xuống băng ghế dài. Tùng và Lộc cùng ngồi xuống, hai bên. Pháp ấp úng như muốn nói điều gì nhưng rồi quay ngó ra sân. Căn phòng im phăng phắc. Tôi chợt nhắm mắt chừng một giây. Một giây vừa đủ giúp tôi qua những chao động, xao xuyến bất ngờ. Đã biết trước, đã tự nguyện vẫn không tránh khỏi những hụt hẫng, chới với. Một chút hối hận, một chút nuối tiếc...Đã muộn quá rồi. Đôi mắt thiếu úy Mến xa vắng, chập chờn trước mặt. Tấm bảng đen sừng sững hôm nào hiện ra. Những tên đơn vị nối nhau với những ô trống, phơi phới chờ điền tên...ngậm ngùi, lảo đảo. Văn phòng ban 4 sư đoàn 25 BB ở Đức Hòa ngày nào tôi đã ghé cùng đại úy Tham, người em con chú, để chuẩn bị một chỗ về. Tất cả đã vụt qua.Trước khi vượt qua cánh cổng Trung đoàn 4, tôi vẫn còn hy vọng nghe lặp lại như hai lần trước:
- Các anh về nghỉ thêm vài ngày, mai mốt lên...Tiểu đoàn đang hành quân chưa về.
Những cái phép miệng, không rõ ràng giới hạn thật dễ chịu, nay đã không còn nữa. Tùng nói thoảng bên tai:
- Chắc bọn mình cùng về một đại đội.
Trung úy Phượng bước ra sân. Tôi nhìn Pháp đang bám theo người Trung úy nhã nhặn. Hình như Pháp muốn hỏi một điều gì đó. Lộc cười không e dè. Hắn thọc một ngón tay vào nách tôi, cù lét. Một thói quen dễ thương, mỗi khi hắn thoáng thấy vẻ trầm ngâm trên mặt tôi.
Lộc là một thanh niên đẹp trai,cao khỏe.Hắn chưa bị gọi động viên, nhưng tình nguyện nhập ngũ. Hơn thế nữa, lẽ ra giờ này hắn không phải ngồi cùng chúng tôi. Hắn được chọn qua binh chủng không quân, nhưng đã nhất quyết từ chối. Hắn vừa chính thức cưới vợ mới hơn một tuần nay, mặc dù hôn thú đã được lập trước khi nhập ngũ. Vợ của Lộc không xa lạ gì với tôi, chính là Đào, em gái của Tùng. Trong giao tình giữa tôi và gia đình Tùng, từ lâu tôi đã xem Đào như em gái.
Sự vô tư, hồn nhiên của Lộc đã giúp tôi lẫn Tùng trở lại bình thản. Và tôi vừa nhận ra trời đang có cơn mưa nhẹ hạt. Mấy ngày trước đây, một trận lũ lụt đã về thăm tỉnh Quảng Ngãi. Tôi mở khóa nịt, nới thêm thắt lưng ra một chút, hơn nửa tháng nay liên tục nốc bia, bụng tôi rõ ràng đã hơi phồng ra.
Ba chúng tôi được đưa về căn cứ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 Bộ Binh vào ngay lúc chạng vạng. Căn cứ này, thời bấy giờ được đặt ở Rừng Lăng, nằm ngay sau lưng doanh trại bộ chỉ huy Trung đoàn. Cũng như nhiều cứ địa dưỡng quân tạm thời khác, căn cứ của tiểu đoàn 1/4 Bộ Binh chỉ là một khoảnh đất trống với hai dãy nhà tôn không có vách, cùng một hầm nổi lớn, nằm giữa ba hầm nổi nhỏ hơn, được thiết lập bởi những bao cát có sườn bằng gốc cây bên trong. Tất cả những xây dựng trú phòng lẫn chiến đấu đó, được nằm trống trải trong vòng tròn một đường hầm, với chiều sâu, ngồi xấp xỉ ngang vai. Bên ngoài đường hầm được thả nổi ba, bốn lượt giây kẽm gai, đã rỉ sét. Nhìn chung, không mấy kiên cố và an toàn.
Chừng mười phút, ngồi trong doanh trại dã chiến, ngó cái ẩm ướt, tăm tối chụp xuống chung quanh, chúng tôi bắt gặp tiếng động cơ, rồi thấy những ánh đèn xe quét từng vệt dài trên sân đất. Đoàn GMC đã đưa những chiến hữu còn lạ mặt của chúng tôi về tới.
Trong hầm cát chỉ huy, Đại úy Tiểu đoàn trưởng, vừa mở một lon bia, vừa văng tục. Ông nhìn phớt chúng tôi. Trong ánh đèn không đủ sáng, trong cả sự hờ hững. Tôi nghĩ ông chưa kịp thấy những chiến hữu, những thuộc hạ mới của ông. Những cuộc hành quân gối đầu nhau, một phần nào đã làm ông mệt mỏi, bực mình. Quả khó tránh được như thế, khi chuyến ghé về doanh trại này, cũng chỉ là một sự đóng quân, nghỉ qua đêm chớp nhoáng như những đêm vừa qua.
Cuộc hành quân kế tiếp sắp được xuất phát sau mấy tiếng đồng hồ nữa. Chúng tôi được ba Đại đội trưởng hiện diện chọn nhanh chóng. Tôi thuộc Đại đội Hai của thiếu úy Hảo, người Huế. Tùng và Lộc về với trung úy người miền Nam, tên Thiện Đại đội Ba. Ông Thượng sĩ thường vụ được gọi tới. Mỗi chúng tôi ký nhận một khẩu carbin cũ kỹ, cùng với một cấp số đạn đúng như qui định.
Tôi theo chân Thiếu úy Hảo về góc bố trí của Đại đội. Không cần tập họp, không cần giới thiệu. Tôi được Thiếu úy Hảo chỉ định làm Trung đội trưởng trung đội Hai, và thi hành lệnh tức khắc. Trung sĩ Nặc, người đang nắm trung đội Hai, giao lại cho tôi bản đồ hành quân và địa bàn ngay trong lúc anh đang mắc võng. Qua ánh sáng nhá nhem của một ngọn đèn, câu từ một bình điện xe treo lòng thòng giữa láng trại không vách, tôi nhìn không rõ mặt trung sĩ Nặc, nhưng biết đó là một thanh niên rất trẻ, nhỏ hơn tôi chừng bốn, năm tuổi.
Trong hầm bao cát chật của thiếu úy Hảo, tôi gặp Chuẩn úy Nguyễn văn Bảy, người Bình Dương. Anh cùng khóa 24 với tôi, nhưng đã trình diện đơn vị một cách nghiêm chỉnh, nên đã tham dự vài cuộc hành quân vừa qua. Chuẩn úy Bảy đang giữ chức Trung đội trưởng trung đội 1.
Thiếu úy Hảo, mở bản đồ của ông và vắn tắt cho chúng tôi biết cuộc hành quân vào ngày mai. Điểm xuất phát, chính là doanh trại, nơi chúng tôi đang ở. Mục tiêu thứ nhất, tôi vừa nhìn, vừa dùng bút-chì-mỡ khoanh một vòng đỏ trên bản đồ riêng của mình. Cái tên Xuân Phổ nằm trong cái vòng tròn đỏ ấy. Theo kế hoạch, đại đơn vị phải kiểm soát mục tiêu trưóc khi mặt trời mọc trong im lặng, kể cả vô tuyến.
Thiếu úy đại đội trưởng lưu ý riêng tôi, nên trở ra tập họp trung đội, điểm danh nắm quân số, luôn tiện ngắm sơ qua mặt mũi anh em, cũng như xem lại cấp số đạn và lương khô cho hai ngày. Theo thói quen, tôi đưa tay chào. Thiếu úy Hảo cười nói “Ở đây, khỏi”. Tôi chợt vấp một bỡ ngỡ, chui ra khỏi hầm. Đời quân ngũ tại một đơn vị tác chiến thật thoải mái. Sự tương kính không nằm nhiều trong những thủ tục hình thức. Bản lãnh, sự gan dạ và tinh thần trách nhiệm mới là ngọn nguồn chính.
Những người bạn mới của tôi chưa một ai ngả lưng. Chắc họ đang có những tò mò chờ đợi. Trung sĩ Nặc giúp tôi tập họp anh em trong yên lặng.Trước ba hàng dọc những khuôn mặt dày dạn nắng mưa, đang bị bóng đen làm sẫm màu thêm, tôi lịch sự bắt tay ba người tiểu đội trưởng, hẳn đã tạo sự ngạc nhiên và một ấn tượng tốt. Ba hạ sĩ quan nắm tiểu đội đều đã thâm niên công vụ với một số tuổi đời ngấp nghé bốn mươi. Họ lễ phép và vui vẻ. Họ luôn miệng gọi tôi là “ông thầy” sau này, nhưng chính họ đều là những người anh của tôi về nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Người mang máy truyền tin cho trung đội, tên Tám, còn trẻ hơn cả Trung sĩ Nặc. Anh đến trình diện tôi, và dẫn theo một binh sĩ khác, giới thiệu:
- Anh này, là tà lọt của mấy đời Trung đội trưởng trước, tùy Chuẩn úy chọn.
Tôi nhìn Tám lẫn người lính thật hiền lành. Anh không nhìn thẳng tôi. Dĩ nhiên tôi cũng chọn An, tên người binh sĩ, để chăm sóc, giúp đỡ tôi trong những ngày sắp tới. Và ngay từ phút đó, chúng tôi đã trở thành ba người bạn ở sát cạnh nhau, gần như trong mọi hoàn cảnh.
An đã móc võng cho tôi. Anh lấy luôn một số quân dụng cá nhân khác của tôi cho vào ba lô của anh. Tôi hơi áy náy nhưng rồi mọi sự được quen dần. Một chặng đời mới đã thực sự bắt đầu.
Ngả lưng được ít phút trên lòng võng vải nilon, tôi phát hiện trên tay mình vẫn còn nắm tấm bản đồ, đã được lồng trong một bao nilon trong, xếp gọn. Đang loay hoay định nhỏm dậy nhét bản đồ vào túi áo giáp, treo ngay đầu võng, tôi chợt thấy một binh sĩ nhẹ nhàng tiến gần tôi, gọi:
- Chuẩn úy.
Tôi nhỏm dậy, chưa kịp lên tiếng, anh binh nhì hỏi tiếp:
- Chuẩn úy nhớ em không ? Em là Bưng đây.
Tôi đang phân vân lục trong trí nhớ, Bưng đã kịp thời khai ra manh mối:
- Chắc chuẩn úy quên, em là thợ hồ, làm công cho bác
Diên, hồi xây rạp ciné Kim Châu Đà Nẵng. Chuẩn úy có lần chấm công và ngủ đêm giữ vật liệu tại đó.
Tôi nhớ ngay vụ này, nhưng không thể nào nhớ Bưng. Ngày đó, em ba tôi làm thầu khoán. Ông xây dựng nhiều công trình tại Đà Nẵng. Tôi thỉnh thoảng có theo con trai ông, vừa là em chú bác, vừa là bạn, để làm vài việc không có lương, nên anh lính này chắc đã gặp qua. Rạp ciné Kim Châu, nằm trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú) trong giai đoạn đang xây cất, tôi đã nằm đêm ở đó nhiều lần, gọi là trông chừng. Nhưng cát, sạn, sắt, ciment có hao hụt tôi và Tiên (tên chú em, con chú Diên) cũng chẳng biết, vì chúng tôi, nếu không ngóng cổ ở Thông Tin nghe hát, cũng tà tà ăn mực xay ở bờ sông Hàn...Tuy không nhớ ra Bưng, tôi cũng ậm ừ hỏi:
- Anh ở đây lâu chưa, đi lính lúc nào ?
Bưng mau mắn cho tôi biết anh về đơn vị này đã gần một năm, hiện là khinh binh, giữ súng trung liên bar, một loại vũ khí cồng kềnh, cổ lỗ sĩ, nhưng vẫn còn được xài trong các đơn vị tác chiến bộ binh vào thời điểm sáu mươi bảy. Huyên thuyên một hồi, Bưng tỉnh bơ dặn tôi:
- Ngày mai hành quân, Chuẩn úy cứ theo em. Thấy em chạy, là Chuẩn úy chạy theo liền nghe. Em rành địa thế bên đó lắm...Nhưng chắc không có gì đâu, trời mới lụt mà, hầm hố tụi nó bị ngập hết...
Tôi ngạc nhiên trước những sốt sắng, bộc trực của Trương Bưng, tên họ đầy đủ của người xạ thủ trung-liên-bar, mà tôi chưa kịp thuộc nét mặt. Trong lúc anh khinh binh lom khom trở về chỗ nằm của anh, tôi tự hỏi tại sao anh ấy đã biết nơi sắp đến ? Và không tránh khỏi những suy nghĩ vớ vẩn, về những chuyện sắp xảy ra vào vài giờ nữa. Sẽ phải chạy ? Sao đến nỗi vậy ? Đêm thật vắng, tôi cảm thấy lo. Hơi nền đất lạnh làm tôi rùng mình. Mùa đông đang bước đến. Tôi mặc thêm cái áo giáp vào người. Chợt xót xa nhớ về người cha già đang ở cách mình chừng 80 cây số. Chính ông đã tìm mua và gởi cái áo giáp vào cho tôi kèm theo lá thư căn dặn đủ điều. Tôi mất mẹ năm lên 18, năm tôi phải đến phòng trưng binh quân dịch. Ba tôi, một công chức già, suốt đời lận đận vì đàn con. Tôi thực sự chưa trưởng thành dưới đôi mắt và tấm lòng của ba tôi. Tôi cũng nghĩ và nhớ đến Lý, người vợ còn đang vui đùa ở trường Trung học. Giả dụ ngày mai tôi gặp điều không may gì, sẽ ra sao. Sợ điềm gở, tôi lẫn trốn ý nghĩ đen tối của mình và nghĩ đến Tùng, Lộc, những người bạn đồng hành với mình vào ngày mai, lòng chợt cảm thấy bình thản.
Cái giờ G đầu tiên trong chặng đời ô liu của tôi trờ tới. Tôi đã rập rình chờ nó cả đêm, nên chộp được ngay khi nghe những rục rịch từ Bộ chỉ huy Đại đội. Tôi rời khỏi võng. Cảm thấy như lưng mình oằn xuống sau mấy giờ cong theo chiều võng. Miệng đắng. An mang đến cho tôi một nón sắt nước lạnh. Búng nước đầu tiên làm ê ẩm chân răng. Tôi nhắm mắt nhổ toẹt ra đất. Không có nhiều thời giờ nhưng tôi không quên bào lưỡi, đây là thói quen của tôi. Mọi động tác vệ sinh cá nhân qua mau lẹ.
Tôi bắt đầu kiểm lại quân số. Theo lý thuyết, mỗi trung đội có 37 binh sĩ, nhưng tham trận hôm nay, chỉ 21 người hiện diện, chia làm 3 tiểu đội, không đồng đều. Giờ này tất cả binh sĩ đều biết mục tiêu đầu tiên sẽ đến. Với thói quen và kinh nghiệm, những người lính chiến hoàn tất mau lẹ những trang bị trên người hơn hẳn đám sinh viên sĩ quan chúng tôi ngày nào. Tất cả đã trong hàng. Tám thử lại máy truyền tin. An mang hết những hàng trang hành quân của tôi. Đại đội 2 của Thiếu úy Hảo hôm nay nằm trong thành phần trừ bị, sẽ di chuyển cuối cùng, ngay sau lưng Bộ chỉ huy tiểu đoàn và đại đội vũ khí nặng.
Tôi lại nghĩ đến Tùng và Lộc. Tuy cùng nằm một tiểu đoàn, cùng tham dự cuộc hành quân này, nhưng từ tối hôm qua đến nay, thằng nào cũng bận rộn riêng nên không gặp nhau. Qua vô tuyến, tôi biết đại đội 3, đơn vị có hai anh bạn tôi, là nỗ lực chính và đã bắt đầu vượt tuyến xuất phát.
Gió lạnh vãi rộng ra trong khoảng trời tối. Chúng tôi di chuyển hàng một, sát nhau, không giữ khoảng cách, người đi sau chỉ nhìn thấy lưng người đi trước. Trung sĩ Nặc đang dẫn đầu trung đội. Tôi cùng Tám và An, đi liền nhau, sau lưng hai tiểu đội. Sau chúng tôi còn tiểu đội của hạ sĩ nhất Tý. Tôi chợt có cảm tưởng như đang lặp lại cuộc di hành giả trại của ngày đầu mới vào Thủ Đức.Ngày đó trên vai tôi nặng nề những quân trang
quân dụng. Bước chân có chệch choạc nhưng tâm hồn thật thảnh thơi, bình an. Đêm ra quân này khác hẳn, trên người tôi chỉ có trọng lượng một cái áo giáp, được sản xuất từ Hoa Kỳ; khẩu carbin nhẹ hơn khẩu garant nhiều, nhưng rõ ràng tôi thấy nặng hơn ngàn lần. Chưa ai bỏ lên bàn cân cái trách nhiệm. Không có những con số biết khai báo cái vô hình này. Tôi cũng chợt liên tưởng, những bước tôi đang đi trong đoàn quân, với đầu súng nghiêng ra hai bên, chui chúi xuống mặt đất, như là một cuộc đi săn thú rừng ngày nào ở Tiên Phước. Đây cũng là một cuộc săn. Một cuộc săn người. Người cùng màu da và chung một ngôn ngữ, nhưng không cùng một thể chế chính trị. Phía giàu tự do, no ấm, nhân bản còn vụng về trong nỗ lực thu phục quần chúng. Bên phục vụ độc đảng, nghèo đói lại tỏ ra khôn khéo, quỉ quyệt, biết đưa ra sự hiện diện của ngoại bang để làm mục đích chiến tranh.
Chúng tôi đang lội qua một con lạch rộng. Nước lớn đến thắt lưng. Nhiều bụi hoa súng nổi lềnh bềnh. Một viên đạn ai khai hỏa bỗng bay véo ngang đầu. Trời đã mờ mờ sáng. Đơn vị đầu tiên của tiểu đoàn đã chiếm xong mục tiêu. Đúng kế hoạch. Trung đội của tôi được lệnh lục soát, và bố trí nằm lại ngay sau khi lên bờ. Nước ướt dầm cả quần ngoài quần trong, tôi nghe ngứa nhột dưới ống chân. Đã buộc ống quần cẩn thận nhưng một anh đỉa đã đột kích vào lúc nào, ngả bữa đã no. Tôi lo ngại cho cậu em út phương phi của mình, lần tay kiểm soát.
Nắng lấp ló trên những ngọn lá đọng nước. Tin sơ khởi tôi nghe qua báo cáo của Tám: Đại đội 3 bắt được hai tên du kích với hai giây T.Ạ.P trên thắt lưng, nhưng không có súng, đạn hay vũ khí gì khác. Thời gian lững thững đi qua. Vòng bố trí ơ hờ, lỏng ra ít nhiều trong bữa ăn sáng ngắn gọn. Ngay lúc mặt trời đứng bóng, đại đội chúng tôi được lệnh di chuyển, với nhiệm vụ bung rộng vòng đai lục soát, thay cho đại đội 3, nằm lại. Và khi tôi đi ngang qua đám con cái của Trung úy Thiện, tôi gặp cả Tùng lẫn Lộc. Tùng hơi nhún vai, hắn đang lắng lòng thả ra những vòng khói thuốc Wintons. Lộc vui ra mặt, hắn nói trong tiếng cười:
-Tưởng ghê gớm lắm, hóa ra hành quân chỉ là vậy.
Chúng tôi không có thì giờ nói nhiều với nhau. Tiếng lên đạn đầy thị uy ngay trên đoạn đường mòn, tôi sắp phải đi qua, hối bước chân tôi bước mau hơn, sau khi gởi cái vẫy tay đồng tình với nhận xét của Lộc.
Trung úy Thiện đang chống nạng đứng cạnh năm ba thuộc hạ của ông. Tôi thấy một binh sĩ đang kê mũi súng vào trán một người đàn ông trung niên. Ông ta ở trần trùn trục, hai tay bị trói ngược ra sau, đang nằm co dưới đất. Đại đội 3 đang cố khai thác nguồn tài liệu từ người du kích địa phương. Tôi nghe thật rõ hai chữ “bắn bỏ” của trung úy Thiện và một tiếng đạn chát chúa nổ liền sau đó. Hoảng hốt tôi quay nhìn. Nhưng qua màn khói chưa kịp bay khỏi mặt đất, tôi thấy người du kích vẫn nhúc nhích. Viên đạn của anh lính Quốc Gia chỉ cố ý dằn mặt đối phương. Đầu đạn xoáy trên mặt đất một lỗ tròn, làm đau ông địa một chút. Xuống tay lấy mạng sống của một kẻ thù hoàn toàn thất thế, không phải là hành động của đại đa số quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà, nhất là binh chủng Bộ Binh, tôi tin như vậy. Trong cuộc chiến, nhất là đang khi say máu, nóng mặt vì một đồng đội của mình bị sát hại, người lính, bất cứ phe nào, cũng có thể thực hiện những hành động dã man thiếu ý thức. Cắt tai, xẻo mũi hoặc lấy cả mật kẻ thù cũng là việc đã từng xảy ra. Nhưng những hành động man rợ nhất, những kiểu hành hạ đối phương biến thái nhất, thường chỉ có trong văn tự của những người được dạy dỗ căm hờn có bài bản, có hệ thống. Chữ nghĩa của họ trưng bày ra tất cả những gì hung ác nhất đang nằm sâu trong tư tưởng của họ. Những hành động mất tính người do những hư cấu bệnh hoạn này ngoài mục đích bôi bẩn đối phương, còn tự làm thoả mãn những gì chính họ chưa thực hiện được. Tuy vậy, những người hung hãn bằng ngòi bút ấy, vốn chẳng bao giờ thực hiện được những gì mình viết, tính “bổn thiện” nhất định còn đâu đó trong con người nhà văn. Sau này, tôi có đọc nhiều tác phẩm văn chương viết về chiến tranh của các tác giả nằm hai bên chiến tuyến, một đôi khi ngạc nhiên về những cách hành xử đối phương mà họ mô tả. Có thể đời lính chiến của tôi quá ngắn chưa đủ cơ hội để mục kích chăng? Nhưng tôi vẫn tin những suy nghĩ vớ vẩn trên của tôi không xa với thực tế.
Trong ánh nắng xế chiều, một binh sĩ của trung đội tôi, vui mừng báo tin tìm được một khẩu AK giấu sát mé nước sông. Chiến lợi phẩm này không làm vui ông Đại đội trưởng cũng như ông Tiểu đoàn trưởng, nhưng nó chứng tỏ được: cả vùng Xuân Phổ, nằm giáp một đoạn của sông Trà Khúc hoàn toàn bất an. Thần chết đang rập rình bốn phía. Điều này chỉ lạ đối với tôi. Không có gì ghê gớm với mọi binh sĩ khác. Đại úy Tiểu đoàn trưởng, đang thư giãn tinh thần. Ông lai rai vài lon bia cùng cá hộp. Cuộc hành quân “hoá ra chỉ là vậy” đúng như nhận xét của Chuẩn úy Lộc, bạn tôi. Ông Tiểu đoàn trưởng của tôi, Đại úy Cẩn, quả là người “tri nhàn...”
Bữa ăn chiều được bắt đầu sớm ngay trên cái lấp ló của giờ thứ mười sáu trong ngày. Tôi ngồi xỉa răng, nhìn những con chim sáo đen đang tụ về đầu một cây xanh, nghe chừng mình cũng thong dong ra phết. Trong yên lặng, một ý thơ đến với tôi. Tôi tìm những chữ, những vần. Nhưng các câu thơ đã đi chơi chỗ khác. Tiếc rẻ cái mặt nhám của mẩu giấy bạc trong bao thuốc lá vô duyên, tôi xếp lại, cất vào túi áo. Ý thơ hôm đó mãi sau này tôi mới ghi lại:
Vào giờ G ta ra mặt trận
nón sắt bần thần theo gót giày sô
hiu hắt đường mưa tiến về âm phủ
vừa cảnh giác đời vừa ủ chiêm bao
khẩu súng carbin chúi đầu xuống đất
như muốn nói gì với cánh Rừng Lăng
đất nhão cỏ chua tổ tiên để lại
thích uống máu người hay bị ép chăng ?
băng lạch nước đen lạnh tê đầu gối
bỗng khựng giữa dòng tưởng đỉa bao vây
Xuân Phổ bên kia chập chờn bóng địch
lập cập hôn ai bèo vướng chân mày ?
nước lạnh môi khô loé lên đóm nhớ
màu mắt bên màu hoa súng năm xưa
ta vẫn yêu em, yêu toàn nhân loại
nên gắng khom lưng tiến chiếm Xóm Dừa
một loạt đạn bay, một ngày ập tới
một phút làm người sung sướng biết bao
nhưng dẫu tình cờ thân đầy vết đạn
chẳng oán hận gì, vì vẫn chiêm bao
(Cảm Ơn Đất Đá Trổ Thơ...)
Không làm thơ được, tôi đến ngồi kề bên Trung sĩ Nặc nói chuyện. Chúng tôi kể qua về chuyện gia đình. Tôi biết đại khái về Nặc. Anh còn đủ cha, mẹ. Người yêu thì thuộc loại “người yêu tôi, tôi mới quen... hồi hôm...”. Tôi cũng cho Nặc biết tôi đã có vợ trước khi nhập ngũ. Nặc nói: “Tiếc cho ông quá.”..
Buổi chiều nằm dài ra thật mau, mới đó đã sắp đụng cái mắt cá của nó. Khi chúng tôi đứng lố nhố trên một vạt sắn rộng đã nhổ, cái chạng vạng đã lên tiếng chào bằng những ngôn ngữ của nhiều loại côn trùng trong đám cỏ lá chung quanh.
Nhận vùng đóng quân từ tiểu đoàn xong, Thiếu úy Hảo, đưa tôi và Chuẩn úy Bảy đến chia tuyến bố phòng. Tất cả các binh sĩ đều đứng chờ lệnh trên khoảnh đất trống.
Chúng tôi chưa kịp tiến tới bìa vườn, con đất Xuân Phổ đã mở miệng bằng những tiếng nổ đồng loạt khai hỏa. Tôi ngã úp xuống mặt đất. Không phải vì trúng thương mà vì phản xạ tự nhiên. Một giây qua, tôi nghe bên đuôi mắt trái nhói đau. Một gốc sắn nhỏ còn sót đã chạm mạnh vào đó. Vừa dụi mắt, tôi vừa bò ra bìa vườn. Khẩu carbin được tôi nắm đầu mũi lôi theo, không một chút phù hợp với chiến thuật “bò hoả lực” như đã từng học. Còn chừng bảy, tám thước nữa...Tôi bàng hoàng phát hiện, những ánh lửa lóe lên ngay hướng tôi đang cố bò tới. Tầm đạn bay ngược chiều có một âm giọng khác hẳn đường đạn từ nòng súng bắn ra. Đó là những chuỗi âm thanh sắt lạnh, áp đảo, tưởng chừng như những nhát đâm, xé rùng rợn. Hoảng hốt trước nguồn đạn bay ngun ngút qua đầu, tôi xoay mình bò trở lại vị trí cũ. Lúc này tôi mới để ý, bên tôi có một người đồng hành. Nhìn qua, tôi thấy Chuẩn úy Bảy. Anh vừa bò vừa thỉnh thoảng lấy cái kính cận xuống, dùng một ngón tay lau vội, rồi đeo trở lại. Hoạt cảnh này nếu được thu vào ống kính, có thể lượm được nhiều nụ cười. Trời đã tối hẳn, những ánh lửa đạn càng được phơi bày rực rỡ. Trong hướng bò chưa biết dẫn đến đâu, tôi chợt nghe tiếng gọi “Chuẩn úy, Chuẩn úy..” và chẳng bao lâu, tôi gặp được Trương Bưng, anh binh nhì giữ cây trung liên bar. Bưng nói: “Chuẩn úy bò theo em”. Tôi quay theo, trong lúc Bưng hỏi trổng: “Ớn chưa?”.
Khi đã nằm bên đám “con cái” chưa biết hết tên, chưa nhớ hết mặt.Tôi lấy lại được bình tĩnh, nhưng vô cùng băn khoăn.Tôi không rõ các đại đội khác ra sao, riêng đơn vị Đại đội 2, không một binh sĩ nào có khoảng trống để tác xạ. Họ nằm dính chùm thành một vạt. Khẩu carbin của tôi đã được điều chỉnh đúng tư thế sẵn sàng của một người lính. Tôi cũng đặt ngón tay bóp cò đúng vị trí, nhưng tuyệt nhiên chưa tìm thấy một lối thoát nào. Giữa lúc gần như buông xuôi, chờ đợi ấy, bốn chiếc trực thăng xuất hiện, tham trận.
Những ngọn đèn sáng lóe, quét ngang dọc, chéo chồng lên nhau. Kéo theo những tràng đại liên 60 xoáy, rít, chen trong những chùm nổ chụp dữ dội của M79. Chiến trận xoay đổi tình thế tức khắc. Chúng tôi lập được chiến tuyến hàng ngang, xoay mũi súng ra bìa vườn, nhưng không ai bóp cò. Những đường đạn của chúng tôi đã trở nên không cần thiết.
Địa điểm đóng quân qua đêm vẫn không thay đổi. Tôi chỉ huy khá gọn gàng và nhanh chóng việc bố trí và bố cáo không tổn thất lên đại đội trưởng. Chưa thật yên tâm với vòng đai và các ổ gác, tôi dợm đi xem lại, thì Tám đã giao ống liên hợp cho tôi:
- Có thẩm quyền thằng Ba lớn muốn gặp Chuẩn úy.
Tôi cảm thấy mất thăng bằng qua tin của Trung úy Thiện, Đại đội 3, đại đội vừa hứng ngay mũi phục kích của địch. Tùng đi đâu ? Tôi vái thầm cho hắn bị bắt đi hơn là ngã dập đâu đó. Đang bi quan lo lắng băn khoăn, tôi chợt giật mình thấy hai binh sĩ, khiêng một băng ca, từ cánh đại đội 3, qua ngang chỗ nằm của trung đội tôi, để đến bãi đáp trực thăng tải thương. Không hiểu sao hai binh sĩ khiêng băng ca chợt dừng chân. Họ nhìn tôi. Không chần chờ, tôi ào tới, chụp lấy thân thể người đang nằm. Trong khoảnh khắc tất cả những đồng đội của tôi chung quanh chợt biến mất. Cả bóng đêm cũng như không còn có thật. Một giây...hai giây.. tôi, chợt vô cùng tỉnh táo. Một bàn tay tôi luồn dưới lớp vải áo trận, véo rõ mạnh một cái vào thân thể người nằm bất động. Năm đầu ngón tay tôi hừng hực nóng. Không thể như vậy được. Không thể như thế này được, trời ơi !. Tôi thét lên những tiếng kêu tức tối không âm thanh, và ngã gục tức thì lên thi thể còn nóng hổi của Lộc, của Trần Mỹ Lộc. Hắn đã chết, đã chết thật rồi. Tôi sờ soạng tìm vết đạn, nhưng không thấy vết thương nào trên da thịt. Không gặp máu, không gặp hơi lạnh, tôi nâng một bàn tay của Lộc, lắc nhẹ từng ngón tay của người bạn xấu số. Nước mắt tôi lặng lẽ chảy xuống gò má, ẩm ướt hai cánh mũi. Lộc đã chết thật rồi. Anh đã tử trận ngay trong cuộc hành quân đầu đời binh nghiệp của anh. Đêm 10 tháng 11 năm 1967, con đất xa lạ Xuân Phổ tại Quảng Ngãi đã cướp của tôi một người bạn, một người em, một đồng đội.
Tôi bơ phờ ngồi bệt bên ngoài mặt poncho An đã trải sẳn. Tôi không nghĩ, không nhớ gì. Đầu óc cứ xoáy vòng vòng mấy chữ .... “hóa ra hành quân chỉ là như vậy” Giọng nói lạc quan, yêu đời của Lộc không chỉ đọng trong tai tôi, mà lợn cợn trôi lòng vòng qua những đường máu chảy. Không yêu đời sao được, sau cuộc hành quân này, về phố, ghé văn phòng Hàng Không Việt Nam tại Quảng Ngãi, sẽ nhận một xấp hình hôn lễ chụp cùng với Đào. Lộc đã hí hửng khoe trước với tôi như thế. Bác Thuật, ba của Lộc, nhân viên Hàng Không Việt Nam tại Đà Nẵng, không thể hứa cuội với đứa con trai cưng của mình. Nhưng...Lộc đã chết, đã chết, trước khi được ngắm những tấm ảnh của chính anh và người vợ mới cưới chưa quá ba mươi ngày. Anh chưa qua đủ 24 giờ ngoài mật trận.... “hoá ra hành quân chỉ là như vậy”. Là như vậy là thế nào ?
Gần suốt đêm tôi ngồi bên cạnh cái hố tròn do An đào. Cái nón sắt nặng nề bẻ cong cổ tôi, đưa khuôn mặt tê dại chạm vào hai đầu gối. Khẩu carbin nằm trên mặt đất bên cạnh. Không thể tin được. Ngay cuộc hành quân đầu tiên, ba thằng về một tiểu đoàn. Một đứa chết. Một đứa mất tích. Tôi làm sao chịu nổi cái đòn chí tử này. Tôi không hoảng sợ, nhưng chán nản, mệt mỏi.Với tôi, tình bạn rất quan trọng. Tôi có mặt nơi này, tôi về binh chủng này cũng vì tình bạn. Cuộc chia tay thảm thiết quá, não nùng quá. Không một lời từ biệt. Tôi làm sao có thể tiếp tục ở lại đây một mình. Chắc chắn tôi sẽ bỏ đi, sẽ đào ngũ ngay sau khi cuộc hành quân kết thúc. Rất may, gần sáng hôm sau, Tám báo cho tôi biết: Đại đội 3 đã tìm gặp Chuẩn úy Tùng cùng hai binh sĩ khác an toàn, ngay bìa vườn, không xa chỗ đặt ổ súng đại liên của địch bỏ lại. Sự bình an của Tùng quả đã vực tôi đứng lên, tham dự tiếp nhiều cuộc hành quân về sau.
Qua cái chết của Lộc, một trong những người mất mạng sớm nhất của khóa 24 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, tôi ngậm ngùi có thêm một bài thơ, không nên có:
Bây giờ chỉ còn Tùng, Pháp và tao
trong buổi chiều mênh mông Quảng Ngãi
bây giờ chỉ còn nước mắt và tao
trong con đường bao la kỷ niệm
Tùng vẫn ngồi cùng khói thuốc cuối phòng
Pháp vẫn ngồi vuốt lông chân dưới sàn nhà
còn tao, tao đang làm gì đây ?
đang làm gì đây, đố Lộc
buổi chiều như hôm qua
buổi chiều như hôm kia
buổi chiều như những ngày mày đã sống
chừ tao đang làm gì đây ?
ôi tao đang làm gì đây, hỡi Lộc !
mày chết thật vội vàng
mày chết như con chim
mười năm trước đây mình đã bắn
thôi hãy lặng yên
khốn nạn, tao còn phải làm gì
tao sẽ phải làm gì
diện tích một bài thơ
xin đủ một thân người nằm xuống
xin đủ tình yêu thương
hơn lá quốc kỳ mày đã đắp
Lộc, Lộc, hỡi Lộc
mày chẳng còn biết, chẳng kịp biết
mày đã chết nơi nào trên quê hương
và viên đạn trên tay ai đã bắn
mày cũng không còn biết
trên tình thương báo chí bạn bè
chúng tao mua một ô vuông cầu nguyện
mày chẳng còn biết
dù đã anh dũng đền nợ nước
nợ làm một người Việt Nam
Lộc, Lộc, hỡi Lộc
tao biết có một người đang khóc
không phải là tao đâu
nước mắt tao chỉ là ngôn ngữ
ngôn ngữ tao chỉ là quan tài
cho bạn bè
bây giờ mày nằm trong quan tài đó
tao bắt đầu xóa đi khuôn mặt rực rỡ
rực rỡ từ tình yêu thương
từ trái tim tao đập
Lộc, Lộc, hỡi Lộc
tao chẳng còn gì
mà Pháp, mà Tùng mà người vợ mày vừa cưới
gởi trong tao lời cầu nguyện
mày chết cho quê hương
mày chết cho Tổ quốc
chiếc quan tài tao đã đóng
vĩnh biệt Lộc, Lộc thân thương
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Cuộc hành quân ra mắt đời binh nghiệp ngắn ngủi của tôi, diễn tiến trên phần đất mang tên Xuân Phổ chỉ như vậy. Đó chỉ là một cuộc hành quân lục soát cấp tiểu đoàn, được thực hiện sau một trận lụt. Tôi không được biết những báo cáo tổng quát lên Trung đoàn, Sư đoàn ra sao. Kết quả cuộc hành quân được đánh giá như thế nào. Nhưng rõ ràng tổn thất nhân mạng của phe chúng tôi so với cộng quân nhẹ hơn rất nhiều. Tôi cũng có phần nghi ngờ khả năng chỉ huy và trình độ chiến thuật của vị Tiểu đoàn trưởng của mình. Để binh sĩ đứng lố nhố trên một mặt bằng trống trải, chờ chia tuyến phòng thủ, không khác chi dâng hiến cho đối phương một mục tiêu tác xạ, nhất là điểm tập trung đó nằm ngay trong vùng địch kiểm soát. Cái chết của Lộc cùng một số binh sĩ khác đã xảy ra vì sự tự tin và xem thường đối thủ. Dù sao cũng là chuyện đã rồi. Sự hy sinh sớm của Trần Mỹ Lộc, bạn tôi, đã giúp những Chuẩn úy mới ra trường chúng tôi thêm ít nhiều kinh nghiệm. Không bi quan nhưng không coi thường bất kỳ một cuộc hành quân lớn nhỏ nào sau này.
Hơn 38 năm trôi qua, tôi vẫn thấy rất rõ trước mắt, diễn tiến cuộc hành quân đầu tiên của mình. Nhớ cả con đường từ doanh trại dã chiến của tiểu đoàn dẫn đến một con lạch, đến một xóm làng hoàn toàn hoang vắng. Cây cỏ cũng không được sống thong dong. Dòng sông Trà Khúc bên làng này khá đẹp. Tôi đã mở giày rửa chân. Cái lạnh đầu mùa đông làm tôi rùng mình hay vì một lẽ nào khác. Giờ phút đó, súng chưa nổ, Lộc chưa ra đi. Chỉ cách mấy giờ sau mà tôi chợt trưởng thành thật sự. Tôi có đúng là tiếp tục trưởng thành đến bây giờ ? Những trận đánh đã kết thúc, nhưng cuộc chiến vẫn còn ẩn hiện trên quê hương tôi đến bao giờ ?
Luân Hoán
(Quá Khứ Trước Mặt)
Gửi ý kiến của bạn