BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73329)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một nén hương lòng

11 Tháng Chín 200012:00 SA(Xem: 1170)
Một nén hương lòng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thưa Thầy, cứ hàng năm, gần đến ngày giỗ Thầy, các con cháu của Thầy từ Á sang Âu lại lo sửa soạn mâm cơm cúng thanh đạm mà tinh khiết dâng lên bàn thờ Thầy với tấc lòng bùi ngùi tưởng nhớ khôn nguôi. Con đây, phận dâu con, ngày được cái duyên may bước vào mái gia tộc nhà ta thì Thầy đâu có còn lưu lại nơi cõi trần gian này nữa! Thầy đã âm thầm về chốn hư-vô cùng tổ tiên dòng họ. Con chỉ thường lặng lẽ ngắm di ảnh Thầy bên tập di cảo mà thuở xưa Thầy viết còn dang dở. Đời Thầy là cả một cuộc hành trình dỡ dang, đầy phiêu lưu, gian truân. Thầy không đến cõi đời này để thành danh rồi hưởng thụ như muôn ngàn người thế gian vẫn sống theo lẽ thường tình ấy. Chỉ cần có một suy tư công bằng tối thiểu với chút tình thương tha nhân đúng nghĩa của nó, người ta ắt phải ngậm ngùi than lên rằng Thầy đã chọn cái kiếp làm người dân Việt để lập chí lớn thành danh và đem tinh thần cùng sở học uyên bác phụng sự cho khối đồng chủng lầm than trong họa mất nước, miên man chìm đắm trong tăm tối khổ cực thậm chí đến văn tự, chữ nghĩa nước nhà còn chưa có. Hay chỉ vừa thoạt có mà còn quá phôi thai, đơn sơ. Từ thuở tấm bé Thầy đã sớm lìa xa bậc sinh thành, lầm lũi sống đơn độc trong bàn tay nuôi dưỡng bao bọc của bà nội. Tình nội tổ thay cho tình mẫu tử? Thầy đâu được biết thế nào là tuổi thơ. Thần định mạng đã đoạt đi tuổi thơ ngây vô tư lự ở Thầy! Với hoàn cảnh thê lương phũ phàng ấy, trăm đứa trẻ khó có lấy một còn có cơ hội nên người, thành nhân xứng đáng.

Có khôn lớn chăng theo với năm tháng thì khi kịp bước vào tuổi thành niên, chỉ là lại bước vào đoạn đời lêu lổng, thất học, làm sao dám thấu được tiếng gọi tình nhà nghĩa nước nữa?? Nhưng Thầy lại quá đặc biệt, riêng biệt. Bà Cụ Cử - bà nội của Thầy, từng sớm là bậc quả phụ ở vậy thờ chồng nuôi con khi Cụ Ông bỏ mình trong cuộc vấn thân phục Việt chống Pháp lại một lần nữa đòi đoạn gạt nước mắt, gắng gượng vươn chiếc lưng còng còm cõi, lận đận nuôi Thầy - nuôi đứa cháu mồ côi, mong sao một mai trở thành người hữu dụng, nối chí cha ông làm sáng danh dòng dõi. Người đời thường nhắc đến hai tiếng truyền thống thiêng liêng mơ mộng mà có biết đâu truyền thống của Đất Việt, Trời Nam đã là một phần như vậy đó. Từ thuở lên ba, Thầy đã mất đi tất cả nhưng Thầy đã có tiếng gọi huyền ảo kia hòa tan trong tim óc, huyết lệ của Thầy. Thế mới hay rằng cuộc sống nhung lụa đôi khi thường làm hư hỏng con người. Nhưng cảnh bần hàn mà thanh cao lại đã tạo ra được những nhân vật xuất sắc, biết rung động biết thổn thức trước những đau thương đè nặng người đồng chủng. Thầy miệt mài học tập, ngày thì theo đuổi nền tân học giữa buổi giao thời Đông – Tây gặp gỡ trên giang sơn Bồng Lạc. Đêm tối sắp xuống lại vùi đầu vào sách vở thánh hiền. Mới năm 16, lứa tuổi thiếu niên bỡ ngỡ bước vào ngưỡng cửa cuộc đời nhưng ở Thầy lại khác. Thầy đã có ngay cái vốn học thức Pháp ngữ vững vàng với danh vị Thủ khoa bậc Trung học trên toàn cõi Trung Nam Bắc - được coi là nấc thang đáng kể lắm lắm dưới thời Pháp thuộc lúc bấy giờ.

Bước đường tương lai trải rộng trước mắt Thầy. Nhưng Thầy nghe theo tiếng gọi của hồn nước, tham gia hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa Thục và bị người Pháp bắt giữ. Thầy đâu có không biết đến Cách mạng?

Và không thấm thía với hai tiếng Cách mạng?

Cuộc dấn thân quá sớm, và thất bại; có thể đã dẫn Thầy tới một chân trời nhận thức đấu tranh thực tế hơn. Trước hoàn cảnh yếu kém cùng cực của nước nhà, nhân tài vắng bóng, dân tình thất học, điêu linh, tưởng cứ phải có một kế sách thích ứng hơn là lao mình vào thất bại này kế tiếp thất bại khác sau khi được tha với bản án cảnh cáo nghiêm khắc cùng sự quản thúc nghiêm ngặt - vì dẫu sao Thầy đang trong tuổi vị thành niên, Thầy chọn lựa và tự cô lập mình trong chức vụ quản thủ thư viện tầm thường ở Trường Viễn Đông Bác cổ, ngày lại ngày biến thành con mọt sách. Và rồi dấn mình vào nghiệp làm báo. Báo Nam Phong. Những bài báo Thầy viết ra và nhừng bài diễn thuyết hùng hồn trong những dịp Thầy đặt chân đến đất Pháp với chủ đích giới thiệu nền văn hóa, đạo lý và lịch sử quật cường của dân tộc ta cùng những tác phẩm được phổ biến bằng Pháp ngữ, trực tiếp nhắm vào dư luận chính giới Pháp; đề cập đến nhiều sự việc thời thế chính yếu, và những vấn đề sống còn thiết thực của một nước Việt bị tước đoạt mọi thứ quyền, cho phép con tin tưởng rằng đó là những tài liệu quý giá nhất để lịch sử mai sau dựa vào, cho lời phán xét nghiêm minh về cuộc đời dấn thân của Thầy cho Tổ quốc thân yêu.



Lạy Thầy, con kính yêu Thầy không chỉ ở phận dâu con. Người thiếu nữ đất Thần Kinh, tầm thường nhất trong nhiều thế hệ nữ sinh sáng chói ở ngôi trường Đồng Khánh - như con đây, lại chỉ vì có cơ duyên được đọc đầy đủ hàng ngàn trang báo ở toàn tập Nam Phong và nhiều tác phẩm của Thầy in ra khiến con bàng hoàng, hết lòng nể trọng. Lòng tôn thờ Thầy lâng lâng dâng lên. Chữ nghĩa quả là có hồn. Nó biểu lộ tư tưởng. Và từ tư tưởng dẫn đến truyền cảm. Lời nói, có thể theo gió bay đi. Nhưng tư tưởng được khắc bằng chữ nghĩa cứ còn mãi. Nó là bằng chứng, tang chứng trung thực, trơ trơ cùng tuế nguyệt. Phận nữ nhi bọt bèo ấy vậy mà con xin mạn phép thưa lên: "Con đã hiểu được Thầy! Kể từ giờ phút mắt con được đọc những bản văn của Thầy "Bàn về cái tinh thần lập quốc", phân tích nền "Quốc học với quốc văn", luận về "quốc gia dân tộc", hay "Độc thư cứu quốc", v.v... con đã thấu hiểu được tại sao ta cứ mãi mãi là người Việt Nam, yêu đất nước ta, thiết tha với tiếng Việt của ta, với nòi giống Lạc hồng! Con liên tưởng đến những điều nhà văn Duyên Anh khi còn sống đã thốt lên: "Tôi bàng hoàng gặp Phạm Quỳnh. Quả thật với tôi. Phạm Quỳnh là trái núi và tôi chỉ là cỏ hèn. Sở học của Pham Quỳnh mênh mông. Tư tưỏng của Ngài thấu tận đáy hồn tôi làm tôi bay bổng, khiến tôi sáng cái ngu dốt của tuổi trẻ ngông nghênh. Ôi, cả đời đọc sách, thâu tóm tất cả tinh hoa của tư tưởng, học thuật cổ kim đông tây , dãi lọc kỹ càng để phô diễn lòng mình, gửi hồn mình vào hồn đất nước, tưởng ở thời đại Phạm Quỳnh, không ai tài học hơn". Duyên Anh khẳng định: "Văn nghị luận của Phạm Quỳnh khuôn thước chững chạc và lôi cuốn. Ngài bàn cả chuyện triết học cao siêu huyền bí bằng cách hành văn giản dị tươi sáng. Tôi quả quyết 68 năm sau Phạm Quỳnh, không một nhà văn nào có thể luận một vấn đề siêu hình theo bút pháp chân phương sáng sủa như Ngài. Triết lý sống của Phạm Quỳnh nằm gọn trong đoạn văn: Cổ nhân có câu "độc thư cứu quốc" câu ấy phải là cái khẩu hiệu của bọn ta. Vì ta học để làm gì? Nếu mục đích của sự học chỉ là dể sung sướng lấy một thân ta thì mục đích ấy chẳng là hẹp lắm ư? Ta phải biết nghĩa vụ, biết danh dự của ta. Nhiệm vụ và danh dự ấy là học để giúp cho nước ta khỏi yếu hèn mà được cường thịnh, dân ta khỏi ngu tốí mà được sáng suốt..."

Nương theo lời nhà văn Duyên Anh đã ghi: "Không cần kể Nam Phong vĩ đại, không cần kể tác phẩm lẫy lừng của Phạm Quỳnh. Chỉ vài đoạn văn bày tỏ tấm lòng yêu quốc, quốc ngữ quốc văn của Phạm Quỳnh là có quyền khẳng định Phạm Quỳnh là nhà văn yêu nước", con bỗng bị lôi cuốn theo tiếng nói hùng hồn, ái quốc mãnh liệt của Thầy cất lên giữa hội trường chính trị ở Viện Hàn Lâm Pháp quốc: "Dân Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dầy đầy những chữ viêt bởi một thứ mực không phai đã từ mấy mươi thế kỷ. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang những không thể đem thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ ấy... Hãy cho chúng tôi một tổ quốc để thờ. Vì đối với dân tộc Việt Nam, tổ quốc đó không thể là nước Pháp... "!

Con xin thành kính và thống thiết gào lên là con đã đọc đã nuốt từng chữ từng lời trên của Thầy không biết đến bao ngàn lần. Nó ví như nước suối nguồn tinh khiết từ ngọn thác hùng vĩ của Đất Trời đổ về lòng con. Nhưng rồi vẫn chưa hẳn chỉ đúng có như vậy. Lắm lúc, con nghẹn ngào thê thiết, có cảm tưởng như đang nuốt từng giọt lệ vào tâm can con. Con bật khóc! Khóc thương Thầy. Thầy cao cả quá. Và khóc thương cho tiếng gọi Việt Nam ngàn đời bất diệt...

Ngày giỗ Thầy năm nay vào hạ bán niên 2000 lại đang lững thững về đâu đây. Con người ta sinh ra đời ai ai cũng có ngày sinh ngày tử để cho con cháu tưởng niệm bậc sinh thành. Riêng với Thầy, ngày cỡi hạc quy tiên, Thầy đã không có một ai trong gia đình được biết rõ ràng, chính xác chỉ vì Thầy sa vào tay bọn người CS Việt Minh, và vì khiếp sợ tư tưởng hùng tráng, chính nhân quân tử ở Thầy với văn tài có một không hai nơi cõi trời Nam, họ đã đem thủ tiêu Thầy. Họ giết Thầy cực kỳ tàn khốc, dã man. Không phải chỉ ở mức độ một người Việt vì nặng oán thù chồng chất lỡ ra tay sát hại một người Việt. Mà hãi hùng thay, ghê rợn thay, đã cứ như bọn xâm lăng Mông Cổ ngày xưa tràn sang nước Việt giết dân ta vậy.

Lòng con bồi hồi khôn tả. Nhưng trong niềm xúc động bao la ấy, con bỗng thấy nhuốm lên chút mừng vui mà nhiều năm trước chưa bao giờ đón nhận được. Nhiều nhà văn nhà báo ở phương trời tự do đã bình tâm nghiêm túc đặt vấn đề xét lại, làm sống lại giá trị văn hơc và chính trị của nhà học giả Phạm Quỳnh"

Lúc sống, Thầy ấp ủ mộng cứu nước giúp dân, một mình đã bước trên con đường thiên lý đấu tranh cô đơn cô độc, lắm lúc vẫn ngại ngùng về nỗi khó được người cùng thời biết đến, thấu cho.

Vậy nay sự việc danh dự ấy đang diễn ra trong chiều hướng thuận lợi, công bằng dành cho người khuất bóng, qua sự phản ảnh của các nhà văn nhà báo quốc gia.

Con thầm nguyện nơi chín suối Thầy đang mỉm miệng cười thanh thoát...
Maryland, tháng 9 – 2000

 Hỷ Nguyên
 Tác giả, bà Hỷ Nguyên, cựu nữ sinh Trường Đồng Khánh Huế. Bà đã kết duyên cùng ông Phạm Tuân, người con trai út trong số 13 người con vừa trai vừa gái của nhà văn học Phạm Quỳnh. Vào những ngày đầu tháng 9 – 2000 vừa trôi qua, nhằm thời gian giỗ nhà học giả, bà Hỷ Nguyên ở thân phận dâu con, cảm tác bài báo trên kính trình công luận và cũng là lời biết ơn được gửi đến các nhà văn, nhà báo hải ngoại.

 

 

 

 


 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn