BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Câu Chuyện Không Có Trong Phim

27 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 808)
Câu Chuyện Không Có Trong Phim
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ ( La Journée Internationale de la Francophonie) 20 tháng 03 hàng năm, Trung tâm văn hóa Pháp L’ Espace tại Hà nội vừa trình chiếu bộ phim “Trở về” của đạo diễn Đặng Nhật Minh có phụ đề bằng Pháp ngữ. Bộ phim được hoàn thành vào năm 1994 và lấy bối cảnh xã hội Việt nam vào đầu những năm 1990, bộ phim đề cập tới đời sống của những con người ở hai miền Nam, Bắc sau cuộc chiến, trong đó có những số phận là những trí thức trẻ miền bắc, “Thuyền nhân” người miền nam trở về Sài gòn và cả chân dung của những người được gọi là “Sếp” trong thời kinh tế bắt đầu theo hướng “đổi mới”.



Theo giới thiệu của L’Espace: “ Là gương mặt hàng đầu của điện ảnh Việt nam hiện nay, Đặng Nhật Minh là một trong những đạo diễn đầu tiên khởi xướng công cuộc “đổi mới” cho điện ảnh Việt nam, với mục đích đề cập một cách thẳng thắn những vấn đề xã hội.”

Trong phần giao lưu với khán giả ngay sau buổi trình chiếu, sau khi trả lời một số câu hỏi, Đặng Nhật Minh đã ngẫu hứng kể lại một câu chuyện trong quá trình làm phim “Trở về”: Trong kịch bản có đoạn mô tả xã hội thu nhỏ Việt nam lúc đó thông qua những hình ảnh diễn ra xung quanh và trong một chiếc xe bus xuyên Việt, trong đó có một nhân vật làm nghề ăn xin trên xe bus, Đặng Nhật Minh kể rằng lúc đó ông muốn một người phế binh của chế độ Sài gòn ( xin nhấn mạnh: Đặng Nhật Minh dùng chữ “chế độ Sài gòn”) cũ đóng vai đó và nói với người phụ tá đi tìm. Người phụ tá đã đưa về một phế binh bị cụt mất một chân ở phía trên đầu gối, đúng của chế độ Sài gòn, chừng 40 tuổi, đang làm nghề hát rong ở chợ Bến Thành. Sau khi trao đổi và đề nghị, người phế binh đó đồng ý nhận đóng phim nhưng với đề nghị dứt khoát không thể hiện “ ăn xin” mà là hát dạo và bán vé số cho khách đi bus. Đặng Nhật Minh nói rằng đoàn làm phim hết sức ngỡ ngàng và riêng cá nhân Đặng Nhật Minh rất khâm phục người phế binh và đồng ý theo đề nghị đó. Sau khi hoàn thành đoạn phim, Đặng Nhật Minh kể lại đã quyết định trả công gấp đôi cho người phế binh.

Đoạn phim lấy cảnh nền là một chiếc xe bus thô sơ của Việt nam thời 1990, đang lấy khách bên một quán nước đơn sơ bên đường, với những hàng hóa cồng kềnh, thô kệch chất cao ngất trên nóc xe, những hành khách trông lam lũ, im lặng chờ đợi trong lòng xe chật hẹp chờ giờ chuyển bánh, những tiếng í ới chia tay vội vã, bỗng xuất hiện một người đàn ông cụt một chân với cây đàn ghi-ta gỗ với âm thanh bập bùng và giọng hát đàn ông dân dã, say sưa, chầm chậm bài “ Rừng lá thấp “ nổi tiếng với giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Tuyền một thời, “ Rừng lá xanh xanh lối mòn chảy quanh… Không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa … Đừng hát như chim giữa rừng lá sầu, xin thật lòng qua câu hát đầu môi…”, khuôn mặt người đàn ông bị che khuất bởi chiếc mũ lưỡi trai nhầu nhĩ và tư thế đang phải ghì cây ghi-ta để bấm nốt gảy đàn trong không gian chật hẹp của chiếc xe bus, khi bài hát được hoàn thành một cách kiên trì, khuôn mặt của người đàn ông được lộ ra với những nét sương gió, bụi bặm với đôi mắt sáng, hiền và tự tin, lê chân trên lối xe chật hẹp mời khách trên xe mua những chiếc vé số với lời nói vui vẻ, nhẹ nhàng.

Nếu chỉ xem đoạn phim đó, không ai biết được người đàn ông cụt chân đó bị thương tật trong hoàn cảnh nào và càng không thể biết nhân cách thực của con người thường được nhìn với con mắt “ đáng thương” đó ra sao. Bộ phim rất được công chúng quốc tế đón nhận, nhưng đối với khán giả Việt nam như lời Đặng Nhật Minh nói nếu không có sự giúp đỡ của L’Espace, ông tin rằng 09/10 khán giả đang có mặt ở khán phòng sẽ không bao giờ biết có bộ phim này. Và theo tôi, nếu Đặng Nhật Minh không kể lại câu chuyện đó sẽ không có ai biết được một chi tiết cảm động và đáng khâm phục, nhưng khó có thể đưa lên phim trong bối cảnh xã hội Việt nam hiện nay.

Câu chuyện đó tôi xin ghi lại với suy nghĩ, có thể, nó sẽ góp một phần vào quá trình hàn gắn những vết thương lòng của Dân tộc Việt, mà hiện nay vẫn nhói đau trong lòng của nhiều người dân Việt chúng ta.

Phạm Hồng Sơn
27/03/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn