Ngay sau khi tôi nhận được quyết định trả lại tự do cho tôi thì đã có cảnh sát mặc thường phục đưa tôi lên một chiếc xe do họ điều khiển và đưa từ trại giam về gia đình tôi. Còn xe của gia đình tôi vào đón thì đã không được họ cho phép đón tôi về. Khi về đến nhà thì xung quanh nhà tôi có rất nhiều người lạ mặt đứng với tư thế dò xét và dùng máy quay video quay lén, hiện nay thì họ cũng có những biện pháp để làm cho sự tiếp xúc của tôi với những người khác nó khó khăn. Trước của nhà tôi thì có cái bảng người ta ghi bằng tiếng Anh là "Restricted Area".
Về việc tiếp xúc với các cơ quan truyền thông nước ngoài, ông Sơn cho biết:
Từ khi tôi về đến giờ thì tôi mới chỉ tiếp xúc với các cơ quan truyền thông quốc tế qua điện thoại thôi. Tôi cảm thấy tất cả các cuộc tiếp xúc qua điện thoại đều được thực hiện thông suốt, chưa có một cơ quan truyền thông nào đến tận nhà để gặp cả. Cho nên tôi cũng không hiểu là có sự gây khó khăn nào cho sự gặp trực tiếp không.
Về bản án mà ông đã phải nhận, ông Sơn bày tỏ ý kiến như sau:
Về bản án mà cơ quan quyền lực ở Việt Nam đưa ra cho tôi thì trước sau như một là tôi hoàn toàn phản đối. Trước tiên là về phương diện luật pháp của Việt Nam thôi, chỉ tính riêng trên phương diện luật pháp Việt Nam thôi thì bản án đó là hoàn toàn vô căn cứ, vô hiệu luật. Còn về phương diện đạo lý thì càng lại hoàn toàn là một điều phản đạo lý. Cho nên trước sau như một là tôi không chấp nhận bản án của các tòa án Việt Nam đã tuyên đối với tôi.
Còn về những công việc của tôi thì từ trước tới giờ tôi vẫn khẳng định là công việc của tôi làm thứ nhất là phù hợp với đạo lý của con người. Và trên phương diện pháp luật thì tôi cũng chưa làm điều gì vi phạm pháp luật cả. Cho nên tôi cũng không phải suy nghĩ, bâng khuâng về những việc mình đã làm cũng như những việc sắp tới mình sẽ làm. Những gì tôi đã làm tôi đều cho là đúng. Và những điều gì đã là đúng thì nó sẽ tiếp tục được làm thôi.
Trả lời câu hỏi liệu việc ông được phóng thích có phải là dấu hiệu nhà nước Việt Nam đã có những cải tổ và đáp ứng dư luận trong và ngoài nước hay không, ông Sơn nói:
Thực ra nếu chỉ đánh giá một sự kiện cá nhân tôi được trả lại tự do cũng như một số người khác được trả lại tự do nhân dịp sự kiện 2/9 sắp tới để đánh giá rằng chính quyền Việt Nam và những người lãnh đạo Việt Nam đang có một sự thay đổi về nhận thức trong vấn đề lãnh đạo cũng như quan điểm về tự do dân chủ thì tôi nghĩ đấy là một sự đánh giá quá sớm. Nhưng theo cá nhân tôi thì dù sao điều đó nó cũng có thể nói lên một điều gì đó là chính quyền Việt Nam hiện nay cũng như những ngườ lãnh đạo Việt Nam hiện nay đã phải biết lắng nghe dư luận quốc tế nhiều hơn và họ cũng đã phải hiểu được là sự ủng hộ cho tự do dân chủ là trên khắp thế giới. Nếu như chính quyền Việt Nam hiện nay không có sự phản hồi để cho cộng đồng quốc tế biết được rằng người dân Việt Nam có thể sẽ có được những thuận lợi hơn thì chắc chắn rằng những lợi ích mà hiện nay họ đang mong muốn chắc chắn là sẽ khó khăn. Cho nên sự việc mà tôi và một số người khác được trả tự do thì tôi nghĩ rằng nó chỉ nói lên một điều trong giới hạn hạn hẹp nào đó thôi, nếu nói nhận thức sâu xa thì tôi nghĩ là chưa.
Nhìn rộng bối cảnh tất cả thì việc trả lại tự do cho tôi nó chỉ là chuyển tôi từ một nhà tù thật sự sang một bối cảnh là tôi được về với gia đình thôi, còn nếu nói về tự do thì có lẽ chữ đó không thể xứng đáng dùng được.
Kết thúc cuộc nói chuyện với đài VOA, ông Sơn pháp biểu:
Thật sự đây là một cơ hội mà tôi cũng mong muốn để giải bày tình cảm của tôi đối với tất cả mọi người ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã ủng hộ cho những hoạt động đấu tranh cho tự do dân chủ trên đất nước Việt Nam hiện nay. Một điều không thể không nhắc đến là đặc biệt là những đồng bào Việt Nam đang định cư tại nước ngoài. Cho dù những đồng bào đó ra đi vì lý do gì thì tôi nghĩ đó cũng là một phần không thể tách rời với đất nước Việt Nam. Theo điều tôi được biết thì chính đấy hiện nay đang là một bộ phận rất quan trọng cho công cuộc giúp cho đất nước Việt Nam có được nền tự do dân chủ tốt hơn.
Cuối cùng tôi cũng xin được nhờ đài VOA để cảm ơn đến tất cả các chính phủ, quốc hội, cũng như nhân dân các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở vùng Bắc Mỹ, Châu Âu và vùng Châu Đại Dương, và các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác đã ủng hộ và giúp đỡ cho những hoạt động bảo vệ và đấu tranh cho việc Việt Nam có nền tự do dân chủ hơn, nói chung. Còn cá nhân tôi, tôi nghĩ, cũng chỉ là một cá nhân trong cả một bối cảnh hiện nay của Việt Nam thôi.
Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành và không biết nói gì hơn là mong muốn tất cả mọi người có được sức khỏe và hạnh phúc.
Tại Hoa Kỳ, trong khi tham dự đại hội của tổ chức cựu chiến binh Mỹ American Legion nhóm ở Salt Lake City, tiểu bang Utah hôm thứ ba, dân biểu Chris Smith có dành chút thì giờ để phát biểu với đài VOA về trường hợp của bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Ông Smith nói rằng bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị giam đã 4 năm chỉ vì ông dịch một bài viết trên trang Web của đại sứ quán Mỹ có tên là Dân Chủ Là Gì. Đây quả là một sự xúc phạm trắng trợn, và rằng chính phủ Việt Nam cần phải xin lỗi ông ấy.
Dân biểu Smith nói thêm rằng điều quan trọng là phải nêu vấn đề nhân quyền lên với Việt Nam, nhất là vào thời điểm Việt Nam hết sức mong muốn gia nhập WTO. Việt Nam cần phải hành xử như một chính phủ văn minh, và phải ngưng đàn áp hành hạ tù nhân chính trị.
Theo VOA
Gửi ý kiến của bạn