Đồng kính gửi các cơ quan thông tấn, báo chí, và các cơ quan liên quan khác.
Lưu ý: Văn bản này được gửi qua đường thư điện tử.
***
Đầu năm Nhâm ngọ ( khoảng đầu tháng 02 năm 2002 ) Thư Lê và tôi hoàn thành bản dịch “ Thế nào là Dân chủ?” theo tư liệu của đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam. Tuy nhiên, bài viết này không có chủ đích đi sâu vào nội dung bản dịch đó, mặc dù ngay tựa đề ( What is Democracy? ) của nó đã cho ta một sự hứng thú để tìm hiểu “ thế nào là dân chủ” rồi, vì tôi đã nghe thấy từ “dân chủ” từ lâu nhưng chưa bao giờ được nghe và được đọc để hiểu bản chất thực sự của nó là gì và nhiều cái hiện được gọi là “dân chủ” có thực sự là dân chủ không. Phải nói thật, sau khi hoàn thành bản dịch đó, tôi đã có một cái nhìn tổng quát, cơ bản về dân chủ ( dĩ nhiên là theo quan niệm của người viết ) và một sự lạc quan về dân chủ: có Dân chủ sẽ có Tất cả. Có thể quan điểm của tôi chỉ là quan điểm của một người bị choáng ngợp trước một thế giới mới nhiều điều hứa hẹn, nhưng dẫu sao đó cũng là cảm xúc chân thành nhất của tôi muốn nói lên ở đây.
Chuyển sang vấn đề chính tôi muốn đề cập ở đây. Mấy hôm nay các tờ báo lớn trên toàn quốc đều thông tin về kết quả của Hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành trung ương đảng( HN5TWĐ). Kết quả của hội nghị đó là thông qua 05 nghị quyết có tính định hướng cho đường lối lãnh đạo và mục tiêu cho đất nước ta trong giai đoạn tới. Trong 05 nghị quyết đó tôi thấy có những điểm tâm đắc trùng hợp với bản dịch “ Thế nào là Dân chủ?”, một sự trùng hợp đặc biệt là thời gian chúng tôi dịch và hoàn thành cũng gần trùng với thời gian họp của HN5TWĐ ( từ ngày 18/02/2002 - 02/03/2002).
Trong 05 nghị quyết đó, tôi rất chú ý tới nghị quyết 04 và nghị quyết 05. Đây là hai nghị quyết dành cho vấn đề nhận thức và lý luận. Hai nghị quyết này có nhiều điểm đáng mừng và đáng lạc quan cho thời gian tới.
Trong nghị quyết 04 về “ Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”: phần hai của nghị quyết này đã quyết định phải thực hiện “ Thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở và trong quan hệ với dân, phát huy quyền làm chủ của dân...”. Phần ba của nghị quyết này khẳng định các cán bộ lãnh đạo phải “ biết hướng dẫn và phát huy tính tự quản của dân, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, không tham nhũng, ức hiếp dân, được dân tín nhiệm.”
Trong nghị quyết 05 về “ Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”: nghị quyết này có những quyết định rất sáng suốt như “ mở rộng dân chủ, phát huy tự do tư tưởng trong nghiên cứu lý luận, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận,...nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng lý luận; kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tưởng, lý luận; tăng cường đầu tư cho công tác tư tưởng, lý luận; phát huy sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh các hoạt động tư tưởng,lý luận; đổi mới nội dung, phương pháp công tác tư tưởng, lý luận.”
Và tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng xác định phong cách lãnh đạo mới trong thời gian tới là “ nói đi đôi với làm” và việc đưa ra các nghị quyết trên xuất phát từ “ yêu cầu bức xúc phải giải quyết”.
Ngay khi kết thúc HN5TWĐ, Ban bí thư trung ương đảng đã tổ chức hội nghị toàn quốc để sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 30/CT/TW của Bộ chính trị ( khóa VIII) về xây dựng và thực hiện qui chế dân chủ ( QCDC) ở cơ sở từ ngày 04-05/03/2002. Điều này cũng chứng tỏ vấn đề Dân chủ đã có được lưu tâm lớn từ những nhà lãnh đạo. Theo báo Lao động đưa tin ngày 05/03/2002:” Hội nghị sơ kết đã chỉ rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế trong việc thực hiện QCDC về mặt chủ quan và khách quan. Đó là việc nhận thức về dân chủ còn nhiều hạn chế, nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, tính cấp bách và lâu dài của vấn đề dân chủ nói chung và thực hiện QCDC nói riêng.” Cũng theo báo Lao động, “ việc thực hiện QCDC ở cơ sở, hình thức dân chủ trực tiếp đang tỏ rõ sức sống và hiệu quả, được nhân dân đồng tình, phấn khởi thực hiện. Song, việc nâng cao hình thức dân chủ đại diện thông qua chính quyền và các đoàn thể nhân dân cũng rất quan trọng...Dân chủ là chiếc ‘ chìa khóa vạn năng ‘ để giải quyết mọi khó khăn.”
Qua những nghị quyết và tổng kết trên chúng ta đã thấy rõ sự quyết tâm thay đổi về phương cách lãnh đạo của chính quyền hiện nay theo chiều hướng Dân chủ. Mặc dù người ta thường nói “ Tư tưởng quyết định Hành động “, nhưng việc chuyển những mong muốn và tư tưởng thành hiện thực vẫn luôn không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh xã hội ta còn nhiều những thói quen, tiền lệ nguy hiểm như “trên bảo dưới không nghe”, “ luật của ta xử thế nào cũng được”, nhưng cũng phải khẳng định mạnh mẽ rằng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể biến những mong muốn tốt đẹp nói trên thành hiện thực mà chúng chỉ nhắc nhở những người lãnh đạo và dân chúng phải kiên quyết thực hiện hơn nữa và nghiêm khắc hơn nữa với những hành động, ý đồ đi ngược lại định hướng tốt đẹp đó.
Với sự hân hoan về các điểm nêu trên đây của nghị quyết HN5TWĐ và các kết luận của Hội nghị toàn quốc để sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 30/CT/TW của Bộ chính trị ( khóa VIII) về xây dựng và thực hiện qui chế dân chủ ( QCDC) ở cơ sở, tôi xin trình bày 02 đề nghị của tôi sau đây với mong muốn góp một phần nhỏ vào việc thực hiện thành công các nghị quyết và định hướng trên:
1. Làm cho Dân chúng nhận thức được thế nào là Dân chủ.
Vì bộ máy quản lý của một xã hội bao gồm nhiều cấp độ và nhiều cá nhân với tính cách và sự hiểu biết khác nhau, do đó việc thực hiện sai các nghị quyết chỉ đạo ( cố ý hoặc vô ý ) cũng là điều dễ hiểu nếu chúng ta không xác định rõ thế nào là Dân chủ để cho mọi người cùng lấy đó làm tiêu chuẩn cho suy nghĩ và hành động, nhất là đối với dân chúng. Vì nếu người dân không xác định được như thế nào là Dân chủ thì làm sao dân chúng có thể phát hiện và ngăn chặn các vi phạm Dân chủ của người khác ( đặc biệt là người lãnh đạo), khi đó “ chiếc chìa khóa vạn năng “ bị cất đi hoặc bị đánh tráo bằng chiếc chìa khóa vạn năng giả, người dân cũng không thể biết được. Và như thế, nghị quyết vẫn chỉ nằm trên tờ giấy hoặc chỉ được phát vào không khí! Điều này nghe qua có vẻ như là sự phủ định mọi cố gắng của các cấp lãnh đạo và những người tâm huyết, nhưng sự thực vẫn thường thẳng thắn như thêá và chúng ta cần phải dũng cảm nhận chân nó để tránh cho tương lai.
Do đó tôi xin đề nghị hãy phát động Một phong trào tìm hiểu, nghiên cứu về Dân chủ trong các cơ quan nghiên cứu và đặc biệt trong Dân chúng ( kể cả người Việt định cư ở nước ngoài) để định ra được các tiêu chí cơ bản của Dân chủ cho mọi người cùng biết. Đây chắc chắn là vấn đề không nhỏ và không dễ tranh luận, nhưng nó là nền tảng cho mọi sự thay đổi đúng như tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói đó là chiếc“ chiếc chìa khóa vạn năng”. Để có kết quả tốt nhất thì cách nghiên cứu, tranh luận cũng phải được thực hiện trên tinh thần hướng tới Dân chủ, tức là phải được “tự do tư tưởng trong nghiên cứu lý luận”, nói một cách đơn giản hơn và cần phải được khẳng định là không có điều gì bị cấm nói, cấm tranh luận và được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng ( báo chí, radio, truyền hình, internet).
Tuy nhiên, để huy động được những người tài trí, tâm huyết cho đất nước trong phong trào này, chúng ta phải làm cho dân chúng vượt qua được tâm lý bấy lâu nay vẫn đang ngự trị: Rất e ngại khi đề cập tới vấn đề thời cuộc, xã hội với lý do đã có nhiều người tâm huyết góp ý đã không được đón nhận đúng mức và thậm chí còn bị gặp nhiều trắc trở. Chúng ta hãy chứng tỏ cho dân chúng biết, thời đó đang qua và sẽ qua. Và biện pháp thuyết phục dân chúng nhất là chúng ta hãy công bố các góp ý, kiến nghị với đảng và nhà nước của những nhân vật như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Trần Khuê... cũng như nhiều ý kiến đóng góp, thậm chí phê phán của những người Việt nam định cư ở nước ngoài. Trong các góp ý, kiến nghị đó chắc chắn sẽ có những điểm cần tranh luận nghiêm túc để nhận rõ điều gì hay cần thực hiện, điều gì dở cần phê phán để tránh cho những người nghiên cứu sau này. Nếu làm được như thế chắc chắn niềm tin của Dân chúng vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản sẽ được tăng lên gấp bội và đảng cộng sản Việt nam cũng sẽ tạo nên một kỳ tích trong lịch sử các đảng Cộng sản trên toàn thế giới! Dân tộc ta đã có những bài học đắt giá cho việc giới lãnh đạo không công bố, không tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân như các trường hợp Nguyễn Trường Tộ, Chu Văn An,... và gần đây là cựu bí thư tỉnh ủy Vĩnh phú Kim Ngọc về hình thức khoán nông nghiệp.
Tôi rất tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện được điều này vì tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Trung ương đảng, đại diện cho cấp lãnh đạo cao nhất của Dân tộc ta hiện nay đã đưa ra những quyết định như trích dẫn ở trên và khẳng định “ Nói đi đôi với Làm” và chắc chắn tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Trung ương đảng cũng nhất trí rằng “ Làm” phải cần huy động sự đóng góp trí tuệ và sức lực của mọi người dân.
2. Từng bước thực hiện một cách quyết đoán các yêu cầu chính của một nền Dân chủ ( sau khi đã xác định rõ Thế nào là Dân chủ ).
Đề nghị này tôi xin chỉ nêu lên vấn đề vì đề nghị này hoàn toàn phụ thuộc vào đề nghị thứ nhất.
Tuy nhiên về vấn đề thực hiện tôi xin triển khai một góp ý : Khi cần đấu tranh với một tệ nạn, thói quen xấu trong xã hội, để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, chúng ta thường quen dùng những từ mạnh như “quyết liệt”, “lâu dài” nhưng chúng ta cũng thường không có thói quen lập kế hoạch chi tiết để sao cho “quyết liệt” và giới hạn “ lâu dài” là bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm và ai là người chịu trách nhiệm hoặc được khen thưởng nếu mục tiêu không đạt hay đạt được. Từ “lâu dài” còn nguy hiểm ở chỗ là gây cho mọi người một tâm lý trì hoãn và dẫn đến quên lãng, thờ ơ. Và không có ai chịu trách nhiệm thì liệu chúng ta có hy vọng đạt được những điều mong muốn như nghị quyết đưa ra hay không. Chắc chắn là không!
Có thể có người cho rằng những đề nghị của tôi chỉ đơn giản thế sao? Vâng, tôi cũng đồng ý điều tôi đưa ra là đơn giản, không có gì phức tạp, nhưng theo tôi đó là sự thay đổi cần thiết đầu tiên phải làm nếu chúng ta cam kết đi theo con đường dân chủ: làm cho mọi người nhận thức đúng và tốt về Dân chủ. Một lý do nữa khiến tôi chỉ đưa ra đề nghị đơn giản đó là xuất phát từ tình hình thực tế: tại nước ta hiện nay về mặt tổ chức nhà nước và hệ thống luật cũng đã tương đối hoàn thiện về mặt cấu trúc và hình thức, các cấp lãnh đạo và dân chúng phần lớn đều nhận biết được các yếu kém của đất nước và cũng đã đưa ra các mục tiêu để phấn đấu, nhưng tại sao vẫn không thực hiện được như mong muốn. Các báo cáo tổng kết của các ngành, bộ, trung ương thường có những câu đại loại như “ bên cạnh những thành công đó vẫn còn nhiều những mặt yếu kém,...” và lặp lại từ năm này qua năm khác.
Vậy phải chăng ta có nên đặt một câu hỏi trực diện: lý do không thực hiện tốt các nghị quyết, định hướng là do không có người giỏi lãnh đạo hay do cách quản lý và lãnh đạo chưa thích hợp?
Chắc chắn câu trả lời đầu tiên sẽ là: chúng ta không thiếu người tài, ngay cả trong các cơ quan lãnh đạo trung ương và các cấp khác hiện nay cũng có rất nhiều người xuất sắc về tư tưởng, lý luận, quản lý và tâm huyết - mặc dù tình hình tham nhũng lan tràn hiện nay trong các cơ quan lãnh đạo cũng không làm tôi nghĩ ngược lại. Vậy câu trả lời chắc chắn phải là do cách quản lý và lãnh đạo chưa thích hợp.
Một ví dụ đơn giản để dễ hình dung lập luận này là trong lĩnh vực quản lý kinh doanh: cũng một khách sạn đó với các trang thiết bị, nhân viên và ban lãnh đạo như nhau nhưng khi ban lãnh đạo áp dụng phương thức quản lý mới thì hiệu quả của khách sạn thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, mặc dù có thể phải sắp xếp, thay đổi một số nhân viên. Còn nếu vẫn theo phương cách quản lý cũ thì cho dù có họp bàn, quyết tâm, thậm chí tăng cường trợ giúp hay thay đổi lãnh đạo đến mấy thì khách sạn đó vẫn không thể phát triển được, mặc dù có thể nó vẫn tồn tại nhưng không thể loại trừ khả năng sập tiệm do sự cạnh tranh ngày càng dữ dội.
Nhiều người luôn quan niệm xã hội là một vấn đề phức tạp và lớn lắm, không đơn giản thế đâu! Đúng, tôi đồng ý xã hội luôn phức tạp và rộng lớn, nên để hiểu nó chúng ta lại càng không nên phức tạp hóa, chúng ta càng không nên tự tạo khó khăn khi bắt đầu một quyết tâm lớn mà hãy chọn cái đơn giản và cơ bản nhất cho bước đi đầu tiên trong việc “thực hành dân chủ thực sự”
Quay trở lại tiêu đề của bài này “NHỮNG TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG CHO DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM ?”, tôi tin tưởng, đến đây, Quí vị cùng khẳng định với tôi đó thực sự là những tín hiệu đáng mừng về Dân chủ tại Việt nam! và hy vọng những tín hiệu đáng mừng về Dân chủ tại Việt nam hiện nay sẽ trở thành những thành công đáng mừng về Dân chủ tại Việt nam tới đây.
Trân trọng,
Hà nội, ngày 06/03/2002
Phạm Hồng Sơn
72B Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà nội
Tel. 847 35 83; 0903 21 3776
E-mail: sonhqv@hn.vnn.vn
Gửi ý kiến của bạn