BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hình ảnh Má trong thơ Đoàn Xuân Thu

10 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 1539)
Hình ảnh Má trong thơ Đoàn Xuân Thu
53Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.34
Lời dẫn: Người Mẹ là món quà vô cùng quý giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người. Tình Mẹ thương con không bờ bến phần nào đã phản ảnh tình yêu thương bao la, cao cả của Thiên Chúa dành cho con cái Ngài. Nhân ngày Nhớ ơn Mẹ, chúng ta cùng đọc lại trích đoạn các bài thơ viết về Mẹ: Ngã ba sông, Cặp đệm nắm xôi, Con vẫn muốn về quê gánh mận!, Chuông ơi đừng reo nữa!, Ngọn đèn chong mắt, Nhận của con nếu có chỉ là thơ,… của Đoàn Xuân Thu, một nhà thơ ở Melbourne. Mặc dù Đoàn Xuân Thu chỉ viết về người Mẹ trong một hoàn cảnh rất đặc biệt ở vùng quê sông nước miền Nam – Người mà anh gọi một cách trìu mến, thân thương “Má” – nhưng chúng ta cũng sẽ ít nhiều bắt gặp hình ảnh của chính Mẹ mình khi đọc các bài thơ này.

* * *



Nhớ Má đồng bưng, ruộng, vườn, rẫy bái,
Chưn sình lầy, lúa nếp, cánh đồng mưa…


Chỉ với hai câu thơ thật giản dị trong bài Cặp đệm nắm xôi, Đoàn Xuân Thu đã khắc hoạ được hình ảnh một bà Má quê đơn sơ, nghèo khổ, đầu tắt mặt tối, vất vả trăm chiều. Nhịp điệu ngắt quãng và âm điệu trầm bổng của câu thơ còn khiến người đọc hình dung ra ngay sự tất bật, lặn hụp trong công việc đồng áng của Má giữa một khung cảnh mưa gió sụp sùi.

Má quê không phải chỉ vất vả trong công việc đồng áng mà còn phải quán xuyến tất cả mọi công việc trong gia đình. Cuộc sống Má suốt đời lận đận lo cho chồng, cho con như trong bài “Con vẫn muốn về quê gánh mận”:

Nhớ Má thương, suốt một đời lận đận;
Lận đận theo chồng, lận đận nuôi con.

Hình ảnh Má luôn gắn liền với với chiếc áo bà ba sờn rách – một hình ảnh vừa cụ thể, vừa rất quen thuộc của những bà Má nghèo khổ nơi vùng quê sông nước miền Nam:

Con tha thiết gọi quê mình xứ mận!
Má lấy chồng nghèo, chiếc áo bà ba,
Vai áo bà ba sờn theo năm tháng,
Con ra đời chiếc áo Má vá vai.

Chiếc áo vá vai ấy ngày một dầy thêm theo năm tháng và theo đà khôn lớn của con, bởi đôi vai của Má đã gánh vác tất cả những nỗi nhọc nhằn trong gia đình, trong sự nuôi dạy con cái:

Mụn vá dày, dày thêm, ngày con lớn:
Tiền học hành, quần áo – Má – một tay…

Chiếc áo vá vai ấy không những là biểu tượng của quê nghèo, của những nỗi gian lao, vất vả, mà còn là của lòng hy sinh, sự tận tuỵ và tình thương con bao la không bờ bến của Má. Nó đã tạo nên một ấn tượng không thể phai nhoà trong tâm trí của con. Vì thế sau này, khi đã khôn lớn và có tiền gửi về cho Má may áo mới, con vẫn muốn giữ lại tấm áo kỷ niệm ngày xưa như giữ mãi chính hình ảnh của Má trong những tháng ngày vất vả nuôi con:

Tiền con gởi Má may áo mới,
Giữ dùm con chiếc áo năm nào,
Áo vá vai, nhớ ngày nhịn đói,
Cắt rừng thăm, nuôi con… tù đày.
(Ngã ba sông)

Ở vùng quê nghèo nên mọi thứ đều thô sơ, thiếu thốn. Không có nhà bảo sanh, Má sanh con tại nhà, cắt rún con bằng miểng chén. Con lớn lên Má nuôi con ăn học bằng “Cặp đệm, nắm xôi” do Má tự làm lấy. Kỷ niệm về nếp sống nghèo khổ ấy đã ăn sâu vào tâm trí của con đến nỗi sau này khi đi vào cuộc chiến, giữa tiếng bom đạn vang rền, con vẫn nghe đâu đấy âm thanh của nhịp chày giã cỏ bàng đương cặp đệm ngày xưa của Má:

Con lớn lên, con đi vào chiến trận,
Hành quân hoài mấy bận lội đồng bưng.
Sao vòng vọng nhịp chày xưa, Má giã?!
Giã cỏ bàng, đương cặp đệm, nhớ thương!

Cũng như bao người Mẹ hiền khác, mặc dù nghèo khổ, thiếu thốn, Má đã dành cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất, những món ăn ngon nhất Má có được. Hình ảnh Má trong ca dao “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau” đã được nhà thơ vận dụng thật khéo léo, tài tình trong hoàn cảnh riêng của mình:

Suốt một thời thơ ấu con mang theo:
Cặp đệm Má đương, nắm xôi Má nấu.
Xôi nếp một, bếp bình minh khói toả,
Đường mía lau thơm, vị ngọt quê nghèo!

Những sự vật giản dị, bình thường nhất trong cuộc sống nơi quê nghèo bỗng hiện lên đẹp đẽ lạ thường trong đoạn thơ! Đó cũng chính là nét đẹp đầm ấm, an hoà của quê hưong mình trong thời thái bình ngày trước, nơi đó tuổi thơ của con đã êm đềm trôi qua trong sự bảo bọc dịu dàng của Má. Đó chính là nét vàng son của một thời đã qua mà con sẽ không bao giờ tìm lại được. Và cũng như tiếng chày xưa đã để lại dấu ấn khó phai mờ, thì nắm xôi Má nấu cũng đã đi vào các bữa ăn trong cuộc sống đời thường của con, lúc ấm êm cũng như khi gian khó:

Chiều dừng quân, trợn trạo lùa cơm sấy,
Con bùi ngùi, nhớ lại nắm xôi xưa.
(Cặp đệm nắm xôi)

Nhà mình nghèo, Má lo cho con sao cho đủ ăn cũng vất vả, chật vật lắm rồi. Đó là lý do tại sao sau này miếng ăn đã gợi cho con nhớ Má nhiều đến như thế. Không phải chỉ có “nắm xôi nếp” gợi nhớ, mà tất cả những món ăn khác của Má nơi quê nghèo. Các món ăn đạm bạc, tôm tép Má xúc ngoài mương rạch và rau trái Má trồng quanh nhà đã khiến con nhớ mãi. Vì thế, nhớ Má cũng là nhớ đến hương vị đậm đà của quê hương:

Chiều cuối năm nhớ nhà, nhớ tết,
Tép rang mằn mặn, canh mồng tơi,
Năm tận, tháng cùng, ngày sắp hết,
Lệ chan cơm buồn lắm Má ơi!
(Ngã ba sông)

Nhà mình nghèo, nên mặc dù là con nhà vườn, con chỉ được hái trái mận đèo để ăn, còn mận đẹp để làm mặt, đem bán. Có thể ngày ấy con chưa hiểu, nhưng sau này con càng thấy thấm thía và thương Má nhiều hơn:

Lê, táo quê người ăn sao xốp xộp,
Trái mận đèo, con cắn, bộp – dòn tan.
Trái mận đèo! Má cho con được hái,
“Nhà mình nghèo; mận mặt bán người ta!”
(Con vẫn muốn về quê gánh mận)

Nhất là sau này khi đã lìa xa quê hương, sống ở xứ người ê hề những lê cùng táo, thì chính trái mận đèo lại gợi nhớ đến Má biết bao! Nó làm con liên tưởng đến hình ảnh Má trong những ngày cuối đời: già yếu, run rẩy trong gió mưa cuộc đời:

Con thấy Má, áo bà ba lẩy bẩy,
Như trái mận đèo, run rẩy trong mưa!
(Con vẫn muốn về quê gánh mận)

Hình ảnh Má càng trở nên lung linh, chập chờn trong ngấn lệ rưng rưng của con:

Má đồng bưng rưng rưng tình mẫu tử,
Thương Má nhiều, thương cặp đệm, nắm xôi!
(Cặp đệm nắm xôi)

Thương Má nhiều nhưng con vẫn phải dứt áo ra đi. Đó là bi kịch của cuộc đời, là nghịch lý trong cuộc sống Má từng gánh chịu. Má biết thế, nên âm thầm, nhẫn nhục chịu đựng và chấp nhận hy sinh. Bởi Má hiểu tương lai, hạnh phúc của con chính là nguồn vui của Má, là chính cuộc sống của Má:

Vào chỗ chết tìm ra chỗ sống,
Tử biệt buồn hay nỗi sanh ly?
Thuyền ra biển, ngàn trùng biển sóng,
Vỗ ngàn sao – dõi mắt con đi.
(Ngã ba sông)

Để rồi từ đó lòng Má vẫn không nguôi thương nhớ con xa. Má mòn mỏi mong chờ, đêm đêm ngọn đèn chong mắt trông ngóng tin con cho đến khi khô dầu, lụi bấc:

Xưa bến cũ con đi;
Nay bến cũ con về.
Mòn mỏi Má đợi mong,
Trong sức tàn, lực kiệt:
Đèn khô dầu, lụi bấc
Đôi mắt khép lại rồi!

Ôi, tình Má thương con! Bao la và mãnh liệt quá đi thôi! Nó vượt qua cả giới hạn của sự sống chết. Má không chỉ thương con lúc còn sống mà cả khi Má đã qua đời. Đôi mắt Má giờ đã khép lại, nhưng lòng thương nhớ, mong đợi con vẫn rộng mở, vẫn thăng hoa. Vong linh Má có lúc vươn xa tít tận trời, như đang tìm kiếm đứa con xa:

Ôi Má ơi! Cả trời thương sụp đổ.
“Con không kịp về, giờ phút cuối, Má thương ơi!”

Ngôi vườn cũ ai sẽ ngồi đốt lá?
Khói lên trời tìm kiếm đứa con xa.
(Chuông ơi đừng reo nữa!)

Có lúc Má lại quanh quất thật gần, như vẫn còn đang quấn quít, ấp ủ, không muốn rời xa con:

Ôi! Má của con, Má của con!
Từ nay thôi chắc chẳng còn ai
thương con như thế nữa?
Bếp lửa chiều hôm chợt tắt rồi,
Mờ bóng Má chập chờn trên vách lá,
Má về đâu? sinh, tử: cõi vô thường.
(Nhận của con nếu có chỉ là thơ)

Và khi Ngọn đèn chong mắt đã tắt, Má đã ra đi, để lại trong con cả một trời thương nhớ. Má mất rồi! Má đã thực sự trở về với Đất Mẹ, với Quê Hương, bởi “má là quê hương, quê hương là má” (Chuông ơi đừng reo nữa!). Bây giờ con đã hiểu tại sao mỗi khi con thiết tha nhớ Má, con lại càng quay quắt nhớ quê nhà mình. Cái gia tài lớn nhất Má dành để lại cho con chính là Quê Hương. Nơi quê hương ấy là cả một trời nắng ấm, ấm áp tình Má thương con. Nơi quê hương ấy, có những ngày tháng êm đềm, gợi cho con nhớ bao kỷ niệm thân thương bên Má. Nơi quê hương ấy, bên những dòng nước phù sa uốn quanh, những mảnh vườn sum suê cây trái, những cánh đồng lúa mênh mông, vẫn còn hằn sâu dấu chân cò lặn lội, một đời tận tuỵ, vất vả, hy sinh của Má – của những bà Mẹ Việt Nam:

Con đã qua
mùa đông quê người
lạnh thấu xương!
để con nhớ
quê nhà ta
cả một trời nắng ấm.

Con đã qua
mùa hạ quê người
cháy rát da!
để con nhớ
quê nhà ta
cuối năm trời chớm lạnh;

Đất quê người,
thân con, đời cô quạnh,
Tha thiết hoài,
nỗi nhớ Má, thương Quê.

Nghĩa Sỹ
(Ngày Hiền Mẫu – Mother’s Day)

Theo http://nguyennaman.wordpress.com/2012/05/10/hinh-anh-ma-trong-tho-doan-xuan-thu/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn