BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư ngỏ gửi con cựu TBT Lê Duẩn

30 Tháng Bảy 200612:00 SA(Xem: 2648)
Thư ngỏ gửi con cựu TBT Lê Duẩn
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
 

Anh Lê Kiên Thành kính mến!

Đọc một loạt bài của anh, của mẹ anh và của ông Lê Đức Anh (thuộc cấp cũ của cha anh) trên báo chí trong nước trong những ngày qua, viết về cha anh - ông Lê Duẩn - vị tổng bí thư tài ba của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), trong tôi có biết bao tâm sự đan xen lẫn lộn, thật là khó tả. Vì vậy thì tôi muốn trao đổi thẳng thắn với anh một số điều.

Thưa anh!









 
Lê Duẩn vào Nam lấy vợ - Nguyễn Thuỵ Nga (Rừng U Minh 1950)
Nguồn: netnam.vn

 



Trước hết cho tôi được nói đến những cảm giác thích thú và khâm phục của mình đối với ba của anh. Tôi đồng ý với anh rằng ba anh là một người vĩ đại và có ý chí kiên cường, một người cộng sản dân tộc với đúng nghĩa của nó. Ở ông thì sự trung thành với lý tưởng đã chọn là điều vô cùng nổi bật. Tôi thích nhất đoạn mẹ anh kể về sự lựa chọn của ông, khi quyết định đặt vấn đề với vợ ông. Ông đã chọn sự chung thủy (?), cũng chính vì vậy mà ông đã chọn được một đội ngũ những người đồng đội, cán bộ dưới quyền hết sức trung thành. Điều ấy nó giúp cho ông đưa những ý tưởng của mình thành hiện thực.

Nhưng thưa anh, có lẽ cuộc sống của những người bình thường sau năm 1975 thì mãi mãi chả ai quên cả. Không một ai trải qua giai đoạn đó lại có thể quên được những miếng bánh bột mỳ luộc vội, những hàng dài chờ mua gạo, mua mắm, mua dầu hoả… Rồi tiếp theo là hai cuộc chiến tranh biên giới làm đất nước càng thêm tang thương, nghèo khổ.

Mọi người vẫn nhớ mãi mỗi sáng khi ngủ dậy đều chỉ thấy cảm giác đói mà thôi. Mà anh cũng thừa biết, khi đói thì không ai muốn làm bất kỳ việc gì cả. Đồng ruộng bỏ hoang, nhưng tất cả lại thiếu, từ bát gạo củ khoai, trẻ nhỏ đến trường đói đến bụng ỏng đít beo. Và tất cả những điều ấy toàn dân đều không biết kêu ai. Đến cha anh và các đồng chí của mình mà còn bảo rằng đấy là do cơ chế. Nhưng cơ chế ấy là do ai nghĩ ra? Không phải ba anh và Bộ chính trị thì còn ai đây?

Đúng, cha anh là người thông minh, ông đã nghĩ ra những điều mà các đồng chí của ông không nghĩ tới. Nhưng thưa anh, đấy là sự thông minh của người không được học hành cơ bản, nó có thể vượt trội hơn những người khác, nhưng lại đi sau hàng bao đời so với thế giới xung quanh.

Khi cha anh nói ra những ý tưởng “làm chủ tập thể” và “nâng cao sức mạnh quản lý của cấp huyện”, thì tôi không biết rằng với ai đó là "mới", nhưng ở các nước tư bản người ta đã làm như vậy từ hàng thế kỷ trước, và họ gọi đấy là “chính quyền tự quản địa phương”. Sau khi trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn thì giới tư bản đã hiểu được thế nào là “bỏ trứng vào một giỏ” và họ đã bán cổ phần của mình cho giới thợ - là điều chính anh bảo là tâm đắc nhất - đấy chính là làm chủ tập thể, các chủ nhân khác nhau cùng tham gia quản lý, như ba anh đã nói. Tôi cho rằng, không phải là do cha anh không biết mà là ba anh cố tình không muốn biết mà thôi. Bởi vì trong tay ông đã có một hệ thống tình báo “giỏi nhất thế giới” (như báo chí ta vẫn thường ca tụng).

Cả đời cha anh, bố tôi, và muôn vàn đồng chí khác đã đấu tranh cho nhân dân, vì nhân dân, nhưng anh có công nhận với tôi rằng: chúng ta mất đi 5 triệu mạng người mà cái được của chúng ta quá là nhỏ bé không anh? Cái tôi muốn nói ở đây không phải là kinh tế, cái tôi muốn nói ở đây là Xã hộiLương tâm.

- Xã hội của chúng ta đang đứng trên nền tảng của sự băng hoại. Chủ nghĩa xã hội luôn luôn tự hào với giáo dục và y tế không mất tiền, nhưng ở Việt Nam ta thì tất cả những điều ấy chỉ là trên giấy. Không mất tiền viện phí nhưng con bệnh thì nằm đất và chẳng có thuốc men. Không mất tiền học nhưng bắt trẻ em học thêm với lệ phí cao, với nhiều khoản đóng góp vô lý và sách đắt gấp ba, gấp bốn lần giá quy định.

- Người dân đang trở nên vô cảm trước những khổ đau của đồng loại, vì với họ giá trị cuộc sống chỉ đáng giá vài đồng, hỏi sao có thể thương được người khác đây? Đấy còn gọi là lương tâm được nữa không anh?

Anh đã và đang là một doanh nhân, anh thừa hiểu những yếu tố cần có cho sự thành đạt, vậy anh thấy với xã hội này chúng ta sẽ có bao nhiêu đây những doanh nhân thành đạt? Khi họ không còn cả khái niệm về lương tâm?

Lại nói đến cuộc chiến xưa, tôi thực sự đã khóc khi đọc những vần thơ này:

Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi!
Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong
Một trong 30 người kia trở về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ
Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Vẫn có thể cười...

(Chế Lan Viên - Ai?Tôi?)

Thế đấy! Một nhà thơ nhỏ bé mà cũng còn trăn trở về cái lỗi của mình, vậy mà sau bao năm nay đã ai đó trong những vị lãnh đạo có một lời xin lỗi những người lính chiến khi xưa chưa? Đúng, thưa anh, đảng ta phải có lời xin lỗi, xin lỗi về những nhầm lẫn khi xưa, xin lỗi về những sự ấu trĩ bất tài của lãnh đạo thủa ấy và phải xin lỗi toàn dân cả về những sai lầm bây giờ.

Thưa anh!









Vì ông mà hàng ngàn hàng vạn người con đất Việt đã phải ra đi, người ra đi tìm tự do, kẻ ra đi vì miếng cơm manh áo, nhưng tất cả đều ra đi khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình
 


Anh đã không vừa lòng khi có những lời nói hơi quá về cha anh, nhưng có lẽ anh đâu được sống cuộc sống khổ sở như chúng tôi, những người thường dân của chế độ, vậy sao anh có thể hiểu được họ? Theo ý của anh và nhiều người, tôi thấy cha anh được tả như một người cộng sản có ý tưởng dân tộc cao, chính vậy, mà đã để xảy ra hai cuộc chiến biên giới. Nhưng nếu xét kỹ ra thì đâu phải chỉ do phía kẻ thù. Nếu như hoàn toàn do kẻ thù thì cũng phải có nguyên nhân chứ? Không ai và không ai có thể đồng ý với những lời giải thích chính thức cả, không có lý gì mà những người anh em hôm qua (như đảng ta thường tuyên truyền) lại có thể đổi mặt nhanh vậy được. Hay là do chúng ta đổi mặt quá nhanh? Vậy trách nhiệm lại thuộc về ai đây, hay là do mấy người dân tộc cho trâu ăn lúa phạm vào cánh đồng của họ? Thôi được, cứ cho là do kẻ thù gây ra đi, nhưng thưa anh, vậy sao giờ đây trên báo đài chính thức lại gọi họ là đồng chí? Vậy là đồng chí cũng giết nhau ư? Vậy thì mạng người dân Việt chúng ta quá nhỏ phải không anh? Ai đã ném từng ấy sinh mạng giữa các đồng chí với nhau, đã từng một thời môi hở răng lạnh, trở thành kẻ thù truyền kiếp rồi lại chuyển sang “hữu hảo, nỉ hảo” với 16 chữ vàng hiện nay?

Vâng, với anh và gia đình anh thì cha anh là anh hùng, nhưng với cả dân tộc thì cha anh phải chịu quá nhiều trách nhiệm về những gì mình đã làm. Nếu như là người có ý thức trách nhiệm công dân thì đã tự biết mình yếu kém trong quản lý kinh tế, thì ông lẽ ra đã tự từ chức từ đại hội IV rồi. Vậy sao cha anh không làm như vậy? Hay ông sợ? Ông sợ những người mà ông đã từng đàn áp sẽ quay lại đàn áp ông khi ông mất chức?

Chính vì ông mà hàng ngàn hàng vạn người con đất Việt đã phải ra đi, người ra đi tìm tự do, kẻ ra đi vì miếng cơm manh áo, nhưng tất cả đều ra đi khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình. Để rồi những người con của dân Việt tản mác, lang thang khắp nơi, trở thành môt dân tộc Di-gan (Gipsy) thứ hai trên thế giới! Anh đừng nói rằng những việc trên là do cơ chế nhé, nếu cơ chế là vậy thì cơ chế ấy là tội ác đấy anh. Anh đừng nói rằng cha anh không có toàn quyền, những chính sách ấy là do tập thể. Nếu vậy thì tại sao ba anh không đủ dũng cảm để chống lại những điều sai trái ấy, nếu ông là người có bản lĩnh?

Thôi thì lịch sử qua rồi, đâu có lấy lại được. Nhưng nếu ta cứ khăng khăng bảo lưu những điều sai trái kia thì thử hỏi rằng con cháu chúng ta sẽ nghĩ sao về cha mẹ chúng?

Anh Thành ạ!

Anh có nói rằng nếu đi theo tư bản thì chúng ta không bao giờ theo kịp họ và anh cũng đưa ra một câu nói hạnh phúc là do mình tự cảm nhận, anh nói rằng, thôi thì với 1.000 USD thu nhập một năm, nhưng nếu dân ta tự thỏa mãn thì cũng là sướng lăm rồi.Tôi thật không ngờ và vô cùng sửng sốt khi đọc đến đoạn này! Nếu như câu này do cha anh nói ra thì lại không nên chuyện, nhưng câu này lại do chính anh, một người có học, và được đào tạo cơ bản, lại là một doanh nhân thành đạt.

Thưa anh!

Chúng tôi đã có một cuộc sống tự thỏa mãn như vậy rồi đấy anh. Chắc anh và mọi người đều nhớ câu thơ “Chào sáu mốt, đỉnh cao muôn trượng…” của Tố Hữu? Không phải tự nhiên mà ông ta viết câu ấy. Tố Hữu đã viết câu ấy với cả niềm cảm xúc dạt dào nhất. Nhưng có lẽ câu thơ ấy hình như đã là cái điềm xấu báo trước cho dân tộc ta? Từ đấy (1961) đến nay chưa bao giờ dân tộc ta lại với lại được cái đỉnh cao xưa ấy. Thửa ấy xa xưa… nhưng đã làm gì xa xưa lắm, phải không anh? Nhưng rồi chiến tranh, rồi bom đạn. Tất cả như một giấc mơ dài đầy sợ hãi, cắt đứt bao hy vọng của tuổi trẻ ngày ấy…

Bây giờ tôi muốn trao đổi với anh tiếp về cái câu nói của anh. Thưa anh, câu nói của anh có thể là đúng, cũng như những câu nói của cha anh ngày trước, nhưng (lại nhưng) cái không hay của nó chính lại là một sự không tưởng, mà nguy hiểm hơn đấy là đội ngũ tuyên truyền nịnh bợ của xã hội ta sẽ lấy đấy để làm mục tiêu cho cả nước. Vậy bây giờ đề nghi anh hãy làm rõ thêm cho mọi người cái ý tưởng “Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”! Với mức thu nhập bình quân của Việt Nam cả năm 1.000 USD/đầu người là đủ thoả mãn rồi cho mọi người hiểu đi xem sao?

Vậy đây chính là cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” cụ thể mà từ trước đến nay vẫn là bí mật quốc gia phải không anh? Anh nhầm rồi. Anh nhầm cơ bản và anh đúng là một người mơ tưởng hão huyền y như ba anh ngày trước. Thứ nhất, 1.000 USD tính trung bình là mức lý tưởng, thì những người nghèo sẽ được bao nhiêu? 100, 200 hay 300 USD một năm đây? Ở bất kỳ xã hội nào, số người có thu nhập lý tưởng (cao nhất) chỉ chiếm không quá 20 % mà thôi, số còn lại là sống nhờ vào cái số kia, hoặc là thu nhập của người ta không quá 23% thu nhập lý tưởng. Là một người làm kinh tế chắc anh phải thừa nhận những gì tôi nói? Thứ hai, với mục tiêu thấp như vậy thì mấy vị lãnh đạo lại sẽ cho đất nước an tâm… “tụt hậu” là cái chắc!









Lê Vũ Anh, Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân), và Lê Kiên Thành (trên tay bồng) – Vợ và 2 con Lê Duẩn
Nguồn: netnam.vn

 


Tôi có một đề nghị thế này. Qua tất cả những gì anh nói về cha của mình, qua những gì mẹ anh kể về cha của anh và những gì đồng đội của cha anh kể lại, tôi thấy có lẽ hay nhất là anh phải đặt mục đích anh trở thành lãnh đạo cao nhất đất nước. Tôi không nói đùa đâu, cha anh còn quá nhiều viêc chưa làm, ông để lại một đất nước tan hoang, một dân tộc đầy hận thù chia rẽ, một lớp kế tục mà ngoài sự trung thành giáo điều thì không có gì xuất sắc cả.

Hãy mạnh dạn lên thưa anh, ở anh hội tụ đủ cả những yếu tố của một nhà lãnh đạo, anh được đào tạo cơ bản, anh đã học được ở cha anh nhiều điều, anh có quan hệ tốt với giới lãnh đạo cũ cũng như những doanh gia. Vậy tại sao anh lại không thể kế tục cha anh hoàn thành nốt những gì mà cha anh còn mang nợ với nhân dân?

Thưa anh!

Nếu như anh trở thành nhà lãnh đạo thì anh phải làm gì? Có lẽ đấy là việc sau này chúng ta sẽ trao đổi tiếp? Trước hết anh phải trở thành lãnh đạo đã. Tôi viết điều này vì nghe thiên hạ đồn đại anh hoàn toàn có thể trở thành lãnh đạo trong tương lai.

Một lần nữa kính chào anh, mong anh thứ lỗi nếu như có gì thất thố, nhưng sự thật thì hay mất lòng, như anh đã biết.

Matxcova, tháng 07/2006
Trần Công

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn