BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76302)
(Xem: 63007)
(Xem: 40404)
(Xem: 32000)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư ngỏ gửi Bùi Minh Quốc và bạn hữu

02 Tháng Tư 199712:00 SA(Xem: 1180)
Thư ngỏ gửi Bùi Minh Quốc và bạn hữu
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
Tôi nghe anh em trong đó xì xào chê trách anh Nguyễn Thanh Giang về “thái độ nhu nhược, van xin” trong buổi tiếp xúc với ban Văn hóa Tư tưởng trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Không biết ai cố tình tung dư luận đó? Mục đích là gì?



Anh Giang có nhận được giấy mời của ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng đựng trong phong bì đóng dấu hỏa tốc, do một người cầm đến nhà đưa tận tay. Giấy mời, nhưng lại hẹn anh đến gặp đại diện ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương tại trụ sở 10 Nguyễn Cảnh Chân lúc 16 giờ ngày 4 tháng 3 năm 1997. Anh Giang không trao đổi bàn bạc với ai, tự quyết định “nghênh chiến”, mặc dù có người cho rằng anh chẳng cần gì phải đến đó. Buổi gặp diễn ra rất gấp vào cuối một ngày làm việc, nhưng cũng đã kéo dài gần hai tiếng rưỡi đồng hồ. Hôm sau chúng tôi mới biết đấy là buổi chiều sát trước giờ khai mạc hội nghị văn hóa tư tưởng toàn quốc. Tiếp anh Giang hôm ấy có ông Đào Duy Quát (con trai ông Đào Duy Tùng) - phó trưởng ban VHTTTƯ - ông Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, và ông phó văn phòng ban VHTTTƯ.

Anh Giang có nói câu “...nhưng thôi, được gặp ban VHTTTƯ cũng là vinh hạnh rồi”, song câu đó được nói sau khi anh tuyên bố lẽ ra anh không đến vì anh không thuộc biên chế của ban VHTT, anh là nhà khoa học tự nhiên, không ở trong bất cứ tổ chức nào thuộc diện quản lý của ban VHTT cả. Anh cũng đã đem chuyện giấy mời của một đại biểu Quốc hội Hoa kỳ gửi anh ra để làm mẫu và giảng giải cho họ về phép lịch sự cần thiết tối thiểu thể hiện qua việc viết giấy mời của một cơ quan muốn được xem là Văn hóa. Trong bối cảnh đó, câu nói trên là sự hài hước.

Phải nói rằng, ban VHTTTƯ đã chuẩn bị rất kỹ cho buổi làm việc này. Anh Giang kể rằng anh nhìn thấy trước mặt Đào Duy Quát nhiều tập giấy tập hợp các ý kiến phản biện, thu thập từ các nhà lý luận được phân công đọc trước từ nhiều cơ quan. Hai tập dầy nhất là của ban VHTTTƯ và của Học viện Nguyễn Ái Quốc. Mặc dầu vậy, anh đã giành được đến quá 2/3 số giờ của buổi họp, để không chỉ phản bác tất cả ý kiến nêu ra, mà còn tranh thủ diễn giảng khá say sưa về những luận điểm của mình. Đào Duy Quát đã lúng túng chỉ còn biết kết luận khiên cưỡng rằng vì bài viết “Nhân quyền - Khát vọng ngàn đời” là một tài liệu hết sức nguy hiểm nên đề nghị không được tán phát... Cảm thấy bất lực, ban VHTTTƯ sau đó lại “đẩy quả bóng” về cơ sở, với ý đồ “phát động q uần chúng đấu tranh diệt trí thức”.

Ngày 25-3-1997, Mặt trận Tổ quốc xã Trung hòa, huyện Từ liêm, mời anh Giang ra trụ sở “để làm việc”. Lần này nhiều người khuyên anh Giang “đừng thèm ra”. Nhưng anh lại vẫn ra. Có thể là anh thích đương đầu. Có thể là anh muốn “biến trường đấu tố độc tài” thành “diễn đàn dân chủ”.

”Diễn đàn” hôm ấy có hơn 20 người, gồm 2 ông tướng, khoảng một nửa là đại tá, đại diện VHTT thành ủy Hà Nội, công an.... Người ta đã phân công cho một số người đọc trước hàng tuần lễ để chuẩn bị ý kiến phản kích. Năm người, trong đó có 2 ông tướng, được chỉ định “nổ súng”. Hầu hết cầm giấy đọc, khá trang trọng. Cuộc họp diễn ra từ 8 giờ 30 sáng đến quá 11 giờ trưa. Lần này anh Giang chỉ được “diễn thuyết” tổng cộng không quá 60 phút, nhưng một cựu chiến binh tham dự kể lại rằng anh Giang giọng sang sảng, đôi khi làm thính giả trố mắt khi anh chứng minh rằng:

* Anh bảo vệ uy tín, danh dự Hồ Chí Minh còn tốt hơn hệ thống tuyên giáo của Đảng và Nhà nước. Cách tuyên truyền Hồ Chí Minh như là thần thánh, là kiểu tuyên truyền quan liêu vô trách nhiệm. Cách làm đó dễ nhưng không thuyết phục, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Anh chủ trương nói rõ cụ Hồ là một con người mang những yếu tố thánh nhân. Yếu tố này thấy rõ ở nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Đã là con người thì có sai có đúng có xấu có tốt. Chính Bộ Chính trị ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam chẳng đã khẳng định cụ Hồ rất sai lầm khi họ thẳng tay bác bỏ hai trong các lời di chúc của cụ: miễn thuế 2 năm cho nông dân sau ngày chiến thắng và thiêu xác cụ đó sao!

* Từ 1945 đến nay đã có 45 nước giành được độc lập mà không nước nào phải rơi xương đổ máu quá ư tàn hại như Việt Nam! Vậy thì con đường đảng CSVN đã chọn có thật là tất yếu không?

* v.v...

Nhiều lý lẽ ứng biến tức thời của anh Giang như đã có giá trị khai hóa cho nhiều người tham dư buổi họp đó. Anh bạn cựu chiến binh của tôi xác nhận rằng anh Giang tuy nói rất to nhưng giữ được thái độ điềm tĩnh, cởi mở. Tiếc rằng sau khi nghe chủ tọa tổng kết rất nhảm nhí, anh không giữ được bình tĩnh đứng lên vung tay tuyên bố: “Tôi đề nghị cho đăng bài của tôi lên báo rồi vận động quần chúng phân tích, phê phán. Nếu đa số cho tôi là phản động và nguy hiểm thì cứ đưa ra tòa. Các anh muốm bắn, tôi sẵn sàng đứng phanh ngực. Chỉ mong hãy biết sợ lịch sử, mà lịch sử thời nay diễn tiến rất nhanh, không nhất thiết phải hàng thập kỷ mà đôi khi chỉ tính năm tính tháng”.

Đáp lại lời chủ tọa đe dọa sẽ tiếp tục mời vợ con ra “làm việc”, anh Giang cũng phản ứng mạnh mẽ rằng: “Đừng áp dụng lại phương kế đấu tố cũ rích đối với vợ con con tôi. Nếu cần tôi sẽ tuyệt thực hoặc tự thiêu trước khi các anh hạ nhục tôi!”.

Khác với nhà văn Hoàng Tiến sẵn sàng đốp chát với công an hay với mấy vị Vụ trưởng ở văn phòng Quốc hội, rồi đứng lên bỏ ra về ngay sau vài câu mở đầu giao tiếp mà Hoàng Tiến cho là xược. Nguyễn Thanh Giang chủ trương rắn rỏi trong lý luận, quyết liệt trong ý chí nhưng mềm dẻo trong ứng xử. Tôi nghĩ rằng: tiết tháo như Hoàng Minh Chính, khẳng khái như Hoàng Tiến hay kiên cường như Nguyễn Thanh Giang đều rất đáng yêu mến và quý trọng. Cũng như các anh, các anh ấy đều rất cần thiết và có ích cho công cuộc đổi mới thực sự, bảo đảm tự do dân chủ, tạo điều kiện cho đất nước phát triển bền vững đến giàu mạnh, văn minh.

Tôi hoan nghênh ông Hoàng Minh Chính với chủ trương vận động mở hội nghị Diên Hồng vào đầu thế kỷ 21 gồm 3 thành phần: những người Cộng sản, những người khác quan điểm với đảng CSVN ở trong nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Tôi hoàn toàn ủng hộ các anh kiên trì đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tôi trân trọng chủ trương của anh Nguyễn Thanh Giang trong nỗ lực thuyết phục tôn trọng và thực thi những giá trị cơ bản của nhân loại, tạo tiền đề cần thiết cho Việt Nam hội nhập được vào trào lưu chung của cộng đồng quốc tế. “Nhân quyền - Khát vọng ngàn đời” có lẽ là bài viết rành mạch, đúng đắn đầu tiên trong nước về vấn đề này. Lịch sử sẽ xác nhận điều đó.

Tôi mạo muội xin thay mặt các sĩ phu Bắc Hà ở ngoài này chúc sức khỏe và ý chí kiên cường của các anh. Chúc tất cả đoàn kết thống nhất trên cơ sở tôn trọng, tin tưởng nhau vì mục tiêu chung của đất nước.

Hà Nội, 2 tháng 4 năm 1997
(ký tên)
Phạm Vũ Sơn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn